Cuộc Đời Tôi
PHẦN VI. GIAI ĐOẠN 1967-1973
22. THÁNG CHÍN ĐEN
Đầu tháng Chín năm 1970, quân khủng bố tìm cách ám sát Quốc Vương Hussein của Jordan. Đã có nhiều vụ va chạm xẩy ra giữa những tổ chức khủng bố và quân đội Jordan. Các tổ chức khủng bố âm thầm, làm một “vố” lớn. Ngày 6 tháng Chín, chúng “không tặc” một lúc bốn phi cơ hành khách bên Âu châu. Chỉ có một chuyến bị thất bại, đó là chiếc máy bay của Do Thái. Phi hành đoàn chiếc Boeing của hãng hàng không Do Thái El Al đánh gục tên không tặc và bắt giữ một nữ đồng bọn, giao cho cảnh sát Ăng Lê ở London, khi chiếc phi cơ đáp xuống phi trường Heathrow. Tên của nữ tặc là Lyla Khaled, trong tháng Tám năm 1969 đã tham dự vụ cướp chiếc phi cơ của hãng TWA (Trans World Airlines – Hoa Kỳ) trên đường bay từ Rome (Ý Đại Lợi) đi Lod (Do Thái), ép phi công bay đến Damascus.
Ba chiếc phi cơ bị không tặc của các hãng hàng không Pan American (Pan Am), TWA và Swissair (Thụy Sỉ). Chiếc máy bay Boeing Jumbo của Pan American bị ép buộc đáp xuống phi trường Cairo, rồi bị quân khủng bố gắn chất nổ cho nổ tung, sau khi đã cho các hành khách xuống. Hai chiếc kia bị ép đáp xuống Jordan, gần thành phố Zerka, tất cả hành khách bị giữ trên tầu bay làm con tin.
Tổ Chức Giải Phóng Palestine lên tiếng công nhận, đã làm những chuyến không tặc. Sau đó đưa ra một danh sách những đòi hỏi gửi cho chính quyền các quốc gia Thụy Sĩ, Tây Đức, Anh quốc, Hoa Kỳ và Do Thái như một điều kiện để thả những thường dân đang bị giữ làm con tin. Quân khủng bố đe dọa, nếu các đòi hỏi của họ không được thỏa mãn hoặc quân đội Jordan xen vào, họ sẽ cho nổ hai chiếc phi cơ với tất cả con tin.
Đối với chính phủ Thụy Sĩ, quân khủng bố đòi phải thả ba đồng bọn bị kết án mười hai năm tù trong vụ tấn công phi cơ hãng El Al (Do Thái) ở phi trường Zurich trong tháng Hai năm 1969. Đối với chính phủ Tây Đức cũng vậy, phải thả ba đồng bọn trong vụ tấn công hành khách chiếc El Al ở Munich. Chính quyền Anh phải thả nữ tặc Lyla Khaled. Và Hoa Kỳ phải trả tự do cho Sirhan Bishara Sirhan đang nằm trong tù về tôi ám sát Robert Kennedy. Cuối cùng là Do Thái phải thả một danh sách những tên khủng bố bị bắt ở Do Thái.
Ba ngày sau, thêm một máy bay hành khách thứ ba đến nhập vào hai chiếc đã bị “cầm tù” ở Zerka. Nhiều hành khách trên hai chiếc này đã ngất xiủ trong máy bay, vì đói, khát và sức nóng thư thiêu đốt bên trong phi cơ. Chiếc thứ ba của hãng hàng không Ăng Lê BOAC, bị không tặc trên đường bay từ Bahrein đi London. Phát ngôn viên của “Mặt Trận” cho biết hành động không tặc này để chính quyền người Anh sớm thả tự do cho “người đẹp” Lyla Khaled.
Chính quyền Thụy Sĩ, Tây Đức và Anh quốc chiụ thua, thỏa mãn những đòi hỏi của bọn khủng bố. Nhưng khi đại diện các quốc gia bị không tặc họp với bộ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Rogers và đại diện Do Thái, họ đồng ý thương thuyết riêng với quân khủng bố với điều kiện tất cả hành khách đều được thả kể cả người Do Thái.
Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp khan, yêu cầu quân khủng bố trả tự do cho tất cả hành khách cùng phi hành đoàn ba chiếc máy bay hành khách. Tổ chức Hồng Thập Tự được phép đem thức ăn, thuốc men lên chăm sóc cho hành khách bị ép buộc phải ngồi tại ghế của mình bên trong phi cơ. Tướng Khadissa, tư lệnh quân đội Jordan thuyết phục được bọn khủng bố thả đàn bà, trẻ em, những người già và những người quốc tịch Ấn Độ, Pakistan, đưa họ vào tạm trú trong khách sạn ở Amman. Quân khủng bố đồng ý nhưng vẫn giữ lại 60 phụ nữ, trẻ em quốc tịch Do Thái để “thẩm vấn”. Chính quyền Iraq cũng lên tiếng can thiệp với Mặt Trận Giải Phóng Palestine nhưng không hiệu quả.
Sau sáu ngày “đỏ lửa”, lúc 3 giờ chiều hôm 12 tháng Chín, bọn khủng bố cho hành khách xuống phi cơ rồi cho nổ tung cả ba chiếc máy bay. Hai trăm tám mươi hành khách cùng phi hành đoàn ba chiếc phi cơ được trả tự do đi Amman. Họ còn giữ lại bốn mươi hành khách, đem đi đến một trại tỵ nạn (cho người Palestine). Những người này bị coi là “tù binh chiến tranh”, họ được quân đội Jordan tấn công, làm chủ tình hình trại tỵ nạn giải cứu.
Đem ba chiếc phi cơ bị không tặc qua Jordan, quân khủng bố gây khó khăn cho chính quyền, quân đội Jordan. Hai phe nổ súng đánh nhau trong thủ đô Amman. Mặc dầu đã có nhiều cuộc thương thuyết ngưng bắn, một số đơn vị quân đội Jordan tấn công mấy căn cứ của quân khủng bố gần biên giới Syria. (Quốc gia Do Thái ngày nay nằm trong vùng Palestine, dân tộc Palestine phải sống rải rác trong các trại tỵ nạn ở các nước láng giềng Ả Rập, nhất là ở Jordan và Syria. Sống nhờ sự tài trợ của Liên Hiệp Quốc, những thế hệ sinh sau người Palestine chào đời trong các trại tỵ nạn nên họ rất căm thù dân Do Thái và người Âu châu) Chẳng bao lâu, chiến tranh bùng nổ lan tràn khắp nơi trên đất Jordan. Quân khủng bố “la làng” cho rằng chiến xa Jordan bắn phá căn cứ của họ ở phiá bắc và trong thung lũng Jordan gây thương vong cho nhiều “đồng chí” của họ. Lãnh tụ tổ chức khủng bố đòi hỏi Vua Hussein thay đổi nội các do Thủ Tướng Ziad El Rifai lãnh đạo và thay các cấp chỉ huy trong quân đội vì những người này chống lại sự bành trướng của Mặt Trận Giải Phóng Palestine.
Để giữ vững ngai vàng, Vua Hussein giải tán chính quyền dân sự, thay bằng một chính phủ lâm thời do mười hai tướng lãnh quân đội điều khiển. Quyền thủ tướng được trao cho Chuẩn Tướng Muhmad Da’oud, người đã bị quân đội Do Thái bắt được trong trận chiến Sáu Ngày sau đó trả về Jordan trong đợt trao đổi tù binh. Chiến tranh với người Palestine vẫn tiếp tục, quân khủng bố làm loạn trên đất Jordan như một trận nội chiến. Thực sự, quân khủng bố chỉ là những tên du kích, phá hoại không thể đương đầu với một quân đội. Trong thủ đô Amman và vùng ngoại ô, nhiều tay khủng bố bị giết và bị bắt (chuyện này tương tự như ở Li Băng Lebanon). Các lãnh tụ khủng bố xin Vua Hussein nương tay nhưng ông ta làm ngơ.
Trước cảnh “nồi da xáo thịt” giữa các sắc dân Ả Rập, ngày 18 tháng Chín, quân đội Syria “nóng mũi” cho chiến xa vượt biên giới Jordan vào cứu viện quân khủng bố. Quân đội Syria chiếm được một đồn cảnh sát Jordan. Qua hôm sau, các đơn vị chiến xa Syria có thêm quân Iraq vào Jordan tiến về thủ đô Amman. Vua Hussein cầu cứu Hoa Kỳ. Washington đồng ý, ra lệnh cho sư đoàn Nhẩy Dù 82 chuẩn bị và cảnh cáo Syria. Do Thái cũng đưa một đơn vị Thiết Giáp lên biên giới gần khu vực giao tranh.
