Sunday, September 12, 2021

Chỉ là Chiêu Bài và Quyền Lợi, qua kinh nghiệm Afghanistan và Việt Nam - Mặc Giao

Ngày
15-8-2021, quân Taliban đã tiến vào thủ đô Kabul của Afghanistan như
chỗ không người, không tốn môt viên đạn, và đã chễm chệ ngồi chụp hình
ngay giữa dinh tổng thống. Tổng Thống Afghanistan Ashraf Ghani đã rời
khỏi đất nước, không nói với dân và quân một lời, chạy đi lánh nạn tại
Tajikistan, một nước nhỏ sát biên giới, trước đây thuộc Liên Bang Xô
Viết.

Quân Taliban chụp hình trong phòng làm việc của tổng thống Afghanistan

Mỹ
đã dính vào mớ bòng bong Afghanistan qua việc trả thù quân khủng bố
Taliban và Al-Qaeda đâm phi cơ vào tòa nhà Tháp Đôi ở New York ngày
9-11-2001, khiến 3,000 người thiệt mạng. Tổng Thống George W. Bush (con)
ra lệnh đưa quân vào Afghanistan để tiêu diệt các lực lượng khủng bố,
thành lập một chính quyền và quân đội Afghanistan mới. Việc bình định
tiến chậm. Quân khủng bố Taliban, có lực lượng Al-Qaeda hiệp lực, tổ
chức lại hàng ngũ rất nhanh, từ những căn cứ đặt tại Pakistan. Vì vậy Mỹ
bị sa lầy ở Afghanistan 20 năm, suốt 4 thời tổng thống Mỹ. Ý định thoát
khỏi vũng lầy, rút quân Mỹ về nước, xuất phát từ Tổng Thống Obama. Tổng
Thống Trump cũng đồng tình, còn gửi phái đoàn đi điều đình với Taliban
tại thành phố Doha về việc Mỹ rút quân và đã ký thỏa hiệp với Taliban
vào tháng 2/2020.  Đến Tổng Thống Biden thì ông dứt khoát rút quân vào
tháng 5/2021.  Afghanistan bị bỏ rơi cho Taliban tiếp thu nhẹ nhàng. 
Nhiều
người kết án Mỹ “đem con bỏ chợ”, giống như đã đối xử với đồng minh
Việt Nam Cộng Hòa trước đây. Thật ra có điều giống, điều không giống.
Điều giống nhất là đưa chiêu bài dụ dỗ đồng minh với mục tiêu cao cả
chống độc tài, thiết lập tự do, dân chủ, hứa sẽ tận tình giúp họ chiến
đấu đến chiến thắng.  Khi không thắng nổi, hoặc khi thấy tình hình quốc
tế đã thay đổi, dư luận dân Mỹ không còn ủng hộ việc tham gia cuộc chiến
ấy nữa, một chính sách khác cần được áp dụng, thì lãnh đạo Mỹ lập tức
rút quân ra, chấm dứt mọi yểm trợ, không kể đến sự hy sinh của 2,448
chiến binh Mỹ, 1,144 binh sĩ đồng minh NATO đã nằm xuống trên chiến
trường Afghanistan, tiêu tốn trên một ngàn tỷ Đô la, quan trọng nhất là
không đếm xỉa tới những tai họa mà đồng minh bị bỏ rơi phải hứng chịu vì
đã tin cậy vào Mỹ.

Ngoài
việc rút ra cho thoát “của nợ” để lo việc khác, các chính phủ Mỹ còn
thêm “thói quen” lật đổ hay dồn vào chân tường những lãnh tụ đồng minh
đã từng đươc Mỹ ủng hộ và hứa hẹn đủ điều. Ta có thể kể Tổng Thống Ngô
Đình Diệm, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu của Việt Nam, Tổng Thống Lý Thừa
Vãn của Nam Hàn bị quân đội đảo chánh với sự đồng tình của Mỹ, Tổng
Thống Magsaysay của Phi Luật Tân chết một cách mờ ám, Đài Loan của Tổng
Thống Tưởng Giới Thạch bị cắt bang giao với Mỹ và mất luôn ghế thường
trực tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, bây giờ là TổngThống Ashraf
Ghani của Afghanistan… Một lãnh tụ châu Á đã nói một câu nổi tiếng: 
“Làm kẻ thù của Mỹ có lợi hơn làm đồng minh của Mỹ”. Nixon
và Ford thuộc đảng Cộng Hòa hay Biden của đảng Dân Chủ cũng hành động
giống nhau thôi. Ông nào cũng “America first”, dù không nói huỵch toẹt
như ông Trump.

