Nguồn hình ảnh, Getty Images

Hoa
Kỳ đang rút quân khỏi Afghanistan, dự định sẽ đưa hết binh lính ra khỏi
vùng đất này vào cuối tháng Tám, sau 20 năm can thiệp quân sự và giúp
xây dựng quốc gia.

Quan ngại là quân Taliban chống đối chính phủ đang chiếm đất giành dân tại nhiều nơi và đã kiểm soát được nhiều quận.

Hình
ảnh sụp đổ của Việt Nam Cộng hoà năm 1975 đang được nhiều giới chức và
truyền thông Mỹ nhắc lại và đặt câu hỏi là chuyện gì sẽ xảy ra nếu
Taliban chiếm được thủ đô Kabul.

Từ
giữa thập niên 1950, Hoa Kỳ thay thế người Pháp để vào Việt Nam, giúp
xây dựng miền Nam với một thể chế tự do dân chủ, đối nghịch với miền Bắc
theo chế độ cộng sản được Liên Xô và Trung Quốc trợ giúp.

Nửa
cuối của thế kỷ trước, thế giới thường nhắc đến chiến tranh ở Việt Nam
và ở Afghanistan vì cả hai đều có sự yểm trợ quân sự của các nước cộng
sản và tư bản như một phần của Chiến tranh Lạnh còn kéo dài sau Thế
chiến II.

Miền
Nam Việt Nam muốn xây dựng chế độ tự do dân chủ theo mô hình chính trị
Hoa Kỳ, miền Bắc quyết tâm chống Mỹ để xây dựng xã hội chủ nghĩa theo
khuôn mẫu cộng sản Nga-Trung. Giống như Đông Đức và Tây Đức, Nam Hàn và
Bắc Hàn, Trung Quốc và Đài Loan.

Cuộc
chiến ở Việt Nam kết thúc vào năm 1975 với sự sụp đổ của Việt Nam Cộng
hoà. Hình ảnh Đại sứ Mỹ quấn cờ ra đi và cuộc di tản bằng trực thăng từ
thủ đô Sài Gòn là một vết đen trong lịch sử Hoa Kỳ.

Afghanistan: Phiên bản Việt Nam ở Trung Á

Thất
bại của Hoa Kỳ tại Việt Nam là động lực thúc đẩy khuynh hướng chống Mỹ
tại nhiều nơi. Cuối năm 1975 ở châu Phi, Angola đuổi được Bồ Đào Nha và
cộng sản lên nắm quyền, lập nên nước Cộng hoà Nhân dân Angola.

Năm
1979, Nicaragua thiết lập chính quyền theo xã hội chủ nghĩa ở Nam Mỹ.
Trung Á có Hồng quân Liên Xô tiến vào thủ đô Kabul dựng lên một chính
quyền cộng sản ở Afghanistan.

Cùng
năm, để phản đối Mỹ ủng hộ Vua Shah, dân quân Iran đã tấn công vào Đại
sứ quán Hoa Kỳ ở Teheran, bắt nhiều công dân Mỹ làm con tin.

Hoa
Kỳ lên án Liên Xô xâm lăng Afghanistan, Tổng thống Jimmy Carter quyết
định tẩy chay Olympic 1980 tổ chức ở Moscow. Nước Mỹ cùng lúc đón người
tị nạn Việt và tị nạn Afghan vào định cư.

Tổng thống Carter cũng ra lệnh cho Lực lượng Đặc biệt vào Iran giải cứu con tin nhưng không thành công.

Chính sách đối ngoại yếu mềm đã khiến Tổng thống Carter thất bại khi ra tranh cử nhiệm kỳ hai năm 1980.

Ngay
khi Tổng thống Ronald Reagan nhận chức vào ngày 20/1/1981, Iran đồng ý
thả những công dân Mỹ đã bị bắt làm con tin từ hơn một năm. Hoa Kỳ cung
cấp vũ khí cho lực lượng hồi giáo Mujahedeen chống lại binh lính Liên Xô
ở Afghanistan và lực lượng du kích Contras chống lại chính quyền cộng
sản ở Nicaragua.

Afghanistan được xem như là Việt Nam của Liên Xô vì đã bị sa lầy, giống như Hoa Kỳ sa lầy ở Việt Nam vào thập niên trước đó.

