“Bố ơi! Mẹ ơi! Chiến tranh đã kết thúc! Đã hết chiến tranh!”. Những kẻ chiến thắng đã tiến vào giải phóng Đan Mạch khỏi bàn tay Quốc Xã. Quân đội Hoa Kỳ, Anh và lực lượng Đan Mạch Tự Do vào đến thành phố. Tuần lễ kế tiếp là tuần lễ mừng chiến thắng, tuần lễ để trả thù những người làm tay sai cho quân thù. Vua Christian đọc diễn văn trong quốc hội Đan Mạch, giọng ông ta đầy hãnh diện, thỉnh thoảng đứt quãng vì xúc động.
Đối với gia đình ông bà Aage, Meta Hansen, tuần lễ mừng chiến thắng sẽ tiếp nối bằng những ngày buồn bã. Bẩy năm trước đây, ông bà đã cứu một đứa bé gái khỏi bàn tay tử thần. Hai vợ chồng tốt bụng nuôi nấng, thương yêu đứa bé gái như con ruột. Karen đã biến thành một thiếu nữ 16 tuổi, tóc vàng xinh đẹp, tính tình rất dễ thương, ai cũng mến.
Cả hai vợ chồng ông bà Hansen đều không muốn mất đi đưá con gái duy nhất của họ. Đó là một sự phấn đấu của nội tâm, của đạo đức, và của tình thương. Cuối cùng, sau bữa cơm chiều, ông Aage đứng dậy nói với Karen, giọng nói rất nhỏ và buồn “Karen. Chúng ta phải đi tìm cha mẹ ruột của con. Đó là điều nên làm…”. Không nói được gì thêm, ông ta bước vội ra khỏi phòng.
Karen hiểu ông Bố nuôi muốn răn dậy điều gì, nàng quay qua nhìn bà Mẹ nuôi Meta đang ngồi lau nước mắt. Karen thốt lên “Con thướng Bố Mẹ” rồi vụt chạy trở về phòng lên giường nằm khóc. Nàng giận hờn mình đã đem nỗi buồn đến cho gia đình ông bà Hansen mà đã cho nàng tất cả tình yêu thương.
Những tuần lễ sau, Aage, Meta Hansen đưa Karen đến các cơ quan Hồng Thập Tự, các văn phòng định cư người tỵ nạn hỏi thăm tin tức, tìm kiếm gia đình giáo sư Clements. Một tuần trôi qua, rồi một tháng, rồi một năm cũng chẳng có tin tức gì về cha mẹ ruột của Karen. Một buổi tối, Karen thưa với ông bà cha mẹ nuôi rằng nàng muốn đích thân đi đến các trại định cư tìm gia đình. Ông bà Hansen, khuyến khích nàng cứ đi tìm, và muốn trở về nhà lúc nào cũng được “Đây cũng là căn nhà của con, Bố Mẹ sẽ cầu nguyện cho con”. Karen khóc thật nhiều cho ông bà Hansen hơn là cho bản thân mình, hứa sẽ viết thư thường xuyên. Từ đó, thân phận nàng cuốn theo giòng đời.
Ít lâu sau, Karen nhận được bức thư từ ông bà Hansen, họ đã nhận được tin do tổ chức tìm kiếm người tỵ nạn gửi đến. Karen được biết cha mẹ ruột mình bị chia cách, số phận của bà Miriam Clements cùng hai bé trai không được rõ, riêng giáo sư Johann Clements vẫn còn sống. Ông bà cha mẹ nuôi Hansen cố tìm cách liên lạc với giáo sư Clements, nhưng ông ta lại biến mất.
Cha mình vẫn còn sống, như vậy Karen cũng không uổng công đi tìm, nàng thiếu nữ trẻ thêm can đảm tiếp tục tìm kiếm gia đình. Karen băn khoăn, tại sao trại tỵ nạn ở La Ciotat được tài trợ bằng tiền của người Do Thái ở Hoa Kỳ. Nàng hỏi người bạn Galil, và được trả lời “Chủ nghiã Zionism (Quốc Gia cực đoan Do Thái) là người thứ nhất xin tiền người thứ hai, để cho người thứ ba để gửi người thứ tư về Palestine”. “Hay quá!”. Karen lên tiếng khen ngợi, và bắt đầu học thêm tiếng Hebrew và những phong tục truyền thống của người Do Thái.
Để đem lậu người Do Thái về Palestine, tổ chức bí mật Mossad gài điệp viên vào trong tất cả những hải cảng bên Âu châu. Dùng tiền người Do Thái ở Hoa Kỳ tài trợ, họ mua những chiếc tầu cũ, sửa chữa lại đưa lậu người Do Thái sống sót trên lục điạ Âu châu về Palestine. Người Ăng Lê lúc đó đang cai trị vùng Trung Đông ra lệnh cho hải quân ngăn cản, và điệp viên trong các toà đại sứ, văn phòng sứ quán chống lại Mossad.
Được tin cha mình vẫn còn sống, Karen cũng muốn về Palestine vì lúc đó phong trào đưa người Do Thái về Palestine đang lớn mạnh, nàng hy vọng sẽ gặp lại người cha thương yêu ở đó. Mặc dầu lúc đó mới mười sáu tuổi, Karen gia nhập đoàn quân bí mật Palmach. Họ tổ chức sinh hoạt, đốt lửa trại hàng đêm, và Karen được các bạn kể lại những huyền thoại về dân tộc, cũng như vùng sa mạc cằn cỗi Palestine mà người Do Thái tin rằng đó là vùng đất của mật ong và sữa.
Tháng Tư năm 1946, sau khi Karen đã rời Đan Mạch được chín tháng. Galil đến báo tin.
- Một chiếc tầu của Aliyah Bet (Mossad) sẽ đến trong vòng vài ngày nữa. Cô cùng nhóm của cô sẽ đi trên chuyến tầu đó. (những nhóm Palmach được phân phối đi theo tầu để bảo vệ cũng như để làm việc, chăm sóc trẻ em, bệnh tật, v.v…).
- Tên chiếc tầu đó là gì? Karen mừng rỡ hỏi.
- Ngôi Sao David. Galil trả lời vắn tắt.
Tình báo Anh đã báo động cho quân đội, sắp xửa có một vụ trốn trại quy mô. Họ gia tăng kiểm soát và tổ chức những toán quân đi tuần ngày đêm để ngăn cản, canh gác trại tỵ nạn ở La Ciotat. Một ngàn sáu trăm người Do Thái, trong đó có nhóm Palmach của Karen trốn ra khỏi trại đến một điạ điểm tập trung ngoài bãi biển. Khu này đã được móc nối với quân đội Pháp làm thành phần an ninh, ngăn cản không cho binh sĩ Ăng Lê vào.
Những chiếc xuồng cao su chạy tới chạy lui như đoàn convoy, chuyên chở người tỵ nạn suốt đêm đưa họ ra tầu lớn đậu ngoài khơi. Ra đến chiếc đầu lớn do thủy thủ đoàn người Hoa Kỳ lái. Mỗi người lên tầu được các chiến sĩ Palmach nhanh chóng phát cho phần lương khô, chai nước lọc và đưa vào chỗ ngồi.
Đám trẻ em được ưu tiên lên trước và được xếp trong khu riêng trên tầu. Đây là nhiệm vụ của Karen, nhiều đứa đã ngủ say vì mệt, vài em khóc, nhưng Karen nhanh chóng bế lên, ru chúng đi ngủ. Nàng thiếu nữ 16 tuổi vừa đóng vai người chị cả, người mẹ của đám trẻ em mồ côi. Một anh chàng thủy thủ Hoa Kỳ tên Bill lớn lối, lên tiếng hỏi Karen.
- Ê nhỏ… cô nói được tiếng Anh không?
- Dạ được.
- Ai là người trông nom khu trẻ con này?
- Tôi là người trông coi các em. Tôi sẽ cám ơn ông nói nhỏ lại, tôi đã khổ tâm cho các em đi ngủ.
- Tôi muốn nói lớn thì sao. Tôi là thuyền trưởng chiếc tầu này. Cô không lớn hơn nhiều đứa trẻ khác.
- Nếu ông điều khiển con tầu được như tôi trông nom khu này, mình sẽ đến Palestine vào sáng mai.
