PHẦN VIIB. TRẬN CHIẾN YOM KIPPUR
Trên các chiến trường, nơi phiá nam chúng tôi phải tập trung một lực lượng lớn trước khi mở một đợt phản công, đẩy lùi quân đội Ai Cập. Trên cao nguyên Golan Heights, chúng ta cần phải ra lệnh cho bộ tư lệnh Phương Bắc “không được lui”. Phải chiến đấu cho đến người cuối cùng chứ không được để mất một tấc đất. Theo nhận định của tôi, dành ưu tiên không lực cho bộ tư lệnh Phương Bắc tiêu diệt quân đội Syria, sau đó dồn mọi nỗ lực vào chiến trường trong bán đảo Sinai “quất xụm” quân đội Ai Cập. Những đề nghị này, tôi phải trình lên nữ Thủ Tướng Golda Meir quyết định và mời Tướng Elazar đi theo.
Chúng tôi gặp Golda Meir lúc 7 giờ 30 sáng hôm sau. Tôi đã biết người đàn bà can đảm, đầy nghị lực này từ nhiều năm qua. Vẫn điếu thuốc lá trên tay và ly cà phê đen trên bàn, rõ ràng bà ta thức cả đêm, lo lắng cho hiện tình đất nước. Tôi trình bầy vấn đề: ra lệnh cho bộ tư lệnh Phương Bắc “không được lui” và đưa Tướng Chaim Bar Lev lên thay Tướng Gonen làm tư lệnh bộ tư lệnh Phương Nam, cả hai điều vị nữ thủ tướng đều đồng ý.
Về vấn đề cầu viện người Hoa Kỳ đề có vũ khí thay thế cho những tổn thất trong những trận đánh vừa qua. Tôi báo cáo, người Nga vẫn tiếp tục đưa vũ khí, chiến cụ vào tiếp tế cho Syria và Ai Cập, chúng ta không còn cách nào hơn phải cầu cứu Hoa Kỳ nếu không Do Thái sẽ không còn viên đạn để chiến đấu. Golda Meir trả lời rằng bà sẽ bay qua Washington DC họp mật trực tiếp với Tổng Thống Nixon.
Qua ngày 10 tháng Mười, tôi mới hết lo, sợ quân lực Do Thái không đủ sức chống đỡ các mũi tấn công của địch. Quân đội Do Thái đã củng cố được phòng tuyến, biết tránh né những loại vũ khí chốïng chiến xa mới của Ai Cập. Địch quân bị tổn thất nhiều về nhân mạng và mất nhiều chiến cu nên khựng lại.
Mặc dầu nhà tôi trong khu Zahala cách bộ tổng tham mưu, bộ quốc phòng nơi tôi làm việc không tới mười phút lái xe, gần như tôi không ghé về thăm nhà. Ba người con tôi đã trưởng thành, lập gia đình và ở riêng. Yael làm việc trong một quân-y viện ở Tel Hashomer, con trai lớn Ehud phục vụ trong đơn vị Biệt Hải và con trai út Assaf là xạ thủ súng cối trong một lữ đoàn Nhẩy Dù.
Không như hai trận chiến trước đây, quân đội Ai Cập bị đánh bại, bỏ của chạy lấy người, quân đội Syria chưa có những dàn hỏa tiễn điạ-không SAM tối tân. Trận Yom Kippur đem lại nhiều mất mát, đau thương. Mỗi ngày, mỗi giờ đem lại những tin buồn, mất cha, mất con, mất bạn bè, mất thân nhân.
Nga Sô đã đem qua Ai Cập những chiến xa mới T-62 để thay thế loại chiến xa cũ T-34 và thiết vận xa BMD. Bộ binh địch được trang bị “hỏa tiễn cá nhân” đeo sau long để bắn chiến xa. Người Nga trang bị cho quân đội Ai Cập, Syria hỏa tiễn điạ-điạ, Frog tầm xa 50 dặm, mang đầu đạn chứa 1100 cân anh chất nổ. Phản lực cơ Mig của Nga Sô đem theo hỏa tiễn không-điạ bắn phá các mục tiêu trên mặt đất.
Trưa ngày 10 tháng Mười, tôi bay đi thăm Thiếu Tướng Yeshayahu (Shayke) Gavish, đang giữ chức vụ tư lệnh mặt trận phiá nam bán đảo Sinai, dưới quyền bộ tư lệnh Phương Nam. Từ bộ chỉ huy, tôi gọi máy, hỏi thăm tình hình các chiến trường. Tôi nêu lên hai vấn đề, quân đội Ai Cập có thể tiến quân dọc theo bờ keêh đào Suez tấn công vào phiá nam bán đảo Sinai. Thứ hai, khả năng đánh qua bên kia kênh đào Suez của chúng ta.
Đêm hôm trước, một lữ đoàn cơ giới thuộc sư đoàn 6 Ai Cập cố gắng tấn công xuống phiá nam. Trước khi lữ đoàn này đến Iyun Mussa, cách thành phố Suez mười dặm về hướng nam, họ đụng phải một đơn vị Dù có thêm hai mươi chiến xa và được không quân yểm trợ, đánh cho tơi bời phải rút lui. Lữ đoàn cơ giới Ai Cập rút lui, bỏ lại đoàn xe hơn một trăm chiến xa, xe bán xích sắt và xe quân vận (GMC) đa số bị phi cơ Do Thái bắn cháy. Quân đội Ai Cập vẫn chưa đưa được những dàn hỏa tiễn SAM về phiá đông dọc theo bờ kênh đào Suez nên trong vùng này, không lực Do Thái vẫn làm chủ bầu trời.
