Wednesday, March 8, 2023

Hỏi chuyện một nguời Việt đang sống tại Kyiv, Ukraine (phóng sự Nhật Hiên trong Diễn Đàn Thế Kỷ)

 Anh
Nguyễn Xuân Quang đến Kyiv, thủ đô Ukraine để học đại học từ những năm
cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Khi đó Ukraine còn là một nước Cộng
hòa trong Liên Bang Xô Viết. Lúc đầu anh Quang cũng chỉ nghĩ là ở lại
đây một thời gian rồi về nước hoặc tùy tình hình thì tính tiếp. Nhưng
dần dần, anh cảm thấy đây là nơi mình có thể gắn bó cuộc đời và quyết
định định cư lâu dài. Anh đã sống ở Ukraine suốt hơn 30 năm nay. Anh cho
biết: 
“Ukraine
là một đất nước xinh đẹp, người dân hiền hòa, mến khách, cuộc sống dễ
chịu. Khi Liên Xô tan rã, Ukraine tuyên bố độc lập. Và cũng như những
nước cộng hòa khác của Liên Xô, Ukraine lâm vào khủng hoảng chính trị,
kinh tế, xã hội thay đổi. Nhưng cuộc sống dần dần đi vào ổn định, có
những cải cách xã hội hướng tới tiêu chí phát triển như Ba Lan và các
nước Châu Âu. Tuy vậy những cải cách này chậm và luôn bị phá hoại bởi
những đảng phái thân Nga hoặc âm thầm nhận tài trợ của Nga, lôi kéo
Ukraine về quỹ đạo của Nga”. 

Trước chiến tranh toàn Ukraine có khoảng 10,000 người Việt Nam, chủ yếu tập trung  các thành phố lớn là Kharkov, Kiev và Odessa. Ngày
24.2.2022 Putin ra lệnh đưa quân tấn công Ukraine, cuộc chiến bùng nổ.
Cho đến tận giờ phút này, anh Quang cùng với số người Việt còn lại,
khoảng chừng 500-600 người, trong đó Kyiv khoảng gần 100 người, vẫn
quyết định bám trụ tại Ukraine mặc cho chiến tranh diễn ra dữ dội từng
ngày.

Dưới đây là cuộc trò chuyện của anh với Diễn Đàn Thế Kỷ.

*******

+
Thưa anh, trước khi cuộc chiến nổ ra thì cuộc sống của anh như thế nào?
Và trong năm qua anh và gia đình làm thế nào để tồn tại về kinh tế?

-Trước
ngày 24.02.2022 nói chung cuộc sống của người dân Ukraine cũng không có
gì gọi là khó khăn. Tôi có công ty làm xuất nhập khẩu hàng thực phẩm,
hàng nông nghiệp. Công việc như bà con Việt Nam ở đây hay nói là: túc tắc. Cuộc sống ổn định.

Khi
chiến tranh xảy ra mọi thứ bị đảo lộn. Ngay từ ngày đầu tiên một số
nhân viên đã xung phong vào các đội dân quân phòng vệ và sau đó họ đăng
ký vào quân đội Ukraine. Công việc trở nên khó khăn hơn. Hàng hóa nhập
vào Ukraine không thể qua cảng Odessa được nữa. Nhưng tôi cùng các đồng
nghiệp vẫn cố gắng tìm những con đường khác để tiếp tục công việc. Đối
với người dân thường Ukraine như tôi thì làm việc, trả lương cho nhân
viên, trả thuế cho nhà nước trong thời gian hiện nay cũng là góp phần
vào việc chiến đấu bảo vệ đất nước và giảm đi gánh nặng cho xã hội. Dù
sao mình cũng tự lo được cho mình, không phải nhờ tựa nhà nước.

+
Anh có thể kể lại những suy nghĩ, cảm xúc của anh khi chiến tranh nổ
ra? Trước đó anh và gia đình anh có nghĩ là Nga sẽ tấn công Ukraine
không hay là anh cũng bị bất ngờ như rất nhiều người Ukraine khác và
nhiều người trên thế giới?


