MÙA HÈ 1945.
Một người đàn ông đi vào trong trại tử thần Auschwitz. Ông ta to con, khoảng ngoài hai mươi, với hàng ria mép rậm, mặc chemise trắng xắn tay áo lên quá khủy tay. Mọi người xúm lại bao quanh, để nghe ông ta nói chuyện.
- Tôi tên là Bar Dror, Shimshon Bar Dror. Tôi được Palestine gửi đến đây để đưa các bạn về lại… quê hương!
Lần đầu tiên, mọi người trong trại được vui sướng đến độ chẩy nước mắt. Họ dành cho Bar Dror hàng triệu câu hỏi. Nhiều người quỳ xuống hôn tay ông ta, nhiều người khác muốn được trông thấy, được sờ một người Do Thái tự do đến từ cố hương mến yêu, cách xa ngàn dặm. Shimshon Bar Dror có nghĩa là Samson, con của Tự Do đẵ đến tận đây để đưa họ về.
Bar Dror nắm quyền chỉ huy trong trại, ông ta nói với mọi người rằng sẽ phải chờ đợi ít lâu, cho đến khi Mossad Aliyah Bet tìm được phương tiện. Trong khi chờ đợi, họ phải tổ chức lại, sống cho ra con người. Ông ta lập nên ban đại diện, tổ chức lớp học, lập ban nhạc, ca vũ bỏ túi để giúp vui, và phát hành tờ nhật báo để thông tin. Shimshon còn xây dựng một nông trại kiểu mẫu để huấn luyện.
Khi mọi chuyện đã đâu vào đấy, Shimshon cùng các điệp viên Aliyah Bet khác đi tìm dân Do Thái lưu lạc, đưa về trại. Trong khi tổ chức bí mật Mossad Aliyah Bet tìm cách đưa dân Do Thái trở về cố hương Palestine, một lực lượng khác muốn giữ họ ở lại Ba Lan, đó là người Ăng Lê. Một điều nữa là chính quyền Ba Lan ép buộc người Do Thái Ba Lan phải ở lại Ba Lan (có lẽ bị người Anh – kẻ chiến thắng xúi dục).
Mùa đông đến, hy vọng trở về cố hương trở nên mỏi mòn. Lời hứa, công trình của Bar Dror kể như tiêu tan, họ không còn tin tưởng nơi chàng ta nữa. Giữa cái lạnh băng giá của mùa đông, một điệp viên Aliyah Bet khác lẻn vào bên trong trại. Người này bàn chuyện may rủi với Bar Dror rồi gọi ban đại diện đến họp, quyết định bỏ trại Auschwitz. Bar Dror nói.
- Mình sẽ đi về phiá biên giới Tiệp Khắc. Đoạn đường không xa nhưng khó khăn. Phải đi chậm và tránh những con đường lớn. Bar Dror trải tấm bản đồ ra, chỉ cho mọi người xem lộ trình mà họ sẽ phải vượt qua ngọn núi Carpathian và đèo Jablunkov. Khoảng cách 70 dặm.
- Khi mình qua được biên giới, rồi chuyện gì sẽ xẩy ra? Một người lên tiếng hỏi.
- Mình có điệp viên Aliyah Bet mua chuộc cảnh sát Ba Lan. Đến Tiệp Khắc, mình sẽ an toàn hơn.
Họ rời Auschwitz lúc nửa đêm. Đoàn người sống sót, tránh con đường lớn đi về hướng bắc. Người khoẻ mạnh dìu người yếu, và trẻ em. Họ đi như thế trong suốt sáu ngày, may thay không người nào chết dọc đường, và tiến gần đến biên giới. Nhân viên Aliyah Bet khác đã nhét tiền đầy túi các cảnh sát biên giới Ba Lan. Họ quay lưng đi, để đoàn người Do Thái tràn vào đất Tiệp Khắc. Đến cuối chân đèo, đoàn người đã đuối sức vì đói, lạnh, đôi bàn chân chẩy máu. Aliyah Bet đã thuê một chuyến xe lửa có đồ ăn nóng và nhân viên y tế đợi sẵn, và sẽ đưa đoàn người tỵ nạn đến nơi tạm trú. Thử thách đầu tiên đã vượt qua.
Được tin người Do Thái đã trốn khỏi Auschwitz qua Tiệp Khắc, vị đại sứ Ăng Lê nổi giận, yêu cầu được gặp tổng trưởng Ngoại Giao Tiệp Khắc Massaryk. Vị đại sứ Ăng Lê nói rằng tổ chức Mossad Aliyah Bet ngoài pháp luật và được những nhà ái quốc cực đoan Zionists yểm trợ, do đó đoàn người Do Thái phải bị trục xuất trở về Ba Lan. Tổng trưởng Ngoại Giao Massaryk mỉm cười.
- Thưa ông đại sứ, tôi không được biết nhiều về đường dây dẫn dầu (đất Trung Đông), tôi chỉ biết đường dây con người. Ông ta rất binh vực người Do Thái, nói tiếp.
- Tôi không để ý chuyện này, và những lời đe dọa của người Anh. Khi nào tôi còn là tổng trưởng Ngoại Giao của nước Tiệp Khắc, biên giới đất nước tôi rộng mở cho người Do Thái, có passport hay không. Có giấy thông hành visa hay không.
Chuyến xe lửa tiếp tục hành trình đến hồ Lake Como, nơi ngoại ô thành phố Milan. Tại đây Aliyah Bet đã móc nối được với binh sĩ Do Thái đang phục vụ trong quân đội Anh “Bốc hàng”. Một tuần sau khi đến nơi tạm trú, Dov trong một nhóm khoảng 100 thanh niên trẻ được được đánh thức vào giữa đêm, lên xe vận tải của quân đội Anh trong lữ đoàn Palestine (gồm toàn quân nhân gốc Do Thái) đưa đến một điểm hẹn nơi bãi biển. Tại đó đã có sẵn 300 thanh niên đến từ nơi khác, cũng đang đợi tầu cao su đưa ra một con tầu Mossad đang thả neo ngoài khơi.
