PHẦN IIB. GIAI ĐOẠN ĐỘC LẬP (1948 – 1952)
9. NGƯỜI BẠN, KẺ THÙ
Năm ngày sau khi đánh tới sa mạc Negev, hôm 23 tháng Bẩy tôi được đề cử làm chỉ huy trưởng Jerusalem. Một nhóm quân nhân đại diện tiểu đoàn 89 Biệt Động Quân do Dov Granek, một cựu đảng viên trong đảng quá khích Lehi làm trưởng toán lên gặp thủ tướng Ben Gurion. Họ nêu lên sự quan trọng của tôi trong tiểu đoàn và đe dọa sẽ bỏ đơn vị đi theo tôi vào Jerusalem. Vị thủ tướng đặt câu hỏi, tại sao các quân nhân Biệt Động Quân lại tin tưởng nơi tôi như vậy, kể cả những người cựu đảng viên Lehi. Họ trả lời rằng, tôi luôn luôn sống chết với an hem, luôn luôn có mặt nơi tuyến đầu chỉ huy đơn vị. Kết thúc buổi nói chuyện, Ben Gurion cho biết, Jerusalem cần những cấp chỉ huy như tôi, thành phố cổ xưa này quan trọng hơn những nơi khác.
Trước khi tôi đảm nhận chức vụ mới trong Jerusalem, hai hiệp định đã được vị chỉ huy trưởng tiền nhiệm, Đại Tá David Shaltiel đại diện chính phủ Do Thái ký nhận. Một bản là “Hiệp định Mount Scopus” mới ký hai tuần lễ trước ngày 7 tháng Bẩy. Trong bản hiệp định này, Đồi Scopus (Mount Scopus) sẽ là khu vực phi quân sự dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc. Hiệp định thứ hai vưà mới ký kết, người đại diện chính phủ Jordan ký tên trong bản hiệp định này là chỉ huy trưởng quân đội Ả Rập ở Jerusalem, Trung Tá Abdulla El Tel. Hiệp định này về sự đình chiến và thiết lập khu vực không có người ngay lằn ranh giới giữa hai phe Do Thái, Ả Rập.
Trong vòng năm tháng kế tiếp cho đến khi chiến tranh chấm dứt ngày 7 tháng Giêng năm 1949, chúng tôi chỉ được phép hành quân giới hạn hai lần, cả hai lần đều thất bại. Một trong những nguyên nhân do khả năng tác chiến của lữ đoàn Etzioni, nhiều quân nhân trong lữ đoàn là di dân mới về đến Do Thái, chưa rành ngôn ngữ, khí hậu, điạ dư vùng Palestine. Lữ đoàn nằm giữ phòng tuyến bảo vệ thành phố Jerusalem trong một thời gian lâu dài, đơn vị bị phân tán ra các tiền đồn, thường xuyên bị quân Lê Dương Ả Rập quấy phá, bắn tỉa. Phòng tuyến của lữ đoàn Etzion bảo vệ các làng định cư Do Thái nằm giữa Jerusalem và Hebron bị xụp đổ, khu vực người Do Thái trong Thành Phố Cổ (Old City) bên trong Jerusalem đầu hàng.
Khi tôi đảm nhận chức vụ chỉ huy trưởng Jerusalem, việc đầu tiên tôi đi thanh tra phòng tuyến xung quanh thành phố, thăm viếng các tiền đồn. Các tiền đồn này nối liền với nhau bằng hệ thống giao thông hào, giữa những tường đá cổ, lên xuống quanh co. Bên trong tiền đồn, ánh sáng lờ mờ lọt qua lỗ châu mai. Các binh sĩ lữ đoàn Etzioni đã phải chiến đấu trong hoàn cảnh ngặt nghèo, trong mùa đông giá buốt, không đủ ăn, quần áo ấm, nên không thể đổ lỗi cho họ được.
Tôi đi thăm binh sĩ rất thường xuyên nơi phòng tuyến, nói chuyện với sĩ quan, binh sĩ, kể cho họ nghe kinh nghiệm chiến đấu để gây niềm tin tưởng, tự tin. Tinh thần chiến đấu của lữ đoàn lên cao nhưng khả năng tác chiến vẫn chưa có, tôi phải ra lệnh cho sĩ quan huấn luyện binh sĩ, xin thêm vũ khí và sĩ quan bổ xung cho đơn vị. Đường ranh giới phân chia Do Thái, Jordan vẫn không thay đổi, Thành Phố Cổ (Old City) vẫn nằm trong tay người Ả Rập. Người Do Thái vẫn còn giữ Đồi Scopus nhưng nằm trong vùng đất Ả Rập chiếm đóng và bị cắt đứt với phần còn lại của người Do Thái trong Jerusalem. Con đường từ Jerusalem đi Ramat Rahel bị súng của địch từ Zur Bahar áp đảo. Jerusalem đi ra biển bằng một hành lang chật hẹp, thành phố này cũng là tâm điểm cho mọi vấn đề: quân sự, chính trị và người Do Thái.
Tôi đến Jerusalem với lệnh bổ nhiệm quân sự do khả năng chiến đấu của tôi. Nhưng những điều tôi làm đều liên quan đến chính trị, xếp đặt những buổi gặp gỡ với các cấp chỉ huy người Ả Rập trong Jerusalem và Quốc Vương Abdulla của Jordan.
Lúc đầu tôi không cho việc thương lượng đối với người Ả Rập là quan trọng, chú trọng đến các hoạt động quân sự. Tôi nhìn vấn đề qua hệ thống đồn bót, chiến hào và giải pháp là xử dụng vũ lực tấn công. Nhưng bản hiệp định giữa hai sắc dân đã kết thúc chiến tranh, sự tranh chấp đã đưa lên bàn hội nghị, và kéo theo tôi vào bên trong. Những công việc liên quan tới chính trị này làm tôi phải liên lạc với thủ tướng Ben Gurion thường xuyên. Tôi đã biết ông ta trước nay nhưng bây giờ mới biết rõ uy tín của ông ta đối với bạn bè, cách làm việc, giải quyết vấn đề. Ông ta là một vị lãnh tụ thông minh, giỏi lãnh đạo và có tầm nhìn xa rộng.
Nhận nhiệm vụ mới ở Jerusalem, tôi đem theo gia đình và được ở trong một căn nhà xây bằng đá lớn, đẹp nằm đối diện với phòng tuyến Jordan nơi bức tường bao quanh Thành Phố Cổ. Người Jordan thỉnh thoảng bắn súng đại liên, đại bác 6 pound làm bức tường phiá đông căn nhà đầy vết đạn. Chúng tôi sống bên căn phòng hướng tây, mỗi lần bị pháo kích cả gia đình vẫn có thì giờ chạy xuống hầm.
Khi tiếng súng bớt đi, thêm nhiều người dọn vào. Gia đình Tổng Trưởng Tài Chánh Eliezer Kaplan ở tầng trên, vài sĩ quan, sinh viên dọn tới ở ngay phòng bên cạnh làm cho căn nhà đá lớn thêm vui.
Ruth (vợ Moshe Dayan) đi làm cho Cơ Quan Do Thái lo việc xây dựng nhà cửa, dậy nghề thủ công trong những ngôi làng dành cho người mới về Do Thái định cư. Nàng thường đi thăm họ, khuyến khích công nghiệp, đem vật liệu cung cấpï và tìm thị trường tiêu thụ cho những sản phẩm của họ. Nhà tôi đi làm cả ngày, công việc trong nhà đã có Simcha trông nom, một thành viên mới trong gia đình chúng tôi. Bà ta là goá phụ ở lưá tuổi năm mươi, thuộc vào một công đồng Do Thái cổ xưa ở Kurdistan (phiá bắc Iraq). Simcha không được đi học nhưng sáng trí, hiền hậu, các con tôi rất thích và thương mến bà ta.