Vị thuyền trưởng đưa tay lên gãi chòm râu, mỉm cười.
- Cô giỏi lắm. Cần gì cứ lên trên bong tầu kiếm tôi. Tôi sẽ giúp cho.
- Cám ơn thuyền trưởng.
- Không sao. Cứ gọi tôi là Bill, mình cùng chung giòng máu.
Mossad đã thắng keo đầu, chiếc tầu ra khơi hướng về Palestine, như trong thánh kinh đưa dân Do Thái trở về vùng đất của mật ong và sữa. Con tầu mong manh chứa 1600 người tỵ nạn chao qua, chao lại giữa biển khơi. Nhiều vấn đề bắt đầu xuất hiện, vệ sinh, chật chội, ngộp thở, nhiều người say sóng mặt tái xanh. Karen cùng với các chiến sĩ Palmach chạy tới chạy lui, phát chanh, xoa bóp cho những người yếu đuối bị nôn mửa. Nhiều khi phải lau chùi sàn tầu để giữ vệ sinh và tránh mùi hôi.
Karen ca hát, kể chuyện vui cho trẻ em để chúng quên đi chuyến hải hành gian nan. Mọi chuyện êm xuôi, nhưng đến trưa, dưới sức nóng thiêu đốt của mặt trời, tình hình trở nên bết. Đàn ông cởi trần mặc quần đùi, đàn bà con gái chỉ còn mặc nịt ngực, người nào cũng ướt đẫm mồ hôi. Không khí trong hầm tầu trở nên ngột ngạt khó thở, những người xỉu được đưa lên trên bong tầu ngồi, họ chỉ được quyền ngồi vì không đủ chỗ nằm.
Lúc này, trẻ em trở nên vấn đề nan giải. Trên tầu có ba bác sĩ và bốn y tá làm việc không ngớt. Nhiều đưá trẻ, đã gầy gò thiếu dinh dưỡng, mặt trắng bệch, mắt lờ đờ, vị bác sĩ ra lệnh “Đổ thức ăn vào cho các em”. Karen làm theo, vừa khuyến khích vừa đe doạ, đưa thức ăn vào mồm những đứa trẻ. Khi mặt trời lặn, không khí trở nên dễ chịu, Karen bắt đầu đem trẻ con ra tắm, đứa nào cũng nhớp nhúa, hôi hám.
Karen thiếp đi trong giấc ngủ chập chờn. Sáng hốm sau, một chiếc máy bay Ăng Lê bay ngang qua làm mọi người hoảng hốt.
- Máy bay thả bom Lancaster của người Anh! Tiếng loa phóng thanh vang lên.
- Mọi người trở về chỗ và giữ im lặng.
Bọn trẻ con hoảng sợ khóc um xùm làm Karen phải dỗ, tập cho chúng hát. Đến trưa, tuần dương hạm HMS Defiance của hải quân Anh xuất hiện cuối chân trời đuổi theo chiếc tầu già nua Ngôi Sao David. Theo luật chơi, ván cờ đã chấm dứt. Khi chiếc tầu của Mossad vào đến cảng Palestine sẽ được binh lính Anh chào đón, dẫn độ trở về và đưa qua đảo Cyprus.
Chán nản, đêm đó Karen đang ngủ. Đúng giữa đêm, một bàn tay Palmach đập nhẹ vào vai nàng. “Karen. Dậy đi theo tôi lên phòng lái”. Trong đó đã có mặt thuyền trưởng Bill Fry và các chiến sĩ Palmach. Vẫn giọng nói lớn, Bill Fry lên tiếng.
- Mọi người có mặt đầy đủ chưa?
- Đầy đủ.
- Lắng nghe đây. Tôi đã bàn với người chỉ huy toán Palmach và thủy thủ đoàn, đi đến quyết định. Mình sẽ mở thêm máy phụ tăng tốc độ lên 15 knots, và sẽ không vào hải cảng Palestine. Sau đó ủi vào bải biển nơi phiá nam Caesarea.
- Thế còn chiếc tuần dương hạm?
- Nó không dám vào gần bờ, sợ mắc cạn.
- Thế còn bọn lính Ăng Lê ở Palestine?
- Mình đã liên lạc với quân Palmach trên bờ. Họ sẽ tìm cách cầm chân binh lính Anh.
Mọi người đều hứng khởi, thở ra nhẹ nhõm. Bill lên tiếng.
- Có câu hỏi nào không? Chúc các bạn gặp may. Thượng Đế sẽ che chở cho các bạn.
Những cơn gió thổi qua hải cảng bỏ hoang Caesarea ở Palestine. Chỉ còn lại đống hoang tàn, những bờ tường nứt nẻ, rêu phong. Hải cảng này đã được xử dụng khoảng 400 năm trước Thiên Chuá. Trong vòng năm thế kỷ, Caesarea được vua Herod xây dựng trong vinh dự của Caesar, đã từng là thủ phủ của đế quốc La Mã trong vùng Palestine.
Nơi đây cũng đã từng nổi loạn chống lại La Mã. Người La Mã thẳng tay đàn áp giết chết 20 ngàn người Hebrew (Do Thái), trong đó có giáo sĩ Akiva, người cùng với Bar Kochba hô hào dân chúng nổi dậy. Cả hai được phong Thánh Tử Đạo. Giòng sông Cá Sấu (Crocodile) vẫn còn chẩy ra biển như ngàn xưa, nơi đó Akiva đã bị lột da sống.
Cách chỗ hoang tàn đổ nát là làng đánh cá Do Thái Sdot Yam (Những Cánh Đồng của Biển Cả). Đêm đó không một ngư dân nào cũng như bà vợ ngủ được. Hai trăm dân làng cùng với hai trăm chiến sĩ Palmach hướng mắt ra màn trời đen nơi biển khơi.
Một tia sáng phát ra từ trên ngọn tháp cổ Drusus loé lên làm mọi người nín thở chờ đợi. Thuyền trưởng Bill Fry, nghiến răng lèo lái con tầu qua những tảng đá ngầm. Một hỏa châu được bắn tung lên bầu trời, như chúc mừng, chấm dứt cuộc hành trình. Chiếc tầu ủi vào bãi biển, dân tỵ nạn trên tầu nhanh chóng nhẩy xuống biển chạy vào bờ. Lập tức dân làng cùng các chiến sĩ Palmach rời chỗ trú ẩn trên bờ chạy ùa ra bờ biển đón người tỵ nạn.
Nhiều người bị sóng đánh ngã lên ngã xuống, được nâng lên lôi vào bờ cùng với tiếng ra lệnh.
- Nhanh lên, nhanh lên.
- Vứt bỏ bộ quần áo ướt đi, mặc bộ quần áo này vào rồi di chuyển nhanh theo chúng tôi.
- Không được hút thuốc lá. Mở đèn pin. Cứ đi theo người hướng dẫn.
Trên chiếc tầu mắc cạn, Karen bế từng đưá bé đưa xuống cho các chiến sĩ Palmach đem vào bờ. Nàng làm không kịp thở giữa những tiếng thúc dục “Nhanh lên, nhanh lên”. Nhiều người tỵ nạn lên đến bờ, định quỳ xuống hôn mặt đất, những bàn tay Palmach kéo đứng dậy.
- Lúc khác. Đi theo người hướng đạo, Nhanh lên.
Cách nơi ủi bãi, một đơn vị Palmach khác mở một những trận tấn công các nhà kho của quân đội Anh nơi phiá nam hải cảng Haifa, nhằm đánh lạc hướng địch quân, câu giờ cho chuyến ủi bãi.
Gần một tiếng đồng hồ sau, chuyến ủi bãi hoàn tất. Các chiến sĩ Palmach làm việc nhanh chóng, một số được đưa vào dấu trong làng đánh cá, một số được đưa lên xe vận tải chở biến đi mất.
Karen là một trong những người cuối cùng rời tầu. Nàng bơi vào bờ, leo lên một tảng đá rồi bị sóng đánh ra ngoài khơi trở lại. Đến khi bơi trở lại, gần kiệt sức, chân nàng chạm đất và bắt đầu đi vào bờ. Trên bờ khoảng 20 bộ kakhi vàng lính Ăng Lê đợi sẵn. Họ túm lấy Karen, nàng la hét, giẫy duạ “Buông tôi ra. Buông tôi ra”. Thêm hai người lính khác vào trợ lực, bẻ tay Karen ra đằng sau, nàng “đớp” vào tay một ông, và ăn một cái dùi cui bất tỉnh.
