Cuộc Đời Tôi
PHẦN IV. TỪ BỘ TRƯỞNG XUỐNG LÀM DÂN (1958 – 1967)
16. TỰ DO VÀ CHUYỆN CHÍNH TRỊ
Sau khi mãn nhiệm kỳ chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực, tôi trở về đời sống dân sự năm bốn mươi mốt tuổi. Tôi ghi danh theo học môn Khoa Học Chính Trị (Political Science), đặc biệt về Các Dịch Vu Trung Đông (Middle Eastern Affairs) tại viện đại học Hebrew trong Jerusalem. Tôi đã đi học thêm buổi tối về ngành Luật Pháp, phân khoa Luật Pháp, Kinh Tế ở Tel Aviv trước đây khi còn là một quân nhân.
Cánh đồng chính trị rộng mở trong kỳ bầu cử Quốc Hội tổ chức vào ngày 3 tháng Mười Một năm 1959. Tôi được mời ra tranh cử cho đảng Mapai (đảng Lao Đông Do Thái) mà Ben Gurion là người lãnh đạo. Quốc hội Do Thái gọi là Knesset, tên trong kinh thánh cho một buổi tập họp, là một viện duy nhất với 120 dân biểu. Mỗi đảng chính trị đưa ra danh sách 120 ứng cử viên. Kết quả đảng Mapai chiếm được 52 ghế. Điều này cho thấy Papai là đảng lớn nhất nhưng không phải là đảng đa số để quyết định. Một lần nữa Ben Gurion làm thủ tướng. Đến ngày 16 tháng Mười Hai, ông ta trình lên quốc hội (Knesset) danh sách nội các của ông ta, trong đó tôi làm bộ trưởng bộ Canh Nông.
Cuộc đời tôi lại thay đổi, trở nên một dân biểu quốc hội, một bộ trưởng trong chính quyền. Công việc này cũng rất phù hợp với tôi, một người đượïc sinh ra, nuôi dưỡng và trưởng thành trong một nông trại. Trong thời gian phục vụ trong quân đội, tôi không xa cách những nông gia, những khó khăn về công việc đồng áng trong các làng định cư. Ngôi làng xưa vẫn là nơi tôi cư ngụ, căn nhà thực sự của tôi. Những cánh đồng, hàng cây, chuồng bò, cầy cấy, gặp hái đã ăn sâu vào trong tim tôi, hơn những chiến xa, những khẩu súng. Những nông gia xạm đen vì nắng mưa, cùng với các bà vợ, người Do Thái, người Ả Rập với gương mặt khắc khổ, bàn tay chai cứng, gần gủi với tôi hơn là những bộ quân phục. Hình ảnh người đàn bà đang cúi trên luống rau, gợi lại hình ảnh của mẹ tôi đang tưới những luống bắp cải.
Ở Do Thái, vấn đề an ninh, phòng thủ đồng nghiã với định cư. Từ những đợt di cư (Aliyot) thứ nhất, thứ hai về cố hương, càng có nhiều người từ khắp nơi trên thế giới trở về sau khi quốc gia Do Thái được tái sinh. Chính phủ đặc biệt trú trọng việc xây dựng các làng định cư nơi biên giới, những vùng nhiều đồi núi và trong sa mạc Negev, phần đất phiá nam. Khi làm tổng tham mưu trưởng, tôi đã làm tất cả trong khả năng, quyền hành để khuyến khích lập các làng định cư trong sa mạc Negev.
Khi đảm nhiệm trách nhiệm trông coi bộ Canh Nông, tôi được biết đời sống trong các làng định cư rất khó khăn. Lợi tức thâu hoạch của một nông gia thường từ 20 đến 30% dưới trung bình. Họ không dư tiền để mua sắm dụng cu,ï máy móc cho nông trại. Riêng vùng Negev bị hạn hán ba năm liên tục. Để giúp đỡ những người mới di cư về Do Thái, sống trong các làng định cư, tôi thành lập ban Kế Hoạch, ban sản xuất và ban nghiên cứu thị trường trong các ngành nông nghiệp, các vùng, khu vực điạ phương để giúp đỡ, hướng dẫn các nông gia.
Một vấn đề khó khăn tôi gặp phải trong thời gian ở bộ Canh Nông là chuyện nuôi bò sữa.
Những người nuôi bò sữa trong các làng gần phố thị, đã sống ở Do Thái lâu năm, có kinh nghiệm nhiều hơn những di dân mới về cố hương, định cư trong các làng nơi vùng quê hẻo lánh, nheò khó. Tôi ra lệnh “dẹp” các trại nuôi bò sữa ở gần thành phố, mua lại bò và bồi thường cho những nông gia để họ tìm việc khác. Đem số bò sữa mua được phân phát cho các làng ở xa xôi, để họ có thêm lợi tức nuôi sống gia đình. Việc này làm những nông gia “phố thị” nổi giận, tập trung biểu tình trước văn phòng của tôi mấy hôm. Hôm nào ồn ào quá, tôi đem giấy tờ qua phòng khác làm việc nhưng nhất quyết không thay đổi quyết định. Chiụ đựng vài hôm, chính phủ tìm những công việc khác cho họ, kết quả những người nông gia nghèo khó của tôi được mấy con bò để lấy sữa.
Thủ tướng Ben Gurion từ chức, về hưu ngày 16 tháng Bẩy năm 1963, tám hôm sau Levi Eshkol được đề cử lên làm thủ tướng kiêm bộ trưởng quốc phòng. Tôi tiếp tục làm việc trong nội các chính quyền được mười sáu tháng rồi xin từ ngày 3 tháng Mười Một năm 1964. Khi rời bỏ văn phòng bộ trưởng bộ Canh Nông, tôi đem theo một số sách báo và hình ảnh gần gủi với tôi. Trong những quyển sách có quyển kinh thánh Hebrew và những bài thơ của Bialik.
Lúc đó là năm 1966, mười năm sau chiến dịch Sinai, tôi viết bài cho báo Washington Post về chiến tranh Việt Nam. Sau này tôi được biết bộ trưởng Quốc Phòng McNamara rất tốt đã thông báo cho Tướng Westmoreland tư lệnh Quân Lực Hoa Kỳ tại Việt Nam, mở rộng cánh cửa cho tôi nhưng không đưa đến nhưng nơi nguy hiểm. Cũng vì vậy, đầu tháng Tám năm 1966, tôi được ngồi trên trực thăng Hoa Kỳ bay từ Đà Nẵng đến đại bản doanh sư đoàn 1 Không Kỵ rồi từ đó đi theo những đơn vị hành quân, tuần tiễu.
Trực thăng bay vòng trên đầu căn cứ trước khi đáp xuống. Xung quanh bãi đáp là những dẫy lều, bên ngoài là những khẩu đại bác 105, 155 ly. Xung quanh căn cứ là lớp hàng rào kẽm gai, những vọng gác. Bên ngoài lớp hàng rào phòng thủ là xạ trường, cây cối đã bị khai quang, đốn ngã. Xa hơn nữa là cánh rừng nhiệt đới, mầu xanh thẫm, điạ thế khác hẳn những bãi chiến trường tôi đã trải qua.
Buổi sáng hôm ấy trời mưa to, tầm quan sát của trực thăng không được xa, đến xế chiều trời quang đãng, tôi được đưa lên bộ tư lệnh hành quân tiền phương trên Pleiku. Phi cơ bay dọc theo quốc lộ 19, nơi xẩy ra một trận đánh nổi tiếng mười hai năm về trước. Nơi con đường lên núi, hơn 1000 quân Pháp bị Việt Minh phục kích quét sạch. Bây giờ Việt Cộng vẫn đặt mìn phá đường, cầu cống, bắn tỉa từ trên núi xuống xe cộ di chuyển trên quốc lộ. Đoàn xe quân sự di chuyển vẫn cần phải có xe tăng đi mở đường, phá mìn
Tại bộ tư lệnh tiền phương, tôi được vị tư lệnh sư đoàn 1 Không Kỵ Thiếu Tướng John Norton đón tiếp rất niềm nở. Ông ta nói với tôi “Đại Tướng Westmoreland đã căn dặn tôi. Thưa vị Tướng của tôi (mon General), cảnh cửa mở rất rộng để đón ông. Cứ tự nhiên, và nên cẩn thận khi đi theo một đơn vị của tôi”
Tướng Norton đưa tôi đi ăn cùng với Đại Tá Brendswieg, lữ đoàn trưởng lữ đoàn 2, đơn vị sắp xửa đi hành quân mà tôi sẽ đi theo. Sư đoàn 1 Không Kỵ lúc đó đang mở cuộc hành quân “Paul Revere”, tiếp theo hành quân “Hastings”, tảo thanh quân cộng sản trên vùng cao nguyên nơi tam biên Việt-Miên-Lào.
Chiến tranh Việt Nam xử dụng trực thăng làm phương tiện chính yếu để chuyển quân. Tổng cộng có tất cả 1700 trực thăng khi tôi ở Việt Nam, nhiều hơn số lượng trực thăng bên Âu châu. Sư đoàn 1 Không Kỵ là một đơn vị chiến thuật xử dụng trực thăng để hành quân. Quân đội Hoa Kỳ đã đáp ứng được nhu cầu chuyển quân qua những cánh rừng già, đồi núi nơi mà xe cộ không thể di chuyển được.
Bốn tiếng đồng hồ sau khi lệnh báo động ban ra, cả tiểu đoàn tập họp với đầy đủ vũ khí, quân dụng sẵn sàng cho trực thăng đưa vào vùng hành quân. Có thể giữa cánh rừng già hay trên một đỉnh núi. Chúng tôi dự định sẽ cất cánh vào buổi sáng, tuy nhiên mưa và những đám mây thật thấp che phủ bầu trời nên phải dời lại. Đến trưa, bầu trời trở nên quang đãng nên máy bay sẽ cất cánh lúc 1 giờ chiều.
Tin tình báo do Tướng Norton cung cấp, cho biết một sư đoàn địch quân đang hoạt động trên vùng cao nguyên. Đơn vị địch không tập trung trong một căn cứ, phân tán trong nhiều căn cứ, vài ba tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn có khoảng 350 quân. Theo kế hoạch điều quân của Norton, một tiểu đoàn trong lữ đoàn 2 (Đại Tá Brendswieg) sẽ được đổ xuống nơi tình nghi bộ tư lệnh sư đoàn của địch. Trường hợp chạm súng sẽ đưa thêm một tiểu đoàn trừ bị lên tăng cường, khóa chặt đường rút lui rồi tấn công vào bên sườn đơn vị địch.
Kế hoạch hành quân cũng tạm được, duy có một yếu tố thiếu xót, vị trí đóng quân chính xác của đơn vị địch không thâu thập được. Những chuyến bay thám thính và không ảnh không tìm ra được căn cứ của địch, giao thông hào, pháo đài. Nguồn cung cấp tin tức tình báo của Hoa Kỳ phần lớn dựa vào kỹ thuật không ảnh, bắt đài của địch và giải mã, họ không bắt được nhiều tù binh để lấy tin tức.
Đúng 1 giờ 5 phút, tôi đi theo đại đội D cất cánh bay vào khu vực tình nghi có đơn vị địch. Các trực thăng đã được tháo gỡ cánh cửa cho các xạ thủ đại liên gắn trên phi cơ sẵn sàng. Mỗi đại đội được chuyên chở trên một hợp đoàn 16 chiếc trực thăng, bay sát đầu ngọn cây như đàn ong. Khi lên cao, chúng tôi có thể nghe tiếng đạn pháo binh, đang bắn dọn đường cho bãi đáp. Trong hành quân Hastings trước đây, một đại đội bị tàn sát vì vào đúng bãi đáp tưởng trống trải nhưng cả một tiểu đoàn địch ngụy trang rất khéo nằm chờ sẵn.
Sư đoàn 1 Không Kỵ đi hành quân thường theo thứ tư dây chuyền: pháo binh bắn dọn đường, tàn phá bãi đáp cho trực thăng để đổ quân, Tiếp theo là phi cơ thả bom dọn sạch bãi đáp. Cuối cùng, trong lúc đổ quân vẫn được trực thăng võ trang Cobra bay yểm trợ. Khi đoàn trực thăng vào gần đến bãi đáp, chúng tôi có thể ngửi thấy mùi thuốc súng đạn đại bác bốc lên từ bãi đáp. Trên mặt đất đầy những hố đen, cỏ xung quanh vẫn còn cháy, khói bốc lên.
Cuộc đổ quân hoàn tất trong vòng hai phút, mọi người nhẩy ra khỏi trực thăng, nằm rạp xuống bãi cỏ tranh rất cao. Tiếng bom đạn vẫn tiếp tục nổ vang, tôi cố ngóc đầu cao lên khỏi đám cỏ tranh để quan sát. Không phải tiếng súng của địch, tiếng đạn pháo binh đang bắn dọn đường cho một bãi đáp khác. Bãi đáp yên tĩnh, vị đại đội trưởng ra lệnh cho các trung đội dàn quân ra.
Bộ máy chiến tranh “dây chuyền” của sư đoàn 1 Không Kỵ vẫn tiếp tục làm việc: sau khi đổ quân, họ tiếp tục đem ra chiến trường: máy móc, dụng cụ, xe cộ, vũ khí cộng đồng, đạn dược và đồ tiếp liệu. Loại trực thăng cỡ lớn Chinook đem đến bộ chỉ huy tiểu đoàn, căn cứ hỏa lực đại bác 105 ly và đạn pháo binh. Tiếp theo là loại trực thăng khổng lồ Crane, câu xe ủi đất, đại bác 155ly vào thiết lập căn cứ, trung tâm hành quân, ụ súng đại bác, v.v… Tôi say mê nhìn “kỹ thuật chiến tranh” của người Hoa Kỳ, mỗi chiếc trực thăng trị giá 3 triệu đô la. Trong thời gian làm Tổng Tham Mưu Trưởng, nhiều trường hợp phải loại bỏ chương trình gửi sĩ quan ra ngoại quốc tu nghiệp để có ngân khoản 70000 đô la mua đồ phụ tùng, quân dụng. Ô! Hoa Kỳ, Ô! Do Thái.
Nhưng chiến tranh xẩy ra ở đâu? Tôi chỉ nhìn thấy khiá cạnh chiến tranh có một chiều. Địch quân có khả năng điều hành bộ máy chiến tranh như người Hoa Kỳ không? Tôi tự hỏi, chuyện gì sẽ xẩy ra nếu Việt Cộng có máy bay, hỏa lực pháo binh và thiết giáp? Vũ khí nặng trong một đơn vị Việt Cộng là khẩu súng cối để có thể cõng trên lưng một người lính. Nhưng thôi! Quân Việt Cộng ở đâu? Và đâu là bãi chiến trường?
Quân Việt Cộng có mặt trong khu vực hành quân, chỉ cách bãi đổ quân vài trăm thước. Trận đánh xẩy ra khoảng một tiếng đồng hồ sau, khi một đại đội khác được đổ xuống bãi đáp cách chúng tôi khoảng 300 thước về hướng nam. Đại đội này xuống bãi đáp an toàn, nhưng lúc di chuyển đã rơi vào ổ phục kích. Tôi rời đại đội D lên bộ chỉ huy tiểu đoàn, gặp Tướng Norton, Đại Tá Brendswieg và Tướng Walker, tư lệnh sư đoàn 25 Bộ Binh, có một đơn vị biệt phái cho sư đoàn 1 Không Kỵ. Họ đang cúi xuống nhìn tấm bản đồ lớn trải trên bãi cỏ gần trung tâm hành quân.
Đại đội xuống nơi phiá nam dễ dàng không gặp hỏa lực của địch. Viên sĩ quan đại đội trưởng quyết định cho đại đội di chuyển lên đóng trên một ngọn đồi phiá bên kia một giòng suối nhỏ. Từng trung đội nối đuôi nhau thành một hàng dọc đi ra bờ suối. Họ vẫn chưa biết đơn vị địch đã có mặt cho đến khi tiếng súng địch bắt đầu khai hỏa. Một tiểu đoàn Việt Cộng đào hầm trú ẩn, ngụy trang rất khéo.
Cấp chỉ huy Việt Cộng đợi cho trung đội Hoa Kỳ đi đầu qua khỏi mới ra lệnh nổ súng. Địch quân khai hỏa bằng đủ loại súng vào đoàn quân đang di chuyển. Trong vòng vài phút, đại đội Hoa Kỳ bị loại ra khỏi vòng chiến với hơn 70 thương vong, 25 quân nhân chết tại chỗ và khoảng 50 bị thương. Viên sĩ quan đại đội trưởng bị thương, đại đội phó tử trận.
Đại đội này đã mất khả năng tác chiến, sĩ quan còn lại xin tăng viện và pháo binh yểm trợ. Bộ chỉ huy tiểu đoàn trấn an họ cho biết sẽ điều động một đại đội khác xuống gần đó. Đại đội xuống sau này sẽ lo việc đem những người chết và bị thương ra khỏi khu vực bị phục kích chứ không có nhiệm vụ phản công.
Người Hoa Kỳ “phản công, truy kích” địch không xử dụng quân bộ binh mà bằng hỏa lực pháo binh, không quân. Họ san bằng mục tiêu bằng đạn pháo binh, bằng những qủa bom không biết rằng nhiều khi đơn vị địch đã rút đi, hoặc chỉ để lại một người lính bắn cầm chân. Vấn đề cho một đơn vị bộ binh Hoa Kỳ khi đối diện với địch quân không phải xông vào tấn công mà là xác định vị trí của địch. “Xung phong, tấn công” do pháo binh và phi cơ đảm nhận. Đó là chiến thuật của người Hoa Kỳ và Việt Cộng, trong thời gian tôi ở Việt Nam, 90% các trận đánh xẩy ra tương tự như trận đánh vừa kể.
Chúng tôi rời bộ chỉ huy tiểu đoàn vào lúc 5:30 chiều. Những đám mây đen trong mùa mưa lại kéo đến phủ kín bầu trời. Tướng Norton mời tôi đi theo ông ta đến bộ tư lệnh của Tướng Walker (sư đoàn 25BB) dùng cơm và duyệt xét trận đánh vừa qua.
Bộ tư lệnh tiền phương của tướng Walker trông như một căn cứ dã chiến. Hai căn lều lớn dùng làm nhà ăn cho sĩ quan, dao niã, khay đúng tiêu chuẩn nhà binh. Tôi được đãi bia, ngoài ra thức ăn như tất cả các binh sĩ.
Sau phần thuyết trình của tướng Norton tư lệnh sư đoàn 1 Không Kỵ, chúng tôi bàn luận. Tướng Norton cho rằng địch quân đã phân tán ra thành từng toán nhỏ khoảng 15 người, thoát ra khỏi khu vực hành quân và chúng sẽ tập họp lại tại một điểm nào đó. Tướng Walker cho rằng địch quân đã qua trở lại trên đất Miên, chỉ cách trận điạ khoảng mười dặm. Tướng Norton vẫn không chắc chắn cho lắm.
Được theo dõi trận đánh, nghe thuyết trình, bình luận, tôi có cảm giác hành quân “Paul Revere” không đạt được mục đích. Quân đội Hoa Kỳ tập trung sức mạnh để tiêu diệt Việt Cộng. Người Hoa Kỳ mơ tưởng rằng, xử dụng trực thăng đưa binh sĩ đã được huấn luyện kỹ càng vào trận điạ nhanh chóng cùng với hỏa lực phi pháo, vũ khí đạn dược, đồ trang bị tối tân, nhiên liệu gần như vô giới hạn, họ có thể đập tan Vi.ệt Cộng. Nhưng họ không thành công.
Người Hoa Kỳ không biết địch quân ở đâu? Sau trận phục kích chớp nhoáng, họ biến đi đâu? Tôi nói với tướng Norton, cơ cấu tổ chức, khả năng của sư đoàn 1 Không Kỵ thật hoàn hảo. Tuy nhiên một điều thiếu sót, họ phải cho một toán trinh sát bí mật xâm nhập vào vùng địch, tìm kiếm vị trí đóng quân chính xác của đơn vị địch. Tướng Norton nhìn tôi trả lời “Đừng lo! Ông Tướng của tôi (Mon General), chúng tôi sẽ thộp cổ bọn chúng nó” Sau bữa cơm, tôi bay lên Pleiku đến một trại Lực Lượng Đặc Biệt nằm cách biên giới ba dặm, dự định đi tuần tiểu với quân “Mũ Xanh” hai ngày.
Sáng sớm hôm sau, một công điện từ bộ tư lệnh sư đoàn 1 Không Kỵ gửi đến tôi, cho biết Việt Cộng mở trận tấn công lớn vào tuyến phòng thủ do một đơn vị Đại Hàn trấn giữ. Tướng Norton hy vọng tôi muốn đến quan sát khi trận điạ vẫn còn vương mùi thuốc súng. Tôi hoãn chuyến đi với quân “Mũ Xanh” và một xe Jeep Lực Lượng Đặc Biệt đưa tôi đi đến chỗ vừa xẩy ra trận tấn công.
Trong đêm qua, tuyến phòng thủ do một đại đội 130 binh sĩ Đại Hàn trấn đóng bị một trung đoàn Việt Cộng tấn công. Quân Đại Hàn giữ vững phòng tuyến, địch bỏ lại 237 xác chết trên chiến trường. Khi tôi đến thăm, binh sĩ Đại Hàn vẫn còn ghìm súng nơi lỗ châu mai, bean ngoài căn cứ có chiến xa Hoa Kỳ yểm trợ. Ngoài ra họ còn được Pháo Binh Hoa Kỳ bắn yểm trợ 21000 qủa đạn đại bác 105, 155 ly, hơn số đạn chúng tôi xử dụng trong trận chiến Độc Lập, và chiến dịch Sinai gom lại.
No comments:
Post a Comment