Monday, April 19, 2010

Khi người Mỹ quyết định 'giùm'


Viên Linh (hồi ký và dịch tài liệu CIA)

Ngày 18 tháng 4, 1975: Tổng Thống Gerald Ford thành lập Ủy Ban Ðặc Nhiệm Liên Bộ, Interagency Task Fork- itf, và Operation New Arrivals phụ trách di tản cứu cấp di dân tị nạn Việt Nam - ba ngày sau, 21 tháng 4, 1975: Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lên tivi từ chức - trong 4 ngày, Bill Johnson của CIA dùng Air America chở 144 nhân viên “nhà số 7” và gia đình họ, 1,000 người, ra Phú Quốc - từ Sài Gòn ra Phú Quốc, từ Guam tới Fort Indiantown Gap cùng Thanh Nam-Túy Hồng, Xuân Vũ, Vũ Huyến, Mai Lan - 2009: trở về thăm trại cũ. (trích hồi ký)

Trang nhất nhật báo New York Times ngày 22 tháng 4, 1975 với hình TT Thiệu chụp qua Tivi, hình Tướng Federic Weyand, tổng tư lệnh Quân Ðội và Henry Kissinger. Tựa lớn nhất, tám cột: “Thiệu Từ Chức, Kêu Mỹ Không Ðáng Tin; Chỉ Ðịnh Người Kế Vị Tìm Cách Thương Thuyết Việc Rút Tất Cả Người Mỹ Ðã Ðược Cân Nhắc.” (Hình: Viên Linh cung cấp)

I.

Trở về Santa Ana, để trả lời câu hỏi của các con (về chuyến di tản sang Hoa Kỳ của gia đình), những “Dữ kiện Tháng Tư” bắt đầu được tìm thêm, được thu thập dàn trải, sắp xếp kiến trúc lại thành sơ đồ “chuyến đi.”

Lúc ấy cuốn “Decent Interval” của Frank Snepp mua cả chục năm trước mới được đọc kỹ hơn. Cuốn sách thuật lại những tháng sau cùng của Mỹ ở Việt Nam. Tác giả Frank Snepp - trưởng ban Phân tích Chiến lược của CIA ở Việt Nam - khoảng hơn một năm sau khi miền Nam sụp đổ đã rời khỏi Cơ quan Tình Báo Hoa Kỳ, đã viết ra những bí mật ngoại giao mà ông biết, tình hình miền Nam nhìn từ Tòa Ðại Sứ là nơi ông phục vụ hơn bốn năm, cuộc di tản mà ông vừa là một thành viên, vừa là một chứng nhân. Ông bỏ ra 18 tháng để viết cuốn Decent Interval, đã xuất bản ngay năm 1977. (1) Ngay khi đó, chưa đọc được nhiều, tôi vẫn viết cho tác giả một lá thư. Không thấy tăm hơi.

I did it because the people would have been killed and I'm proud of it. (Tôi đã làm chuyện đó [đưa hàng ngàn người Việt Nam ra đi - NV] vì nếu không, họ sẽ bị giết. Và tôi hãnh diện đã đưa được họ ra đi.)

Gerald Ford, Tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố như vậy khi bị chỉ trích đã vi phạm luật khi ông để cho trực thăng bốc 5,595 người Việt từ khuôn viên Tòa Ðại Sứ Mỹ ở Sài Gòn trong 18 tiếng đồng hồ chót mà không được phép của Quốc Hội. Trong một buổi điều trần sau đó trước Quốc Hội, cựu Ðại Sứ Graham Martin cho biết riêng tại Sài Gòn trong tháng 4, 1975, trực thăng quân đội Mỹ đã bốc được 51,888 người, trong đó chỉ có 6,763 người Mỹ.

