Moshe Dayan
Cuộc Đời Tôi
PHẦN I. GIAI ĐOẠN BÍ MẬT CHO ĐẾN ĐỘC LẬP (1915 – 1948)
1. NGUỒN GỐC
Tên của tôi là Moshe, được sinh ra trong khổ đau. Câu này được khắc trên tấm bia đá nấm mồ cô đơn trong làng trồng olive ở Deganiah, nơi giòng sông Jordan chẩy ra vùng phiá nam biển Galilee. Đó là ngôi mộ đầu tiên đánh dấu việc người Do Thái cực đoan (Zionist) trở về cố hương xây dựng những làng chiến đấu (kibbutz). Deganiah trở nên cái nôi cho việc bành trướng đất đai. Năm 1914, đó chỉ là một làng chiến đấu nhỏ, chưa được bốn năm, không có đến hai mươi người cả đàn ông lẫn đàn bà. Trong số người Do Thái đó có một thanh niên trẻ mười chín tuổi tên là Moshe Barsky. Như những người bạn chiến đấu khác, anh ta đến từ một ngôi làng ở bên Nga, trở về để làm sống lại nước Do Thái.
Vào xế chiều ngày lễ Sabbath, cha tôi (cha của danh tướng độc nhãn Moshe Dayan) nhuốm bệnh và chàng thanh niên Moshe tình nguyện đi đến một ngôi làng khác cách vài dặm mua thuốc men. Trong thời buổi ban đầu, việc đi ra ngoài hàng rào bao quanh làng định cư Do Thái cô đơn lúc chiều tối là điều rất nguy hiểm. Không màng chuyện tử sinh, Moshe cưỡi con lừa ra đi. Trước khi giọt nắng cuối cùng trong ngày tan biến đi, con lừa bị khiếp đảm của Moshe quay trở về mà không có Moshe. Những người đàn ông trong làng nhanh chóng lập một toán nhỏ đi tìm. Họ cưỡi ngựa đốt đuốc đi vào trong sa mạc tìm kiếm mấy tiếng đồng hồ tưởng chừng như vô vọng, chỉ nghe tiếng gió thổi qua biển Galilee. Cuối cùng họ tìm thấy xác Moshe nằm bên bờ sông Jordan.
Cha tôi viết một lá thư buồn thảm nhất trong cuộc đời ông, gửi cho cha mẹ của Moshe, vẫn còn sinh sống ở bên Nga. Cha của Moshe trả lời bằng một lá thư rất cương quyết “Chúng tôi không than khóc. Những đưá con thân yêu của chúng ta phải chiến đấu can đảm để làm sống lại tổ quốc và xây dựng một quốc gia hùng cường. Chúng tôi sẽ cho đứa con thứ hai của chúng tôi Shalom về Do Thái thay thế và trả thù cho anh của nó. Sự ra đi của Moshe sẽ đem tất tả chúng ta về Mảnh Đất Do Thái”.
Chỉ ít lâu sau, Shalom về đến Do Thái. Tiếp theo là em gái, rồi người mẹ đem theo ba đứa em nhỏ, cuối cùng là người cha của Moshe.
Một năm sau, ngày 4 tháng Năm, 1915, tôi được sinh ra và được đặt tên Moshe (Moshe Dayan). Lúc đó, phần đất người Do Thái đang sinh sống gọi là Palestine, dưới quyền cai trị của người Thổ Nhĩ Kỳ, một phần trong Đế Quốc Ottoman. Đế quốc này sẽ xụp đổ trong vòng hơn hai năm sau, khi quân Đồng Minh chiến thắng trận Đệ Nhất Thế Chiến và người Anh sẽ cai quản vùng đất Palestine. Tuy nhiên tôi lớn lên trong cộng đồng, xã hội người Do Thái, nói tiếng Hebrew (cổ ngữ Do Thái), bảo tồn phong tục tập quán nơi cố hương.
Cha mẹ tôi đã góp phần vào việc xây dựng cộng đồng Do Thái. Họ là một trong số những người đầu tiên quay trở về miền Đất Hứa. Họ trở về với con tim và sức mạnh của đôi bàn tay, từ bỏ chốn lưu đầy trên nước Nga trở về tìm cố hương mà tương lai vẫn mịt mù. Cố hương của họ, tương lai của những người di dân đầu tiên về miền Đất Hứa là vùng đất hoang vu trong thung lũng Jordan và những cánh đồng lầy lội trong thung lũng Jezreel.
Cha tôi là Shmuel, là một người đàn ông cứng rắn, khoẻ mạnh, lớn lên ở Ukraine, trong làng Zaskow gần thành phố Kiev. Cộng đồng người Do Thái ở đó là một cộng đồng nghèo có khoảng chừng 300 gia đình. Họ sống bằng nghề buôn bán nhỏ, làm đồ thủ công, lao động và buôn bán ngựa. Cha tôi được nuôi dưỡng, dậy dỗ trong một gia đình truyền thống nặng về tôn giáo, những bậc cha ông đều là những người có tước vị trong Do Thái giáo gọi là “Dayan” trong cổ ngữ Hebrew. Cha của ông ta (ông nội của tướng Dayan) lấy chữ Dayan làm họ.
Ông nội tôi có nhiều sách vở tôn giáo, trong đó có nhiều quyển sách nói về chủ nghĩa Cực Đoan (Zionist) viết bằng chữ Hebrew. Cha tôi có một quyển sách nói về “Vùng đất Jordan”, “Đỉnh đồi Hermon”, “Những kỳ quan của Jerusalem”, “Nước biển Hồng Hải” và “Những sườn đồi Galilee”. Ông bác tôi Eliyahu, sống ở Odessa, đem về những tài liệu của nhóm Zionist làm ông em Shmuel say mê. Đó cũng là giấc mơ của ông bác Eliyahu, gia nhập những người Zionist đi tiên phong về miền Đất Hứa Palestine. Đến năm 1908, ông ta đã để dành được số tiền 600 Roubles (đơn vị tiền tệ Nga Sô) để đi Palestine, đem theo ông em Shmuel (cha tướng Moshe Dayan) lúc đó mới 18 tuổi và cô em gái Beilah. Bốn năm sau, Eliyahu làm chủ một nông trại ở Ein Ganim cách Tel Aviv mười dặm về hướng bắc. Ông ta đem tiền về lại Nga Sô để nuôi vợ và các con vì lúc ra đi để vợ con ở lại.
Cha tôi làm việc rất cực nhọc ngoài đồng, bất chấp nắng mưa, nóng như thiêu đốt, ruồi, muỗi sốt rét. Cả một vùng đất tàn lụi dưới sự cai trị của người Thổ Nhĩ Kỳ. Cha tôi vẫn không ngại khó khăn, gian khổ, nhận làm công cho nhiều nông trại dọc theo bờ biển, ở Petach Tikvah, Rehovot, Ein Ganim và Hadera.
Lúc đó có rất nhiều việc lao động trong vùng Judea và vùng dọc theo bờ biển Sharon, nhưng vẫn còn nhiều đất đai hoang vu chưa được khai thác trong vùng Galilee. Cha tôi mua một khẩu súng lục cũ và dây mang đạn ở Jaffa rồi đi lên hướng bắc lập nghiệp và làm việc cho một nông gia người Do Thái nơi làng Yavniel. Cuộc đầu bắt đầu đi lên, cha tôi viết thư về thăm gia đình bên Nga, báo tin ông vẫn bình an, vui với công việc mới.
Cuộc sống êm đềm kéo dài được sáu tháng, cha tôi bị cơn bệnh sốt rét quật ngã, nằm liệt giường. Sau khi qua khỏi, cha tôi đi Kinneret trong vùng biển Galilee tìm việc làm mới và được thâu nhận vào một nhóm người Do Thái ở Palestine đã lâu, vì lúc đó ông đã nói thông thạo cổ ngữ Hebrew.
Vùng Kinneret đã được mua bằng tiền Quỹ Quốc Gia Do Thái của Tổ Chức Zionist. Đến cuối năm 1909, bẩy người làm việc trong nông trại ở Kinneret lập một nhóm riêng biệt bao thầu công việc đồng áng ở Um Juni gần đó. Làng chiến đấu Deganiah trong cổ ngữ Hebrew có nghiã là “Hạt Thóc” khởi nguồn từ đó. Sau đó bẩy người lại ra đi tìm một vùng đất mới khai khẩn, bàn giao lại nông trại cho những người đến sau để lập nên một cộng đồng lớn hơn. Cha tôi đến làng chiến đấu Deganiah năm 1911.
Mẹ tôi, Dvorah đến làng Deganiah năm 1913. Bà là một cô gái trẻ, nhanh nhẹn, mắt nâu, tóc đen trông hấp dẫn, cùng tuổi với cha tôi và cũng đến từ khu vực lân cận thành phố Kiev ở Ukraine. Cha của mẹ tôi là người Do Thái duy nhất trong làng Prochorovka bên giòng sông Dnieper. Ông ta làm quản lý cho một công ty khai thác gỗ, được nuôi dưỡng trong một gia đình nặng tôn giáo và cũng là một học giả về cổ ngữ Hebrew.
Vì là người con gái trong gia đình, mẹ tôi không được dậy dỗ theo đường lối bảo thủ Hebrew và chủ nghiã Zionist. Bà được cho đi học theo chương trình Nga Sô, bậc tiểu học ở trong làng, rồi bậc trung học tại một làng lớn hơn, sau đó tiếp tục theo học phân khoa Giáo Dục tại viện đại học Kiev.
Đến năm 1911 có sự thay đổi quan trọng trong cuộc đời mẹ tôi mà tôi vẫn không được rõ lắm. Bà ta băn khoăn tự hỏi về cội nguồn Do Thái của mình, bỏ học trở về nhà sống với gia đình. Mẹ tôi được cha của bà cắt nghiã về chủ nghĩa Zionist, đọc những bức tâm thư của phong trào Những Người Yêu Quê Hương (Zionist) ở Palestine. Năm 1913, lúc đó mẹ tôi được hai mươi ba tuổi, quyết định trở về cố hương.
Ra đi bằng đường thủy trên chiếc tầu dành cho những người Do Thái hồi hương rời hải cảng Odessa, một tuần lễ sau, chiếc tầu cập bến hải cảng Haifa. Ngoài hành trang vài món đồ cá nhân, mẹ tôi chỉ đem theo lá thư giới thiệu của Yisrael Bloch, một trong những người tiền phong định cư ở Deganiah. Ông ta không ra đón mẹ tôi được vì bận đi Damascus mua bò về cho dân làng. Mẹ tôi tự túc đón xe lửa đi Zemach ở cuối phiá nam biển Galilee rồi đi bộ đến làng Deganiah.
Mẹ tôi đã cố gắng tận lực để sống hội nhập với dân làng Deganiah, tuy nhiên bị từ chối hội viên vì bà bị xếp vào loại “tiểu thư đài các”, không biết nói tiếng Hebrew hoặc Yiddish. Chỉ có mình cha tôi lên tiếng bênh vực cho bà nhưng vẫn bị từ chối.
Cuối cùng mẹ tôi đến một làng định cư khác Sejera làm việc và học tiếng Hebrew, tuy nhiên cha mẹ tôi biết nhau từ đó và vẫn thường liên lạc với nhau. Khi cha tôi phải đi Beirut khám tai bị nhiễm trùng do muỗi cắn, mẹ tôi đã dùng những đồng tiền dành dụm được mua vé xe lửa một chiều để đi thăm cha tôi. Hai người trở về Deganiah sau khi đã đính hôn, lần này mẹ tôi Dvorah được nhận vào hội viên trong làng.