Cuộc sống trong thành phố thay đổi nhiều không như nơi làng Nahalal. Các con tôi không được chạy tung tăng trên cánh đồng hay chơi với mấy con chim, con bò của chúng. Tôi thì bù đầu trong các buổi họp, bàn cãi, những bữa tiệc tùng v.v…
Duy có một điều không thay đổi, tôi vẫn tiếp tục đi thăm binh sĩ nơi phòng tuyến. Điều này cũng như mơ ước của tôi, tránh xa công việc văn phòng, đi ra ngoài. Khi có thể ra ngoài văn phòng vài giờ đồng hồ, tôi thường đi lên một cao điểm chiến thuật Miss Carey, tên của một phụ nữ quản lý phòng uống trà trong thời gian người Anh bảo hộ. Sau đó lái xe lên đỉnh Castel thăm tiền đồn chế ngự con đường đi Tel Aviv. Tôi leo lên những vọng gác hỏi thăm binh sĩ, nhìn qua bên kia lằn ranh giới quan sát lính Lê Dương Ả rập, họ cũng có những vọng gác, đôi bên chỉ cách chừng vài thước. Kết thúc một ngày làm việc, trước khi đi ngủ, cũng như những bậc cha mẹ khác, tôi đi qua phòng các con xem chúng đã ngủ chưa. Đời sống thật là bình an, tôi ước mong nơi tiền tuyến cũng được an lành.
Ngày 10 tháng Tám, Quận Công Folke Bernadotte, người đại diện Liên Hiệp Quốc đến thăm. Ông ta dường như muốn giải quyết “Vấn Đề Palestine” theo ý kiến cá nhân của ông ta. Điều này trái với quyết định của Liên Hiệp Quốc ban hành trong tháng Mười Một năm 1947. Một trong những điều ông ta đưa ra, trao cho người Ả Rập thành phố Jerusalem. Điều này chắc chắn sẽ làm cho chiến tranh dữ dội thêm.
Bernadotte gặp Bác Sĩ Dov Yosef, chủ tịch Ủy Ban Khẩn Cấp Jerusalem trong thời gian thành phố bị người Ả Rập bao vây, bây giờ trở thành bộ máy hành chánh quản trị Jerusalem. Cùng với Dov Yosef có Yitzhak Ben Zvi, người sẽ trở nên vị thủ tướng thứ hai và Daniel Auster, thị trưởng đầu tiên của Jerusalem. Cuộc gặp gỡ được xếp đặt trong sứ quán Bỉ, và khi Bernadotte đến, một nhóm người trẻ thanh niên nam nữ đang ngồi trên một xe Jeep trước sứ quán căng ra một biểu ngữ “Stockholm là của ông, Jerusalem là của chúng tôi” ký tên “Chiến sĩ chiến đấu cho Tự Do của Do Thái”, danh xưng đầy đủ của nhóm quá khích Lehi. Tôi biết được chuyện này khi bác sĩ Dov Yosef gọi điện thoại yêu cầu tôi giải tán đám biểu tình này. Tôi đi đến nơi, nói chuyện với đám người trẻ và họ ra về.
Khoảng hơn một tháng sau, hôm thứ Sáu ngày 17 tháng Chín, Bernadotte trở lại Jerusalem. Trước khi gặp bác sĩ Dov Yosef, ông ta đến dinh Thống Đốc mà người Anh đã bàn giao lại cho cơ quan Hồng Thập Tự. Ông ta định xử dụng dinh thự này làm trụ sở cho Ủy Ban Kiểm Soát Đình Chiến. Sau đó ông ta cùng đoàn tùy tùng đi đến nhà bác sĩ Yosef trên ba chiếc xe của Liên Hiệp Quốc. Khoảng giữa đường, đoàn xe bị một xe Jeep chận lại, ba người trên xe mặc quân phục không phù hiệu nhẩy ra khỏi xe, chạy lại bắn chết Bernadotte cùng với viên sĩ quan người Pháp, tham mưu trưởng của ông ta, Đại Tá André Pierre Serot đang ngồi bên cạnh, rồi chiếc xe Jeep biến mất. Cuộc mưu sát tổ chức rất hoàn hảo, chiếc xe Jeep tìm lại được là của Liên Hiệp Quốc bị đánh cắp trước đó.
Mấy tên khủng bố tìm không ra. Truyền đơn rải trong những sứ quán ngoại quốc có chữ ký “Mặt Trận Tổ Quốc – Homwland Front” nhận trách nhiệm cho vụ ám sát kể trên. Sự nghi ngờ đổ tội cho nhóm quá khích Lehi nhưng lãnh tụ của họ chối bỏ dư luận. Qua những biến cố xẩy ra, chính phủ Do Thái quyết định xúc tiến việc giải giới tổ chức bí mật. Qua ngày hôm sau, quân đội Do Thái bao vây “căn cứ” Lehi trong Jerusalem, tước khí giới của 40 đảng viên mà không có chuyện đáng tiếc xẩy ra.
Trước đó, nhóm Lehi hoạt động biệt lập công khai trong Jerusalem. Có trường hợp họ phối hợp với những toán quân nhỏ Haganah làm việc và cả hai đều thân mật. Nhóm Irgun lớn hơn và họ cũng đã muốn hội nhập vào quân đội Do Thái. Như trong trường hợp tiểu đoàn 89 Biệt Động Quân, đại đội dưới quyền Dov Granek gồm toàn quân tình nguyện Lehi, Dov và tôi có sợi dây liên hệ mật thiết, trong tình bạn và sự tương kính lẫn nhau. Vụ ám sát Bernadotte tôi vẫn không biết được thủ phạm cho đến nay. Sau vụ giải giới nhóm Lehi, tôi trở nên chỉ huy trưởng tất cả các đơn vị quân đội Do Thái trong Jerusalem.
Chuyện chính trị bỗng nhiên kéo tôi vào những cuộc tiếp xúc thương lượng nơi điạ phương với người Jordan. Tiếp theo là nhhững buổi họp giữa Quốc Vương Abdulla và đại diện người Do Thái, giơí lãnh đạo hai bên thương lượng trong bản Hiệp Định về Võ Trang trên đảo Rhodes. Tôi phải giám sát việc thi hành bản hiệp định này cùng với đại diện của bốn quốc gia Ả Rập đã tham dự trận chiến năm 1948: Ai Cập, Jordan, Syria và Li Băng.
Đường ranh giới phân chia khi chiến tranh kết thúc, cắt Jerusalem làm hai. Người Do Thái kiểm soát phiá tây thêm Đỉnh Scopus (Mount Scopus) nằm về hướng đông trong phần đất người Ả Rập. Thành Phố Cổ (Old City), kể cả Bức Tường Phiá Tây (The Wailing Wall) trong khu vực Đền Thờ (Temple) là nơi linh thiêng nhất đối với dân tộc Do Thái và khu vực người Do Thái đổ nát thuộc về Jordan. Khu vực Latrun giữa Jerusalem và Tel Aviv cũng bị người Jordan chiếm đóng, do đó chúng tôi phải làm con đường đi vòng dài sáu dặm. Ngược lại, người Do Thái kiểm soát con đường chính từ Jerusalem đi Bethlehem nên người Jordan phải xử dụng con đường khác.
Trong khi phòng tuyến Jordan đã tạm yên, các mặt trận khác vẫn còn những trận giao tranh ác liệt. Nơi phiá nam, quân đội Ai Cập đã bị đẩy lùi ra khỏi Beersheba khoảng giữa tháng Mười. Trong hai ngày cuối tháng, quân đội Do Thái đã tấn công chớp nhoáng quét sạch quân du kích Kaukji ra khỏi vùng Galilee. Trận đánh lớn cuối cùng trong trận chiến Độc Lập chống lại quân Ai Cập kéo dài từ tuần lễ cuối tháng Mười Hai 1948 qua tuần lễ đầu tiên tháng Giêng năm 1949. Quân đội Ai Cập bị đẩy lui ra khỏi biên giới và quân Do Thái tiếp tục truy kích qua bán đảo Sinai.
Ngày 30 tháng Mười Một năm 1949, đại diện người Do Thái, tôi ký một hiệp ước “Tuyệt Đối và Chân Thành Ngưng Bắn” trong Jerusalem. Phiá bên kia gồm có quân đội Jordan và các lực lượng Ả Rập trong Jerusalem. Lãnh đạo người Ai Cập và các lực lượng bán quân sự là Abdulla El Tel. Đính kèm theo bản hiệp ước là bản đồ đánh dấu lằn ranh giới và khu vực không có người. Bản hiệp ước cũng đồng ý cho phép đoàn xe Do Thái tiếp tế, thay đổi nhân lực đi về Đỉnh Scopus.
Trong thời gian thương thuyết trước khi ký tên vào bản hiệp ước, tôi được biết thêm về người trực diện ở phiá bên kia, đó chính là Abdulla El Tel, một người đàn ông Ả Rập đẹp trai, cao ráo, có nước da nhạt. Abdulla El Tell có cái nhìn thẳng, nụ cười thân thiện, xuất thân trong một gia đình khá giả ở Irbid một vùng đồi núi ở Jordan và đã học xong bậc trung học ở Ai Cập. Ông ta gia nhập đơn vị Lê Dương Ả Rập khi trận Thế Chiến Thứ Hai bắt đầu và năm 1942 đã tốt nghiệp khóa Sĩ Quan quân đội Anh trong vùng kênh đào Suez.
Tôi đã quá chán vai trò “trung gian” của Liên Hiệp Quốc qua người đại diện, Đại Tá Carlson quốc tịch Hoa Kỳ, ông ta làm cho “vấn đề” trở nên khó khăn hơn. Trong một buổi họp, cảm thấy vị Đại Tá nói quá nhiều, tôi quay xang Abdulla El Tel đề nghị qua phòng khác “nói chuyện”, ông ta đồng ý ngay và cả hai đứng dậy ra ngoài trước những con mắt ngạc nhiên của bốn người trong mỗi phe và nửa tá quan sát viên Liên Hiệp Quốc.
Trong phòng họp bên cạnh, chúng tôi trình bầy, giải quyết các quan điểm khác biệt giữa hai dân tộc. Khi quay trở về phòng họp chính, chúng tôi tuyên bố đã giải quyết xong những bất đồng, làm tất cả mọi người ngạc nhiên. Và còn ngạc nhiên hơn khi Abdulla El Tel đã đồng ý thiết lập đường dây điện thoại trực tiếp giữa hai chúng tôi mà không cần phải qua trung gian Liên Hiệp Quốc.
Đường day điện thoại từ nhà tôi đến El Tel là đường dây duy nhất hoả tốc trong vùng Trung Đông cho đến bây giờ, và nó rất hữu hiệu. Trong trường hợp có tiếng súng qua lại tại một nơi nào đó trên đường ranh giới, tôi sẽ gọi điện thoại cho El Tel và chuyện xẩy ra sẽ chấm dứt ngay. Chúng tôi xử dụng điện thoại liên lạc nhiều lần để xếp đặt các buổi gẵp gỡ, nói chuyện, đôi khi với Vua Abdulla trong cung điện mùa đông ở Shunneh.
Đại Tá El Tel đã thành công, bí mật xếp đặt cho chúng tôi gặp Vua Abdulla ngay trong trung tâm Jordan và thả tù binh Do Thái. Để đưa tôi đến gặp nhà Vua, El Tel đã lái xe đưa tôi đi băng qua đường ranh giới, đội khăn Kafieh mầu đỏ của lính Lê Dương Ả Rập, vào sâu trong đất Jordan.
Tôi nêu lên vấn đề tù binh chiến tranh sau khi đã đạt được niềm tin tưởng hỗ tương. Lúc đó, không như tại những mặt trận khác, thường chúng tôi bắt được từ 10 đến 100 lần số tù binh Ả Rập. Điều này trái ngược ở Jordan, chúng tôi bắt được khoảng một tá tù binh Lê Dương, trong khi đó có 670 tù binh Do Thái bị giam giữ trong trại tù binh ở Mafrak. Khoảng một nửa (320) tù binh bị bắt trong các làng chiến đấu khu vực Etzion, 85 người đàn bà phần còn lại bị bắt ở khu Do Thái trong Thành Phố Cổ, họ là những người già cả, nghiên cứu kinh thánh Talmudic (Do Thái giáo), cùng với vợ con của họ. Tôi yêu cầu Tel trả tự do cho họ.
Đại Tá El Tel trả lời rằng sẽ cứu xét vấn đề. Câu trả lời đến nhanh hơn sự ước đoán của tôi. Tel cho tôi biết, phải làm gấp nếu không sẽ gặp rắc rối. Tất cả các tù binh Do Thái được trao trả một tháng trước khi đại diện các nước tham chiến họp trên đảo Rhodes. Vị Đại Tá Lê Dương Ả Rập đặt vấn đề trên nền tảng “Lương Tâm, Nhân Đạo”, ông ta trình bầy vấn đề tù binh trước Quốc Vương, nếu giam giữ tù binh Do Thái trong tay người Ả Rập quá lâu, sinh mạng của họ sẽ không được bảo đảm an toàn.
Sau khi các tù binh được trao trả về Do Thái, tôi cám ơn El Tel và hỏi nếu có liên quan vấn đề tài chính xin cho chúng tôi được thanh toán. Chính phủ Do Thái rất sẵn sàng bồi thường một khỏan tiền lớn để đem về số tù binh chiến tranh. El Tel mỉm cười đưa cho tôi một tờ giấy ghi rõ sự chi phí, số tiền quá nhỏ không đáng kể, đó là tiền thuê những chuyến xe bus chở tù binh từ trại tù ở Mafrak đi Jerusalem, kèm theo tờ biên nhận của hãng xe bus. Tôi cám ơn ông ta với tất cả tấm lòng của tôi.
Sau khi rời chức vụ chỉ huy trưởng các đơn vị phòng vệ Jerusalem, tôi vẫn tiến thân đều đặn trên đường binh nghiệp, chính trị. Không may cho Đại Tá Abdulla El Tel, đường binh nghiệp, chính trị của ông ta chấm dứt vì bất đồng ý kiến với Vua Abdulla về vấn đề đối với người Anh. El Tel muốn tống cổ họ về nước ra khỏi Jordan, Vua Abdulla không đồng ý và cũng không có ý kiến. Trong tháng Sáu năm 1949, El Tel từ chức, Vua Abdulla muốn giữ lại thăng chức tuớc nhưng ông ta không nhận, bỏ qua Syria. Ở Syria, El Tel gặp gỡ chuyên viên đảo chính Husni Ez Zaim. Đến ngày 14 tháng Tám năm 1949, chính Zaim bị đảo chính và bị giết chết. El Tel bay qua Ai Cập.
Từ đó, tôi được tin về El Tel thêm hai lần nữa. Lần đầu từ một sĩ quan Ai Cập trong một bữa tiệc ở London năm 1951. Viên sĩ quan này cho biết El Tel đang chỉ huy một tiểu đoàn quân du kích chuyên môn quấy phá các trại lính Anh nơi kênh đào Suez. Lần thứ hai qua một tu sĩ người Hoa Kỳ thăm viếng tôi ở Jerusalem. Vị tu sĩ này nói rằng El Tel muốn gặp tôi và ông ta sẵn sàng xắp xếp tuy nhiên buổi gặp mặt không thành.
10. TIẾP CHUYỆN VỚI MỘT QUỐC VƯƠNG Ả RẬP
Ngay sau khi ký bản hiệp ước “Ngưng bắn chân thành” với Jordan, tôi được Abdulla El Tel báo cho biết rằng ông ta đã được Vua Abdulla trao cho toàn quyền thương thuyết về mọi cấn đề liên quan tới khu vực Jerusalem, kể cả Bethlehem, Ramalla và Latrun. El Tel đề nghị trao đổi đất đai và ban kiểm soát liên hợp. Thủ Tướng Ben Gurion cũng muốn một hiệp ước hòa bình, đầy đủ và hoàn tất, tuy nhiên ông ta không tin là có thể lập một ban kiểm soát hỗn hợp Do Thái, Jordan.
Ngày 29 tháng Mười Một 1948, El Tel đề nghị Jordan trả lại khu phố Do Thái trong Thành Phố Cổ đổi lấy khu Katamon trong khu phố mới trong Jerusalem. Về con đường Latrun giữa Jerusalem và Tel Aviv, trở thành vùng đất không người, El Tel đề nghị cả hai bên đều được tự do đi lại. Ben Gurion từ chối cả hai đề nghị, theo ông ta con đường Latrun là con đường phân chia và không ta không muốn bỏ rơi Katamon.
Trong một buổi họp sau đó, ngày 5 tháng Mười Hai, El Tel đại diện Quốc Vương đưa ra đề nghị mới. Một vẫn là con đường Latrun, Jordan đồng ý để cho đội cảnh sát hỗn hợp Do Thái - Jordan kiểm soát một đoạn đường thuộc quyền của Jordan. Đổi lại, Abdulla yêu cầu Do Thái cho phép một số dân tỵ nạn Ả Rập trở về sống nơi làng cũ ở Lod và Ramla.