Bảo
vệ quyền lơi Mỹ là điều chính đáng, không ai có thể trách cứ. Bảo vệ
không phải chỉ bằng súng đạn, mà còn bằng thương mại, kinh tế, ngoại
giao, chính trị, vừa nhằm bảo vệ an ninh cho Mỹ từ vòng đai xa, vừa nhắm
phát triển kinh tế Mỹ, vừa lo củng cố vai trò cường quốc số một của Mỹ
trên toàn thế giới. Vì vậy Mỹ cần có mặt ở khắp nơi, tạo ảnh hưởng ở mọi
chốn, can thiệp vào mọi biến cố, từ hai cuộc thế chiến đến các cuộc
chiến tranh Cao Ly, Việt Nam, Trung Đông và nhiều nơi khác. Mỹ không xâm
lăng chiếm đất nhưng chiếm ảnh hưởng, đóng vai cứu khốn phò nguy. Hầu
hết các quốc gia khi bị nguy kịch đều trông vào Mỹ, kêu cầu Mỹ đến giúp.
Ngay cả Việt Nam cộng sản, cựu thù không đội trời chung với Mỹ, cũng
phải ve vãn Mỹ khi bị Trung Cộng ăn hiếp.

Giúp
đỡ những nước yếu đang bị hoạn nạn hay bị ăn hiếp là hành động hào
hiệp. Nhưng khi muốn vào thì nhẩy vào cho bằng được, muốn ra thì rút ra
cái một, để mặc đồng minh tự đối phó với những hậu qủa thì đúng là đem
con bỏ chợ, “quất ngựa truy phong”.

Nhiều
người nói Mỹ rút vì chính quyền của nước liên hệ bất lực, quân đội
không chịu chiến đấu, dân chúng chỉ trông vào viện trợ Mỹ. Điều đó đúng
một phần, nhưng tình trạng này phần lớn do Mỹ tạo ra. Thứ nhất, Mỹ muốn
tạo một quốc gia mới theo kiểu Mỹ, không quan tâm tới sự khác biệt văn
hóa, truyền thống và ý muốn của người dân. Thứ hai, vì chi tiền và phát
võ khí, Mỹ tự coi mình như ông chủ có quyền nhúng tay kiểm soát mọi
chuyện từ nhỏ tới lớn. Điều này thấy rõ trong cả hai trường hợp
Afghanistan và Việt Nam.

Chen chúc nhau lên máy bay Mỹ để chạy khỏi Afghanistan

Trường
hợp Afghanistan, rất nhiều dân nước này, đặc biệt phụ nữ, âm thầm chống
đối Taliban vì tổ chức này trong thời gian cai trị đất nước (1996-2001)
sau khi quân đội Nga rút đi, đã hiện nguyên hình là đám khủng bố, độc
tài khát máu, dựa vào Hồi giáo với luật Sharia đẻ giết người vô tội,
hành hạ phụ nữ, không cho đi học, không cho ra ngoài làm việc, bắt phải
mặc burka, một thứ áo trùm từ đầu tới chân, chỉ hở hai con mắt. Nhưng sự
bất bình thụ động của giới phụ nữ không thể tạo nên một phong trào
chống đối, vì những bó buộc độc ác này có căn nguyên tôn giáo và truyền
thống Hồi giáo mà đa số nam giới, kể cả một số nữ giới cao tuổi, vẫn kín
đáo có cảm tình. Vì vậy quân đội Afghanistan có trên 300,000 ngàn người
không hăng say chiến đấu với quân Taliban vì không có lý do thôi thúc.
Nếu không có quân đội và viện trợ của Mỹ và các đồng minh NATO thì chính
quyền Afghanistan đã sụp đổ từ lâu. Thêm vào đó, Mỹ tiếp tục nuôi dưỡng
các lãnh chúa (warlords) chia nhau chiếm cứ lãnh thổ Afghanistan. Mỗi
lãnh chúa có quân đội riêng. Nhờ đó quân Taliban khó gây rối. Các lãnh
chúa này là những sứ quân. Họ chẳng coi quân đội và chính quyền trung
ương ra gì. Chính quyền với vỏ ngoài dân chủ bị họ thao túng. Họ là lính
đánh thuê, có tiền thì đánh, không có tiền thì thôi. Nhà báo Thomas
Ruttig cho nữ ký giả Frauke Niemeyer biết các toán CIA dùng máy bay chở
từng thùng Đô la cho các lãnh chúa (
ntv.de.
11-8-21). Khi Mỹ không đóng hụi tiếp thì các lãnh chúa nghỉ chơi, quân
Taliban cứ tự do tung hoành khắp Afghanistan. Khi thấy Mỹ rút đi và các
lãnh chúa bất động, chính quyền và quân đội Afghanistan biết đã bị bỏ
rơi, tự mình không thể cứu mình, nên lặng lẽ đầu hàng. Mỹ quyết định
hết, không coi chính phủ Afghanistan ra gì.
Chen chúc nhau lên máy bay Mỹ để chạy khỏi Afghanistan