Cha mẹ tôi lấy nhau trong làng Deganiah vào mùa thu năm 1914, sau khi trận Thế Chiến Thứ Nhất bùng nổ. Đám cưới theo nghi thức cổ truyền Do Thái dưới sự chứng dám của vị Shochet (Chủ Tế). Mẹ tôi sung sướng mặc bộ quần áo mầu trắng mà chính tay bà may lấy.
Tôi là đứa bé đầu tiên được sinh ra nơi làng Deganiah. Trước đó hai năm, Gideon con của Yosef và Miriam, hai trong số người đầu tiên đến Deganiah được sinh ra nhưng lúc đó tình trạng trong làng rất thiếu thốn nên họ phải đi Tiberias để sinh con.
Cái chết của chàng thanh niên Moshe Barsky vẫn không bị lãng quên, mặc dầu sau đó thỉnh thoảng vẫn có người bị giết để cướp của. Thực ra đó là hành động của đám cướp du mục, người Ả Rập sống trong những ngôi làng lân cận vẫn tiếp xúc với người Do Thái để trao đổi vật dụng, hàng hóa. Không thể tin tưởng nơi sự bảo vệ của chính quyền người Thổ Nhĩ Kỳ, các làng định cư Do Thái liên kết, tổ chức những toán võ trang bảo vệ làng xóm.
Năm tôi được một tuổi, tôi bị bệnh đau mắt (trachoma), bệnh dịch này lan tràn vùng Trung Đông và mẹ tôi cũng bị lây bệnh từ tôi. Hai mẹ con phải về sống tạm với bà cô tôi Beilah Hurwitz (cùng đi về Palestine năm 1908) nơi làng Nachlat Yehuda phiá nam thành phố Tel Aviv để chữa mắt. Khi bệnh thuyên giảm, hai mẹ con lại dắt nhau trở về Deganiah.
Khi trận Thế Chiến kéo dài, tình trạng dân làng trong toàn vùng Trung Đông trở nên bết. Một toán phi công Đức đến làng Deganiah trưng dụng nhà cửa, làm dân làng phải sống nơi chuồng nuôi bò và trong những nhà kho. Qua một mùa đông rét mướt, tất cả trẻ con trong làng đều trở nên èo uột, đau yếu. Mắt tôi bị đau trở lại và thêm bệnh sưng phổi. Cho đến đầu năm 1919, quân đội Anh đã chiến thắng vùng Palestine, trận Thế Chiến chấm dứt, mẹ tôi mới đưa tôi đi Jerusalem và cả hai đều nằm bệnh viện. Tôi chữa bệnh đau mắt còn mẹ tôi có một quả thận yếu. Tôi đã gần bốn tuổi và mẹ tôi nhân cơ hội này dậy tôi tập đọc và viết.
Sau trận Thế Chiến, thêm nhiều người Do Thái từ Âu châu quay trở về Palestine. Thêm nhân sự, cha tôi lãnh đạo một nhóm khai khẩn khu vực lân cận lập làng Deganiah B. Họ bị người Ả Rập du mục Bedouin tấn công nên chỉ ra đồng làm việc ban ngày, ban đêm trở về làng chính Deganiah. Lúc đó người Do Thái tìm phương thức mới để làm việc gọi là “Moshav” (gần giống như Hợp Tác Xã), mọi người trong làng đều làm việc chung, sau khi thâu hoạch hoa mầu chia đồng đều cho tất cả mọi người. Moshav đầu tiên được áp dụng nơi làng mới thành lập Nahalal trong thung lũng Jezreel. Cha tôi là một thành viên trong ngôi làng mới này. Buổi chia tay rất buồn tẻ, tôi đã lên sáu, lau nước mắt khi nói lời từ giã các bạn bè đồng lứa mà tôi đã cùng chúng bạn chơi đùa bên bờ sông.
Trong khi chờ đợi sự chấp thuận, tài trợ thành lập moshav Nahalal, gia đình tôi tạm trú ở Tel Aviv, cha tôi tìm được việc làm trong trung tâm nông nghiệp, mẹ tôi cũng đi làm tạm trong văn phòng tìm kiếm thân nhân thất lạc. Tôi đi học trường mẫu giáo cho trẻ con.
Trong tháng Chín năm 1921, gia đình tôi di chuyển đến Nahalal, trên những sườn đồi gần Nazareth. Căn nhà mới của gia đình tôi chỉ là những túp lều. Phiá bên dưới nhìn ra xa là thung lũng Jezreel, xen lẫn giữa những bãi lầy là những di tích của thành phố cổ bị chôn vùi. Dưới thung lũng nhô lên những túp lều bằng da dê của người Ả Rập Bedouin, những căn nhà đắp bùn của người Ả Rập. Lo sợ người láng giềng Ả Rập gây biến loạn bất ngờ, mẹ tôi đem tôi theo cùng với mấy bà mẹ Do Thái khác đi thuê hai căn nhà sống tạm trong vòng tám tháng để các người đàn ông xây xong làng cùng với hệ thống phòng thủ. Kỳ lạ thay, hai căn nhà chúng tôi thuê nằm ngay giữa lòng khu Ả Rập trong thành phố Nazareth. Tại đây chúng tôi đi chữa bệnh thường xuyên và nhờ đó hai mẹ con khỏi bệnh đau mắt (trachoma).
Thung lũng Jezreel lúc đó đầy muỗi sốt rét và vi trùng bệnh thương hàn, cần phải đào mương để nước thoát ra. Căn lều của gia đình tôi đã được thay thế bằng một căn nhà nhỏ, ấm cúng có bếp, phòng khách, hai phòng ngủ và mái hiên. Khi tôi lên tám tuổi, tôi có thêm em bé gái, mẹ yêu cầu cha xây thêm căn buồng nhỏ cho tôi và tôi đã sống trong căn phòng nhỏ đó cho đến khi tôi lập gia đình.
Sau giờ học, tôi phụ giúp cha tôi công việc đồng áng: vắt sữa bò, cầy bừa, trồng trọt, gặt hái hoa quả và đi theo cha đem lúa đến nhà máy xay trong một làng Ả Rập. Ở nhà đôi khi tôi cũng giúp mẹ xay bột, hay khi bà làm mứt.
Cha tôi thường tham dự những tổ chức, sinh hoạt trong cộng đồng người Do Thái, đã có lần được cử đi công tác ở nước ngoài. Ít nhất hai lần ra ngoại quốc làm việc cả năm trời. Những lần cha tôi vắng nhà, mẹ tôi phải thay cha làm những công việc ngoài đồng và tôi phải phụ giúp mẹ bằng tất cả những gì có thể làm được. Năm tôi lên bẩy, em gái Aviva được sinh ra ở Haifa, nơi nhà người cậu em trai của mẹ tôi. Bốn năm sau, em trai Zohar (Zorik) cũng được sinh ra ở Haifa. Đúng thời gian đó, cha tôi đang thăm viếng Hoa Kỳ và tôi mới lên mười một đã phải trông lo việc đồng áng một mình.
2. PHÒNG VỆ
Năm 1929, vừa mười bốn tuổi tôi được tuyên thệ gia nhập tổ chức Haganah (tiền thân của Quân Đội Do Thái sau này), đơn vị tự vệ bí mật của người Do Thái ở Palestine. Trong số thanh niên trẻ trong làng Nahalal được thâu nhận, tôi là người trẻ tuổi nhất. Haganah “lấy thêm quân” sau biến cố người Ả Rập sát hại sáu mươi bẩy người Do Thái ở Hebron gồm đàn ông, đàn bà, trẻ con. Trận tấn công bất ngờ này làm bị thương thêm sáu mươi người khác, các đền thờ Do Thái (synagogues) bị đập phá, những cuộn kinh Torah bị đốt cháy. Tổ chức Haganah quyết tâm không để chuyện này xẩy ra cho những ngôi làng Do Thái bị cô lập, hẻo lánh trong vùng đất Palestine. Tất cả làng mạc Do Thái đều phải có khả năng tự vệ, phải võ trang và huấn luyện quân sự cho cả đàn ông lẫn đàn bà.
Tuy nhiên, người Ăng Lê đang cai quản vùng Palestine cấm không được tàng chứa vũ khí không giấy phép và huấn luyện quân sự. Họ chỉ có một lực lượng cảnh sát và quân đội nhỏ nên không đủ sức bảo vệ và thường do dự khi phải đi hành quân bảo vệ những làng định cư Do Thái đang bị tấn công. Đội quân bí mật Haganah phân tán vũ khí, che dấu trong những làng định cư để phòng thủ.
Khi gia nhập Haganah, chúng tôi được huấn luyện xử dụng vũ khí. Ở trong nhà cũng có một khẩu súng cũ Carbine do Đức chế tạo, cha tôi đã đem theo khi rời Deganiah. Thỉnh thoảng tôi cũng lấy ra lau chùi, cho dầu mỡ để giữ khẩu súng trong tình trạng tốt, sẵn sàng để xử dụng. Nhiệm vụ của toán Haganah “nằm vùng” chúng tôi là bảo vệ ngôi làng thân yêu Nahalal và đi tiếp cứu những làng Do Thái khác khi cần thiết.
Khi tôi lớn hơn chút nữa, Yehuda Mor thành viên trong làng Nahalal tổ chức một đội thiếu niên năm người cưỡi ngựa đi tuần quanh làng đề phòng những đám quân cướp Ả Rập. Bọn thiếu niên chúng tôi được huấn luyện cưỡi ngựa, chiến đấu như những kỵ binh ngày trước. Tôi được giao cho một con ngựa và đặt tên cho nó là Tauka như tên con ngựa trong chuyện của Jules Verne.
Người Ả Rập Bedouin ở El Mazarib và những bộ lạc du mục khác thường di chuyển đi ngang qua, cho đàn dê của họ ăn cỏ trên những cánh đồng của làng. Nhiệm vụ của đội tuần tiểu chúng tôi là đuổi họ đi nơi khác. Bọn du mục này thường sống bằng trộm cắp và xử dụng bừa bãi đất đai của người khác.
Một đêm trong tháng Mười Hai năm 1932, một quả bom ném vào nhà Yosef Ya’akobi một người dân trong làng Nahalal giết chết đứa con trai lên tám của ông ta. Ngày hôm sau, Ya’akobi cũng chết vì vết thương. Vụ mưu sát này làm căng thẳng mối liên hệ giữa chúng tôi với người láng giềng Ả Rập. Những vụ mưu sát tương tự cũng xẩy ra trong các làng định cư Do Thái khác. Chính quyền Anh bắt giữ một số người Ả Rập dính líu tới những vụ mưu sát kể trên nhưng vẫn không ngăn được người Ả Rập quá khích.
Những tay sát nhân Ả Rập nằm trong nhóm quá khích bí mật Bearded Sheikhs, sau này đổi thành Kassamiya, lấy tên của người sáng lập Sheikh Az El Din El Kassam. Ngôi làng Ả Rập lớn Zippori gần Nazareth là nơi đầu não của tổ chức khủng bố.