Trong lần gặp thũ tướng Ben Gurion ngày 18 tháng Mười Hai năm 1948, ông ta nhấn mạnh “Mục tiêu chính yếu của chúng ta là hoà bình, không nên ngủ quean trong chiến thắng”. Ben Gurion nói thêm “Việc di cư đòi hỏi chấm dứt chiến tranh. Trong tương lai chúng phải giữ một nền hòa bình và thân thiện với người Ả Rập. Vì vậy, tôi muốn nói chuyện thẳng với Quốc Vương Abdulla, mặc dầu tôi vẫn nghi ngờ người Anh có để cho ông ta thiết lập một nền hòa bình với chúng ta hay không”
Một tuần sau, tôi trao cho El Tel một bản dự thảo của thủ tướng Ben Gurion, những điều khoản về một nền hòa bình toàn diện để chuẩn bị trước khi họp. Ngày 29 tháng Mười Hai, El Tel điện thoại cho biết, đã gặp Quốc Vương và được cử đại diện cho hoàng gia soạn thảo một kế hoạch hoà bình với chúng tôi. Trong cuộc tiếp xúc với Do Thái, nhà Vua sẽ ssề cử vị y-sĩ riêng của ông ta. Khi kế hoạch đã được soạn thảo xong, nhà Vua sẽ đưa ra trước nội các để được ưng thuận. Trường hợp bị phủ quyết, ông ta (El Tel) sẽ thay đổi thành phần nội các để nhà Vua nắm trọn quyền. El Tel đề nghị, những buổi họp vào buổi tối, trong một dinh thự gần “Khu vực không người” ngay lằn ranh giới. Sẽ thay đổi điạ điểm họp, mỗi bên một lần. Buổi họp đầu tiên vào lúc 6:30 tối trên đất Jordan. El Tel cũng căn dặn chúng tôi mặc thường phục, đem theo bản đồ và những văn kiện cần thiết.
Ben Gurion quyết định đề cử người đại diện cho Do Thái nói chuyện “Hoà Bình” là Reuven Shiloah trong bộ Ngoại Giao và tôi. Ông ta căn dặn chúng tôi như sau, thứ nhất vẫn tiếp tục đàm phán nếu không thấy tiến triển. Càng kéo dài càng tốt khi mà chiến tranh với Ai Cập vẫn còn đang tiếp diễn trong vùng sa mạc Negev. Hiệp định ngưng bắn với Ai Cập đã hủy bỏ, nên tiếp tục giữ nền hòa bình với Jordan. Thứ hai, không được chấp thuận cho Jordan xáp nhập phần đất West Bank, nhưng không nên tỏ ý chống đối. Thứ ba, nhất quyết giữ đường biên giới dọc theo thung lũng Arava phiá đông sa mạc Negev như trong thời gian người Anh cai trị, kể cả khu vực Eilat nơi phiá nam. Thứ tư, chỉ nói rằng có thể nhường cho Jordan giải Gaza và trục lộ thông thương băng qua đất Do Thái. Thứ năm, không thỏa mãn yêu cầu của Jordan quyền kiểm soát hai làng Ramla và Jaffa, cho phép người Ả Rập trở về Lod nhưng không được vào sa mạc Negev (Do Thái chiếm luôn vùng sa mạc này).
Phiên họp đầu tiên với El Tel cùng với vị y sĩ của vua Abdulla chỉ qua lời chào hỏi, bắt đầu từ lần thứ hai chúng tôi mới thực sự đi vào vấn đề. Chúng tôi họp lúc 7 giờ tối ngày 5 tháng Giêng 1949 trong một dinh thự bên cạnh cổng Mandelbaum. Phiá Do Thái có ba người, Shiloah, viên phụ tá của tôi và tôi. Phiá Jordan chỉ có mỗi mình El Tel, vị bác sĩ không biết lý do gì không có mặt.
Chúng tôi trao đổi “Ủy Nhiệm thư”. Thư của chúng tôi viết bằng cổ ngữ Hebrew, Ả Rập và Ăng Lê, có chữ ký của Thủ Tướng Ben Gurion và Tổng Trưởng Ngoại Giao Moshe Sharett. El Tel đem theo bức thư do chính tay Quốc Vương Abdulla viết.
El Tel đưa ra những điểm chính trong đề nghị của Jordan. Nhà Vua muốn có một hành lang trong sa mạc Negev để nối liền với Ai Cập. Trong Jerusalem, ông ta muốn lấy trọn vẹn Thành Phố Cổ ngoại trừ khu Do Thái. Vua Abdulla muốn Katamon, khu thuộc điạ của Đức và khu ngoại ô Talpiot của người Do Thái trong Jerusalem. Ngoài ra đòi thêm làng Ramat Rahel. Đổi lại, họ sẽ nhường cho Do Thái khu vực Lifta và vùng ngoại ô Romema mà thực sự đã nằm trong tay người Do Thái.
Chúng tôi về báo cáo lại cho thủ tướng Ben Gurion, những điều Jordan đưa ra khó chấp thuận và không hy vọng, tuy nhiên ông ta ra lệnh cứ tiếp tục đàm phán với Jordan “Tìm đủ mọi cách để đạt được một nền hòa bình”. Vị thủ tướng nói tiếp “Có lẽ mình cần bản hiệp định hơn họ. Tôi nghĩ họ bị lệ thuộc vào người Anh”
Mặc dầu đã chán ngấy buổi họp, theo lệnh Ben Gurion, tôi gọi điện thoại cho El Tel, xắp xếp cho một buổi họp khác. Đó là ngày 14 tháng Giêng cũng tại ngôi biệt thự bên cạnh cổng Mendelbaum trong khu vực không người. Trong lúc nói chuyện với El Tel trên điện thoại, tôi quyết định nó cho ông ta biết cảm nghĩ của mình về những đề nghị của Jordan. Theo tôi, nếu họ cứ nhất định đòi hỏi quá đáng, điều này sẽ đưa đến chiến tranh chứ không phải hòa bình.
El Tel là người biết chuyện phải quấy, biết trước sẽ không đi tới đâu. Một ngày trước buổi họp, ông ta gọi điện thoại cho biết Quốc Vương Abdulla muốn mời chúng tôi đến để nói chuyện tại cung điện Shunneh, ông ta muốn chứng tỏ thực lòng đi tìm hòa bình. Tôi gọi điện thoại cho Ben Gurion và được chấp thuận.
Chúng tôi có hai buổi họp với Quốc Vương Abdullah, lần đầu vào ngày 18 tháng Giêng năm 1949, lần thứ hai sau đó hai tuần. Đại diện Do Thái gồm có Elias Sasson thuộc bộ ngoại giao và tôi. Trong lần họp thứ nhất, nhà Vua có El Tel và viên y-sĩ của ông ta, lần sau Jordan có thêm Thủ Tướng Taufig Abu Al Huda. Chúng tôi được đích thân Đại Tá El Tel lái xe đưa đến cung điện, đoạn đường dài hơn một giờ đồng hồ.
Trong cùng thời gian đó, những buổi họp khác trên đảo Rhodes về vấn đề “Giới Hạn Vũ Khí” giữa Do Thái và Ai Cập dưới sự chủ toạ của Liên Hiệp Quốc, người điều hợp là Bác Sĩ Ralph Bunche. Hội nghị bắt đầu từ hôm 13 tháng Giêng, sáu ngày sau khi chúng tôi đánh bại quân đội Ai Cập, trận đánh lớn cuối cùng trong Trận Chiến Độc Lập. Tám tháng sau khi Ai Cập và các nước Ả Rập xâm lăng Do Thái. Quân đội Do Thái đẩy lui các nước Ả Rập ra khỏi bờ cõi, trong tuần lễ cuối của tháng Mười Hai 1948 và đầu tháng Giêng 1949, quân đội Ai Cập phải rút lui về bán đảo Sinai bỏ rơi cả một lữ đoàn, bị kẹt lại và phải đầu hàng. Người Ai Cập ký hiệp ước đình chiến vào ngày 24 tháng Hai, các nước Ả Rập khác theo sau, Li Băng ký ngày 23 tháng Ba, Jordan ngày 3 tháng Tư và cuối cùng Syria ký ngày 20 tháng Bẩy.
Khi quân đội Do Thái chiếm được Um Rash Rash, thành phố trong kinh thánh Eilat đối diện vịnh Aqaba của Jordan. Ngày 14 tháng Ba, Vua Abdulla lo ngại Do Thái sẽ đánh chiếm thêm đất đai trước khi hiệp ước ký trên đảo Rhodes (3/4/1949). Vội vàng gửi một công điện cho Tổng Trưởng Ngoại Giao Sharett “Tôi được biết, các ông đã loan tin một đơn vị Do Thái đã tiến đến bờ biển vịnh Aqaba. Ngoài ra các ông tuyên bố những phần đất nằm trong Palestine bỏ trống khi quân đội Iraq di tản sẽ bị các ông chiếm đóng để tổ chức phòng thủ. Điều đó có đúng không?”
