PHẦN V. TRẬN CHIẾN SÁU NGÀY
17. THỜI GIAN CHỜ ĐỢI LÂU DÀI 1
Trong đêm Chủ Nhật 14 tháng Năm 1967, vận động trường Jerusalem đang chuẩn bị trang hoàng để mừng lễ Độc Lập 19 năm, tin tình báo cho biết Ai Cập đã đưa những đơn vị cỡ lớn qua kênh đào Suez, vào bán đảo Sinai. Ba ngày sau, Tổng Thống Ai Cập Nasser yêu cầu quân đội Liên Hiệp Quốc ra khỏi khu vực trấn đóng. Họ đã ở đó, dọc theo biên giới Sinai và dải Gaza từ năm 1956, sau chiến dịch Sinai. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đồng ý và trong vài ngày sau, 80000 quân Ai Cập cùng với 800 chiến xa đổ xô vào bán đảo Sinai. Đạo quân này tiến dần về biên giới Do Thái.
Ngày 22 tháng Năm, Nasser tuyên bố phong tỏa thủy lộ Tiran, không cho phép tầu bè ra vào Do Thái. Sau chiến dịch Sinai, trước khi rút quân ra khỏi Sharm El Sheikh, Do Thái đã tuyên bố, nếu Ai Cập phong tỏa thủy lộ Tiran có nghiã là hành động gây chiến. Ngày 26, Nasser lại tuyên bố có ý định tiêu diệt Do Thái. Bốn hôm sau, Quốc Vương Jordan liên minh, đặt quân đội mình dưới quyền chỉ huy của Ai Cập. Tiếp theo là Iraq, Kuwait và Algeria đưa quân vào tăng cường cho Ai Cập trong bán đảo Sinai. Đến những ngày đầu tháng Sáu, Do Thái đã bị quân đội các nước Ả Rập bao vây tứ phiá. Khối Ả Rập nhiều hơn gấp bội về quân số, chiến xa, đại bác và phi cơ. Trước mắt thế giới, số phận quốc gia Do Thái kể như đen.
Bên trong Do Thái đã có lệnh động viên từng phần (sau đó là tổng động viên), đưa quân trừ bị ra phòng tuyến. Họ ra đơn vị chờ đợi lo âu không biết chuyện gì sẽ xẩy ra, Do Thái sẽ tấn công trước hay đợi địch đến tấn công. Trong các bộ tư lệnh, bộ chỉ huy, các kế hoạch hành quân được đem ra xem xét lại, tu bổ thêm những chi tiết mới nhất. Chính quyền Do Thái dưới sự lãnh đạo của Thủ Tướng Levi Eshkol đứng trước hai lựa chọn, ra lệnh cho quân đội tấn công hoặc tìm giải pháp chính trị, nhờ thế giới chế ngự Nasser. Do Thái đi tìm giải pháp chính trị trước, trong thời gian 22 ngày, những đơn vị trừ bị Do Thái nằm nơi phòng tuyến, vợ con gia đình của họ vẫn ngóng tin chờ đợi.
Trận chiến Sáu Ngày (tên gọi sau này) là một đánh lớn thứ ba trong quân sử Do Thái kể từ khi được độc lập, mười chín năm vừa qua. Trận chiến này xẩy ra theo sự tính toán của Tổng Thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser. Nguyên nhân gần là những “va chạm” giữa Do Thái và Syria (và cả Jordan). Việc phong tỏa thủy lộ Tiran sẽ mang đến chiến tranh với Do Thái, tuy nhiên Nasser vẫn hy vọng các “siêu cường” sẽ kềm chế được Do Thái, hoặc nếu không được, ông ta tin rằng quân đội Do Thái không thể xuyên thủng phòng tuyến Ai Cập trong bán đảo Sinai.
Một trong những nguyên nhân đưa đến trận chiến Sáu Ngày xẩy ra hôm 12 tháng Mười Một năm 1966, một toán tuần tiểu Do Thái đi tuần dọc theo biên giới với Jordan nơi phiá nam Đỉnh Hebron (Mount Hebron) dẫm phải mìn, khiến cho 3 binh sĩ thiệt mạng và 6 người khác bị thương. Ngày hôm sau, quân đội Do Thái trả đũa, vượt qua biên giới tấn công quân đội Jordan nơi làng Samua, đặt chất nổ phá hủy mười căn nhà. Trong trận tấn công, phi cơ Mirage bay yểm trợ bắn rớt một phản lực cơ Hunter của Jordan.
Syria tiếp theo, làm dữ hơn so với các nước Ả Rập khác. Pháo kích vào các làng định cư Do Thái dọc theo biên giới. Syria may mắn còn có điạ thế chiến lược từ trên cao nguyên Golan (Golan Heights) có chể chế ngự sông Jordan và khu vực thung lũng Huleh. Ngoài ra Syria còn được sự yểm trợ vô giới hạn của người Nga. Lãnh tụ Syria, thủ lãnh đảng Ba’ath là “cục cưng” của Moscow trong vịnh Ba Tư.
Ngày 5 tháng Ba năm 1967, một xe máy cầy đang làm việc gần làng định cư Shamir cán phải mìn nổ tung, người nông dân bị thương nặng. Chuyện đụng chạm nặng nhất xẩy ra hôm 4 tháng Tư, Syria pháo kích vào ba làng định cư dưới chân núi cao nguyên Golan. Không lực Do Thái lên bao vùng, Syria cũng đưa máy bay lên không chiến. Kết quả Do Thái bắn rơi 6 phản lực cơ Mig của Syria, trong đó hai chiếc rơi gần Damascus. Hàng ngàn thường dân Do Thái, Ả Rập chứng kiến cảnh các phi cơ Syria bị bắn nổ tung trên bầu trời.
Do Thái cảm thấy “nhức nhối” về các hoạt động khủng bố. Theo riêng cá nhân tôi, có lẽ cấp lãnh đạo người Ả Rập không hiểu được sự đau đớn khi phải chứng kiến cảnh thường dân bị giết, nhà cửa bị đốt phá, đường xá bị đặt mìn bởi quân khủng bố.
Người Nga châm ngọn lửa. Ngày 12 tháng Năm 1967, một sĩ quan tình báo Nga Sô làm việc trong toà đại sứ Nga ở Cairo thông báo cho tình báo Ai Cập “xác nhận” lời báo động của Syria về việc Do Thái tập trung quân nơi biên giới với Syria. Ngày hôm sau, Tổng Thống Nga Sô Nikolai Podgorny lập lại điều này với Anwar Sadat, một người bạn thân của Nasser, đang viếng thăm nước Nga. Ông ta nói rằng Do Thái định xâm lăng Syria, người Nga sẽ giúp Syria cũng như Ai Cập trong trận chiến với Do Thái và khuyên Ai Cập nên chuẩn bị.
Anwar Sadat báo cáo lại cho Nasser và ngày Chủ Nhật 14 tháng Năm, tổng thống Ai Cập biểu dương lực lượng, ra lệnh cho thêm hai sư đoàn vào bán đảo Sinai. Theo lời phóng viên nổi tiếng của Ai Cập Muhammed Hassanein Heikal, Nasser đưa thêm quân vào Sinai nhằm hai mục đích: cho Syria biết quân đội Ai Cập đã có mặt trong bán đảo Sinai sẵn sàng tấn công, thứ hai buộc Do Thái phải rút bớt quân ở biên giới Syria về chuẩn bị cho mặt trận Sinai.
Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc U Thant theo lời khuyến cáo của Bác Sĩ Ralph Bunche từ chối không đồng ý cho đội quân Liên Hiệp Quốc rút ra khỏi Sharm El Sheikh và dải Gaza. Ngày 17 tháng Năm, Nasser tức giận “ra lệnh” cho đội quân LHQ phải rút đi. Hai ngày sau, Liên Hiệp Quốc cuốn cờ rời khỏi vùng Trung Đông. Ngay tức khắc, Tổ Chức Giải Phóng Palestine (PLO) vào chiếm dải Gaza.
Trước áp lực của quân thù, Do Thái phải chuẩn bị chiến tranh, ngày 23 tháng Năm, bộ Tổng Tham Mưu biệt phái cho tôi một chiếc xe, một tài xế và một sĩ quan liên lạc Trung Tá Bar Niv. Hai ngày sau, Tướng Yitzhak Rabin (sau lên làm Thủ Tướng rồi bị một người Do Thái quá khích bắn chết), tổng tham mưu trưởng đến nhà thăm tôi, tham khảo ý kiến về tình hình và cách đối phó.
Sáng ngày 23 tháng Năm, tôi đi thăm bộ tư lệnh Phương Nam, đối đầu với Ai Cập. Cùng đi với tôi có người tài xế và Trung tá Bar Niv. Trên đường đi, chúng tôi “bị” Quân Cảnh chận đường, yêu cầu tôi quay trở về thủ đô Tel Aviv gấp để dự buổi họp khẩn cấp trong văn phòng Thủ Tướng.
Đó là một buổi họp khẩn của các nhân vật quan trọng trong chính quyền, đảng phái chính trị đối lập. Phiá chính quyền gồm có: thủ tướng Eshkol, ngoại trưởng Eban, cùng các bộ trưởng Galili, Aranne, và Shapiro. Phiá đối lập có: Menahem Gegin, Shimon Peres, tôi và mấy người khác. Buổi họp có thêm tổng tham mưu trưởng Rabin, trưởng phòng hành quân Ezer Weizman, ngoài còn có thêm Golda Meir, tổng thư ký đảng Mapai.
18. THỜI GIAN CHỜ ĐỢI LÂU DÀI 2
Đến chiều ngày 23 tháng Năm, chín ngày sau khi Ai Cập đưa quân vào bán đảo Sinai, tôi mới đến thăm bộ tư lệnh Phương Nam. Thiếu Tướng Shayke (Yeshayahu) Gavish đang bận họp trong bộ tổng tham mưu ở Tel Aviv, tôi được tham mưu trưởng của ông ta thuyết trình về tình hình, bố trí quân của cả hai bên bạn và địch, kế hoạch điều quân của bộ tư lệnh Phương Nam. Chúng tôi có ba sư đoàn Bộ Binh, Thiết Giáp nơi phiá nam dưới quyền Yisrael Tal (Talik), Avraham Yoffe và Arik Sharon.
Từ bộ tư lệnh Phương Nam, tôi lái xe đi thăm sư đoàn thiết giáp của tướng Talik rồi dùng trực thăng đi thăm lữ đoàn 7. Chuyến thăm viếng này rất thích thú, vị lữ đoàn trưởng Đại Tá Shmuel Gorodish (Gonen) rất tin tưởng lữ đoàn của ông ta, quân nhân, cũng như kế hoạch hành quân. Lữ đoàn đã sẵn sàng khi nhận được lệnh, tin rằng sẽ thanh toán chiến xa, vũ khí chống xe tăng của địch mà không cần phi pháo yểm trợ.