Thời gian học của tôi trong trường Nông Nghiệp Wizo chấm dứt, nhưng vẫn còn lưu luyến. Judith là cái nam châm thu hút tôi, nàng có cặp mắt xanh tuyệt đẹp, lớn tuổi hơn và cũng cao hơn tôi. Trong những ngày lễ Sabbath, chúng tôi thường đi thăm vườn ươm cây Kfar Hahoresh trên những dẫy đồi Nazareth, sau đó buổi tối đi bên nhau qua những ruộng bắp.
Đời sống trong làng Nahalal làm việc nhiều tiếng đồng hồ ngoài cánh đồng rất cực nhọc. Những lúc cha tôi đại diện đảng Lao Động (Labor Party) đi công du, mẹ tôi bận rộn với công việc làm cho tờ báo lớn nhất trong nước, một mình tôi phải gánh vác mọi công việc.
Một trong những cô gái đến làng Nahalal vào mùa thu năm 1934 là Ruth Schwartz. Cô ta đến từ Jerusalem để theo học trường nông nghiệp ở Nahalal. Nàng kém tôi hai tuổi. Cha nàng là Zvi và mẹ là Rachel, cả hai ông bà đều xuất thân từ trường trung học nổi tiếng Herzliya, nơi đào tạo những chính khách cho cả nước. Nhưng cô con gái Ruth là một thành viên của phong trào thanh thiếu niên Lao Động nên theo học ngành nông nghiệp ở Nahalal.
Tôi và Ruth gặp nhau thường xuyên. Tôi muốn trau dồi khả năng Anh ngữ từ Ruth vì nàng đã được học hỏi từ bé. Dần dần chúng tôi gắn chặt lấy nhau. Ruth thường đến thăm gia đình tôi, giúp mẹ tôi và kết bạn với hai người em của tôi.
Ngày 12 tháng Bẩy 1935, chúng tôi thành hôn dưới sự chứng giám của ông Cố Đạo làng Nahalal (Rabbi) Zechariah, người Do Thái được sinh ra ở Yemen. Với tuổi hai mươi tôi đã bắt đầu nếp sống gia đình, người đầu tiên trong đám bọn trẻ ở Nahalal.
Cặp vợ chồng mới cưới chúng tôi vẫn chưa có dự tính nào rõ ràng cho tương lai. Tôi muốn làm một điều gì mới như cha mẹ tôi, những người đi trước đã làm được khi vào lứa tuổi đôi mươi như tôi. Có lẽ tôi sẽ lập một nông trại mới trong vùng hoang dã như cánh đồng lầy Huleh phiá bắc biển Galilee. Nhưng tôi vẫn mong có cơ hội được học hỏi thêm, phải trau dồi thêm Anh Ngữ. Trong số quà cưới có hai vé đi du lịch Anh Quốc, hy vọng tôi sẽ được ghi danh theo học bậc đại học ở Anh.
Ruth yêu thích London, nàng đã sống ở đó 5 năm khi cha mẹ nàng theo học tại viên đại học London. Đến London, Ruth tìm được việc làm dậy tiếng Hebrew, tôi mong tìm được công việc bán thời gian để tiếp tục việc học, nhưng khả năng Anh ngữ gây trở ngại lớn cho tôi. Cuộc đời không trải hoa như tôi đã mong muốn, bức thư của cha tôi như trách móc sao tôi lại chọn cuộc sống nhàn hạ trong khi công việc đồng áng của gia đình rất cần có tôi ở nhà.
Đang phân vân, thêm hai biến cố quan trọng xẩy ra làm hai vợ chồng vội vã khăn gói trở về quê hương. Thứ nhất, người Ả Rập bạo động nổi lên ở Palestine trong tháng Năm 1936. hai tháng trước đó Avraham Galutman bị giết chết. Ông ta là chuyên viên về loại hoa Lan, đã dậy tôi về cách chiết cây. Người Ả Rập tổ chức tấn công nhiều làng định cư Do Thái khắp mọi nơi trong vùng Palestine, thêm nhiều người Do Thái là nạn nhân. Chỗ đứng của tôi là quê hương.
Biến cố thứ hai, là nhóm trẻ bạn tôi ở Nahalal quyết định tách ra đi tìm một nông trại riêng. Họ hăng hái dự định đi lên vùng sát biên giới lập làng chiến đấu vừa cầy cấy vừa cầm súng chiến đấu. Ban điều hành làng Nahalal đồng ý cắt cho họ 100 mẫu đất trong khu vực đồi Shimron để lập nông trại mới. Vợ chồng tôi quyết định theo nhóm người trẻ này.
Chúng tôi bắt đầu với mười bẩy hội viên, tất cả đều có gốc rễ từ Nahalal. Sau đó có thêm nhóm người trẻ từ phong trào thanh thiếu niên lao động di cư từ Ba Lan, Lỗ Ma Ni về Do Thái. Cuối cùng thêm mấy cô gái tốt nghiệp trường nông nghiệp Wizo ở Nahalal. Tôi và Ruth được chia một căn nhà nhỏ, tôi lấy gỗ đóng bàn ghế, đồ đạc để dùng trong nhà. Ruth được trao trách nhiệm trông nom đàn cừu, còn tôi được trao nhiệm vụ canh phòng ban đêm.
Đến tháng Mười Một năm 1938, nhóm Shimron di chuyển lên Hanita, sát biên giới với Li Băng. Những người trong nhóm từ ban đầu đã di chuyển đi các làng định cư khác gần hết, được thay thế bằng lớp người trẻ mới. Vợ chồng tôi quay trở về Nahalal sinh sống và xây một căn nhà nhỏ khác cho riêng chúng tôi.
Người Ả Rập quá khích khuấy động vùng Palestine từ tháng Năm 1936 cho đến tháng Năm 1939. Người Ăng Lê phải đưa thêm quân đội qua và yêu cầu người Do Thái cộng tác. Họ tìm người Do Thái biết rành rẽ khu vực và biết nói tiếng Ả Rập để thành lập một đơn vị cảnh sát đặc biệt. Tôi được mời cộng tác và trở thành một Ghaffir của đơn vị này.
Giấy bổ nhiệm của Sở Cảnh Sát Palestine gửi đến cho tôi ở Shimron vào tháng Ba năm 1937. Lúc đó tôi đã hai mươi hai, lương tháng là 8 đồng bảng Palestine (Pounds). Nhiệm vụ của tôi làm hướng đạo cho những toán quân đội Ăng Lê đóng ở Afula, trung tâm vùng thung lũng Jezreel, khi họ đi tuần dọc theo ống dẫn dầu của Công Ty Dầu Hỏa Iraq (Iraq Petroleum Company – IPC). Ống dẫn dầu này chạy ngang qua thung lũng đến hải cảng Haifa. Toán tuần tiễu bao vùng trách nhiệm một đoạn ống dẫn dầu nằm giữa Tiberias bên bờ biển Galilee và Ein Dor. Khu vực này rất có lợi thế cho bọn phá hoại, đường xe chạy không được và có nhiều làng Ả Rập.
Tôi được cấp phát quân phục, súng đạn và sống trong trại binh Ăng Lê. Mỗi tuần tôi được nghỉ phép một ngày về thăm nhà ở Shimron. Cấp chỉ huy người Ăng Lê cho rằng họ đã làm tròn bổn phận khi họ có mặt đi tuần. Người Ả Rập biết rõ điều này, họ sẽ phá ống dẫn dầu, trước hoặc sau khi toán tuần tiễu đi qua. Sau tám tháng làm việc với người Anh, tôi nhận thức được rằng việc xử dụng quân chính quy, đi tuần theo một lộ trình, một giờ giất nhất định không có hiệu quả. Quân du kích khủng bố rất rành điạ hình, điạ vật tránh né toán tuần tiễu dễ dàng. Muốn tiêu diệt bọn này phải tấn công bất ngờ căn cứ của chúng hoặc tấn công lúc chúng đang di chuyển.
Đơn vị Cảnh Sát Đặc Biệt phát triển bao gồm gần hết các làng chiến đầu và hơn 1300 hội viên Haganah. Sau khi hết thời gian làm việc ở Afula, tôi quay trở về phục vụ nơi làng cũ Shimron và được thăng cấp Trung Sĩ làm trưởng toán chỉ huy sáu nhân viên và một xe tuần tiễu. Chúng tôi đi tuần ban ngày, tổ chức phục kích ban đêm trên những lộ trình dẫn đến các làng Ả Rập và Do Thái.
Đến tháng Mười Hai năm 1937, Haganah gửi tôi theo học khóa đào tạo Trung Đội Trưởng và được biết Yitzhak Sadeh một trong những sĩ quan thâm niên trong Haganah làm huấn luyện viên. Tôi học hỏi rất nhiều kinh nghiệm nơi ông ta. Tiếp theo tôi được người Anh gửi đi học khóa huấn luyện dành cho các Trung Sĩ trong một trại lính Ăng Lê. Điều này tôi học hỏi thêm về cách làm việc, tổ chức trong quân đội Anh.
Ngọn lửa Ả Rập lại bùng lên vào mùa thu năm 1937, khi Ủy Ban Peer đưa ra đề nghị chia đất vùng Palestine. Một phần đất cho người Do Thái, một phần cho sắc dân Ả Rập và một phần dưới sự thống trị của người Ăng Lê. Các quốc gia trong khối Ả Rập chống lại bản dự thảo này, mối thù đối với người Do Thái và chính quyền người Anh gia tăng.
Năm 1938, tôi làm huấn luyện viên Haganah trong làng Nahalal và các làng lân cận. Ngoài ra còn đảm nhậm thêm việc việc huấn luyện lãnh đạo chỉ huy trong một căn cứ Haganah. Ngoài phần huấn luyện xử dụng vũ khí, tôi viết quyển cẩm nang “Kỹ Thuật Tác Chiến”, nhấn mạnh việc quen biết điạ thế, xử dụng phương pháp tấn công thích ứng. Quyển cẩm nang này nằm trên bàn Ya’akov Dori, lúc đó là chỉ huy trưởng phân khu phiá Bắc và tôi được khen ngợi.
Đầu năm 1938, sự bạo động của người Ả Rập lên tới cực điểm, người Do Thái đã mua khu đất Hanita và quyết định đưa người lên sớm để giữ đất. Làng chiến đấu Hanita ngay biên giới Li Băng sẽ ngăn chặn đường xâm nhập quân cướp Ả Rập vào đất Do Thái. Vấn đề là người Do Thái có giữ được “cứ điểm” Hanita hay không vì bị các làng Ả Rập bao quanh và không có một làng Do Thái nào gần đó đến tiếp cứu khi bị tấn công.
Haganah định ngày 21 tháng Ba năm 1938 sẽ mở cuộc hành quân lên Hanita để xây dựng làng chiến đấu. Họ gom được 400 quân gồm 100 ghaffir từ các làng chiến đấu trong vùng Jezreel, Galilee, và các nơi khác trong Palestine. Để giữ bí mật cho cuộc hành quân tránh cặp mắt dò xét của người Ả Rập và người Anh, các chiến sĩ Haganah (trong thời gian này họ là thường dân) tập họp trong một làng chiến đấu nằm gần bờ biển. Yitzhak Sadeh được chỉ định chỉ huy đoàn quân này và Ya’akov Dori sẽ là người chỉ huy làng định cư khi người Do Thái đã chiếm đóng Hanita.