Vùng này kéo dài từ kênh đào Suez xuống Sharm El Sheikh, quân đội Ai Cập đã xử dụng không quân oanh kích một căn cứ quân sự và khu vực chứa dầu hỏa ở Abu Rudeis làm cháy ba kho chứa dầu, bẩy binh sĩ Do Thái thiệt mạng và bẩy người khác bị thương. Hoạt động đáng kể nhất của Ai Cập trong vùng này, xử dụng tầu đổ bộ, trực thăng đưa khoảng 700, 800 Biệt Động Quân vào đánh phá Ras Sudar, Abu Zneima. Các vụ chạm súng trong hai này 8, 10 tháng Mười, quân đội Do Thái bắn hạ một số và bắt sống 40 Biệt Động Quân Ai Cập. Ngày 9, phi cơ Do Thái bắn chìm hai tầu phóng thủy lôi và một trực thăng trong khu vực.
28. CHIẾN THẮNG
Đúng 11 giờ sáng ngày 11 tháng Mười, quân đội Do Thái bắt đầu khởi sự trận phản công theo kế hoạch hành quân đã soạn trước. Không lực Do Thái đánh phủ đầu các đơn vị Syria lúc đó đã được tăng cường thêm chiến xa từ các nước Ả Rập, Iraq, Jordan và Morocco. Tiếp theo, các đơn vị bộ binh, thiết giáp Do Thái tiến lên tấn công liên tục trong hai ngày 11, 12. Đến ngày 13 họ tạm dừng quân, củng cố lại những phần đất đã lấy được của Syria khoảng mười dặm dọc theo lằn ranh giới cũ, nhận thêm quân và tiếp liệu.
Thực sự, chúng tôi chỉ muốn đuổi quân đội Syria ra khỏi cao nguyên Golan Heights chứ không muốn đánh chiếm thủ đô Damascus của họ. Trong những chuyến thăm viếng mặt trận Syria, tôi bị xúc động nhìn thấy điạ dư, cảnh vật và cả con người đổi thay. Từ Kuneitra trở lên phiá bắc, cây cỏ, làmg mạc, nhà cửa bị thiêu rụi biến thành mầu đen. Những con đường đầy xác chiến xa, quân xa bị bắn cháy, tiêu hủy nằm ngổn ngang. Dọc theo hai bên đường là giòng suối người dân chạy giặc, những con lừa phải mang những gánh nặng, những người đàn bà đội gánh nặng quần áo trên đầu, tay bồng bế con thơ. Trên những cánh đồng, người già và các trẻ em lo lùa bầy gia súc, tài sản của họ đi theo đoàn người tản cư. Nét sợ hãi vẫn còn vương trên khuôn mặt của mọi người.
Sau khi đã đạt được mục tiêu nơi chiến trường phương bắc ngày 13 tháng Mười, trọng tâm của trận chiến được đưa về phiá nam. Trong buổi họp nơi bộ tư lệnh chiến trường Sinai, chúng tôi quyết định, mở một mũi dùi đánh qua bên kia bờ kênh đào Suez, trên phần đất Ai Cập. Tuy nhiên vẫn phải chờ thời gian chuẩn bị (tiếp vận, công binh thiết lập cầu nổi và những phương tiện để đưa quân qua bên kia kênh đào Suez), vả lại chúng tôi vẫn phải phòng thủ cho những đợt tấn công kế tiếp của quân đội Ai Cập. Quả nhiên trong hai ngày 13, 14 tháng Mười, quân đội Ai Cập mở trận tấn công mới và bị đẩy lui sau khi thêm 200 chiến xa bị bị Do Thái bắn cháy.
Biết được địch quân đã suy yếu, đêm 14 tháng Mười, bộ tư lệnh Phương Nam ban lệnh cho các đơn vị trực thuộc sửa soạn đánh qua bên kia kênh đào Suez. Giờ G (tấn công) đã được ấn định là 7 giờ tối ngày hôm sau. Mũi tấn công chỉa vào mục tiêu Deversoir nơi phiá bắc hồ Great Bitter Lake. Hai sư đoàn dưới quyền dưới quyền Arik và Bren được trao cho nhiệm vụ này. Một lữ đoàn Dù được chiến xa yểm trợ dưới quyền Chuẩn Tướng Danny Matt, được lệnh tấn công chiếm giữ chiếc cầu bắc qua kênh đào Suez. Sư đoàn dưới quyền Arik đi trước, đem theo công binh bắc thêm hai chiếc cầu nổi qua kênh, sau đó thanh toán các vị trí của địch trong vùng, an ninh cho các đơn vị bạn đổ quân vào đất Ai Cập. Sư đoàn dưới quyền Bren tiếp theo, băng qua phòng tuyến của sư đoàn Arik, sâu vào đất Ai Cập rồi rẽ về hướng nam, tấn công các mục tiêu dọc theo kênh đào Suez.
Sau khi duyệt xét kế hoạch hành quân, tôi thở ra nhẹ nhõm. Tôi hoàn toàn tin tưởng nơi Arik, sẽ thành công. Tôi đã biết Arik hai mươi lăm năm, khi tôi làm tư lệnh Phương Bắc năm 1952, ông ta là sĩ quan trưởng phòng quân báo. Một lần, nhận được lệnh từ bộ tổng tham mưu, bắt sống vài tù binh Jordan vì họ không chiụ trao trả tù binh Do Thái bị bắt. Đến chiều tối ngày hôm sau, Arik đem về mấy tù binh Lê Dương Ả Rập. Arik “tóm” được họ nơi chiếc cầu Sheikh Hussein trong thung lũng Jordan. Chuyện đã lâu, tôi không nhớ chi tiết, làm sao Arik bắt được mấy tù binh Lê Dương Ả Rập. Cả nước Do Thái đều biết danh tướng Arik Sharon như một huyền thoại, từ Thủ Tướng Ben Gurion, cho đến người lính binh nhì.