Trường
hợp Việt Nam có nhiều điểm khác. Trước hết, cuộc xung đột không phải là
cuộc trả thù của Mỹ, cũng không phải là tranh chấp quyền hành với niềm
tin tôn giáo như ở Afghanistan. Tranh chấp ở Việt Nam là đấu tranh ý
thức hệ: cộng sản và chống cộng sản. Chiêu bài của một phe là chống xâm
lăng, trước là Pháp, sau là Mỹ, che đậy tham vọng chiếm cả nước rồi đặt
dưới chế độ cộng sản độc tài chuyên chính. Phe kia cũng tranh đấu cho
độc lập nhưng cương quyết chống cộng sản, đấu tranh tự vệ, xây dựng tự
do dân chủ. Phe cộng sản dựa vào Liên Xô, Trung Cộng và khối cộng sản
quốc tế. Phe chống cộng dựa vào Pháp, sau là Mỹ và các đồng minh của thế
giới tự do. Quân Mỹ chỉ chính thức có mặt ở miền Nam Việt Nam 8 năm, từ
1965 đến 1973 sau khi Hiệp Định Paris được ký kết, nhưng Mỹ đã nhúng
tay vào chuyện Việt Nam từ 1946 đến 1975, tức 29 năm. Khởi đầu là giúp
Pháp đánh Việt Minh Cộng sản. sau là giúp người Việt Quốc Gia chống
cộng. Cuộc chiến tại Việt Nam đã trở thành cuộc chiến tranh ý thức hệ,
tuy cục bộ nhưng có tầm vóc hoàn cầu.

Mỹ
đã lãnh trách nhiệm giúp Việt Nam nhiều nhất, nhưng lối viện trợ của Mỹ
rất phức tạp. Khi nói Mỹ viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa ở cao điểm mỗi
năm 1 tỷ Đô la quân sự và 1 tỷ Đô la kinh tế thì đừng nghĩ Mỹ sẽ ký ngân
phiếu hay trao tiền mặt cho Việt Nam muốn xài thế nào tùy ý. Mỗi một
viên đạn bắn đi, mỗi một lít xăng đổ vào quân xa, từ bộ quân phục đến
chiến xa, tầu thủy, máy bay đều tính thành Đô la và trừ vào ngân khoản
viện trợ. Về hàng hóa dân sự như thực phẩm, thuốc men, xe cộ, máy móc…,
khi Việt Nam có nhu cầu, phải đưa danh sách cho Mỹ. Khi được Mỹ đồng ý,
Mỹ sẽ đặt hàng và Mỹ sẽ thanh toán bằng tiền viện trợ. Phần lớn hàng hóa
được đặt mua từ Nhật Bản (xe Honda, máy móc gia dụng), Nam Hàn (quân
dụng), Phi Luật Tân (điện thoại). Vừa giúp Việt Nam vừa làm ơn cho các
đàn em khác. Hàng hóa nhập cảng được bán tại Việt Nam sẽ được trả bằng
tiền Việt Nam và chính phủ Việt Nam dùng tiền này cùng với khả năng tài
chánh riêng của mình để trả lương cho quân lính, công chức, điều hành
các cơ cấu quốc gia.

Trong
một cuộc điều trần về ngân sách tại Hạ Nghị Viện năm 1970, chúng tôi
hỏi ông Tổng Trưởng Kinh Tế Phạm Kim Ngọc là Việt Nam hiện có bao nhiêu
ngoại tệ sở hữu (foreign currency) để trong Ngân Hàng Quốc Gia. Ông trả
lời có 220 triệu Đô la. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên về con số ngoại tệ
dự trữ khiêm tốn này của một nước 20 triệu dân và có 500,000 quân Mỹ
tiêu xài mỗi ngày trên lãnh thổ. Ông Tổng TrưởngTài Chánh giải thích là
nếu mình sở hữu số ngoại tệ lớn hơn, Mỹ sẽ ngưng viện trợ, chờ mình xài
bớt đi họ mới viện trợ thêm. Còn tiền binh lính và nhân viên Mỹ tiêu xài
ở Việt Nam là đồng “Đô la đỏ”, không có giá trị tiền tệ, chỉ là một
chứng chỉ tài chánh có thể đổi thành tiền Việt Nam. Nghe vậy là biết Mỹ
không cho chúng ta độc lập kinh tế và tài chánh. Mỹ kiểm soát chặt chẽ,
không muốn cho chúng ta có phương tiện riêng để thực hiện những điều Mỹ
không muốn. Cơ quan viện trợ kinh tế USAID của Tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn
lớn ngang với Bộ Kinh Tế Tài Chánh của Việt Nam.