Ngày hôm sau, Walter Eytan giám đốc trong bộ ngoại giao đại diện chính quyền Do Thái gửi điện văn trả lời “Bộ Trưởng Ngoại Giao Sharett đang công tác ở ngoại quốc, tôi thay mặt cho ông ta. Tôi lấy làm vinh dự cám ơn Ngài đã gửi một bức thư với lời lẽ tử tế mà chúng tôi nhận được hôm qua. Về vấn đề quân đội Iraq sẽ di tản khỏi các vị trí đang trấn đóng (và quý ông sẽ thay thế), chúng tôi đã thông báo điều này cho giới chức thẩm quyền Liên Hiệp Quốc (Bunche) rằng chúng tôi coi đó là việc vi phạm hiệp ước và sẽ không công nhận khi đất nước chúng tôi chưa được bảo đảm vấn đề an ninh quốc phòng. Tuy vậy, chúng tôi vẫn không có ý định chiếm đoạt đất đai hoặc đe dọa thường dân Ả Rập vì chúng tôi vẫn mong mỏi tìm kiếm một nền hòa bình thực sự trong vùng đất này. Chúng tôi sẽ triệu hồi Đại Tá Moshe Dayan từ đảo Rhodes về để thương lượng với vị đại diện cho Quốc Vương trong Jerusalem. Chúng tôi rất vinh dự được biết ý kiến của Ngài trước khi đưa Đại Tá Moshe Dayan về Jerusalem. Chúng tôi tin tưởng rằng Ngài cũng sẽ đồng ý với chúng tôi vì chúng ta cùng đi tìm một giải pháp qua phương tiện an lành”
Ngay sau đó, tôi nhận được một công điện trên đảo Rhodes triệu hồi tôi về Jerusalem ngay tức khắc. Ngày 18 tháng Ba, lúc 6:30 tối, tôi gặp Abdulla El Tel. Không cần phải dài dòng những nghi thức xã giao, tôi đi thẳng vào vấn đề, nói với El Tel rằng chúng tôi muốn khu vực Wadi Ara nơi phiá nam hải cảng Haifa và những ngọn đồi bao quanh kiểm soát khu vực và dải đất hẹp dọc theo bờ biển. Khu vực này chúng tôi thường bị quân đội Iraq quấy phá. El Tel trả lời rằng điều dó không thể được bởi vì phần đất đó thuộc về Iraq và quân đội Jordan sẽ đến thay thế. Tôi báo cho El Tel biết nếu đúng như vậy, quân đội Jordan không nên đến thay thế quân Iraq vì sắp có chiến tranh trong khu vực quân đội Iraq chiếm đóng. El Tel muốn về trình bầy vấn đề với Quốc Vương Abdulla, hẹn gặp tôi hôm sau. Tôi chuẩn bị bản đồ chi tiết để cho phiá Jordan biết Do Thái muốn phần đất nào.
Ngày hôm sau chúng tôi nhận được một công điện khẩn do Quốc Vương gửi cho Eytan thuộc bộ ngoại giao “Tôi biết các ông sẽ đồng ý với tôi về việc Jordan sẽ thay quân đội Iraq nơi phòng tuyến của họ. Việc này mới đưa ra, không có trong đàm phán giữa tôi và ông Sasson, Đại Tá Dayan. Đích thân tôi sẽ nói chuyện với người Iraq tại biên giới và sẽ thuyết phục họ giao phòng tuyến lại cho chúng tôi. Nếu ông cùng Dayan có thể gặp tôi, hy vọng rằng kết quả như chúng ta mong muốn. 19.3.49. El Shunneh”
Tôi yêu cầu bộ Tổng Tham Mưu cung cấp một bản đồ và hứa rằng khi tiếp chuyện với nhà Vua, tôi sẽ không “Xin một quả núi để rồi nhận một con chuột”. Tôi sẽ nói với ông ta những điều mình muốn và giữ vững lập trường chứ không trả giá như người Á Đông. Tôi nhận lời đến cung điện nhà Vua gặp sĩ quan tham mưu Đại Úy Yehoshafat Harkavi, đưa cho ông ta bức thư những đề nghị của Do Thái rồi ra về lúc 10 giờ đêm.
Quốc Vương Abdulla gửi El Tel đi gặp Thủ Tướng Do Thái khi ông ta đến Beirut. Cuối cùng, Quốc Vương để cho Hội Đồng Bộ Trưởng thương thuyết với Do Thái và cuộc họp sẽ ở trong một dinh thự nơi cổng Mandelbaum đêm 22 tháng Ba.
Phiá Jordan có ba người đại diện, bộ trưởng bộ Tư Pháp Felah Pasha Medadha và một vị giám đốc trong bộ Ngoại Giao Hussein Seraj và El Tel. Phiá Do Thái có Eytan, Yigael Yadin trưởng phòng hành quân, Harkavi và tôi. Yadin mở đầu phiên họp bằng cách trải tấm bản đồ ra trên bàn làm phiá Jordan sững sờ. Đôi bên bàn cãi nhiều tiếng đồng hồ, bộ trưởng Tư Pháp Felah Pasha ngủ gục trên bàn, phiá Do Thái cuốn bản đồ ra về để đi ngủ.
Chúng tôi gặp nhà Vua ngày hôm sau. Phiá Do Thái vẫn giữ nguyên, Quốc Vương Abdulla đưa đến một toán lớn hơn, tất cả đều là những nhân vật nổi tiếng ở Jordan, làm tôi có cảm tưởng đêm nay sẽ là đêm quyết định. Họ là Thủ Tướng, Bộ Trưởng Tư Pháp, Bộ Trưởng Giáo Dục, và một giám đốc trong bộ Ngoại Giao. Đại diện cho quân đội Jordan là một Thiếu Tá người Ăng Lê, trưởng phòng hành quân kiêm trưởng phòng điạ hình.
Đúng ba giờ sáng, phiên họp chấm dứt và những tấm bản đồ đã được ký kết. Nhà Vua đã ra về lúc 11 giờ đêm qua. Người Jordan đạt được một số mục tiêu để đổi cho Do Thái vài điểm. Nhà Vua trở lại hoan hỉ, ông ta nói lên sự tàn bạo khổ đau do chiến tranh đem lại. Tôi đứng dậy đáp lời, trong ba quân nhân chúng tôi, Yadin, Harkavi và tôi đều mất đi một người em trai trong trận chiến vừa qua.
Trước khi chia tay, Eytan đại diện phiá Do Thái trao cho nhà Vua một món quà từ Thủ Tướng Ben Gurion, đó là quyển Kinh Thánh mạ bạc. Nhà Vua tặng lại qùa cho ba chúng tôi, tôi được một khẩu súng lục không có đạn. Nhìn gương mặt sa sút mất ngủ của chúng tôi, ông ta bảo đợi một chút, rồi sai người hầu can đem đến cho chúng tôi, mỗi người một bó hoa. Quốc Vương ban phép lành cho chúng tôi khi lên xe, chúc thượng lộ bình an, mỉm cười nói “Đêm nay chúng ta đã kết thúc trận chiến”
Trong tâm não Thủ Tướng Ben Gurion, quyển sách về chiến tranh đã đóng lại, ít ra cho thời gian hiện tại. Cặp mắt của ông ta đã nhìn thấy giấc mơ Zionist trở thành sự thực. Vấn đề là đem thêm người Do Thái di cư về cố hương sau hai ngàn năm bị đầy ải, trở về làm sống lại miền Đất Hứa.
11. MỘT THẾ GIỚI MỚI
Một tháng sau, trong tháng Mười 1949, tôi được thăng cấp Thiếu Tướng và được bổ nhiệm chức vụ Tư Lệnh Phương Nam (Southern Command). Vùng trách nhiệm bao gồm sa mạc Negev, phiá nam Do Thái kéo dài xuống đến Eilat nơi vịnh Aqaba. Về hướng bên phải chung đường biên giới với Jordan, dọc theo thung lũng Arava, từ vịnh lên đến Biển Chết (Dead Sea). Bên trái dọc theo sa mạc Sinai của Ai Cập, kéo dài tới biển Điạ Trung Hải.
