Wednesday, November 8, 2023

Xung đột Israel-Palestine: Cái nhìn từ lịch sử - Quốc Đạt

 
Với việc Phong trào Hamas ở Palestine tiến hành cuộc tấn công chưa từng có nhằm vào Israel và cuộc tấn công trả đũa của nước này, cộng đồng quốc tế một lần nữa tập trung sự chú ý tới chảo lửa Trung Đông và những gì có thể xảy ra tiếp theo. Dưới đây là hướng dẫn đơn giản để độc giả có thể nắm bắt được những sự kiện và diễn biến chính của một trong những cuộc xung đột dai dẳng nhất lịch sử hiện đại.


Vùng đất Palestine lịch sử
  • Palestine là một khu vực địa lý tại Tây Á, nằm giữa Địa Trung Hải và sông Jordan, ở vào một vị trí chiến lược, là giao lộ giữa Ai Cập, Đại Syria và bán đảo Ảrập.
  • Từ thế kỷ thứ 11 TCN, nhà nước cổ đại của người Do Thái đã ra đời ở vùng đất Palestine. Các vị vua Do Thái nổi tiếng trong thời kỳ này có thể kể đến như vua David (người đã đánh bại gã khổng lồ Goliah) hay Solomon (người cho xây dựng đền thờ Do Thái thứ nhất).
  • Ngày nay người ta biết về thời kỳ này rất ít, chủ yếu qua kinh Cựu ước. Nhưng nó cũng chứng minh một điều quan trọng: Sự hiện diện của người Do Thái trên mảnh đất này đã có từ rất lâu, trước khi những người Ảrập chiếm được nó. Sau khi vua Solomon qua đời, nhà nước Do Thái suy yếu, xảy ra nội chiến và bị chia cắt, trước khi bị thôn tính bởi người Babylon và người Assyria.
  • Đến thế kỷ thứ 8 TCN, các quốc gia của người Do Thái đã bị tiêu diệt hoàn toàn, vùng đất Palestine lần lượt nằm dưới sự cai trị của các Đế chế Assyria, Đế chế Babylon, Đế chế Ba Tư, Đế chế La Mã trong hàng thế kỷ sau đó. Người Hồi giáo Ảrập trong quá trình bành trướng của họ đã chiếm được khu vực này vào thế kỷ thứ 8 từ tay người La Mã. Trải qua nhiều thăng trầm, Palestine tiếp tục bị kiểm soát bởi người Hồi giáo trong hàng thế kỷ với sự cai trị lần lượt của các đế chế Hồi giáo Ayyubid, Đế chế Mamluk và đế chế Ottoman.
Khởi nguồn của xung đột
  • Cuối thế kỷ 19, người Do Thái sau hai thiên niên kỷ phiêu bạt đã cho ra đời Phong trào Phục quốc Do Thái với mục tiêu thành lập một quốc gia có chủ quyền cho dân tộc của họ ở khu vực Trung Đông. Trong khi đó, phong trào chủ nghĩa dân tộc Ảrập cũng được hình thành để tìm cách giành độc lập từ Đế chế Ottoman. Với sự gia tăng của chủ nghĩa bài Do Thái ở Châu Âu, một làn sóng di cư của người Do Thái tới Palestine đã diễn ra từ đầu những năm 1880. Người Ảrập ở Palestine hiển nhiên không hài lòng trước làn sóng này, mâu thuẫn giữa hai bên đã bắt đầu âm ỉ từ đây.
  • Đế chế Ottoman tham chiến trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, đứng về phía phe Liên minh (cùng Đức, Áo-Hung) để chống lại phe Đồng minh (Anh, Pháp, Nga). Kết cục: phe Liên minh thất bại, còn đế chế Ottoman tan rã thành nhiều quốc gia độc lập.
  • Sau chiến tranh thế giới, lãnh thổ Palestine (khi đó bao gồm tất cả những vùng hiện có của Israel và Jordan) được đặt dưới chế độ “ủy trị” của Anh tức được Hội Quốc Liên ủy nhiệm để kiểm soát trong một khoảng thời gian nhất định cho đến khi họ trao trả vùng đất này cho "chủ nhân" thực sự. Nhưng "chủ nhân" đó là ai? Người Ảrập hay người Do Thái?
Tuyên bố Balfour năm 1917