Tôi trở về khách sạn Desert Inn ở Beersheba ngủ đêm. Sau một ngày thăm viếng các đơn vị, tôi cảm thấy thoải mái, an tâm. Tinh thần chiến đấu của chiến sĩ các cấp rất cao, phản ảnh đức tính tự tin, cương quyết của Đại Tá Shmuel Gorodish.
Đúng 10:30 sáng hôm sau tôi gặp tướng Shayke Gavish trong bộ tư lệnh Phương Nam. Ông ta nói chuyện về buổi họp trong bộ tổng tham mưu ở Tel Aviv. Do Thái đã ban hành lệnh tổng động viên. Ngày D (tấn công) đã được ấn định là 72 tiếng đồng hồ sau khi Ai Cập phong tỏa thủy lộ Tiran. Không lực đã được chấp thuận không tập các phi trường của Ai Cập, lục quân đánh chiếm dải Gaza.
Tôi cảm thấy bất lực, đã cởi bỏ bộ quân phục hơn 10 năm, không nên “xiá” vô chuyện người khác, chỉ đi thăm, quan sát tình hình. Tướng Gavish cùng với sĩ quan tham mưu của ông ta niềm nở đón tiếp tôi và nói rằng, ông ta đã xin phép bộ tổng tham mưu tham khảo vấn đề hành quân với tôi và được chấp thuận. Tôi rất vui vẻ đồng ý, đó là những chiến hữu của tôi, những người sống chết với tôi.
Shayke Gavish trình bầy những khó khăn khi phải đánh xuyên qua các căn cứ phòng thủ vững chắc kiên cố của Ai Cập, có lẽ phải đánh chiếm dải Gaza trước để làm bàn đạp. Khi địch quân lúng túng sẽ phơi bầy ra nhược điểm để chúng ta tấn công dễ dàng hơn. Tôi không đồng ý điểm này, Gaza không phải là mục tiêu quan trọng, Nasser sẽ không vội vã đưa quân lên để cứu Gaza.
Sáng hôm sau, 24 tháng Năm, Tướng Avraham Yoffe gọi điện thoại báo cho tôi biết, Tướng Yitzhak Rabin, tổng tham mưu trưởng bị bệnh, không thể đi thanh tra các đơn vị nơi phòng tuyến phiá nam được. Tôi lại lên đường đi thăm sư đoàn Thiết Giáp dưới quyền Arik Sharon. Đây là một danh tướng trong quân lực Do Thái, ông ta rất tự tin, trình bầy kế hoạch đánh chiếm các cứ điểm quan trọng, hệ thống phòng thủ kiên cố của Ai Cập bao quanh ba khu vực Kusseima, Um Shihan và Um Katef khi được bật đèn xanh tấn công. Tuy nhiên, cho tới giờ phút đó, đơn vị thiết giáp chỉ được phép tấn công dải Gaza.
Từ Arik, tôi lái xe đi thăm các đơn vị trực thuộc sư đoàn, gọi điện thoại hỏi thăm Kuti (Đại Tá Yekutiel Adam), chỉ huy trưởng lữ đoàn Bộ Binh. Kuti cũng rất tự tin, sẵn sàng tấn công. Kuti cũng say mê ngành khảo cổ như tôi, trong chuyến thăm viếng này, ông ta tặng tôi mấy đầu mũi tên xưa và một cái rìu bằng đá lửa mà ông ta vừa tìm thấy trong khu vực gần Nitzana, ngay biên giới hai sa mạc Negev, Sinai. Những đầu mũi tên này được xử dụng ở Ai Cập khoảng 200 năm trước Thiên Chúa.
Đến trưa, tôi trở về bộ tư lệnh Phương Nam, đúng lúc các sĩ quan cao cấp tập họp nhận lệnh hành quân. Tôi linh cảm trận chiến sắp xẩy ra, các sĩ quan cao cấp được thông báo, sự chờ đợi của họ sắp chấm dứt. Ngày tấn công (D Day) là ngày hôm sau 25 tháng Năm. Do Thái sẽ mở đầu trận tấn công bằng không quân vào buổi sáng. Mười ngày căng thẳng đã trôi qua kể từ khi Ai Cập đưa quân vào bán đảo Sinai.
Trận tấn công sắp bắt đầu, tôi xắp xếp đi theo lữ đoàn 7, trong sư đoàn của Talik. Lữ đoàn trưởng là Shmuel Gorodish đã gây niềm tin tưởng trong tôi từ hai ngày qua khi tôi đi thăm lữ đoàn. Lữ đoàn này sẽ đi tiên phong, làm nỗ lực chính cho mũi dùi tấn công của sư đoàn. Theo lệnh hành quân, nếu không có gì thay đổi vào giờ chót, chúng tôi sẽ vượt tuyến xuất phát ngày mai.
Trong bữa ăn trưa vẫn chưa có lệnh chắc chắn từ chính quyền Do Thái cho phép tấn công. Tổng tham mưu trưởng Rabin vẫn còn nằm trên giường bệnh, trưởng phòng hành quân Ezer Weizman điều hành tất cả mọi công việc. Lệnh hành quân mới vẫn đánh chiếm giải Gaza, lữ đoàn 7 sẽ phải đánh sâu vào trong bán đảo Sinai, chiếm mục tiêu quan trọng El Arish rồi tiến quân về hướng kênh đào Suez. Sau khi ăn cơm xong, tôi đi lên ban quân nhu, “mượn đỡ” bộ quân phục tác chiến không có phù hiệu, cấp bậc, giầy trận và khẩu súng lục. Khi đi theo lữ đoàn 7, tôi sẽ bỏ lại chiếc xe dân sự cùng vị sĩ quan “hộ tống” để trở thành một binh sĩ cấp bậc “Binh Nhì”.
Đúng 5 giờ chiều, tôi được thông báo lệnh hành quân hoãn lại 24 tiếng đồng hồ bèn trở về Beersheba. Đường phố đầy quân nhân, xe cộ nối đuôi nhau chạy liên tục. Dân chúng đổ xô ra ngoài, đứng trong lề đường bàn tán. Có lẽ họ muốn biết bao giờ mới đánh nhau? Tôi lái xe về khách sạn Desert Inn, ăn cơm tối rồi thả bộ ra phố. Ngoài đường vẫn đầy những đoàn quân xa chở quân, chạy một chiều từ trung tâm Do Thái xuôi về nam hướng bán đảo Sinai. Chợt một chiếc xe vừa chạy qua mặt tôi ngừng lại, người tài xế đưa tay ra ngoài vẫy làm kẹt những xe chạy sau, bấm còi inh ỏi. Tôi nghĩ thầm, chắc có người nào thương tình muốn cho tôi quá giang. Bước lại gần tôi mới nhận ra cố nhân Amos Yarkoni (tên Do Thái) hay Abed El Salim (tên cũ Ả Rập). Người lính hướng đạo giỏi nhất mà tôi được biết. Qua những năm tháng phục vụ trong quân đội, bị thương nhiều lần, mất một bàn tay, chân đi khập khiễng, vẫn nhận ra dáng đi của tôi.
Tôi biết anh ta khi còn là đưá trẻ chăn cừu Ả Rập, còn tôi lúc đó trong tuổi dậy thì 15 16. Gia đình anh ta thuộc bộ lạc Bedouin Arab El Mazarib, hạ trại gần làng Nahalal. Chúng tôi thấy đứa bé chăn cừu dễ thương biết thổi sáo, thỉnh thoảng cho bánh mì mứt (confiture), tuy nhiên khi anh ta trưởng thành, bị ảnh hưởng của bộ lạc, gia nhập đám cướp Ả Rập tấn công thường dân Do Thái trong các làng định cư. Định mệnh đưa đẩy cho chúng tôi gặp lại nhau năm 1939 trong nhà tù Acre. Tôi vẫn không có mặc cảm thù ghét anh ta, thường cho tiền lẻ mua thuốc lá.
Sau trận chiến Độc Lập, anh ta trở nên một người bạn của dân tộc Do Thái, tình nguyện vào quân đội và sau đó được tuyển chọn theo học khóa huấn luyện sĩ quan. Lúc đó tôi đang làm tổng tham mưu trưởng, chủ toạ lễ mãn khóa lớp sĩ quan và gắn cấp bực cho Thiếu úy Abed El Salim. Tôi rất ngạc nhiên, anh ta chưa hề được cắp sách đến trường nhưng rất thông minh, học (đọc, viết, nói) tiếng Hebrew nhanh chóng. Abed phục vụ trong đơn vị trinh sát, rất rành về “tìm dấu vết” nhờ đã biết từ nhỏ, đặc tính của dân du mục Bedouin. Anh được tuyên dương, ân thưởng huy chương ba lần trước khi bị thương và giải ngũ.
Abed El Salim cư ngụ ở Beersheba, anh ta rất mừng rỡ đưa tôi về nhà giới thiệu với vợ con, ba đứa con gái xinh xắn, một con trai, tất cả đều dễ thương. Bà vợ, cũng rất thông thạo tiếng Hebrew. Sau cuộc hàn huyên tâm sự, anh ta đưa tôi trở về khách sạn.
Trận tấn công vẫn tiếp tục dậm chân tại chỗ chờ giải pháp chính trị. Ngày hôm sau, tôi đi theo một toán tuần tiễu thuộc lữ đoàn do Yehuda Reshef chỉ huy, dọc theo biên giới Gaza, ghé thăm mấy làng chiến đấu. Đài quan sát của Liên Hiệp Quốc đã bỏ trống, doanh trại của họ gần đó cũng đã bị “trấn lột” chỉ còn nền nhà: mái, cửa, sườn nhà, ngay cả những cái đinh cũng bị tháo rỡ đem đi.
Tôi lái xe đến thủ đô Tel Aviv gặp Ezer Weizman và được cho biết trận tấn công sẽ bắt đầu sáng hôm sau 26 tháng Năm. Tôi nhắc nhở ông ta về lệnh động viên cho cá nhân tôi (lúc đó Tướng Dayan là một nghị sĩ trong quốc hội, đảng Rafi do Ben Gurion sáng lập và lãnh đạo), Tướng Weizman cho biết, người lo chuyện “tổng động viên” là Meir Amit trưởng phòng “Dịch Vụ Đặc Biệt”. Tôi đi gặp Meir Amit, ông ta cám ơn tôi lo lắng cho tình hình đất nước và nói về những cuộc thương lượng chính trị đang xẩy ra. Tôi giải thích cho Meir Amit lý do tại sao tôi có mặt nơi phiá nam Do Thái, trước khi ông ta hỏi tôi. Ông ta rất đồng ý với tôi, chỉ hỏi một câu duy nhất. Trường hợp, chính phủ mời tôi giữ một nhiệm vụ nào đó, tôi có nhận lãnh không? Tôi trả lời rất sẵn lòng, viết một thư ngắn nhờ Meir Amit trao lại cho thủ tướng ngày hôm sau. Bức thư ngắn, nôi dung như sau
“Thưa ông Eshkol (Thủ Tướng hiện thời), tôi đã yêu cầu Ezer Weizman xắp xếp lệnh gọi động viên cho tôi, để sự có mặt trong quân đội của tôi được hợp lệ. Nếu ông cũng như vị Tổng Tham Mưu Trưởng nhận thấy rằng, tôi có thể được trao cho một nhiệm vụ nào đó, tôi sẵn sàng chấp nhận. Trong khi chờ đợi quyết định của ông cũng như bộ tổng tham mưu, tôi muốn đi theo những đơn vị tác chiến để quan sát và cố vấn. Moshe Dayan ngày 25-5-67.”