Khi chiếc tầu Mossad Đất Hứa (Promised Land) cũng do thuyền trưởng Bill Fry lái còn cách bờ biển Palestine 50 dặm. Hai chiếc chiến hạm hải quân Hoàng Gia Anh Apex và Dunston Hill được lệnh dùng biện pháp mạnh, để bắt chiếc tầu chở dân Do Thái quay trở lại. Thuyền trưởng Bill Fry quay sang nói với người chỉ huy toán Palmach đi theo bảo vệ. “Mình phải dậy cho bọn này một bài học”.
Lính thuỷ quân lục chiến Ăng Lê đeo mặt nạ phòng hơi cay, võ trang súng ngắn xung phong qua chiếc Đất Hứa bị một lớp hàng rào cản lại, gạch đá ném tới tấp, tiếp theo là vòi rồng xịt nước làm tất cả “dội” trở lại. Họ yêu cầu tăng thêm nhân lực, định tràn qua lần thứ hai, cũng bị bật trở lại như lần trước.
Trong khi tạm ngừng để vớt “phe ta” lên, lần này hai chiến hạm Ăng Lê, lợi dụng lớp bọc thép của tầu chiến ủi chiếc cầu cũ kỹ Đất Hứa làm thủng một lỗ bên sườn tầu cho nước tràn vào. Sau đó hai chiến hạm Apex, Dunston Hill ép hai bên, dùng súng đại liên bắn yểm trợ cho lính thủy quân lục chiến tràn qua. Dov cùng với mấy thanh niên trẻ giữ cầu thang, bọn chàng xô lính Anh rớt xuống nhiều lần cho đến khi khói cay làm mờ mắt.
Cũng như những lần sinh nhật trước trong tù, lần này Dov Landau mừng sinh nhật thứ 17 trong tại tỵ nạn Caraolos trên đảo Cyprus. Nằm dài trên chiếc ghế bố, chán đời, anh chàng Dov cả ngày không nói một lời. Các nhân viên xã hội, nhóm Palmach trên đảo tìm cách tiếp xúc nói chuyện, nhưng chàng ta chẳng còn tin ai. Nỗi căm hờn ngày càng dâng cao. Ban ngày nằm dài trên ghế, thỉnh thoảng ngắm con số thứ tự 359195 xâm trên cánh tay trái. Đêm đến Dov thường trải qua những cơn ác mộng, những ngày sống trong trại tử thần Auschwitz.
Trong căn lều đối diện, Dov để ý có một cô gái xinh đẹp. Cô ta có nhiệm vụ trông coi một đám trẻ con, và luôn luôn mỉm cười mỗi khi trông thấy chàng. Nàng thiếu nữ xinh đẹp cũng không tỏ vẻ ghét chàng như những người khác. Cô gái đó chính là Karen Hansen Clements, do Palmach gài vào.
Một hôm, anh chàng Dov nhà ta đang nằm nhắm mắt mơ màng trên ghế bố, bỗng linh tính cho biết có người, Dov bật ngồi dậy. Trước mắt chàng là cô láng giềng xinh đẹp Karen , trên môi đang nở nụ cười.
- Anh có thể cho em mượn thùng đựng nước được không? Thùng của em bị rỉ, mà xe đổ nước sắp tới. Anh chàng Dov chưa biết trả lời người đẹp ra sao, Karen nhắc lại.
- Em hỏi anh có thể cho em mượn thùng hứng nước được không? Dov gầm gừ.
- Được hay không? Tên em là Karen, hàng xóm của anh.
- Cô qua đây để quầy rầy tôi phải không? Dov ngồi xuống ghế, cắn móng tay.
- Không! Chỉ mượn thùng chứa nước. Dov chỉ tay vào thùng nước trong góc lều.
- Ừ! Lấy đi.
- Tên anh là gì, để khi em đem trả thùng nước.
- Dov! Anh chàng trả trả lời cộc lốc, trong khi Karen vẫn giữ nụ cười.
- Dov! Cái gì Dov! Ít nhất mình phải biết để chào hỏi, mà anh cũng nên đi học thêm, nên tập cười cho đời thêm vui.
VI. CHIẾN DỊCH GIDEON.
Bước cuối cùng trong chiến dịch Gideon chỉ còn 24 tiếng đồng hồ nữa. Ari Ben Canaan triệu tập một buổi họp với những người có trách nhiệm trong nhà Mandria. David Ben Ami trao cho Ari giấy tờ di chuyển trẻ em, Dov vừa mới làm xong. David cũng báo cáo đã chuẩn bị tất cả thực phẩm cho 300 trẻ em, kể cả thức ăn đặc biệt cho trẻ em theo đạo ròng (Orthodox).
Joab Yarkoni báo cáo, các xe vận tải trong tình trạng tốt, đã sẵn sàng đến Caraolos trong vòng 20 phút. Zev Gilboa báo cáo đã chuẩn bị đưa 302 trẻ em lên xe trong vòng vài phút, khi đoàn xe đến Caraolos. Anh ta sẽ cho trẻ em biết phải làm gì vài phút trước khi đoàn xe di chuyển.
Thuyền trưởng Hank Schlosberg, quốc tịch Hoa Kỳ sẽ lái chiếc Exodus rời bến Larnaca đến đậu trong hải cảng Kyrenia trước khi đoàn xe chở trẻ em đến một hoặc hai tiếng đồng hồ. Mandria báo cáo đã đặt những tổ báo động dọc theo lộ trình, để kịp thời thông báo cho đoàn xe biết những hoạt động khác thường của quân đội Anh.
Ari không khen ngợi, cám ơn người nào, chiến dịch vẫn chưa hoàn tất, chàng thông báo cho mọi người biết rằng. Thiếu Tá Alistair nghi ngờ các hoạt động của phe ta, do đó phải hành động đúng theo kế hoạch. Đoàn xe sẽ đến Caraolos vùng đúng 9 giờ sáng. Khoảng mười giờ sáng, đoàn xe chở trẻ em hy vọng sẽ đi ngang qua ngôi nhà này ở Famagusta. David nâng ly của chàng lên “Le chaim”, cả bọn Do Thái cùng nâng ly đáp lại “Le chaim”. Mandria lên tiếng hỏi.
- Có nghĩa là vậy?
- Cho cuộc đời. David cười đáp lại.
Đúng chín giờ kém hai mươi phút sáng, Ari Ben Canaan mặc quân phục giả Đại Úy Caleb Moore, lên chiếc xe Jeep dẫn đầu đoàn xe 12 xe vận tải thuộc đại đội 23 vận Tải. Trên mỗi xe là một chiến sĩ Palmach trong quân phục binh sĩ Ăng Lê, ngồi ghế tài xế.
Đoàn xe ngừng lại trước bộ chỉ huy trại, một mình Ari bước vào bên trong văn phòng viên chỉ huy trưởng.
- Chào ngài.
- Chào Đại Úy Moore.
- Chúng tôi nhận được lệnh di chuyển một số trẻ em qua trại mới ở Larnaca.
Ari đặt tờ giấy ban lệnh trên bàn viên sĩ quan chỉ huy. Viên sĩ quan coi sơ qua, ngước lên nhìn Ari, rồi gọi điện thoại ra lệnh cho thuộc cấp.
- Potter. Đại Úy Moore được lệnh đem 300 trẻ em trong khu 50 qua trại Larnaca. Giúp đỡ ông ta để công việc tiến hành dễ dàng. Sau đó ông ta ký một số giấy tờ cần thiết trong việc di chuyển cho Ari.
- Cám ơn ngài. Người Do Thái đến rồi đi…
Mark Parker cùng Kitty Freemont ngồi ăn sáng. Họ hồi hộp tin tức của chiến dịch Gideon. “Mấy giờ rồi?”. Kitty đã hỏi giờ khoảng mười lăm lần, thời gian vẫn chậm chạp trôi qua.
- Đã gần chín giờ rưỡi.
- Không biết chuyện gì sẽ xẩy ra!
- Nếu họ làm đúng theo kế hoạch, có lẽ giờ này đang đem trẻ em lên xe.
Mark chợt chỉ tay ra ngoài biển. Chiếc tầu Exodus đang vào bến.
- Nhìn kìa.
- Chúa ơi. Chiếc Exodus phải không?
- Chính nó.
- Chúa ơi! Coi bộ nó sắp vỡ ra từng mảnh.
- Đúng vậy.
- Làm sao họ đem nổi 300 trẻ em lên chiếc tầu cũ kỹ này?
Mark Parker trở nên hồi hộp, chàng châm điếu thuốc khác, đi qua đi lại trong phòng. Kitty phải lên tiếng.
- Mark làm ơn ngồi xuống. Anh làm em lo.
- Mình sắp nhận được cú điện thoại báo tin từ Mandria.
Mười giờ đúng, mười giờ quá năm phút, quá sáu phút. Mười giờ mười lăm phút, người bồi phòng đem cà phê lên cho Mark. Mười giờ mười bẩy phút, Mark thầm nghĩ trong vòng mười phút nữa, nếu không nhận được tin tức, kể như kế hoạch thất bại. Mười giờ hai mươi phút, chuông điện thoại reo. Mandria bên kia đầu dây.
- Hello.
- Ông Parker?
- Đúng.
- Họ vừa mới đi ngang qua nhà tôi. Họ đã đưa được trẻ em ra khỏi Caraolos, đang rẽ vào đường Larnaca. Chừng mười phút sẽ sẽ tăng tốc độ đi về hướng bắc.
Gác điện thoại xong, Mark nắm tay Kitty. Họ chạy xuống phòng dịch vụ trong khách sạn. Mark nhờ đánh gấp một điện tín qua London, báo tin chiến dịch đã thành công, để tòa xoạn đang gấp tin “sốt dẻo”, chuyện đang xẩy ra trên đảo Cyprus.
Đoàn xe chở trẻ em dửng lại ngay bến tầu, Ari bước ra khỏi xe, và người tài xế lái chiếc xe Jeep ra chỗ khác nhường chỗ cho xe vận tải. Các trẻ em xuống xe, lên tầu một cách nhanh chóng do công Zev huấn luyện. Trên bong tầu, Joab, David, và thuyền trưởng Hank Schlosberg đã ở trong vị trí dành cho mình. Chiến dịch Gideon tiến hành đúng như dự định. Các xe vận tải, sau khi đổ bộ trẻ em, được đem đi bỏ dưới rặng núi bao quanh St. Hilarion.
Ari lên trên phòng lái đứng chỉ huy tổng quát. Cuộc “đổ quân” chỉ mất hai mươi phút. Sau khi Zev, David, Joab và Hank Schlosberg báo cáo mọi chuyện êm xuôi. Ari ra lệnh cho tầu nhổ neo rời bến. Tiếp theo chàng ra lệnh cho các chiến sĩ Palmach xuống trấn an, cắt nghĩa cho nhiệm vụ các trẻ em. Chiếc Exodus chẳng đi đâu xa, ra giữa hải cảng và bỏ neo.
Ngay lúc đó, khu vực xung quanh hải cảng Kyrenia trở nên sống động. Tiếng còi báo động từ các xe cảnh sát, quân cảnh thi nhau hú vang rền bầu không khí. Trên chiếc Exodus, Ari đặt ống nhòm nhìn con đường chạy ra từ những ngọn đồi, hàng tá xe Jeep, xe vận tải chở binh lính Anh đang hướng về Kyrenia. Chàng nhìn xuống lòng con tầu, trẻ con vẫn giữ im lặng. Một vài người línhĂng Lê đã xuất hiện trên bên, đang hò hét, ra lệnh cho chiếc tầu cũ kỹ Exodus quay trở lại bến.
Thêm một hồi còi hụ dài khác, xe chở Chuẩn Tướng Sutherland, Caldwell, và Alistair ra đến nơi. Thiếu tá Cooke, chỉ huy trưởng khu vực Kyrenia báo cáo lên tướng Sutherland.
- Chiếc tầu đậu ở đó. Trên tầu đầy dân tỵ nạn Do Thái. Nó không thể chạy xa được.
Tướng Sutherland quan sát khu bến cảng rồi nói.
- Ở đây, mình có đủ quân để chống lại một sư đoàn chiến xa Panzer Đức. Chúng nó điên cả rồi. Thiết lập hệ thống liên lạc công cộng ngay lập tức cho tôi.
- Tuân lệnh. Thiếu tá Caldwell nói thêm vào.
- Nếu Chuẩn Tướng ra lệnh, tôi sẽ cho nổ tung chiếc tầu ra từng mảnh.