Khi nga xâm lược toàn diện Ukraine vào sáng 24.02.2022, tôi không nghĩ
đó là sự thực! Một cảm xúc khó có thể tả bằng lời được. Tiếng nổ trên
TV, tiếng nổ ở ngoài phố, tiếng vợ hỏi phải làm gì bây giờ, tiếng lũ trẻ
trách đã bảo là chạy đi Lviv từ mấy hôm trước thì không đi… Có thể nói
là ong ong hết cả lên.
Đây là điều bất ngờ, vì trước đó tôi phỏng đoán Nga sẽ đánh Ukraine
nhưng chỉ giới hạn ở vùng miền Đông, chiếm giữ toàn bộ lãnh thổ của hai
tỉnh Donetsk và Luhansk. Ukraine chắc sẽ không giữ nổi hai vùng lãnh thổ
đó. Các hướng khác quân Nga sẽ thể hiện oai phong sẵn sàng tham chiến,
ép Ukraine phải công nhận độc lập của “hai nước cộng hòa non trẻ” và
công nhận mất bán đảo Crưm (Crimea). Sự việc xảy ra không như dự đoán
sai lầm của tôi. 

Kyiv 24.2.2022 dưới hầm trú ẩn

+
Cuộc sống của gia đình anh trong một năm qua như thế nào? Có ai trong
gia đình anh phải rời Ukraine sang nước khác tỵ nạn không thưa anh?


Cuộc sống của gia đình tôi trong năm qua cũng như của mọi gia đình
người dân Ukraine có nhiều thay đổi. Con gái tôi qua bên Vương Quốc Bỉ 
lánh chiến tranh và học tập tại đó. Vương Quốc Bỉ cũng như các nước Châu
Âu cực kỳ nhân đạo, đã cưu mang, giúp đỡ người dân Ukraine lánh nạn
chiến tranh, ủng hộ Chính phủ Ukraine vật chất, vũ khí để chiến đấu
chống lại cuộc xâm lược của Liên Bang nga. Còn tôi, vợ và con trai thì
vẫn ở lại Kyiv. Cuộc sống có khó khăn, phức tạp hơn trước nhưng cũng có
thể chịu được. Phải chấp nhận sống trong tâm trạng sẵn sàng với các cuộc
tấn công bằng tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, drone thiêu thân của
quân xâm lược. Chấp nhận bị cắt điện theo giờ, hoặc mất điện mấy ngày,
mất nước, không có sưởi ấm trong thời gian khắc phục hậu quả do các cuộc
tấn công khủng bố của quân xâm lược vào thành phố. 



Thành phố Kyiv trong thời gian mất điện.

Ngày 10.2.2023. Báo động phòng không ở Kyiv. Các bác sỹ vẫn khám bệnh cho người dân tại hầm trú ẩn dưới tầng ngầm của bệnh viện.

+ Cuộc sống của người dân Kyiv trong một năm qua nhìn chung đã thay đổi hoàn toàn ra sao thưa anh?

-Thời
kỳ cuối tháng 2 đến tháng 6 năm 2022 trên các đường phố của Kyiv tại
những nút giao thông quan trọng đều có các bốt phòng ngự. Việc kiểm tra
giấy tờ, xe cộ, hành lý diễn ra thường xuyên. Tình hình rất căng thẳng
nhất là khi quân Nga ở ngoại ô đến đầu tháng 4. Tuy có bị bắn phá nhưng
do thời gian ít và quân xâm lược không tiến gần vào thành phố được, nên
thiệt hại về cơ sở hạ tầng và người thời gian đó cũng không nặng như
những thành phố khác.

Hiện
tại người dân Kyiv nói chung có kỷ luật hơn, vì sống theo giờ giới
nghiêm. Cứ 23h là phải có mặt ở nhà rồi, buổi sáng thì 5 h mới hết giờ
giới nghiêm. Tình hình tội phạm giảm đi nhiều. Thực phẩm hàng hóa tiêu
dùng vẫn đủ cả. Thực phẩm Ukraine vẫn tự cung tự cấp được. Đây là nước
xuất khẩu lớn các mặt hàng nông nghiệp, nên không có chuyện bị đói được.
Giá cả có đắt hơn vì lạm phát tăng và một số mặt hàng không còn do bị
ngắt quãng khâu cung ứng. Kyiv là thủ đô, có hệ thống phòng không tốt
hơn các nơi khác, lại đã xa mặt trận nên những lúc không có báo động
cuộc sống vẫn sôi động, tấp nập. Đường phố bắt đầu bị tắc vào những giờ
cao điểm. Dân các nước đến Kyiv du lịch, trải nghiệm cảm giác dạo phố
giữa lúc báo động phòng không, nhà hàng nhiều khi không có chỗ cho khách
vào các ngày nghỉ. 