Lúc Karen tỉnh dậy, đầu vẫn còn choáng váng, trước mặt là thuyền trưởng Bill Fry đang nở nụ cười. Karen như sực nhớ ra, nàng thét lên “trẻ con” rồi vụt đứng dậy. Bill Fry ôm lấy Karen. “Yên tâm, trẻ con thoát gần hết, những đưá còn lại cũng ở đây”. Mừng quá, cứ sợ còn trẻ em bị bỏ rơi nơi chiếc tầu mắc cạn, nàng nhắm mắt lại, ngã lưng xuống chiếc ghế bố.
- Mình đang ở đâu?
- Trại tạm giam của người Anh. Hơn một nửa trốn thoát, bọn Ăng Lê nổi giận bắt bớ tùm lum, kể cả những người đánh cá thứ thiệt.
Ngồi lắng nghe câu chuyện của Karen mấy tiếng đồng hồ. Kitty Freemont nắm bàn tay Karen siết chặt, lên tiếng nhỏ nhẹ hỏi.
- Em có tin tức gì thêm về cha không?
- Thưa không, đã mấy năm rồi, kể từ khi ở La Ciotat.
- Đã quá nửa đêm rồi. Thôi em đi nghỉ đi. Cám ơn em.
- Em cũng không dè thời gian qua nhanh như vậy.
Kitty bước ra khỏi lều, Ari vẫn còn đứng sừng sững như pho tượng, bước lại. Chàng đưa cho Kitty điếu thuốc lá, rồi cả hai lặng lễ bước trên đường đi ra cổng trại. Kitty quay lại nói với Ari.
- Tôi sẽ làm việc với anh với điều kiện, cô em gái đó không đi trốn, ở lại đây với tôi.
- Đồng ý.
V. DOV LANDAU.
Kế hoạch của Ari được David đặt tên là chiến dịch Gideon bắt đầu. Trong trại tỵ nạn Caraolos, Dov Landau làm giả đủ loại giấy tờ, kể cả chứng minh thư, lệnh lạc của quân đội Anh. Sau đó được giao cho Kitty Freemont đem ra ngoài trại đưa cho Ari Ben Canaan. Đó là phần đầu tiên của kế hoạch. Trong những ngày trước, khi đi thám thính quanh đảo Cyprus, Ari khám phá ra trại chứa đồ tiếp vận cho quân đội Anh, trên đường Famagusta gần Caraolos.
Vào ngày thứ Năm, đúng 8 giờ sáng. Ari cùng với 13 chiến sĩ Palmach trong quân phục, giấy tờ quân đội Anh, lái xe vận tải quân đội vào căn cứ tiếp vận. Ari mang chứng minh thư Đại Úy Caleb Moore đưa cho viên sĩ quan chỉ huy căn cứ một danh sách những món hàng để đem lên chiến hạm SS Achan đang thả neo trong hải cảng ở Famagusta. Giấy tờ giả mạo quá hoàn hảo, viên sĩ quan chỉ huy chỉ đọc lướt qua, ông ta cũng quên không đọc thánh kinh, Caleb là tên một điệp viên làm việc cho Moses, và Achan là một tên trộm đồ quý giá trong thành phố cổ Jericho.
Món hàng đầu tiên gồm 12 chiếc xe vận tải và 2 xe Jeep, rồi từ đó “phe ta” lái xe đi lấy thêm những món hàng cần thiết cho chiếc Aphrodite/Exodus đủ sức chở 300 trẻ em về Palestine. Ari cùng nhóm Palmach vẫn cần bộ quân phục Ăng Lê cho cú kế tiếp, khó khăn và nguy hiểm hơn. Thủy thủ đoàn gồm những quân nhân Hoa Kỳ gốc Do Thái đã phục vụ trong hải quân Hoa Kỳ trong trận Đệ Nhị Thế Chiến đã đến Famagusta. Họ phải bắt ta ngay vào việc, sửa sang lại chiếc tầu để có thể chứa 300 trẻ em.
Mọi chuyện tiến hành êm xuôi đúng theo chương trình, bỗng một hôm David báo cáo khẩn cấp cho Ari rằng, anh chàng Dov Landau bỗng dưng trở chứng không chịu làm giấy tờ chuyển trại cho 300 trẻ em. Ari phải tìm tới Kitty “Cô em gái nhỏ Karen của bà may ra có thể nói chuyện với anh chàng Dov này”.
Karen đứng trong lớp học ngụy trang cho ban chỉ huy Palmach trong trại tỵ nạn Caraolos. Nàng nhìn giận dữ anh chàng thiếu niên trẻ, tóc vàng, rồi xấn tới trước mặt dí ngón tay chỏ vào chóp mũi Dov Landau.
- Dov! Anh đi đâu và đã làm được những gì?
- Đừng nói to với tôi như vậy.
- Tôi muốn biết anh đã làm được những gì? Karen nói như ra lệnh.
- Tôi cho họ biết rằng tôi muốn nói chuyện với Ben Canaan.
- Lý do tại sao?
- Coi đống giấy tờ này. Ben Ami (David) đưa cho tôi danh sách 300 trẻ em để chuyển trại qua trại mới ở Larnaca. Tụi nó không đi trại mới. Có một chiếc tầu Mossad bỏ neo đâu đó để đi Palestine.
- Rồi sao nữa! Anh đã biết, mình không nên đặt câu hỏi về việc làm của Mossad cũng như của Palmach.
- Lần này tôi hỏi. Tên mình (Dov, Karen) không có trong danh sách. Tôi không làm nữa nếu họ không cho chúng ta đi.
- Họ cũng có lý do của họ. Mình có nhiệm vụ của mình trong trại Caraolos này.
- Tôi không cần biết. Họ đã hứa đưa tôi về Palestine, và tôi muốn đi.
Karen muốn điên lên vì sự cứng đầu của anh chàng Dov Landau, nàng nhắm mắt lại, nắm chặt hai tay cố nén cơn giận xuống.
- Dov, Dov, Dov! Anh còn biết điều gì tốt hơn không, ngoài sự căm hờn?
Nói xong Karen quay ra cửa, anh chàng Dov vội chạy ra trước cản lại.
- Em lại giận anh nữa rồi hay sao?
- Đúng. Tôi đang điên lên đây!
- Em là người bạn duy nhất của anh. Karen.
Karen bước trở vào ngồi xuống ghế.
- Anh chỉ muốn về Palestine, gia nhập nhóm khủng bố để giết người… Tôi cũng muốn về Palestine, còn hơn cả mạng sống mình nữa… Cha tôi có lẽ đang chờ đợi… Hy vọng.
- Cô trở về lều đi, đợi tôi… Ben Canaan có lẽ sắp đến.
Cánh cửa lều trường học lại mở rộng, dáng dấp cao lớn của Ari cùng Kitty Freemont bước vào. Như mọi lần, Ari lên tiếng trước.
- Có chuyện gì vậy Dov? Cứ nói cho tôi biết.
- Chúng ta đã đồng ý trước đây ông Ben Canaan. Tôi sẽ không làm những giấy tờ giả này, trừ phi tôi được cho thêm tên tôi và Karen vào trong danh sách.
- Dov. Không ai có khả năng như em. Chúng tôi cần cả em lẫn Karen ở đây để làm việc.
Ari cười mỉm, nén cơn giận. Chú em này nắm con dao đằng chuôi, “ranh mãnh” là sản phẩm từ những trại tập trung Đức Quốc Xã.
- Thôi được. Cứ cho tên em vào.
- Thế còn Karen thì sao?
- Karen không có trong hợp đồng giữa hai chúng ta.
- Hôm nay, tôi muốn lập hợp đồng mới.
Ari bước tới, cúi xuống ghé sát mặt Dov, có vẻ như đe doạ.
- Tôi không thích điều này. Dov! Anh chàng Dov lùi lại.
- Ông có giỏi đánh tôi đi. Tôi đã bị bọn Đức đánh đập chết đi sống lại nhiều lần. Ông muốn giết tôi cũng được. Tôi không còn sợ chết nữa.