Thật là bất ngờ, những điều Frank Snepp viết về cuộc di tản nhân viên Việt Nam của Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ trong đó lại có gia đình mình, bây giờ mới hiện lên trước mắt, sau bao nhiêu năm. Theo ông thì một phần của cuộc di tản ấy thành công được là do những quyết định của riêng ông Bill Johnson, một nhân viên CIA lâu đời, trưởng một bộ phận ở Sài Gòn. Ông đã khôn khéo làm theo ý mình mà không vi phạm các lệnh lạc của cấp trên.

Trước hết phải tóm lược một vài tài liệu, đôi nét thuật sự về những ngày đầu của tháng 4 1975. Một trong những tài liệu ấy là hồ sơ “Operation New Arrivals.” Ðây là tên chiến dịch thực hiện theo Công Bố của Tổng Thống Gerald Ford ngày 18 tháng 4, 1975. Tài liệu mở đầu bằng hai trang giấy khổ viết thư, đó là hai văn bản, một của Tổng Thống Gerald Ford, một của Henry Kissinger gửi cho 13 bộ, cơ quan, trong có Bộ Ngoại Giao, Bộ Quốc Phòng, và nhiều nữa. Theo lệnh tổng thống ngày nói trên, một Cơ cấu Ðặc Nhiệm Liên Bộ (Interagency Task Force, viết tắt là ITF) được thành lập để phối hợp hoạt động di tản, tiếp tế nhân đạo và giải quyết vấn đề khác của người tỵ nạn vào Hoa Kỳ. Ðại Sứ Dean Brown được chỉ định làm Giám Ðốc và Ðại diện Phối hợp Ðặc quyền. Ðọc hai văn bản ấy, nhiều người sẽ ngỡ ngàng: 18 tháng 4, 1975, Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, ông Nguyễn Văn Thiệu, chưa từ chức, mà Tổng Thống Mỹ và Cơ Cấu Ðặc Nhiệm Liên Bộ cứu cấp người tỵ nạn đa thành lập xong rồi!

Ngoài bìa của tập tài liệu có cái dấu STOP, và những hàng chữ:

OPERATION NEW ARRIVALS,

FORT INDIANTOWN GAP

May 20.1975 - Nov. 25.1975

Bên trong có mấy dòng thêm:

(U.S. ARMY, HEADQUARTERS 46th SUPPORT GROUP, FORT BRAGG, N.C.)

Nguyên văn dài gần hết trang, người đọc vội chỉ chép mấy chữ cần thiết, như sau, chép lại bằng tay, và chỉ chép những chữ chính, vì lúc ấy không có cách gì sao chụp lại:

THE PRESIDENT'S ADVISORY COMMITTEE

ON REFUGEES (BACKGROUD PAPERS)

INTERAGENCY TASK FORCE (ITF)

Presidential Annoucement, April 18.75. “Ambassador Dean Brown, Special Representative and Director of ITF to coordinate all U.S. Government activities concerning the evacuation, humanitarian and refugees problems.”

Ðây chỉ là bản báo cáo của Bộ Tư Lệnh thứ 46th (Sư đoàn? Trung đoàn?). Bộ Lục Quân Hoa Kỳ đồn trú ở căn cứ quân sự Fort Bragg ở tiểu bang North Carolina, nhưng đặc nhiệm phụ trách căn cứ Fort Indiantown Gap ở Pennsylvania từ tháng 5, 1975 để lo cho dân tỵ nạn. Như thế rõ ràng là ba ngày trước khi tổng thống Việt Nam Cộng Hòa lên truyền hình ở Sài Gòn tuyên bố từ chức và chỉ trích Mỹ, Washington đã huy động các bộ lập ra các trại tỵ nạn, đặc biệt là trại ở Fort Indiantown Gap, nơi tạm cư đầu tiên của chúng tôi tại Hoa Kỳ.

II.

Máy bay chở gia đình tôi đáp xuống phi trường Harrisburg, tiểu bang Pennsylvania vào một ngày nào đó cuối tháng 5, hay đầu tháng 6 là cùng, 1975, sau khi được tàu thủy đưa đến Guam hôm 3 tháng 5 và ở đó vài tuần lễ. Tôi trở lại Harrisburg vào tháng 12, 2009 nhân đi thăm những người thân ở hai tiểu bang miền Ðông.

Harrisburg, không bao giờ tôi quên thành phố ấy, phi trường ấy, nơi đầu tiên ở Hoa Kỳ những người thân yêu và tôi đã đặt chân xuống. Không bao giờ tôi quên, khi máy bay nghiêng cánh lượn vòng để đáp xuống, hình ảnh dòng sông đục ngầu uốn mình giữa một bên là thành phố, bên kia là vùng núi đồi của bộ lạc Da đỏ Susquehannock. Không bao giờ tôi quên những người Mỹ bác ái, thẳng thắn, niềm nở, đã múc thức ăn đặt vào cái khay sắt chúng tôi xếp hàng chờ lãnh.

Chúng tôi, không phải chỉ là vợ và các con, Nam Long 6 tuổi, Anh Chiêu 5 tuổi, Y Lăng 17 tháng; chúng tôi ở đây còn là những người cùng đi với tôi một chuyến tàu vượt biển từ Phú Quốc như Thanh Nam, Túy Hồng, Nguyễn Ngọc Bích, chị em Hằng và Bùi Ngọc Tuấn, hay gặp nhau ở những barracks trong trại như Nghiêm Xuân Hồng, và rải rác trong các khu V, khu VI, thấy nhau tại khu Bưu Ðiện khu V, barrack 32, không quen nhưng biết, có những LM Cao Văn Luận, LM Nguyễn Thành Long, TT Thích Giác Ðức... hai người sau này tôi còn gặp lại ở Wahington, D.C. và Falls Church, Virginia, trong tiệm Phở Xe Lửa của Luật Sư Toàn - tức Toàn Bò.

Từ phi trường Harrisburg, người tỵ nạn được xe buýt chở thẳng tới Fort Indiantown Gap, cách đó 30 dặm. Căn cứ cách thành phố 23 dặm về phía Ðông, có tới 172 barracks, có lúc chứa tới 17,000 dân tỵ nạn. Vài tháng trước ngày kỷ niệm 35 năm ngày 30 tháng 4, 1975, tôi có cùng nhà văn Nguyễn Tà Cúc trở về thăm lại trại xưa, nhưng không còn nhận ra chốn cũ nữa. Cô cũng đến đây vào năm 1975. Dưới chân các barracks không còn những cây cột chống đỡ sàn trại, đứng bên này khum người xuống có thể nhìn thấy bên kia, mà đã được bịt kín bằng những vách gỗ sơn trắng.

Cổng vào từ xa lộ 73, quãng exit 81, là cổng trại có đắp trụ gạch, trên có tấm bảng lớn, ghi tên trại, và phía trên có thêm hàng chữ: National Guard Training Center. Xe chạy ngang dọc hai lần trong trại, tôi không còn cảm thấy gì, chỉ ghi nhận một chiếc máy bay vận tải và một chiếc trực thăng sơn màu rêu sạch sẽ, những chiếc xe tăng, thiết giáp sơn sạch sẽ, và ở trên một cái trụ tưởng niệm, chằng chịt nhiều chữ, có một dòng nhắc nhở tới năm xưa: nơi đây hiện cũng còn những đứa trẻ tị nạn Việt Nam nằm lại, dưới lòng đất: nghĩa địa trẻ em tỵ nạn Việt Nam từ trần trong trại, từ 35 năm trước. Tôi không rõ các em sinh ra trong trại và yểu mệnh trong trại, hay các em đã vượt trùng khơi rồi khi tới đây đã nằm lại vĩnh viễn?

Clearly, Henry Kissinger was the American who most directly affected the forces at work in Vietnam as it emerged from the cease-fire. He negotiated the “peace” and shaped American policies in the aftermath. In both instances his handiwork was faulty and too hastily done. [...]Following the cease-fire, Kissinger erred again by placing his trust in Soviet and Chinese cooperation and in efficacy [...]Consequently, as his own attention became diverted by the Middle East and other problems, Washington lost sight, and control, of its most enduring crisis.”