Đầu
năm 1989, sau gần một thập niên chiếm đóng, khi Liên Xô rút hết quân
khỏi Afghanistan thì nội chiến bùng nổ giữa các sắc tộc để giành quyền
lãnh đạo.

Tháng
4/1992, quân du kích Mujahedeen tiến vào Kabul, Tổng thống Mohammed
Najibullah, được sự hỗ trợ của Liên Xô, phải từ chức và chạy vào trụ sở
của Liên Hiệp quốc lánh nạn cho đến năm 1996, khi Taliban giành được
quyền lãnh đạo, Najibullah bị bắt, bị giết chết và treo xác giữa trung
tâm thủ đô để cảnh cáo những ai muốn chống lại chính quyền mới.
Afghanistan tiếp tục rơi vào một cuộc nội chiến.

Can thiệp quân sự của Hoa Kỳ

Vài
năm sau, ngày 7/10/2001, Hoa Kỳ lại can thiệp quân sự, khi Tổng thống
George W. Bush (Bush con) ra lệnh đem quân vào Afghanistan, lật đổ chính
quyền Taliban vì đã cho quân khủng bố Al-Qaida dùng lãnh thổ để huấn
luyện và phát động tấn công khủng bố nhắm vào nước Mỹ.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Những gì xảy ra ở Afghanistan thường được so sánh với Cuộc chiến Việt Nam

Trước
đó rất ít người nghe biết đến Al-Qaida, cho đến sáng ngày 11/9/2001 khi
người của tổ chức này cướp máy bay dân sự dùng làm vũ khí tấn công vào
nước Mỹ khiến ba nghìn người tử vong.

Quân
đội Mỹ vào Afghanistan, lật đổ chính quyền Taliban với mục tiêu diệt
Al-Qaida. Ngoài lính Mỹ còn có lực lượng quân sự của NATO cũng đổ quân
vào. Nhưng Osama bin Laden đã trốn được qua Pakistan và tiếp tục phát
động các vụ khủng bố nhắm vào Hoa Kỳ và đồng minh của Mỹ tại nhiều nơi
trên thế giới, từ vùng Vịnh Ba Tư sang châu Á, châu Phi.

Đến
thời Tổng thống Barack Obama, thủ lĩnh của Al-Qaida là Bin Laden mới bị
giết chết tại nơi trú ẩn ở Pakistan trong một cuộc tấn công của lực
lượng đặc nhiệm Mỹ vào ngày 2/5/2011.

Trong
20 năm can dự quân sự vào Afghanistan, qua bốn đời tổng thống Mỹ, có
lúc với cả trăm nghìn lính tham chiến và đã có 2300 binh lính Mỹ hy
sinh.

So
với mười năm chiến đấu ở Việt Nam, lúc cao điểm có nửa triệu lính Mỹ và
với 58 nghìn binh lính tử trận, thì số tử vong ở Afghanistan tương đối
thấp.

Trước Afghanistan, Việt Nam là nơi Hoa Kỳ đã chiến đấu lâu nhất trong lịch sử và có một kết cuộc thảm bại.

Hiệp
định Ba Lê ký kết năm 1973 để người Mỹ rút quân khỏi Việt Nam và vấn đề
hoà hợp hoà giải dân tộc, tương lai chính trị của miền Nam để người dân
Việt quyết định.

Sau
đó, Quốc hội Mỹ cắt giảm viện trợ cho Việt Nam Cộng hoà, cùng với đạo
luật War Power Acts không cho Hoa Kỳ can thiệp trở lại vào Đông Dương,
nên cộng sản Bắc Việt tiến hành giải pháp quân sự.

Chính
quyền Sài Gòn với Tổng thống Dương Văn Minh vừa nhận chức, sáng ngày
29/4/75 đã yêu cầu tất cả người Mỹ phải rời Việt Nam trong vòng 24 tiếng
đồng hồ với hy vọng bộ đội cộng sản ngừng tấn công và sẽ có một giải
pháp chính trị cho miền Nam. Nhưng mọi sự đã quá trễ.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Nay
Hoa Kỳ cũng đã thoả hiệp với Taliban để rút quân khỏi Afghanistan. Còn
hai tháng nữa sẽ đến ngày 11/9/2021, là khi Hoa Kỳ chính thức rút hết
quân khỏi Afghanistan theo thời biểu của Tổng thống Joe Biden đưa ra
trong tháng Tư vừa qua.