Sau đó tôi đi thăm con gái Yael, vừa mới từ Athens, Hy Lạp trở về. Tôi đã đánh điện gọi các con của tôi ở ngoại quốc về để cùng chiến đấu, cùng chết trên mảnh đất quê hương. Điều này tôi đã làm như trong chiến dịch Sinai năm 1956. Tôi rất yêu thương các con tôi, tin rằng chúng cũng mong muốn trở về để phục vụ tổ quốc. Một điều tôi công nhận, cô con gái Yael nhanh nhẹn hơn tôi, trên đường từ phi trường về nhà, Yael đã ghé “Phòng Nhân Lực” báo cáo và nhận được giấy gọi động viên ngày hôm sau.
Sáng ngày 26 tháng Năm, tôi đi thăm hai lữ đoàn dưới quyền Avraham Yoffe. Hai vị lữ đoàn trưởng là Đại Tá Iska Shadmi và Đại Tá Elhanan Sela. Tôi tham khảo kế hoạch hành quân với Tướng Yoffe tư lệnh sư đoàn và được biết rằng, có sự không hài lòng giữa các cấp chỉ huy chiến trường với bộ tổng tham mưu và phòng hành quân. Cũng trong buổi sáng hôm đó, Thủ Tướng Eshkol đã nhận bức thư yêu cầu của tôi và muốn gặp tôi. Tôi được phi cơ đưa trở về Beersheba ngay tức khắc.
Đúng 7 giờ 30 tối, tôi gặp vị nguyên thủ quốc gia trong khách sạn Dan ở Tel Aviv. Ông ta cho biết muốn thành lập một Ủy Ban Quốc Phòng & Ngoại Giao gồm có bẩy người: chính ông ta, ngoại trưởng Eban, và bộ trưởng Lao Động Yigal Allon. Hai người khác thuộc đảng đối lập, Menahem Begin (đảng Gahal) và tôi (đảng Rafi). Tôi trả lời ông ta, không thích những công việc làm cố vấn, ngồi bàn giấy, muốn một nhiệm vụ chiến đấu. Thủ tướng Eshkol hỏi thăm về chuyến đi thăm các đơn vị trấn đóng nơi phiá nam Do Thái và hứa sẽ trả lời yêu cầu của tôi trong vòng 24 giờ đồng hồ.
Sáng hôm sau, 27 tháng Năm, trưởng phòng hành quân Ezer Weizman đến gặp tôi. Ông ta nói rằng, trên quan điểm “Không quân” (Tướng Weizman là người rất có công trong việc xây dựng Không Lực Do Thái và đã từng làm tư lệnh Không Quân), kế hoạch hành quân của tôi có thể thực hiện được. Tuy nhiên có hai vấn đề, thứ nhất Tướng Yitzhak Rabin Tổng Tham Mưu Trưởng ngỏ ý muốn từ chức và ông ta (Weizman) đã thuyết phục được, thứ hai là vấn đề “thời gian”, quân lực và không quân Do Thái phải ra tay trước, không nên để cho kẻ thù Ai Cập tấn công trước. Tôi trả lời, cần có thêm tin tức tình báo mới có ý kiến.
Đến 3 giờ chiều, vị chỉ huy phó ngành tình báo đem đến cho tôi những tin tình báo mới nhất. Trong bán đảo Sinai, quân đội Ai Cập đã đưa vào khoảng 900 chiến xa, hơn 200 máy bay và khoảng 80000 quân. Sau khi trình bầy các dữ kiện về quân đội Ai Cập trong Sinai, ông ta tiên đoán Ai Cập sẽ tấn công phối hợp giữa Lục-Không quân cùng lúc. Vị sĩ quan cao cấp tình báo còn cho biết về lời hứa hẹn của Tổng Thống Hoa Kỳ Johnson: “Thứ nhất, cho chúng tôi (hoa Kỳ) thêm thời gian, chúng tôi sẽ giải tỏa thủy lộ Tiran, bảo đảm tự do thông thương. Thứ hai, nếu các bạn tự ý hành động đơn phương, các bạn sẽ phải lo một mình. Nếu các bạn chế ngự được chuyện gây chiến và bị Ai Cập tấn công, chúng tôi sẽ giúp các bạn.”
Tối ngày 28 tháng Năm, Thủ Tướng Eshkol đọc diễn văn trên làn sóng đài phát thanh quốc gia. Trong mọi nhà, tất cả người dân Do Thái đều quây quần bên cạnh máy radio để nghe vị nguyên thủ quốc gia nói chuyện về tình trạng khẩn trương của đất nước. Tất cả các bộ chỉ huy, các chiến sĩ nơi tiền tuyến, trong các căn lều, trong các chiến xa cũng đều lắng nghe. Mọi người đều thất vọng, giọng nói của vị thủ tướng như bị rung động, ông ta nói vội vàng, vấp váp. Sau này tôi được biết bài diễn văn của ông ta bị lỗi chính tả quá nhiều lúc đánh máy và ông ta không có thì giờ xem lại trước khi lên đọc trên đài phát thanh.
Ngày 29, tôi đi thăm mấy làng chiến đấu dọc theo biên giới Gaza, để ý vấn đề an ninh, phòng thủ. Tôi thanh tra những hầm tránh bom cho trẻ em (tất cả thanh niên, thanh nữ đều phải ra tuyến phòng thủ bảo vệ làng). Nơi nào tôi đến thăm, dân trong làng kéo đến chào hỏi rất đông, nhiều người lo lắng về cuộc chiến sắp xẩy ra.
Sáng sớm ngày 30, tôi bay đi Eilat, hải cảng nơi chót mũi nước Do Thái. Tôi thăm viên chỉ huy quân sự ở đó và ăn cơm trưa với vị chỉ huy Hải quân. Trên chuyến bay về, viên sĩ quan “hộ tống” cho tôi biết, dư luận dân chúng khắp nơi trong nước rất tốt về tôi. Những lần tôi vào quán ăn trưa, chủ nhân từ chối không nhận tiền khi biết tôi là Moshe Dayan, họ nói rằng “Hãy giữ gìn sức khỏe và đem chiến thắng về cho chúng tôi”
Cũng trong ngày 30 tháng Năm, Vua Hussein của Jordan bay qua Cairo, ký hiệp ước phòng thủ chung Ai Cập-Jordan. Trưa hôm sau, tôi nhận được công điện từ thủ tướng Eshkol muốn gặp tôi vào lúc 4 giờ chiều. Ông ta mời tôi làm Phó Thủ Tướng và Yigal Allon làm tổng trưởng Quốc Phòng. Đề nghị này được sự ủng hộ của Golda Meir, tổng thư ký đảng Mapai. Tôi từ chối, cho biết chỉ muốn ra chiến trường, sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ chỉ huy lực lượng đối đầu với Ai Cập (Bộ tư lệnh Phương Nam) dưới quyền tổng tham mưu trưởng Rabin.
Vừa về tới nhà, thủ tướng Eshkol gọi điện thoại mời tôi trở lại văn phòng của ông ta. Lần này có sự hiện diện của Tướng Yitzhak Rabin, tổng tham mưu trưởng. Cả hai người rất thật lòng hỏi tôi thực sự muốn làm gì trong quân đội, hay trong chính quyền? Tướng Rabin là đàn em của tôi trong quân đội, một người rất có khả năng và nhiều đức tính tốt trong lãnh đạo chỉ huy (Rabin sau lên làm thủ tướng rồi bị một người Do Thái quá khích ám sát chết khi đang tại chức), rất chân tình hỏi thẳng tôi, có muốn trở lại chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng thay ông ta không? Tôi giữ vững lập trường chỉ muốn làm tư lệnh Phương Nam. Rabin trả lời, điều này phải suy nghĩ lại và sẽ trả lời tôi vào hôm sau.
Sáng sớm hôm sau, thứ Năm ngày 1 tháng Sáu, tôi đi thăm bộ tư lệnh Trung Ương, bao gồm thành phố lịch sử Jerusalem. Đúng 8 giờ 30, tôi gọi điện thoại hỏi Yitzhak (Rabin) về lệnh bổ nhiệm chức vụ tư lệnh Phương Nam. Ông ta trả lời sẽ trình lên thủ tướng rồi sẽ cho tôi biết hoặc sau chuyến thăm bộ tư lệnh Trung Ương, tôi có thể gọi điện thoại lại cho ông ta. Yitzhak nói thêm vẫn chưa nói chuyện này với Tướng Shayke Gavish vị tư lệnh Phương Nam đương nhiệm. Tôi trả lời, sẵn sàng mời Shayke ở lại làm phụ tá hoặc tham mưu trưởng.
Đúng 7 giờ tối, thủ tướng Eshkol gọi điện thoại cho biết, nội các Do Thái đã họp xong và quyết định trao cho tôi nhiệm vụ Tổng Trưởng Quốc Phòng.
19. QUYẾT ĐỊNH
Trong buổi họp tối ngày 1 tháng Sáu, nội các mới của Do Thái đã được nới rộng. Thủ Tướng Eshkol tuyên bố lời mở đầu, gọi nội các mới là Chính Quyền của Quốc Gia Đoàn Kết và giới thiệu những thành viên mới trong nội các. Menahem Begin trở nên một thành viên đáp lời bằng một diễn văn ngắn, dùng nhiều danh từ cổ xưa trong kinh thánh để nói lên sự đoàn kết của dân tộc Do Thái. Tổng tham mưu trưởng quân lực thuyết trình về sức mạnh và sự điều quân của địch. Ngoại trưởng Eban báo cáo về kết quả các chuyến công du ngoại giao và tình thình chính trị thế giới.
Là bộ trưởng quốc phòng tôi phải họp với các tướng lãnh trong bộ tổng tham mưu. Đúng 9 giờ sáng ngày hôm sau, thêm một buổi họp nữa trong bộ tổng tham mưu giữa Ủy Ban Quốc Phòng và các sĩ quan cao cấp để thông suốt tình hình bạn và địch.