- Câm mồm! Đi về lều. Tôi sẽ trả lời em trong vòng mười phút.
Sau khi Dov đi về lều của chàng. Ari nói với Kitty.
- Tôi không dè chuyện này xẩy ra.
- Hứa với Dov mọi thứ để giữ Karen lại. Ari lắc đầu.
- Tôi không có thì giờ, mọi chuyện đã sẵn sàng. Những đứa trẻ như thế tôi đã gặp hàng trăm đứa. Nó chỉ biết có Karen… Hy vọng cô cũng hiểu… Nó chỉ trung thành với Karen mà thôi.
- Rất tiếc tôi không thể nào tiếp tục làm việc với ông. Kitty giận dữ nói với Ari.
- Kitty. Tôi xin lỗi. Lần đầu tiên chàng gọi tên thân thuộc Kitty.
Kitty đòi ra về ngay tức khắc. Ari ra lệnh cho David “Nói Dov, mình đồng ý”. Khi Dov Landau được David thông báo quyết định của Ari, chàng chạy ngay xang lều Karen báo tin, vui mừng đến độ chẩy nước mắt.
- Cả anh và em, chúng mình sẽ đi Palestine. Karen sung sướng quá, chỉ biết nói câu.
- Ồ! Vậy hả cưng.
- Mình phải giữ bí mật, chỉ có hai đứa mình trong đám trẻ con.
- Chừng nào mình đi?
- Vài ngày nữa thôi. Ben Canaan đã có xe vận tải, giả dạng làm sĩ quan Ăng Lê vào đưa mình qua trại mới gần Larnaca.
- Ồ! Ồ! Vậy hả cưng. Karen lúc đó dường như đã lên tới thiên đàng.
WARSAW BA LAN, MÙA HÈ 1939.
Ông Mendel Landau là người làm bánh mì có tiếng ở Warsaw. So sánh với giáo sư Johann Clements, ông ta đứng đầu phiá bên kia về cả ba phương diện, điạ vị trong xã hội, tài chính, và trí tuệ. Họ chỉ có một mẫu số chung, cùng là người Do Thái.
Trong 700 năm sống lưu vong ở Ba Lan, người Do Thái bị đè nén, giết chóc. Họ đến Ba Lan lánh nạn, tránh cuộc tàn sát của người Cứu Thế (Crusaders). Người Do Thái lúc đó chạy tới Ba Lan qua ngã Đức, Aùo, và Nam Tư. Ở Ba Lan họ bị “chụp mũ” là phù thủy, bùa phép giết người và buôn bán gian xảo. Họ phải đóng thuế cao hơn người bản xứ, bị ép buộc phải đeo băng mầu vàng để phân biệt, và phải sống trong khu riêng biệt (ghetto) có tường bao quanh, cô lập với xã hội bên ngoài.
Bên trong những khu Do Thái, nhiều điều lạ xẩy ra. Thay vì chết lần mòn, họ càng tin tưởng vào phong tục tập quán Do Thái và sinh sôi nẩy nở thêm. Càng bị cô lập, người Do Thái càng tin vào 10 điều răn của thánh Mô Sen (Moses). Họ tự trị và phát triển lòng yêu thương dân tộc, càng gắn bó với nhau hơn.
Bị cô lập riêng biệt, các khu vực Do Thái là vật tế thần cho những chuyện không may xẩy ra ở Ba Lan, họ cứ đổ thừa cho dân Do Thái. Những tên cướp, những kẻ cuồng tín thường vào trong khu Do Thái cướp bóc, đập phá, đánh đập, giết những người Do Thái vộ tội. Bốn thế kỷ hành hạ người Do Thái lên đến cực độ vào năm 1648. Trong vụ nổi dậy của dân Crossack, nửa triệu dân Do Thái bị tàn sát, trẻ em sơ sinh cũng bị ném vào lửa thiêu sống.
Đến năm 1939, Poland là một quốc gia dưới chính thể cộng hòa. Người Do Thái qua nhiều thế kỷ bị đầy đọa đã được đối xử tốt hơn, dễ thở hơn nhiều. Gia đình Mendel Landau không phải ở trong những khu tập trung nữa. Hơn ba triệu người Do Thái ở Ba Lan đã đóng góp một phần quan trọng trên quốc gia tạm dung này.
Mendel cùng bà vợ Leah chiụ khó làm ăn nuôi con. Họ tin tưởng vào tôn giáo, coi trọng quyển kinh thánh như vật gia bảo. Đối với Mendel, ở đâu cũng là khu tập trung, người Do Thái vẫn phải trả thuế cao hơn, vẫn bị kỳ thị trên nhiều phương diện, và đã có những cuộc nổi dậy của người di dân Do Thái trên khắp Âu châu như ở Brzesc, Czestochowa, Brzytyk, Minsk Mazowiecki. Mendel để lại cho các con một di sản quý báu, ý tưởng một ngày nào đó dân Do Thái sẽ được trở về cố hương Palestine.
Ông bà Mendel, Leah Landau có bốn người con. Đứa con trai đầu lòng Mundek, 18 tuổi giúp ông ta làm bánh. Mundek tham dự vào những tổ chức thanh niên Do Thái Redeemers và có tài lãnh đạo. Cô con gái kế là Ruth, 17 tuổi hay mắc cỡ như mẹ, nàng có anh bạn trai tên là Jan cũng là một thủ lãnh trong đoàn thanh niên như ông anh Mundek. Cô con gái khác là Rebecca, 14 tuổi và cuối cùng là người con út Dov Landau, lên mười tóc vàng, được cưng nhất nhà.
NGÀY 1 THÁNG 9, 1939.
Sau khi viện cớ rắc rối về đường biên giới. Đức tấn công Ba Lan. Mendel cùng với người con cả Mundek bị động viên. Quân đội Quốc Xã chiếm được Ba Lan dễ dàng trong vòng 26 ngày. Mendel tử trận cùng với hơn 30 ngàn người Do Thái chiến đấu trong quân phục Ba Lan. Mundek trở về Warsaw thay cha chăm sóc gia đình.
Khi quân đội Đức chiếm đóng Ba Lan, đoàn thanh niên Redeemers họp, tìm cách chống lại quân Quốc Xã. Trong khi đó ba triệu rưỡi người Do Thái ở Ba Lan vẫn sống trong tình trạng chờ xem “Chuyện gì sẽ đến”. Chỉ có những tổ chức Quốc Gia Zionism và nhóm Redeemers mới biết rằng người Do Thái đang nằm cạnh nấm mồ.
Những tổ chức Do Thái đoàn kết chống lại bằng cách chiến đấu trong bóng tối, một số khác định chạy qua Nga Sô tỵ nạn. Nhóm Redeemers trong Warsaw bỏ phiếu ở lại chiến đấu, Mundek được bầu làm trưởng ban quân sự, và anh chàng Jan, người yêu cô em gái Ruth được đề cử làm phó.
Trong những ngày đầu tiên chiếm đóng Ba Lan, Hans Frank được cử làm Thống Đốc. Ông ta ra lệnh, sửa đổi nhiều luật lệ, cấm đoán người Do Thái: di chuyển, buôn bán, công sở và những nơi công cộng. Đức Quốc Xã còn đổ thừa tại người Do Thái gây nên chiến tranh, chứ không phải người Đức xâm chiếm Ba Lan.
BÁ LINH, ĐỨC.
Trong thành phố Bá Linh, những tay trùm Quốc Xã họp, bàn tìm cách “đối phó” với những người Do Thái trên những phần đất họ đã chiếm được. Heydrich trùm cơ quan SD (Mật vụ) muốn bắt giữ người Do Thái để đổi lấy tiền, sau đó trục xuất hàng loạt. Schacht, chuyên viên tài chánh đề nghị tịch thu tài sản của họ. Nhiều ý kiến khác được đem ra, kể cả việc tống khứ dân Do Thái qua đảo Madagascar, hoặc cho họ trở về quê hương Palestine, nhưng ý kiến này không thực hiện được, vì hải quân Anh phong tỏa vùng biển Trung Đông.