Quân đội Jordan phản công, gây nhiều tổn thất cho quân đội Syria, buộc đoàn quân xâm lược lui về biên giới. Tổng tham mưu trưởng quân lực Ai Cập bay qua Jordan đem theo thư mời đến Quốc Vương Hussein và lãnh tụ Palestine Arafat. Bức thư có chữ ký của các lãnh tụ Ả Rập: Ai Cập, Libya (Đại Tá Mamoar Kadafy) và Sudan. Vua Hussein bay qua Cairo theo lời mời của Nasser gặp Yasser Arafat và ký hiệp ước đình chiến ngày 27 tháng Chín. Ngày hôm sau 28 tháng Chín, Tổng Thống Ai Cập Nasser từ trần vì bệnh tim.
Những đụng chạm giữa quân khủng bố và quân đội Jordan vẫn tiếp tục. Đầu tháng Giêng năm 1971, quân đội Jordan vào các trại tỵ nạn người Palestine gần Amman thanh lọc các phần tử khủng bố. Cùng lúc những đơn vị Jordan khác tiến vào kiểm soát các căn cứ đia ïcủa quân khủng bố trong khu vực Jerash và Es Salt. Ngày 6 tháng Tư, Vua Hussein gửi “tối hậu thư” cho các lãnh tụ quân khủng bố, ra lệnh buông súng. Hai ngày sau, quân đội Jordan có chiến xa, pháo binh yểm trợ tấn công, càn quét hai khu vực Jerash và Ajlun. Sau ba ngày giao tranh, không còn một tên khủng bố nào trên đất Jordan. Tất cả đều bị giết, những người thoát chết, không đầu hàng, bỏ chạy qua các nước lân cận. Một nhóm khoảng 100 người chạy qua biên giới Do Thái đầu hàng và giao nạp vũ khí (Chẳng thà để cho kẻ thù Do Thái bắt giữ… mối thù với người anh em Jordan sẽ để trong tim, không bao giờ quên).
Chuyện rắc rối giữa Vua Husein và các tổ chức khủng bố tạm yên. Những hoạt động khủng bố trong Jordan cũng không thấy. Chính quyền dân sự Jordan cũng không biết được những điều quân khủng bố đang âm mưu, chuẩn bị. Quân khủng bố ám sát vị thủ tướng mới Wasfi Tel của Jordan tại Cairo. Ông ta được mời tham dự buổi họp của Ban Phòng Vệ Ả Rập trong thủ đô Cairo, Ai Cập ngày 27 tháng Mười Một năm 1971. Tân thủ tướng Jordan bị bắn chết trước cửa khách sạn ông đang cư ngụ. Những kẻ sát nhân bị bắt nhưng được thả sau đó.
23. TRẬN CHIẾN TIÊU HAO
Ngày 29 tháng Tám năm 1967, lãnh tụ mười một quốc gia Ả Rập gặp nhau trong một hội nghị tổ chức ở Khartoum. Các nước trong khối Ả Rập gồm có: Ai Cập, Iraq, Jordan, Lebanon, Saudi Arabia, Kuwait, Libya, Sudan, Tunisia, Morocco và Algeria. Lãnh tụ Syria không đến, nhưng có mặt Yasser Arafat, lãnh tụ Tổ Chức Giải Phóng Palestine (PLO). Các lãnh tụ Ả Rập đưa ra bốn “Không”: Không chấp nhận hòa bình với Do Thái. Không công nhận quốc gia Do Thái. Không thương thuyết với Do Thái. Không thắc mắc quyền đòi hỏi của dân tộc Palestine. Những quốc gia sản xuất dầu hỏa bảo đảm với Nasser, sẽ tiếp tục tài trợ ngân sách cho Ai Cập để đóng cửa kênh đào Suez. Saudi Arabia hứa đóng góp 120 triệu đồng một năm, Kuwait đóng 132 triệu, và Libya đóng 72 triệu. Nga Sô đổ thêm quân viện, cố vấn vào vùng Trung Đông để xây dựng lại quân đội Ai Cập và Syria. Một phái đoàn quân sự cao cấp được tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, Thống Tướng Zakharov hướng dẫn đi thăm các đơn vị Ai Cập, tìm hiểu nguyên do xẩy ra trận đại bại vừa qua (trận chiến Sáu Ngày). Trong vòng mười tám tháng, Nga Sô đem vũ khi tối tân qua Ai Cập bằng đường hàng không cũng như đường biển làm cho quân đội Ai Cập mạnh hơn hồi năm 1967. Syria cũng được giúp đỡ tương tự.
Ngày 21 tháng Mười năm 1967, bốn tháng sau trận chiến Sáu Ngày, chuyện “rắc rối” đầu tiên xẩy ra. Tầu phóng thủy lôi Ai Cập, loại Komar do Nga Sô đóng, bắn chìm chiếc tầu Do Thái Eilat cách hải cảng Said hơn 13 dặm, ngoài hải phận Ai Cập. Tầu Eilat bị trúng hai thủy lôi chìm, tất cả 47 người trên chiếc tầu đều chết hoặc mất tích ngoài biển khơi. Chúng tôi trả đũa pháo kích vào những nhà máy lọc dầu, bồn chứa gần thành phố Suez. Tiếp theo là những viên đạn pháo binh qua lại giữa hai bên. Dân chúng Ai Cập trong các thành phố gần đó, Suez, Ismailia, và Kantara lại phải “chạy giặc” một lần nữa.
Sau vụ này phòng tuyến nơi kênh đào Suez được bình an hơn một năm. Trong thời gian này, các cố vấn Nga Sô giúp tổ chức lại quân đội Ai Cập, xây những tuyến phòng thủ kiên cố bên kia kênh đào Suez. Trong thời gian này, quân đội Ai Cập từ phiá bên kia kênh đào Suez pháo kích hay bắn quấy rối qua phiá Do Thái chứ vẫn chưa đủ sức tấn công để lấy lại những phần đất bị Do Thái lấy được trong trận chiến Sáu Ngày.
Những chuyện khác xẩy ra đầu tháng Chín, quân đội Ai Cập pháo kích vào phòng tuyến Do Thái (Bar Lev) nơi phiá bắc kênh đào gây thiệt mạng 10 binh sĩ và 18 người khác bị thương. Hai tuần sau, đợt pháo kích khác của Ai Cập kéo dài chín tiếng đồng hồ, kết qủa 15 người chết và 34 người khác bị thương. Ngoài ra quân Biệt Kích Ai Cập xâm nhập qua kênh đào Suez, đụng toán tuần tiễu Do Thái nên phải rút lui.
Tôi bay về hướng nam (Ai Cập) ngày hôm sau, đi thanh tra phòng tuyến tại căn cứ “Cobra – Hổ Mang”, nơi bị ăn đạn pháo binh nhiều nhất. Khu vực như vừa bị một trận sóng thần từ biển đánh vào. Một viên đạn đại bác 160 ly với đầu nổ chậm xuyên qua lớp bê tông trên nóc hầm, nổ tung làm tất cả 10 quân nhân đều bị thương. Những công sự nằm trên mặt đất đều bị mảnh đạn làm hư hại.
Tôi đi đến nơi chạm súng giữa quân Biệt Kích Ai Cập và toán tuần tiễu quan sát, cách tiền đồn này khoảng một dặm rưỡi. Một xe bán xích sắt trúng đạn cháy vẫn còn nằm đó. Tôi xuống xe, đi dò theo dấu vết con đường mòn mà toán Biệt Kích xâm nhập. Chúng tôi di chuyển chậm, quan sát kỹ càng, sợ địch gài mìn con đường. Một xác lính Ai Cập bỏ lại sau vụ chạm súng đêm qua. Có lẽ chiến sĩ này bị thương trước, được đồng bọn dìu đi đến đây thì chết, các chiến hữu của anh ta đã lấy đi khẩu AK (Kalatchnikov), dây đạn và con dao găm của Đức vẫn còn mang trên mình. Tôi cùng mấy sĩ quan tiếp tục dò theo đường mòn đến gần bờ kênh đào. Tôi bò lên dùng ống nhòm quan sát các vị trí lính Ai Cập bên kia bờ kênh, gần nơi bờ kênh tôi trông thấy hai túi mang đạn AK, mìn và vỏ đạn súng chống chiến xa. Toán quân Biệt Kích Ai Cập phải bỏ lại để dễ bơi qua kênh đào.
Trước tình trạng này, chúng tôi phải củng cố lại tuyến phòng thủ, xây những pháo đài kiên cố. Ngoài ra cần thêm một ngân khoản 5 triệu đồng để xửa xang lại hệ thống đường tiếp vận, nhất là con đường băng qua đèo Mitla. Để trả đũa, chúng tôi chọn một số mục tiêu trên đất Ai Cập tấn công. Không quân oanh kích phá hủy mấy chiếc cầu bắc qua sông Nile, đơn vị Biệt Kích, Nhẩy Dù vào sâu trong đất Ai Cập phá hủy một nhà máy điện lớn ở Naj Hamadi. Trận đột kích này làm sửng sốt sĩ quan cao cấp Ai Cập và các cố vấn Nga Sô, lúc đó họ mới rõ, không có mục tiêu nào trên đất Ai Cập được bảo đảm an toàn.
Trong bốn tháng kế tiếp, phòng tuyến nơi bờ kênh đào Suez được yên tĩnh, quân đội Do Thái củng cố lại phòng tuyến này thêm vững chắc. Ngày 3 tháng Mười Hai, Trung Tướng Chaim Bar Lev lên thay Tướng Yitzhak Rabin làm tổng tham mưu trưởng, còn Tướng Rabin đi làm Đại Sứ tại Hoa Kỳ. Tướng Bar Lev ra lệnh tái phối trí lại và xây thêm một số pháo đài dọc theo phòng tuyến với Ai Cập, nên có tên là phòng tuyến Bar Lev.
Ai Cập vẫn tiếp tục khuấy phá để làm tiêu hao nguồn nhân lực rất giới hạn của Do Thái. Trong giai đoạn bốn tháng (tam cá nguyệt) tính đến ngày 13 tháng Bẩy năm 1969, chúng tôi bị tổn thất 29 chết và 120 bị thương. Hôm đó, tôi xin phép Ủy Ban Quốc Phòng trong nội các tấn công trả đũa và được chấp thuận. Không lực Do Thái tấn công những căn cứ quân sự, vị trí đặt súng đại bác, hỏa tiễn điạ-không SAM-2 nơi hướng bắc kênh đào Suez. Bốn ngày sau, không lực tiếp tục oanh kích các trại lính từ Kantara đến hải cảng Said trong vòng năm tiếng đồng hồ. Trong trận oanh kích này, phi cơ Do Thái bắn rơi 5 phi cơ địch đổi lấy 2 chiếc của ta. Đến cuối tháng Bẩy, phi cơ Do Thái bắn rơi thêm 12 phi cơ Ai Cập, làm cho vị Tư Lệnh Không Quân Ai Cập bị mất chức.
Ít lâu sau, Nasser cho hai tướng Tổng Tham Mưu Trưởng và Tư Lệnh Hải Quân về vườn sau vụ Biệt Động Quân, Nhẩy Dù Do Thái đột kích qua kênh đào Suez, phá hủy đài quan sát, đồn canh gác, đài radar, và nhiều quân xa trên hướng tấn công của họ. Trận đột kích này, quân Do Thái bắn hạ thêm khoảng 100 lính Ai Cập. Khi Tổng Thống Ai Cập Nasser biết chuyện này, các đơn vị hành quân “đặc biệt” của Do Thái đang ngồi trên trực thăng trên đường trở về. Ngạc nhiên ông ta gọi điện thoại cho vị Tổng Tham Mưu Trưởng, ông này cũng không biết gì, trấn an cho Nasser nguôi cơn giận, nói rằng ông ta đã đi thanh tra và quân đội Ai Cập đã đẩy lui, gây tổn thất nặng cho địch. Ông ta cũng như vị Tư Lệnh Hải Quân vẫn chưa được báo cáo, đêm trước Biệt Hải Do Thái đã xâm nhập vào hải cảng, đánh chìm hai chiếc tầu phóng thủy lôi. (Hoa Kỳ cũng có Bộ Tư Lệnh Hành Quân Đặc Biệt “Special Operation Command” gồm Biệt Động Quân, Lực Lượng Đặc Biệt, Người Nhái SEAL)
Để tạo áp lực, buộc người Ai Cập tuân theo hiệp định ngưng bắn, tôi đưa vấn đề này ra trước Ủy Ban Quốc Phòng, yêu cầu được xử dụng không quân, oanh kích những căn cứ quân sự nằm sâu trong Ai Cập. Kết quả trong tháng Giêng, Hai và Ba năm 1970, không lực Do Thái oanh kích 20 căn cứ quân sự ở Ai Cập. Điều này làm xuống tinh thần dân Ai Cập và Nasser nhận thức rằng quân đội của ông ta không đủ sức ngăn ngừa những trận tấn công, oanh kích của Do Thái. Cuối tháng Giêng, Nasser bay qua Moscow yêu cầu chính quyền Nga Sô đưa quân qua giúp. Từ đầu năm 1970, Nga Sô đưa sang Ai Cập những dàn hỏa tiễn điạ không SAM cùng với nhân viên, dụng cụ. Ngày 1 tháng Tư, Nga Sô gửi qua ba phi đội phản lực cùng với phi công, chuyên viên cơ khí, vũ khí, bảo trì để bảo vệ bầu trời Cairo, Alexandri và Aswan. Hệ thống phòng không Ai Cập được các cố vấn Nga Sô chỉ huy, điều hành.
No comments:
Post a Comment