Sáng ngày 2 tháng Sáu, tôi ăn sáng, họp với Zvi Zur, một cựu tham mưu trưởng. Tôi mời ông ta làm phụ tá và ông ta đồng ý. Tôi biết khả năng của Shimon Peres, nhờ Zvi Zur mời ông ta tham gia trong uỷ ban quốc phòng. Riêng Zur, tôi nhờ ông ta hoàn toàn lo về vấn đề dân sự, sự phòng thủ các làng chiến đấu. Vấn đề thuần túy quân sự, tôi và tổng tham mưu trưởng Yitzhak Rabin sẽ lo. Trong buổi họp với các sĩ quan cao cấp, tôi yêu cầu họ nói lên tất cả những điều lo lắng trong tâm tư của họ, để cùng nhau giải quyết. Một vị tướng lãnh cho biết, nếu để thời gian kéo dài sẽ bất lợi cho phiá Do Thái vì quân đội Ai Cập đã củng cố xong hệ thống phòng thủ trong bán đảo Sinai.
Đúng 11 giờ 30 phút sáng, tôi dự một phiên họp giới hạn với Eshkol, Eban, Yigal Allon và Rabin. Thủ tướng Eshkol yêu cầu chúng tôi chuẩn bị để báo cáo rõ ràng trong buổi họp của Ủy Ban Quốc Phòng vào tối hôm sau ngày thứ Bẩy trong Jerusalem. Ông ta yêu cầu tôi mở đầu buổi họp, tôi báo cáo quân lực Do Thái nên tấn công ngay, không nên trì hoãn. Nếu nội các Do Thái quyết định trong phiên họp tới, ngày Chủ Nhật 4 tháng Sáu, chúng ta sẽ mở trận tấn cống vào sáng ngày hôm sau. Mục đích của chúng ta là tiêu diệt quân đội Ai Cập đang chiếm đóng bán đảo Sinai. Chúng ta không cần đánh chiếm dải Gaza, trừ phi quân đội Iraq vào chiếm đóng Gaza. Cuộc tấn công dự trù kéo dài từ ba đến năm ngày.
Yigal Allon tiếp theo, đồng ý với tôi trên phương diện tổng quát. Tuy nhiên, theo ông ta, Do Thái nên tiến công đến sát kênh đào Suez, đe dọa Ai Cập sẽ chiếm kênh đào nếu họ phong tỏa thủy lộ Tiran của Do Thái. Ngoài ra, nên “lấy luôn” dải Gaza, đưa dân tỵ nạn Palestine qua Ai Cập.
Tôi ăn trưa với Trung Tướng trừ bị Yigael Yadin, cựu Tổng Tham Mưu Trưởng, hiện tại là một Giáo Sư ngành Khảo Cổ trong viện đại học Hebrew. Yadin được thủ tướng Eshkol mời thảo ra bản phương thức làm việc, phân chia nhiệm vụ để có sự phối hợp giữa Thủ Tướng và Tổng Trưởng Quốc Phòng.
Đến buổi tối, tôi cùng các tướng lãnh trong bộ tổng tham mưu duyệt xét lại lệnh hành quân trong bán đảo Sinai. Dự thảo lệnh hành quân này đã được duyệt xét, sửa đổi nhiều lần để đáp ứng tình hình chính trị, quân sự. Tôi chấp thuận dự án, tấn công vào Sinai trên bốn trục tiến quân. Hai trục song song với nhau, trong khu vực Rafah phiá nam dải Gaza, hai trục khác nơi trung tâm Sinai. Buổi họp trong bộ tổng tham mưu kéo dài đến 11 giờ đêm, sau đó tôi lái xe đến nhà Shimon Peres, nơi cựu thủ tướng Ben Gurion cùng các người khác đang tụ họp uống mừng cho việc bổ nhiệm tôi vào bộ quốc phòng.
Ngày hôm sau, thứ Bẩy 3 tháng Sáu, tôi xắp xếp lại công việc trong bộ quốc phòng, gặp mấy tướng lãnh thuộc bộ tổng tham mưu, trả lời các phóng viên báo chí điạ phương và quốc tế. Đến 5 giờ 30 chiều, tôi rời Tel Aviv đi Jerusalem để gặp vị thủ tướng, Yigal Allon, Yigael Yadin, Meir Amit. Vị Đại Sứ Do Thái từ thủ đô Washington Hoa Kỳ về cũng có mặt.
Trong buổi họp của Ủy Ban Quốc Phòng hôm Chủ Nhật 4 tháng Sáu. Ngoại trưởng Eban mở đầu với phần báo cáo về tình hình chính trị. Tổng Thống Hoa Kỳ Johnson vẫn tìm kiếm “chữ ký” của các nước đồng minh, buộc Ai Cập không được phong tỏa thủy lộ Tiran. Tổng Thống De Gaulle của Pháp đã từ chối, không muốn dính dấp vào “vấn đề Trung Đông”. Ngoại Trưởng Nga Sô Gromyko gửi văn thư cho Đại Sứ Do Thái ở Moscow đe dọa, nếu Do Thái phát động chiến tranh sẽ phải “trả giá” cho hành động gây hấn.
Tiếp theo Eban, chỉ huy trưởng ngành Tình Báo Yariv báo cáo về sự chuyển quân và các ý định của các nước Ả Rập. Ai Cập đã nhận thức được rằng, đụng độ quân sự với Do Thái là điều không thể tránh được nên đã đổ quân vào bán đảo Sinai. Một lữ đoàn Thiết Giáp Kuwait sắp đổ bộ lên Sinai. Một tiểu đoàn Iraq đang trên đường đến dải Gaza. Libya và Sudan đã hứa đưa quân qua tăng cường cho Ai Cập nhưng vẫn chưa vào đến Sinai.
Đã có những dấu hiệu cho thấy, Ai Cập sắp tấn công. Hôm qua, Tướng Murtagi tư lệnh lực lượng Ai Cập trong Sinai đã phát thanh lời kêu gọi binh sĩ “Nhiệm Vụ Trong Ngày” ở Cairo: “Những con mắt trên thế giới đang nhìn các bạn trong ánh hào quang của trận chiến chống lại kẻ thù hung hãn Do Thái trên mảnh đất quê cha đất tổ… Trận thánh chiến của các bạn nhằm mục đích lấy lại quyền hạn của quốc gia Ả Rập… Phải giành lại phần đất Palestine đã bị cưỡng đoạt”
Nasser đang thuyết phục Syria và Jordan để hai quốc gia Ả Rập này nhẩy vào vòng chiến. Trong Jordan, bộ chỉ huy chiến trường đặt dưới quyền bộ Chỉ Huy Liên Minh Ả Rập do Tướng Ai Cập Abdel Munim Riad chỉ huy và ông ta đã ra lệnh quân đội Jordan dàn quân dọc theo biên giới Do Thái. Iraq đã hứa sẽ gửi qua Jordan bốn lữ đoàn Bộ Binh, và một đơn vị Thiết Giáp. Thủ Tướng Eshkol chấm dứt buổi họp với đề nghị trao quyền cho quân đội, lựa chọn thời gian, mục tiêu và phương pháp tấn công.
Sau buổi họp trong nội các, tôi trở về Tel Aviv gặp vị tổng tham mưu trưởng và phụ tá phòng hành quân, xem xét lại lệnh hành quân cho bộ tư lệnh Phương Nam. Sau đó bay lên bộ tư lệnh Phương Bắc gặp Thiếu Tướng David (Dado) Elazar để nghe thuyết trình về tình hình và kế hoạch đối phó. Một phòng trong bộ tổng tham mưu đã được sửa soạn cho tôi để ngủ đêm. Nếu không có chuyện gì đặc biệt xẩy ra, trận chiến sẽ bắt đầu vào lúc 7 giờ 45 phút sáng hôm sau.
20. BÙNG NỔ
Ngày D, 5 tháng Sáu năm 1967, 7 giờ 45 phút sáng. Đúng 7 giờ rưỡi, tôi có mặt trong trung tâm hành quân Không quân. Trong bầu không khí căng thẳng, mọi cặp mắt đều “dán” vào bàn “Binh Điạ – Trận Đồ”. Khi được báo cáo, phi cơ của chúng tôi đã đến mục tiêu không bị radar khám phá, bao nhiêu sức ép đè nén trong lồng ngực mới được xả ra. “Chiêu” phóng ra đầu tiên đã thành công. Các phi cơ của ta đang bắn phá, thả bom trên các mục tiêu, bộ tư lệnh Phương Nam nhận được mật hiệu “Hành quân Nahshonim. Chúc may mắn”. Nahshon, tên của lãnh tụ bộ lạc Judah trong thời gian Di Cư (Exodus), được tin tưởng là người đầu tiên đi xuống nước khi biển Hồng Hải phân tách ra, noi gương cho đám con dân Do Thái đi theo. Các đơn vị Thiết Giáp cũng được lệnh tiến lên.
Trong vòng một tiếng đồng hồ, các bản báo cáo do phi công gửi về tới tấp: hàng trăm phi cơ của địch bị tiêu hủy, hầu hết vẫn còn đậu trên mặt đất. Các dàn hỏa tiễn điạ không cũng bị loại ra khỏi vòng chiến, chỉ có một phi cơ của ta bị trúng đạn. Chúng tôi đã nghiền nát sức mạnh không quân của đối phương. Đó mới chỉ là một phần sức mạnh của quân lực Ai Cập bị hủy diệt, chiến xa của chúng đôi vẫn chưa “đụng” với chiến xa của địch. Tuy nhiên, mới trong “hiệp đầu”, bao nhiêu cơn ác mộng về quân đội Ai Cập đè nén trong các tuần lễ trước đã biến mất. Đúng vậy, trận chiến mới bắt đầu. Từ “hiệp thứ hai” trở đi, Ai Cập đã mất đi lợi thế về không quân, các đơn vị bộ binh, chiến xa Do Thái tiến quân nhanh chóng trên chiến trường nhờ được không quân yểm trợ.
Trận không tập các căn cứ Không quân Ai Cập chia làm hai đợt. Trong đợt đầu, xử dụng 183 phản lực cơ oanh kích 11 phi trường quân sự Ai Cập từ 7 giờ 45 đến 8 giờ 55 phút sáng. Tiêu hủy 189 phi cơ Ai Cập đang đậu dưới đất và 8 trong các trận không chiến. Sáu phi trường bị thiệt hại nặng không còn xử dụng được. bốn nằm trong bán đảo Sinai và hai phi trường Fayid, Kabrit nơi hướng tây kênh đào Suez. Đợt không tập thứ hai xử dụng 164 phi cơ tấn công 14 phi trường, loại khỏi vòng chiến thêm 107 phi cơ Ai Cập. Không lực Do Thái tổn thất trong hai đợt không tập: 6 phi công tử trận, 2 bị bắt sống và 3 bị thương. Chín phi cơ Do Thái bị trúng đạn phòng không, rơi ba chiếc còn sáu chiếc khác bay về đến căn cứ. Phiá Ai Cập, sau một buổi sáng “kinh hoàng” mất 304 trong tổng số 419 phi cơ.