Tuyên bố Balfour năm 1917. Ảnh: History.com
  • Vào ngày 2.11.1917, Ngoại trưởng Anh lúc bấy giờ là Arthur Balfour đã viết một lá thư gửi tới Lionel Walter Rothschild, một người đứng đầu cộng đồng người Do Thái ở Anh.
  • Bức thư rất ngắn - vỏn vẹn 67 từ - nhưng nội dung của nó đã gây ra một cơn địa chấn đối với Palestine mà tác động của nó, chắc chắn vẫn còn được cảm nhận cho đến ngày nay.
  • Bức thư cam kết chính phủ Anh sẽ “thành lập ở Palestine một quốc gia cho dân tộc Do Thái” và tạo điều kiện thuận lợi để “thực hiện mục tiêu này”. Bức thư được gọi là Tuyên bố Balfour.
  • Về bản chất, Tuyên bố Balfour là việc một cường quốc châu Âu hứa với Phong trào Phục quốc Do Thái sẽ giúp họ thành lập một “quốc gia” ở nơi người bản địa Ảrập Palestine chiếm hơn 90% dân số.
  • Các quốc gia Ảrập cho rằng vì vùng đất này do người Hồi giáo cai trị hơn một thiên niên kỷ và dân số đa số là người Ảrập nên Palestine phải là một phần của một quốc gia Ảrập, có thể là Syria.
  • Nhưng Chính phủ Anh thì cho rằng vương quốc Do Thái đã trị vì ở nhiều khu vực Palestine trong hơn 1.000 năm và rằng người Ảrập đã có một số quốc gia với diện tích hàng triệu km vuông trong khi người Do Thái lại không có nhà nước của mình.
  • Chế độ ủy trị của Anh được thành lập vào năm 1923 và tồn tại cho đến năm 1948. Trong thời gian đó, người Anh đã tạo điều kiện cho người Do Thái nhập cư hàng loạt vào Palestine, dẫn đến những căng thẳng giữa hai cộng đồng.
Cuộc nổi dậy Ảrập những năm 1930
  • Căng thẳng leo thang cuối cùng đã dẫn đến cuộc nổi dậy Ảrập, kéo dài từ năm 1936 đến năm 1939.
  • Vào tháng 4.1936, Ủy ban Quốc gia Ảrập mới thành lập đã kêu gọi người Palestine phát động một cuộc tổng đình công, giữ lại các khoản thuế và tẩy chay các sản phẩm của người Do Thái để phản đối chủ nghĩa thực dân Anh và sự gia tăng nhập cư của người Do Thái.
  • Cuộc đình công kéo dài 6 tháng đã bị người Anh đàn áp dã man, họ đã phát động chiến dịch bắt giữ hàng loạt và tiến hành phá hủy nhà cửa để trừng phạt.
  • Đến nửa cuối năm 1939, Anh đã tập trung 30.000 quân ở Palestine. Các ngôi làng bị ném bom bằng máy bay, lệnh giới nghiêm được áp đặt, nhà cửa bị phá hủy, các vụ giam giữ hành chính diễn ra phổ biến.
  • Trong ba năm nổi dậy đó, 5.000 người Palestine đã thiệt mạng, 15.000 đến 20.000 người bị thương và 5.600 người bị cầm tù.
Kế hoạch phân chia của Liên Hợp Quốc năm 1947


Kế hoạch Phân chia Palestine của LHQ năm 1947. Ảnh: Al Jazeera
  • Giai đoạn "ủy trị" của Anh tại Palestine kéo dài từ năm 1923, cuối cùng đã buộc phải chấm dứt vào năm 1947 sau khi Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết 181, thực hiện kế hoạch phân chia vùng đất Palestine thành một nhà nước của người Ảrập và một nhà nước của người Do Thái, trong khi thành phố thánh Jerusalem được đặt dưới sự quản lý quốc tế. Kế hoạch đã châm ngòi cho cuộc xung đột dai dẳng mà chúng ta biết ngày nay.
  • Hầu hết người Do Thái ở Palestine và khắp nơi trên thế giới hài lòng và chấp nhận kế hoạch phân chia của LHQ, cả hai siêu cường là Hoa Kỳ và Liên Xô cũng nhất trí với kế hoạch này.
  • Tuy nhiên, người Palestine và cộng đồng Ảrập không chấp nhận vì kế hoạch của LHQ giao khoảng 56% diện tích Palestine cho nhà nước Do Thái, bao gồm phần lớn khu vực ven biển màu mỡ. Vào thời điểm đó, người Palestine đang sở hữu 94% diện tích Palestine lịch sử và chiếm 67% dân số.
Chiến tranh Ảrập-Israel 1948

Lãnh thổ Israel và Palestine qua các thời kỳ. Ảnh: Al Jazeera
  • Tuân thủ theo nghị quyết của LHQ, người Do Thái đã chính thức tuyên bố thành lập nhà nước Israel vào ngày 14.5.1948. Chỉ vài giờ sau tuyên bố độc lập, Liên Xô là quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận nhà nước Israel, và Hoa Kỳ cũng nhanh chóng làm theo.
  • Các nước Ảrập (gồm Ai Cập, Iraq, Jordan, Syria, Ảrập Xêút, Lebanon và Bắc Yemen) quyết tâm đè bẹp quốc gia Israel mới chào đời, do đó họ đã đem quân xâm lược Israel, dẫn đến sự bùng nổ của Chiến tranh Ảrập-Israel 1948.
  • Kết thúc: Israel giành chiến thắng, giữ được toàn bộ vùng lãnh thổ mà LHQ chia cho họ, và chiếm thêm được 60% vùng lãnh thổ được trao cho người Ảrập tại Palestine theo kế hoạch phân chia. 40% còn lại được các nước Ảrập tham chiến chia nhau: Jordan sáp nhập Bờ Tây, Ai Cập chiếm lấy Dải Gaza.
  • Còn đối với với Jerusalem, theo kế hoạch phân chia của LHQ thì sẽ được quốc tế quản lý, tuy nhiên sau khi cuộc chiến kết thúc thì kế hoạch đã không bao giờ được thực hiện. Israel đã sáp nhập vùng phía tây của thành phố và tuyên bố đây là thủ đô của đất nước, còn Jordan chiếm lấy phần phía đông.
  • Cuộc chiến tranh này đã gây ra khoảng 15.000 thương vong. 750.000 người Palestine phải chạy trốn, dẫn đến làn sóng di cư khổng lồ của người Ảrập tại Palestine sang các quốc gia láng giềng.
Cuộc chiến Sáu ngày năm 1967
  • Năm 1967, các nước Ảrập lên kế hoạch tấn công Israel lần thứ hai, với mục đích tự vệ Israel đã mở một chiến dịch tấn công phủ đầu vào cả ba nước Ảrập là Syria, Jordan và Ai Cập, dẫn đến sự bùng nổ của cuộc Chiến tranh Sáu ngày.
  • Kết thúc cuộc chiến là một thắng lợi vang dội cho Israel, họ đã chiếm được Bờ Tây (bao gồm cả Đông Jerusalem) từ tay Jordan; Dải Gaza và bán đảo Sinai từ tay Ai Cập, cùng với cao nguyên Golan từ tay Syria.
Cuộc chiến Yom Kippur năm 1973 và Hiệp định Camp David
  • Năm 1973, các lực lượng quân sự của Ai Cập và Syria bất ngờ tấn công Israel vào ngày lễ Yom Kippur của người Do Thái, với mục tiêu tái chiếm các vùng lãnh thổ bị mất trong Chiến tranh Sáu ngày. Tuy vậy cuộc xâm lược này tiếp tục thất bại trước sự phản kháng mạnh mẽ của Israel.
  • Đối với Israel, tuy phản công thắng lợi vào giai đoạn sau, nhưng tổn thất nặng về vũ khí và nhân lực khiến nước này thấy cần đàm phán hòa bình với khối Ảrập.
  • Theo Hòa bình David Camp năm 1978 do Mỹ làm trung gian, Israel đã trả lại Bán đảo Sinai cho Ai Cập. Đổi lại Ai Cập chính thức công nhận nhà nước Israel và rút khỏi liên minh chống Israel.
Chiến tranh Nam Lebanon và Hiệp định Oslo 1993
  • Vào năm 1964, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) được thành lập bởi Yasser Arafat, hoạt động chủ yếu ở Ai Cập. Mục tiêu ban đầu của tổ chức này là tiêu diệt Nhà nước Israel thông qua đấu tranh.
  • Sau cuộc chiến Sáu ngày, PLO buộc phải tháo chạy sang Jordan và sau đó di dời đến Nam Lebanon, nơi đây đã được PLO sử dụng làm căn cứ để tiến hành các cuộc tấn công vào miền Bắc Israel cũng như các chiến dịch không tặc trên toàn thế giới.
  • Sau vụ PLO ám sát hụt một nhà ngoại giao Israel năm 1982, Israel đã đáp trả bằng việc mở một cuộc tấn công toàn diện vào Lebanon, nơi trú ẩn của PLO. Các nhóm vũ trang của Palestine bị đánh bại nhanh chóng trong vòng vài tuần, và trụ sở của PLO đã được sơ tán đến Tunisia vào tháng 6 theo quyết định của Yasser Arafat.
  • Đến đầu những năm 1990, các nỗ lực quốc tế để giải quyết cuộc xung đột đã bắt đầu.
  • Hiệp định Oslo năm 1993 được coi là bước tiến lớn trong tiến trình hòa bình. Theo điều khoản của hiệp định, PLO thừa nhận sự tồn tại của Nhà nước Israel và cam kết từ bỏ đấu tranh bạo lực. Đổi lại, Israel cũng công nhận PLO là đại diện của người dân Palestine. Ngoài ra, PLO cũng được phép di dời khỏi Tunisia và thành lập Chính quyền Quốc gia Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza.
  • Hiệp định này được coi là một bước ngoặt: lần đầu tiên PLO chấp nhận giải pháp hai nhà nước, tức họ không còn đòi hỏi chủ quyền đối với toàn bộ vùng đất Palestine nữa.
  • Tuy vậy, hiệp định đã vấp phải sự phản đối đáng kể từ các nhóm Hồi giáo cực đoan của Palestine, tiêu biểu là Phong trào Hamas. Họ lên án Arafat là "thỏa hiệp với kẻ thù" và ngay lập tức khởi xướng một chiến dịch khủng bố nhằm vào người Israel. Hòa bình lại một lần nữa không thể thành hiện thực.
Sự chia rẽ nội bộ Palestine và cuộc phong tỏa Gaza
  • Lãnh đạo PLO Yasser Arafat qua đời năm 2004, và một năm sau, phong trào Intifada lần thứ hai kết thúc, các khu định cư của Israel ở Dải Gaza bị dỡ bỏ, binh lính Israel cùng 9.000 người định cư rời khỏi vùng đất này.
  • Một năm sau, người Palestine lần đầu tiên đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử. Hamas giành được đa số phiếu. Tuy nhiên, một cuộc nội chiến Fatah-Hamas đã nổ ra, kéo dài nhiều tháng, dẫn đến cái chết của hàng trăm người Palestine.
  • Hamas trục xuất Fatah khỏi Dải Gaza, và Fatah - đảng chính của Chính quyền Palestine - nối lại quyền kiểm soát các khu vực ở Bờ Tây.
  • Vào năm 2007, Israel áp đặt lệnh phong tỏa trên bộ, trên không và trên biển đối với Dải Gaza, cáo buộc Hamas là "khủng bố".
4 cuộc chiến ở Dải Gaza
  • Tính đến trước cuộc chiến hiện tại, Israel đã tiến hành 4 cuộc tấn công quân sự kéo dài vào Gaza: vào các năm 2008, 2012, 2014 và 2021. Hàng nghìn người Palestine đã thiệt mạng và hàng chục nghìn ngôi nhà, trường học và tòa nhà văn phòng đã bị phá hủy.
  • Năm 2012, LHQ thông qua nghị quyết, nâng cấp Chính quyền Nhà nước Palestine lên vị thế "nhà nước quan sát viên phi thành viên". Việc thay đổi vị thế này được mô tả là công nhận thực tế chủ quyền quốc gia của người Ảrập Palestine.
  • Tiến trình hòa bình hiện nay vẫn đang đối mặt với rất nhiều trở ngại bởi các bên không ủng hộ giải pháp hai nhà nước, đặc biệt là từ các từ Phong trào cực đoan Hamas của Palestine. Những gì vừa diễn ra những ngày qua cho thấy cuộc xung đột dai dẳng kéo dài gần một thập kỷ này có lẽ còn lâu mới tới hồi kết thúc.

Quốc Đạt

No comments:

Post a Comment