Vị tư lệnh trước tôi là Tướng Yigal Allon, cựu tư lệnh đơn vị xung kích Palmach của Haganah trong giai đoạn bí mật. Sau khi thành lập quốc gia Do Thái vào tháng Năm 1948, đơn vị Palmach nằm trong Quân Lực Do Thái. Khi đến nhậm chức tư lệnh Phương Nam, tôi không đem theo một sĩ quan đàn em thân thuộc nào và cũng không yêu cầu các sĩ quan thân tín của Allon xin thuyên chuyển đi đơn vị khác.
Đảm nhận nhiệm vụ chỉ huy vùng phiá nam mà tôi là người “Bắc” (làng Deganiah gần biên giới Syria nơi hướng bắc Do Thái) không rành điạ thế vùng phiá nam. Tôi bắt đầu học hỏi nhiệm vụ mới, tìm hiểu đơn vị mới và điạ thế. Tôi làm một cuộc hành trình băng qua sa mạc Negev đến cuối phương nam Eilat. Tôi đã đến đó bằng phi cơ, đi về cũng phi cơ, bây giờ chỉ cần một xe Jeep, cùng với viên sĩ quan hành quân Amos Horev và một xe Jeep chở đoàn tùy tùng đi theo. Chúng tôi rời bộ tư lệnh lúc rạng đông đến Eilat lúc gần nửa đêm. Đó là một ngày nóng, mệt mỏi, đường khó đi, bụi đất bám đầy người. Ngồi trên xe phải cẩn thận nếu không có thể bị văng ra ngoài.
Tiền đồn chính để phòng thủ bờ biển đặt tại Nakeb, ngay bên cạnh bán đảo Sinai, cách Eilat vài dặm về hướng tây bắc. Trong đồn chỉ có một đơn vị nhỏ, lúc đó đã quá khuya, đoàn người đã mệt mỏi qua chặng đường gay go, nhồi lên nhồi xuống. Chúng tôi lái xe thẳng đến Eilat, xuống biển tắm lúc nửa đêm. Không như những điạ danh ở phiá bắc Do Thái, sa mạc Negev chẳng có gì ngoài núi đá cà cát. Không có giòng sông Jordan, sông Kishon gần hải cảng Haifa và sông Yarkon gần thủ đô Tel Aviv, tuy nhiên vùng này có nhiều di tích lịch sử được nhắc nhở trong kinh thánh, mỏm đất nhô ra biển Arava, đài tưởng niệm ở hố sâu Ramon, vườn nho Jirafi trong thời gian lạc trong miền hoang dã Paran. Tôi thích thú nhớ lại trẻ con Do Thái sau chuyến di cư Exodus từ Ai Cập.
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi lái xe đi theo đường trong hẻm núi lên đến tiền đồn Nakeb. Binh sĩ trong tiền đồn rất tự tin, họ có thể nhìn rõ mọi cuộc chuyển quân của địch từ xa. Sau đó, chúng tôi đi thăm một đơn vị Công Binh đang mở một con đường dài 150 dặm từ Eilat đi Beersheba. Họ phải dùng mìn phá núi làm con đường rộng ra. Sĩ quan Công Binh báo cáo, họ phải làm nền thật cứng cho con đường vì phiá trên là cát. Phương pháp làm cho đất cứng lại là trộn muối vào đất cát, họ lấy muối biển rất nhiều ở Sodom nơi phần cuối Biển Chết để xử dụng trong việc làm đường.
Vài làng định cư trong sa mạc Negev đã cố gắng cầy cấy, tuy nhiên vùng này vẫn phải phát triển mạnh hơn nữa và quân đội có thể góp phần trong việc xây dựng. Tôi đi thăm cơ quan Xây Dựng Negev, họ làm việc không được hiệu quả, điều này tôi phải nói chuyện với Thủ Tướng Ben Gurion. Tôi gọi điện thoại cho ông ta nhân chuyến về Tel Aviv họp trong bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực.
Không dè buổi họp kéo dài đến khuya. Khi tôi đến nhà vị Thủ Tướng đèn đã tắt, lính canh gác cho tôi biết bà vợ thủ tướng Paula đã đi ngủ nhưng ông ta vẫn còn thức. Tôi đi cửa trước đã khóa, cửa bên hông nhà bếp vẫn mở, tôi mở cửa đi vào. Bên trong tối, tôi mò mẫm leo lên cầu thang đến trước phòng đọc sách. Vị Thủ Tướng vẫn còn làm việc, trên bàn đầy giấy tờ lộn xộn, ông ta đang soạn bài nói chuyện cho lễ khánh thành viện Khoa Học Weizmann, tên người sáng lập ra chủ thuyết Zionist.
Ben Gurion nhìn lên vui mừng trông thấy tôi, gạt bỏ qua những lời xin lỗi đã làm phiền ông ta. Không để phí thì giờ, tôi báo cáo cho vị thủ tướng những điều cần phải làm cho người dân sống trong sa mạc Negev. Ben Gurion đồng ý tất cả, cho tôi biết rằng cơ quan Xây Dựng Negev nằm dưới quyền điều hành vị “Tư Lệnh Vùng”. Tiếp theo ông ta ra lệnh cho tôi ba điều phải làm ngay: Xây dựng một trung tâm huấn luyện quân sự lớn trong sa mạc Negev, làm con đường từ Biển Chết đi Beersheba và con đường khác từ biển Điạ Trung Hải đi lên phiá bắc Ashkelon. Ngừng lại vài giây, Ben Guiron cho tôi biết Ngoại Trưởng Anh Bevin muốn lấy lại vùng sa mạc Negev trao cho Ai Cập hoặc Jordan vì vùng này chia đôi hai phần đất Ả Rập. Ben Gurion dặn dò chuẩn bị trước. Tôi trả lời ông ta sẽ chấn chỉnh lại sự phòng thủ, ông ta cắt ngang, không phải vậy mà là đem thêm dân vào Negev lập thêm các làng chiến đấu, làm cho vùng đất cằn cỗi sa mạc nở hoa.
Đó là lần đầu tiên tôi làm việc với vị nguyên thủ quốc gia trên lãnh vực dân sự. Một trường hợp khác khi tôi muốn giúp đỡ dân chúng Ả Rập trong làng Majdal, Ben Gurion đã chấp thuận mạnh mẽ chuyện này. Ngôi làng Majdal nằm ven biển cạnh Ashkelon bên ngoài dải đất Gaza. Sau trận chiến Độc Lập, làng Majdal “bỗng nhiên” nằm trong đất Do Thái, bị cắt đứt liên lạc với các làng Ả Rập khác. Dân số trong làng khoảng 2700 người, xuống tinh thần, bi quan vì bị cô lập, sống dưới chế độ quân luật. Đa số dân cư sống bằng sức lao động hoặc nghề dệt vải trong vùng Gaza, lúc đó bị thất nghiệp. Sau khi tiếp chuyện với họ, tôi được biết đa số muốn dọn vào dải đất Gaza nếu dàn xếp được. Một số người khác muốn di chuyển đến những làng Ả Rập trong đất Do Thái.
Những điều dân làng Majdal ước muốn rất hợp lý, tôi tìm đến Đại Tá Mahmud Riah yêu cầu hợp tác. Ông ta đại diện Ai Cập trong Ủy Ban Hỗn Hợp Do Thái – Ai Cập kiểm soát tài giảm binh bị. Ông ta vui vẻ nhận lời, còn tôi trình bầy đề nghị lên bộ Tổng Tham Mưu. Các vị tướng lãnh ngần ngừ, tôi lên thẳng Thủ Tướng Ben Gurion và ông ta chấp thuận ngay với điều kiện, chỉ được di chuyển họ đi nơi khác nếu họ muốn. Tôi thông báo quyết định của thủ tướng cho vị Tham Mưu Phó và nhận được công điện xác nhận.
Tôi đang ở trong làng Mahdal chuẩn bị xắp xếp công việc di tản cho thường dân Ả Rập thì nhận được lệnh từ vị Tham Mưu Phó, ngưng tất cả mọi chuyện, chờ lệnh mới. Pinhas Lavon, thủ lãnh Histadrut, Tổng Liên Đoàn Lao Động Do Thái (Ông ta sau này lên kế vị Ben Gurion một thời gian ngắn, khi tôi làm Tổng Tham Mưu Trưởng) đã yêu cầu tổng trưởng Quốc Phòng loại bỏ chương trình di dân Ả Rập. Histadrut có chương trình giúp đỡ người Ả Rập riêng, sẽ cung cung cấp công ăn việc làm cho những người làm trong nghề dệt vải. Cả hai, Lavon và tôi lên gặp thủ tướng Ben Gurion trình bầy khiá cạnh của mình, kết qủa Ben Gurion đồng ý với chương trình của tôi. Đại Tá Ai Cập Mahmud Raid giữ đúng lời hứa, cho đoàn xe chở người Ả Rập qua Gaza.