Tướng Arik Sharon có một điểm rất “nổi”, ông ta rất thương đàn em, binh sĩ thuộc cấp, thường hay cãi lệnh cấp chỉ huy. Arik có kiểu “đánh giặc” theo lối riêng của ông ta và lúc nào cũng chiến thắng. Trong vụ bắt tù binh Lê Dương Ả Rập, Tướng Dayan bị Tướng Yigael Yadin, tổng tham mưu trưởng khiển trách vì ông ta không chấp thuận cách cư xử đối với tù binh của Arik. Khi tướng Dayan lên làm tổng tham mưu trưởng, Arik Sharon vẫn “cóc cần” biết lệnh trên, đánh giặc theo kiểu riêng. Tướng Dayan trình chuyện Arik lên thượng cấp nhưng Thủ Tướng Ben Gurion đều bỏ qua “Ờ, Ờ, Nhưng mà…”
Thủ Tướng Ben Gurion rất quý trọng ba vị Tướng, Chaim Laskov, Assaf Simhoni và Arik. Cả ba người đều là những quân nhân tài giỏi và trong “ánh mắt” của Ben Gurion, họ là những người Do Thái trong giấc mơ: một người đàn ông sắt thép, một chiến sĩ can đảm, tự tin, hãnh diện về dòng máu Do Thái của mình. Vị cựu thủ tướng không thích bàn luận với các giáo sĩ Do Thái Talmudic mặc dầu rất kính trọng họ. Ông ta không thích nghe những chuyện dân tộc bị đầy đọa hai ngàn năm, nhưng hãnh diện về nước Do Thái trong thời kỳ Ngôi Đền Thứ Nhất (First Temple) khoảng thế kỷ thứ sáu trước Thiên Chuá. Trong thời kỳ phồn thịnh này, dân tộc Do Thái được sống trên mảnh đất Thượng Đế ban cho họ, trồng trọt cầy cấy, bảo vệ đất nước, nền độc lập, nói tiếng “Mẹ Đẻ”, xây dựng nền văn hóa cho dân tộc. Trong “ánh mắt” của Ben Gurion, các Tướng Chaim, Assaf và Arik là những người Do Thái trong giấc mơ.
Tôi chưa từng biết một danh tướng nào tài giỏi hơn Arik Sharon. Tôi đã đề cử Arik lên nắm quyền chỉ huy những đơn vị lừng danh như Nhẩy Dù, đơn vị 101. Ông ta luôn luôn làm theo ý mình, bất chấp lệnh thượng cấp, tôi đã phê bình chỉ trích Arik và chúng tôi đã cãi nhau nhiều “trận đổ lửa”. “Đánh bại quân Ả Rập là một chuyện… Anh vẫn phải học hỏi làm thế nào để sống với người Do Thái nữa”. Nhiều lần tôi chỉ muốn “giết” ông ta… và tôi biết chắc chắn một điều người Ả Rập muốn là “Arik là người đáng giết”.
Trận phản công quyết định này, Bar Lev, Arik và Bren phải tính toán cẩn thận, đánh cho đẹp nếu không đó là cuộc “tự sát tập thể”. Quân đội Ai Cập vẫn còn 700 chiến xa nơi phiá bên kia bờ kênh, 650 chiến xa khác bên này, trong bán đảo Sinai. Trên không, Ai Cập có 500 chiến đấu cơ, Syria có 250, kể cả 130 chiến đấu cơ từ các quốc gia Ả Rập qua tăng cường.
Tôi bay xuống bộ tư lệnh tiền phương Nam ngày 15 tháng Mười, thăm viếng các đơn vị và để mục kích trận phản công, đánh qua đất Ai Cập đã được ấn định trước lúc 7 giờ tối. Cùng với vị tổng tham mưu trưởng trong bộ tư lệnh tiền phương, theo dõi danh tướng Arik trong quân sử Do Thái, mở màn trận phản công đánh xuyên qua phòng tuyến Ai Cập, chiếm Deversoir. Theo kế hoạch hành quân, phi pháo được lệnh bắn phá dọn đường cho chiến xa tiến lên. Khi đoàn chiến xa Do Thái tiến đến bờ kênh đào Suez, lữ đoàn Dù dưới quyền Danny Matt sẽ vượt kênh bằng xuồng cao su, các chiến xa được chuyên chở qua sau. Suốt đêm, các dụng cụ làm cầu nổi cùng với Công Binh sẽ ra đến bờ kênh để thiết lập cấp tốc hai chiếc cầu trước khi trời sáng.
Một tiếng rưỡi đồng hồ trôi qua, tôi điện thoại cho Arik, nói ông ta cho một xe Jeep đến chở tôi đi theo bộ chỉ huy tiền phương của ông ta. Arik trả lời, đường vẫn còn bị đóng chốt, chưa đi được. Tôi biết Arik luôn luôn đi sát với binh sĩ nơi tuyến đầu, yêu cầu khi nào đánh xuyên qua phòng tuyến địch, nhớ cho tôi đi theo. Đoàn chiến xa thuộc sư đoàn của Arik dựa vào ánh sáng loé lên do đạn pháo binh nổ tiến lên. Đạn lửa bay sáng mặt hồ Great Bitter Lake, cùng với tiếng nổ như trong đêm giao thừa.