Đại Tá SS Eichmann đã từng có kinh nghiệm lo việc định cư dân Do Thái, ông ta sinh quán ở Palestine và nói thông thạo tiếng Hebrew, nên được trao cho trách nhiệm tìm “Giải pháp cuối cùng” cho người Do Thái. Eichmann đặt bộ chỉ huy ở Kurfuerstenstrasse 46. Việc đầu tiên là tập trung người Do Thái lại trong khi chờ đợi “Giải pháp cuối cùng”. Nhiều sĩ quan SS đồng ý Ba Lan là chỗ tốt để tập trung người Do Thái vì đã có hơn ba triệu rưỡi người Do Thái sinh sống.
Thống Đốc người Đức ở Ba Lan Hans Frank không đồng ý đem người Do Thái qua Ba Lan. Ông ta đã cố tình “làm giảm” bớt số dân Do Thái hiện đang sinh sống ở đó, bằng cách bắn bỏ hoặc treo cổ hàng loạt người Do Thái tùy theo khả năng của ông ta. Nhưng mọi viên chức cao cấp khác đều không đồng ý với Hans Frank.
Khắp Ba Lan, quân đội Đức đi lùng khắp nơi, bắt người Do Thái. Nhiều người không mang theo được gì, bị tống lên xe lửa đưa đến các trung tâm gom người Do Thái. Nhiều người biết trước, chạy chọt, mua chỗ trú ẩn trong các nhà của người Ba Lan. Tuy nhiên rất ít người Ba Lan dám chứa dân Do Thái trong nhà, những người khác tìm cách moi từng đồng xu của người Do Thái rồi sau đó “bán đứng” họ.
Giai đoạn gom người Do Thái lại trong những khu tập trung xong xuôi. Không như ở Đan Mạch, người Do Thái phải đeo băng trắng ngôi sao David nơi bắp tay, và may cả vào đằng sau lưng áo.
WARSAW, MÙA ĐÔNG 1939.
Cuộc sống gia đình Landau sau cái chết của người cha Mendel trở nên khó khăn, thêm vào là những luật lệ mới do kẻ chiến thắng Đức Quốc Xã dựng lên. Thế rồi một buổi sáng đầu năm 1940, có tiếng gõ cửa nhà Landau. Cùng đi với cảnh sát Ba Lan trong bộ quần áo xanh, có binh sĩ Đức đi kèm theo. Họ cho goá phụ Leah hai tiếng đồng hồ để xắp xếp di chuyển tới khu tập trung người Do Thái, trong trung tâm thành phố Warsaw, có đường rầy xe lửa chạy ngang qua. Bà mẹ của Dov Landau, vừa mới mất chồng, bấy giờ mất tất cả của 20 mươi năm cùng với chồng Mendel gầy dựng, nuôi nấng các con.
Mundek cùng với Jan nhanh chóng dọn vào chiếm đóng một căn phố ba tầng lầu làm bộ chỉ huy Redeemers, và chỗ nương náu cho hơn một trăm đảng viên. Gia đình Landau năm người được chia một phòng có giường ngủ và hai cái ghế. Họ phải xài chung phòng vệ sinh với mười gia đình khác.
Người Do Thái từ các tỉnh khác, tiếp tục bị đưa vào Warsaw. Họ bị lùa đi vào thành phố thành hàng dài, đem theo tất cả những gì mang được. Khu vực Do Thái trong Warsaw lúc đó tăng lên hơn nửa triệu người. Quá chật chội, Jan phải đưa gia đình bốn người vào tá túc với gia đình Landau. Mối tình của chàng và cô em gái ông xếp Mundek, Ruth trở nên công khai.
THÁNG BA, 1941.
Mười tám tháng sau khi chiếm đóng Ba Lan. Quyết định cuối cùng cho “Giải pháp cuối cùng” được Adolf Hitler đưa xuống. Lệnh bằng lời nói. Sáu tuần lễ sau, trùm SD Heydrich thông báo quyết định của Lãnh Tụ (Fuehrer – Hitler) trong một buổi họp mật với trùm SS, và các viên chức cao cấp Quốc Xã tại Gross Wannsee.
Giải pháp cuối cùng là diệt tận gốc. Eichmann được trao nhiệm vụ này.
Vài tháng kế tiếp, các đơn vị Cảm Tử Hành Động Einsatzkommandos được chia thành những nhóm hành động, qua Ba Lan, Baltics và những phần đất chiếm được của Nga Sô. Nhiệm vụ duy nhất của các đơn vị này là “Nhổ tận gốc”. Mới đầu, họ di chuyển đến từng khu vực có người Do Thái, gom các nạn nhân lại, đưa đến một nơi vắng vẻ, bắt đào hố chôn, cởi quần áo quỳ trước miệng hố rồi bắn vào đầu nạn nhân. Nơi ngoại ô Babi Yar gần Kiev ở Nga, nhóm hành động gom lại 33 ngàn người Do Thái trước một hố lớn và hành quyết trong vòng hai ngày.
Phương thức bắn bỏ của nhóm hành động Einsatzkommandos không thể nào hoàn hất được nhiệm vụ giao phó. Bắn bỏ rất chậm chạp và lỉnh kỉnh. Eichmann, Paul Blobel, Himmler, Streicher, và các viên chức cao cấp, nghĩ ra cách khác là xây những trại tử thần để giết hàng loạt người Do Thái nhanh chóng và đỡ tốn kém.
MÙA ĐÔNG, 1941.
Khu tập trung Warsaw chứng kiến số người chết nhiều hơn số bị tàn sát ở Babi Yar. Hàng ngàn người Do Thái bị chết vì đói và lạnh. Trẻ con chết, không còn sức để khóc. Cụ gìa chết, không còn sức để cầu nguyện. Mỗi buổi sáng, xác chết nằm ngổn ngang trên hè phố bên trong khu Do Thái ở Warsaw. Nhân viên vệ sinh kéo xe bò nhặt xác đem đi thiêu.
Dov Landau đã lên 11 tuổi, phải nghỉ học đi bới thùng rác kiếm đồ ăn vì lò bánh mì của ông anh cả Mundek đã bị đóng cửa. Dov đã học hỏi nhiều để sống còn trong khu tập trung. Mundek là trùm nhóm Redeemers, chàng phải lo thâu thập, nghe ngóng những tin tức ở bên ngoài. Họ có tiền để mua chuộc đám cảnh sát Ba Lan áo xanh, nhưng Mundek không đồng ý, chàng tìm cách gửi người ra bên ngoài qua hệ thống cống rãnh trong thành phố. Điều này rất nguy hiểm, đám cảnh sát Ba Lan bên ngoài chuyên môn đi săn người Do Thái trốn ra khỏi khu tập trung để làm tiền và lấy thưởng. Nhóm Redeemers đã mất đi năm chiến sĩ khi lẻn ra ngoài lấy tin tức. Người cuối cùng bị bắt giao cho mật vụ Gestapo và bị treo cổ chính là Jan, chồng cô em gái Ruth.
Cậu bé Dov lúc đó rất lanh lợi về chuyện sống còn, thưa với anh xin ra ngoài làm công việc giao liên. Mới đầu Mundek gạt đi nhưng Dov nài nỉ làm chàng nghĩ lại. Thằng bé có mái tóc vàng, mắt xanh không như người Do Thái, vả lại với số tuổi của nó, ít ai để ý. Tuy nhiên trong tim của người anh, Mundek không thể để cho đứa em nhỏ mình làm cú mạo hiểm đó. Rồi Mundek mất chiến sĩ thứ sáu và thứ bẩy, chàng đành để cho Dov ra ngoài thử vận may. Mundek thưa với Mẹ rằng, trước sau gì tất cả đều chết… Bà Leah không chống đối.
Cu Dov đã chứng minh được, nó là người giao liên “Số 1”. Chàng ta tìm ra hơn một chục ngã ngách “dưới bức tường”. Nó rành đường đi nước bước ở ngoài cũng như trong nhà. Mỗi tuần Dov chui ra ngoài qua những ống cống ngập nước đến ngang vai. Ra khỏi bức tường, nó tìm đến căn nhà số 99 trên đường Zabrowska, chủ nhà là bà Wanda. Bà ta thương đứa trẻ, cho ăn uống. Lúc trở về Dov mang theo súng lục, đạn dược, tiền bạc, thực phẩm, radio và những tin tức bên ngoài cho ông anh. Hôm nào không đi “công tác”, Dov ngồi xem chị Rebecca làm giấy thông hành giả và bắt chước. Chẳng mấy chốc, mọi người khám phá ra tài năng của đứa nhỏ, đáng tôn làm sư phụ. Lúc đó Dov Landau mới có mười hai tuổi.
CUỐI XUÂN, 1942.
Người Đức tiến thêm bước nữa trong “Giải pháp cuối cùng” đối với dân Do Thái. Để thanh toán người Do Thái ở Warsaw, họ xây trại tập trung trên một khu vực rộng 33 mẫu. Trại này có tên là Treblinka, bên trong có hai dẫy nhà dài gồm 13 phòng hơi ngạt, ngoài ra có khu cho người làm việc lao động, quân nhân Đức, và những lò thiêu xác. Treblinka là một trại tử thần đầu tiên được xây, làm khuôn mẫu cho các trại tử thần khác được xây cất sau đó.
THÁNG 7, 1942.
Tháng Bẩy có ngày lễ tưởng niệm cho người Do Thái. Đó là ngày lễ Tisha B’Ab tưởng niệm những ngôi đền trong thành phố cổ Jerusalem bị người Babylone và người La Mã tàn phá. Kinh thành Jerusalem mất vào tay người La Mã hai ngàn năm trước đây là biểu tượng đất nước của người Do Thái không còn nữa. Cũng từ ngày đó, dân tộc Do Thái bị lưu đầy đi khắp nơi trên thế giới.
Tisha B’Ab, 1942. Người Do Thái ở Warsaw cầu nguyện cho chuyện xưa và cho hiện tại trong khi quân đội Đức bắt đầu bao vây, bắt bớ đưa đi đến điểm tập trung, nơi đường rầy xe lửa, có những toa xe đợi sẵn. Lần đầu tiên này, nhiều người ngạc nhiên vì người Đức chỉ tìm bắt những người già cả và trẻ con. Nhiều đứa trẻ bị lôi đi từ tay người mẹ, người nào chống cự bị bắn ngay tại chỗ.
Hai tuần sau, Dov trở về sau chuyến ghé nhà bà Wanda, số 99 trên đường Zabrowska. Dov cho ông anh Mundek một tin rùng rợn. Những ai bị bắt trong lần bố ráp Tisha B’Ab và năm lần sau đó bị đưa đến trại tử thần Treblinka. Tất cả đều bị giết trong các phòng hơi ngạt. Tin tức từ các khu vực Do Thái khác ở Ba Lan cũng xác nhận, người Đức đã xây thêm các trại tử thần khác như Belzec, Chelmno trong khu vực Cracow, Maindanek gần thành phố Lubin. Hàng chục trại khác đang được xây cất.
Giết người tập thể. Mundek họp với các nhóm Zionist khác, đồng thanh nổi dậy ngay tức kắc, phá tường tràn ra ngoài. Thực sự người Do Thái không có súng đạn, nhóm nào cũng xin tiếp tế súng đạn. Dov lúc đó phải làm công việc giao liên hàng ngày.
Một ngày đầu tháng Chín, Trên đường trở về Dov bị bọn cướp Ba Lan theo dõi, dồn vào một ngõ hẻm. Bọn này đâu dè thằng bé dấu khẩu súng lục, bị Dov bắn chết một tên, mấy tên còn lại hoảng sợ bỏ chạy. Về đến nơi Dov vẫn còn run vì lần đầu tiên giết người, Mundek vỗ vai trấn an đứa em nhỏ. Lúc đó có tiếng gõ cửa, mở cửa ra trông thấy mặt cô em gái tái xanh, Mundek biết ngay tai hoạ lại đổ xuống gia đình mình. Cô em gái Rebecca vừa thở, vừa khóc, vừa nói.
- Họ bắt mẹ và chị Ruth đi rồi.
Dov định phóng ra cửa nhưng Mundek nhanh tay nắm em mình lại. Nó vừa la hét vừa đá vào cánh cửa.
- Mẹ ơi! Mẹ ơi! Để em đi tìm Mẹ.
- Dov. Dov. Mình không thể làm được gì hơn.
Ruth lúc đó có bầu (vợ Jan) tám tháng, nàng chết vì bị ép trên toa xe lửa trước khi đến trại tử thần Treblinka.
Mùa đông 1943 đến, con số hơn nửa triệu người Do Thái ở Warsaw chỉ còn 50 ngàn. Một hôm vào giữa tháng Giêng, Mundek và Rebecca lôi Dov ra một góc dặn dò trước khi đứa em ra ngoài làm công việc giao liên. Mundek lên tiếng trước.
- Chắc anh em mình không còn nhiều dịp ngồi nói chuyện bên nhau như ngày xưa.
- Em Dov, chị đã bàn với anh Mundek trong khi em ở bên ngoài. Anh, chị đều đồng ý. Lần ra đi này, anh chị muốn em ở lại luôn bên ngoài. Rebecca nói với em.
- Có chuyện gì đặc biệt anh chị muốn em làm?
- Không… Em chưa hiểu ý anh chị. Mundek trả lời.
- Em không hiểu rõ… Có chuyện gì vậy?
Rebecca nhét vào tay đứa em nhỏ một bọc nylon, vừa khóc vừa nói.
- Bên trong có ít tiền và giấy tờ tùy thân. Em ra ngoài tá túc nơi bà Wanda, cho đến khi bà ta tìm được một gia đình có lòng tốt lo cho em.
- Em không đi đâu hết! Ý kiến của chị và anh Mundek chứ không phải của em.
- Em phải đi, đó là lệnh. Anh bây giờ là trưởng gia đình Landau.
Rebecca ôm đứa em trai, đưa tay vuốt mái tóc vàng của Dov.
- Em đã ra ngoài đem thực phẩm về nuôi gia đình bấy lâu nay. Em có công rất lớn đối với gia đình. Rất tiếc chị chẳng có gì cho em.
- Đó không phải lỗi của chị. Em không muốn xa anh Mundek, chị Rebecca.
- Dov. Làm ơn nghe lời anh chị… Em phải sống, một người mang giòng máu Landau phải sống. Em ráng sống để cho anh chị được vui.
Nhìn ánh mắt như van xin của Mundek và Rebecca, Dov nhét gói nylon vào trong người.
- Bây giờ em đã hiểu. Em sẽ sống như bao nhiêu người khác.
- Mình sẽ gặp nhau tại Eretz Israel. Rebecca nói với em.
- Vâng… Vùng đất hứa của người Do Thái.
- Em là một chiến sĩ dũng cảm. Anh hãnh diện vì em lắm. Thôi chào em. Chúc em may mắn Dov. Mundek nói với theo em.
NGÀY 18 THÁNG GIÊNG, 1943.
Ba hôm sau khi Dov Landau trốn khỏi khu tập trung. Chỉ còn lại 50 ngàn người Do Thái, quân Đức cùng với cảnh sát áo xanh Ba Lan, tiến vào khu vực tập trung định làm vố chót, đâu dè được chào đón bằng từng tràng súng nổ vang, phải chạy lui, để lại mấy xác chết. Tin tức loan truyền ra ngoài Warsaw nhanh chóng. Người Do Thái đã đứng dậy chống lại bọn Quốc Xã khát máu. Nhiều lá cờ với ngôi sao David, cờ Ba Lan được treo lên trong khu tập trung. Họ đã chấp nhận chiến đấu hào hùng cho đến chết.
Trùm cơ quan mật vụ Gestapo, Conrad hứa với viên Thống Đốc Hans Frank chỉ cần ba ngày dẹp loạn, ông ta chỉ huy lính SS tấn công nhiều lần đều thất bại. Sau mỗi trận đánh, lấây được vũ khí, quân phục Đức, dân Do Thái thêm sức mạnh mở nhiều trận đột kích ra ngoài. Mundek cùng với đồng bọn mặc giả quân phục Đức tấn công trại tù Pawiak giải thoát hết tù nhân.
Lời hứa ba ngày đã kéo dài hơn hai tuần, Conrad bị mất chức. Tướng SS Stroop được gửi đến để chỉ huy trận tấn công. Vào ngày thứ mười lăm, Rebecca Landau đang chiến đấu trong dẫy phố Brushmaker, một quả đạn súng cối của địch rơi gần giết tất cả mọi người trừ cô ta. Quân Đức bao vây cắt đường rút, Rebecca lôi dưới áo ra quả lựu đạn, rồi chạy về phiá có ba người lính Đức. Nàng rút chốt quả lựu đạn…
Mundek trở về vị trí chiến đấu sau khi họp với các chiến hữu. Quân đội Đức đã dùng pháo binh bắn xập tất cả mọi cao ốc trong khu vực, những cao ốc còn lại đang cháy dở dang. Chỉ còn lại 30 tay súng gồm 10 súng lục và 6 khẩu súng trường. Người nào cũng đã kiệt sức vì đói khát. Mệt mỏi. Một người lên tiếng hỏi.
- Hy vọng mình còn chiến đấu được bao lâu nữa?
- Cả Ba Lan chỉ giữ được 26 ngày! Mình giỏi hơn họ. Mundek trả lời.
Ryfka, một cô gái trong bọn kiếm được cây đàn Accordion, bắt đầu chơi một bản nhạc chậm, buồn, các chiến sĩ Redeemers bắt đầu hát theo. Bản nhạc nói về vùng đất ở Galilee, ở Eretz, Israel rất đẹp, những ngọn đồi đầy luá mì, và những hạt luá uốn cong theo ngọn gió đưa tới. Chợt một người lên tiếng báo động “Coi chừng!”. Tất cả các ngọn đèn đều tắt, bóng đêm tràn ngập căn phòng. Rồi có tiếng gõ cửa đúng mật hiệu, một người thắp đèn lên rồi ra mở cửa. Người đứng trước cửa là Dov Landau. Mundek kinh ngạc la lên.
- Dov! Chuá ơi! Em làm gì ở trong này?
- Đừng đuổi em đi nữa. Anh Mundek.
Hai anh em ôm lấy nhau. Dov khóc nức nở, cảm thấy an toàn trong vòng tay thân ái của ông anh cả. Dov đem về mảnh tin cuối cùng là những tổ chức kháng chiến không thể đến tiếp cứu họ được. Dov nói thêm.
- Khi em trở về, tất cả các đường ống cống đầy những người. Họ quá yếu không thể đứng dậy được. Không một người Ba Lan nào ở Warsaw giúp họ. Không còn đất dung thân.
Thế là chú bé Dov Landau quay trở lại, cũng như nhiều người Do Thái khác. Họ quay trở lại để chết trong vinh dự.
THÁNG NĂM, 1943.
Sau trận điạ pháo kinh hoàng, quân SS tiến vào dùng đại bác không dật, súng phun lửa thanh toán từng ổ kháng cự. Thực sự quân trú phòng đã chết hết, họ không còn thức ăn, nước uống, ngay cả đạn dược nữa. Mundek cho lệnh ai muốn trốn ra ngoài Dov sẽ dẫn đi.
Thoát ra ngoài, Dov đi đến tìm bà Wanda trên đường Zabrowska 99. Lần này giác quan thứ sáu báo cho Dov biết có chuyện không hay xẩy ra, nên đi thẳng luôn. Đến tối, chẳng biết đi đâu, Dov quay trở lại tìm ông anh. Khu tập trung chỉ còn là đống gạch vụn, Dov không định hướng được vị trí chiến đấu của anh mình. Tìm được cây đèn cầy, Dov mò mẫm trong bóng đêm. Mỗi khi đi chạm phải một xác chết, Dov cúi xuống hy vọng tìm được xác người anh thương yêu. Tất cả mọi xác đều bị súng phun lửa đốt cháy đen, không biết có phải anh Mundek không?
Tìm không ra xác anh, Dov kiếm được sáu người còn sống. Tất cả đều võ trang, tìm được súng đạn nơi các xác chết. Đêm đến Dov dẫn phe ta ra khỏi “điạ ngục”, đi ăn trộm những cửa tiệm bán thực phẩm ở bên ngoài. Ban ngày cả bọn trốn dưới một căn hầm bí mật. Trong năm tháng trường Dov cũng như đồng bọn không nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Nhóm này chết lần mòn, từng người một. Ba người bị bắn chết trong một chuyến đi ăn trộm, hai người khác tự tử, một người chết vì đói.
Đến cuối tháng, một toán tuần tiểu Đức “nhặt” được Dov, lúc đó đã gần chết vì đói. Dov được cứu sống và đem đến cơ quan Gestapo để thẩm vấn. Họ cũng chẳng lấy được tin tức gì từ Dov, cuối cùng chuyển Dov qua trại tử thần lớn nhất Auschwitz.
Chuyến xe lửa chở Dov Landau đi trại tử thần Auschwitz tạm ngừng ở Chzanow. Trong cuộc hành trình, năm người có một người chết. Dov, mặc dầu tình trạng sức khoẻ yếu kém nhưng các giác quan rất sắc bén.
AUSCHWITZ.
Chiếc xe lửa chở Dov đi qua cổng vào trại Auschwitz, rồi từ từ ngừng lại trước hàng chữ Birkenau, chỗ có những phòng hơi ngạt để giết người Do Thái. Dov đã nửa chết vì đói, tím bầm vì lạnh, nhưng những năm tháng sống gần với hiểm nguy đã tạo cho Dov một giác quan rất bén nhậy. Chàng biết rằng trong một tiếng đồng hồ nữa, mạng sống của mình sẽ được quyết định.
Các cánh cửa toa xe lửa được mở rộng, người Do Thái được lệnh xếp hàng ngay ngắn giữa tiếng dùi cui đập lên đầu, tiếng roi xé gió vút lên, tiếng chó sủa. Tiếng súng bắn những người quá yếu để bước đi.
Người Do Thái xếp thành hàng dài đi qua một phòng lớn. Dov liếc mắt quan sát cảnh vật xung quanh. Bên trái là xe lửa chở đoàn người tới. Xa hơn nữa là một đoàn xe vận tải đậu trên đường. Các xe đều không bọc vải che dấu, như vậy không phải là xe chở hơi ngạt. Bên phải, đàng sau dàn lính canh gác, là những nhà cho hơi ngạt, xung quanh có thảm cỏ xanh. Dov quan sát những building xung quanh, chỗ có ống khói cao có lẽ là nơi thiêu xác.
Hàng người tiếp tục đi vào trong căn phòng lớn. Một luồng kinh khiếp thoáng qua. Trước mắt là một người đàn ông quỵ xuống, yếu quá đứng lên không nổi. Hai con chó Berger được thả ra chạy đến xé xác nạn nhân. Hình ảnh kinh hoàng làm Dov hơi run, chàng cố trấn tỉnh, không nên lộ vẻ khiếp sợ.
Dov quan sát kỹ hơn, qua cửa, hàng dài được chia thành bốn hàng đi thẳng đến một vị bác sĩ Đức ngồi sau một cái bàn, xung quanh ông ta là lính gác và các phụ tá. Vị bác sĩ chỉ nhìn sơ qua rồi ra lệnh cho nạn nhận đi vào một trong ba hướng. Hướng thứ nhất ra khỏi phòng, rẽ bên phải. Dov đếm cẩn thận, cứ mười người, bẩy người phải đi về hướng đó. Họ gồm những người già cả, trẻ con hoặc tình trạng sức khoẻ yếu kém. Dov kết luận, những căn phòng nằm bên phải là phòng cho hơi ngạt.
Hướng thứ hai rẽ trái, cứ hai người trong số mười người. Họ trông khoẻ mạnh, hướng bên trái có hàng xe vận tải, lúc nẫy Dov trông thấy. Họ được đi làm việc lao động. Hướng còn lại chỉ có một người, thường là những cô gái trẻ đẹp, chắc để phục vụ sinh lý cho sĩ quan Đức. Hai cửa sống, một cửa chết.
Dov mạnh dạn bước lên trước mặt vị bác sĩ Đức. Vị bác sĩ nhìn qua bộ dạng gần chết của chàng ra lệnh.
- Đi qua cửa bên phải. Dov mỉm cười, nói.
- Bác sĩ đã làm một lỗi lầm lớn. Tôi là chuyên viên làm giấy tờ giả. Không tin ký tên ông trên tờ giấy trắng rồi tôi biểu diễn cho ông xem.
Vị bác sĩ ngạc nhiên, dựa lưng vào ghế… Như vậy thằng bé này đã biết ngã đó là ngã chết. Hai người lính tiến lại định lôi Dov đi, vị bác sĩ ra lệnh “Khoan đã”. Ông ta nhìn Dov Landau rồi ký tên vào một mảnh giấy nhỏ, xong đưa cho Dov. Chàng ta đặt bút xuống ký sáu chữ ký xong đưa trả lại cho vị bác sĩ. “Chữ ký nào của ông?”. Mấy anh lính gác thấy lạ cũng ghé mắt vào xem, tất cả đều ngạc nhiên. Vị bác sĩ nói với Dov “Đứng qua một bên”.
Mười phút sau, lính gác dẫn đến một sĩ quan cao cấp. Vị bác sĩ đưa cho viên sĩ quan mảnh giấy đầy chữ ký. Ông ta nhìn tờ giấy nghiên cứu khoảng một phút, rồi hỏi Dov.
- Mày học nghề này ở đâu?
- Trong trại tập trung ở Warsaw.
- Mày gì trong đó?
- Giấy thông hành passport, di chuyển, tất cả các thứ giấy tờ khác. Tôi có thể làm đủ loại giấy tờ giả.
- Đi theo tôi.
Dov được pát bộ quần áo sọc trắng đen của tù nhân, và số thứ tự 359195 được xâm trên cánh tay trái. Ngày sinh nhật thứ 14 đến với Dov Landau trong trại tử thần Auschwitz, chàng đã nhận được món quà rất lớn đó chính là mạng sống của chàng. Trong trại Dov được đưa vào một nhóm nhỏ chuyên môn làm giấy bạc 1 và 5 đô la để các điệp viên Đức xử dụng trong các quốc gia Tây phương.
Chỉ một thời gian ngắn sống trong Auschwitz, Dov băn khoăn tự hỏi, có lẽ chết trong lò hơi ngạt Birkenau sướng hơn. Sống trong trại tử thần chẳng kém gì địa ngục, tù nhân không được ăn uống đầy đủ, làm việc cho đến chết, người nào cũng chỉ còn bộ xương. Nằm xếp lớp như những món hàng trong cửa tiệm bách hóa, chỉ được ngủ 5 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Bệnh tật tràn lan trong trại. Tù nhân bị hành hạ, tra tấn đánh đập. Tất cả mọi hình phạt dã man nhất của con người đối với con người đều có ở trong này.
Mỗi buổi sáng, hàng tá tù nhân tự tử chết, treo cổ bằng dây thắt lưng. Nhiều người tìm giải pháp khác, chạy vào hàng rào kẽm gai có điện để được an nghỉ giấc nghìn thu. Khu trừng phạt lúc nào cũng có người bị đánh đập tàn nhẫn, công khai trước mắt những tù nhân khác. Trong Khu nghiên cứu y khoa, các bác sĩ y khoa Quốc Xã Wirthe, Schumann và Clauberg xử dụng con người sống cho những thí nghiệm của họ. Có thêm bác sĩ tù nhân Wladislaw Dering người Ba Lan làm việc theo lệnh của họ nghiên cứu phương pháp để người Do Thái không thể sinh sản được.
Thêm một năm trôi qua trong trại tử thần. Dẫu rằng, trong những lúc đen tối nhất của cuộc đời, những tia sáng hy vọng vẫn loé lên. Bên trong trại tử thần vẫn có ban nhạc giao hưởng, tập trung những bậc tài danh về âm nhạc của người Do Thái. Vẫn có đường dây hoạt động ngầm, vẫn có radio nghe lén tin tức bên ngoài. Ở trong này, vẫn có những người tù kiếm được người yêu.
MÙA HÈ 1944.
Có nhiều tin đồn loan truyền trong trại tử thần. Dov vẫn thường trông thấy những oanh tạc cơ Nga Sô bay ngang qua bầu trời Auschwitz, và chiếc radio bí mật thông báo tin tức rằng quân đội Đức đã bị đánh bại. Hy vọng, nhưng quân SS bảo vệ trại trả thù bằng cách bắn giết tù nhân, những ai dám tin rằng người Đức đang bại trận. Để đốt giai đoạn, những phòng hơi ngạt Birkenau làm việc không ngừng 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày.
MÙA THU 1944.
Lúc này ai cũng tin rằng người Đức sắp sửa bại trận. Họ bị đánh bại trên khắp các mặt trận. Nhưng khi họ thua trận trên chiến trường, họ càng muốn tận diệt đám tù nhân nhanh chóng hơn. Đại tá Eichmann, người có trách nhiệm nhổ tận gốc dân Do Thái, đem tất cả tài lực vào nỗ lực này.
THÁNG MƯỜI 1944.
Những tù nhân được giao phó trách nhiệm thiêu xác (Sonderkommandos) trong Birkenau nổi dậy, họ phá nổ tung một lò thiêu xác. Mỗi ngày họ bắt cóc lính gác SS cùng chó săn, ném vào lò thiêu. Cuối cùng tất cả Sonderkommandos đều bị hành quyết, và một nhóm mới được lấy ra từ trại Auschwitz qua thay thế.
Đã gần đường cùng, Eichmann ra lệnh cuối cùng. Hai mươi ngàn tinh hoa Do Thái, những người được bảo đảm an toàn sinh mạng, sống trong trại tập trung Theresienstadt bên Tiệp Khắc được đưa sang Birkenau để thanh toán.
Số người Do Thái bị giết ở Birkenau gia tăng gồm: gần một triệu người gốc Ba Lan, 50.000 gốc Đức, 100.000 Hòa Lan, 150.000 gốc Pháp, 50.000 gốc Aùo và Tiệp Khắc, 50.000 gốc Hy Lạp, 250.000 gốc Bảo, Ý, Nam Tư, và Rumany, và 250.000 gốc Hung.
THÁNG MƯỜI MỘT 1944.
Ban làm giấy tờ giả bỗng dưng đóng cửa, tất cả mọi người được bổ sung qua trại Birkenau làm tù thiêu xác. Đó là công việc mới của Dov, cùng với những người tù Sonderkommandos khác đứng chờ bên ngoài phòng hơi ngạt cho đến khi tiếng kêu thét gào, cùng những tiếng đập thình thình vào tường, vào cánh cửa sắt chấm dứt. Họ chờ thêm mười lăm phút nữa cho hơi ngạt tan hết, sau đó vào với dây thừng, móc nhọn kéo các xác chết ra, chất lên xe, kéo qua khu thiêu xác.
Làm việc được ba ngày, Dov phải chứng kiến cảnh tượng hãi hùng, xác người chết nằm chồng chất lên nhau. Rồi thì một điều ngạc nhiên xẩy ra, người Đức ra lệnh phá các lò thiêu xác và đặt chất nổ phá tung những phòng hơi ngạt. Quân Đồng Minh đang tiến vào từ hướng tây, hướng đông là Hồng Quân Nga Sô. Bây giờ quân Quốc Xã tìm đủ mọi cách tiêu hủy những tang chứng về tội ác của họ. Những hầm chôn xác tập thể khắp nơi trên đất Ba Lan được đào xới lên, những bộ xương được nghiền nát ra thành bột, rải đi khắp nơi. Họ cũng cần di chuyển gấp những người Do Thái sống sót về Đức.
NGÀY 22 THÁNG GIÊNG, 1945.
Quân đội Nga Sô vào đến Auschwitz và Birkenau giải phóng người Do Thái. Cuộc tàn sát chấm dứt. Dov Landau, mười lăm tuổi, là một trong 50.000 người Ba Lan gốc Do Thái sống sót trong số ba triệu rưỡi người bị đem vào trại tử thần. Chàng đã giữ lời hứa đối vơí ông anh cả Mundek của gia đình Landau.
Bác sĩ quân đội Nga Sô khám sức khoẻ cho Dov, ông ta ngạc nhiên, tại sao chàng thiếu niên có thể sống sót qua những năm tháng bị đầy đọa. Sức khoẻ gầy gò ốm yếu của Dov, nếu được bồi dưỡng, ăn uống đầy đủ sẽ bình phục trở lại. Tuy nhiên vết thương tâm thần đã biến thành thù hận qua sáu năm sống trong lo âu, phải chứng kiến cảnh giết chóc, bạo tàn.
The Section Three
The Section Three
No comments:
Post a Comment