PHẦN IIIA. TỔNG THAM MƯU TRƯỞNG (1953 – 1957)
12. PHÁT TRIỂN QUÂN ĐỘI
Ngày 7 tháng Mười Hai năm 1952, tôi được đề cử chức vụ trưởng phòng Hành Quân bộ Tổng Tham Mưu và ở chức vụ này cho đến khi lên chức Tổng Tham Mưu Trưởng ngày 6 tháng Mười Hai năm 1953. Trong thời gian làm trưởng phòng hành quân, tôi đã phát triển khả năng hành quân, tác chiến của quân đội Do Thái. Đó cũng là lý do duy nhất để một đạo quân được tồn tại. Tổ chức lại các đơn vị chiến đấu cho phù hợp với tình thế, gia tăng hiệu năng chiến đấu của cá nhân cũng như của đơn vị.
Trưởng phòng hành quân trước tôi là Trung Tướng Mordechai Makleff, ông ta lên đảm nhận chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng thay thế Trung Tướng Yigael Yadin từ chức. Hai chúng tôi nắm chức vụ mới trong giai đoạn khó khăn, thiếu thốn ngân khoản dành cho quân đội. Trận Chiến Độc Lập đã qua, đất nước dành mọi ưu tiên trong vấn đề định cư hàng trăm ngàn người Do Thái lưu lạc từ khắp nơi trên thế giới trở về dựng nước.
Makleff đồng ý với tôi trên căn bản, những đơn vị tác chiến của lục quân phải gia tăng sức mạnh bằng ngân khoản sẵn có của đơn vị và chương trình này sẽ được áp dụng trong vòng ba năm do ngân khoản bị giới hạn. Một điểm khác, chúng tôi cũng đồng ý phải thay đổi đặc tính của các đơn vị tác chiến. Các đơn vị này không còn được phong độ như trong thời gian trận chiến Độc Lập. Nhiều sĩ quan đã giải ngũ, các quân nhân có khả năng đã xin thuyên chuyển qua Không Quân hoặc Hải Quân. Những quân nhân khác là dân di cư mới về Do Thái cần được huấn luyện lâu dài hơn. Nhiều đơn vị thiếu quân số và trang bị yếu ớt.
Từ đầu năm 1953, số lượng kẻ thù xâm nhập vào đất Do Thái phá hoại, giết người gia tăng. Nhiều cuộc hành quân cấp nhỏ tấn công các căn cứ điạ của quân khủng bố gần các làng Ả Rập dọc theo biên giới đã được tổ chức, tuy nhiên kết quả không được khả quan. Trong vài trường hợp, quân ta bị tử thương một hay hai người, mấy người bị thương phải rút lui không hoàn tất nhiệm vụ.
Tôi đặt trách nhiệm phải thay đổi lề lối làm việc, phương thức chiến đấu. Các đơn vị tác chiến phải có hiệu năng, tin cẩn được và sẽ đạt được mục tiêu. Theo quan niệm của tôi, một người quân nhân Do Thái luôn luôn bị đe dọa trước các quốc gia láng giềng, lúc nào cũng phải sẵn sàng chiến đấu. Nếu chúng ta thất bại trong các cuộc chạm súng nhỏ, làm sao có thể đương đầu với một đạo quân chính quy của địch trên chiến trường.
Tôi gọi tất cả sĩ quan hành quân từ các bộ chỉ huy về và nói với họ. Trong tương lai, bất cứ một đơn vị trưởng nào báo cáo không hoàn thành nhiệm vụ vì hỏa lực của địch. Điều này không thể chấp nhận được ngoại trừ trường hợp đơn vị của ông ta đã bị tổn thất 50%. Khi một đơn vị vẫn còn khả năng tác chiến, phải tiếp tục tiến lên tấn công. Khi tôi nói chuyện với các sĩ quan hành quân, khuôn mặt cứng rắn của tôi như muốn “dặn dò” thêm. Nếu không chiến thắng, họ sẽ phải cắt nghiã chi tiết về cuộc hành quân và nếu tôi chưa vừa lòng, tương lại đường binh nghiệp của họ trong quân lực Do Thái sẽ không được lâu dài.
Trong thời gian này, chúng tôi thành lập một đơn vị đặc biệt tên là Đơn Vị 101. Đơn vị này tuyển mộ quân tình nguyện, thường tham dự các cuộc hành quân vượt biên. Đơn vị trưởng là một quân nhân xuất sắc, rất nổi tiếng trong quân đội. Thiếu Tá Ariel Sharon, một sĩ quan tài giỏi mà tôi rất thích khi làm sĩ quan tình báo với tôi trong bộ tư lệnh Phương Bắc. Arik, như mọi người vẫn thường gọi, đích thân chọn người cho đơn vị 101 của ông ta. Thực sự, tôi cũng không tán đồng việc thành lập đơn vị này, chỉ lo vấn đề gia tăng hiệu năng chiến đấu trong quân đội, chưa nghĩ đến chuyện trả đũa hoặc trừng phạt quân khủng bố. Tuy vậy, sau khi thành lập, đơn vị 101 đã tạo nên nhiều huyền thoại, những chiến công lừng danh làm tăng thêm sinh lực, làm gương cho các đơn vị tác chiến khác trong quân đội Do Thái.
Trong tháng Giêng 1954, vài tuần lễ sau khi tôi lên làm Tổng Tham Mưu Trưởng, đơn vị 101 xáp nhập vào tiểu đoàn Nhẩy Dù (đầu tiên) và Arik được bổ nhiệm làm tiểu đoàn trưởng. Trong thời gian đầu, tiểu đoàn này, một mình lãnh trách nhiệm tổ chức những cuộc hành quân biệt kích vượt biên, đột kích các căn cứ của địch. Sau đó các đơn vị khác noi gương, ganh đua, nhiệm vụ trả đũa quân khủng bố phải chia bớt cho các đơn vị. Đơn vị Dù trở nên một biểu tượng Anh Dũng, Can Đảm trong quân đội.
Đứng đầu trong hàng ngũ quân đội, tôi phải bảo vệ tiếng tăm cho Lực Lượng Quốc Phòng Do Thái, uốn nắn quân đội theo khuôn mẫu. Tổng Tham Mưu Trưởng quân lực phải lo rất nhiều công việc giấy tờ, hành chánh: nhân lực, ngân sách, vũ khí trang bị, tiếp vận, bảo trì, v.v… Tôi không còn phải ra chiến trường, ban lệnh và đọc những bản báo cáo từ các vị tư lệnh chiến trường gửi về.
Tôi cảm thấy trách nhiệm nặng nề hơn. Quân đội Do Thái đã có một vị Tổng Tham Mưu Trưởng mới, một “Kiểu mẫu Moshe Dayan”. Tôi xóa bỏ khoảng cách giữa một người anh cả trong quân đội và một người lính Binh Nhì. Trong phòng làm việc của tôi đầy những bản đồ, phóng đồ hành quân làm cho các tướng lãnh khi về họp với tôi, có cảm tưởng như lên họp trong một bộ chỉ huy cấp cao hơn… chứ không ngồi trong phòng máy lạnh. Khi tôi đi thanh tra đơn vị, vẫn mặc quân phục như họ, ngồi dưới đất dùng cơm, tâm sự với những người lính.
Tôi hay đi thăm đơn vị bất thần vào ban đêm và thường lái xe một mình. Tôi muốn biết chắc chắn tất cả các đơn vị trong quân lực Do Thái lúc nào cũng sẵn sàng tác chiến và lúc nào cũng có một sĩ quan cao cấp trực trong tất cả các bộ chỉ huy. Tôi hỏi thăm binh sĩ vừa xong phiên gác đêm, hay vừa theo toán tuần tiểu đi tuần về. Bất cứ khi nào có lời than vãn của binh sĩ về vấn đề hành quân hay làm việc, tôi sẽ nói chuyện với vị Tướng trưởng phòng Hành Quân, cấp chỉ huy đơn vị, cho đến người sĩ quan trung đội trưởng. Tôi muốn biết mọi chuyện và lý do tại sao?
Ben Gurion đề cử tôi vào chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng là điều cuối cùng ông ta làm với cương vị của một thủ tướng và tổng trưởng quốc phòng trước khi ông ta về hưu trong tháng Mười Hai năm 1953, về sống nơi làng chiến đấu Sdeh Boker trong sa mạc Negev (Ông ta sống ở đó cho đến khi chính phủ mời ông trở lại vào tháng Hai năm 1955). Tổng trưởng Ngoại Giao Moshe Sharett lên kế vị Ben Gurion và Pinhas Lavon trở thành tân tổng trưởng Quốc Phòng. Hai chức vụ cao nhất trong chính quyền nnen để cho hai nhân vật làm việc ăn khớp với nhau, tuy nhiên Sharett và Lavon có hai cái nhìn khác nhau, hai đường lối chính trị khác nhau về nền an ninh của quốc gia Do Thái và những biến đổi trên thế giới.
Năm 1954 là một năm rất khó khăn khi người Anh di tản tất cả lực lượng ra khỏi kênh đào Suez. Người Hoa Kỳ muốn đem ảnh hưởng đến vùng Trung Đông, ve vãn các quốc gia Ả Rập, điều này có thể làm cán cân nghiêng về phiá người Ả Rập, bất lợi cho Do Thái. Cuối năm 1953, Ai Cập đã siết chặt cưả biển, ngăn cản không cho tầu bè Do Thái qua lại kênh đào Suez và vịnh Aqaba. Bên trong đất nước Do Thái, số vụ khủng bố, phá hoại gia tăng. Do Thái cảm thấy bị cô lập, bị cắt đứt, không có đồng minh.
Tôi thường khuyến cáo tổng trưởng quốc phòng Lavon về mặt quân sự, xử dụng quân đội không đúng sẽ làm tan nát quân đội, nguy cơ đưa đến chiến tranh. Một điểm bất đồng giữa tôi và ông ta về việc xử dụng ngành “Dịch Vụ Đặc Biệt” (Special Services – Phản Gián). Ngành “chuyên môn” này được thành lập trong trận chiến Độc Lập 1948, là một phòng trực thuộc bộ Ngoại Giao để hoạt động trong những quốc gia thù nghịch với Do Thái. Sau đó trở thành một ngành “Tình Báo – A’Man” trong quân đội. Lavon muốn xử dụng đơn vị bí mật này.
Trong những ngày cuối tháng Bẩy năm 1954, trong khi tôi đang đi thăm các căn cứ quân sự ở Hoa Kỳ, đơn vị bí mật “châm ngòi” một chiến dịch mà sau này được gọi là “An Ninh Rủi Ro” (Trong một tài liệu khác gọi là Chiến Dịch Susannah). Một ban trong đơn vị được lệnh phát động một loạt phá hoại nhỏ trong hai thành phố lớn Cairo và Alexandria bên Ai Cập. Kết quả, mười một điệp viên Do Thái bị bắt, vài người bị án tù lâu năm. Một người tự tử chết vì không chiụ nổi sự tra tấn của nhân viên điều tra Ai Cập và hai người bị tử hình vào ngày 1 tháng Giêng năm 1955.
Dư luận quần chúng Do Thái nổi giận. Ai đã ra lệnh cho cơ quan A’Man làm chuyện ngu xuẫn ở bên Ai Cập? Ai là người chiụ trách nhiệm? Sĩ quan cao cấp trong đơn vị trả lời, ông ta nhận được khẩu lệnh từ chính vị bộ trưởng quốc phòng trong một buổi họp với riêng ông ta. Lavon chối nói rằng chính cấp chỉ huy cơ quan A’Man ra lệnh. Các chính khách trong đảng Mapai của Lavon cũng yêu cầu ông ta phải ra đi. Lavon đệ đơn từ chức vào ngày 2 tháng Hai và chính phủ chấp thuận ngày 20. Ngày hôm đó, Ben Gurion được mời trở lại chính quyền giữ chức bộ trưởng quốc phòng. Đến cuối năm, trong tháng Mười Một, Ben Gurion lại tái đác cử chức vụ Thủ Tướng kiêm bộ trưởng bộ Quốc Phòng. Viên sĩ quan cao cấp trong cơ quan A’Man, điều hành chiến dịch “Susannah” cũng bị thay thế.
Cuối tháng Năm 1955, tôi chủ tọa lễ tốt nghiệp khóa đào tạo sĩ quan. Tôi nói chuyện với họ, hãnh diện vì lớp sĩ quan trẻ mà quân đội cần đến họ. Tôi cũng đã phải làm những chuyện ngoài ý muốn, kết thúc cuộc đời binh nghiệp của một sĩ quan trẻ khác vì anh ta ra lệnh cho một binh sĩ thi hành nhiệm vụ nguy hiểm trong khi ngồi ở một chỗ an toàn. Một quân xa của chúng tôi bị kẹt gần đường biên giới ở Gaza và bị lính Ai Cập bắn tới tấp. Viên sĩ quan chỉ huy này ra lệnh cho người lính tài xế lên lấy xe về trong khi anh ta ngồi ở một chỗ có che chở. Tôi nói với các tân sĩ quan vừa mới tốt nghiệp rằng “Tôi sẽ không sa thải viên sĩ quan này nếu anh ta đã quyết định bỏ luôn chiếc xe vì nguy hiểm đến tính mạng của binh sĩ thuộc cấp. Anh ta đã quyết định lấy lại chiếc xe, anh ta phải cùng với các binh sĩ của mình tiến lên. Sĩ quan trong quân lực Do Thái không đưa binh sĩ của mình vào chiến trường, ông ta lãnh đạo họ ra chiến trường”
Gò nắn lại quân đội không phải chuyện dễ, nhất là cấp sĩ quan. Một người sĩ quan tài ba không phải chỉ cần lòng can đảm, có đức tính lãnh đạo chỉ huy tốt, họ cần phải có kiến thức rộng rãi, trình độ học vấn cao. Chúng tôi lập thêm chương trình gửi sĩ quan theo học các trường đại học dân sự với ngân khoản của quân đội. Họ muốn học môn gì cũng được tùy theo ý thích và năng khiếu như kinh tế, văn chương, lịch sử, Trung Đông v.v… Một sĩ quan sau này lên cấp tướng tư lệnh lực lượng Thiết Giáp học môn triết lý. Chúng tôi gửi thêm những sĩ quan theo học những ngành chuyên môn trong viện kỹ thuật Haifa.
Vào giữa năm 1955, chúng tôi gửi một đơn vị gồm những quân nhân tình nguyện vào thámh thính bán đảo Sinai để tìm một con đường đi Sharm El Sheikh, nơi tận cùng phiá nam. Sharm El Sheikh rất quan trọng về mặt chiến thuật, kiểm soát thủy lộ Tiran cửa khẩu ra vào vịnh Aqaba. Người Ai Cập đã ngăn cản thủy lộ này đối với tầu bè Do Thái đi qua vùng phiá tây Phi châu và Á Đông. Chuyến xâm nhập thám sát này dự trù cho việc đánh chiếm Sharm El Sheikh trong trường hợp Ai Cập không bỏ lệnh cấm tầu bè Do Thái thông thương. Kết quả cuộc hành quân thám sát này rất hữu dụng cho một lữ đoàn bộ binh Do Thái trong Chiến Dịch Sinai, xẩy ra sau đó một năm rưỡi.
Ngày 27 tháng Chín năm 1955, Tổng Thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser khai mạc cuộc triển lãm quân sự ở Cairo và đã tuyên bố trước đó một tuần “Chúng ta đã ký một hiệp ước thương mại với Tiệp Khắc, họ sẽ cung cấp vũ khí cho chúng ta để đổi lấy bông gòn và gạo”. Điều này chứng tỏ Ai Cập đã mời Nga Sô vào vùng Trung Đông, mở một trận tuyến thứ hai cho Hoa Kỳ và đe dọa nền an ninh của Do Thái.
Theo hiệp ước “Thương Mại”, Ai Cập sẽ nhận được từ khối Cộng Sản (Soviet Block) 300 chiến xa hạng trung và hạng nặng, 200 thiết vận xa, 100 súng đại bác tự hành (gắn trên xe thiết giáp), hàng trăm khẩu đại bác dã chiến, các loại súng cỡ trung bình, 130 súng phòng không, 200 chiến đấu cơ Mig-15, 50 oanh tạc cơ Ilyushin, phi cơ vận tải, những dàn radar, 2 chiến hạm, 4 tầu vét mìn, 12 tầu phóng thủy lôi, và hàng trăm quân xa đủ loại. Tất cả vũ khí nhẹ đều được thay thế bằng tiểu liên Nga Sô (AK-47).
Ai Cập ngầm báo cho Do Thái biết, họ đã tái trang bị để sửa soạn một trận thư hùng với Do Thái trong một tương lai gần. Việc phong tỏa thủy lộ Tiran, cùng với hành động khủng bố của người Palestine gia tăng càng chứng tỏ rõ ý định của Ai Cập xóa bỏ quốc gia Do Thái trên bản đồ thế giới bằng võ lực, một chiến thắng quân sự.
Vũ khí do Nga Sô chế tạo bắt đầu đổ vào Ai Cập từ đầu tháng Mười Một 1955. Trong một buổi họp của bộ Tổng Tham Mưu, chúng tôi phỏng đoán, quân đội Ai Cập sẽ phải mất từ 6 đến 8 tháng để hoàn tất việc trang bị, huấn luyện cách xử dụng các loại vũ khí, quân cụ mới của Nga Sô. Như vậy kẻ thù Ai Cập có thể tấn công Do Thái khoảng cuối mùa thu cho đến cuối mùa hè. Để chuẩn bị chiến tranh, tối thiểu chúng tôi phải mua thêm máy bay chiến đấu, chiến xa để đương đầu với chiến cụ của Nga Sô.
Trở ngại cho chúng tôi là nguồn cung cấp nhân lực, vật lực rất giới hạn. Hoa Kỳ và Anh có nhiều loại vũ khí tối tân, phi cơ và chiến xa, nhưng từ chối không bán cho Do Thái. Một nguồn cung cấp vũ khí khác là Pháp nhưng họ chỉ chế tạo loại chiến xa hạng nhẹ AMX. Bắt buộc vẫn phải mua chiến xa của Pháp và có thể tân trang lại những chiến xa cũ của Mỹ sản xuất từ thời Đệ Nhị Thế Chiến.
Ngoài vấn đề vũ khí, tôi đã trình lên thủ tướng Ben Gurion chiến thuật hành quân. Sẽ đánh chiếm dải đất Gaza trước, đó là nơi gây rắc rối cho Do Thái. Đánh chiếm Gaza, tiêu diệt quân khủng bố Palestine làm đầu cầu cho trận tấn công vào bán đảo Sinai. Đồng thời tấn công Sharm El Sheikh để tầu tiếp tế từ vịnh Aqaba vào Do Thái.
Để tăng cường sức mạnh cho quân đội, lợi ích cho quốc gia trong thời chiến, tôi đề nghị thủ tướng triệu hồi các tướng lãnh đã giải ngũ, Yigael Yadin về nắm lại chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng, Mordechai Makleff trưởng phòng hành quân và Yigal Allon trở lại nhiệm vụ tư lệnh Phương Bắc. Tôi chỉ ao ước về nắm lại chức vụ tư lệnh Phương Nam, hay bất cứ nhiệm vụ nào trong quân đội. Thủ Tướng Ben Gurion hứa sẽ trả lời tôi từng đề nghị một, tuy nhiên ông ta vẫn muốn tìm giải pháp chính trị.
Những tháng sau vụ Ai Cập mua một số lượng lớn vũ khí Nga Sô qua ngã Tiệp Khắc, chúng tôi phải chuẩn bị quân đội, đặt quốc gia trong tình trạng sẵn sàng ứng biến với ngoại xâm. Tháng Tư năm 1956 đem một luồng sinh khí mới cho Do Thái, khi những phản lực cơ Mystère của Pháp từng chiếc đáp xuống phi trường ở Lod. Loại chiến đấu cơ này có khả năng sánh với hay cao hơn các loại phản lực cơ Mig của Nga Sô.
Vũ khí của Nga Sô đổ vào Ai Cập gây niềm tin tưởng cho Nasser. Ngày 26 tháng Bẩy năm 1956, ông ta làm thế giới xửng sốt khi tuyên bố trước hàng chục ngàn dân chúng Ai Cập nơi công trường Độc Lập trong thủ đô Cairo, ông ta ra lệnh “quốc hữu hóa” kênh đào Suez. Kênh đào này thuộc quyền sở hữu của hai nước Anh, Pháp. Ngày hôm sau, tổng trưởng ngoại giao Pháp bay qua London để gặp thủ tướng Anh Anthony Eden. Chúng tôi biết được chuyện này do một “người bạn” ở Paris thông báo. Anh ta cho biết, Christian Pineau tổng trưởng ngoại giao bay qua Anh cùng với nhóm chuyên gia về quân sự, có lẽ họ sẽ giải quyết vụ “Nasser” bằng võ lực. Người Pháp cũng yêu cầu chúng tôi cung cấp tin tức về sức mạnh cũng như bố trí quân đội của Ai Cập, cũng như Hải và Không quân.
Ngày kế tiếp là một ngày buồn bã đối với tôi. Mẹ tôi đã từ trần sau một thời gian dài đau yếu và được chôn cất nơi làng cũ Nahalal. Sau lễ an táng, tôi gặp thủ tướng Ben Gurion và đề nghị. Trước tình thế biến đổi do hành động của Nasser, trước khi Ai Cập tấn công, chúng ta nên ra tay đánh trước, ban hành một trong ba lệnh hành quân: đánh chiếm bán đảo Sinai cho đến bờ kênh Suez, để cho quốc tế kiểm soát thủy lộ quan trọng này; tấn công Sharm El Sheikh, khai thông thủy lộ Tiran trong vịnh Aqaba; đem quân vào lấy dải Gaza. Thủ Tướng Ben Gurion trả lời, chúng ta vẫn chưa nhận được vũ khí nặng và quân dụng cần thiết cho trận chiến.
13. MÓC NỐI VỚI NGƯỜI PHÁP LẦN THỨ NHẤT
Người Pháp kết giao với Do Thái lần đầu tiên trong vấn đề phối hợp hành quân tấn công Ai Cập vào ngày 1 tháng Chín năm 1956. Tôi nhận được thông báo từ sĩ quan tùy viên quân sự ở Paris, Liên quân Anh Pháp đã có kế hoạch tấn công chung, ngooài ra Đô Đốc Barjot đã có ý mời Do Thái tham dự. Tôi nhận được công điện khi đang họp với các vị tướng lãnh trong bộ tổng tham mưu. Thủ tướng Ben Gurion cũng hiện diện trong buổi họp, ông ta ra lệnh cho tôi trả lời sẵn sàng hợp tác.
Tôi ra lệnh cho trưởng phòng hành quân lúc đó đang ở bên Âu châu tiếp xúc với đại diện quân đội Pháp. Họ sẽ gặp nhau vào ngày 7 tháng Chín, tôi gửi cho ông ta bản viết tay tóm tắt những lệnh của thủ tướng Ben Gurion. Chúng tôi sẵn sàng giúp người Pháp tận lực, nếu họ muốn xử dụng phi trường, căn cứ hải quân, và sự tiếp tay của quân đội Do Thái, chính quyền trong Jerusalem sẽ quyết định. Người Pháp vẫn nghi ngờ khả năng của quân lực Do Thái nên họ muốn gặp tôi để phối hợp.
Đô đốc Barjot là người đại diện chính thức cho chính phủ Pháp trong buổi họp ở Paris. Ông ta đặc biệt chú trọng những tin tức tình báo về quân đội Ai Cập và yêu cầu được xử dụng những phi trường của Do Thái nếu can. Ông ta cũng muốn biết khả năng quân đội Do Thái, có thể cầm chân quân Ai Cập trên bán đảo Sinai không? Đô đốc Barjot nói vắn tắt, đó chỉ là những điều chuẩn bị, vẫn phải chờ giải pháp chính trị.
Trong thời gian người Anh, Pháp đi tìm giải pháp chính trị với Ai Cập, Do Thái bị quân khủng bố xâm nhập qua đường biên giới Jordan, vào phá hoại, giết người. Đơn vị biệt kích của chúng tôi trả đũa tấn công phá hủy hai trại lính Jordan ngay biên giới. Những nhóm khủng bố nhận lệnh từ bộ tư lệnh quân đội Ai Cập.
Để chuẩn bị quân đội, trong tháng Chín tôi đi thăm các đơn vị, các bộ chỉ huy. Tôi ra lệnh cho quân đoàn Thiết Giáp tổ chức huấn luyện cho binh sĩ. Tôi cũng ra lệnh cho Không Quân huấn luyện phi công xử dụng các loại máy bay mới mua được của Pháp và tất cả máy bay cũ hay mới đều phải tận dụng khi cần đến. Tôi ra lệnh cho các phòng tham mưu trong bộ Tổng Tham Mưu nghiên cứu kế hoạch cho chiến trường Ai Cập. Kế hoạch này bao gồm, tấn công vào bán đảo Sinai, đánh chiếm dải Gaza và Sharm El Sheikh, khai thông thủy lộ Tiran.
Đến giữa tháng, tôi xem xét lại kế hoạch cùng với sĩ quan tham mưu trong phòng hành quân cho phù hợp với đường lối chính trị, theo lệnh của thủ tướng Ben Gurion. Tôi nhắc nhở sĩ quan tham mưu, đâu là “vấn đề” quốc tế, đâu là vấn đề của chúng ta. Việc quốc hữu hóa kênh đào Suez là vấn đề của thế giới, không phải của riêng đất nước Do Thái. Thủy lộ Tiran, dải đất Gaza là chuyện khác, gây rắc rối cho chúng ta. Quân đội Ai Cập phong tỏa vịnh Aqaba, ngăn cản tầu bè Do Thái đến hải cảng Eilat. Họ xử dụng Gaza, người Palestine như căn cứ phát xuất cho các hoạt động khủng bố trên đất Do Thái. Một vấn đề quan trọng nữa là quân đội Ai Cập tập trung trong bán đảo Sinai, chuẩn bị tấn công Do Thái.
Vị giám đốc trong bộ ngoại giao, Shimon Peres (lúc đó là một trong những lãnh tụ trẻ, sau lên làm thủ tướng Do Thái) bay sang Paris ngày 19 tháng Chín để yêu cầu người Pháp “nhẹ tay” trong khoản nợ mua phi cơ, chiến xa. Peres là bạn thân của tổng trưởng Quốc Phòng Pháp Maurice Bourges Maunoury, và có quen biết Thủ Tướng Guy Mollet, tổng trưởng Ngoại Giao Christian Pineau. Shimon Peres sẽ bàn với giới lãnh đạo Pháp về chuyện hợp tác giữa hai quốc gia về vấn đề Trung Đông.
Khi bàn với Shimon Peres trước khi ông ta qua Paris, tôi cảm thấy rất khó thuyết phục ngưới Pháp, không tin tưởng mấy về sự thành công. Kết quả, Peres làm tôi ngạc nhiên, nếu có ai đó ở Do Thái làm được những điều thương thuyết này, đó chính là Shimon Peres.
Ba hôm sau, Peres gửi công điện về khi đã tiếp xúc với bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Bourges Maunoury. Người Pháp đang điều nghiên sự hợp tác với Do Thái chống lại Ai Cập mà không cần đến người Anh. Ông ta cho biết thêm, trong buổi họp ở London giữa thủ tướng Mollet, ngoại trưởng Pineau với thủ tướng Anh Anthony Eden, ngoại trưởng Selwyn Lloyd, người Anh báo cho người Pháp biết “Hành Quân Musketeer” của liên quân Anh-Pháp phải đình lại. Họ chấp thuận giải pháp của ngoại trưởng Hoa Kỳ John Foster Dulles thành lập Hội Xử Dụng Kênh Đào Suez (Suez Canal Users Association). Người Pháp cho rằng hành động này của người Anh đã bỏ rơi đồng minh nên quay sang Do Thái.
Tổng trưởng Quốc Phòng Pháp Bourges Maunoury gửi một thư viết tay chúc mừng sinh nhật thứ 70 cho thủ tướng Ben Gurion và ngõ ý Pháp muốn làm “điều gì đó” cùng với Do Thái để chống lại sự hung hãn của Ai Cập.
Thủ tướng Ben Gurion đáp lại cũng bằng thư viết tay, nhấn mạnh Do Thái sẵn sàng hợp tác với người Pháp về vấn đề Trung Đông. Ông ta đồng ý với Maunoury, yếu tố thời gian rất quan trọng, không thể chần chừ đợi giải pháp chính trị và sẵn sàng bắt tay với người Pháp ngay cả trường hợp người Anh đứng ngoài.
Tuần lễ giữa tháng Chín, các hoạt động khủng bố nhắm vào Do Thái gia tăng. Một nhóm chuyên gia khảo cổ học đến xem xét một khu đất đang đào xới, gần biên giới nơi phiá bắc Bethlehem bị quân khủng bố dùng tiểu liên bắn gục. Một vụ khác xẩy ra gần Jerusalem, một cô gái đi nhặt cành cây khô bị quân Lê Dương Ả Rập giết chết. Lính Lê Dương xâm nhập vào đất Do Thái đâm chết cô gái, chặt lấy đi một bàn tay. Trong thung lũng Bet She’an, lính Ả Rập băng qua sông giết một nông gia đang lái xe máy cầy, rồi kéo xác nạn nhân qua Jordan.
Ben Gurion triệu tập một ban đặc biệt ngày 25 tháng Chín để bàn việc trả đũa tương xứng quân Lê Dương Ả Rập của Jordan bằng biện pháp quân sự. Tôi đề nghị một số mục tiêu để tấn công, đó là những mục tiêu quân sự, không lo ngại làm tổn thương đến tính mạng, tài sản của thường dân Ả Rập. Peres trình bầy chuyến đi Paris của ông ta, sau đó phân tích tình hình vùng Trung Đông, vai trò của các nước lớn mạnh trên thế giới như Hoa Kỳ và Nga Sô.
Buổi tối hôm đó, Ben Gurion thông báo cho tôi biết quyết định gửi một phái đoàn sang Paris để bàn về việc hợp tác chống kẻ thù Ai Cập. Đoàn đại biểu Do Thái gồm có: Ngoại Trưởng Golda Meir, Tổng Trưởng Giao Thông Moshe Carmel, Giám đốc bộ Quốc Phòng (thủ tướng Ben Gurion kiêm bộ trưởng Quốc Phòng) Shimon Peres và tôi.
Một vài ngày trước khi đi theo phái đoàn qua Paris, tôi đi theo một đơn vị Biệt Động Quân vượt biên tấn công một đồn lính Lê Dương Ả Rập. Trong những trận đột kích này, tôi thường đi theo bộ chỉ huy tiền phương để theo dõi cuộc hành quân. Tổi để xe và tài xế ở lại “hậu trạm” trong một làng chiến đấu sát biên giới, rồi đi bộ, leo lên một đỉnh đồi cách mục tiêu chừng vài trăm thước để quan sát. Xong trận đánh, tôi quay trở về hậu trạm trước rạng đông mới hay quân Lê Dương Ả Rập pháo kích bằng súng cối vào làng làm vài người bị thương trong đó có người tài xế của tôi.
Trận tấn công thành công. Đồn lính Ả Rập bị tiêu hủy, vị trí đóng quân của địch gần đó cũng bỏ chạy. Tuy nhiên chúng tôi phải trả một giá cao, 10 chết, 16 quân nhân bị thương, đa số tổn thất nằm trong trung đội đi đầu, nỗ lực chính cho trận tấn công. Đơn vị tấn công phải trải qua thử thách gay go. Trong bóng đêm, họ phải vượt qua những ngọn đồi trên đất địch, điạ thế không quen thuộc, tấn công những vị trí tiền đồn của địch, đem theo chắt nổ đến tấn công đồn bout, trại binh của quân Lê Dương Ả Rập. Trên đường rút lui, họ phải đi gom xác chết, những đồng đội bị thương đem về Do Thái. Trong số tổn thất thường có những quân nhân xuất sắc của chúng tôi vì họ dẫn đầu cho đơn vị tấn công. Trong trận tấn công trước đó, một trong những biệt động quân xuất sắc nhất của chúng tôi, Đại Úy Meir Har Zion bị thương nặng, được cứu sống nhờ một y sĩ tiền tuyến đi theo đơn vị giải phẫu ngay trên chiến trường.
Chúng tôi qua Paris họp mật tại nhà Louis Mangin, một phụ tá cố vấn chính trị cuả bộ trưởng quốc phòng Bourges Maunoury. Đại diện chính phủ Pháp gồm có: Ngoại Trưởng Christian Pineau, Bourges Maunoury, Albert Thomas giám đốc trong bộ quốc phòng và Tướng Challe phụ tá tổng tham mưu trưởng đặc trách Không Lực.
Mọi người đã biết rõ về buổi họp, Pineau không cần phải rườm rà, mở đầu buổi họp bằng lời tuyên bố ngắn ngủi, Tổng Thống Ai Cập đã quốc hữu hóa kênh đào Suez và đối với người Pháp, bắt buộc phải dùng võ lực đối với Ai Cập. Người Hoa Kỳ không muốn chiến tranh xẩy ra, họ muốn vào vùng Trung Đông như người Nga Sô. Tuy nhiên Ngoại Trưởng Dulles của Hoa Kỳ không biết rằng người Nga đã tiến sâu vào Ai Cập và ngay lúc này mọi chiếc tầu đi qua kênh Suez đều do sĩ quan hàng hải “Pilot” người Nga lái.
Theo người Pháp, thời gian thuận lợi cho việc xử dụng quân đội vào khoảng đầu tháng Mười. Biển Điạ Trung Hải êm lặng ít sóng gió, ngoài ra nên tấn công trước cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ. Theo ông ta (Pineau), tổng thống Eisenhower chắc không muốn đụng chạm với người Nga, sẵn sàng bỏ rơi đồng minh Anh, Pháp.
Ngoại Trưởng Pháp Pineau phát biểu khoảng 45 phút, sau đó phái đoàn chúng tôi trình bầy vị thế của Do Thái. Thứ nhất, chúng tôi đồng ý với người Pháp, không thể thương lượng với Nasser qua đường lối ngoại giao, chỉ còn giải pháp quân sự. Thứ hai, chúng tôi coi người Pháp là người bạn đồng minh chân thật và sẵn sàng hợp tác. Thứ ba, chúng tôi muốn người Anh đứng ngoài, không can dự vào trận chiến giữa Do Thái và Jordan. Thứ tư, người Hoa Kỳ đã tuyên bố “cấm vận” vũ khí cho Do Thái trong trận chiến Độc Lập vừa qua, có lẽ lần này họ sẽ “cấm vận” thêm kinh tế.
Chúng tôi gặp Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội Pháp, Tướng Paul Ely buổi sáng ngày 1 tháng Mười cũng tại nhà Louis Mangin. Tôi là người duy nhất trong phái đoàn Do Thái cùng với mấy sĩ quan tuỳ viên quân sự. Người Pháp có thêm Tướng Challe, Martin cùng với phụ tá của ông ta Đại Tá Simon, trưởng phòng hành quân Hải Quân và Mangin.
Người Pháp bắt đầu hỏi về sức mạnh của quân đội Ai Cập, tôi trả lời những gì biết được do tin tức tình báo đem về. Câu hỏi về sự đóng góp của Do Thái, tôi trả lời có thể động viên đưa vào chiến trường Ai Cập từ 6 đến 8 lữ đoàn Bộ Binh, Thiết Giáp. Không lực Do Thái có 70 phi cơ chiến đấu gồm các loại: Mystère, Ouragan, và Meteor.
Về vấn đề phân chia nhiệm vụ, vùng trách nhiệm, tôi cho họ biết, lục quân Do Thái có thể bao vùng phiá đông kênh đào Suez, và không quân cũng vậy, ngoại trừ được trao phó thêm những mục tiêu khác. Theo tôi, người Pháp nên chiếm khu vực kênh đào Suez, tiêu hủy phi trường của Ai Cập nơi hướng tây kênh đào. Mục tiêu này quan trọng vì Ai Cập có nhiều phi công ngoại quốc, chuyên viên cơ khí, tiếp vận làm việc trong phi trường. Về sức mạnh, không quân Ai Cập có 150 chiến đấu cơ Mig và khoảng 40 oanh tạc cơ Ilyushin.
Về phần trách nhiệm của Hải Quân, tôi đề nghị để cho người Pháp tấn công Ai Cập. Chúng tôi chưa có tiềm thủy đĩnh, hải quân chỉ phòng vệ hải phận trong vùng biển Điạ Trung Hải. Chúng tôi chỉ dự trù cho những trận tấn công trên bộ.
Kết luận, người Pháp thỏa mãn về kế hoạch tấn công Ai Cập của Do Thái. Tôi đặt câu hỏi về kế hoạch của người Pháp và được trả lời. Theo kế hoạch liên quân Anh-Pháp sẽ tấn công Ai Cập bằng bốn sư đoàn bộ binh, thả bom các phi trường của Ai Cập. Mục tiêu chính vẫn là chiếm đóng kênh đào Suez. Người Pháp cũng cho biết dự trù đem vào chiến trường 75 phi cơ P-84 và 25 Mystère. Họ sẽ cử chuyên viên đến thăm các phi trường ở Do Thái để xử dụng, đặc biệt cho các loại máy bay phải đáp khẩn cấp.
Người Pháp hỏi chúng tôi cần loại vũ khí nào? Tôi đưa ra một danh sách cho họ, gồm có: Chiến xa, xe bán xích sắt, xe chở quân có khả năng chạy trên cát sa mạc, súng chống chiến xa Bazooka, và máy bay vận tải chở quân, đồ tiếp vận. Họ ngạc nhiên vì số lượng đòi hỏi quá ít ỏi và đồ đã lỗi thời. Đặc biệt về đồ trang bị cho Thiết Giáp, chỉ bằng một phần tư quân đội Pháp. Tôi trả lời như vậy là đủ cho chúng tôi chiến đấu.
Chúng tôi trở về tối ngày 1 tháng Mười, cùng với phái đoàn đại diện người Pháp cất cánh từ phi trường Villacoublay đến Do Thái ngày hôm sau. Họ đến để xem xét phi trường để có thể xử dụng, ngoài ra còn hai nhiệm vụ khác: đánh giá độ khẩn việc gửi vũ khí, quân dụng cho Do Thái, cho trận chiến sắp tới và đánh giá khả năng chiến đấu của quân lực Do Thái, có thể chu toàn nhiệm vụ hay không?
Ngay tối hôm đó, sau khi gặp thủ tướng Ben Gurion báo cáo kết quả chuyến đi Paris, tôi triệu tập buổi họp khẩn trong bộ tổng tham mưu, ra lệnh chuẩn bị cho một trận chiến cùng với người Pháp, có thể thêm người Anh chống lại Ai Cập. Thời gian dự trù cho trận tấn công vào ngày 20 tháng Mười, và có thể kéo dài ba tuần lễ (trên thực tế, trận tấn công trễ hơn, kết thúc sớm hơn). Quân Đồng Minh sẽ thả bom các phi trường trên Ai Cập và đánh chiếm kênh đào Suez, chúng ta sẽ phải đề phòng biên giới với Jordan và Syria, sợ các nước Ả Rập khác nhẩy vào. Chuẩn bị kế hoạch động viên, gọi tất cả các sĩ quan đang thụ huấn ở ngoại quốc về để cùng chiến đấu. Để giữ bí mật, thực tập một cuộc hành quân giả, nghi binh chống lại việc Iraq đưa quân đội vào Jordan.
Thủ Tướng Ben Gurion chỉ tin tưởng người Pháp sẽ giữ đúng lời hưá 20%, tôi tin họ sẽ “làm mạnh tay” đối với Ai Cập. Chuyện xẩy ra sẽ xẩy ra, tôi triệu tập một buổi họp với các vị tướng lãnh, tư lệnh quân binh chủng, tiếp theo họp với ban tham mưu phòng hành quân, duyệt xét kế hoạch tấn công. Tôi nhận thấy kế hoạch này đặt trọng tâm, tấn công trực diện vào phòng tuyến địch, sau đó phát triển dần như vết dầu loang. Kế hoạch thả dù xuống El Arish, một khu vực trong bán đảo Sinai ngay bên bờ biển Điạ Trung Hải. Điều này tôi không đồng ý, muốn thả đơn vị ưu tú Nhẩy Dù xuống đúng giờ H, trên một điạ điểm gần kênh đào Suez.
Ngày 8 tháng Mười, tôi cầm trên tay lệnh hành quân cho chiến dịch Sinai, được đặt tên là “Hành Quân Kadesh”, nơi tụ họp cuối cùng của người Do Thái trong vùng Sinai hoang dã trước khi tiếp tục trên đường trở về Miền Đất Hứa. Tôi nhắc nhở cho các cấp chỉ huy trong quân lực, mục tiêu không phải là giết nhiều địch quân mà là đánh cho quân đội Ai Cập tan rã, tịch thu nhiều vũ khí, chiến cụ của địch.
Tất cả các đơn vị trong quân lực Do Thái đều chuẩn bị cho trận thư hùng sắp xẩy ra. Trong một phiên họp trong bộ tổng tham mưu, tôi nhận được công điện từ bộ tư lệnh Phương Nam, yêu cầu chấp thuận cho một đơn vị thám thính những cồn cát trong bán đảo Sinai để dọn đường cho chiến xa. Tôi cho lệnh phải giữ bí mật, chỉ cần một tiểu đội xâm nhập và họ phải đi loại dép (sandal) người du mục Ả Rập Bedouin thường dùng để tránh sự nghi ngờ của những toán tuần tiễu địch.
Bốn mươi tám tiếng đồng hồ sau, trong đêm 10 tháng Mười, nằm trong kế hoạch đánh nghi binh. Một đơn vị Biệt Động Quân làm cú “ngoạn mục”, tấn công một đồn biên phòng của quân Lê Dương Jordan trong làng Kalkilia sát biên giới. Đây là một trận tấn công cỡ lớn, phải soạn thảo lệnh hành quân, chuẩn bị kỹ càng. Phiá Do Thái tổn thất 18 quân nhân tử thương (8 sĩ quan) và 50 bị thương (14 sĩ quan).
Trận tấn công này để trả đũa vụ quân khủng bố giết hai thường dân Do Thái đang làm việc trong một vườn cam gần biên giới, cách Kalkilia không xa. Trước đó, hôm 4 tháng Mười, năm thường dân trên đường đi làm đến một nhà máy ở Sodom gần cuối Biển Chết (Dead Sea), bị quân khủng bố từ Jordan xâm nhập vào đất Do Thái phục kích giết chết.
14. MÓC NỐI VỚI NGƯỜI PHÁP LẦN THỨ HAI
Một công điện nhận được buổi tối ngày 18 tháng Mười, thủ tướng Pháp Guy Mollet mời Ben Gurion đến Paris. Chúng tôi lên đường qua Paris đêm Chủ Nhật ngày 21 tháng Mười và đã nhận được báo cáo chi tiết buổi họp giữa hai nước Anh, Pháp ngày hôm trước. Người Anh trao cho Pháp bản tuyên cáo dài hai đoạn văn, có chữ ký của thủ tướng Anthony Eden, cố ý để cho người Pháp trao lại cho chúng tôi.
Đoạn văn đầu tiên thông báo, người Anh và Pháp yêu cầu cả Ai Cập lẫn Do Thái phải rút quân ra khỏi khu vực kênh đào Suez. Nếu nước nào chống lại, liên quân Anh-Pháp sẽ can thiệp để bảo đảm sự giao thông trên kênh đào. Mục đích đoạn văn này nói lên vấn đề hợp pháp, chính trị, tâm lý cho sự chiếm đóng Ai Cập của người Anh, Pháp. Đoạn thứ hai tuyên bố, người Anh sẽ không trợ giúp Ai Cập, nếu chiến tranh giữa Ai Cập và Do Thái xẩy ra.
Thủ tướng Do Thái Ben Gurion không coi bản tuyên cáo là nền tảng cho sự hợp tác giữa Anh và Pháp. Ông ta nhấn mạnh, chúng ta không nên một mình mở màn trận tấn công, sẽ bị mang tiếng là kẻ xâm lăng trong khi người Anh và Pháp được coi như Thiên Thần đem lại hòa bình cho vùng Trung Đông.
Tôi trình bầy với Ben Gurion dưới khiá cạnh quân sự. Nếu thực sự trận tấn công xẩy ra, liên quân Anh-Pháp không cần đến mình. Với 500 phi cơ chiến đấu, họ dư sức “đè bẹp” Không Lực Ai Cập, điều này cũng đúng trên bộ và Hải Quân. Tuy nhiên, đoạn văn thứ hai trong bản tuyên cáo như một chiếc vé cho chúng ta đi dự “Câu Lạc Bộ” Chiến Dịch Sinai.
Trong khi đó, Tổng Thống Ai Cập vẫn đe dọa Do Thái, ngăn cản tầu bè Do Thái xử dụng thủy lộ Tiran, xúi dục các hành động khủng bố, phá hoại, giết người trên đất Do Thái. Chúng tôi vẫn phải mở những cuộc hành quân trả đũa, điều này trước sau gì cũng dẫn đến chuyện đụng độ với quân đội chính quy Ai Cập.
Chúng tôi phải đắn đo cẩn thận, chuyện gì sẽ xẩy ra nếu không đồng ý với bản tuyên cáo của người Anh. Tôi trình bầy với thủ tướng Ben Gurion những điều mình nghĩ, chúng ta sẽ mất đi một cơ hội lịch sử mà sẽ không trở lại. Đối đầu với Nasser, chúng ta vẫn phải đơn thân độc mã, không có liên quân Anh-Pháp, không có sự trợ giúp của người Pháp về vũ khí, tiếp vận trong một hành quân liên minh. Trước tình thế đó, trên quan điểm chính trị, liệu chúng ta có thể gây chiến một mình, đánh chiếm Sharm El Sheikh, cửa ngõ kiểm soát thủy lộ Tiran để tầu bè Do Thái đến hải cảng Eilat?
Tôi tin tưởng hải quân Pháp có thể bảo vệ vùng biển Do Thái và chiến đấu cơ của họ giúp đỡ phòng thủ hải cảng Haifa và thủ đô Tel Aviv. Chúng ta cứ tiến hành kế hoạch hành quân như đã soạn thảo với điều kiện liên quân Anh-Pháp sẽ nhẩy vào vòng chiến trong vòng hai ngày sau và đánh chiếm kênh đào Suez.
Sáng ngày 21 tháng Mười, một phi cơ đến từ Pháp để đưa chúng tôi qua Paris họp. Chúng tôi dự trù đến tối mới ra đi và chuyến đi này sẽ là chuyến đi quyết định. Đã tốn quá nhiều thời gian để bàn luận, chỉ còn vấn đề thương lượng để bảo đảm mỗi quốc gia (Anh, Pháp, Do Thái) làm đúng phần hành của mình.
Trên chiếc máy bay cất cánh từ Pháp có hai nhân viên thương thuyết, đúng 11 giò sáng họ vào văn phòng của tôi. Sự hiện diện của họ ở Do Thái là điều bất ngờ, tuy nhiên ý định rõ ràng, họ muốn thương thuyết trước khi chúng tôi qua Paris. Vấn đề họ muốn nói với chúng tôi là “bối cảnh”. Quân đội Anh vẫn chưa thấy chuyển động, do đó người bạn đồng minh Pháp muốn chúng tôi “qủa quyết”. Người sứ giả cũng nói, lời hứa của người Anh không tin tưởng được nhiều, họ chỉ muốn nhẩy vào như một người trung gian, đem lại trật tự (Mấy ông “Phớt Tỉnh Ăng Lê” nói ra cứ như kẻ cả, tính chuyện chơi cha thiên ha. Thực sự người Anh đã từng là “Ông Chủ” trong vùng Trung Đông, vẫn còn ảnh hưởng với các nước Ả Rập, nhất là Jordan. Họ đe dọa nếu Do Thái tấn công Jordan, người Anh sẽ can thiệp. Do Thái nói cứng, nếu Jordan nhẩy vào vòng chiến họ sẽ “ủi” luôn).
Cuộc tiếp xúc rất “gay go”, tôi đặt câu hỏi, Không Lực Pháp có thể đến giúp chúng tôi bảo vệ thành phố lớn Haifa và Tel Aviv trong vòng 24 tiếng đồng hồ? Tôi lo ngại hai thành phố này bị không tập và lúc đó tất cả mọi máy bay của Do Thái đều tập trung cho trận chiến với Ai Cập trong bán đảo Sinai. Họ trả lời không, vì người Anh không muốn thay đổi “bối cảnh”. Tôi nổi giận về danh từ “bối cảnh” hỏi ngược lại, có phải nội các trong chính quyền Anh đã bị lây đặc tính trong các vở kịch của văn hào Shakespear? Chúng tôi không phải là kẻ thừa hành, làm những chuyện khó khăn, nặng nhọc để cho hai kẻ khác nhẩy vào ăn có. Nếu chúng tôi phải đơn thương độc mã đánh nhau với Ai Cập, thì chúng tôi sẽ hoàn toàn quyết định mọi chuyện, khi nào và tấn công như thế nào.
Phái đoàn chúng tôi qua Paris gồm có, Ben Gurion, tuỳ viên của ông ta, Shimon Peres, Mordechai Bar Ob và tôi. Trên xe, tôi nói với thủ tướng Ben Gurion về hai vị sứ giả người Pháp, làm ông ta nổi giận định hủy bỏ chuyến đi sang Pháp nhưng kềm chế được.
Đến Paris, Shimon Peres, Mordechai Bar On và tôi ở khách sạn, Ben Guirion cùng tuỳ viên ở một biệt thự, trong khu Sèvres ngoại ô Paris, nơi tổ chức buổi họp. Ngôi biệt thự này của Bonnier de la Chapelles, một bạn thân khác của Bourges Maunoury. Người con trai duy nhất trong gia đình, được kháng chiến quân Pháp gửi đi Algiers ám sát Đô Đốc Darlan. Năm đó, người anh hùng mới 18 tuổi, bị bắt và xử tử. Căn phòng của anh ta vẫn được giữ nguyên từ khi anh ta rời nhà. Hai ngọn nến lung linh, thắp sáng bức chân dung chàng trai trẻ.
Được nghỉ ngơi vài tiếng đồng hồ, chúng tôi bắt đầu họp vào lúc bốn giờ chiều. Phiá người Pháp có: thủ tướng Guy Mollet, ngoại trưởng Pineau, và bộ trưởng quốc phòng Bourges Maunoury. Chúng tôi gồm có: Ben Gurion, Shimon Peres và tôi. Buổi họp kéo dài đến bẩy giờ tối. Bắt đầu nói chuyện khái quát, hai vị thủ tướng bàn chuyện tình hình chính trị trên thế giới. Ben Gurion mở đầu vấn đề chính, báo động cho Pháp biết tình hình vùng Trung Đông và kết luận, kênh đào Suez phải được “Quốc Tế hoá” và Do Thái kiểm soát thủy lộ Tiran.
Ngoại trưởng Pháp Pineau phát biểu nhiều hơn thủ tướng Guy Mollet, ông ta cảnh cáo Do Thái không nên tìm cách giải quyết mọi vấn đề trong một lần. Thủ tướng Anh Anthony Eden muốn đi theo giải pháp dùng võ lực ở Ai Cập nhưng gặp sự chống đối trong quốc hội. Ngược lại Nasser càng ngày càng “mạnh miệng” hơn và đi theo người Nga. Pineau đồng ý phải tiến hành ngay vì sau tháng Mười vùng biển Điạ Trung Hải động mạnh gây khó khăn cho quân đội đổ bộ.
Bộ trưởng quốc phòng Bourges Maunoury giải thích, nếu cuộc hành quân không được thực hiện trong vài ngày nữa, người Pháp phải rút lui. Ông ta hứa, hải quân Pháp sẽ bảo vệ hải phận Do Thái, giúp đỡ hệ thống phòng không và có thể đưa phi cơ chiến đấu qua đóng trong các phi trường của Do Thái để bảo vệ không phận.
Đúng bẩy giờ tối, ngoại trưởng Anh quốc Selwyn Lloyd đến cùng với một viên chức cao cấp. Họ không đi thẳng vào phòng họp mà vào một phòng bên cạnh để nghe một đại diện người Pháp cho biết vắn tắt về quan điểm của phiá Do Thái. Ben Gurion không chấp nhận giải pháp của người Anh, nói rằng muốn về Do Thái sáng hôm sau. Kết quả xem chừng không đi đến đâu, bộ trưởng quốc phòng Pháp Bourges Maunoury tuyên bố sẽ phải giải tán những đơn vị đã chuẩn bị cho chiến trường Ai Cập, nếu đến cuối tuần vẫn chưa có quyết định. Thủ tướng Pineau đọc lại những đề nghị hành động cùng với thời gian của người Anh:
• Do Thái khởi sự tấn công Ai Cập.
• Anh-Pháp ra tuyên cáo, yêu cầu cả hai nước Ai Cập, Do Thái rút quân ra khỏi khu vự kênh đào Suez trong thời gian hạn định.
• Các phi trường ở Ai Cập sẽ bị thả bom khi hết thời hạn.
Người Pháp mời một buổi họp khác với sự tham dự của người Anh. Một phiên họp lạ lùng, cả hai người Selwyn Lloyd và Ben Gurion tiêu biểu cho hai ý tưởng quá khích trái ngược nhau, nhưng cuối cùng sẵn sàng ngồi vào bàn ký kết. Cuối cùng, thủ tướng Anh tuyên bố, Anh quốc sẽ không trợ giúp Ai Cập khi bị Do Thái tấn công. Cũng không giúp đỡ Jordan mặc dầu đã ký hiệp ước với quốc gia này, ngoại trừ Jordan bị Do Thái tấn công.
Với sự ưng thuận của Ben Gurion, tôi trình bầy sơ khởi những hành động quân sự đối với Ai Cập. Đúng 5 giờ chiều ngày D, quân đội Do Thái sẽ vượt biên, tiến vào bán đảo Sinai, tấn công một số mục tiêu giới hạn. Một đơn vị Nhẩy Dù sẽ được thả xuống đằng sau phòng tuyến địch trong khu vực kênh đào Suez. Chính phủ Anh, Pháp ra tuyên cáo ngay trong ngày hôm đó yêu cầu cả hai nước Ai Cập, Do Thái rút quân ra khỏi khu vực kênh đào. Điều này chúng tôi sẽ chấp nhận vì chúng tôi không có ý đồ chiếm kênh đào. Ngày hôm sau nếu Ai Cập từ chối rút quân, phi cơ Anh, Pháp sẽ oanh kích các phi trường trên đất Ai Cập.
Đêm hôm đó, trước khi đi ngủ chúng tôi nhận được một công điện từ Do Thái cho biết, Thủ Tướng tương lai của Jordan, Suleiman Nabulsi một người Palestine chống Anh quốc đã tuyên bố sẽ xé hiệp ước với người Anh và gia nhập liên quân Syria-Ai Cập. Một công điện tiếp theo báo cáo, bộ Tổng Tham Mưu liên quân Ai Cập, Syria và Jordan đã thành lập ở Amman, đặt dưới quyền tổng chỉ huy của Tướng Abd El Hakim Amr, tổng tham mưu trưởng quân đội Ai Cập.
Pineau và Bourges Maunoury đến ăn bữa trưa với chúng tôi. Họ có vẻ bận rộn vì nhiều chuyện xẩy ra trong vùng Trung Đông. Sau khi Jordan đã quay lưng đi khỏi người Anh và đặt quân đội trong liên quân Ả Rập. Đến phiên người Pháp, họ bắt được chiếc tầu Ai Cập Athos bí mật chở vũ khí giúp quân kháng chiến Algeria. Quốc hội Pháp lớn tiếng phản đối Ai Cập và chính phủ đã triệu hồi vị đại sứ từ Cairo. Trước đó một ngày lại xẩy ra “câu chuyện Ben Bella”, chiến đấu cơ Pháp ép buộc phi cơ hành khách chở Ben Bella cùng bốn thủ lãnh kháng chiến quân Angeria hạ cánh. Những biến cố xẩy ra ở Jordan, bắc Phi làm căng thẳng vấn đề bang giao quốc tế và mọi chuyện đều hướng về thái độ chống người tây phương của Nasser.
Trong lúc ăn tráng miệng, uống cà phê, Pineau và Bourges Maunoury trở lại sự bất đồng giữa người Anh và Do Thái. Ngoại trưởng Anh Selwyn Lloyd nói với họ rằng, không chấp nhận đề nghị giải pháp “Dayan” trên hai điểm, tầm hoạt động quân sự, người Anh muốn quân đội Do Thái phải tấn công toàn diện và thời gian cảnh cáo Ai Cập trước khi không lực Anh, Pháp thả bom các phi trường của họ. Người Anh muốn để cho Ai Cập 48 tiếng đồng hồ nhưng có thể giảm xuống còn 36 giờ. Thủ tướng Pháp Pineau muốn biết quyết định của chúng tôi để bay sang London nói chuyện với Selwyn Lloyd ngay buổi tối hôm đó.
Sau khi người Pháp ra về, Ben Gurion nói với chúng tôi, người Anh muốn Do Thái chiến đấu đơn độc, mở màn trận tấn công và tấn công tận lực đến kênh đào Suez. Những đơn vị Dù thả đằng sau phòng tuyến địch có thể bị cô lập, cắt đứt liên lạc như chuyện đã xẩy ra cho đơn vị Biệt Động Quân tấn công làng Kalkilia, đã bị tổn thất nặng (như đã nói đến ở phần trên, sau trận tấn công, đơn vị BĐQ bị cắt đường rút lui, phải mở đường máu. Lúc đó tướng Dayan đã định xử dụng không lực để cứu đơn vị này). Chúng ta vẫn chưa quên, dư luận quần chúng chống đối chính phủ, sau trận tấn công làng Kalkilia đó.
Tôi trả lời, tuy nhiên sau đó những vụ khủng bố vẫn xẩy ra và dư luận quần chúng xẹp xuống, đòi quân đội trả đũa tương xứng. Tôi trình bầy một kế hoạch hành quân khác, hy vọng sẽ thuyết phục được người Anh. Trong ngày D, trước khi mặt trời lặn, thả một tiểu đoàn Nhẩy Dù xuống một vị trí gần kênh Suez, tên trên bản đồ là Mitla. Cũng trong đêm đó, lữ đoàn cơ giới sẽ đánh chiếm hai vị trí Ai Cập sát đường biên giới ở Nakeb và Kusseima. Ngày hôm sau, trục tiến quân chính sẽ đánh sâu vào Sinai, chiếm Thamad và Nakhl trên đường đi Mitla bắt tay với quân Dù trên đèo.
Đúng bốn giờ chiều ngày hôm sau, Pineau trở về từ London, mời chúng tôi đến phòng họp. Ông ta vui vẻ cho biết, trong vòng một tiếng đồng hồ nữa, đại diện người Anh sẽ đến và hy vọng lần này sẽ mọi việc sẽ được xắp xếp êm thắm. Ông ta nói thêm đã gặp thẳng thủ tướng Anh Anthony Eden và ông ta cởi mở hơn ngoại trưởng Lloyd.
Những điều căn bản cho kế hoạch hành quân được tóm lược như sau:
• Vào buổi chiều ngày 29 tháng Mười năm 1956, quân đội Do Thái sẽ mở trận tấn công lớn vào tuyến phòng thủ quân đội Ai Cập, mục đích tiến quân tới kênh đào Suez ngày hôm sau.
• Ngày hôm sau, 30 tháng Mười, chính phủ Anh, Pháp sẽ gửi tuyên cáo đến chính phủ Ai Cập, Do Thái, yêu cầu:
Chính quyền Ai Cập phải thi hành những điều sau:
Tuyệt đối ngưng bắn.
Lui quân ra khỏi khu vực kênh Suez 10 dặm.
Chấp nhận việc liên quân Anh-Pháp chiếm đóng kênh đào tạm thời để bảo đàm tầu bè của các quốc gia trên thế giới lưu thông.
Chính quyền Do Thái phải thi hành những điều sau:
Tuyệt đối ngưng bắn.
Rút quân ra khỏi khu vực kênh đào 10 dặm.
• Nếu chính phủ Ai Cập không chấp thuận điều kiện kể trên, liên quân Anh-Pháp sẽ tấn công các đơn vị Ai Cập sáng sớm ngày 31 tháng Mười, 1956.
• Chính phủ Do Thái sẽ cho một đơn vị tấn công bờ hướng tây vịnh Aqaba, đảo Tiran và Sanapir để bảo đảm cho tầu bè thông thương.
• Do Thái sẽ không tấn công Jordan trong trận đánh với Ai Cập. Trường hợp Jordan tấn công Do Thái, nước Anh sẽ đứng ngoài không can thiệp.
No comments:
Post a Comment