Ngoài ra thủ tướng Ben Gurion còn “chống đỡ” cho tôi trong một trường hợp khác. Tôi khuyến khích dân trong các làng định cư trong sa mạc Negev tận dụng đất đai để canh tác cho tới đường biên giới và sẽ cung cấp dụng cụ, xe cộ cho họ. Tôi nghĩ rằng, điều đó tốt cho nông gia và vấn đề an ninh. Nếu bỏ trống đất đai, “người ngoài” có thể xâm nhập. Đó cũng là vấn đề cho người Do Thái, người ngoài xâm nhập vào để khủng bố, phá hoại hoặc lấy trộm gia súc. Thực vậy, trong năm “yên lành” 1950, bộ tư lệnh Phương Nam chỉ có những toán tuần tiểu dọc theo đường biên giới để ngăn chận những chuyến xâm nhập bí mật vào Do Thái.
Vài sắc dân du mục Ả Rập Bedouin làm cho vấn đề thêm khó khăn. Đặc biệt đối với bộ lạc thù nghịch Azazme, tự cho họ có quyền băng qua biên giới, đi khắp nơi qua Ai Cập và Jordan. Tuy nhiên bộ lạc Bedouin ở Do Thái không tạo nên vấn đề, họ cám ơn chính phủ đã giúp đỡ họ. Sắc dân Bedouin này được lãnh trợ cấp xã hội, dịch vụ y tế, ruộng đất để họ xây nhà, cầy cấy. Trẻ em Bedouin cũng được đến trường học hành, ngoài ra họ cũng được trang bị vũ khí để chống lại những bộ lạc thù địch khác.
Tôi vẫn tìm cách ra khỏi chuyện “bàn giấy”, đi theo những toán tuần tiễu, thám thính vào trong bán đảo Sinai. Tôi thích các hoạt động ngoài trời, vả lại cần phải quan sát, học hỏi điạ thế vùng trách nhiệm phương nam. Nhiều đêm, đi theo toán trinh sát, tôi ngủ với họ giữa trời nơi những đụn cát trong sa mạc.
Một ngày lễ Sabbath trong mùa đông, tôi đưa con trai Udi chin tuổi đi bắn chim bồ câu. Hai cha con lái xe đi về hướng nam Tel Aviv, rẽ phải về hướng đông trên một con đường cổ xưa xây bằng đá đến Tell Es Safi, một gò cao nơi khảo cổ, nằm giữa hai làng nhỏ có tên trong kinh thánh Gezer và Lachish. Chúng tôi xuống xe, bắt đầu lùa cho chim bay lên khỏi chốn hoang phế, bỗng tôi trông thấy một hàng dài những hũ nhỏ nhô lên khỏi lớp đất bùn. Quan sát kỹ, tôi được biết nước mưa trôi lớp đất cá đi làm những hũ này trồi lên.
Trước tiên tôi cho rằng những hũ này là loại hũ thường dùng của người Ả Rập, nhưng đặc biệt chúng không sơn đen mà mầu đỏ. Tôi lấy một hũ đem về nhà, đưa cho một người bạn có kiến thức về khảo cổ và được trả lời, đó là những bình cổ xa xưa từ những đời Vua Hebrew khoảng chín thế kỷ trước Công Nguyên.
Tôi quay trở lại Tell Es Safi ngày lễ Sabbath kế tiếp, lần này tôi để ý quan sát kỹ càng hơn. Những bình (hũ) cổ nằm trong một lớp đất bùn đen trộn với tro tàn, rõ ràng nơi khảo cổ là một làng nhỏ bị lửa thiêu hủy. Gần đó, tôi tìm thấy một ngọn đèn cổ đốt dầu, những mảnh sành vỡ vụn, những chiếc quai của bình lớn (sau này tôi được biết bình lớn chưá hạt thóc). Đó cũng là lần đầu tiên tôi được biết nền văn minh cổ xưa của dân tộc Do Thái. Một thế giới mới bất ngờ mở ra cho tôi xem, cho tôi khái niệm về đời sống cách đây ba ngàn năm. Vùi sâu dưới những con đường, nhà cửa, cánh đồng, cây cỏ của thế kỷ hai mươi là những gì còn lại của thành phố, làng mạc, vật dụng của những người đã sống nơi đây, trên mảnh đất xa xưa của dân tộc Do Thái. Đó là những kinh nghiệm đã ăn sâu vào trong tôi, sự đam mê trong ngành khảo cổ và sự đam mê này sẽ không bao giờ xa lià tôi. Sau này tôi có một bộ sưu tầm về đồ cổ và tôi rất thích thú nhìn ngắm những cổ vật.
Ít lâu sau, tôi quen thuộc nhiệm vụ của một vị “Tư Lệnh Vùng” và những nhiệm vụ đặc biệt thuộc bộ tư lệnh Phương Nam. Vùng trách nhiệm đang trên đà phát triển, rộng lớn gần bằng nửa quốc gia. Trong vấn đề phòng thủ, biên giới phiá tây chống lại Ai Cập, kẻ thù “Số 1” nguy hiểm nhất trong các quốc gia Ả Rập. Còn hai đường biên giới khác, với Jordan và dải đất Gaza. Có khoảng 100000 người tỵ nạn Palestine sống trong Gaza, tạo nên trung tâm cho tổ chức Fedayeen, những đơn vị khủng bố, phá hoại chống lại người Do Thái.
Quân lực Do Thái tập trung lực lượng Thiết Giáp nơi phiá nam (đối đầu với Ai Cập) và có hai căn cứ không quân rộng lớn. Tất cả các đơn vị hiện dịch trong vùng đều đặt dưới quyền điều động của tôi, ngoài ra thêm nhiệm vụ tổng động viên và huấn luyện quân trừ bị.
Trong nhiệm vụ dân chính, ngoài chuyện dân du mục Bedouin, phòng vệ những làng chiến đấu dọc theo biên giới, lập thêm những làng nông nghiệp mới, tôi cho xây cất thêm những trung tâm tạm cư cho những người di dân mới về đến cố hương. Trong thời gian trận chiến Độc Lập vừa kết thúc, hàng ngàn người Do Thái tìm cách trở về cố hương mỗi tháng. Trong số này, nhiều người trở về từ các quốc gia Ả Rập, những nơi trở nên nguy hiểm cho những người có dòng máu Do Thái. Phần lớn họ lập nghiệp nơi phiá nam, lập những làng nông nghiệp mới, hay đến những thành phố đang phát triển như Beersheba, Ashkelon, Eilat.
Công việc của tôi rất bao quát. Thanh tra đơn vị Thiết Giáp tập trận, để ý vấn đề định cư cho đồng bào mới về từ Yemen (Những người Do Thái du mục, trình độ văn minh của họ rất yếu kém so với những nhóm dân Do Thái khác. Cơ quan Tình Báo Mosad lừng danh của Do Thái đem lậu họ ra khỏi Yemen về quê hương là cả một công trình). Thăm viếng một làng chiến đấu nơi biên giới, xem xét vấn đề canh phòng, chống xâm nhập. Theo dõi việc làm con đường qua Arava. Thanh tra việc huấn luyện quân trừ bị, để ý việc phát triển thành phố Eilat.
Trong thời gian tôi làm tư lệnh Phương Nam chỉ có một rắc rối nhỏ với Jordan. Chuyện xẩy ra vào cuối năm 1950 tại Cây Số 78 trên đường đi Eilat. Jordan cho rằng phiá Do Thái làm đường đã lấn xang đất của họ và đem sự kiện trình lên Ủy Ban Hỗn Hợp. Tuy nhiên trong khi chờ quyết định của ủy ban, quân đội Jordan ngăn chặn con đường. Tại nút chặn, quân Jordan treo bảng viết trên chữ Ả Rập và Hebrew “Vương Quốc Hashemite. Đường Cấm” và đưa quân cùng với xe bọc sắt lên trấn đóng trên một ngọn đồi đối diện.
Đường biên giới với Jordan tại Arava là nơi đất thường bị dời đi do nước lũ, có lúc là một vườn nho, ít hôm sau chỉ còn là bãi cát. Do Thái không còn giải pháp nào hơn, bộ Tổng Tham Mưu ra lệnh cho bộ tư lệnh Phương Nam tấn công đẩy lui quân địch ra khỏi khu vực và khai thông con đường Arava.
Lúc đó tôi đang nghỉ lễ cùng với gia đình ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng Tham Mưu Trưởng lo ngại vấn đề trở nên phức tạp, gửi công điện gọi tôi về. Tôi trở về Do Thái ngay buổi tối hôm đó, đi thẳng từ phi trường về bộ tư lệnh Phương Nam và sáng hôm sau đến Cây Số 78 bằng đường bộ. Quân đồi Jordan từ trên đồi nhìn xuống, một tiểu đoàn cơ giới thuộc lữ đoàn thiết giáp Do Thái đang dàn quân nhưng vẫn chưa tấn công phá chướng ngại vật trên đường.
Một máy bay thám thính thuộc Câu Lạc Bộ Piper (tiền thân của Không Lực Do Thái) được gửi đến tăng cường. Tôi ra lệnh cho viên phi công chở tôi lái chiếc phi cơ đi quan sát phòng tuyến Jordan và bay thấp giữa những ngọn đồi để địch không trông thấy. Từ trên không, tôi nhìn thấy xe bọc sắt của lính Lê Dương Ả Rập, chỉ có vài chiếc nhưng không thấy chiến xa hoặc pháo binh của địch bố trí trong vùng.
Tôi gửi một “tối hậu thư” cho viên sĩ quan Ăng Lê chỉ huy đám lính Jordan, yêu cầu họ dẹp chướng ngại vật. Nếu họ không chiụ, chúng tôi sẽ dẹp và trường hợp có tiếng súng nổ từ phiá họ, chúng tôi sẽ trả đũa tương xứng. Phiá Jordan từ chối, tôi ra lệnh cho binh sĩ Do Thái tiến lên và không thấy phản ứng nào từ phiá họ.
Tôi nghĩ rằng, chuyện rắc rối đã qua. Sáng hôm sau, con đường lại bị ngăn cản bởi chướng ngại vật. Binh sĩ Do Thái trên một xe bán xích sắt tiến lên, nhưng lần này họ khai hỏa trúng vào xe. Đoàn xe cơ giới tách ra khỏi con đường dàn đội hình tấn công dưới sự yểm trợ của súng cối. Hai xe bọc sắt của địch bị trúng đạn ngay đợt đầu, quân Lê Dương Ả Rập vội vã rút lui, trận đánh kết thúc.
Ủy Ban Hỗn Hợp sau khi điều tra, đưa xuống một bản đúc kết. Công Binh Do Thái đã thực sự làm con đường lấn qua biên giới Jordan, đoạn đường từ Cây Số 17 đến Cây Số 14. Bộ Tổng Tham Mưu ra lệnh bàn giao đoạn đường đó cho người Jordan, làm một đoạn đường khác chạy song song với con đường cũ trên phần đất Do Thái.
Tôi đến họp nơi cơ quan Phát Triển Negev rất thường xuyên để thúc đẩy họ làm việc hăng hái hơn và ra lệnh cho các sĩ quan tham mưu của tôi tận lực giúp đõ họ. Tôi đặc biệt để ý đến những ngôi làng chiến đấu dọc theo biên giới và những trại tạm cư cho di dân mới về đến Do Thái. Mấy làng chiến đấu nằm sát dải Gaza bị cô lập, cách xa những làng khác, sự liên lạc cũng như đời sống rất khó khăn, nhiều người đã bỏ làng đi tìm nơi khác sinh sống.
Mùa đông 1950 rất lạnh lẽo, khó khăn. Tôi thấy cần phải làm điều gì để làm giảm sự cực khổ cho những ngươì mới trở về quê hương. Trong vùng phiá nam Do Thái có tất cả mười lăm trại tạm cư, chứa khoảng sáu ngàn gia đình mà hầu hết gia đình nào cũng có người già cả, trẻ con. Quân đội đã phát động nhiều chiến dịch, ban hành ngày 16 tháng Mười Một 1950, vạch rõ nhiệm vụ của quân đội đối với đồng bào hồi hương: Bảo đảm vấn đề nhà cửa, y tế, thực phẩm và nhu yếu phẩm. Ngoài ra quân đội phải xây đường xá đến các trại tạm cư, thiết lập đường dây điện thoại, truyền tin đến các thành phố gần nhất.
Vấn đề dân sự vụ, chăm sóc cho đồng bào vừa trở về rất quan trọng, rất phức tạp nhưng đó cũng là niềm phấn khởi vì tình nhân loại, tình đồng hương cho tất cả những quân nhân tham gia chương trình này. Đó cũng là ý nghĩa của thuyết Zionist (Do Thái Cực Đoan). Những chiến sĩ can trường của chúng tôi bị xúc động khi nhìn các chiến hữu nữ quân nhân chăm sóc trẻ em, tắm rửa cho chúng, cho trẻ con ăn uống, cho chúng uống thuốc theo toa bác sĩ, bế ẵm , dỗ dành những đứa đang khóc, an ủi một cụ già. Những chiến binh khác đào rãnh thoát nước, dựng lều, làm đường. Họ làm việc tận lực với tất cả tấm lòng, cho những người “anh em” đã trở về để cùng chiến đấu, cùng xây dựng đất nước.
Tôi vui sướng mỉm cười trong lòng nhìn những khuôn mặt rạng rỡ của đồng bào. Đó cũng là nhiệm vụ của Quân Đội Do Thái. Sống với dân và lo cho người dân. Trong một chuyến đi về bộ Tổng Tham Mưu để họp, tôi ngừng xe lại để cho một gia đình di dân quá giang xe. Gia đình này vừa về đến Do Thái từ Yemen, đang ngồi bên lề đường đón xe với những tay nải, hành trang của họ. Họ muốn đón xe đi thăm người bà con. Người đàn ông được ngồi đằng trước với tôi, bà vợ, trẻ con cùng với hành trang ra phiá sau. Vài tháng trước nay khi còn ở Yemen, không ta chưa được biết tới vấn đề kỹ thuật, ngồi trên lưng con lừa lang thang trong sa mạc. Hôm nay ông ta được ngồi trên xe có gắn hiệu lệnh cấp Tướng và được đích thân vị tư lệnh vùng lái xe đưa đi thăm thân nhân.
Năm 1952, tôi được gửi sang Anh học khóa huấn luyện sáu tháng dành cho sĩ quan cao cấp ở Devizes. Khi trở về nước, lên trình diện Tướng Yigael Yadin, Tổng Tham Mưu Trưởng, tôi được ông ta mời giữ chức vụ Tham Mưu Phó kiêm Trưởng Phòng Hành Quân, thay thế Thiếu Tướng Mordechai Makleff sẽ lên đường du học. Tôi từ chối, giải thích rằng cá tính tôi không phù hợp với chức vụ “phó”. Yadin lắng nghe, lấy làm tiếc sau đó bổ nhiệm tôi làm tư lệnh Phương Bắc. Tôi giữ chức vụ này được sáu tháng cho đến tháng Mười Hai năm 1952, tôi về bộ Tổng Tham Mưu làm trưởng phòng hành quân.
Tôi di chuyển gia đình lên miền bắc, thuê một căn nhà nhỏ trên con đường vắng vẻ ở Tivon, giữa Haifa và Nahalal. Những kỷ niệm ngày xưa sống dậy khi tôi làm nghề gỗ ở Tivon. Trên những ngọn đồi xung quanh vẫn còn những cây xồi (oak) già nua, nhiều cây đã bị đốn đi để xây cất nhà cửa. Đứa con gái lớn của tôi Yael học trung học ở Haifa, hai em trai Udi và Assi đi học ở Nahalal, ngôi làng xưa của chúng tôi khi các cháu vẫn còn nhỏ.
Trong bộ tư lệnh Phương Bắc, có hai sĩ quan tham mưu có tiếng tăm đã làm việc với tôi trước đây, Đại Tá Chaim Bar Lev tham mưu trưởng và Thiếu Tá Ariel (Arik) Sharon trưởng phòng tình báo. Cả hai sau này đều lên tướng và rất nổi tiếng trong quân đội Do Thái.
vđh
No comments:
Post a Comment