Kyiv
ngày 02.03.23.Cuộc sống của người dân nếu không có báo động phòng không
thì diễn ra bình thường. Các phương tiện giao thông công cộng đều làm
việc,kể cả phương tiện chạy bằng điện sau hai tháng ngưng hoạt động do
bị nga bắn phá các trạm điện. Các restaurant KFC, McDonald’s đã làm việc
trở lại. 

+
Có những khoảnh khắc nào thực sự nguy hiểm đến tính mạng của anh và gia
đình tại Kyiv trong một năm qua? Và xin lỗi phải hỏi anh câu này nhưng
có bạn bè, người thân nào của anh bị thương hoặc phải nằm xuống vì bom
đạn?

-Những
ngày cuối tháng 2 năm 2022 khi biệt kích Nga vào Kyiv, quanh khu vực
tôi ở có chiến sự. Tiếng súng tiểu liên, súng phóng lựu nổ như pháo Tết
từ tối 24.02.2022. Sáng 26.02.2022 tên lửa hành trình bắn vào một ngôi
nhà cao tầng cách chỗ tôi khoảng chưa đầy 500 m đường chim bay. Sau đó
là đến những đợt quân Nga bắn tên lửa hành trình, thả drone thiêu thân
khủng bố đều ở những khu gần nhà. Nhất là Tết Tây vừa rồi, tên lửa bị
bắn rơi cách nhà khoảng 1,5 km. Nhà cửa rung hết lên, những nhà có cửa
sổ hướng về khu vực bị nổ, kính vỡ là chuyện bình thường. Tôi có những
người thân, quen ở các thành phố lân cận Kyiv đã bị thương do những vụ
bắn phá khủng bố này. Cũng may mắn là chưa có trường hợp nào xấu số cả.
Còn những người quen đi chiến trường thì một số bị thương tật, có một số
người đã hy sinh trong cuộc chiến đấu chống lại quân xâm lược Nga.  

Khu nhà cao tầng bị tên lửa hành trình của quân Nga bắn phá sáng 26.02.22. Hiện đã được tu bổ sửa chữa lại hoàn chỉnh.

+ Người Việt ở Ukraine đã làm gì để hỗ trợ cho nhau, hỗ trợ cho cuộc chiến?

-Người
Việt trong thời gian đầu của của cuộc chiến đã phối hợp với nhau để đi
lánh nạn. Nhìn chung đồng bào Việt Nam ta rất nhanh nhậy và có tinh thần
tương trợ nhau trong lúc hoạn nạn. Trên các trang mạng, do chúng tôi
thành lập từ khi còn dịch Covid để tư vấn cho bà con chống dịch, mọi
người kêu gọi, chỉ bảo nhau cách di tản, các địa chỉ của các tổ chức cứu
trợ. Rất may mắn là cộng đồng Việt Nam không có mất mát về người trong
cuộc di tản chạy quân Nga vừa rồi. Sau khi hơi ổn định cuộc sống tại các
nước đang cưu mang mình, bà con người Việt đã ở Kyiv cũng có gửi tiền
về giúp đỡ các tổ chức cứu trợ, từ thiện, các trại trẻ mồ côi ở Kyiv và
Ukraine. 

+
Anh có thể kể về tình cảm của người Việt ở các nước đối với Ukraine? Có
những cá nhân hay những câu chuyện cảm động nào về sự hỗ trợ tinh thần
lẫn vật chất của người Việt ở các nước dành cho Ukraine làm anh nhớ
nhất?

