LỰC LƯỢNG QUỐC PHÒNG DO THÁI
Lực Lượng Quốc Phòng Do Thái (Hebrew: צְבָא הַהֲגָנָה לְיִשְׂרָאֵל, Tzva Hahagana LeYisra'el (help·info), lit. Defensive Army for Israel, Arabic: جيش الدفاع الإسرائيلي), thường được người Do Thái gọi bằng tiếng cổ ngữ Hebrew Tzahal (צה"ל), Quân Lực Do Thái, bao gồm Hải, Lục và Không Quân. Quân đội Do Thái đặt dưới quyền vị Tổng Tham Mưu Trưởng (Ramatkal) trực thuộc Bộ Trưởng Quốc Phòng. Hiện thời Tướng Rav Aluf Benny Gantz đang nắm quyền Tổng Tham Mưu Trưởng từ năm 2011.
Theo sắc lệnh của Bộ Trưởng Quốc Phòng David Ben Gurion (kiêm Thủ Tướng đầu tiên của Do Thái, khi nước này được LHQ chấp thuận) ký ngày 26 tháng 5 năm 1948, thành lập Quân Đội Do Thái từ lực lượng bán quân sự Haganah (tiền thân của quân đội Do Thái), kết hợp với hai tổ chức võ trang Irgun và Lehi. Nhóm Irgun bị khối Ả Rập và người Anh coi là đám Đặc Công, Khủng Bố, nhóm quá khích người Do Thái. Menachem Begin đã từng làm thủ lãnh của nhóm này, là người rất có công trong việc thúc đẩy trận tấn công chiếm hoàn toàn khu phố cổ Jerusalem trong Trận Chiến Sáu ngày năm 1967. Ông ta quan niệm, người Do Thái thiếu khu phố cổ cũng như một thân xác không có linh hồn. Khi ông ta lên làm Thủ Tướng Do Thái, khối Ả Rập la làng, gọi ông ta là “Đại Diều Hâu”. Mà thực vậy, ông ta kéo theo một vị tướng lừng danh trong quân sử Do Thái Erik Sharon lên làm Bộ Trưởng Quốc Phòng... kết qủa vụ Do Thái xâm lăng Li Băng (Lebanon năm 1978).
Kể từ ngày được thành lập, quân đội Do Thái đã tham dự những trận chiến nổi tiếng như sau: trận chiến Độc Lập năm 1948, trận chiến Trả Đũa (1951-1956), trận Sinai 1956, Trận tranh chấp về Nước (1964-1967. Vùng sa mạc, nước là nguồn tài nguyên qúy báu), trận chiến Sáu Ngày 1967, trận chiến Tiêu Hao (1967-1970), trận chiến Yom Kippur 1973, hành quân Entebbe (Thunder Ball - Hỏa Cầu) 1976, hành quân Litani 1978 (tảo thanh nhóm khủng bố Palestine trong khu vực phiá nam Li Băng), trận chiến Li Băng 1982, trận chiến trong khu vực phiá nam Li Băng (1982-2000), vụ Nổi Dây của người Palestine lần thứ nhất (First Intifada, 1987-1993), Nổi Dậy lần thứ hai (2000-2005), hành quân Lá Chắn Sa Mạc 2002, trận chiến Li Băng 2006, trận chiến Gaza (2008-2009). Quân đội Do Thái phải đương đầu với khối Ả Rập, Li Băng và Syria nơi hướng bắc, Jordan và Iraq nơi hướng đông, và Ai Cập nơi phiá nam. Sau khi ký hiệp ước Hòa Bình với Ai Cập 1979, quân đội Do Thái chỉa mũi dùi vào khu vực phiá nam Li Băng và những nơi có sự hiện diện của quân khủng bố người Palestine.