Cũng
như miền Nam Việt Nam trước đây, Hoa Kỳ đã hỗ trợ huấn luyện quân đội,
tạo dựng nên một chính quyền thân Mỹ ở Afghanistan, với hiến pháp mới và
qua các cuộc bầu cử tự do để dân Afghan chọn lãnh đạo, nhưng nội chiến
vẫn tiếp tục với các sắc tộc tranh giành kiểm soát lãnh thổ và dân
chúng.

Những
ai đã trải nghiệm qua cuộc chiến Việt Nam, chứng kiến ngày chính quyền
Việt Nam Cộng hoà sụp đổ không thể không nghĩ đến Afghanistan lúc này.

Truyền
thông Mỹ đang đặt vấn đề với lãnh đạo Hoa Kỳ về việc di tản những người
Afghan đã hợp tác với Mỹ trong hai thập niên qua, nhất là số phận những
thông dịch viên làm việc cho quân đội và chính phủ Mỹ và gia đình họ.
Con số có thể lên đến hàng vạn người.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Hiện đang có những quan ngại cho sự an toàn của những người Afghanistan hợp tác với Mỹ một khi Hoa Kỳ rút đi toàn bộ

Trong
tháng 4/1975, chính phủ Hoa Kỳ cũng đã lên kế hoạch di tản hàng trăm
nghìn người Việt mà nếu bỏ lại sẽ bị cộng sản trả thù vì đã hợp tác với
người Mỹ trong chiến tranh.

Nhưng
có khác biệt cơ bản giữa Việt Nam và Afghanistan. Việt Nam khi đó là
hai quốc gia riêng biệt, còn Afghanistan hiện nay là một quốc gia và chỉ
có các nhóm sắc tộc khác nhau tranh giành quyền lãnh đạo, không một
nhóm nào có thể hoàn toàn loại bỏ các nhóm khác, như những xung đột
trong gần nửa thế kỷ qua cho thấy.

Một
khác biệt nữa là Afghanistan đã có Hội đồng Hoà giải Tối cao được thành
lập với đại diện của nhiều nhóm sắc tộc khác nhau để tìm ra một giải
pháp chính trị cho đất nước. Trong khi tại miền Nam, với Hiệp định Ba Lê
mà các bên đã không thể thành lập được Hội đồng Hoà hợp Hoà giải Dân
tộc như ghi trong hiệp định.

Hôm
25/6 vừa qua, Tổng thống Joe Biden đã đón tiếp Tổng thống Afghanistan
Ashraf Ghani và Chủ tịch Hội đồng Hoà giải Tối cao Abdullah Abdullah tại
Bạch Ốc để bàn thảo về quan hệ hai nước và cam kết sự hỗ trợ của Hoa Kỳ
cho Afghanistan sau khi Mỹ rút quân.

Hoa
Kỳ sẽ tiếp tục viện trợ cho Afghanistan, mỗi năm 4 tỉ đôla cho đến năm
2024, theo tin của AP đưa ra sau khi lãnh đạo Afghanistan gặp gỡ Tổng
thống Joe Biden.

Phía
Taliban trong một thoả hiệp với Mỹ đã đồng ý là sẽ không để cho thành
phần Nhà nước Hồi giáo, ISIS hay ISIL là các nhóm khủng bố hồi giáo cực
đoan trung thành với Al-Qaida, dùng làm nơi phát xuất các cuộc tấn công
khủng bố vào Hoa Kỳ và các nước phương Tây như trước đây.

Bài
học Việt Nam vẫn còn đó cho Tổng thống Joe Biden nhận ra, khi Quốc hội
Mỹ đã không muốn tiếp tục ủng hộ cho Việt Nam Cộng hoà chống cộng sản
bành trướng, trong lúc ông là một thượng nghị sĩ.

Với
những viện trợ của Hoa Kỳ cho Afghanistan, chính quyền Kabul khó sụp
đổ. Dù thành phần nào lên lãnh đạo đất nước, Afghanistan cũng cần sự yểm
trợ của Hoa Kỳ và của NATO trong việc chống khủng bố và sự độc lập
trước ảnh hưởng của các nước lân bang.

Đó là bài học mà lãnh đạo cộng sản Hà Nội đã bỏ lỡ sau khi giành được quyền cai trị một nước Việt Nam thống nhất.

Bài
viết phản ánh quan điểm của tác giả, là giảng viên đại học cộng đồng và
là một nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco, California.

Xem thêm về Cuộc chiến Việt Nam: