PHẦN IIIB. TỔNG THAM MƯU TRƯỞNG (1953 – 1957)
Thủ tướng Ben Gurion rất căng thẳng, ông đọc đi đọc lại nhiều lần bản hiệp ước, đọc từng chữ, đôi lúc cặp lông mày trên trán cau lại, sau đó gấp tờ giấy lại cẩn thận bỏ vào túi bên trong áo veston. Thời gian rất quan trọng cho việc chuẩn bị, tôi ra khỏi phòng họp đánh một công điện hỏa tốc cho trưởng phòng hành quân “Kết quả tốt cho hành quân Kadesh. Cho lệnh các đơn vị di chuyển đến tuyến xuất phát ngay lập tức. Phải giữ bí mật cuộc chuyển quân, thực hiện hành quân nghi binh chống lại Jordan, lý do họ cho quân đội Iraq vào. Chúng tôi sẽ trở về ngay tối nay, sẽ đến Do Thái ngày mai”
15. CHIẾN DỊCH SINAI
Chúng tôi sẽ phải chiến đấu trong bán đảo Sinai, một vùng đất rộng gấp ba lần nước Do Thái. Nửa vùng phiá bắc Sinai là sa mạc mênh mông, phần còn lại là núi đồi rất khó di chuyển. Mục đích của chúng tôi là làm “vô hiệu hóa” sự đe dọa xâm lăng của Ai Cập, thanh toán tổ chức khủng bố Fedayeen (Sau này là Tháng Chín Đen) trong dải đất Gaza và chiếm đóng Sharm El Sheikh nơi tận cùng phiá nam. Lấy được Sharm El Sheikh, sẽ làm tan biến sự phong tỏa vịnh Aqaba của Ai Cập và khai thông thủy lộ Tiran.
Vị trí chiến lược của Sharm El Sheikh rất quan trọng, nhìn xuống thủy lộ Tiran, tầu bè từ miền Viễn Đông, và từ đông Phi châu phải đi qua để ra vịnh Aqaba và đến hải cảng Eilat của Do Thái. Nếu thủy lộ này được giao thông dễ dàng, Eilat sẽ trở thành một hải cảng quan trọng, đem nguồn sống đến sa mạc Negev. Thủy lộ nhỏ hẹp này có bề rộng khoảng 650 bộ (feet) nên người Ai Cập chỉ can đưa vài khẩu đại bác vào khu vực lân cận Sharm El Sheikh là có thể ngăn cản tầu bè Do Thái qua lại.
Chiến dịch Sinai bắt dầu vào buổi chiều ngày 29 tháng Mười khi một tiểu đoàn gồm 395 quân nhân thuộc lữ đoàn 202 Nhẩy Dù, được thả dù xuống khu vực phiá đông đèo Mitla, sâu trong bán đảo Sinai, cách kênh đào Suez khoảng 30 dặm. Tiểu đoàn Dù được mười sáu vận tải cơ Dakota đưa đến vị trí thả dù, bay băng qua bán đảo Sinai dưới cao độ thấp để tránh dàn radar Ai Cập. Để phá hủy hệ thống truyền tin của Ai Cập, hai tiếng đồng hổ trước đó, bốn phi cơ cánh quạt cũ Mustang bay sát mặt đất vào trong Sinai cắt những đường dây điện thoại truyền tin của địch bằng cánh quạt và cánh phi cơ.
Một tiểu đoàn Dù khác tập trung nơi biên giới Jordan để tạo sự nghi binh, đánh lừa Ai Cập và các nước trong liên minh Ả Rập. Lệnh của vị lữ đoàn trưởng long danh Nhẩy Dù Arik Sharon, trong trường hợp xe bị hỏng máy hoặc lún cát trong sa mạc vẫn phải lội bộ tiến lên. Quả nhiên quân Dù chiếm được vị trí đầu tiên của địch nằm ngay trung tâm bán đảo Sinai Kuntilla. Sharon tiếp tục mũi tấn công sâu vào trong sa mạc, mũi dùi thứ hai tiến về hướng tây. Cuối cùng, khi chỉ còn lại 2 trong số 13 chiến xa, lữ đoàn Dù chỉ còn cách mục tiêu thứ hai 25 dặm, cứ điểm Thamad là một tuyến phòng thủ kiên cố, vững chắc của Ai Cập. Quân Nhẩy Dù trên xe bán xích sắt xông thẳng vào chính diện, sau đó tẽ ra làm nhiều nhánh tấn công. Thamad lọt vào tay Do Thái sau 45 phút chiến đấu.
Trong khi trận đánh chiếm Thamad vẫn còn đang tiếp diễn, một tiểu đoàn Dù khác trong lữ đoàn của Sharon tiến lên trước tấn công Nakhl, chiếm được mục tiêu trong vòng 20 phút. Đơn vị này tiếp tục tiến lên bắt tay với tiểu đoàn bạn nhẩy dù xuống chiều hôm qua nơi đèo Mitla. Trục tiến quân nơi phiá nam do lữ đoàn Dù đảm trách gần như hoàn tất.
Cũng trong đêm đầu tiên, quân Do Thái chiếm được Nakeb nơi hướng nam sát biên giới Jordan với sa mạc Negev. Sáng sớm hôm sau, lữ đoàn 4 đánh chiếm Kusseima, trên đường giao thông quan trọng hướng bắc Kuntilla. Chiếm được Kusseima, quân đội Do Thái đã mở thêm một cửa ngõ vào bán đảo Sinai, hoàn tất giai đoạn đầu chiến dịch Sinai.
Quân đội Ai Cập phản ứng trong giai đoạn đầu chiến dịch. Họ đã không xử dụng hỏa lực đúng mức, lợi thế về số lượng vũ khí của Nga Sô, họ cũng chưa xử dụng không lực với những phi cơ tối tân nhất của Nga Sô. Bộ binh Ai Cập có chống cự lúc mới bị tấn công, nhưng khi thấy có đơn vị Do Thái khác di chuyển ngang qua, họ sợ bị cắt đường rút lui nên tan hàng bỏ chạy. Khi quân Do Thái vào được phòng tuyến bên trong, họ đầu hàng thay vì tiếp tục chiến đấu. Không lực Ai Cập chỉ yểm trợ cho quân trú phòng, tấn công lữ đoàn Dù 202 trên trục tiến quân nhưng khi máy bay Do Thái lên yểm trợ quân Dù, phi công Ai Cập lại bay về phi trường tránh trận không chiến.
Trong khi tôi đang thăm các bộ tư lệnh nơi phiá nam, báo cáo gửi về cho biết, một đơn vị trinh sát thuộc lữ đoàn 7 (Thiết Giáp) vừa chiếm được vị trí chiến lược quan trọng Deika, ngọn đèo nhỏ hẹp cách Kusseima 15 dặm về hướng tây gần lằn ranh giới giữa hai sa mạc Negev và Sinai. Điều này sẽ làm dễ dàng cho lực lượng Thiết Giáp tiến quân trên trục lộ trung tâm, tấn công Abu Ageila từ hướng nam. Hai ngày sắp tới, trận chiến lớn sẽ bùng nổ vì quân đội Ai Cập tập trung bố trí phòng thủ nơi phiá bắc bán đảo Sinai.
Trở về bộ tổng tham mưu lúc trời tối, tôi được biết liên quân Anh-Pháp đình hoãn cuộc tấn công của họ lại, không oanh kích các phi trường Ai Cập vào buổi sáng hôm sau 31 tháng Mười như trong hiệp ước. Tôi đi đến nhà thủ tướng Ben Gurion, lúc đó đã lên giường đi ngủ vì bị cúm. Ông ta rất lo âu vì sinh mạng binh sĩ Dù đang chiếm đóng đèo Mitla, muốn đem họ về ngay trong đêm. Rõ ràng ông vẫn còn bị cơn ác mộng sự thiệt hại của Biệt Động Quân, bị bao vây trong trận tấn công làng Kalkilia, tôi phải trấn an vị nguyên thủ quốc gia, không cần phải có sự trợ giúp của người Anh lẫn người Pháp, chúng ta vẫn có thể hoàn thành sứ mạng.
Tối hôm đó, chính phủ Anh, Pháp gửi đi “tối hậu thư” cho Ai Cập và Do Thái, yêu cầu cả hai phiá ngưng bắn và rút quân đội ra khỏi khu vực kênh đào Suez 10 dặm trong vòng 12 tiếng đồng hồ. Ai Cập phải để cho liên quân Anh-Pháp vào chiếm đóng hải cảng Said (Port Said), Ismalia và Suez để bảo đảm cho tầu bè lưu thông. Không tuân hành theo “tối hậu thư”, chính phủ Anh, Pháp sẽ phải xử dụng võ lực đánh chiếm khu vực kênh đào Suez.
Chính phủ Hoa Kỳ cũng vội lên tiếng, Ben Gurion nhận được một công điện từ Tổng Thống Eisenhower, đề nghị Do Thái rút quân ra khỏi bán đảo Sinai. Khi lời yêu cầu không được thỏa mãn, đại sứ Hoa Kỳ trong Liên Hiệp Quốc Henry Cabot Lodge yêu cầu triệu tập Ủy Ban An Ninh, kêu gọi Do Thái rút quân hay sẽ bị trừng phạt “Cấm Vận”, và cả hai nước Anh Pháp. Anh, Pháp phủ quyết lời kêu gọi của Eisenhower cũng như Liên Hiệp Quốc.
Tuy vậy, Anh-Pháp vẫn không oanh tạc mấy phi trường Ai Cập trong khu vực kênh đào Suez sau khi thời hạn 12 tiếng đồ hồ đã qua. Quân đội Do Thái phải chiến đấu một mình trong ngày 31 tháng Mười trước sự đe dọa của không quân Ai Cập. Cũng trong ngày hôm đó, Ai Cập đưa thêm Bộ Binh, Thiết Giáp vào bán đảo Sinai. Hải quân Ai Cập cũng được lệnh bắn phá dọc theo bờ biển Do Thái và cấp tốc đưa thêm quân đến Sharm El Sheikh. Đến 5 giờ chiều hôm đó, không quân Anh-Pháp bắt đầu oanh tạc các phi trường của Ai Cập.
Thiếu sự yểm trợ của Đồng Minh, Lữ đoàn 7 (Thiết Giáp) đã đánh những trận chiến xa ngoạn mục, lấy được Abu Ageila, đập nước Ruafa, Bir Hassna, Jebel Livni, và Bir Hama. Quân đội Do Thái đã tràn ngập những căn cứ quan trọng của Ai Cập nơi hướng bắc và hướng đông bán đảo Sinai, dọn đường tiến quân về hướng tây. Lữ đoàn chiến xa đã chiến đấu anh dũng không được không quân yểm trợ vì máy truyền tin liên lạc với không quân không xử dụng được.
Đến buổi chiều, tiểu đoàn đánh chiếm được cứ điểm quan trọng Abu Ageila vào buổi sáng, đụng trận nặng nhất trong lữ đoàn Thiết Giáp tại đập nước Ruafa. Đó là tuyến phòng thủ vững chắc của quân đội Ai Cập, bảo vệ đường giao thông đến Um Katef và Um Shihan về hướng đông. Binh sĩ trong tiểu đoàn đã đuối sức sau ba ngày tấn công không ngừng, tuy nhiên vị tiểu đoàn trưởng vẫn đốc thúc binh sĩ thừa thắng xông lên.
Đơn vị Do Thái tấn công từ hướng tây nam lên. Góc phòng tuyến này được Ai Cập đào giao thông hào, tổ chức phòng thủ rất kiên cố, hơn 20 ổ súng chống chiến xa gồm đại bác 57ly, 30ly và 25 súng pounds. Do Thái tấn công vào lúc mặt trời lặn, quân trú phòng Ai Cập khai hỏa dữ dội, đợt đầu trúng một xe bán xích sắt, tất cả binh sĩ trên xe đều bị thương. Quân Do Thái khưng lại đợi trời tối tiếp tục tấn công. Đại bác chống chiến xa Ai Cập bắn cháy thêm một chiến xa, tuy nhiên đội hình tấn công vẫn vừa bắn vừa tiến lên. Trong giai đoạn cuối của trận đánh, các chiến xa Do Thái hết đạn đại bác, phải tấn công bằng lựu đạn và tiểu liên. Sau khi thanh toán xong chiến trường, các binh sĩ Do Thái bị thương được gom lại trước một xe Jeep, nhờ đèn sáng để được băng bó. Lúc đó tất cả chiến xa Do Thái đều hết đạn đại bác và xăng nhớt cần được tái tiếp tế nhanh chóng để tổ chức việc phòng thủ, đề phòng quân đội Ai Cập phản công lấy lại căn cứ. Quả nhiên khoảng 9 giờ đêm, quân Ai Cập được pháo binh yểm trợ tấn công trở lại nhưng thất bại phải rút về El Arish, một thành phố bên bờ biển Điạ Trung Hải, để lại trên chiến trường xác chết và súng đạn.
Sau trận đánh chiếm đập nước Ruafa, Do Thái kiểm soát được ba trục lộ chính nơi phiá nam chạy băng qua bán đảo Sinai: Nakhl - Mitla, đường đi ngang qua Jebel Livni và con đường hướng tây nam ngang qua Bir Hassna. Trong khi những đơn vị Thiết Giáp tấn công khu vực Abu Ageila và những trận không chiến trên bầu trời Sinai, nhiều trận đánh khác cũng đang xẩy ra. Ngày 31 tháng Mười, đơn vị Dù chiếm đóng đèo Mitla đụng nặng, từ 12 giờ rưỡi trưa kéo dài bẩy tiếng đồng hồ.
Sau khi bộ phận chính của lữ đoàn Dù đánh xuyên qua Nakhl, bắt tay với tiểu đoàn Dù thả xuống khu vực Parker Memorial gần đèo Mitla, vị lữ đoàn trưởng Arik Sharon yêu cầu được tấn công lên chiếm ngọn đèo. Ông ta chỉ được lệnh cho một toán lên thám sát tránh đụng độ với địch quân. Sharon thường làm theo ý riêng của ông ta, gửi đi cả một đơn vị có khả năng đánh chiếm đèo Mitla, gồm hai đại đội xử dụng xe bán xích sắt, ba chiến xa, một trung đội trinh sát và một trung đội súng cối yểm trợ. Chỉ huy đơn vị đặc nhiệm này là một tiểu đoàn trưởng, vị lữ đoàn phó cũng đi theo.
Khi đoàn quân Nhẩy Dù tiến đến chân đèo, lính Ai Cập trong công sự phòng thủ hai bên sườn đồi bắn xuống như mưa. Đoàn xe bọc sắt Do Thái vẫn tiến lên, họ phỏng đoán Ai Cập chỉ có một đơn vị nhỏ trấn giữ ngọn đèo. Trên con đường nhỏ hẹp tiến lên đèo, đoàn xe chở quân Dù bị địch bắn xuống càng lúc càng mạnh, trúng mấy xe bán xích sắt dẫn đầu. Vị tiểu đoàn trưởng chạy lên phiá trưoơc để quan sát tình hình, bị kẹt luôn, tiến thối lưỡng nan. Những xe dẫn đầu được lệnh vẫn tiếp tục tiến và qua khỏi điểm phục kích, phần còn lại bị hỏa lực địch từ trên cao bắn xuống đàn áp không lên được, số thương vong ngày càng tăng.
Đến tám giờ tối, đơn vị Dù mới thanh toán được mục liêu, làm chủ đèo Mitla. Số tổn thất cao 38 tử trận, 120 bị thương. Đơn vị Ai Cập giữ đèo, đào công thự phòng thủ sau những hốc đá kiên cố dọc hai bên sườn núi, bố trí đại liên, đại bác chống chiến xa chiả xuống con đường chật hẹp đi lên đèo. Sáng sớm ngày hôm trước, Ai Cập đưa năm đại đội lên đóng trên đèo, đem theo nhiều súng chống chiến xa, khoảng 40 khẩu đại bác không dật Tiệp Khắc, cùng nhiều đại liên. Ngoài ra còn được 4 phản lực cơ Meteor, 6 Mig từ một phi trường gần đó yểm trợ. Các phi cơ Ai Cập liên lạc được với quân bộ dưới đất dễ dàng.
Trận chiến bắt đầu, với loạt đạn đại bác không dật, đại liên làm xe chở nhiên liệu bốc cháy, tiếp theo là xe chở đạn cùng với ba xe khác. Viên sĩ quan đại đội trưởng vừa ra lệnh vừa nhẩy ra khỏi chiếc xe bán xích sắt bị trúng đạn chết ngay tại chỗ. Trung đội súng cối bị tê liệt trong giờ phút đầu. Bốn xe bán xích sắt, một xe tăng, một xe Jeep và một xe cứu thương trúng đạn nằm tại chỗ. Binh sĩ Dù nhẩy ra khỏi xe, áp sát vào chân núi, bò lên đánh cận chiến, thanh toán từng vị trí chiến đấu của địch.
Lữ đoàn Dù đưa thêm hai đại đội lên tăng viện, đi vòng sau lưng leo lên đỉnh đèo rồi từ trên đánh xuống mới thanh toán hết ổ kháng cự của địch. Kết quả, phiá Ai Cập bỏ lại 150 xac chết trên trận điạ, số còn lại bỏ chạy về hướng kênh đào Suez.
Sự chiến đấu can đảm của các chiến sĩ Dù đáng khen. Sĩ quan cao cấp trong bộ Tổng Tham Mưu yêu cầu trừng phạt đơn vị trưởng Dù (Sharon) đã không tuân lệnh nhưng tôi bỏ qua. Theo tinh thần bản hiệp ước, quân đội Do Thái không được tiến gần kênh đào Suez mười dặm. Sharon đã làm điều vô ích, chiếm được đèo Mitla rồi phải bỏ, được lệnh tiến quân song song với kênh đào về hướng Sharm El Sheikh cửa ngõ ra vịnh Aqaba.
Thế giới lên án Do Thái về những cuộc hành quân trong bán đảo Sinai, và làm dữ hơn nữa khi người Anh, Pháp thả bom các phi trường Ai Cập trong khu vực kênh đào Suez trong đêm 31 tháng Mười. Hoa Kỳ xách động các nước tây phương chống lại, người Nga Sô cũng làm tương tự trong khối cộng sản, lên án các hành động quân quân sự đối với Ai Cập.
Sau hai ngày tấn công, tôi nhận định quân đội Do Thái có thể đạt được mục tiêu trong vài ngày sắp tới. Cùng với bộ tư lệnh Phương Nam, tôi đi thăm lữ đoàn 10 hôm thứ Tư ngày 31 tháng Mười, ra lệnh cho lữ đoàn cấp tốc tấn công Um Katef nhanh chóng. Mục tiêu này cùng với Um Shihan nằm trong khu chiến lược Abu Ageila vẫn do địch quân trấn đóng, ngăn cản bước tiến quân vào trung tâm bán đảo Sinai.
Không như hai đơn vị thiện chiến Dù và Thiết Giáp, lữ đoàn 10 gồm toàn quân nhân trừ bị mới động viên, không được huấn luyện đầy đủ, thiếu kinh nghiệm chiến đấu. Tôi không chấp nhận tình trạng này, tai của tôi đã nghe đủ lời than vãn của các sĩ quan. Tôi biết rằng, họ đã mệt mỏi, không được tiếp tế đúng hạn, trời lạnh vào buổi tối, ban ngày quá nóng, cát bụi sa mạc làm kẹt đạn vũ khí của họ, xe cộ bị kẹt trong vũng bùn. Tôi không thể làm thay đổi được thời tiết vùng sa mạc Negev, phải tìm một con đường khác tiến quân.
Lữ đoàn 10 tấn công Um Katef đêm đó không đem lại kết quả. Một đơn vị khác thuộc lữ đoàn 37 Thiết Giáp lên tấn công cũng thất bại. Thực sự, sĩ quan trong đơn vị này nóng lòng tấn công, di chuyển nhanh trên xe bán xích sắt không đợi chiến xa lên yểm trợ nên bị thiệt hại nặng. Thêm vào yếu tố tình báo sai lầm, không gom đủ lực lượng trước khi tấn công. Tôi ra lệnh cho bộ tư lệnh Phương Nam phải cấp tốc mở một con đường khác xuyên qua Um Katef.
Xử dụng lữ đoàn 10 không hiệu quả, bộ tư lệnh Phương Nam thay vị lữ đoàn trưởng và tôi chấp thuận. Trong lễ bàn giao đơn giản trên chiến trường, tôi nhắc nhở, người sĩ quan đơn vị trưởng phải điều động binh sĩ của mình nơi bãi chiến trường. Nếu ông ta không đủ khả năng, không nên phạt ông ta nhưng phải nhường chỗ cho người khác.
Bốn mươi tám giờ trôi qua kể từ lúc chiến dịch Sinai bắt đầu. Trong đêm 31 tháng Mười, trục tiến quân nơi trung tâm Sinai, đổi mũi tiến quân lên hướng bắc, tấn công vị trí phòng thủ kiên cố Rafah nơi cuối dải Gaza, dọn đường đi El Arish, một thành phố lớn bên bờ biển Điạ Trung Hải. Phòng tuyến Ai Cập ở Rafah có rất nhiều giao thồng hào, quân Do Thái áp dụng chiến thuật “đặc công” chia làm nhiều toán nhỏ, băng qua bãi mìn, cắt hàng rào phòng thủ, xông vào tấn công.
Khi những chiến xa tiên phong của lữ đoàn 27 Thiết Giáp đến ngã tư đường đi El Arish, binh sĩ Do Thái nhận được tin mừng, lữ đoàn 1 Bộ Binh đã chiếm được thành phố Rafah. Vẫn còn giao tranh lẻ lẻ trong khu vực phụ cận nhưng tất cả mọi binh sĩ trong hai lữ đoàn đều vui sướng không giữ được cảm xúc. Binh sĩ bộ binh trông thấy chiến xa phe ta, bỏ vị trí chạy lại xe thiết giáp ôm nhau reo hò. Tôi đang đi theo cánh quân lữ đoàn 27 Thiết Giáp cũng vui lây theo đoàn quân chiến thắng. Người quân nhân đầu tiên được tôi bắt tay, ôm vai là viên sĩ quan lữ đoàn phó, lữ đoàn 1 Bộ Binh đang chỉ huy một cánh quân của lữ đoàn.
Sáng hôm sau, lữ đoàn 27 Thiết Giáp tiếp tục mũi tiến quân đi El Arish. Trên lộ trình họ chỉ gặp vài ổ kháng cự nhỏ không đáng kể. Đến gần nửa khuya, đoàn chiến xa, quân xa Do Thái mới đến vùng ngoại ô El Arish. Binh sĩ đã mệt mỏi trên lộ trình dài, vả lại đoàn xe cần tiếp tế nhiên nhiệu, tu bổ nên đợi đến sáng hôm sau mới vào thành phố. Tôi nhận được công điện từ bộ Tổng Tham Mưu, ra lệnh cho lữ đoàn 9 Bộ Binh khởi sự tiến quân đi Sharm El Sheikh vào sáng sớm ngày 2 tháng Mười Một và lữ đoàn 11 Bộ Binh thanh toán những ổ kháng cự trong dải Gaza. Chúng tôi đã đi đến chương cuối của chiến dịch Sinai.
Đúng 6 giờ sáng, chúng tôi tiến vào thành phố bỏ trống, đơn vị cuối cùng của Ai Cập đã rút đi từ đêm qua. Trước khi rút lui quân đội Ai Cập đã đốt phá nhiều cửa tiệm nhưng vẫn còn sót lại rất nhiều quân dụng. Khung cảnh rất hỗn độn, binh sĩ Ai Cập bỏ vị trí chiến đấu leo lên đoàn quân xa rút lui khi nghe lệnh di tản. Trong bệnh viện, một cảnh tượng hãi hùng, một binh sĩ Ai Cập nằm chết trên giường giải phẫu, chân vừa mới bị cưa. Bác sĩ, y tá bỏ rơi bệnh nhân nằm chết, lo di tản. Chúng tôi tìm thấy mấy thương binh Ai Cập đang trốn ngoài vườn, ra lệnh cho ban quân y chăm sóc vết thương cho họ.
Một số binh sĩ Ai Cập không di tản kịp ra đầu hành, một số khác lẩn trốn trong thành phố chiến đấu như du kích. Trong lúc tôi đang đứng bên ngoài một căn nhàquan sát, một binh sĩ Ai Cập nấp sau hàng rào căn nhà đối diện, quạt một tràng tiểu liên nhưng không trúng tôi, làm chết người lính mang máy truyền tin đi theo.
Lữ đoàn 27 Thiết Giáp không ở trong thành phố lâu, cho quân đi chiếm đóng phi trường El Arish và con đường đi Abu Ageila. Phần còn lại của lữ đoàn lên đường truy kích đoàn xe di tản của địch trên đường đi Kantara nơi hướng bắc kênh đào Suez. Rải rác trên đường, xác xe cộ Ai Cập bị không quân bắn cháy nằm vương vãi khắp nơi.
Lúc 11 giờ sáng, tôi lên chiếc máy bay (Bà Già loại Cessa) cất cánh từ phi trường El Arish về bộ Tổng Tham Mưu. Tôi ra lệnh cho viên phi công lên cao độ, từ đó có thể trông thấy đoàn xe chuyển quân Do Thái đang di chuyển. Năm tiếng đồng hồ sau khi vào thành phố El Arish, đơn vị tiền phương của chúng tôi chỉ còn cách xa kênh đào Suez khoảng mười dặm. Trục tiến quân vào bán đảo Sinai nơi hướng bắc, đánh chiếm Rafah, El Arish, Kantara coi như kết thúc.
Tôi đi gặp thủ tướng Ben Gurion, ông ta đã khoẻ, tinh thần lên cao. Ông ta hỏi tôi kết quả trận đánh ở Rafah, El Arish và tình hình tại những bãi chiến trường khác. Tôi báo cáo, hải quân Anh đang tuần tiểu trong khu vực gần Sharm El Sheikh. Tổng kết sơ khởi, chúng tôi có 100 quân nhân tử trận và khoảng 700 bị thương. Chúng tôi không đếm hết số xác quân Ai Cập bỏ lại trên chiến trường nhưng bắt được mấy ngàn tù binh. Sĩ quan Quân Pháp báo cáo binh sĩ của ta đối xử tốt với tù binh, chỉ có một trường hợp “trả thù”. Tù binh được nuôi ăn khẩu phần “đồ hộp” của quân đội.
Cũng trong ngày 2 tháng Mười Một, lữ đoàn 27 Thiết Giáp đã hoàn tất, chiếm được các mục tiêu trên trục tiến quân trung tâm, Kusseima, Jebel, Livni, Ismalia. Lữ đoàn 11 Bộ Binh cũng thanh toán xong những ổ kháng cự trong giải Gaza.
Nhiệm vụ cuối cùng, tấn công Sharm El Sheikh đã được trao cho lữ đoàn 9 Bộ Binh. Chiều hôm đó, chúng tôi quyết định tăng cường thêm cho đơn vị tấn công. Hai đại đội Dù được thả xuống đánh chiếm phi trường E Tor trong vịnh Suez. Khi phi trường đã được binh sĩ Dù bảo vệ anh ninh, chúng tôi sẽ không vận thêm một tiểu đoàn Bộ Binh đến E Tor. Đúng nửa đêm, một tiểu đoàn thuộc lữ đoàn 202 Nhẩy Dù rời Parker Memorial, di chuyển theo hướng tây nam, băng qua Ras Sudar đến E Tor cách đó khoảng 105 dặm. Chiều hôm đó, đơn vị Dù phải cho trung đội trinh sát đi thám thính con đường từ E Tor đi Sharm El Sheikh. Theo lệnh hành quân mới, lữ đoàn 9 sẽ tấn công Sharm El Sheikh từ hướng bắc, đơn vị Dù xuất phát từ E Tor tấn công từ hướng nam lên.
Sáng hôm sau ngày 3 tháng Mười Một, tôi ngồi trên một phi cơ Dakota bay ngang đầu trục tiến quân của lữ đoàn 9 Bộ Binh còn cách Sharm El Sheikh khoảng 45 dặm. Tôi liên lạc với vị lữ đoàn trưởng trên máy vô tuyến được báo cáo, lộ trình trên sa mạc rất khó đi. Không thể nào đáp phi cơ xuống được (thời gian 1956 chưa có trực thăng), tôi ra lệnh cho phi công bay lên E Tor, đốc thúc đơn vị Dù tấn công mạnh vào Sharm El Sheikh để nhẹ gánh cho Bộ Binh, sau đó thăm bộ chỉ huy lữ đoàn 202 Nhẩy Dù rồi bay đi Bir Hama gặp vị lữ đoàn trưởng lữ đoàn 27 Thiết Giáp, lữ đoàn này lập được nhiều công trạng nhất, phá được nhiều vị trí phòng thủ của địch. Chuyến thăm viếng cuối cùng là El Arish, tôi ra lệnh đơn vị đang chiếm đóng, tổ chức đời sống dân chúng, sinh hoạt bình thường trở lại. Tôi về đến bộ Tổng Tham Mưu lúc bẩy giờ tối.
Trong khi chiến trận đang bùng nổ trong bán đảo Sinai, Liên Hiệp Quốc triệu tập Đại Hội Đồng ngày 1 tháng Mười Một và chấp thuận giải pháp của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Foster Dulles, yêu cầu Anh, Pháp và Do Thái ngưng bắn và rút quân ra khỏi vùng Sinai. Ngày hôm sau, Ai Cập kéo hai chiếc tầu vào trong kênh đào Suez và đánh chìm, phá hoại để không cho tầu bè lưu thông. Điều này làm cho người Anh mất mặt, đã tuyên bố liên quân Anh-Pháp sẽ giữ kênh đào Suez cho tầu bè quốc tế đi lại tự do. Người Anh trước đó đã nghi ngờ ý đồ của Nasser, định thả bom đánh chìm hai chiếc tầu này khi chúng đang đậu trong hải cảng Said nhưng đã quá muộn.
Một tuỳ viên quân sự trong tòa đại sứ Pháp gọi điện thoại cho tôi nói rằng, người Pháp cũng bực mình vì người Anh vẫn do dự cho liên quân Anh-Pháp đổ bộ lên khu vực kênh đào Suez ngày 6 tháng Mười Một. Người Pháp muốn đổ bộ sớm hơn hai ngày, sợ rằng quân đội Liên Hiệp Quốc sẽ vào trước. Thực sự thì quân đội Do Thái đã chiếm gần hết bán đảo Sinai, chỉ còn mục tiêu cuối cùng Sharm El Sheikh, nơi Ai Cập kiểm soát thủy lộ Tiran từ vịnh Aqaba đến hải cảng Eilat của Do Thái nơi tận củng phiá nam (như Mũi Cà Mau).
Dag Hammarskjold, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc tuyên bố Anh, Pháp và Do Thái đã chối bỏ đề nghị của Liên Hiệp Quốc. Ông ta nói tiếp, trong khi đó Ai Cập đã chấp thuận. Người Nga cùng các nước chư hầu trong khối cộng sản đòi hỏi “Ba Kẻ Gây Hấn” phải tuân theo đề nghị. Đại sứ Hoa Kỳ trong Liên Hiệp Quốc Henry Cabot Lodge đưa ý kiến thành lập hai ủy ban quốc tế để lo chuyện kênh đào Suez, và sự mâu thuẫn giữa Do Thái, Ai Cập.
Người Anh vẫn giữ ý định cho quân đổ bộ vào ngày 6 tháng Mười Một, tuy nhiên vì lý do khẩn trương, sáng sớm ngày 5, liên quân Anh Pháp thả dù một tiểu đoàn Nhẩy Dù Anh xuống chiếm đóng phi trường Gameel trong hải cảng Said, một tiểu đoàn Nhẩy Dù Pháp xuống chiếm chiếc cầu nối hải cảng Said vào trong đất liền.
Cũng hôm đó (5/11/1956), chúng tôi đã thanh toán xong mục tiêu Sharm El Sheikh do công của lữ đoàn 9 Bộ Binh và lữ đoàn 202 Nhẩy Dù. Hải quân Do Thái đã đến cắm cờ trên đài cao ở Sharm El Sheikh.
Chúng tôi khởi hành trên ba chiếc xe, một chiếc xe chỉ huy (xe thường) và hai xe vận tải nhỏ (xe van) dân sự, cùng với vài binh sĩ trừ bị thuộc đơn vị đang trấn giữ E Tor. Trên đường đi không một bóng người, bên phải chúng tôi là mầu xanh của vịnh Suez, mờ xa phiá bên trái ngoài cát trong sa mạc nhô lên những ngọn núi. Đi được nửa đường khoảng 30 dặm, tôi thấy từng toán lính Ai Cập từ hướng Sharm El Sheikh đi lên, họ vừa mới thoát ra khỏi thành phố sau trận tấn công đêm qua. Đây đó rải rác xác chết, lính Ai Cập bị thương, kết quả cuộc chạm súng với tiểu đoàn Dù trên đường tiến quân. Khi chúng tôi đến gần Sharm El Sheikh, càng thấy nhiều lính Ai Cập. Tôi ra lệnh cho đơn vị bảo vệ không được nổ súng. Quân đội Ai Cập phòng thủ Sharm El Sheikh đã bị đánh tan, trên đường rút lui cũng không để ý đến đoàn xe ba chiếc của chúng tôi.
Giữa thanh thiên bạch nhật, một khung cảnh điêu tiều, bóng dáng tử thần hiện ra. Chúng tôi có thể cảm thấy sức nóng của sa mạc từ mặc đường bốc lên, bóng dáng binh sĩ Ai Cập trong quân phục khaki xuất hiện rồi biến mất sau những đụn cát. Điều chắc chắn là họ trông thấy chúng tôi, họ không nổ súng, cũng không lẩn trốn, để ba chiếc xe chúng tôi đi ngang qua. Gương mặt của họ chứng tỏ đã kiệt sức trên đường rút quân, những người bị thương lết bết cố gắng theo sau. Có người không thèm tránh xe làm chúng tôi phải đi vòng qua.
Cuối cùng chúng tôi gặp một đơn vị Do Thái nằm giữ đoạn đường vừa chiếm được. Viên sĩ quan đại đội trưởng cho biết, tiểu đoàn của anh ta tấn công, chiếm được con đường đến Sharm El Sheikh vào lúc năm giờ sáng. Đúng 6:30 sáng, một phi cơ cánh quạt Cessna đưa vị lữ đoàn trưởng lữ đoàn 9 Bộ Binh đến, nhờ tiểu đoàn Dù đánh mạnh lên, vào vùng ngoại ô Sharm El Sheikh thêm một dặm. Tiểu tiểu đoàn trưởng đơn vị Dù ra lệnh tấn công, những xe bán xích sắt mở đường tiến lên. Được phi cơ yểm trợ hữu hiệu, tiểu đoàn tấn công dễ dàng, đến 9:30 sáng, vị tiểu đoàn trưởng trên chiếc xe bán xích sắt dẫn đầu vào đến cửa ngõ thành phố Sharm El Sheikh. Bên kia, lữ đoàn 9 Bộ Binh cũng vào đến.
Tôi vào đến Sharm El Sheikh, ra tận hải cảng nơi đầu mũi bán đảo Sinai quan sát. Một khung cảnh thật đẹp hiện ra làm tôi thích thú. Nơi nay, vịnh Suez, vịnh Aqaba gặp nhau nơi biển Hồng Hải. Nước biển mầu xanh đậm, tù binh Ai Cập cho biết không nên bơi vì có nhiều cá mập và đá ngầm dưới lòng biển. Quân đội Ai Cập vứt bỏ trên đường rất nhiều súng đạn, đa số loại tiểu liên Bren của Ăng Lê. Binh sĩ lữ đoàn 9 Bộ Binh vẫn trong tư thế tác chiến đi lùng trong thành phố, gom tù binh lại.
Mục tiêu xa nhất, quan trọng nhất do lữ đoàn 9 Bộ Binh dưới quyền Avraham Yoffe lập công đầu. Lữ đoàn này là một đơn vị trừ bị được gọi động viên, đã phải di chuyển một đoạn đường dài 200 dặm, dọc theo vịnh Aqaba trên đất địch đến tấn công Sharm El Sheikh, một thành phố quan trọng do hai tiểu đoàn Ai Cập trấn đóng.
Lữ đoàn có khoảng 200 xe cộ, 1800 quân. Một đơn vị độc lập, đem theo đồ tiếp vận, thực phẩm đủ cho 5 ngày hành quân, xăng nhớt để di chuyển lộ trình dài 375 dặm, 18 xe chở nước đủ cho mỗi quân nhân, xe cộ 5 lít nước mỗi ngày. Mục tiêu quá xa, vấn đề yểm trợ tiếp vận hay gửi quân lên tiếp viện rất khó khăn, nên lữ đoàn “phải chiến thắng” hoàn thành nhiệm vụ. Trường hợp thất bại, có lẽ không một ai sống sót để tìm đường về Do Thái, qua bãi sa mạc mênh mông dài 200 dặm.
Trong chiến dịch Sinai, Do Thái đạt được ba mục đích chính: tầu bè Do Thái được đi lại tự do trong vịnh Aqaba, kết liễu tổ chức khủng bố Fedayeen, phá vỡ sự đe doạ xâm lăng của liên quân Ai Cập-Jordan. Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc yêu cầu Do Thái rút quân ra khỏi bán đảo Sinai vô điều kiện, Do Thái đò hỏi sự bảo đản cho tầu bè tự do lưu thông trong vịnh Aqaba, xử dụng thủy lộ Tiran.
Ngày 16 tháng Ba năm 1957, bốn tháng rưỡi sau chiến dịch Sinai, quân đội Do Thái rút về lại biên giới. Quân đội Anh, Pháp đã rút khỏi trước đó hai tháng, Sharm El Sheikh và dải Gaza bàn giao cho quân đội Liên Hiệp Quốc và Nasser phải để cho tầu bè Do Thái tự do lưu thông, chấm dứt xúi dục khủng bố, ít nhất trong thời gian đó.
No comments:
Post a Comment