Không lực Do Thái chuẩn bị làm “vố” này rất kỹ càng. Tư lệnh Không quân, Thiếu Tướng Mordechai (Mottie) Hod ban lệnh hành quân cho các vị Không Đoàn Trưởng chiều ngày 4 tháng Sáu. Đến 8 giờ tối, chỉ huy trưởng các không đoàn ban lệnh hành quân cho phi công, nhân viên kỹ thuật và đúng 3 giờ 45 phút sáng, các phi công được đánh thức, chuẩn bị và nhận lệnh hành quân cuối cùng trước khi “ra đi”. Phi đội đầu tiên cất cánh bay đi tấn công phi trường Bir Gafgafa trong bán đảo Sinai. Một phút sau, phi tuần thứ hai bay lên mục tiêu Abu Suweir nơi hướng tây kênh đào. Các phi cơ tấn công phi trường ở El Arish không đem theo bom, không lực Do Thái dự trù chờ cho Bộ Binh đánh chiếm phi trường này để xử dụng.
Trong các phi trường Ai Cập được “để ý” nhiều nhất là căn cứ không quân Abu Suweir, nhận lãnh 27 phi vụ oanh kích, kế đến là Fayid với 24 phi vụ và phi trường quân sự Cairo West 22 phi vụ.
Trong khi phi cơ Do Thái bận rộn nơi chiến trường Ai Cập, không quân Syria, Jordan và Iraq tấn công Do Thái. Syria mở đầu với 12 chiếc Mig-17 cất cánh từ Damascus lúc 11 giờ 50. Hai chiếc oanh kích làng chiến đấu Deganiah làm cháy kho thóc và trại nuôi gà. Sau đó thả bom nhưng không trúng một tiền đồn Do Thái do một đại đội trấn giữ ở Bet Yerach. Các phi cơ Syria khác oanh kích khu Do Thái trong vùng biển Galilee, một đập nước trên sông Jordan. Ba phi cơ Mig khác tấn công phi trường trong thung lũng Jezreel, một chiếc bị súng phòng không bắn rơi.
Không quân Jordan tiếp theo, các phản lực cơ Hunter cất cánh lúc giữa trưa, oanh kích khu nghỉ mát nơi bờ biển Netanya, phi trường Kfar Syrkin gần Petach Tikvah. Các phi công Jordan tiêu hủy một vận tải cơ Nord đang đậu trong phi trường Kfar Syrkin. Hai tiếng đồng hồ sau ba phi cơ Hunter của Iraq tấn công, bắn hỏa tiễn xuống làng Nahalal vì tưởng lầm là phi trường ở Ramat David, không gay thiệt hại.
Khi nhận được tin phi cơ Syria, Jordan tấn công, tư lệnh không quân Mottie Hod ra lệnh cho sĩ quan tham mưu thảo kế hoạch trả đũa. Vài phút sau, tám phi đội đang trên đường đi Ai Cập được lệnh đổi hướng đến các mục tiêu phi trường trên đất Syria và Jordan.
Tiếp theo, lúc 12 giờ 15, đợt không tập thứ ba nhằm vào Syria và Jordan, để thanh toán hoặc làm cho không quân hai nước này yếu đi. Năm mươi mốt phi vụ tấn công hai phi trường chính của Jordan là Mafrak và Amman. Tất cả 28 phi cơ của không quân Jordan bị tiêu hủy. Syria mất đi 50% số phi cơ (53 trong tổng số 112) trong 82 trận oanh kích các phi trường ở Damir, Damascus, Seikal, Marjarial và T-4. Iraq mất 10 phi cơ trong ba phi vụ oanh kích. Trong đợt không tập thứ ba dành cho Jordan, Syria và Iraq, không lực Do Thái bị rơi 10 phi cơ, 5 phi công tử trận, 2 bị thương và 2 bị bắt làm tù binh.
Trong suốt buổi sáng, trung tâm hành quân Không quân rất bận roan. Tướng Mottie Hod tư lệnh không quân cùng sĩ quan tham mưu cao cấp của ông ta ngồi hàng ghế đầu trước màn ảnh bằng kính, tôi ngồi ngay sau lưng họ. Những lời báo cáo, lệnh lạc gửi đi gửi về liên tục trên hệ thống truyền tin. Các sĩ quan đang trực ra vào đem đến báo cáo, nhận lệnh để chuyển đi đến các đơn vị Không quân.
Mọi người đều lắng nghe những báo cáo do các phi công gửi về: “Bắn rơi một chiếc Mig”, “Tôi bị trúng đạn phòng không nhưng không sao”, “Quay trở về căn cứ”. Đôi khi nín thở “Tôi sắp nhẩy dù ra”, “Không thấy dù mở ra”. Họ là bạn của nhau, tất cả sĩ quan trực trung tâm hành quân đều nhận ra giọng nói của từng phi công. Họ dùng nhiều danh từ “chuyên môn” phải ở trong nghề bay mới biết. Ngôn ngữ của họ có thể đem lại sự “sống chết”. Khi phe ta bắn trúng phi cơ địch, mọi người đều vui sướng, nhưng khi một phi công báo cáo bị trúng đạn, bị thương, nhẩy dù ra, đã xuống tới mặt đất, đang trốn sau một cồn cát, một bụi cây, sau một hẻm núi, mọi chiến hữu đều chú tâm vào người phi công kém may mắn. Lập tức, trực thăng cấp cứu chở theo bác sĩ, được một chiến đấu cơ hộ tống đi vào đất địch tìm người phi công lâm nạn. Dường như có sợi dây liên hệ gắn bó trong tình chiến hữu.
Tôi đã biết Mottie Hod nhiều năm, cũng như những vị tư lệnh Không quân tiền nhiệm trước ông ta, Ezer Weizman, Dan Tolkowski. Nhưng giữa tôi và Mottie có một điểm chung, cả hai chúng tôi được sinh ra nơi làng Deganiah. Khi Mottie ra đời, tôi đã cùng với cha mẹ dọn qua làng Nahalal. Chú của ông ta Zvi Fein là hội viên làng Nahalal, người cha Yosef đã hướng dẫn tôi trong đêm chiến đấu với Syria năm 1941. Yosef cũng là một trong những người sáng lập làng Metulla, ngôi làng chiến đấu ở cực bắc Do Thái, sát biên giới Li Băng.
Trong khi đó, đài phát thanh Cairo đọc bản tin đã bắn rơi 40 phi cơ Do Thái. Thực ra điều này có lợi cho Do Thái, tôi đã ra lệnh không cho công chúng biết về kết qủa những trận đánh trong vòng 24 tiếng đồng hồ, trong khi quân đội Ai Cập vẫn chưa biết sự thực.
Sau phiên họp trong trung tâm hành quân cùng với Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực, sĩ quan cao cấp, tôi ban hành lệnh như sau:
• Không lực Do Thái sẽ tấn công tất cả những quốc gia cho phi cơ tấn công chúng ta.
• Trong khu vực Jerusalem, quân đội chỉ xử dụng súng nhỏ chống lại quân đội Jordan. Không được xử dụng pháo binh, thả bom khu Phố Cổ (Old City).
• Bộ tư lệnh Phương Bắc phải sẵn sàng tấn công quân đội Jordan. Xử dụng lữ đoàn 10 trong khu vực Jerusalem, và một đơn vị khác tấn công lên phiá bắc.
Đúng 12 giờ 30, tôi trình bầy kế hoạch hành quân lên thủ tướng và được chấp thuận. Lữ đoàn 10 sẽ phải đánh chiếm Đồi Scopus. Không lực tấn công Jordan và Syria và bộ tư lệnh Phương Bắc phải đánh chiếm khu vực Jenin bảo đảm phi trường Ramat David nằm ngoài tầm súng đại bác của địch.
Sau khi họp với tổng tham mưu trưởng, Tướng Yitzhak Rabin yêu cầu trong trận tấn công khu vực Jenin, nên chiếm luôn Ya’abad cách Jenin khoảng vài dặm về hướng tây. Tôi chấp thuận vì Ya’abad là một làng Ả Rập lớn có vị trí chiến lược, nằm trên một ngọn đồi chế ngự thung lũng Dothan. Ya’abad có lịch sử lâu đời từ 3500 năm trước nay, nơi đây Joseph bị các anh em bán cho lái buôn người Midianite.
21. CHIẾN TRANH
Trong thời gian mười năm kể từ chiến dịch Sinai năm 1956, quân đội Ai Cập đã đưa một lực lượng đáng kể vào trong bán đảo Sinai xây dựng một hệ thống căn cứ vững chắc, vừa để phòng thủ, vừa làm căn cứ tấn công. Những căn cứ gần biên giới sa mạc Negev được xử dụng như một bàn đạp tấn công vào đất Do Thái, tiền đồn ngăn chặn sức tiến quân của Do Thái vào bán đảo Sinai.
Những lộ trình có thể xử dụng chiến xa, và các loại xe cộ hạng nặng băng ngang bán đảo Sinai nằm nơi phiá bắc, điạ thế bằng phẳng, chỉ có những cồn cát và đồi thấp. Nơi phiá nam trông giống như hình tam giác nhiều đồi núi điạ thế khó đi lại, phiá tây có vịnh Suez và phiá đông có vịnh Aqaba. Sharm El Sheikh nằm chót mũi, thường đi lại bằng đường biển. Năm 1956, trong chiến dịch Sinai, lữ đoàn 9 đã làm ngạc nhiên quân Ai Cập bằng cách tiến quân trên đất liền băng qua sa mạc.
Phiá bắc bán đảo Sinai chỉ có hai con đường chính nơi hướng bắc và trung tâm. Một con đường nhỏ nữa nơi hướng nam. Để giữ con đường nơi hướng bắc chạy dọc theo bờ biển Điạ Trung Hải đến thành phố Kantara bên bờ kênh đào Suez, quân đội Ai Cập xây một căn cứ rộng lớn, vững chắc tại Rafah, ngay phiá dưới dải đất Gaza. Ai Cập xử dụng lộ trình này xâm lăng Do Thái trong trận chiến Độc Lập năm 1948.
Để giữ con đường qua trung tâm bán đảo Sinai, chạy từ biên giới Do Thái đến thành phố Ismailia, Ai Cập xây mấy căn cứ phòng thủ Abu Ageila và Um Katef. Họ xây thêm căn cứ nơi phiá nam Abu Ageila bảo vệ Kusseima và Kuntilla. Từ hai căn cứ nơi phiá nam này, quân đội Ai Cập có thể cắt ngang, cô lập hải cảng Eilat tận cùng phiá nam Do Thái. Trong trận chiến Sáu Ngày, các căn cứ kể trên tập trung các đơn vị Bộ Binh, Thiết Giáp của Ai Cập, đổ vào bán đảo Sinai từ ba tuần lễ trước.
Kế hoạch tấn công của quân đội Do Thái sẽ phải đánh xuyên qua căn cứ chiến lược Rafah trên trục tiến quân nơi phiá bắc, rồi tiến đánh Abu Ageila bằng con đường bất ngờ (có thể vòng lại hoặc xuyên ngang hoặc trực diện từ biên giới Do Thái). Qua khỏi hai thành trì kiên cố này của Ai Cập sẽ phải tiến quân thật nhanh giữa khoảng hở hai phòng tuyến hoặc những nơi tập trung quân của địch, tấn công các căn cứ nơi phiá nam, chiếm kênh đào Suez, cắt đường tiếp vận, rút lui của các đơn vị Thiết Giáp, Bộ Binh Ai Cập.
Mặt trận đối đầu với Ai Cập trong bán đảo Sinai do ba sư đoàn đặc nhiệm đảm trách dưới quyền chỉ huy của các Thiếu Tướng: Yisrael Tal, Arik Sharon và Avraham Yoffe. Cả ba sư đoàn đặt dưới quyền chỉ huy của bộ tư lệnh Phương Nam do Thiếu Tướng Yeshayahu (Shayke) Gavish làm tư lệnh.
Trong khi không lực Do Thái làm mưa gió, sấm sét trên bầu trời buổi sáng ngày 5 tháng Sáu, sư đoàn dưới quyền Tướng Tal tiến lên trên trục tiến quân phiá bắc. Lữ đoàn Thiết Giáp do Đại Tá Shmuel Gonen (Gorodish) chỉ huy làm nỗ lực chính, đánh tan một sư đoàn Bộ Binh Ai Cập, xuyên qua căn cứ Rafah. Các lữ đoàn khác theo sau, tiến dọc theo bờ biển, chiếm bộ tư lệnh sư đoàn của địch và tiếp tục mũi tấn công đến El Arish lúc chiều tối.
Phòng tuyến Rafah là một thành trì kiên cố, vững chắc, Tướng Tal điều động hai lữ đoàn đánh cả ngày mới xong. Lữ đoàn Thiết Giáp dưới quyền Gonen đánh từ hướng bắc xuống, một đơn vị Dù do Raful Eitan chỉ huy, phối hợp với Bộ Binh đi bọc qua những cồn cát tấn công từ hướng nam lên. Sau khi Rafah rơi vào tay quân đội Do Thái, thành phố El Arish cùng với phi trường thất thủ ngày hôm sau. Đúng như sự tính toán của bộ tổng tham mưu quân lực, Do Thái lấy được phi trường ở El Arish để xử dụng như một phi trường tiền phương yểm trợ cho Bộ Binh cùng Thiết Giáp đang tiến công trong bán đảo Sinai.
Chiếm được El Arish, đơn vị Trinh Sát cùng Nhẩy Dù xử dụng xe bán xích sắt chiả mũi dùi xuống kênh đào Suez. Lữ đoàn Thiết Giáp rẽ ngang vào sâu trong Sinai, đánh chiếm những mục tiêu khác, bắt tay với các cánh quân bạn tiến quân trên trục lộ trung tâm (Tướng Yoffe).
Mũi dùi tấn công phiá nam do danh tướng Arik Sharon đảm trách. Họ tấn công ban đêm đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Binh, Thiết Giáp và Nhẩy Dù. Tướng Sharon ra lệnh tấn công phòng tuyến kiên cố Um Katef trấn giữ con đường đi Abu Ageila vào lúc 11 giờ đêm. Trực thăng đưa đơn vị Dù vào sau phòng tuyến địch, tấn công những vị trí Pháo Binh Ai Cập đang pháo kích lên trục tiến quân của các đơn vị bạn đến Um Katef và Abu Ageila. Lữ đoàn bộ binh di chuyển sau những cồn cát tránh hỏa lực của địch, đến sát phòng tuyến rồi xông vào đánh cận chiến dưới giao thông hào. Một đơn vị Thiết Giáp giao tranh với chiến xa địch trên tuyến phòng thủ chính Um Katef, trong khi một tiểu đoàn thiết giáp khác đổi hướng đi vòng lên tấn công Abu Ageila từ hướng nam.
Trong khi các trận đánh xung quanh khu vực Um Katef, Abu Ageila vẫn còn đang tiếp tục, một lữ đoàn Thiết Giáp dưới quyền Tướng Yoffe di chuyển cắt ngang qua trục tiến quân của Tướng Sharon, bắt tay với các cánh quân bạn đang thanh toán những mục tiêu gần trung tâm bán đảo Sinai.
Các mục tiêu chính trong bán đảo Sinai bị đánh tan trong vòng hai ngày tấn công. Quân đội Ai Cập bắt đầu lui về hướng kênh đào Suez. Quân đội Do Thái chiến thắng nhờ quyết tâm, ngay cả những lúc họ sắp hết đạn dược, nhiên liệu cho xe bán xích sắt và chiến xa. Một phần do kỹ thuật tác chiến , phối hợp liên quân binh chủng giữa các đơn vị: bộ binh, nhẩy dù, thiết giáp, pháo binh và cả công binh.
Đến gần cuối ngày thứ hai, các đơn vị tiền phương Ai Cập trong bán đảo Sinai không bị tấn công bắt đầu di tản theo lệnh từ thủ đô Cairo. Khi chúng tôi biết được binh sĩ Ai Cập đang trấn đóng Sharm El Sheikh di tản, vội ra lệnh đưa một đơn vị Dù vào chiếm đóng Sharm El Sheikh ngay tức khắc mà không chờ cho Bộ Binh đánh xong các mục tiêu trong khu vực lân cận. Đúng 1 giờ trưa ngày 7 tháng Sáu, đoàn trực thăng đưa một đơn vị Dù vào chiếm Sharm El Sheikh. Khi đến mục tiêu, các phi công trực thăng trông thấy hai tầu phóng thủy lôi Do Thái đã vào trước, đậu trong bến. Một đơn vị Hải quân dưới quyền Đại Tá Botzer “Cheetah” đã vào Sharm El Sheikh lúc 11 giờ 30 trưa. Những tù binh Ai Cập đầu tiên nằm trong tay Hải quân. Ba mươi ba quân nhân Biệt Hải Ai Cập đang trấn đóng trên hòn đảo nhỏ Tiran bị bắt cùng với vũ khí khi định trốn về Ai Cập trên hai tầu đánh cá. Một trong những mục tiêu chính cho trận chiến (giải tỏa thủy lộ Tiran) đã hoàn tất.
Tối ngày 7 tháng Sáu, tôi được cho biết Nga Sô đang áp lực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp để buộc quân đội Do Thái ngưng tấn công. Tôi triệu tập phiên họp gấp trong bộ tổng tham mưu và ban lệnh hành quân mới lúc 10 giờ đêm. Hai sư đoàn đặc nhiệm phải tiến quân về hướng kênh đào Suez ngay tức khắc, di chuyển ngay trong đêm tối và phải đánh chiếm thành phố Ras Sudar bên bờ vịnh Suez. Sư đoàn đặc nhiệm dưới quyền Tướng Tal phải ngăn chặn, không cho địch triệt thoái qua bên kia kênh đào. Sư đoàn dưới quyền Tướng Yoffe phải giữ an ninh lộ trình đến Sharm El Sheikh.
Một đơn vị dưới quyền Tướng Tal bắt đầu di chuyển lúc nửa đêm, đến gần sáng chỉ còn cách kênh đào Suez mười dặm. Lữ đoàn Dù theo sau. Hai lữ đoàn này phối hợp tấn công tuyến phòng thủ Ai Cập gồm: biệt động quân, nhẩy dù, thiết giáp, pháo binh. Sau trận đánh dữ dội, quân đội Do Thái chiếm được thành phố Kantara East lúc 7 giờ 30 phút sáng. Hai lữ đoàn này tiếp tục đánh chiếm cọn đường đi Ismailia và chiếc cầu Firdan. Bẩy tiếng đồng hồ sau, một đơn vị thiết giáp cũng trong sư đoàn, đi vòng hướng khác tấn công Bir Gafgafa đánh tan nơi tập trung chiến xa của địch, xuống đến nơi bắt tay với hai lữ đoàn bạn. Cả sư đoàn đặc nhiệm dưới quyền tướng Tal đã chiếm được chiếc cầu Firdan và vùng phụ cận, đường rút quân về Ai Cập đã bị khóa chặt.
Trong khi đó, một lữ đoàn dưới quyền Tướng Yoffe, đi vòng qua hướng tây nam đuổi theo đoàn quân triệt thoái, đang băng qua đèo Mitla để đến bờ kênh đào. Trên lộ trình này đầy xác chết, xe cộ, chiến xa Ai Cập bị Không quân oanh kích nằm ngổn ngang. Khi đơn vị tiền phương Do Thái bắt kịp, một đoàn xe dài đủ loại, chiến xa, thiết vận xa, xe chở quân nối đuôi nhau đang chạy về hướng đèo Mitla. Một đơn vị gồm 9 chiến xa Do Thái được lệnh đi đường tắt đến chặn cửa ngõ lên đèo. Nhiều đơn vị Ai Cập đã băng qua được đèo Mitla, một số bị không quân oanh kích, bắn cháy làm thành một bãi tha ma, ngiã điạ rộng lớn, trên đèo và khu vực xung quanh. Đoàn quân còn lại bị dồn vào đường cùng, bắt buộc phải tiến lên tấn công 9 chiến xa Do Thái, mở đường cho đoàn xe đi lên đèo Mitla.
Chín chiến xa Do Thái chiến đấu rất anh dũng, khóa chặt lối đi lên đèo. Họ phải cầm cự từ 5 giờ chiều ngày 7 tháng Sáu cho đến trưa hôm sau, đoàn quân tiếp viện mới đến giải tỏa, thanh toán chiến trường. Sư đoàn dưới quyền Yoffe kiểm soát được cả hai ngọn đèo Mitla và Gidi đến bờ kênh đào Suez. Sau đó, một lữ đoàn di chuyển dọc theo bờ kinh về hướng nam.
Sư đoàn dưới quyền Tướng Sharon, truy kích địch về hướng nam, tây nam, tiêu diệt đơn vị chiến xa Ai Cập trên đường di tản, chận đánh đoàn xe thiết giáp địch tại Nakhl trên đường tiến quân về phiá nam, bắt tay với quân bạn nơi đèo Mitla.
Dải Gaza không có trong kế hoạch tấn công, tôi tin rằng sau khi đánh tan phòng tuyến Rafah (phiá nam Gaza), lấy được El Arish, địch quân trong Gaza sẽ đầu hàng. Tuy nhiên, quân đội Ai Cập trong dải Gaza pháo kích vào các làng định cư Do Thái dọc theo biên giới nên bộ tư lệnh Phương Nam yêu cầu được tấn công và chỉ trong vòng một ngày lấy được.
Trận tấn công chinh phục bán đảo Sinai hoàn tất vào tối thứ Bẩy ngày 10 tháng Sáu tại Abu Zneima, một làng đánh cá nhỏ nằm khoảng giữa bờ phiá đông vịnh Suez. Một đơn vị từ Ras Sudar di chuyển về hướng nam bắt tay một đơn vị Dù từ Sharm El Sheikh nơi tận cùng phiá nam (như mũi Cà Mau) tiến lên hướng bắc. Trên đường tiến quân, đơn vị Dù đánh chiếm El Tor và những giếng dầu hỏa trong khu vực Abu Rudeis. Chuyện bắt tay đúng ra phải hoàn tất 44 tiếng đồng hồ trước đó, điều này làm tôi nổi giận, khi ghé thăm bãi chiến trường nơi làng Abu Zneima. Tuy nhiên, khung cảnh Abu Zneima làm tôi nguôi cơn giận. Tại nơi này 3500 năm trước đó, những chiếc thuyền chở đồi mồi nuôi trong khu vực Serabit El Khadem băng qua vịnh Suez qua Ai Cập, để trang hoàng những cung điện rộng lớn, lộng lẫy của những vì Vua (Pharaoh) Ai Cập.
Sau bốn ngày chiến tranh, Tổng Thống Ai Cập Nasser chấp nhận ngưng bắn. Đúng 9 giờ 45 phút đêm thứ Năm, ngày 8 tháng Sáu, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc U Thant thông báo cho Hội Đồng Bảo An biết, Ai Cập chấp thuận một hiệp định ngừng bắn vô điều kiện. Nasser rất đau lòng khi được tin phòng tuyến Kantara East thất thủ và quân đội Ai Cập kẹt cứng trong bán đảo Sinai, không hy vọng lập được phòng tuyến mới. Sau đó Nasser ra lệnh cho đại sứ Ai Cập trong Liên Hiệp Quốc chấp nhận ngưng bắn.
Tại mặt trận Jordan, ngày 5 tháng Sáu, phi cơ Hunter của Jordan oanh kích khu phố Do Thái trong Jerusalem và phi trường quốc tế Lod. Đúng 1 giờ 55 phút trưa, Tướng Bull trong đạo quân Liên Hiệp Quốc gọi điện thoại cho biết, bộ chỉ huy của ông ta trong một cao ốc nơi phiá nam ngoại ô Jerusalem, ngay lằn ranh giới Do Thái – Jordan đã bị một đơn vị Lê Dương Ả Rập vào chiếm đóng.
Không lực Do Thái trả đũa chớp nhoáng loại ra khỏi vòng chiến không quân Jordan. Thiếu Tướng Uzi Narkiss tư lệnh bộ chỉ huy Trung Tâm (Central Command) bao gồm thành phố Jerusalem, được lệnh bộ tổng tham mưu “lấy lại” trụ sở Liên Hiệp Quốc, nhân tiện “nhổ luôn” ngôi làng Ả Rập nằm cắt ngang con đường từ Jerusalem đi Bethlehem và khu vực Đồi Hebron (Mount Hebron). Sau đó một đơn vị thuộc bộ tư lệnh Phương Bắc đánh qua phòng tuyến Jordan đến Samaria, chiếm mấy tiền đồn của quân Lê Dương Ả Rập.
Chiến trường trong vùng Trung Tâm bùng nổ, mục tiêu chính là thành phố Jerusalem. Thành phố lịch sử này rất quan trọng về mặt chính trị cũng như về điạ dư, sau năm 1948 Liên Hiệp Quốc chia đôi, nửa cho Do Thái, phần kia thuộc về Jordan và khu Phố Cổ (Old City) nằm trong phần đất của Jordan. Một lữ đoàn Thiết Giáp trừ bị dưới quyền Đại Tá Uri Ben Ari nằm ứng chiến nơi phiá tây, cách Jerusalem khoảng mười dặm. Một lữ đoàn Dù trừ bị dưới quyển Đại Tá Motta Gur ứng chiến trong phi trường, sẵn sàng vào Sinai. Tình hình trong bán đảo Sinai, quân đội Do Thái với lối tấn công thần tốc, tiến nhanh qua nên không cần đến lữ đoàn Dù này nữa nên họ được điều động vào chiến trường Jerusalem.
Lữ đoàn Thiết Giáp của Ben Ari tấn công xuyên qua những vị trí địch xung quanh Đồi Jordan hướng tây Jerusalem. Sau đó di chuyển suốt đêm lên hướng bắc Jerusalem gần Đồi Scopus nhìn xuống khu Phố Cổ, trưa ngày 6 tháng Sáu. Đơn vị Thiết Giáp gặp những quân nhân Dù sống sót sau trận tấn công quyết liệt mở đường tiến lên Đồi Scopus đêm qua.
Lữ đoàn Dù của Motta Gur khởi sự tấn công lên Đồi Scopus lúc 2 giờ 30 sáng ngày 6 tháng Sáu. Đơn vị này không có thì giờ đi thám sát điạ thế trước khi tấn công vì nhiệm vụ thay đổi (lữ đoàn nằm chờ trong phi trường để được đưa vào Sinai). Họ phải đánh xuyên qua phòng tuyến Jordan, được xây dựng rất kiên cố dọc theo hai sườn đồi Scopus và Olives. Quân Dù bị tổn thất nặng khi tấn công Trường Huấn Luyện Cảnh Sát Jordan và Đồi Ammunition Hill. Các sĩ quan Dù dẫn đầu, xung phong qua bốn lớp hàng rào phòng thủ, xông vào đánh cận chiến, thanh toán từng pháo đài, ổ kháng cự. Kết quả chiếm được mục tiêu vào lúc 6 giờ 15 phút sáng, nhưng số thương vong của đơn vị Dù lên rất cao, nhất là cấp sĩ quan.
Khi tôi đến thăm bãi chiến trường Đồi Scopus, Tướng Uzi Narkiss báo cáo, đơn vị Dù sau khi chỉnh đốn lại đơn vị sẽ tấn công cao ốc Augusta Victoria nằm giữa Đồi Scopus và Đồi Olives vào buổi chiều. Đánh xong cao ốc này, đơn vị Dù sẽ cắt con đường Jericho đến Jerusalem, không cho quân đội Jordan đến tiếp viện. Tuy nhiên, sau trận đánh suốt đêm qua, đơn vị Dù vẫn chưa được bổ xung tiếp tế đầy đủ nên trận tấn công phải dời lại đến sáng hôm sau. Trong buổi chiều hôm đó, quân đội Jordan sau khi mất vị trí chiến lược trên Đồi Scopus đã tự động rút lui sâu vào trong đất Jordan.
Sáng ngày 7 tháng Sáu, quân Dù Do Thái đã làm chủ con đường Jericho, họ đã hoàn tất việc bao vây thành phố Jerusalem. Từ một cao ốc đối diện khách sạn Intercontinental trên Đồi Olives, Đại Tá Motta Gur lữ đoàn trưởng đơn vị Dù quan sát chiến trường rồi ra lệnh cho cả ba tiểu đoàn tiến vào khu Phố Cổ qua cổng Lion Gate. Mọi đơn vị đều náo nức đòi lập công đầu (cắm cờ), sau trận chiến Độc Lập năm 1948, tất cả người Do Thái bị đuổi ra khỏi khu Phố Cổ, những người còn lại già cả, trẻ con đều bị quân Lê Dương Ả Rập bắt làm tù binh. Kể cả bộ chỉ huy lữ đoàn cũng hăng hái, Đại Tá Motta Gur cùng bộ tham mưu lên một xe bán xích sắt chạy vào trước, qua cổng Lion Gate, rẽ trái đến Đồi Temple. Chính ông ta cũng là người đầu tiên nhẩy ra khỏi xe, dẫn đầu đoàn sĩ quant ham mưu tiến vào ngôi Đền Vàng (Golden Temple) nơi thiêng liêng đối với người Ả Rập. Quân đội Jordan đã rút lui từ đêm qua, Đại Tá Gur ra lệnh cho một sĩ quan tìm đường lên nóc ngôi đền cắm cờ. Sau đó mọi người kéo đến Bức Tường Hướng Tây (the Wailing Wall) để cùng nhau cầu nguyện, làm lễ truy điệu chiến sĩ trận vong. Đó là chốn linh thiêng nhất đối với người Do Thái, phần còn lại của ngôi đền thờ, sau khi đã bị người La Mã đốt phá hàng ngàn năm trước. (Đại Tá Mordechai “Motta” Gur chỉ huy lữ đoàn (quân trừ bị gọi nhập ngũ) Dù là một quân nhân rất can đảm, đã từng bị thương, và rất khôn ngoan, hoạt bát. Cuộc đời binh nghiệp của ông ta thăng tiến nhanh chóng, chỉ vài năm sau lên làm Tổng Tham Mưu Trưởng)
Khi lữ đoàn Dù vào đến khu Phố Cổ, lữ đoàn Jerusalem dưới quyền Đại Tá Eliezer Amitai tấn công lên từ hướng nam qua cổng Dung Gate. Họ vào sau quân Dù khoảng nửa tiếng đồng hồ vì phải thanh toán vài ổ kháng cự còn lại và dọn dẹp bãi mìn giữa Đồi Zion (Mount Zion – Đồi Sư Tử) và nhà thờ Thánh Peter ở Gallicantu. Sauk hi cả hai lữ đoàn đã hoàn toàn chiếm được thành phố Jerusalem và khu Phố Cổ, tôi đến thăm anh em binh sĩ và cũng đi ra Bức Tường Hướng Tây để cùng mọi người làm lễ. (Lữ đoàn Jerusalem là một lữ đoàn “Thông Thái” nhất trên thế giới. Đa số là sinh viên, giáo sư thuộc Viện Đại Học Hebrew bị gọi động viên)
Lữ đoàn Thiết Giáp (quân trừ bị) dưới quyền Uri Ben Ari, sau khi hoàn tất nhiệm vụ trên chiến trường Jerusalem, tiếp tục đánh chiếm thành phố Ramalla nơi hướng bắc Jerusalem vào buổi chiều. Ngày hôm sau, lữ đoàn tiến quân đến bao vây thành phố cổ Jericho (có tên trong kinh thánh) nằm trong Jordan. Thành phố này tràn ngập binh sĩ Jordan từ khắp nơi di tản về, đến khi đoàn chiến xa Do Thái đến bao vây, họ tranh dành nhau chạy về hướng sông Jordan. Lữ đoàn Thiết Giáp dàn quân bên này bờ sông đợi lệnh. Phiá Jordan thông báo cho Hoa Kỳ và vị Đại Sứ Hoa Kỳ cho biết Do Thái không được đánh qua Jordan. Tôi ra lệnh cho các đơn vị Do Thái không được băng qua sông và phá hủy chiếc cầu để chứng minh chúng tôi không có ý đồ xâm lăng nước láng giềng Jordan. Không như điều Joshua đã làm cách đây 3300 năm, đánh dấu sự kết thúc chiến tranh với Jordan chứ không phải bắt đầu cuộc chinh phục.
Jericho, “Thành phố của những cây Palm” như tên gọi trong kinh thánh là một thành phố cổ xưa nhất trên thế giới, từ thời Neolithic (thời đại Đồ Đá). Những người đầu tiên sống nơi đây đã xây những kiến trúc bằng đá, tháp canh và bức tường bao quanh. Họ cũng đã biết dùng cành cây trộn với đất sét trong hệ thống dẫn nước để trồng trọt. Đó cũng là nơi thấp nhất trên quả điạ cầu có người sinh sống. Bao quanh là một vùng đất khô khan, cằn cỗi nhưng Jericho vẫn được trời ban cho sự tươi mát với những giòng suối, nổi lên như một cù lao giữa một hồ trồng cỏ xanh. Cũng tại Jericho, Rahab đã che dấu những quân do thám của Joshua và Elisha đã làm phép lạ ra giòng nước. Cho đến ngày nay giòng suối vẫn có tên là Elisha. Giòng suối vẫn tồn tại, bền bỉ hơn so với sự tàn phá của thời gian.
Chiều hôm thứ Tư ngày 7 tháng Sáu, một trận đánh chiến xa ngoạn mục xẩy ra trong trận đánh chiếm Nablus gần điạ danh trong kinh thánh Shechem. Một Thiếu Úy trẻ nổi danh trong trận này, chỉ huy bốn chiến xa hạng nhẹ chống lại đoàn chiến xa loại Patton của Jordan, kết quả bắn cháy 7 chiến xa, một thiết vận xa, một xe Jeep gắn đại bác không dật và một xe vận tải chở đầy quân.
Trưa ngày thứ Năm, bộ tư lệnh Trung Tâm báo cáo về bộ tổng tham mưu, đãbắt tay được với các cánh quân thuộc bộ tư lệnh Phương Nam. Tấn công từ Jerusalem xuống phiá nam, chiếm Bethlehem, Hebron và Dahariah. Tôi ghé Jerusalem thăm Tướng Uzi Narkiss rồi cùng với ông ta lái xe Jeep đi Hebron. Khu vực Đồi Hebron vẫn nở hoa, trong khi dưới thung lũng, cây cỏ đang co lại dưới sức nóng thiêu đốt của mùa hè. Tất cả đều có mầu xanh tươi, không thấy xe cộ trên đường ngoại trừ xe quân đội.
Chúng tôi dừng xe, ngắm nhìn hồ Solomon, rồi rẽ qua khu Etzion. Trước đó có một làng của những người Do Thái nặng tín ngưỡng, bị lính Lê Dương Ả Rập đốt phá năm 1948. Không thấy dấu vết nào của người Do Thái tồn tại, quân đội Lê Dương Ả Rập đã dựng lên một trại lính và một đền thờ Ả Rập. Tôi đứng im lặng, tưởng tượng đến những gì đã xẩy ra cho họ năm 1948. Vài tháng sau, con cháu của những người Do Thái bị giết đã trở về xây dựng lại ngôi làng của cha ông họ. Lần này con cháu họ sẽ được sống vĩnh cửu trong khu Etzion.
Chúng tôi tiếp tục đi sâu vào Hebron, thành phố đang ở trong tình trạng “thiết quân luật”. Đường xá vắng lặng, ngôi đền thờ Ả Rập xây trên hang đá Machpelah (Cave of Machpelah), nơi chôn cất những người Hebrew (Do Thái xưa) yêu nước, được một binh sĩ canh gác không cho ai vào (sợ binh sĩ vô tình phá hoại di tích lịch sử). Anh ta đưa tay chặn xe Jeep của tôi lại, chỉ lên một tấm bảng mới được dựng lên “Thánh Điạ. Không được phép vào”. Sau đó dường như nhận ra tôi và Thiếu Tướng Narkiss ngồi trong xe, anh ta nói “Có lẽ hai vị … được quyền vào!”. Tôi cám ơn anh ta rồi bước lên những bậc thềm vào bên trong.
Đó cũng là lần đầu tiên tôi được vào trong hang. Luật pháp Ả Rập ngăn cấm không cho người Do Thái được vào. Họ chỉ được phép bước lên bậc thứ bẩy bên ngoài, rồi nhìn vào trong hang qua một khe hở. Tôi bước vào bên trong hang, phiá trái có khu cầu nguyện cho người Muslim, bên phải là những ngôi mộ cổ truyền của những nhà Ái Quốc, thánh Abraham, Isaac, Jacob và các bà vợ của họ.
Tôi cảm động, vì dân tộc Do Thái ngày nay có thể đến thăm viếng nơi thánh điạ cổ xưa, mà trước đây họ bị ngăn cấm. Theo kinh thánh, hang “Cave of Machpelah”, Abraham đã mua với giá “Bốn trăm Đồng Bạc (shekels of silver)” từ “Ephron con của Zohar” để làm nơi chôn cất. Hai ngàn năm, sau cái chết của Abraham, trong thời gian Christian, nơi chôn cất nguyên thủy của người Do Thái trở thành một nhà thờ và sau đó trở nên một đền thờ Ả Rập khi đạo Muslim ra đời. Chốn linh thiêng đã trải qua bao nhiêu ngàn năm, qua tay bao nhiêu dân tộc, người Byzantine, người crusader và Mameluke. Một dinh thự hình chữ nhật rộng lớn được xây vào thời Vua Herod (ra lệnh giết trẻ sơ sinh Do Thái) trong thế kỷ thứ nhất trước thiên chúa đã không lưu giữ được hình ảnh của những người du mục chăn cừu. Một trong những người đó đã chăn đàn cừu cho ông cha vợ trong bẩy năm để trả giá cho mỗi bà vợ.
Tôi quyết định, ấn định ngày giờ thăm viếng để cho cả hai dân tộc Do Thái và Muslim được vào cầu nguyện, tỏ lòng thành kính nơi chốn linh thiêng. Tôi để ý có lá cờ Do Thái tung bay trên nóc ngôi đền Hồi Giáo, ra lệnh đem lá cờ đó treo trên nóc dinh Thống Đốc, không được treo trên những ngôi cổ mộ, linh thiêng.
Mặt trận cao nguyên Golan Heights, Syria. Trong ngày đầu trận chiến, Ai Cập yêu cầu Syria nhẩy vào vòng chiến. Quân đội Syria cho không quân oanh kích, pháo kích vào những làng định cư dọc biên giới. Không lực Do Thái trả đũa, tấn công các phi trường ở Syria, phá hủy 53 chiến đấu cơ của họ. Đêm đó, chính quyền Syria quyết định chấm dứt “Hành quân Nasser” liên minh với Ai Cập và thay thế bằng “Hành quân Jihad” (Thánh Chiến). Ngày 6 tháng Sáu, Syria đưa những đơn vị nhỏ tấn công một làng chiến đấu, một tiền đồn Do Thái nhưng cả hai bị đẩy lui. Sau đó Syria chỉ pháo kích vào các làng gần biên giới và các tiền đồn của quân đội.
Lúc 11 giờ 30 trưa hôm thứ Sáu ngày 9 tháng Sáu, quân đội Jordan và Ai Cập đã gần như bị loại ra khỏi vòng chiến, quân đội Do Thái bắt đầu tấn công những vị trí quân đội Syria gần biên giới. Quân đội Syria đã thiết lập tuyến phòng thủ, hệ thống đồn bót rất kiên cố dọc theo biên giới làm cho quân đội Do Thái tổn thất nặng nhất trại mặt trận này. Đến buổi tối, quân đội Do Thái chọc thủng được phòng tuyến Syria tại nhiểu vị trí, tuyến phòng thủ Syria xụp đổ. Quân đội Syria phải rút quân ra khỏi cao nguyên Golan Heights, tập trung về để phòng thủ Damascus sợ quân đội Do Thái tiến quân nhanh đến thủ đô như trong bán đảo Sinai.
Tại mặt trận Syria, chúng tôi đẩy mạnh mũi dùi tấn công nơi phiá bắc cao nguyên Golan Heights. Bộ tư lệnh Phương Bắc điều động lữ đoàn Thiết Giáp dưới quyền Albert và lữ đoàn Golani dưới quyền Yona lên tấn công. Quân đội Syria nhờ điạ thế khó khăn trên vùng cao nguyên, công sự phòng thủ vững chắc, được pháo binh yểm trợ hữu hiệu, cầm cự đến tối. Hai lữ đoàn Do Thái mặc dầu bị tổn thất nặng vẫn xung phong lên phá đưọc phòng tuyến Syria.
Quân đội Do Thái, sau khi đánh xuyên qua phòng tuyến Syria, chia ra làm nhiều nhánh tấn công các thành phố của Syria. Tại nhiều nơi, quân đội Syria vẫn kháng cự mãnh liệt. Trong trận tấn công Kala, tiểu đoàn trưởng Do Thái bị thương, tiểu đoàn phó lên thay được 10 phút trúng đạn chết, các sĩ quan cấp nhỏ hơn lần lượt lên nắm tiểu đoàn để tiếp tục tấn công. Các thành phố khác Zaoura, Tel Faher lần lượt rơi vào tay quân đội Do Thái. Trong trận đánh Tel Faher, Do Thái bị thiệt hại nặng hơn, có tiểu đội 13 người, bị tổn thất 10 người, người tiểu đội trưởng tử trận. Vị tiểu đoàn trưởng chỉ huy trận tấn công cùng một đại đội trưởng tử trận, tiểu đoàn phó bị thương nặng.
Sáng hôm sau, thứ Bẩy ngày 10 tháng Sáu, quân đội Syria rút lui ra khỏi những thành phố lớn trên cao nguyên Golan Heights. Bộ Binh, Thiết Giáp Do Thái vào chiếm Kuneitra, Massadah và Butmia đã bỏ trống. Trong lúc rút quân, Syria bỏ lại những vũ khí nặng: chống chiến xa, đại liên và những quân dụng khác.
Trong khi đó bên Ai Cập, chính quyền cùng bộ máy chiến tranh rung động. Bốn giờ chiều ngày 9 tháng Sáu, đài phát thanh Cairo đọc bản tin, Tổng Thống Nasser đã chấp thuận sự từ chức của các vị tướng lãnh, tư lệnh Hải, Lục, Không quân. Hai tiếng rưỡi đồng hồ sau, đài phát thanh lại đọc bản tin, Tổng Thống Ai Cập từ chức, nhưng đến 11 giờ 10 phút sáng hôm sau, đài phát thanh loan tin, Tổng Thống đã lấy lại đơn xin từ chức.
Sau sáu ngày tấn công trên khắp các mặt trận. Các nước Ả Rập: Ai Cập, Syria và Jordan đã phải chấp nhận ngồi vào bàn hội nghị. Con số thiệt hại của quân lực Do Thái rất “khiêm nhượng” so với các nước Ả Rập. Do Thái bắt sống hàng chục ngàn tù binh, đa số trên chiến trường Sinai và rất nhiều tướng lãnh Ai Cập.
No comments:
Post a Comment