Quân đội Do Thái khác với quân đội các quốc gia trên thế giới trong nhiều khiá cạnh, phụ nữ vẫn phải thi hành nhiệm vụ trong quân đội (quân dịch), guồng máy tổ chức và sự gắn bó, phối hợp giữa các quân binh chủng. Kể từ khi được thành lập, quân đội Do Thái đã cố gắng phát triển theo sự đòi hỏi nhu cầu quốc phòng. Lực lượng Quốc Phòng Do Thái là một phần căn bản trong hiến pháp, có ảnh hưởng đến tình hình chính trị, kinh tế và văn hóa của người dân Do Thái. Năm 1965, Lực lượng Quốc Phòng Do Thái đã được trao tặng huy chương Quốc Gia về những đóng góp cho ngành giáo dục.
Quân đội Do Thái có nhiều khoa học gia, xử dụng kỹ thuật tối tân chế tạo vũ khí phù hợp với quân đội, chiến trường sa mạc vùng trung đông như chiến xa Merkava nồng cốt cho các đơn vị Thiết Giáp Do Thái, tiểu liên xung kích Galil, Tavor cho bộ binh thay thế tiểu liên Uzi đã được chế tạo từ năm 1954. Từ năm 1967 Do Thái bắt tay với Hoa Kỳ chế tạo phi cơ chiến đấu F15I, hệ thống phòng thủ xử dụng tia sáng Laser Thel, hệ thống hỏa tiễn phòng thủ Arrow.
Lực lượng Quốc Phòng Do Thái có gốc rễ từ những tổ chức võ trang trong các làng định cư người Do Thái (Yishuv (Hebrew: ישוב, literally "settlement") ở Palestine trước khi người Do Thái từ khắp nơi trên thế giới trở về xây dựng lại cố hương. Bắt đầu từ đợt di cư thứ hai (Second Aliyah 1904-1914), một trong những ngôi làng định cư đầu tiên là Degania (1909), khoảng 40 ngàn người Do Thái từ Nga Sô, Yemen di cư về “miền Đất Hứa” Palestine trong thời gian này.
Tổ chức võ trang đầu tiên của người Do Thái có tên là Bar Giora được thành lập trong tháng Chín năm 1907. Bar Giora cũng là tên của một lãnh tụ người Do Thái xa xưa, nổi dậy chống lại đế quốc La Mã. Đến tháng Tư năm 1909, tổ chức Bar Giora trở thành Hashomer (Hebrew: השומר) ("The Watchman"), một lực lượng tự vệ chống lại quân trộm cướp người Ả Rập xung quanh. Tổ chức Hashomer tiếp tục hoạt động cho đến năm 1920, khi người Anh đặt nền thống trị trên toàn vùng trung đông.
Trong trận Thế Chiến Thứ Nhất, tiền thân của Haganah và quân lực Do Thái là đơn vị Zion Mule và Jewish Legion (Lê Dương) nằm trong quân đội Anh. Sau khi người Ả Rập nổi loạn, phá hoại cộng đồng Do Thái trong tháng Tư năm 1920, giới lãnh đạo Do Thái nhận thức cần phải tổ chức một lực lượng phòng vệ trong bóng tối trên toàn lãnh thổ và Haganah được thành lập trong tháng Sáu năm đó. Tổ chức Haganah phát triển toàn diện sau vụ nổi loạn của sắc dân Ả Rập trong vùng Palestine từ năm 1936 đến năm 1939. Haganah lúc đó chia ra làm ba đơn vị chính yếu, Bộ Binh (Field), Phòng Vệ (Guard), và Palmach (Xung Kích, có thể nói Palmach là tiền thân của Lực Lượng Đặc Biệt Do Thái). Khi trận Thế Chiến Thứ Hai xẩy ra, đoàn quân Lê Dương (Legion) trở nên lữ đoàn Do Thái (Jewish Brigade).
Sau khi Do Thái tuyên bố độc lập năm 1948, Lực Lượng Quốc Phòng Do Thái trong trận chiến với người Ả Rập (Trận Chiến Độc Lập) gồm có mười hai lữ đoàn Bộ Binh và Cơ Giới (Thiết Giáp): Golani, Carmeli, Alexandroni, Kirvati, Givati, Etzioni, Oded, Harel, Yiftach, Negev và hai lữ đoàn Cơ Giới 7, 8. Sau khi trận chiến kết thúc, Do Thái chỉ giữ lại quân hiện dịch, các lữ đoàn khác trở về đời sống dân sự làm lực lượng trừ bị, hoặc giải tán. Quốc gia Do Thái nhỏ bé, không thể có một đạo quân hiện dịch to lớn, đây cũng là điều căn bản, rường cột cho Quân Lực Do Thái cho đến ngày nay.
Sau trận chiến Độc Lập 1948, quân đội Do Thái chuyển qua vai trò phòng thủ chống lại quân khủng bố Ả Rập người Palestine. Năm 1956, lãnh tụ Ai Cập Gammal Abdel Nasser quốc hữu hóa kênh đào Suez gây rắc rối cho Anh và Pháp. Hai cường quốc móc nối với Do Thái tấn công Ai Cập. Trận này Do Thái đã chứng tỏ sức mạnh, khả năng một quân đội mới mẻ của họ bằng cách đánh chiếm cả khu vực bán đảo Sinai (sau đó trả lại cho Ai Cập). Trong trận chiến Sáu Ngày năm 1967, quân đội Do Thái đánh bại quân đội các nước Ả Rập một cách chớp nhoáng trong vòng sáu ngày, chiếm bán đảo Sinai, dải đất Gaza (Palestine), khu vực West Bank bao bọc khu phố cổ Jerusalem và cao nguyên Golan (Syria). Trận chiến thắng thần tốc này làm thay đổi cán cân giữa Do Thái và các nước Ả Rập xung quanh. Trước khi trận Yom Kippur xẩy ra năm 1973, quân đội Do Thái trải qua một trận chiến mới theo kiểu du kích gọi là trận chiến Tiêu Hao (Attrition War), chống lại quân du kích Ai Cập phá hoại trong vùng Sinai, quân khủng bố Tháng Chín Đen của Mặt Trận Giải Phóng Palestine (PLO) trong khu vực biên giới với Jordan. Do Thái làm một trận tấn công lớn trong vùng Karameh năm 1968.
Trận Yom Kippur xẩy ra năm 1973. Quân đội Ai Cập cùng với Syria ra tay tấn công trước gây thiệt hại nặng cho quân đội Do Thái trong tuần lễ đầu. Chuyện này đưa đến việc thay đổi phương thức “đối phó” trước khi trận chiến xẩy ra cho quân đội Do Thái (toàn thể nội các của nữ Thủ Tướng Golda Meir từ chức, trong đó có Bộ Trưởng Quốc Phòng Moshe Dayan). Sau năm 1973, bộ mặt chiến trường đã thay đổi, không còn là mãi sa mạc mênh mông, rừng núi âm u, quân đội Do Thái được huấn luyện cấp tốc kỹ thuật tác chiến trong thành phố, chống lại quân khủng bố. Kỹ thuật tác chiến mới này được Do Thái áp dụng trong trận tấn công vào khu vực phiá nam Li Băng, đánh đuổi nhóm khủng bố PLO ra khỏi quốc gia này.
Quân đội Do Thái có tổ chức gần giống như quân đội Hoa Kỳ. Đứng đầu mỗi quân chủng là một vị Tướng Tham Mưu Trưởng (Tư Lệnh), các ông Tham Mưu Trưởng dưới quyền vị Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng, cấp bậc lớn nhất là Trung Tướng. Vị Tổng Tham Mưu Trưởng sẽ làm việc trực tiếp với Bộ Trưởng Quốc Phòng và sau đó là Thủ Tướng Do Thái. Vị Tổng Tham Mưu Trưởng được Bộ Trưởng Quốc Phòng đề nghị và phải được nội các chính phủ chấp thuận. Nhiệm kỳ cho vị Tổng Tham Mưu Trưởng là ba năm, người đang nắm chức vụ này là Tướng Benny Gantz, lên thay thế Tướng Gabi Ashkenazi năm 2011.
Tổ chức trong Quân Lực Do Thái gồm có:
1. Bộ Tổng Tham Mưu: Khối Kế Hoạch, Khối Hành Quân, Khối Tình Báo, Khối Nhân Lực, Khối Điện Toán (Computer Service), Khối Kỹ Thuật Tiếp Vận.
2. Vùng chiến thuật: Phương Bắc (Northern Command), Phương Nam, Trung Tâm và Trung Ương (Home Front Command).
3. Lục Quân:
· Bộ Binh và Nhẩy Dù: các lữ đoàn Golani, Givati, Kfir, Nahal, Bislamach và lữ đoàn Nhẩy Dù.
· Thiết Giáp: các lữ đoàn 7 Sa’ar, 188 Barak, 401 Ikvot Ha Barzel, 406 Son of Light.
· Công Binh, Pháo Binh và Tình Báo Tác Chiến (Field Inteligence).
4. Không Quân: bao gồm thêm hệ thống phòng không.
5. Hải Quân:
6. Quân Trường: Trường Chiến Thuật, Chỉ Huy Tham Mưu, Cao Đẳng Quốc Phòng.
Không như quân đội các quốc gia khác trên thế giới, Do Thái dùng cấp bậc chung cho cả ba quân chủng Hải, Lục và Không Quân. Sĩ quan lục quân đeo lon đồng trên nền đỏ, không quân đeo lon bạc trên nền xanh. Riêng sĩ quan hải quân đeo lon trên hai cầu vai.
Không quân đội beret mầu xanh xám. Binh chủng Thiết Giáp, Cơ Giới (Mechanized Infantry), Pháo Binh đội beret đen, Bộ Binh beret xanh, Nhẩy Dù beret đỏ. Lữ đoàn Givati đội beret tím, lữ đoàn Golani mầu nâu.
Quân lực Do Thái được trang bị vũ khí tối tân “hạng nhất” trên thế giới. Nhiều vũ khí từ Hoa Kỳ, biến cải cho phù hợp với chiến trường vùng trung đông như phản lực cơ F-15, F16. trực thăng AH-64D Apache, AH-1 Cobra. Do Thái chế tạo vũ khí riêng như chiến xa Merkava, phản lực cơ Kfir, súng tiểu liên Galil, Tavor. Ngoài ra Do Thái còn chế tạo nhiều loại vũ khí điều khiển bằng remote control đặt tên là Samson RCWS, điều khiển súng đại liên, súng phóng lựu, hỏa tiễn chống chiến xa...
Quân lực Do Thái có nhiều phòng “Nghiên Cứu & Phát Minh”, chế tạo vũ khí, quân dụng cho quân đội. Hầu hết các dụng cụ máy móc điện tử, Do Thái tự chế tạo lấy, kể cả hệ thống báo động của Không, Hải quân. Do Thái là quốc gia duy nhất trên thế giới đã phát triển hệ thống phòng thủ trên toàn quốc chống lại hỏa tiễn Liên Lục Điạ từ bên ngoài Do Thái đặt tên là Arrow (mũi tên). Ngoài ra Do Thái hợp tác với Hoa Kỳ phát triển hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn bằng tia sáng laser có tên là THEL.
Do Thái cũng đã phóng hỏa tiễn đưa vệ tinh dò thám lên quỹ đạo, cũng như các quốc gia tân tiến trên thế giới như Hoa Kỳ, Nga Sô, Trung Cộng, Nhật Bản, Pháp, Đức, Nam Hàn, Ấn Độ. Kỹ thuật Do Thái chế tạo cả hai, vệ tinh (Ofeg), và dàn phóng hỏa tiễn (Shavit). Do Thái cũng được biết có vũ khí nguyên tử, nhưng họ không công bố.
American University in Bosnia
Tuzla, Bosnia May 18th 2011
vđh
No comments:
Post a Comment