Ngày 21 tháng Ba, chúng tôi di chuyển ra khỏi tuyến xuất phát trước rạng đông, đi lên hướng bắc đến Hanita. Chúng tôi phải bỏ xe cộ lại leo lên những dốc đá. Toán đi đầu phải chặt cây, dọn đường cho những toán theo sau mang theo những kiện hàng nặng nề, dụng cụ để thiết lập tuyến phòng thủ Hanita. Ngay trên đỉnh đồi chúng tôi dựng nên đài quan sát sau đó là hai lớp hàng rào phòng thủ để tạm đóng quân đêm. Mọi người đều phải làm việc tận lực trước khi mặt trời lặn, sợ rằng quân Ả Rập sẽ tấn công ngay đêm đầu tiên. Tuy nhiên quá nhiều công việc nên không kịp hoàn tất tuyến phòng thủ trong ngày.
Quả nhiên địch tấn công quấy rối vào lúc nửa đêm, khai hỏa từ hai ngọn đồi lân cận nhưng không dám tràn lên đồi. Hai bên bắn qua lại khoảng hơn một tiếng đồng hồ rồi quân Ả Rập rút lui. Phiá Do Thái có hai người chết vài người khác bị thương.
Đoàn quân Do Thái tiếp tục đi lên Hanita trong những ngày kế tiếp. Qua ngày thứ tư, trong khi họ đang làm đường tiếp vận, địch lại tấn công quấy rồi. Người Do Thái xông ra đuổi theo nhưng quân du kích Ả Rập đã nhanh chóng biến mất vào những ngọn đồi xung quanh.
Lực lượng dưới quyền Sadeh phải ở lại bảo vệ Hanita trong khi đoàn quân xây dựng hệ thống phòng thủ ngôi làng chiến đấu mới. Vì làng này nằm giữa lòng quân thù nên cần có hệ thống phòng thủ kiên cố. Để xúc tiến công việc, tôi được lệnh dùng xe “Thiết giáp nội hóa” là những xe vận tải được gắn thêm lơp vỉ sắt chống đạn ở hai bên, đưa lên Hanita thêm một số người từ làng Nahariah nơi bờ biển, trợ giúp công việc xây dựng. Sau khi hoàn thành làng chiến đấu Hanita, đơn vị đặc nhiệm Haganah gải tán, mọi người được trở về làng cũ.
Tôi về lại Shimron, một buổi tối vài tuần sau đó, một nhân viên Haganah đưa đến một người khách lạ. Tên ông ta là Orde Wingate, một đại úy trong quân đội Anh. Tôi đã nghe nói về huyền thoại của người quân nhân này khi ông ta đến Palestine năm 1936, giữa lúc người Ả Rập đang bạo động. Tôi được biết ông ta là chuyên gia về “Hành Quân Ngoại Lệ – Biệt Kích” để đương đầu với những toán quân khủng bố, phá hoại Ả Rập. Đại úy Wingate khác với các viên sĩ quan Ăng Lê khác, ông ta bênh vực chủ nghiã Zionist và thường thuyết phục cấp chỉ huy làm việc với Haganah.
Wingate là một người đàn ông tầm thước, gầy, gương mặt cứng rắn bước vào với một quyển kinh thánh trên tay, bên hông là một khẩu súng lục. Ông ta mời tất cả nhân viên Haganah vào nói chuyện và thuyết giảng về “Hành Quân Ngoại Lệ”. Về tổ chức phục kích, Wingate trải tấm bản đồ ra, chỉ tay vào điểm đặt ổ phục kích làm mọi người ngạc nhiên. Từ trước, Haganah đã tổ những điểm phục kích trên đường dẫn đến các làng chiến đấu Do Thái để ngăn chặn quân thù. Điểm phục kích Wingate vừa chấm nằm ngay bên cạnh một làng Ả Rập. Tại sao không đánh … ngay tại sào huyệt quân thù?
Tôi rất thích thú, khâm phục quan niệm hành quân “Biệt Kích” của đại úy Wingate. Quan niệm tác chiến này được Yitzhak Sadeh đem ra áp dụng. Chúng tôi tổ chức những toán biệt kích len lỏi sâu vào lòng địch, trong vùng đồi núi Galilee, những cánh rừng hoang vu Judea gần nơi Chúa Jesus sinh ra Bethlehem. Chúng tôi gây nhiều tổn thất cho đám khủng bố Ả Rập. Chúng nên biết rằng, đối với Haganah, chúng không có đất dung thân.
3. VÀO TÙ
Làng chiến đấu Hanita đã củng cố xong, vợ chồng tôi đến thăm sau đó trở về ngôi làng xưa Nahalal. Chúng tôi thuê một căn nhà nhỏ hai phòng ngủ, phòng khách và miếng vườn nhỏ trồng rau cỏ. Cuộc sống gia đình coi như đã ổn định, đến tháng Hai năm 1939, chúng tôi sinh đứa con gái đầu lòng Yael.
Trong tháng Năm, chính quyền người Anh ban hành luật lệ mới cho vùng đất cai trị Palestine. Luật mới này có ảnh hưởng nặng nề đối với người Do Thái, giới hạn số người di dân Do Thái, gần như họ cấm luôn và Người Do Thái không được mua thêm đất đai trong vùng Palestine. Điều luật này làm cho nguồn ánh sáng hy vọng lập quốc của Do Thái trở nên yếu ớt, mờ đi. Nó cũng cắt đứt sợi dây quan hệ giữa Haganah và chính quyền người Anh. Một lần nữa, đạo quân bí mật Haganah lui vào bóng tối.
Vào giữa tháng Tám năm 1939, Haganah tổ chức huấn luyện khóa Trung Đội Trưởng và tôi được chỉ định làm huấn luyện viên. Để bảo mật, lớp huấn luyện này được tổ chức gần nơi làng Yavniel trong vùng phiá nam Galilee. Trận Đệ Nhị Thế Chiến đã bùng nổ, người Do Thái phải gấp rút tổ chức vấn đề phòng vệ. Chương trình huấn luyện được êm xuôi trong bẩy tuần lễ đầu.
Tiếng chuông báo động reo vang ngày 3 tháng Mười, khi vừa tập họp để học phần lý thuyết. Chúng tôi không đủ thì giờ phân tán nên lớp học cứ ra vẻ “tự nhiên” bằng cách đổi đề tài chiến thuật qua kỹ thuật chạy đua đường trường. Hai sĩ quan an ninh người Anh vén tấm bạt bước vào trong lều. Họ đứng nghe một lúc rồi bỏ đi lục soát những căn lều khác. Chẳng may, họ tìm thấy vài khẩu súng trường, lập biên bản, lấy khẩu cung rồi ra về làm báo cáo. Người chiụ trách nhiệm về khóa huấn luyện báo cáo về bộ chỉ huy Haganah và được lệnh di chuyển “lớp học” ngay tức khắc đến khu vực Ein Hashofet, một làng chiến đấu nằm bên ngoài hướng tây thung lũng Jezreel.
Chúng tôi chia làm hai nhóm, Yigal Allon một trong những huấn luyện viên chỉ huy một toán nhỏ đem theo vũ khí đi bộ ngang qua chân đồi Tabor (Mount Tabor) đến Ein Hashofet êm thấm. Vị chỉ huy khóa huấn luyện dẫn dắt nhóm đông 43 người theo hướng khác, cắt ngang những ngọn đồi về hướng tây nam, băng qua khu vực đông người Ả Rập Wadi El Bira lúc ban đêm, sáng hôm sau sẽ đến Jezreel. Tôi cùng với Mordechai Sukenik làm hướng đạo viên trong nhóm này.
Chẳng may, vì toán đông người, lỉnh kỉnh nên chậm giờ khởi hành. Ngoài ra phải thâu hồi số vũ khí (lúc đó rất quý báu đối với người Do Thái) chôn dấu để thực tập. Đến 2 giờ chiều chúng tôi mới bắt đầu di chuyển ra khỏi khu vực huấn luyện đã bị lộ. Lộ trình thật gian nan khó đi, chúng tôi đi suốt đêm, trèo qua những vách núi. Đến rạng đông sáng hôm sau mới đến gần khu vực người Ả Rập Wadi El Bira. Tôi cùng với Sukenik đi trước đoàn người, ngồi xuống nghỉ mệt chờ đoàn người.
Bất ngờ, một toán tuần tiễu biên phòng xuất hiện, khám xét nhưng hai chúng tôi trả lời êm xuôi nên họ bỏ đi. Vài phút sau, do một người Ả Rập thông báo, họ lại xuất hiện, đi thẳng đến nhóm người đang di chuyển phiá sau bắt tất cả. Đội biên phòng báo động cho đơn vị lính Anh đóng gần đó đem quân xa tới, tịch thâu vũ khí rồi chở tất cả thẳng vào nhà tù Acre. Trên xe, tôi viết vào một mảnh giấy nhỏ chờ dịp nhắn tin cho vợ con “Bị bắt, nhưng an tâm”. Bên ngoài viết điạ chỉ của vợ tôi, cột mảnh giấy vào một hòn đá khi gặp người quen ném hòn đá xuống đất.
Trong tù chúng tôi được ăn điểm tâm Ả Rập, olive và Pitta, loại bánh mì “mập” của người Ả Rập và được tiếp xúc với luật sư biện hộ ở Haifa. Mọi người đều tin rằng trước sau gì người Ăng Lê cũng phải trả tự do cho chúng tôi, họ đã thừa biết rằng vũ khí của chúng tôi là để tự vệ, bảo vệ xóm làng chống lại sự uy hiếp của người Ả Rập. Người Anh cũng cho phép chúng tôi được thân nhân thăm viếng, và tiếp tế đồ ăn Do Thái gửi đến từ Haifa.
Phòng Điều Tra Tội Phạm Anh buộc tội chúng tôi tàng trữ vũ khí không giấy phép và sẽ bị truy tố trước tòa án quân sự. Phiên tòa xử chúng tôi ngày 25 tháng Mười trong một trại lính Ăng Lê gần nhà tù Acre. Công tố viên là một viên Thiếu Tá người Anh, luật sư biện hộ gồm ba người trong đó có cha vợ tôi Zvi Schwartz. Ba sĩ quan Ăng Lê khác đóng vai thẩm phán. Tất cả chúng tôi bị buộc tội tàng trữ vũ khí, riêng Avshalom Tau thêm tôi chỉa súng vào toán tuần tiễu khi họ đến bắt giữ chúng tôi.
Phiên tòa kéo dài ba ngày, đến ngày 30 tháng Mười, lúc 10 giờ sáng, chúng tôi được đưa trở lại tòa để nghe bản án. Tất cả chúng tôi đều bị buộc tội án tù 10 năm, riêng Avshalom Tau bị kết án tù chung thân. Đến cuối tháng Mười Một, bản án xác định rõ ràng là có tội tuy nhiên giảm xuống còn 5 năm tù. Chúng tôi tuyệt thực phản đối màn kịch “tòa tuồng”, cách đối xử của người Anh, được Haganah bên ngoài rải truyền đơn tiếp tay. Kết quả, ban chỉ huy nhà tù phải đưa nhóm chúng tôi qua khu khác “đỡ hơn” chút đỉnh.
Dov Hos, một viên chức cao cấp trong Phòng Chính Trị “Cơ Quan – Agency” Do Thái và trong tổ chức bí mật Haganah đến thăm viếng chúng tôi, báo tin hy vọng nhóm chúng tôi sẽ được di chuyển đến trại tạm giữ Mazra cách nhà tù Acre vài dặm về phiá bắc. Nơi đó “dễ thở” hơn nhiều và gia đình được phép thăm viếng dễ dàng.