Suốt đêm, những tin tốt, xấu gửi về tới tấp. Arik báo cáo đã tiến đến bờ kênh Suez nơi sẽ dùng xuồng cao su cho quân Dù băng qua tấn công. Tin xấu, con đường cho đơn vi Công Binh cùng với dụng cụ làm cầu nổi bị địch quân cắt đứt không tiến lên được. Vị tổng tham mưu trưởng Tướng Elazar, tư lệnh Phương Nam Tướng Bar Lev (vừa thay Tướng Gonen) và tôi đều đồng ý, vẫn tiếp tục tấn công băng qua kênh, không chờ đơn vị Công Binh. Đúng 1 giờ 30 phút sáng ngày 16 tháng Mười, sĩ quan hành quân của Arik báo cáo “Đơn vị Dù dưới quyền Danny Matt đã xuống nước”, và vài phút sau “Quân Dù đã qua được bên kia bờ kênh đào”. Mọi người trong bộ tư lệnh tiền phương Nam cũng như tôi đều không dấu được cảm xúc, tim tôi đập mạnh hơn và nhanh hơn.
Đúng 6 giờ 15 phút sáng, nữ Thủ Tướng Golda Meir gọi điện thoại hỏi thăm tình hình chiến trường. Quá mừng, tôi muốn báo cáo ngay cho vị nữ thủ tướng nhưng muốn để cho bà ta được ngủ an giấc. Kể từ khi xẩy ra trận chiến Yom Kippur, cấp lãnh đạo ở Do Thái không ai được ngủ yên. Tôi báo cáo tin xấu trước, hai chiếc cầu nổi vẫn chưa xong, đơn vị Công Binh bị kẹt đường, do một số đơn vị Ai Cập “đóng chốt”. Hy vọng sẽ giải tỏa con đường để đưa Công Binh ra bờ kênh đào Suez, trong ngày hôm nay. Tiếp theo tôi báo cáo quân Dù của Danny Matt đã ở bên kia bờ kênh. Golda Meir lo ngại họ bị cắt đứt đường về và trả lời sẽ đem chuyện này ra trong buổi họp nội các.
Khi trời vừa sáng, đã có nhiều phà chở quân, chiến xa qua bên kia kênh Suez tăng cường sức mạnh cho cánh quân Dù. Đúng 8 giờ 30 phút sáng, các “chốt” vẫn chưa nhổ xong, vị tổng tham mưu trưởng phải trở về Tel Aviv thuyết trình diễn tiến hành quân trong phiên họp của nội các. Tôi muốn ở lại chiến trường, đi thăm sư đoàn của Bren, ông ta đã sửa soạn cười vui.
Dưới quyền ông ta có ba lữ đoàn, nếu các cầu nổi đã bắc xong từ đêm qua, sư đoàn của ông ta đã qua bên kia bờ kênh. Con đường vẫn bị kẹt, do đó Bren được lệnh mở một con đường khác đưa Công Binh ra bờ kênh. Cùng lúc đó, ba mặt trận lớn bùng nổ. Quân Dù của Danny Matt có thêm 28 chiến xa dưới quyền Arik đang chiến đấu bên kia bờ kênh, họ được lệnh chiếm đầu cầu, mở rộng ra, bảo đảm an ninh khu vực xung quanh chiếc cầu. Phần còn lại của sư đoàn Arik đang chiến đấu giữ phần đất bên này bờ kênh (phiá Do Thái để bảo vệ đường tiếp viện cho cánh quân Danny Matt). Có thể phiá Ai Cập vẫn chưa biết ý định của Do Thái, họ cho rằng, quân Dù tấn công bất ngờ rồi lại rút về, không biết rằng các sư đoàn của Do Thái sẽ tràn vào đất Ai Cập, khi Công Binh đã lập xong các chiếc cầu nổi.
Mặt trận thứ ba do sư đoàn dưới quyền Bren đảm trách. Ba lữ đoàn của Bren đẩy ba mũi dùi lên tấn công quân đoàn II Ai Cập để gải tỏa những lộ trình đi đến kênh đào Suez, đồng thời ngăn cản không cho quân đoàn III địch đưa quân lên tăng viện khu vực Do Thái băng qua kênh đào Suez. Mặt trận này bùng nổ dữ dội hơn hai mặt trận Arik và Danny Matt.
Bộ tư lệnh tiền phương của Bren đặt trên hai xe bán xích sắt và mấy xe Jeep di chuyển lên một ngọn đồi cát nhìn xuống khu vực kênh đào Suez cách khoảng bẩy dặm. Khi tôi đến thị sát chiến trường, nước từ kênh đào bốc lên bao phủ mặt đất như một làn sương mỏng. Nhưng khi hai lữ đoàn dưới quyền Natke và Gabi nổ súng tấn công, làn sương tan biến đi, nhìn rất rõ bãi chiến trường mà không phải dùng ống nhòm. Trên con đường dài, đoàn quân xa Do Thái bị pháo binh Ai Cập bắn phá dữ dội. Mấy chiến xa mở đường tiến lên bị địch quân trong chiến hào xử dụng hỏa tiễn Sagger bắn cháy. Từng chiếc xe quân đội Do Thái trúng đạn pháo binh bốc cháy bùng lên, họ phải bỏ xe chạy vào tránh đạn trong những cồn cát.
Bren điều động một lữ đoàn lên đánh vào sườn phòng tuyến Ai Cập nhưng cũng không thành công. Quân đội Ai Cập đã đào hầm hố, công sự phòng thủ chắc chắn, bố trí súng chống chiến xa, hỏa tiễn bắn hạ tất cả những chiến xa Do Thái nào lên gần đến phòng tuyến của họ. Trận đánh kéo dài đến tối, số thương vong của Do Thái càng lúc càng gia tăng. Cả hai vị lữ đoàn trưởng báo cáo lên tư lệnh sư đoàn rằng họ không thể nào lên được. Bộ tham mưu sư đoàn họp gấp và yêu cầu được tăng cường một đơn vị bộ binh lên tấn công mục tiêu vào ban đêm để tránh hỏa lực của địch. Bộ tư lệnh Phương Nam điều động một tiểu đoàn thuộc lữ đoàn Dù dưới quyền Uzi đến chiến trường bằng trực thăng để làm nhiệm vụ tấn công. Tôi chúc Bren may mắn, rời mặt trận phiá nam trở về Tel Aviv.