- Tôi không ra lệnh như vậy. Thiếu Tá Cooke … tổ chức toán đàn áp với, khói cay, súng nhỏ. Freddie. Báo cho bộ chỉ huy biết, không cho tin tức lọt ra ngoài.
Trong khi đó Alistair vẫn bình tĩnh quan sát chiếc tầu, dân “trong nghề” (tình báo) có khác. Tướng Sutherland quay sang hỏi.
- Anh nghĩ thế nào về chiếc tầu?
- Bình thường họ không đi trốn vào giữa lúc thanh thiên bạch nhật (ban ngày), trừ phi họ có điều gì trong đầu!
- Thôi đi. Anh lúc nào cũng nghĩ chuyện “ở bên trong, đằng sau lưng”.
Mark Parker len qua được mấy người lính gác, đến chỗ mấy viên sĩ quan Ăng Lê. Chàng làm bộ ngạc nhiên, đặt câu hỏi Thiếu Tá Alistair.
- Có chuyện gì vậy mà tiếng còi hụ làm tôi hết hồn?
- Thật vậy không? Ông bạn già cho tôi biết chuyện gì đang xẩy ra.
Tướng Sutherland nhìn Alistair rồi Mark Parker, ông biết ngay mình bị Mossad Aliyah Bet làm cú này. Lúc đó Thiếu Tá Cooke, chỉ huy khu vực Kyrenia báo cáo.
- Đã chuẩn bị xong đơn vị đàn áp, gồm 200 quân nhân và tầu nhỏ để lôi từng nhóm chống cự đem vào bến. Tướng Sutherland không để ý đến lời báo cáo, ra lệnh.
- Đem cái loa phóng thanh lại đây cho tôi. Rồi cầm ống loa trên tay, lên tiếng.
- Chào qúy vị. Đây là Chuẩn Tướng Sutherland, chỉ huy trưởng đảo Cyprus. Qúy vị trên tầu nghe được tôi không?
Trong phòng lái con tầu Exodus, Ari mở radio qua làn sóng công cộng.
- Chào Chuẩn Tướng. Đây là Đại Úy Caleb Moore, đại đội 23 Vận Tải. Ông có thể thâu hồi xe cộ dưới chân núi St. Hilarion. Chuẩn Tướng Sutherland giận tái mặt.
- Tôi cho anh mười phút đem con tầu trở lại bến. Nếu không tôi sẽ ra lệnh cho toán đàn áp “bưng” ông bạn vào.
- Thưa ông. Đây là tiếng nói con tầu Exodus. Chúng tôi có 302 trẻ em trên tầu. Phòng máy chứa đầy bom. Nếu một binh sĩ của ông đặt chân lên trên tầu, hoặc một tiếng súng nổ, chúng tôi sẽ cho nổ tan xác tất cả.
Ngay lúc đó câu chuyện của Mark Parker đã được lan truyền đi khắp nơi trên thế giới. Các sĩ quan Ăng Lê, cùng 500 binh sĩ lặng lẽ đứng nhìn lá cờ Anh, ở giữa sơn hình chữ Vạn (Đức Quốc Xã) đang được từ từ kéo lên cột cờ trên chiếc Exodus.
Mark Parker là người đầu tiên được biết chi tiết về chiến dịch Gideon. Theo lời khuyên của Mark, Ari với tư cách là người chỉ huy tổng quát, là phát ngôn viên chính thức trên chiếc tầu Exodus. Ari phát biểu “Cuối cùng, tôi không đồng ý người Ăng Lê có quyền trên phần đất Palestine hơn những nạn nhân của Hitler? Hãy nghe đây.”. Ari cầm lấy quyển kinh thánh ở trên bàn đưa cho Ezekiel đọc to lên cho mọi người cùng nghe.
“Thượng Đế phán rằng: Khi tôi gom những căn nhà Do Thái lại, từ những người bị lưu đầy. Họ sẽ nhìn thấy quốc gia, họ sẽ được sống trên phần đất mà tôi đã cho người đầy tớ Jacob…”. Ari Ben Canaan đặt quyển kinh thánh xuống và nói “Tôi muốn nhắc lại những điều này cho vị Ngoại Trưởng Anh Quốc. Những lời một thánh nhân đã nói với những kẻ đàn áp ba ngàn năm trước đây. HÃY ĐỂ DÂN CỦA TÔI ĐƯỢC RA ĐI”.
Mark Parker lên chiếc Exodus, yêu cầu được gặp Karen. Chàng lo âu di chuyển khó khăn giữa đám trẻ con ngôì chật trội trong lòng tầu, chúng trông gầy gò, hôi hám vì thiếu nước tắm rửa. Lên đến buồng lái, Mark tiếp tế cho Ari thuốc lá và mấy chai rượu Brandy. Ari lên tiếng hỏi.
- Tình hình bên ngoài thế nào?
- Chưa thấy họ thay đổi chính sách, nhưng những bài viết của tôi đều nằm trên trang nhất báo chí, hệ thống truyền thanh. Hơn cả những gì tôi dự đoán. Ari, điều này đều có lợi cho cả hai chúng ta. Anh đã cho bọn Ăng Lê một cú bể mặt. Theo như tôi biết họ sẽ không nhượng bộ.
- Như vậy có nghĩa là thế nào?
- Anh nên đem tầu trở vào bến. Hình ảnh binh sĩ Anh dẫn độ đám trẻ con về lại Caraolos sẽ làm thế giới xúc động hơn. Ari nhìn thẳng Mark Parker.
- Có phải Kitty xúi anh lên đây góp ý kiến không?
- Bỏ qua đi. Hãy nhìn đám trẻ con sắp sửa gục ngã.
- Chúng nó biết nhiệm vụ ở trên tầu.
Karen bước vào phòng lái tầu. Nàng nhỏ nhẹ lên tiếng chào.
- Chào ông Parker.
- Chào cưng. Đây là bức thư và gói qùa của em.
Karen chỉ nhận lá thư và nhờ đưa giùm một bức thư cho Kitty Freemont. Nàng từ chối gói quà cũng như tất cả những gói quà khác.
- Chuá ơi! Tôi không biết nói sao với Kitty.
Tình hình càng lúc càng căng thẳng. Người Anh không chịu nhượng bộ. Trên chiếc Exodus, Ari thông báo rằng các trẻ em sẽ tuyệt thực phản đối. Một tấm biển lớn được treo lên bên sườn chiếc Exodus, với hàng chữ “Tuyệt Thực/ Giờ thứ 1”… “Thuyệt Thực/Giờ thứ 15”… “Tuyệt Thực/Giờ thứ 20”. Mười đứa trẻ kiệt sức đã được đem lên nằm trên bong tầu.
Trong phòng khách sạn Mark và Kitty Freemont lo âu. Nàng đi qua đi lại, hút thuốc lá liên miên. Kitty nguyền rủa Ari Ben Canaan là con người sắt thép, đem sinh mạng trẻ em ra để tranh đấu. Không biết Karen ra sao, có phải là một trong những trẻ em kiệt sức không? Nàng đã phải chịu đựng, chứng kiến chuyện tuyệt thực đã hơn hai mươi tiếng đồng hồ.
- Không biết chừng nào anh ta (Ari) mới chấm dứt chuyện này.
Chuông điện thoại reo vang, Mark cầm lên nghe xong rồi đặt xuống.
- Họ vừa mới đem lên trên bong tầu thêm một tá trẻ em kiệt sức!
- Karen … có trong số đó không?
- Anh không biết! Để anh đi xem tình hình ra sao?
- Em cũng đi nữa… Lên chiếc Exodus.
- Không được đâu!
- Em chịu hết nổi rồi!
“Tuyệt Thực/Giờ thứ 35”. Ở Paris và Rome, những đám đông giận dữ biểu tình trước tòa đại sứ Anh quốc, cảnh sát phải dùng dùi cui, hơi cay dẹp đám người biểu tình. Các nơi khác bên Âu châu cũng có biểu tình nhưng ôn hòa hơn như ở: Copenhagen, Stockholm, và Belgium.
“Tuyệt Thực/Giờ thứ 38”. Toàn dân trên đảo Cyprus đồng loạt bỏ tất cả mọi công việc, xuống đường đả đảo chính quyền người Anh. “Tuyệt Thực/Giờ thứ 40”, Ari nhìn đám đàn em, những khuôn mặt lo âu, buồn bã của Joab, David, Zev và thuyền trưởng Hank Schlosberg. Zev, anh nông gia trong vùng Galilee là người đầu tiên lên tiếng.
- Tôi là một quân nhân, tôi không thể nhìn đám trẻ con nhịn đói cho đến chết.
- Ở Palestine, những trẻ em trạc tuổi, đã phải chiến đấu ở Gadna.
- Chiến đấu khác với nhịn đói.
- Đây là vũ khí duy nhất để chiến đấu.
Joab đã từng chiến đấu bên cạnh Ari trong bao năm qua, nói với Ari.
- Tôi chưa bao giờ cãi lệnh anh. Nếu một đứa trẻ có mệnh hệ nào, mọi chuyện sẽ đổ lên đầu chúng ta. Ari quay sang Hank, vị thuyền trưởng quốc tịch Hoa Kỳ, xin ý kiến.
- Anh em trên tầu đã đồng ý… Anh là cấp chỉ huy ở đây.
- Còn David. Ý kiến của anh thế nào? Trong bọn David là người có trình độ văn hoá.
- Hơn 6 triệu người Do Thái đã chết trong các trại tử thần, không ai hay biết. Nếu mình phải chết ở đây… Cả thế giới đều biết. Khi chúng ta còn quốc gia hai ngàn năm trước đây, chúng ta đã chiến đấu đến người cuối cùng chống lại người La Mã, người Hy Lạp ở Arbela, ở Jerusalem. Mình cũng đã chiến đấu ở Beitar, Herodium, và Machaerus. Ở Masada, mình đã chống lại người Lã Mã trong bốn năm trời, đến khi họ vào, tất cả chúng ta đều tự tử chết.
“Tuyệt Thực/Giờ thứ 42”. Tất cả các đền thờ Do Thái ở Hoa Kỳ, Nam Phi và Anh quốc đều có những lễ cầu nguyện cho trẻ em Do Thái trên chiếc tầu Exodus. “Tuyệt Thực/Giờ thứ 43”. Người Do Thái ở Á Căn Đình cũng tuyệt thực để tỏ lòng chia xẻ với con tầu Exodus.
“Tuyệt Thực/Giờ thứ 47”. Kitty Freemont lên tầu Exodus lúc trời đã nhá nhem tối. Trên tầu là một thảm cảnh, cõ lẽ nàng chưa bao giờ được thấy. Mọi người đều nằm yên, để bảo trì sức lực. Kitty nói với David. “Tôi muốn đi thăm các trẻ em bị kiệt sức”.
David dẫn nàng đi về cuối bong tầu. Các trẻ em được đặt nằm thành sáu hàng, tất cả 60 em. David quỳ xuống bên cạnh từng đứa trẻ, để ngọn đèn thấp xuống cho Kitty xem xét đồng tử và xem mạch. Nhiều lần nàng muốn xỉu, tim đập mạnh hơn khi nhìn thấy đứa trẻ có khuôn mặt giống như Karen. Sau đó David đưa Kitty đi qua khu khác, có trẻ em ngồi dậy nhìn nàng với đôi mắt thẫn thờ, khuôn mặt, tóc tai lem luốc bẩn thỉu vì mưa nắng.
Vừa bước xuống lòng tầu, một mùi tanh hôi bốc ra làm Kitty buồn nôn. Các trẻ em nằm xếp lớp la liệt khắp nơi. Karen nằm trong một góc trên một tấm vải dơ dáy, bên cạnh là anh chàng Dov Landau. Kitty gọi khẽ.
- Karen. Tôi đây. Kitty.
Karen mở choàng mắt ra, đôi môi nứt nẻ. Nàng đã quá yếu để ngồi dậy, thều thào nói.
- Kitty?
- Đúng. Tôi đây.
Hai người ôm chầm lấy nhau, lặng yên trong giây lát. Karen lên tiếng.
- Đừng bỏ em. Em lo sợ…
- Không, Tôi sẽ ở bên em.
Sau đó David đưa Kitty vào phòng làm bệnh viện. Sau khi quan sát, nàng nói với David.
- Thiếu thốn đủ thứ. Tôi sẽ cố gắng, nhưng anh và Joab có thể giúp tôi một tay?
- Sẵn sàng.
- Có vài em bất tỉnh cần phải lo gấp. Phải lau nước để đỡ cơn sốt. Buổi tối, trên bong tầu có gió lạnh, phải kiếm chăn đắp cho các em.
Sau đó Kitty chăm sóc cho các trẻ em nằm kiệt sức trên bong không ngừng tay. Dường như không bao giờ hết việc. Lo được một em tỉnh lại, có thêm ba em khác kiệt sức được đưa lên bong tầu.
“Tuyệt Thực/Giờ thứ 81”, Bẩy mươi trẻ em đã kiệt sức nằm hấp hối trên bong chiếc Exodus. Nơi bến tầu, đã có tiếng than vãn của binh sĩ Anh. Nhiều quân nhân đã không cầm lòng được, bỏ đi. Lòng nhân đạo của họ đã lên cao hơn tòa án quân sự. Mọi người dân trên đảo Cyprus đã hướng về Kyrenia.
“Tuyệt Thực/Giờ thứ 82”. Karen Hansen Clements đã kiệt sức, nằm bất động được đưa lên bong tầu. “Tuyệt Thực/Giờ thứ 83”. Kitty bước vào phòng lái gặp Ari.
- Tôi không lên đây để van xin. Ông Ari Ben Canaan. Có hàng chục trẻ em sắp chết. Tôi xin báo cáo cho một chiến sĩ Palmach tốt rằng, Các em sắp chết, ông Ben Canaan. Phải chăng đó là luật của ông?
- Tôi đã từng bị xỉ nhục. Bà cứ nói cho hả cơn giận. Bà chỉ lo cho sinh mạng một em (Karen). Tôi phải lo cho một phần tư triệu người.
KHẨN.
Ari Ben Canaan, phát ngôn viên chính trên tầu Exodus vừa thông báo, bắt đầu từ trưa ngày mai, sẽ có mười trẻ em tình nguyện tự tử, cho đến khi chính quyền người Anh để cho chiếc tầu Exodus đi Palestine hoặc tất cả mọi người trên tầu đều chết.
Các vì Pharaoh (Vua) Ai cập xưa kia cũng phải chịu thua HÃY ĐỂ CHO DÂN TÔI ĐI. Cecil Bradford, một viên chức cao cấp Ăng Lê vào phòng đọc sách tìm được quyển Exodus về mười điều bất hạnh Thượng Đế đã giáng xuống đất Ai Cập… Hãy để cho dân tôi đi… Hãy để cho dân tôi đi… Bradford gọi lớn.
- Crawford! Crawford!
- Thưa ngài gọi tôi. Crawford chạy vào trình diện.
- Gọi cho Thống Đốc đảo Cyprus Tevor Browne ngay tức khắc. Nói với ông ta … hãy để chiếc Exodus ra đi về Palestine.
VII. ARI BEN CANAAN.
Trận chiến của chiếc Exodus chấm dứt. Ngay sau đó báo chí trên thế giới đang hàng chữ lớn “Exodus ra đi”. Các trẻ em trên chiếc tầu Exodus đã quá yếu để mừng chiến thắng do các em đem lại. Người Ăng Lê yêu cầu Ari đem chiếc tầu vào bên để các bác sĩ săn sóc, vả lại chiếc tầu cần được tu bổ, lấy thêm thực phẩm, thuốc men trước khi khởi hành đi Palestine. Mọi phí tổn chính phủ Anh lo hết. Ari Ben Canaan đồng ý cho tầu vào bến.
Khung cảnh hơn ngày hội bội phần. Các bác sĩ quân y người Anh lên tầu đem xuống các trẻ em theo thứ tự sức khoẻ yếu kém. Phòng khách trong khách sạn Dome biến thành bệnh viện dã chiến. Thực phẩm, quần áo được đem tới chất đầy bến tầu. Dân trên đảo Cyprus gửi đến hàng trăm gói qùa cho các em. Hải quân Anh lên tầu tu bổ máy móc, vá những lỗ rỉ nước, và toán lính khác lên lau chùi dọn dẹp, làm vệ sinh chiếc tầu.
Người Do Thái trên đảo Cyprus đến gặp Ari Ben Canaan cho phép các em dự lễ Chanukah, ngày hội của ánh sáng trước khi các em lên đường về Palestine. Các bác sĩ Ăng Lê cũng cho biết các em cần được nghỉ ngơi vài ngày cho hồi phục sức khoẻ. Ari đồng ý cho các em đến nhà thờ Do Thái trên đảo dự lễ Chanukah.
Kitty ở bên cạnh giường bệnh Karen hàng tiếng đồng hồ. Họ chỉ ngồi im lặng nhìn nhau, không ai nhắc đến chuyện Karen sẽ lên đường về Palestine hay ở lại với Kitty. Cuối cùng Karen chìm trong giấc ngủ. Kitty vuốt tóc nàng thầm nhủ trên đời không còn ai dễ thương hơn. Kitty bước ra ngoài hành lang, anh chàng Dov cũng đang nóng lòng đi qua đi lại. Cả hai người lờ đi, không một lời chào hỏi.
Kitty Freemont bước ra bến tầu. Zev Gilboa và Joab Yarkoni đang lo đưa những thùng đồ tiếp liệu lên chiếc tầu Exodus. Nàng rảo mắt tìm Ari nhưng chẳng thấy đâu.
- Chào (Shalom) Kitty. Hai thanh niên Do Thái lên tiếng chào nàng.
- Chào các anh.
Trời đã về chiêù, hơi lạnh, Kitty kéo chiếc áo cho sát vào người, rảo bước ra chỗ ngọn hải đang. David Ben Ami đang ngồi ngắm cảnh trời mây bao la, ngước lên chào Kitty.
- Chào Kitty. Bà được nghỉ ngơi, trông đỡ hơn. Kitty ngồi xuống bên cạnh David.
- Nhớ nhà phải không? Kitty hỏi chơi bâng quơ.
- Jordana… Tên cô em gái Ari phải không?
David gật đầu, người yêu của chàng là Jordana, cô em gái lãnh tụ Ari Ben Canaan.
- Anh có thăm cô ta không?
- Nếu may mắn, hai chúng tôi có chút thì giờ bên nhau.
- David.
- Vâng.
- Thế còn đám trẻ con, sẽ đi về đâu?
- Chúng tôi sẽ chăm sóc chúng nó. Các em là tương lai của dân tộc chúng tôi.
- Có chuyện gì nguy hiểm nữa không?
- Có chứ. Đầy nguy hiểm.
Kitty lặng yên ít lâu, chợt David hỏi nàng.
- Bà có đi với chúng tôi không? Tim nàng như ngừng đập.
- Tại sao anh hỏi câu đó?
- Bà đã giúp đỡ chúng tôi thường xuyên. Sự có mặt của bà trở nên thường tình. Ari có nhắc nhở, và những người bạn khác nữa.
- Nếu … Ari muốn, tại sao anh ta không hỏi tôi.
David cười lớn.
- Ari chẳng hỏi gì ai.
- David… Anh phải giúp tôi. Tôi không biết nhiều về người Do Thái…
- Tôi sẽ giúp… những gì tôi có thể làm được.
- Đàn ông như Ari… Anh ta là ai? Là con người như thế nào?
ZHITOMIR, NGA SÔ 1884.
Simon Rabinsky là một người thợ đóng giầy, bà vợ là Rachel là một người đàn bà tốt và đảm đang. Hai ông bà có hai con trai, đó là gia tài qúy báu của họ. Yakov, người em được 14 tuổi, tính tình nóng nẩy, sẵn sàng tranh luận, dầu là chuyện nhỏ. Jossi, người con trai lớn 16 tuổi, to lớn, khỏe mạnh cao hơn sáu bộ (6’), nó có mái tóc đỏ như bà mẹ. Tướng tá Jossi trông dữ dằn nhưng hiền lành, đưá hung dữ là người em Yakov.
Gia đình Rabinsky nghèo, sống trong vùng phiá tây nước Nga bao gồm: Bessarabia, Ukraine, Crimea và vùng đất người Nga da trắng, còn được gọi là vùng người Do Thái Trắng. Khu này đã được ấn định từ năm 1804 và là nơi duy nhất người Do Thái được định cư. Ngoại trừ ở Moscow và Petrograd, có người Do Thái giầu có, họ gửi con em đi học.
Sự phân chia này chứng minh một lịch sử về sự kỳ thị đã có từ lâu. Những người Do Thái đã đến lập nghiệp trong khu vực Crimea từ thế kỷ thứ nhất. Người Khazars sống trong vùng cũng nhận Do Thái giáo là tôn giáo cho họ, như vậy đất của người Khazars cũng là khu vực Do Thái. Đến thế kỷ thứ mười, người Nga từ phương bắc tràn xuống, đánh đuổi người Khazars, sau đó áp dụng luật lệ khắt khe lên người Do Thái.
Trong khi người Nga đang nắm quyền, ngọn lửa của lưỡi gươm Hồi giáo bùng lên, tiến lên từ phương nam. Trong thời gian người Hồi giáo chiếm giữ vùng phiá nam nước Nga, người Do Thái ở Nga trở nên phát triển, sung túc nhờ sự lớn mạnh của Hồi giáo.
Sau khi người theo đạo Hồi bị người Nga đánh bại, quyền hành tập trung trong tay Nga Hoàng (Czars) và Giáo hội Hy Lạp. Hàng trăm “Kẻ rối đạo” Do Thái bị thiêu sống trong thời kỳ trung cổ. Những người nông gia quê mùa bị “đầu độc” rằng, dân Do Thái là phù thủy, bùa phép, dùng máu người Tin Lành làm lễ.
Qua nhiều thế kỷ bị ngược đãi. Người Do Thái bị hành hạ đầy đọa ghê gớm nhất dưới triều đại Catherine. Một chuỗi dài đốt phá tấn công những người Do Thái không chịu theo đạo Bảo Thủ Hy Lạp (Greek Orthodox). Sư khủng bố thất bại, vẫn không làm người Do Thái mất niềm tin, do đó Catherine đuổi một triệu người Do Thái ra khỏi nước Nga, hầu hết qua lánh nạn bên Ba Lan.
Tiếp theo là những trận chiến tranh giữa người Nga và Ba Lan, nhiều vùng đất được phân chia trở lại. Kết qủa Catherine Đệ Nhị lấy được phần đất chứa một triệu người Do Thái mà Catherine Đệ Nhất đuổi đi.
Những biến cố lịch sử kể trên cấu tạo nên người Do Thái Trắng. Năm 1827, người Do Thái không được sống trong những làng nhỏ rải rác nữa, bị tập trung vào những khu định cư chật trội trong các thành phố lớn. Cùng năm, Nga Hoàng (Czar) ban sắc lệnh, hàng năm người Do Thái phải cung cấp một số lượng (quota) thanh niên trẻ để phục vụ trong quân đội 25 năm.
Bị cô lập, “ly dị” với thế giới bên ngoài, người Do Thái tỏ ra ít trung thành với “quê mẹ Nga Sô”. Họ không học tiếng Nga mà xử dụng ngôn ngữ Yiddish, gần như tiếng Đức. Ngôn ngữ khác mà họ thường dùng trong dịp lễ bái, cầu nguyện là cổ ngữ Hebrew của người Do Thái. Họ ăn mặc cũng khác người Nga, vẫn theo truyền thống riêng của họ.
Simon Rabinsky theo chân các bậc sinh thành, cha ông, đời này qua đời khác, sống trong khu tập trung người Do Thái. Họ phải theo phong tục, luật lệ riêng trong cộng đồng. Đời sống của người Do Thái tha hương xoay quanh vấn đề cố hương, tôn giáo và các tu sĩ (Rabbi). Là một người rất hăng say trong cộng đồng, Simon chỉ đứng sau vị tu sĩ. Năm nào ông ta cũng được đề cử vào trong ban lãnh đạo cộng đồng.
Trong lãnh vực tôn giáo, người Do Thái gọi bộ kinh Talmud của họ là “biển cả”. Họ cho rằng quá rộng lớn mà một đời người đọc, học hỏi không bao giờ hết. Hai anh em nhà Rabinsky học hỏi bộ kinh Talmud, ngoài ra còn đọc thêm bộ Pentateuch, năm quyển sách đầu của Moses làm thành kinh Torah, được coi là một công trình nhiệm mầu. Jossi và Yakov nghiên cứu thêm về những học giả Hậu Talmudic như Moses Maimonides và Rashi.
Anh em Jossi và Yakov trên đường từ chủng viện về nhà. Jossi vẫn còn suy nghĩ về những điều vừa học trong kinh Torah, trong khi đó Yakov vừa đi vừa nhẩy vui sướng. Trong túi hai anh em lúc nào cũng có một nắm đá cuội, đề phòng trường hợp bị kẻ khác bắt nạt. Gần đến nhà, Yakov nắm tay ông anh Jossi lại hỏi.
- Tối nay, có buổi họp trong tiệm của ông Jacohen.
- Tao cũng nghe nói tới.
- Anh có đi dự không?
- Không.
- Anh nên đi. Lần này có người từ Palestine đến nói chuyện.
Nghe nói đến có người đến từ Palestine, trong lòng Jossi bỗng rạo rưcï hẳn lên, nhưng ngại tính nóng nẩy của ông em.
Ngày 13 tháng Ba năm 1881, tai họa đến với người Do Thái ở Nga. Hoàng Đế (Czar) Alexander II bị quân nổi loạn đặt bom giết chết, và một thủ phạm bị bắt là một cô gái Do Thái. Nga Hoàng Alexander III lên ngôi được sự ưng thuận của Chính Thống giáo Hy Lạp, ra lệnh tiêu diệt dân Do Thái.
Tuần lễ Phục Sinh, ngày đăng quang của Alexander III, báo hiệu sự tàn sát bắt đầu. Trong các khu tập trung, giới lãnh đạo Do Thái họp hằng đêm tìm cách đối phó với thời cuộc mới. Yakov, người em nhỏ của Jossi, chỉ mơ ước được nổi loạn. Trong đầu Yakov đầy những hào quang của người Hebrew trong quá khứ, chàng mơ tưởng được chiến đấu bên cạnh Judah, như người Maccabees đánh đuổi quân xâm lăng Hy Lạp ra khỏi Judea. Thần tượng của Yakov là tu sĩ, được phong Thánh Tử Đạo Akiva, người bị quân La Ma lột da ở Caesarea. Theo Yakov, Akiva là một vị thầy, một học giả và cũng là một chiến sĩ.
“Giết bọn Do Thái”. Một viên đá được ném vào chủng viện làm vỡ cửa kính. Vị tu sĩ vội vàng đưa các chủng sinh ra đằng sau chủng viện để được an toàn. Ngoài đường phố, những người Do Thái vội vàng tìm chỗ trốn trước hàng ngàn quân cướp và thủ lãnh Cossacks. Đám đông hò hét ngoài đường “Giết bọn Do Thái! Giết bọn Do Thái!”.
Hai anh em Jossi và Yakov lẻn cửa sau, chạy về nhà. Họ đụng phải chừng chục người đội nón sinh viên trường đại học, học trò của Andreev. Nhờ đem theo túi đá cuội nên cả hai chạy thoát. Jossi, Yakov mở tung cửa tiệm (cũng là nhà), bên trong đồ đạc lăn lóc bừa bãi trên mặt đất. Cả hai lên tiếng gọi “Bố! Mẹ!”, “Bố! Mẹ!”, rồi tìm ra bà mẹ Rachel đang ngồi trong một góc nhà vẫn còn kinh khiếp, bà nói “Bộ kinh Torah. Bộ kinh Torah”.
Cùng lúc, Simon đang cố gắng vào trong đền thờ bị đốt để đem bộ kinh Torah ra. Ra đến nơi, lưng bị cháy xém, Simon quỵ xuống vẫn còn ôm trên tay bảo vật Torah. Bên ngoài đã có hai mươi đệ tử của Andreev đợi sẵn “Giết bọn Do Thái”. Đám sinh viên dùng gậy đập Simon nứt sọ, tiếp theo là những chiếc giầy đạp lên đầu.
Cả khu vực Do Thái đau buồn vì cái chết của Simon Rabinsky. Bà vợ Rachel gần như điên loạn, được đưa đến nhà bà con tịnh dưỡng. Hai anh em Jossi, Yakov đến đền thờ Do Thái hai lần mỗi ngày đọc kinh, cầu nguyện cho người cha.
Một tháng sau khi Simon chết. Giữa nửa đêm, trong khi Jossi đang ngủ say, Yakov dắt con dao nhọn vào nịt quần, lẻn ra ngoài khu vưcï Do Thái, đi đến viện đại học nơi giáo sư Andreev giảng dậy, cư ngụ. Jossi cũng chợt thức giấc, không thấy người em đâu, chàng hối hả thay quần áo, linh tính cho biết có chuyện chẳng lành sắp xẩy ra.
Đúng bốn giờ sáng, Yakov Rabinsky gõ cửa nhà vị giáo sư. Ông ta thức dậy ra mở cửa, Yakov rút dao đâm một nhát sâu vào cổ. Giaó sư Andreev kêu lên được một tiếng nhỏ rồi ngã lăn ra sàn chết. Vài phút sau, Jossi đến nơi, trông thấy Yakov vẫn còn đứng trước xác nạn nhân, chàng vội nắm tay em mình chạy đi.
Ngày hôm đó, hai anh em trốn trên căn gác xếp nhà tu sĩ (Rabbi) Lipzin. Tin giáo sư Andreev bị giết loan đi khắp nơi, đến khu tập trung Zhitomir. Các bậc trưởng thượng Do Thái họp gấp và thông báo cho tu sĩ Lipzin rằng, Jossi có mái tóc đỏ đã bị sinh viên trông thấy, và chuyện này có thể gây nguy hiểm cho tất cả người Do Thái. Tu sĩ Lipzin cho anh em Jossi biết “Ở đây (Nga Sô), luật pháp không bảo vệ người Do Thái. Hai anh em phải trốn đi, chúng tôi sẽ cung cấp tiền bạc, lương thực để hai anh em có thể sống trong vòng một tuần lễ… Nhớ là phải đi thật xa”.
Click for Section 4
Click for Section 4
No comments:
Post a Comment