Rõ ràng, Henry Kissinger là người Mỹ ảnh hưởng trực tiếp nhất tới thế lực (Mỹ) hành sự ở Việt Nam từ sau cuộc ngưng bắn. Ông ta đã thương lượng “hòa bình” và đã uốn nắn chính sách của Mỹ sau đó. Trong cả hai trường hợp công trình của ông ta lầm lỗi và quá hấp tấp. [...]Sau cuộc ngưng bắn, Kissinger lại lầm lỗi nữa khi đặt tin tưởng vào Soviet và Trung Cộng trong sự hợp tác và trong tính hiệu quả - ... Hậu quả là, khi sự chú tâm của ông ta bị phân tán bởi Trung Ðông và các vấn đề khác, Hoa Thịnh Ðốn đã mất hướng, mất kiểm soát trong cuộc khủng hoảng dai dẳng nhất của nó.

FRANK SNEPP (Trưởng ban Phân tích Chiến lược của CIA ở Việt Nam - CIA's chief strategy analyst in Vietnam)

(Decent Interval, Postscript, p. 579)

(Ghi chú: Frank Snepp, tác giả của “Decent Interval,” sinh tại North Carolina. Theo truyền thống gia đình, Frank Snepp theo học ở Columbia, New York, tốt nghiệp năm 1965. Ba năm sau ông lấy cao học về Bang Giao Quốc tế, chuyên về chiến lược nguyên tử và NATO. Do đó, ông được mời vào làm việc tại Trung Ương Tình Báo. Trong tám năm ở đây, ông vừa là điệp viên hoạt động, vừa là nhà phân tích, một điều rất hiếm trong tổ chức này. Ông cũng là một chuyên gia về phân tích chính trị Bắc Việt Nam, đã hai lần phục vụ tại Miền Nam, 1969-1971 và 1972-1975. Là trưởng ban Phân Tích Chiến Lược ở Sài Gòn, Frank Snepp thường đụng độ với các thế lực trong Tòa Ðại Sứ, và trong Bộ Ngoại Giao, nên chỉ hơn một năm sau ngày miền Nam sụp đổ, ông ra khỏi CIA để viết Decent Interval.

Decent Interval, An Insider's Account of Saigon's Indecent End Told by the CIA's Chief Strategy Analyst in Vietnam, Random House New York, 600 trang, tháng 11, 1977. Ðây là cuốn sách đầu tiên của một tay trong (CIA và Bộ Ngoại Giao) thuật lại từ đầu những diễn biến, nhân sự, và sự kiện, nổi và chìm, trong sinh hoạt chính trị Hoa Kỳ liên hệ tới chiến tranh Việt Nam. Trong lúc dư luận thổi phồng Henry Kissinger, ông là người phê bình đương sự rất gay gắt, kể ra những lầm lỗi của tổng trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ trong những hành xử ưa trình diễn bề ngoài, thích hành tung bí ẩn, bị Liên Xô và Trung Cộng đưa vào tròng trong thời gian thương thuyết về chiến tranh Việt Nam. Frank Snepp luôn luôn nghĩ đến Việt Nam và người Việt trong thời gian 18 tháng viết cuốn sách, hoàn tất tháng 11, 1977: “Tôi cũng đã cố gắng đặc biệt để không phản bội danh tính những nhân viên Việt Nam mà Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ bỏ lại Việt Nam. Ðiều cuối cùng mà tôi muốn làm là gây thêm đau đớn cho những người (Việt Nam) đã từng lầm lẫn là đặt niềm tin nơi chúng ta.” (Frank Snepp, Decent Interval, Lời Tựa, trang X))

(Kỳ sau: Ký ức về “nhà số 7” đường Hồng Thập Tự, Sài Gòn, cùng những nhân viên “đặc biệt.”)

No comments:

Post a Comment