Đến 7 giờ 20 phút sáng hôm sau, tôi gọi điện thoại cho Tướng Bar Lev tư lệnh Phương Nam, nghe được giọng nói vui mừng. Đã mở được con đường! Uzi và Bren đã hoàn thành nhiệm vụ đêm qua. Bren đã đưa được mấy chiếc phà xuống nước (kênh đào Suez). Bộ tư lệnh Phương Nam báo cáo đó là trận đánh khó khăn, gay go và đẫm máu nhất. Tiểu đoàn Dù của Uzi sau khi hoàn thành nhiệm vụ đã kiệt sức, được một đơn vị Thiết Giáp vào đưa ra khỏi vùng hành quân.
Tiểu đoàn Dù được trực thăng “bốc” từ phiá nam bán đảo Sinai đưa vào vùng hành quân lúc 10 giờ đêm. Sau khi chuẩn bị xong, họ bắt đầu tấn công vào phòng tuyến Ai Cập lúc 12 giờ đêm. Trước đó Do Thái chỉ nghĩ rằng, địch quân tổ chức những toán “diệt xe tăng”, khi quân Dù đánh vào mới biết đó là một phòng tuyến với nhiều lớp chiến hào, công sự phòng thủ vững chắc, vừa có chiều sâu nên đánh vào sườn hai bên cũng không có hiệu quả. Hai sĩ quan đại đội trưởng tử trận, một người bị thương. Khi hết sĩ quan chỉ huy đại đội, các hạ sĩ quan thâm niên tự động lên thay cấp chỉ huy, tiếp tục tấn công. Quân Dù đánh qua được phòng tuyến đầu đụng phải phòng tuyến thứ hai, số thương vong lên cao, họ gọi pháo binh yểm trợ, rồi yêu cầu cho một đơn vị khác lên thay. Gần 4 giờ rưỡi sáng, chiến xa Do Thái được lệnh vào tiếp cứu đơn vị Dù.
Gần đến mục tiêu, đơn vị Thiết Giáp yêu cầu quân Dù đánh dấu vị trí bằng khói mầu để tránh bắn lầm. Các binh sĩ Dù trải dài ra từng nhóm 15, 20 người, trú ẩn sau những đụn cát giữa hai phòng tuyến. Trước mặt họ, cách khoảng 50 thước, hàng trăm binh sĩ Ai Cập võ trang súng chống chiến xa RPG (B-40, B-41), tiểu liên xung kích AK-47 Kalatchnikov và kính hồng ngoại tuyến.
Các chiến xa Ai Cập ra nghênh chiến được vài phút rồi rút lui, tuy nhiên các loại súng tiểu liên, đại liên, B-41 từ nơi phòng tuyến Ai Cập nổ dữ dội làm bác sĩ và hai y tá tử thương. Các chiến xa Do Thải xông thẳng vào ủi xập phòng tuyến, bắn phá dữ dội, che chở cho các thiết vận xa vào đem xác, thương binh Nhẩy Dù ra. Năm chiến xa và hai thiết vận xa trúng đạn (hỏa tiễn) B-41 bốc cháy, đoàn chiến xa Do Thái còn lại bắt đầu rút lui. Quân đội Ai Cập cũng bị tổn thất nặng, sợ bị tấn công tiếp nên bỏ con đường, rút sâu vào bên trong. Những đơn vị còn lại dưới quyền Bren tiến lên, đem theo phà đến kênh đào Suez.
Tôi liên lạc với Arik, yêu cầu ông ta đến họp nơi bộ chỉ huy tiền phương của Bren. Arik đến lúc 12 giờ 30, nửa tiếng đồng hồ sau vị tổng tham mưu trưởng cũng xuống đến nơi để họp, duyệt xét kế hoạch hành quân. Chúng tôi di chuyển đến một đụn cát gần đó không cho binh sĩ lại gần. Sau đụn cát, các tướng lãnh hàng đầu cuả Do Thái, Elazar, Bar Lev, Arik, Bren và tôi (Dayan), kẻ ngồi bệt trên bãi cát, người nằm, bàn thảo kế hoạch hành quân trên tấm bản đồ lớn đặt trên cát. Người nào cũng đóng góp ý kiến, tuy nhiên có sự bất đồng giữa Elazar, Bar Lev (tổng tham mưu trưởng, tư lệnh Phương Nam) đứng về một phiá và Arik. Arik phân tích, nhận định chiến trường gần như luôn luôn khác với các tướng lãnh đàn anh khác. Arik cho rằng các vị tướng lãnh đàn anh “kỳ thị”, không tin những lời báo cáo của ông ta. Ngược lại, các vị tướng lãnh, cấp chỉ huy của Arik cho rằng ông ta không tuân lệnh thượng cấp, thường thi hành nhiệm vụ theo ý kiến cá nhân, và vi phạm những điều căn bản kỷ luật quân đội.
Arik đến họp hành quân, trên trán quấn một lớp băng, bị thương do mảnh đạn đạn pháo kích, khuôn mặt đầy nét gió sương, chứng tỏ đánh giặc ngày đêm. Sư đoàn dưới quyền Arik chiến đấu rất dũng cảm, chịu nhiều tổn thất nhất, nhưng ông ta vẫn không chiụ để cho đơn vị khác lên thay thế. Một lữ đoàn của Arik đã qua được kênh đào Suez, chiếm được chiếc cầu bắc qua kênh và nhất quyết giữ không cho quân đội Ai Cập lấy lại mặc dầu đã tổn thất hơn 200 binh sĩ. Trong lữ đoàn dưới quyền Amnon, tất cả các sĩ quan đại đội trưởng đều tử trận hai lần: đại đội trưởng và sĩ quan khác lên thay. Lữ đoàn đang xử dụng lớp đại đội trưởng thứ ba.
Câu hỏi đầu tiên được nêu lên giữa các vị tướng lãnh, sư đoàn của Bren có “vượt biên” ngay sau khi cầu nổi đã lập xong? Tôi đồng ý điểm này mặc dầu vẫn lo ngại, địch sẽ tìm cách phá hủy cầu bằng không quân, pháo binh hoặc tấn công bằng chiến xa, bộ binh. Tướng Bar Lev không đồng ý, cho rằng một phần sư đoàn vẫn còn đang giao tranh với địch bên này kênh, vả lại đơn vị cần tái tiếp tế lương thực, đạn dược trước khi băng qua kênh Suez. Trong khi đó địch quân pháo kích dữ dội nơi đầu cầu, Công Binh báo cáo không thể làm xong cầu nổi lúc 11 giờ sáng, đến chiều mới xong. Điều này chấp nhận được, hy vọng lúc đó sư đoàn của Bren đã thanh toán xong mục tiêu bên này kênh.
Arik không đồng ý, theo như ông ta biết, một đơn vị Ai Cập đang được củng cố cách điểm “vượt tuyến” khoảng sáu dặm, như vậy chúng ta phải tiến quân qua kênh thật nhanh rồi mở rộng ra trược khi quân Ai Cập kéo lại vây kín chỗ băng qua kênh. Trong số 30 chiến xa dưới quyền Arik đã qua kênh, ba chiếc đã trúng hỏa tiễn bốc cháy và ông ta muốn tiếp tục đưa những chiếc còn lại qua kênh để tấn công. Bộ tư lệnh Phương Nam đã không cho phép.
Cuối cùng tướng Bar Lev đồng ý cho thêm mấy chiếc để nâng số quân đã ở bên kia lên cấp lữ đoàn, số còn lại phải chờ cho đến khi công binh đã xây xong chiếc cầu nổi. Arik chống lại nhưng vị tổng tham mưu trưởng Elazar cũng đồng ý với vị tư lệnh Phương Nam.
Bren cũng muốn đưa sư đoàn qua bên kia bờ kênh đào Suez sớm, ông ta hứa hẹn sẽ “dứt điểm” trận đánh đang xẩy ra nhanh chóng để “xuất ngoại” qua đất Ai Cập vào buổi tối. Lúc đó đả 2 giờ chiều, tôi đi theo Arik trở lại điểm “vượt biên” của sư đoàn Arik.
Khu vực Arik làm cầu đã bị địch biết từ lâu, xử dụng pháo binh bắn phá liên tục. Giữa tiếng nổ của hai viên đạn đại bác, quân Do Thái tiếp tục làm việc, di tản thương binh, thay những chiếc phà bị trúng đạn pháo kích hư hại. Công binh đem xe ủi đất đến ủi bãi cho hai bên bờ kênh thoai thoải trước khi bắc cầu. Sư đoàn dưới quyền Arik tiếp tục đưa người, chiến cụ “qua sông”. Trong một góc riêng, tù binh Ai Cập bị bắt giữ, có người bị thong ngồi nằm trong lớp hàng rào kẽm gai, có lính canh gác. Họ nhận ra tôi (cả thế giới, đặc biệt khối Ả Rập đều biết danh tướng “Độc Nhãn) lên tiếng chào, xin thuốc lá, thuốc men.
Tôi đi theo Arik qua bờ bên kia, điạ dư thật là khác biệt, trong bán đảo Sinai toàn là đất cát sa mạc, trên đất Ai Cập, cây cỏ được chăm sóc xanh tươi. Nước ngọc tưới rau cỏ được một kênh đào nhỏ dẫn nước từ giòng sông Nile ra đến Ismailia, thành phố Suez.
Ở “Châu Phi - Africa”, Arik ám chỉ Ai Cập (khinh miệt), muốn chúng tôi lên trên một chiến xa nhưng tôi muốn đi bộ một quãng. Binh sĩ Dù nằm bố trí xung quanh cùng với vũ khí, trang bị, trông họ mệt mỏi, nhiều người nhắm mắt nằm lấy lại sức. Từ xa xa, sâu trong đất Ai Cập, rải các vài chiến xa trong đội hình tác chiến. Arik cho tôi biết, đơn vị Dù dưới quyền Danny Matt còn lại 7 chiến xa nằm giữ đầu cầu, số còn lại hơn hai mươi chiếc được đưa lên bố trí nơi tuyến đầu. Đêm qua họ bắn gục 20 chiến xa và tiêu hủy hai dàn hỏa tiễn phòng không của địch.
Khi tôi quay trở về bên kia kênh đào Suez, chiếc cầu đã xong, những chiếc phà nối với nhau từ bên này qua bên kia bờ kênh. Lúc đó đã 4 giờ chiều, tôi trở về bộ tư lệnh tiền phương Nam, hỏi thăm tình hình rồi về thủ đô Tel Aviv.
Bren đã giữ đúng lời hứa, hơi “mất thì giờ” chậm một chút nhưng đánh rất đẹp. Đơn vị chiến xa của Bren bắn cháy 50 chiến xa trong lữ đoàn thiết giáp Ai Cập mà không bị một tổn thất nào về chiến xa! Đúng 10 giờ đêm, sư đoàn dưới quyền Bren bắt đầu băng qua kênh Suez và đến 6 giờ sáng hôm sau đã thọc sâu vào đất Ai Cập sáu dặm. Quân của Bren tiến theo mũi dùi, mũi thứ nhất đâm sâu vào đất địch, mũi thứ hai tiến dọc theo bờ kênh, xuống tấn công căn cứ không quân Ai Cập ở Fayid. Tôi hỏi Tướng Bar Lev “Mọi chuyện tốt đẹp chứ?”. Mới đầu ông trả lời “Đúng vậy!” sau đó thêm cho chắc chắn theo kiểu Bar Lev (rất cẩn thận lời nói) “mình sẽ biết rõ trong vòng 48 tiếng đồng hồ sắp tới”
Tôi đi thị sát bãi chiến trường “Cánh đồng người Tầu – Chinese farm”, nằm giữa hồ Great Bitter Lake và Ismailia. Nơi đây là chỗ làm phân bón cho nông nghiệp, có hào sâu dẫn nước và dinh thự lớn, trong đó có một căn hai tầng lầu. Trong trận chiến Sáu Ngày năm 1967, quân đội Do Thái đã đến đây, trông thấy chữ tầu trên ống dẫn nước, máy móc nên gọi là “Cánh đồng người Tầu”. Chúng tôi cho rằng, chuyên viên canh nông Tầu qua đây xây dựng một nông trại kiểu mẫu để thí nghiệm việc trồng trọt, cầy cấy. Trên thực tế chưa có người Tầu nào bén mảng đến khu vực này, chính quyền Ai Cập xây dựng nông trại để thí nghiệm và dụng cụ mua từ bên Nhật, đó là chữ Nhật chứ không phải chữ Tầu.
Trận chiến nơi đây lớn nhất, quân đội Do Thái cũng bị thiệt hại nặng nhất. Quan sát bãi chiến trường, tôi không dấu được nỗi xúc động. Xác chiến xa Do Thái Ai Cập bị bắn cháy nằm ngổn ngang khắp nơi, chỉ cách nhau vài thước. Xe chở đồ tiếp liệu trúng đạn phải bỏ lại. Các dàn hỏa tiễn điạ-không SAM-2, SAM-3 với hệ thống điều khiển đào xâu dưới đất cũng bị bỏ lại, có hỏa tiễn còn nguyên, chiếc khác bị trúng đạn chẩy nước mầu vàng (nhiên liệu hóa học cho động cơ hỏa tiễn). Tôi đi xem xét từng chiến xa bị cháy hy vọng sẽ không phải chứng kiến xác lính Do Thái nằm dưới khối sắt cháy đen. Tim tôi đập mạnh hơn, quá nhiều… Tôi đâu phải tân binh, nhìn thoáng qua là biết ngay xác “quân ta”.
Những ngày kế tiếp sau khi quân đội Do Thái đã đánh qua bên kia bờ kênh Suez, vẫn còn những trận đánh lớn trên cả hai phần đất. Quân Ai Cập vẫn còn 1000 chiến xa, tuy nhiên lúc đó họ phải trải quân ra để phòng thủ (như trường hợp QLVNCH trước đây). Điểm vượt kênh của Do Thái ngay chính giữa lằn ranh giới phân chia khu vực trách nhiệm giữa hai quân đoàn II nơi hướng bắc Ismailiavà quân đoàn III về phiá nam của Ai Cập. Bên kia kênh, trong bán đảo Sinai, Ai Cập rải quân làm thành một vòng cung phòng thủ chạy dài hàng trăm dặm. Quân đội Do Thái đã bước qua giai đoạn chủ động, tấn công.
Ngày 19 tháng Mười, đại sứ Do Thái ở Washington cho biết, đã có những cuộc mật đàm giữa Hoa Kỳ và Nga Sô để đi đến ngưng bắn. Như vậy trận chiến Yom Kippur sắp kết thúc, tôi mời vị tổng tham mưu trưởng và các vị tướng lãnh cao cấp đến họp vào buổi sáng. Chúng tôi đi đến quyết định phải đánh chiếm Đồi Hermon (Mount Hermon) trên chiến trường Syria và “lấn đất”, thiết lập lằn ranh giới với Ai Cập. Tôi trình bầy ý kiến với nữ thủ tướng Golda Meir và cho biết chỉ tấn công giới hạn, không đến thủ đô Cairo của Ai Cập.
Sau đó tôi bay về hướng nam đến thăm Arik, lúc đó là 11 giờ 30 ngày 19 tháng Mười. Tôi muốn đến bộ chỉ huy tiền phương của Arik bên kia kênh đào Suez bằng trực thăng nhưng viên phi công không tìm được bãi đáp, bay qua lại nhiều lần vẫn không tìm ra chỗ trống. Tôi ra lệnh bay ra chỗ khác để tránh đạn phòng không, đáp xuống nơi phiá bắc hồ Great Bitter Lake rồi dùng xe đi đến chỗ Arik. Khi gần đến đầu cầu nổi qua đất Ai Cập, đoàn quân xa Do Thái chuyển quân, chở đồ tiếp liệu, vũ khi đạn được bị kẹt thành hàng dài. Bất ngờ, pháo binh Ai Cập lại nổ dồn dập làm nhiều quân xa trúng đạn bốc cháy, không thể tiếp tục cuộc hành trình được. Tiếp theo là các phản lực cơ Mig của địch lao xuống tấn công đoàn xe và chiếc cầu làm tài xế phải bỏ xe chạy đi tìm chỗ trú ẩn trong những hầm hố dọc hai bên đường. Aryeh viên sĩ quan tùy viên thúc dục tôi trở về Tel Aviv.
Qua ngày hôm sau thứ Bẩy 20 tháng Mười, tôi lại càng may mắn hơn nữa. Tôi đi thăm bộ chỉ huy tiền phương của ba sư đoàn lúc đó đã trên phần đất Ai Cập. Ba vị tướng tư lệnh sư đoàn là Arik, Bren và Thiếu Tướng Kalman Magen, người thay thế Thiếu Tướng Albert Mandler, tử trận trong ngày thứ tám của trận chiến. Tôi biết nhiều về Thiếu Tướng Mandler, một quân nhân can đảm tài ba, sắp lên làm tư lệnh các đơn vị Thiết Giáp. Ông ta tử trận lúc chỉ huy đơn vị băng qua kênh đào Suez.
Trong chuyến thị sát mặt trận này, tôi thúc dục Arik, Bren và Magan phải đánh chiếm các mục tiêu nhanh chóng vì sắp xửa có lệnh ngưng bắn. Tôi cho họ biết Kissinger đã qua Moscow và người Nga đang cố gắng thuyết phục Hoa Kỳ ép Do Thái ký hiệp định ngừng bắn, trở về lằn ranh giới cũ. Trong khi đó Nga Sô, Libya, Algeria và Tiệp Khắc tiếp tục đem qua Ai Cập số lượng chiến cụ lớn, vũ khí, chiến xa và những dàn hỏa tiễn điạ-không mới.
Ngày 21 tháng Mười, trong lúc thăm viếng chiến trường nơi kênh đào Suez, tôi yêu cầu được gặp Đại Tá Uzi Ya’iri, lữ đoàn trưởng Dù chỉ huy đơn vị trong trận tấn công “Cánh Đông Người Tầu”. Ông ta là một quân nhân “Thượng Hạng”, thẳng thắn và có tinh thần trách nhiệm, lần này trông thấy Uzi mệt mỏi, xuống dốc qua những trận đánh kinh hồn vừa qua. Cùng đi với tôi có Tướng Chaim Bar Lev lúc đó đang chỉ huy các đơn vị trong vùng phiá nam bán đảo Sinai, vỗ vai, an ủi Uzi “Uzi, đơn vị của anh bị “nặng” nhưng anh đã khai thông được con đường”. Uzi bình thản trả lời “Không phải đơn vị tôi mà là Thiết Giáp”
Bẩy giờ tối hôm đó, tôi gặp vị nữ thủ tướng để báo cáo tình hình chiến trường rồi trở về phòng làm việc. Hai tiếng đồng hồ sau, Golda Meir điện thoại yêu cầu tôi tới gặp bà ta gấp. Vừa vào phòng, Golda Meir nói ngay “Kết thúc! Ngưng bắn. Ba giờ sáng mai (giờ Do Thái), Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc sẽ họp để chấp nhận giải pháp ngưng bắn do Hoa Kỳ và Nga Sô đề xướng. Cả hai bên đều phải ngưng tiếng súng 12 tiếng đồng hồ sau khi lệnh ngưng bắn của Liên Hiệp Quốc được thông báo”. Tổng Thống Nixon đã yêu cầu chúng ta chấp nhận. Nội các sẽ họp lúc 12 giờ đêm để trả lời Tổng Thống Nixon.
Để chiếm được nhiều đất đai của địch càng nhiều càng tốt, quân đội Do Thái được lệnh đánh chiếm rặng núi Hermon (Syria) ngay buổi chiều và chiếm được mục tiêu vào trưa ngày hôm sau 22 tháng Mười. Cũng trong ngày hôm đó, tôi “nhắc nhở” tướng Bar Lev đánh chiếm Jebel Ataka nơi hướng tây vịnh Suez, cắt đường tiếp vận của quân đội Ai Cập từ Ismailia ra đến vịnh, cô lập quân đoàn III của Ai Cập.
Lúc 2 giờ 30 chiều, đài phát thanh Cairo thông báo Tổng Thống Anwar Sadat đã chấp nhận lệnh ngưng bắn, có hiệu lực vào lúc 6 giờ 58 phút chiều. Tuy nhiên trên chiến trường cả hai bên đều cố gắng “dành dân lấn đất”. Đến buổi tối ngày 23 tháng Mười, sư đoàn dưới quyền Bren đã bao vây quân đoàn III Ai Cập và thành phố Suez. Đến lúc đó cả Ai Cập lẫn Syria nhận thức rằng họ không hy vọng chiến thắng… Thành phố Suez xắp rơi vào tay quân đội Do Thái và quân đoàn III đã bị cô lập.
Sau nửa đêm ngày 23 tháng Mười, Tướng Silasvuo chỉ huy trưởng lực lượng giám sát Liên Hiệp Quốc từ Ai Cập bay qua Do Thái. Tôi yêu cầu quân đội Ai Cập và Syria phải ngưng tiếng súng vào lúc 7 giờ sáng ngày hôm sau 24 tháng Mười. Đứng 7 giờ sáng hôm sau, hai nước Ả Rập vẫn chưa trả lời “tối hậu thư” nhưng Tướng Silasvuo đến văn phòng gặp tôi. Tôi trải tấm bản đồ ra, chỉ cho ông ta biết những mục tiêu quân đội Do Thái đã lấy được, trong đó có Jebel Ataka và hải cảng Adabiah trong vịnh Suez. Tướng Silasvuo tức tốc bay trở lại Ai Cập và lúc 8 giờ 45 phút, phụ tá của ông ta ở Jerusalem, Đại Tá Hogan gọi điện thoại cho tôi… Ai Cập đã “Đồng ý, đồng ý, đồng ý”. (Quân đội Ai Cập ngoài chiến trường đôi khi báo cáo láo, chính phủ không biết thực tế nơi chiến trường)
Nội các Do Thái họp ngay buổi tối hôm đó để duyệt xét tình hình. Người Ai Cập đã không biết rằng Lực Lượng Quốc Phòng Do Thái sẽ “đẩy lui quân thù ngay trước cổng”, câu nói trong kinh thánh Isaiah 28:6. Trên thực tế, quân đội Do Thái không ở nơi cửa ngõ vào thành phố Do Thái mà là Jebel Ataka của người Ai Cập.
No comments:
Post a Comment