Chúng tôi được “người nhà” thông báo cho biết về trận Đệ Nhị Thế Chiến bên Âu châu, sự tàn sát tập thể người Do Thái ở Đức, Ba Lan, Hungary. Toàn là những tin kinh hoàng, các “tù mới” cũng báo cho biết có nhiều hội viên Haganah mới bị bắt đưa đến nhà tù Acre, cũng y khuôn tội tàng trữ vũ khí bất hợp phát. Rõ ràng người Anh muốn “thanh toán” Haganah mặc dầu họ dư biết đó là tổ chức phòng vệ của người Do Thái chứ không phải đạo quân nổi loạn chống lại họ. Kẻ thù chính của người Do Thái vẫn là sắc dân Ả Rập.
Trong số tù nhân Do Thái mới đến, có một nhóm 34 người “Quá khích, cực đoan, đặc công” Irgun. Họ bị bắt với đầy đủ súng đạn và cả chất nổ nữa. Cũng như Haganah, cả hai đều là tổ chức bí mật, lo cho quốc gia, dân tộc tuy hai quan niệm khác nhau. Đối với Irgun, ăn miếng trả miếng, “Mắt đổi mắt, răng đổi răng” là câu châm ngôn đầu môi của họ.
Chúng tôi được đua qua trại tạm giam Mazra vào cuối tháng Hai năm 1940, sau khi đã ở nhà tù Acre được năm tháng, và nhiều lần giới lãnh đạo Do Thái thương lượng. Những người dân làng chiến đấu Ginnosar và nhóm Irgun cũng được đưa đi cùng với chúng tôi. Trại tạm giam này cũng giam giữ tù chính trị Ả Rập, được cảnh sát Ăng Lê và Ả Rập canh gác. So với nhà tù Acre, nơi đây đỡ hơn nhiều, chúng tôi ngủ trong lều, ăn uống đầy đủ, được đi làm trong trại thí nghiệm nông nghiệp, và được thăm nuôi thường xuyên.
Một trong những người đến thăm viếng chúng tôi đều đặn là Dov Hos. Ông ta xứng đáng là cấp chỉ huy Haganah, cho chúng tôi biết chuyện gì đang xẩy ra trên thế giới và vẫn tiếp tục không ngừng thương lượng với người Anh để chúng tôi được tự do.
Đến mùa xuân, chúng tôi mừng tuần lễ Passover. Người Do Thái ăn mừng sự tự do. Một xe vận tải chở đến cho chúng tôi đồ ăn, rượu vang, bánh trái và Matzah, một loại bánh mì đặc biệt ăn trong dịp lễ để nhắc lại chuyến di cư Exodus của trẻ con Do Thái ra khỏi vòng nô lệ bên Ai Cập. Avraham Harzfeld, một trong những nông gia đầu tiên về Palestine, làm chủ lễ truyền thống Seder, đêm đầu tiên cho tuần lễ Passover. Chúng tôi cùng nhau đọc lại chuyện giải phóng dân tộc ra khỏi vòng nô lệ. Avraham cùng chúng tôi ca hát, nhẩy múa, một ngày lễ tuyệt hảo trong thời gian tù tội của chúng tôi.
Trong tuần lễ Passover, chúng tôi được nhiều người thăm viếng. Eliyahu Golomb chỉ huy trưởng Haganah đến thăm chúng tôi báo tin, đang có kế hoạch thúc đẩy chính quyền Anh thành lập một đơn vị chiến đấu Do Thái nằm trong quân đội Anh. Trong đầu năm 1940, Âu châu chìm trong biển lửa, quân đội Anh đang lâm vào thế kẹt, quân đội Quốc Xã (Nazis) chiếm hết quốc gia này đến quốc gia khác. Hy vọng với kế hoạch này chúng tôi sẽ được tự do sớm hơn như trong bản án.
Cục diện thế giới thay đổi, nước Pháp đã rơi vào tay người Đức, người Anh phải rút lui trở về phòng thủ đất nước. Vẫn không được tin gì mới về số phận bọn tôi, trong khi nhàm chán tôi tự trau dồi thêm Anh ngữ đọc truyện ngắn của O. Henry và những vở kịch lừng danh của đại văn hào Shakespeare. Gần hết Âu châu đã nằm trong tay quân đội Quốc Xã, chiến tranh đang lan rộng đến vùng đất Palestine và chúng tôi vẫn nằm trong tù.
Một năm trôi qua, đến tháng Mười Hai chúng tôi chào đón lễ Hanukkah trong buồn thảm. Hanukkah là ngày lễ của ánh sáng. Người Maccabees trước đây đã chiến đấu lấy lại kinh thành Jerusalem từ tay người Seleucids, dành độc lập cho Do Thái trong thế kỷ thứ hai trước Thiên Chúa. Chúng tôi thắp những ngọn nến trên cây đèn Hanukkah để ghi nhớ bậc tiền nhân đã làm tinh khiết đền thờ Jerusalem (Jerusalem Temple). Năm ngoái chúng tôi đã thắp nến Hanukkah trong nhà tù Acre, năm nay vẫn chưa được tự do. Thêm một tin buồn lớn, Dov Hos cấp chỉ huy Haganah, người vẫn thường đến thăm chúng tôi, tử nạn vì xe cộ trên đường về nhà sau chuyến thăm viếng trại tạm giam Mazra.
Qua tháng Giêng 1941, nhiều tin đồn đến tai chúng tôi. Các nhà lãnh đạo Do Thái trong tổ chức Cực Đoan (Zionist) đã thuyết phục được London để cho người Do Thái được tự do trên mảnh đất Palestine. Người Do Thái bên Âu châu đang bị quân đội Đức, kẻ thù hiên thời của người Anh đang giết hại hàng triệu người. Để tăng thêm áp lực, chúng tôi họp mật quyết định sẽ tuyệt thực phản đối chính quyền người Anh vào ngày 1 tháng Ba.
Vào ngày 16 tháng Hai năm 1941, chúng tôi được thông báo sẽ được trả tự do sáng hôm sau. Vừa hy vọng, vừa hoài nghi lòng tốt của người Anh, cả đêm tôi không chợp mắt được. Sáng sớm ngày hôm sau, chúng tôi được trao trả lại bộ quần áo cũ và được lệnh thu gọn hành trang. Cánh cổng trại giam Mazra mở ra cho chúng tôi đi qua, bỏ lại đằng sau lưng nhà tù.
4. RA CHIẾN TRƯỜNG
Nhà tù Acre chỉ cách làng Nahalal 20 dặm, về đến nông trại của cha, tôi phải bắt tay ngay vào công việc đồng áng vì trong thời gian bị cầm tù, các em tôi lo không xuể. Khi việc nhà đã tạm yên, tôi nhận làm thêm những công việc khác trong làng như xây nhà, đào mương dẫn nước. Những lúc rảnh rỗi, tôi chơi đùa với con gái Yael, làm nhiệm vụ canh gác buổi tối. Tôi được thở bầu không khí tự do, nhưng thời gian sống bên gia đình ở Nahalal không được lâu. Trong vùng sa mạc phiá tây, phe Trục (Axis) dưới quyền danh tướng Rommel đã mở đợt tấn công thứ hai suốt tháng Ba và Tư đến gần biên giới Ai Cập. Nơi hướng bắc, chính quyền bảo hộ người Pháp ở Syria, Li Băng theo lệnh của chính phủ Vichy làm việc với Đức Quốc Xã tấn công vùng phiá bắc Palestine, phối hợp với quân của Rommel. Trước tình thế mới, người Ăng Lê đồng ý cho thành lập các đơn vị tình nguyện người Do Thái trong quân đội Anh.
Haganah có hai nhiệm vụ, thứ nhất vẫn phải bảo vệ các làng chiến đấu Do Thái chống lại người Ả Rập và trợ lực cho quân đội Anh trong các hành quân đặc biệt. Yitzhak Sadeh một nhân vật cao cấp trong hàng ngũ Haganah được trao cho nhiệm vụ chỉ huy đơn vị Haganah tân lập này, Yigal Allon và tôi được chỉ định làm đại đội trưởng. Công việc đầu tiên của chúng tôi là tuyển mộ quân tình nguyện trong vùng thung lũng Jezreel và Galilee.
Đầu tháng Năm, Yitzhak Sadeh gọi tôi cùng với Zvi Spector đến họp, ra lệnh cho tôi tổ chức huấn luyện quân sự cho đơn vị tân lập nhưng vẫn chưa cho biết nhiệm vụ hành quân. Ba tháng “nghỉ hè” bên mái ấm gia đình kể như chấm dứt, tôi phải trở về với nhiệm vụ Haganah.
Ít lâu sau, chúng tôi được cho biết nhiệm vụ, phối hợp với lực lượng Đồng Minh tấn công Syria đập tân mũi tấn công từ phương bắc. Đơn vị Haganah đã quen thuộc điạ thế nơi hướng bắc Palestine nên được trao trách nhiệm mở đường cho quân Đồng Minh theo sau.
Đơn vị tôi không phải đi chung trong hành quân hỗn hợp Anh-Do Thái, nhận lệnh hành quân đặc biệt, phá nhà máy lọc dầu của Syria nơi hải cảng Tripoli, nơi cung cấp xăng dầu cho máy bay Đức đang xử dụng các căn cứ trên đất Syria. Một đơn vị gồm hai mưoi ba quân tình nguyện do Zvi Spector lãnh đạo, rời hải cảng Haifa đêm 18 tháng Năm trên chiếc tầu Hải Sư (Sea Lion), đem theo ba tầu đổ bộ nhỏ. Cùng đi với họ là Thiếu Tá Anthony Palmer thuộc Lực Lượng Đặc Biệt Ăng Lê. Trong nhóm 23 quân tình nguyện Do Thái có mấy người cùng bị tù với tôi trong nhà tù Acre. Trận đánh biệt kích thất bại, họ không đến được Tripoli và cũng không trở về. Chuyện gì thực sự xẩy ra cho toán biệt kích Do Thái cùng chiếc tầu định mệnh Hải Sư đến nay vẫn chưa rõ. Trước đó không quân Anh đã thả bom nhà máy lọc dầu nên Syria đã tăng cường quân đội bảo vệ, khi quân biệt kích từ biển vào đến bờ đã bị hỏa lực của địch tiêu diệt. Cũng có thể chiếc tầu Hải Sư bị không quân Đức đánh chìm ngoài biển khơi.
Tôi vẫn còn nhớ ngồi trên nóc tòa nhà cao nhất trong hải cảng Haifa, dùng ống nhòm nhìn về phiá trước quan sát, đợi chiếc tầu Hải Sư trở toán biệt kích trở về. Đã hai ngày qua, chiếc tầu vẫn biệt tăm, người nào trong chúng tôi cũng buồn bã cho sự mất mát.
Vài ngày sau khi toán biệt kích mất tích, tôi được gọi lên trình diện, nhận lệnh hành quân cho đơn vị. Đơn vị cấp trung đội do tôi chỉ huy sẽ nằm trong thành phần xung kích Úc Đại Lợi, đi tiên phong cho quân đội Đồng Minh. Nhiệm vụ chính cho đơn vị xung kích Do Thái là trinh sát, đánh dấu vị trí cũng như sức mạnh của các đơn vị địch. Đêm trước ngày quân Đồng Minh tấn công, đơn vị tôi sẽ đi trước băng qua biên giới tiến tới gần làng Iskenderum trên đất Li Băng, tấn công và giữ mấy chiếc cầu trên con đường chính đi thủ đô Beirut.
Tôi gửi một công điện đến làng chiến đấu Hanita nằm ngay biên giới Li Băng. Tôi sẽ xử dụng Hanita làm căn cứ xuất phát. Bức công điện dặn dò ban chỉ huy làng chuẩn bị đón nhận 30 quân Haganah. Tiếp theo, tôi đi lên sát lằn ranh biên giới để quan sát điạ hình, điạ vật cùng với sự canh phòng của người Li Băng. Sau đó tôi lái xe đi khắp các làng chiến đấu Do Thái trong vùng thung lũng Jezreel tìm các quân nhân Haganah có trong danh sách, cho họ biết về nhiệm vụ và yêu cầu họ đến làng Hanita trình diện. Tôi làm việc suốt đêm và đến tối hôm sau, đã có đủ 30 khuôn mặt trình diện.
Điều quan trọng là chúng tôi phải hoàn thành sứ mạng, gây thêm sự tin tưởng nơi người Anh, họ sẽ mở rộng cửa cho dân tộc Do Thái chiến đấu chống kẻ thù chung Hitler. Thực sự cho đến năm 1944, người Anh mới cho phép thành lập cấp lữ đoàn người Do Thái. Trở lại vấn đề, nhận lãnh nhiệm vụ trao phó, quân đội Anh chỉ cung cấp cho chúng tôi 9 khẩu súng lục đủ loại, đạn cũng không đủ, chúng tôi phải xử dụng những khẩu “súng lậu” của riêng Haganah để đi hành quân. Người Anh cũng không cung cấp bản đồ cho chúng tôi.
Yosef Fein, cha của vị tư lệnh Không Quân tương lai Mottie Hod đến “cứu bồ” chúng tôi. Ông ta là thành viên trong làng chiến đấu Deganiah, đã từng sống nơi làng Metula sát biên giới và quen biết nhiều người Ả Rập trong vùng. Yosef Fein tìm được mấy người Ả Rập tin cẩn được, quen biết ngõ ngách trong khu vực làm hướng đạo cho đơn vị chúng tôi. Tôi chia đơn vị ra làm nhiều toán, mỗi toán có một người Ả Rập dẫn đường.
Trong thời gian chờ đợi cuộc hành quân, mỗi buổi chiều chúng tôi đi dò thám tìm những con đường mòn mà xe cộ chở quân có thể xử dụng được, đánh dấu những đoạn đường phải phá chướng ngại vật. Khi bình minh ló dạng, chúng tôi quay trở về căn cứ Hanita bàn thảo, sau đó tôi ghi chép lại chi tiết từng khu vực, từng đoạn đường.
Cuộc hành quân qua Syria dự định vào tối thứ Bẩy ngày 7 tháng Sáu. Trước đó một ngày tôi phải về bộ chỉ huy Haganah ở Haifa nhân tiện tôi ghé Nahalal đón Ruth, nàng muốn đi lên căn cứ hành quân tiền phương Hanita đợi tôi về. Tại Nahalal, tôi gặp Zalman Mart đem theo luôn. Zalman Mart cũng là một sĩ quan Haganah, đeo lon Trung Sĩ trong lực lượng cảnh sát Anh. Người Anh không biết Zalman có liên hệ đến Haganah. Tôi mời Zalman gia nhập đơn vị, chàng ta nhận lời đi theo.
Xong việc, chúng tôi lái xe lên hướng bắc đi Hanita, đến Nahariah một liên lạc viên Haganah giữa Haganah và người Anh chận xe lại báo cho tôi biết, người Anh đã soạn ra một lộ trình mới và yêu cầu thám thính lộ trình này vào buổi tối. Không còn cách nào hơn, tôi bỏ Ruth lại nơi làng Nahariah, cùng Zalman quay về Haifa đón người hướng đạo Yitzhak the Druze rồi thẳng lên biên giới. Tại biên giới bọn tôi gặp một người tài xế lái xe chở bánh mì, tôi dặn anh ta chờ bọn tôi ngay tại biên giới, nếu sáng hôm sau bọn tôi không trở lại, đến làng Hanita nói với họ cứ tiếp tục cuộc hành quân như đã dự định không cần phải có tôi.
Đợi đến xế chiều, Yitzhak the Druze, Zalman và tôi xâm nhập vào đất Syria do thám. Thực không bõ công, chúng tôi đi qua những cánh đồng trồng cây thuốc lá, có đường mòn đủ rộng cho xe cộ di chuyển mà không cần phải dọn dẹp. Tôi cũng để ý nghe ngóng sự canh phòng của địch. Đến gần sáng chúng tôi quay trở lại Hanita sau khi đánh thức anh tài xế.
Tôi lập tức báo cáo về bộ chỉ huy Haganah ở Haifa. Yitzhak Sadeh lắng nghe rồi căn dặn tôi phải phối hợp chặt chẽ với cấp chỉ huy đơn vị Úc Đại Lợi. Đơn vị Úc đến Hanita vào buổi chiều hôm thứ Bẩy. Họ là những quân nhân trẻ vui tinh, rất thân thiện. Tôi cùng với hai sĩ quan của họ họp bàn về phương thức đánh chiếm chiếc cầu Iskenderum, kiểm soát khu vực, tìm và cắt dây điện chất nổ địch gài dưới cầu để phá trì hoãn sự tấn công của quân Đồng Minh vào Syria và Li Băng. Sau đó tổ chức phòng thủ bảo vệ chiếc cầu chờ quân bạn đến.
Người Úc rất giỏi về hành quân biệt kích, nhiệm vụ này chỉ cần 5 chiến sĩ Haganah, 10 người Úc, tất cả có 3 sĩ quan và người hướng đạo Ả Rập Rashid Taher. Người Úc đem theo một đại liên, một tiểu liên còn lại súng trường. Chúng tôi chỉ có một tiểu liên Thompson, hai súng trường và súng lục, thêm được mấy quả lựu đạn.
Ya’akov Dori, người sẽ là vị Tổng Tham Mưu Trưởng đầu tiên của quân đội Do Thái lúc đó làm tham mưu trưởng Haganah cùng với Yitzhak Sadeh đến thăm Hanita và dùng cơm với chúng tôi trước khi lên đường. Cả hai không nhắc đến chuyện xẩy ra cho toán biệt kích cùng con tầu Hải Sư trước nay, chỉ dặn dò cận thận, nhấn mạnh sứ mạng phải thành công để mở rộng sự liên hệ, làm việc với người Anh.
Đơn vị biệt kích chúng tôi phát xuất đúng 9 giờ 30 tối. Trời sáng trăng, dễ dàng cho chúng tôi quan sát và cũng dễ bị địch phát giác. Chúng tôi đi vòng qua rặng núi để đến mục tiêu từ hướng bất ngờ. Sau bốn tiếng đồng hồ trèo núi, chúng tôi đến một sườn đồi sát mục tiêu. Tất cả ngồi nghỉ mệt, dùng ống nhòm quan sát ngôi làng Iskenderum và hai chiếc cầu gần bờ biển. Dưới ánh sáng trăng, vạn vật xuất hiện mờ mờ trong ống kính, chúng tôi không trông thấy binh sĩ Pháp gác cầu, tuy nhiên vẫn phải dự trù có sự hiện diện của họ.
Chúng tôi chia làm hai toán tấn công hai chiếc cầu và toán do tôi chỉ huy âm thầm di chuyển đến vị trí tấn công chiếc cầu nơi phiá bắc. Gần đến chiếc cầu, chúng tôi ngừng lại điều nghiên kỹ càng mục tiêu lần chót. Ba người bò lên trước, Rashid dẫn đầu, tôi, rồi tới một sĩ quan Úc tên là Kyffin. Lên đến nơi chúng tôi biết rằng địch không canh gác và không gắn mìn để phá, điều này đúng cho cả hai chiếc cầu.
Chúng tôi vui mừng, sau cả tuần lễ đi dò thám và leo núi mệt mỏi, nhiệm vụ coi như đã hoàn tất một phần. Phần còn lại là bảo vệ hai chiếc cầu cho đến khi quân Đồng Minh đến vào khoảng 4 giờ sáng. Lúc đó mới khoảng 2 giờ sáng, chúng tôi thiết lập tuyến phòng thủ, phân tán nhân sự ra nằm dưới bờ ruộng rồi thay phiên nhau ngủ vì ai cũng mệt mỏi.
Tôi thức giấc khi trời đã sáng, mặt trời đã nhô lên cao. Có tiếng súng nổ từ xa, tôi nhìn xung quanh cảm thấy có điều gì không ổn. Theo như dự trù, quân Đồng Minh đã đến từ lâu, vẫn chưa thấy tăm hơi. Nằm bảo vệ hai chiếc cầu dưới thung lũng, địch có thể tấn công chúng tôi dễ dàng từ những ngọn đồi xung quanh bắn xuống.
Người Ả Rập hướng đạo Rashid cho tôi biết có một đồn cảnh sát gần đó cách khoảng một dặm do vài nhân viên cảnh sát Syria đồn trú. Tôi bàn với cấp chỉ huy người Úc, nên tấn công đồn cảnh sát này trước khi họ tấn công mình và ông ta đồng ý. Chúng tôi chỉ để lại một người ở lại gác cầu, còn tất cả di chuyển đến đồn cảnh sát. Khi đến gần, chúng tôi mới nhìn rõ, trong đồn ngoài cảnh sát Syria, còn có thêm binh lính người Pháp. Mọi người vội vã chui vào trong một vườn cam đối diện với đồn cảnh sát, một ngôi nhà hai tầng xây bằng đá chắc chắn.
Một người lính Pháp đã trông thấy chúng tôi, nổ súng rồi binh sĩ pháp tràn ra cổng bắn vào trong vườn cam. Rashid cũng chứng tỏ là một người can đảm, một quân nhân chuyên nghiệp, bắn gục một lính Pháp đang di chuyển sau những gốc cây về phiá chúng tôi. Vườn cam có bờ rào thấp bằng đá bảo vệ chúng tôi, tuy nhiên vẫn bị súng đại liên bắn ra từ trong đồn đàn áp. Số đạn chúng tôi đem theo vơi đi nếu còn bắn qua lại với địch mà không được tiếp tế. Không lẽ nằm chiụ chết, chỉ còn cách tấn công vào bên trong đồn cảnh sát.
Tôi yêu cầu mọi người bắn che cho Mart cùng với tôi chạy lên ra khỏi vườn cam, nhẩy xuống rãnh bên này con đường đối diện với sở cảnh sát. Tôi ném một quả lựu đạn nhằm vào cửa sổ nhưng không rơi vào bên trong, phát nổ ở ngoài. Tiếng nổ lớn làm khẩu đại liên khựng lại vài giây đủ để tôi chạy băng qua bên kia đường ném quả lựu đạn thứ hai vào trong cửa sổ. Quả lựu đạn nổ tung làm khẩu đại liên đặt bên trong im lặng, các đồng đội ra khỏi vườn cam xung phong vào đồn cảnh sát. Trận chiến kết thúc, quân Pháp đầu hàng.
Quả lựu đạn giết xạ thủ nhưng khẩu đại liên không bị hư hại, chúng tôi đem khẩu súng này lên trên nóc đề phòng người Pháp đưa quân đến tiếp viện. Chúng tôi vui sướng tịch thâu số súng đạn của Pháp trong đó có khẩu súng cối. Vũ khí đối với Haganah lúc đó rất cần thiết.
Chúng tôi được biết, chủ lực quân người Pháp đã di chuyển ra biên giới Palestine để ngăn chặn quân Đồng Minh, họ rải quân làm nhiều nút chặn trên những xa lộ chính. Cũng vì vậy mũi tiến quân của phe ta bị chậm lại. Trong khi chờ đợi quân Đồng Minh đến, chúng tôi tổ chức phòng thủ trong đồn cảnh sát. Tôi leo lên nóc nhà, thủ khẩu đại liên.
Quân tiếp viện Pháp bắt đầu kéo tới bao vây đồn cảnh sát, tôi khai hỏa khẩu đại liên và địch bắn trả lại dữ dội. Tôi đưa ống nhòm lên quan sát tìm kẻ đã bắn mình. Chưa kịp nhìn rõ, một viên đạn trúng vào ống nhòm, vỡ một ống kính và một mảnh kim khí nằm sâu trong mắt tôi, ngoài ra tôi còn bị thương nơi bàn tay. Mart leo lên băng con mắt và bàn tay bị thương cho tôi, dìu xuống tầng dưới, đặt nằm trên sàn nhà, sau đó chàng ta phải leo lên nóc nhà để thay tôi thủ khẩu đại liên.
Nhờ khẩu đại liên và khẩu súng cối tác xạ xung quanh, nên chúng tôi cầm cự được khoảng hơn một tiếng đồng hố, cho đến khi đơn vị tiền phương Úc Đại Lợi băng qua được các nút chặn đến đồn cảnh sát. Quân đội Pháp bỏ chạy, tôi cùng hai binh sĩ Úc bị thương được đưa lên một xe nhà binh Pháp bỏ lại, xuôi về hướng nam. Mart và Rashid đi theo tôi. Trên đường về, chiếc xe chạy rất chậm, phải tránh cho đoàn xe chuyển quân Đồng Minh lên phiá bắc vào lãnh thổ Syria. Xe tải thương chở tôi đến làng chiến đấu Rosh Hanikra sát biên gìới, nơi đặt trạm cứu thương tiền tuyến. Tại đây vị bác sĩ người Anh ra lệnh đưa tôi đến bệnh viện trong hải cảng Haifa để chữa trị.
Trong bệnh viên, vị y sĩ tháo miếng băng mắt ra, xem xét vết thương cho tôi. Tôi lo lắng hỏi ông ta về tình trạng của mình, ông ta trả lời “Hai điều chắc chắn, anh mất một con mắt và sẽ không chết. Tôi còn phải xem kỹ, coi có miểng nào đi sâu vào não của anh không.”
5. BÌNH PHỤC
Sau khi xuất viện, vợ chồng tôi dọn đến Jerusalem sống với cha mẹ Ruth, để tôi đi tái khám mắt được dễ dàng. Tôi cố gắng tìm một việc làm để đỡ đần cho gia đình, khi tôi bị thong, Ruth đang mang bầu đứa con thứ hai của chúng tôi. May mắn thay, ở tầng dưới có Reuven Shiloah cư ngụ, ông ta làm trưởng phòng Dịch Vụ Đặc Biệt (Special Services) trong bộ Chính Trị, cơ quan Jo Thái. Cơ quan tối cao lo cho tất cả người Do Thái ở Palestine. Reuven Shiloah ngỏ ý mời tôi làm việc với ông ta. Điều này làm tôi lên tinh thần, mình vẫn còn khả năng làm việc và gia đình tôi đang ở trong tình trạng túng quẫn.
Phòng Dịch Vụ Đặc Biệt lúc đó đang lo vấn đề trợ lực với quân đội Đồng Minh trong trường hợp Đức xâm lăng Palestine. Sự đe dọa có vẻ rất thực, quân đội Đức thành công trong mặt trận phiá đông và đạo quân dưới quyền Tướng Rommel đang chiến thắng trong vùng sa mạc phiá tây. Một kế hoạch được dự trù là việc gửi đi những tin tình báo từ Palestine đến quân đội Đồng Minh. Lúc đó ngành Tình Báo Anh trong vùng Trung Đông làm việc với Haganah do sự đe dọa của người Đức. Người Anh đề nghị với Shiloah thiết lập một “đường dây ngầm” lấy tin tình báo quân sự về địch quân và gửi đến bộ chỉ huy. Người Anh trang bị kỹ thuật. Nhiệm vụ tổ chức, thiết lập, điều khiển “đường dây” được trao cho tôi và tôi đã trình bầy chi tiết về kế hoạch trong tháng Tám năm 1941.
Dự án này lập một trạm trung ương trong Jerusalem, những trạm phụ ở Haifa, Tel Aviv, Hadera (giữa hai trạm kia) và nơi làng chiến đấu Maoz Chaim trong thung lũng Bet She’an phiá nam thung lũng Jordan. Trông coi những trạm hay tổ này có tổ trưởng, nhân viên truyền tin và toán an ninh bảo vệ trạm.
Người Anh chấp thận cho dự án và trong tháng Chín mở khóa huấn luyện cho hai mươi nhân viên truyền tin. Phụ trách khóa huấn luyện này là một sĩ quan Haganah Rehoboam Amir mà sau này sẽ nhẩy dù xuống sau phòng tuyến Đức bên Âu châu. Nhân viên truyền tin được huấn luyện về cách đánh, gửi công điện, mật mã và bảo trì máy truyền tin. Tôi thường đi thăm các trạm, ban chỉ thị cho các tổ trưởng, dặn dò kế hoạch an ninh trường hợp khẩn cấp.
Người Anh tài trợ tất cả chi phí cho kế hoạch này, máy móc, chi phí, lương bổng cho nhân viên. Tôi được trả lương tháng 20 bảnh Anh, thêm 5 bảng tiền thuê căn nhà chung cư nơi đặt trạm trung ương. Tên đặt cho kế hoạch này là PS, Palestine Scheme, nhưng thường được gọi là “Đường day Moshe Dayan”. Chương trình này đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của người Anh, nhưng vẫn liên hệ mật thiết với Haganah và nhân viên đều là Haganah. Viên sĩ quan Ăng Lê chỉ huy là Đại Tá Reid thuộc Bộ Chỉ Huy Tình Báo Trung Đông. Người sĩ quan liên lạc là Hooper thường xuyên làm việc với tôi. Hooper được sinh đẻ, nuôi dưỡng ở Ai Cập và nói tiếng Ả Rập sành sõi.
Vết thươngcủa tôi đã lành, tôi đi lại thường xuyên, ghé trạm này trạm kia, thăm các tổ làm việc, ra chỉ thị. Tôi thích thành phố Jerusalem. Thành phố mới phát triển West Jerusalem và khu ngoại ô làm tôi thích thú, ngạc nhiên. Nhưng trong Thành Phố (Old City), chốn linh thiêng của tôn giáo cùng với những sạp bán hàng luôn luôn lôi cuốn tôi.
Trong nhiệm vụ, chúng tôi phải phát triển, mở rộng màng lưới hoạt động, thâu nhận, huấn luyện thêm những “chuyên viên” về người Ả Rập cũng như người Đức. Chúng tôi đi tìm những người Do Thái có giọng nói, nếp sống cũng như cách xử sự như người Ả Rập hay người Đức. Trong số những người đầu tiên “nằm vùng” nơi hậu phương địch có bốn nhân viên truyền tin. Một người là Rehoboam Amir, ngưới khác là Peretz Rosenberg, lấy một cô vợ trong làng chiến đấu Nahalal và là một trong những huấn luyện viên của Haganah. Rosenberg nhẩy dù xuống Nam Tư (Yugoslavia) trong tháng Năm 1943. Một nhóm tình nguyện khác được gửi đi huấn luyện ở Cairo, một nửa trong nhóm này là quân Palmach, đơn vị xung kích “chính quy” của Haganah.
Những người tình nguyện nhẩy dù xuống vùng Đức chiếm đóng, sẽ phối hợp với kháng chiến quân, cứu người Do Thái đi trốn và phi công Đống Minh bị bắn rơi bên Âu châu. Nhiều người hoàn thành sứ mạng trở về bình an. Nhiều người khác bị bắt và bị xử tử. Trong số này có Hannah Szenes, một thi sĩ nữ trẻ tuổi nhẩy dù xuống Nam Tư, cô ta bị bắt khi băng qua biến giới xâm nhập vào Hungary. Người nổi tiếng khác là Enzo Sereni, một người có trình độ trí thức cao, sinh trưởng trong một gia đình Do Thái bên Ývề quê hương Palestine sáng lập ra làng chiến đấu Givat Brenner nơi hướng nam Tel Aviv. Bị quân Quốc Xã (Nazis) bắt được, chuyển từ trại tử thần này qua trại khác khi quân đội Đức triệt thoái trong năm 1944. Brenner vị bắn trong trại Dachau tháng Mười Một năm đó.
Trong mùa hè 1943, đơn vị Palmach đảm nhiệm chuyện thả dù biệt kích xuống vùng Đức chiếm đóng và gài người “nằm vùng”. Nhưng sau đó, quân đội Đức bị đẩy lui trong vùng Trung Đông nên chương trình Palestine Scheme “Đường dây Dayan” không cần thiết nữa và bị cắt ngân khoản hoạt động. Đến cuối tháng Tám năm 1942, tôi trở về làng cũ Nahalal.
Trước khi quay về Nahalal, tôi định “quá giang” xe đi Baghdad. Được biết có một đoàn xe bus Do Thái được người Anh thuê để đưa một tiểu đoàn quân Ấn Độ đi Baghdad thay thế cho một tiểu đoàn quân Anh. Tôi đến nói chuyện với một người tài xế và anh ta đồng ý cho tôi đi theo. Khi cấp chỉ huy trong Haganah biết chuyện này, họ nhờ tôi đem ba vali chứa vũ khí, súng tuỳ thân cho tổ “nằm vùng” trong Baghdad.
Quân đội Anh đang có mặt tại Iraq vì lúc đó có đảo chánh, chính quyền thân Anh bị chính quyền thân Đức thay thế. Chính quyền mới dưới sự lãnh đạo củaRashid Ali tuyên chiến với người Ăng Lê vào tháng Năm 1941. Người Anh phản ứng nhanh chóng, đưa quân từ Ấn Độ qua Basra, và một đạo quân Anh khác từ Palestine đi Baghdad. Vài tuần lễ sau, quân đảo chánh bị đập tan. Nhưng trước đó, người Ả Rập xách động tấn công khu vực Do Thái ở Baghdad. Trong hai ngày 1, 2 tháng Sáu, họ giết khoảng 400 người Do Thái, đốt nhà, cướp của. Ở bất cứ nơi đâu, dưới bất cứ chế độ nào, người Do Thái phải đề phòng, tự vệ. Haganah lãnh nhiệm vụ này, tổ chức những tổ “nằm vùng” trong Baghdad bảo vệ người Do Thái và tìm cách đưa từng đoàn người hồi hương bí mật về Palestine.
Đoàn xe bus chở tiểu đoàn Ấn Độ đi trong sa mạc ba ngày mới đến trại đóng quân của quân đội Anh cách thủ đô Baghdad của Iraq khoảng 20 dặm. Đoàn xe bus của Do Thái nên không dám vào Baghdad, chờ cho quân đội Anh bàn giao xong chở họ quay trở về Palestine. Không ngờ có chuyện này, tôi phải tiếp tục thi hành sứ mạng, lẻn ra khỏi trại lính Anh tìm cách đi tiếp đến Baghdad.
Tôi đến khách sạn Umayyad để gặp nhân viên Haganah, đó chính là Enzo Sereni. Trong bộ quần áo dơ dáy, tôi không thể đi vào khách sạn bèn nhờ một nhân viên đứng mở cửa bên ngoài cho khách, lên phòng báo cho Enzo xuống gặp tôi. Enzo xuống rồi đưa thẳng tôi lên phòng tắm rửa rồi lấy bộ quần áo khác mặc vào. Sau đó Enzo đưa tôi đi vòng thành phố Baghdad cho biết, đợi trời xâm xẩm tối mới dẫn tôi đi vào khu người Do Thái.
Chúng tôi đi thăm viện bảo tàng, Enzo có kiến thức rất rộng cắt nghiã về xuất xứ thanh kiếm cổ xưa trong vùng bình nguyên Mesopotami và những điêu khắc, trạm trổ của Vua Babylon Hammurabi trong thế kỷ 18 trước Công Nguyên. Chúng tôi gặp gỡ những người năng hoạt động trong cộng đồng Do Thái và mong muốn trở về cố hương ở Palestine. Họ nhờ tôi “đem lậu” về Palestine hai thanh niên trẻ vừa trốn thoát bọn Quốc Xã Đức ở Ba Lan, đến Iran rồi Baghdad.
Tôi phải quay trở lại trại lính Anh ngay tối hôm đó để thâu hồi ba chiếc vali đựng vũ khí mà tôi đã cất dấu khi đoàn xe bus đến căn cứ. Nhân tiện tôi “mượn” luôn hai bộ quân phục lính Ăng Lê để cho hai thanh niên trẻ đến từ Ba Lan mặc giả lính Anh.
Trên đường về tôi kiếm được một xe bus mà người tài xế là người làng Petach Tikvah, nơi ngoại ô Tel Aviv. Anh ta là con của Avraham Shapiro, một người “bảo vệ” nổi tiếng trong thời gian người Do Thái mới di cư về Palestine. Chúng tôi may mắn, trên đường về không gặp chuyện gì rắc rối. Tôi đưa hai thanh niên Ba Lan gốc Do Thái đến dấu trong làng chiến đấu Maoz Chaim giao cho người vợ của Uri Brenner trông nom rồi trở về làng cũ Nahalal.
Trở về sống với vợ con trong hai năm, chúng tôi phải ở tạm nhà của cha mẹ tôi. Tôi ra sức làm việc để dành tiền mua một nông trại mới cho vợ con. Trong năm 1944, chúng tôi đã có đủ tiền để mua một nông trại, nhưng trong thời gian thương lượng, “Ông Trùm” Haganah Eliyahu Golomb khẩn cấp mời tôi đến Tel Aviv nhận nhiệm vụ mới.
Gia đình tôi sống ở Tel Aviv được một năm, nhiệm vụ của tôi liên quan đến ngành tình báo. Trong trận Đệ Nhị Thế Chiến, Haganah là lực lượng phòng vệ bí mật chính yếu của người Do Thái ở Palestine. Haganah “cộng tác” với quân đội Anh để chống kẻ thù chung Đức Quốc Xã, phải ngăn cản hành động khủng bố của hai nhóm quá kích Do Thái là Irgun Zvai Le’ummi và Lehi (nhóm Stern). Hai nhóm này khủng bố trả thù người Ả Rập và người Anh, mỗi khi có người Do Thái bị sát hại. Cựu Thủ Tướng đại diều hâu Menachem Begin đã từng làm thủ lãnh nhóm quá khích Irgun. Khi ông ta lên nắm quyền thủ tướng, khối Ả Rập “kêu trời không thấu”, ông ta đưa danh tướng Erik Sharon, một huyền thoại trong quân đội lên làm Tổng Trưởng Quốc Phòng và kết quả quân đội Do Thái đưa quân qua xâm lăng Li Băng tiêu diệt tổ chức Tháng Chín Đen của Arafat người Palestine trong những năm 1980.
Haganah tìm cách thuyết phục hai nhóm quá khích. Tôi có nhiều cuộc nói chuyện rất hứng thú với các lãnh tụ của họ. Tôi hiểu những gì thúc đẩy họ, khâm phục lòng can đảm, sự hy sinh của họ. Tôi đã được tiếp chuyện với “Ông Trùm” Irgun, Menachem Begin. Tuy nhiên mặc dầu nói rất nhiều, rất lâu, cùng chung ngôn ngữ, tổ quốc, trong ánh mắt những người quá kích này tôi vẫn là người của Haganah… vẫn có điều gì ngăn cách. Lãnh tụ người Do Thái ở Palestine lúc đó là Ben Gurion (Thủ Tướng đầu tiên của Do Thái và phi trường quốc tế ở thủ đô Tel Aviv được đặt tên ông ta) cương quyết chống lại đường lối khủng bố. Ông ta đã vạch rõ nhiệm vụ cho Haganah, lùng kiếm những tay sát nhân Ả Rập trả thù chứ không được giết oan dân lành Ả Rập.
Một năm sau, khi trở về Nahalal, tôi không đưa vợ con về căn nhà cha mẹ tôi đã dựng lên mà về nông trại của gia đình tôi. Mới đầu chỉ có những hàng cây chanh, không có gia súc. Chúng tôi mua mấy con bò và xây một chuồng gà lớn. Tôi vẫn yêu thích công việc đồng áng nặng nề từ lúc rạng đông cho khi mặt trời bắt đầu lặn. Tôi trồng rau cỏ, cà chua trong mùa hè, trồng bắp cải Nhật Bản mùa thu. Ngoài trứng gà, tôi nuôi thêm gà tây để ăn thịt. Thực sự mà nói, trong nhà chỉ có mình tôi biết nghề làm rẫy. Các em tôi đã gia nhập quân đội Anh, Zorik phục vụ trong lữ đoàn Do Thái (Jewish brigade), đã ở Ý và Bỉ. Cô em gái Aviva làm y tá, sau đó lái xe quân đội ở Ai Cập.
Trong năm 1945, đứa con thứ ba Assaf (Assi) được sinh ra ở Nahalal. Tôi dành tất cả thì giờ cho vợ con và cho nông trại của chúng tôi. Lần đầu tiên tôi phải xa nhà một hai ngày vào cuối năm 1946. Lần đó cũng đánh dấu ngày tôi tham gia việc chính trị. Tôi gia nhập đại hội đảng Lao Động (Mapai) và được cử làm quan sát viên. Đường lối lãnh tụ Ben Gurion là độc lập trái với Chaim Weizmann đi theo, nằm trong khối Liên Hiệp Anh. Trận thế chiến đã kết thúc, quân đội Quốc Xã đã bị đánh bại, không còn lý do nào để cộng tác với người Anh. Họ cấm người Do Thái di cư về cố hương và ngăn cản các làng định cư Do Thái phát triển.
Khi kỳ đại hội đảng chấm dứt, vợ tôi thúc dục tôi đến một bệnh viện ở Paris để giải phẫu. Bác sĩ sẽ gắn thêm xương vào trong ổ mắt tôi để có thể giữ con mắt giả. Tôi cũng cố gắng vứt bỏ miếng da che con mắt bên trái đi. Tôi chỉ mong được bình thường như mọi người, khó hiểu được tâm trạng của tôi khi ra đám đông, nhiều người nhìn tôi như dò xét. Tôi muốn được đi dạo ngoài phố, ngồi trong tiệm ăn, đi xem ciné mà không ai để ý.
Cuộc giải phẫu thất bại, cơ thể tôi không nhận miếng xương nhân tạo làm tôi lên cơn sốt phải nằm bệnh viện cả tháng trời. Được mấy bà Sơ chăm sóc và vợ tôi cùng em gái nàng Reuma bên cạnh giường. Sau đó cả ba chúng tôi bay về lại Palestine.
Chế độ thuộc điạ của người Anh sắp chấm dứt và chúng tôi phải dành nỗ lực xây dựng quân đội, đề phòng sự tấn công của các quốc gia láng giềng Ả Rập. Ya’akov Dori, người được Ben Gurion tấn phong làm chỉ huy trưởng Haganah quốc gia gọi điện thoại cho tôi và một lần nữa tôi là một sĩ quan Haganah, được giao cho nhiệm vụ tình báo đối với người láng giềng Ả Rập.
Ngày 29 tháng Mười Một năm 1947, bản tin về Giải Pháp Chia Đất cuả Liên Hiệp Quốc đếân Palestine lúc đó tôi đang ở Nahalal. Lúc đó buổi tối. Tôi đánh thức các con đang ngủ dậy, bồng bế, dắt các con tôi ra căn nhà hội để cùng với tất cả dân làng ăn mừng, ca hát.
Quyết định của Liên Hiệp Quốc công nhận sự hồi sinh của quốc gia Do Thái là một biến cố lịch sử. Con đường dẫn đến sự thành công bằng giải pháp chính trị do Ben Gurion dẫn dắt đóng vai trò quan trọng. Ngoài sự vui mừng, bên trong còn có một niềm cảm xúc mãnh liệt của một người Do Thái. Quả vậy, cũng như những người khác, tôi cảm thấy từ trong xương tủy chiến thắng của chủ nghiã Juda (Judaism). Sau hai ngàn năm lưu đầy đã vượt qua biết bao thử thách, đoạ đầy, ức hiếp, chà đạp, tàn sát để thế hệ con em chúng tôi trở về sống an lành trên một mảnh đất tự do độc lập. Chúng tôi ca hát, nhẩy múa suốt đêm vì quá sung sướng. Chúng tôi muốn gửi tấm lòng của chúng tôi đến tất cả những quốc gia đã bỏ phiếu thuận, biểu quyết cho phép thành lập nước Do Thái.
Những quốc gia Ả Rập từ chối, không chấp nhận giải pháp của Liên Hiệp Quốc và tuyên bố sẽ tuyên chiến với Do Thái. Người Ả Rập Palestine không chờ đợi lâu, được các nước láng giềng yểm trợ phát động những trận tấn công, hy vọng sẽ làm vô hiệu hóa giải pháp của Liên Hiệp Quốc. Trong vòng hơn năm tháng sau đó, mảnh đất nhỏ bé chia cho người Do Thái rúng động bởi các cuộc bạo động. Người Ả Rập tấn công các làng Do Thái ở khắp nơi, và xe cộ trên những con đường nối liền các làng chiến đấu, chuyện xẩy ra hàng ngày. Trong khi đó, người Anh tuyên bố sẽ chấm dứt bảo hộ ngày 15 tháng Năm, tỏ ra thờ ơ trong việc bảo vệ trật tự trong vùng Palestine.
Hậu quả làm nhiều quốc gia bỏ phiếu thuận phải nghĩ lại. Áp lực quốc tế đè nặng trên đôi vai của giới lãnh đạo Do Thái, không nên tuyên bố độc lập. Các nước trên thế giới sợ rằng quốc gia Do Thái sẽ bị “xóa sổ” khi mới được sinh ra. Các nhà lãnh đạo Do Thái vẫn cương quyết, biết rằng sẽ phải chiến đấu và phải thắng trận. Ngược lại, sẽ không hoàn thành giấc mơ Zionist, không có độc lập, không có chuyện di cư, và không có đất sống.
No comments:
Post a Comment