-Tôi
cho rằng rất nhiều người Việt ở các nước ủng hộ cuộc chiến đấu bảo vệ
độc lập, tự do của Ukraine. Cũng không thể nói là tất cả mọi người. Vì
một số người Việt ở các nước phát triển đang bị ảnh hưởng tới thu nhập,
đời sống đắt đỏ và trở nên khó khăn hơn, họ chỉ mong cho Ukraine nhượng
đất, thua trận, đầu hàng Nga cho nhanh để công việc trở lại như ngày
xưa. 

Trong
những người Việt ở các nước tận tình với Ukraine, tôi có biết qua trên
mạng, có anh Phan Châu Thành ở Ba Lan đã tổ chức quyên góp, giúp đỡ hơn
50 chuyến xe hàng cứu trợ người dân, trong đó có cả người Việt, tại các
thành phố của Ukraine. Có các anh nhà báo Đinh Quang Anh Thái, Đinh Xuân
Thái lặn lội từ Mỹ sang Ukraine để làm phóng sự, viết sách về cuộc sống
và cuộc chiến đấu của người dân Ukraine chống lại quân xâm lược Nga.
Cuốn “Bút ký chuyến đi Ukraine và Ba Lan” của hai anh được xuất bản rất
nhanh sau khi trở về Mỹ. Theo dõi trên thông tin đại chúng thì tôi được
biết, một phần số tiền bán cuốn sách này các anh dùng để giúp đỡ, xây
dựng lại một ngôi trường học bị quân xâm lược phá hỏng ở một ngôi làng
gần biên giới Nga. Một phần tiền các anh góp vào việc mua máy phát điện,
mua đồ cứu trợ cho các làng mạc, thành phố mới được giải phóng tại khu
vực miền Nam Ukraine. 

Hình bìa cuốn bút ký của 2 nhà báo Đinh Quang Anh Thái-Đinh Xuân Thái

Ở Việt Nam thì có tiến sỹ Nguyễn Ngọc Chu rất nhiệt tình ủng hộ, đóng góp cho Ukraine.  

Từ
giữa tháng 3 đến đầu tháng 4 năm 2022, có những đợt hai bên giao tranh
tổ chức những hành lang xanh, an toàn được mở ra cho dân từ các vùng
ngoại ô Kyiv chạy về thủ đô. Trong đoàn người chạy giặc đó có cả đàn bà,
con gái Ukraine bị quân lính Nga hãm hiếp. Và trong vùng bị tạm chiếm
những trường hợp như vậy rất nhiều. Nghe được tin này các chị em Việt
Nam bên Ba Lan, Đức… đã kêu gọi mọi người mua, tìm thuốc tránh thai khẩn
trương gửi sang Ukraine cho những người bị hại, để họ uống và không
mang hậu quả do những hành động thô bỉ của bọn lính Nga. Không biết tác
dụng của thuốc như thế nào, nhưng đó là một chuyện rất cảm động. Có lẽ
phụ nữ Việt Nam ta thấu hiểu sự đau khổ của những người phụ nữ Ukraine
lâm vào hoàn cảnh này.    

+
Có một thực tế rằng có khá nhiều người Việt cho đến tận giờ phút này
vẫn bênh vực Nga vì những tình cảm xưa cũ từ thời Liên Xô, còn bản thân
anh, thì anh nghĩ thế nào? Có sự thay đổi đột ngột nào trong nhận thức,
tình cảm của anh đối với nước Nga, đối với Putin từ sau khi cuộc chiến
xảy ra hay từ trước đó, anh đã nhận ra rằng Putin vẫn là một kẻ độc tài
và Ukraine chắc chắn sẽ không được yên ổn với nước Nga dưới thời Putin?

-Có
rất nhiều người Việt đã từng học tập tại Liên Xô và sau đó về nước.  
Trong tâm thức họ nước Nga ngày nay là Liên Xô ngày xưa. Tình cảm của họ
với Liên Xô được dồn cho nước Nga. Có một số trong họ đúng là tình yêu
với Liên Xô cháy bỏng và lấn át hết ý chí. Còn lại theo tôi do nhiệm vụ
chính trị, chỗ ngồi, do cái thế và những lợi lộc khi ủng hộ quân xâm
lược. Một số còn ngụy biện cho cuộc xâm lược của Nga là cuộc xâm lược
“chính nghĩa”. Một số khác không biết Liên Xô, chưa đặt chân đến Nga bao
giờ nhưng rất ủng hộ Nga. Số này là bị ảnh hưởng do tuyên truyền và a
dua theo phong trào. 

Những ngôi nhà bị quân Nga phá hủy.

Trước
khi chiến tranh, trước Covid hàng năm tôi vẫn đi sang Nga. Ở bên đó có
họ hàng, bạn bè, bố đỡ đầu của con gái. Nước Nga giờ xa xôi cách trở
rồi. Khó có khả năng tôi sang lại bên đó vì bản thân không còn thích thú
gì nữa. Putin từ khi y sử dụng biện pháp thay đổi chỗ ngồi theo sơ đồ
Tổng thống-Thủ tướng-Tổng thống để nắm quyền chọn đời, tôi đã thấy đây
là một tay lưu manh chính trị, rất nguy hiểm cho nước Nga và Ukraine.
Ukraine độc lập, tự do, thịnh vượng là một cái gai đối với bản thân
Putin và chế độ của y. Không có Ukraine, nước Nga của Putin không thể
trở thành đế quốc, đây lại là mơ ước và mục tiêu để đời của Putin. Vì
vậy y phải tìm mọi cách, mọi phương tiện để chiếm Ukraine. 

+ Dự đoán của anh về kết quả của cuộc chiến tranh?

-Cuộc
chiến tranh nào cũng đến lúc ngồi vào bàn đàm phán để lập lại hòa bình.
Nga tiềm lực còn rất mạnh, Ukraine thì ý chí kiên cường và hừng hực khí
thế chiến đấu, thêm vào đó là sự ủng hộ của Mỹ và Phương tây. Sẽ phải
có những trận đánh để triệt hạ sức mạnh của nhau, để có ưu thế trên bàn
đàm phán. Kết quả của cuộc chiến phụ thuộc vào các chiến dịch tấn công,
phản công vào xuân-hè này. Theo tôi nhanh cũng phải cuối năm nay mới đàm
phán, tìm giải pháp, nhân nhượng lẫn nhau để kết thúc chiến tranh. 

+ Câu hỏi cuối cùng, vì sao anh quyết định ở lại Ukraine cho tới tận giờ phút này, thưa anh?

-Tôi yêu đất nước này. Ukraine đang gặp khó khăn, hoạn nạn tôi không thể bỏ đi được. 

+
Cảm ơn anh đã bỏ thì giờ trả lời. Chúc anh cùng gia đình và tất cả
người dân còn ở lại Ukraine được bình an. Cầu mong cho Ukraine sẽ chiến
thắng cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo, phi nhân do kẻ độc tài hoang
tưởng Putin phát động, cầu mong cho hòa bình sớm trở lại với đất nước,
dân tộc Ukraine. 
Slava Ukraini!

Nhật Hiên thực hiện.

Friday, March 3, 2023

Nhật ký của một người Việt trong vùng quân Nga tạm chiếm - Nguyễn Chiến Thắng

 

Âm nhạc của người Ukraine vẫn vang lên dưới các hầm tránh bom

      • SGN: Dưới đây là trích đoạn ghi chép của ông Nguyễn Chiến Thắng, một người Việt ủng hộ Ukraine, sống ở Kherson, nơi mà quân Nga và quân đội Ukraine giao tranh, giành giật từng vị trí mỗi ngày. Ông Thắng ghi lại những điều mình thấy và chia sẻ với mọi người về hiện thực ở nơi đang giao tranh khốc liệt. Ông cũng kể đến chuyện bị các thành phần thân Nga gần nhà mật báo về thái độ của ông (bao gồm cả những người Việt ủng hộ Nga) mà ông nhận những hậu quả sau đó.

        Ông Nguyễn Chiến Thắng từng là cựu binh Bắc Việt ở biên giới phía Bắc năm 1979, nhưng sau đó, vì quá chán ngán chế độ cộng sản, ông đã ra đi và chọn Ukraine làm quê hương thứ hai. SGN được sự cho phép của ông để đăng lại, giới thiệu cùng quý vị. Vì lý do an ninh của tác giả, bài viết không thể đăng ảnh của ông.

      • Giải cứu người bị nạn từ tòa nhà bị pháo kích Nga đánh sụp.

  • Khoảng 9 giờ sáng ngày 5/12/2022 có tiếng đập cửa nhà mình. Khi mình mở cửa thì thấy  gần một tiểu đội công tác đặc biệt của Ủy ban quân quản thành phố bao gồm an ninh, quân đội, công binh Ukraine  với áo giáp, mũ sắt, súng ống, máy móc đã đứng chật hành lang trước cửa.

  • Họ chỉ vào căn hộ số 43, liền kề với căn hộ của mình, yêu cầu mình một lần nữa xác định đây chính là căn hộ mà giặc Nga đã đồn trú trong thời gian bị tạm chiếm. Mình gật đầu khẳng định và nói thêm với họ hãy thận trọng, trong căn hộ có thể có bom, mìn địch gài lại.

    Viên sĩ quan chỉ huy giơ ngón tay cái lên tỏ vẻ  cám ơn… rồi nói rằng anh yên tâm, chúng tôi sẽ phá cửa và khám ngay bây giờ. Ngay sau đó họ bảo mình trở về nhà, đóng cửa lại cho an toàn.

    Một máy cưa sắt chuyên dụng chạy xăng cực mạnh khởi động hết công suất với tiếng nổ đinh tai như một chiếc xe máy không có ống xả. Chỉ chưa đầy một phút cả hai cái bản lề của chiếc cửa sắt dày 5 mm đã bị cắt đứt khỏi hai trụ bản lề đường kính ф 35 mm. Họ làm chuyên nghiệp và nhanh chóng. Chỉ sau 15 phút là họ đã hoàn thành nhiệm vụ và rút đi trên một chiếc xe micro buýt và một chiếc xe bán tải chuyên dụng.

    ***

    Ngoài trời tuyết đang rơi.

    Năm nay, trời có vẻ cũng ủng hộ người dân Kherson. Thời tiết năm nay ấm hơn so với mọi năm rất nhiều. Nếu có năm vào đầu tháng 11 Dương lịch tuyết đã rơi ngập đầu gối và nhiệt độ  âm 10 đến 15 độ… thì năm nay, đến hôm qua, mùng 6 tháng 12 tuyết mới bắt đầu rơi, trời mới băng giá và nhiệt độ tại Kherson mới xuống dưới không độ.

    Nhiệt độ âm khiến điện thoại từ chối hoạt động tại các điểm wifi Starlink công cộng. Địch vẫn tiếp tục pháo kích rất ác liệt vào thành phố. Chúng nhằm vào các khu dân cư, cơ sở hạ tầng như điện, nước, hệ thống sởi ấm mà thành phố vừa khôi phục sau giải phóng. Hôm qua chúng đã bắn vào nhà máy nước của thành phố.

  • Đã có những trận pháo kích vào khu phố của mình, đạn pháo địch đã bắn trúng một chung cư cao tầng chỉ cách nhà mình vài trăm mét… và ngay trong lúc này, khi mình đang viết bài này bọn Nga vẫn tiếp tục pháo kích vào thành phố, tiếng nổ nghe rất gần và dữ dội.


  • Khi chiếm lại các vị trí bị Nga chiếm đóng, các ổ kháng cự bí mật của Nga là nơi quân Ukraine ưu tiên tìm đến.

  • Tuy vậy đó không phải là lý do mà mấy hôm nay mình không post bài. Sở dĩ mấy hôm nay mình không có thời gian để đến wifi công cộng để nhắn tin cho bà con và post bài là do mình phải dành thời gian cho việc tố cáo, cung cấp bằng chứng cho cơ quan quân quản thành phố… để đưa cho bằng được những kẻ mà mình biết chắc rằng đã cộng tác, làm tay sai bán nước cho giặc Nga trong thời gian bị chiếm đóng, để cơ quan an ninh điều tra, thẩm vấn xét hỏi.

    Thành công lớn nhất trong những ngày qua là mình đã yêu cầu an ninh, quân đội đến phá cánh cửa sắt và khám xét, rà phá bom, mìn căn hộ liền kề với căn hộ của mình – nơi mà trong thời gian bị tạm chiếm, chủ nhân căn hộ đã hợp tác với địch, đưa quân xâm lược Nga đến đồn trú, dùng làm chốt chiến đấu (căn hộ này có hai cửa sổ án ngữ con đường giáp với trụ sở cảnh sát thành phố Kherson) khi chúng chuẩn bị cho chiến tranh đường phố…

    Nói rõ hơn là trong một thời gian dài, trước khi thành phố được giải phóng, căn hộ của mình và căn hộ trong chung cư mà bọn Nga đồn trú làm chốt chiến đấu đối diện nhau qua một hành lang chung .

    Trong cuộc chiến tranh chống giặc TQ xâm lược, giữ nước vĩ đại của dân tộc 1979-1988, mình đã tham gia chiến đấu tại mặt trận Pò Hèn biên giới Quảng Ninh gần bốn năm, lúc gần bộ binh TQ nhất là khoảng 100 mét, VN và TQ còn cách nhau con suối Ka Long. Còn lần này, trong cuộc chiến tranh xâm lược của Nga tại Ukraine, xe tăng và bọc thép bánh hơi BTR của Nga chạy rầm rầm trên đường phố sau nhà mình, bộ binh địch đi lại tự do ngay trong sân chung cư của mình, trú đóng ở một căn hộ giáp căn hộ của mình… Có thể nói là căm tức, ruột đau như cắt mà phải nín. Khi đó mình chỉ ước trong tay mình có một khẩu AK vài băng đạn, vài trái lựu đạn.

    Tuy không có vũ khí, nhưng mình đã chuẩn bị sẵn một khúc gỗ, để chờ đến khi chiến sự, chiến tranh đường phố xảy ra thì mình sẽ chống một đầu vào chân tường, đầu kia chống vào cửa sắt, chèn cửa nhốt chúng trong căn hộ để quân đội vào tiêu diệt… Rất tiếc là chúng đã tháo chạy mấy hôm trước khi quân đội Ukraine tái chiếm Kherson.

    Do phải bảo mật thông tin này đến hôm nay, khi bọn phản quốc bị truy vấn, xét hỏi và căn hộ nơi địch đồn trú được công binh Ukraine phá cửa, khám xét rà phá bom mìn xong… mình mới tiết lộ thông tin. Chuyện rất dài và ly kỳ cùng nhiều hình ảnh mà tới đây khi thời gian cho phép và tính bảo mật đã không còn, mình sẽ giải mã và kể cho mọi người nghe.


  • Nhà của ông Thắng, sau khi bị pháo kích “trả đũa”, nhưng may mắn là không trúng.


  • Lúc 9:03 ngày hôm nay 12/12/2022 giặc Nga đã pháo kích trả đũa rất dã man vào khu vực nhà mình ở. Quả đạn nổ gần nhất chỉ cách nhà mình mấy mét. Cửa kính bị vỡ tan tành. Không khí lạnh tràn vào. Trong nhà sặc mùi thuốc súng. Cảnh tượng trong nhà mình giờ đây tan hoang. Lúc này, cần nói thêm là bọn phản bội hay “cộng tác viên” (theo cách gọi của Ukraine) phải đối diện với ba tình huống.

  • 1/Bị giết bởi du kích Ukraine, hoặc bị bọn Nga thanh trừng vì nghi ngờ thiếu trung thành, sống hai mang.

    2/Khi quân đội Nga tháo chạy khỏi Kherson, bọn này được khuyến khích bỏ quê hương, khăn gói chạy theo quân đội Nga đến Crimea.

    3/Nếu ngoan cố ở lại thì bị người dân phát giác, tố cáo, bị bắt và đối diện với án tù từ 10 năm đến chung thân và bị tịch thu toàn bộ tài sản.

    Kể từ khi chiến tranh xảy ra, không ít người e ngại chiến tranh đã nhân cơ hội này để chạy sang Đức, Pháp và Mỹ định cư để đổi đời… Trong khi hàng triệu người khác, trong đó có người Việt đã quay trở lại quê hương Ukraine sau vài tháng tị nạn ở Tây Âu. Kể cả bây giờ mình vẫn có quyền đi tị nạn sang Đức, Pháp, Ba Lan, Hà Lan và thậm chí là Anh và Mỹ… nhưng mình đã quyết định không đi đâu cả.

    Trong mắt mình bây giờ, trừ Ba Lan và Anh, còn lại đám chính trị gia thiên tả của Đức và Pháp và kể cả Mỹ không tốt lành gì, họ keo kiệt, bủn xỉn, cơ hội, và không tôn trọng cam kết. Nếu tình hình tiếp tục xấu đi, mình chỉ đi Kyiv. Mình có nhà ở Kyiv.

    ***

    Tình hình chiến sự Bakhmut đang diễn ra vô cùng ác liệt. Bộ Quốc phòng Liên bang Nga điên rồ lấy thịt đè người, thay thế Wagner, vì hầu hết chúng đã bị Lực lượng Vũ trang tiêu diệt. Bất chấp những khó khăn và thuận lợi trên, ngày 28 tháng 2, Tổng thống Volodymyr Zelensky vẫn tổ chức họp Bộ Tổng tư lệnh tối cao theo hình thức mở rộng “chuẩn bị hành động tích cực” quyết tâm giải phóng đất nước.

    Các quân nhân của Quân đội Nga với tinh thần yếu kém buộc phải thay thế lính vị trí của lính đánh thuê PMK Wagner tại Bakhmut, vì hầu hết các đơn vị PMK tinh nhuệ này đã bị Lực lượng Vũ trang Ukraine tiêu diệt – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine, bà Hanna Malyar đã nói như vậy trên sóng truyền hình Ukraine.

    Bà nhấn mạnh rằng tình hình ở Bakhmut đang “khó khăn và ác liệt”. Kẻ thù đông hơn, nhưng tổn thất của quân chiếm đóng, theo bà, cao hơn gấp bội so với tổn thất của quân phòng thủ Ukraine. Quân đội chính quy của Nga đã mất tinh thần, không giống như Wagner, những người lính đánh thuê và được thúc đẩy bởi tiền lương.

    ***

    Sau khi chiếm được Kherson, cho đến trước khi thành phố Kherson được giải phóng, bọn Nga mớm lời cho truyền thông Việt Nam rằng “quân đội Nga đã kiểm soát hoàn toàn Kherson và sẽ ở lại mãi mãi”.

    Mỗi nhóm chốt gồm có năm tên, được trang bị ba khẩu AK.47 và hai trung liên hộp đạn vuông, đến đồn trú trong căn hộ liền kề với căn hộ của mình, cứ 5-7 ngày chúng lại đổi ca một lần suốt mấy tháng cho đến khi chúng rút đi. Nói thêm cho rõ, bọn Nga có phiên hiệu chữ V này là bọn đã tấn công vào thủ đô Kyiv những ngày đầu cuộc chiến, chúng được cử đến mặt trận Kherson thay thế cho bọn mang phiên hiệu chữ Z kể vào khoảng tháng 7/2022.

    Trên thực tế quân đội Nga chưa một ngày kiểm soát Kherson, thay vào đó, vòng trong chúng bị người dân, và du kích quấy rối, vòng ngoài chúng bị quân đội Ukraine bao vây pháo kích suốt ngày đêm, cuối cùng phải tháo chạy về bờ trái sông Dnepr. Còn bây giờ, các cộng tác viên đang tiếp tục chạy khỏi bờ trái sông Dnepr, vùng Kherson bị tạm chiếm, chỉ được phép mang theo hành lý xách tay.

    Theo Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine, hoảng loạn vì sợ bị quân đội Nga bỏ rơi, kể từ ngày 21 tháng 2, những kẻ phản bội tại địa phương đã rời Oleshki và Skadovsk của Kherson để chạy đến Bakhchisaray, Simferopol và Kerch, và kể từ ngày 24 tháng 2, những kẻ xâm lược đã thông báo cho đám tay sai phải “sơ tán”. Địch phải dùng xe quân sự chở cộng tác viên chạy trối chết.


  • Các ảnh trong bài viết là do mình chụp (tức ông Nguyễn Chiến Thắng, SGN chú thích): Binh sĩ quân đội Nga, ăn mặc như những kẻ vô gia cư với những chiếc xe Lada, Moskovich cà tàng của Liên Xô, không có biển số mang phù hiệu chữ V đỗ trong sân nhà mình.