Về
quân sự, Mỹ không cho Việt Nam tự sản xuất võ khí đạn dược và không
được tích trữ đạn dược, chất nổ qúa nhu cầu. Tổng Thống Ngô Đình Diệm
rồi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã yêu cầu Mỹ giúp xây dựng một nhà máy
sản xuất phân bón hóa học đều bị Mỹ từ chối. Ngoài việc không muốn Việt
Nam tự lực tự cường, Mỹ còn sợ một phó sản của nhà máy phân bón có thể
được dùng để chế biến thành thuốc nổ. Tổng Thống Thiệu đã yêu cầu Mỹ cho
thiết lập một cơ xưởng sản xuất súng M-16 và đạn tại Việt Nam cũng bị
từ chối. Kho đạn Cát Lái nằm ở quận Nhơn Trạch, Biên Hòa, không xa Sài
Gòn, thỉnh thoảng lại bị nổ. Đó không phải là Việt Cộng phá hoại mà là
Mỹ cho nổ vì đạn thặng dư. Kho đạn chỉ được dự trù cung cấp cho quân đội
Việt Nam xử dụng trong 6 ngày. Nếu dư là phá hủy. Người ta thấy rõ đó
là chính sách buộc Việt Nam phải tùy thuộc Mỹ, không có tiền và võ khí
dư để có thể làm theo ý mình, không nghe lời Mỹ.

Về
nhân sự lãnh đạo cũng thế, khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm tỏ ra tôn trọng
chủ quyền quốc gia, không chấp thuận cho Mỹ đưa quân vào Việt Nam thì
bị làm khó dễ, xuyên tạc, bôi bẩn, cắt viện trợ, cuối cùng bị làm đảo
chánh và bị thảm sát do những tướng tá tay sai của Mỹ thực hiện. Tổng
Thống Nguyễn Văn Thiệu không đồng ý với bản dự thảo Hiệp Định Paris do
Kissinger và Lê Đức Thọ thỏa hiệp bị Tổng Thống Nixon viết thư dọa nạt
cắt viện trợ và nói xa gần không muốn bi kịch Ngô Đình Diệm tái diễn.
Trong các cơ quan chính phủ từ cao đến thấp đầy dẫy những nhân viên đi
đêm với Mỹ. Có cả những bộ trưởng, nghị sĩ, dân biểu bí mật làm công tác
ngầm cho Mỹ. Trong quân đội, Mỹ công khai đặt cố vấn cạnh các tướng,
tá, xuống tới cấp tiểu đoàn. Mỹ muốn có tai mắt ở mọi nơi để kiểm soát
mọi sự. Vì vậy khi Mỹ ngưng viện trợ tài chánh và quân sự, rút quân về
sau khi đã lấy lại tù binh thì Việt Nam Cộng Hòa lấy gì mà chống với
quân cộng sản Bắc Việt được Liên Xô, Trung Cộng và các nước Đông Âu tiếp
tế đến tận răng?

Không
thể chê trách quân đội Việt Nam Cộng Hòa không muốn và không biết cách
chiến đấu. Trước khi quân Mỹ đến và sau khi quân Mỹ về, quân đội Việt
Nam Cộng Hòa vẩn chiến đấu anh dũng, bảo vệ được bờ cõi. Trận Mùa Hè đỏ
lửa năm 1972, một mình quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã đánh bật cộng quân
khỏi Bình Long và cổ thành Quảng Trị. Chính Tổng Thống Nixon cũng phải
khen ngợi, dù cũng tự kể công, khi ông viết: 
“Chương
trình Việt Nam Hóa của chúng ta đã làm cho quân đội Nam Việt Nam trở
thành một lực lượng chiến đấu hiệu qủa. Họ đã tự chứng tỏ vào năm 1972
khi bộ binh của họ đã chặn đứng cuộc xâm lăng rầm rộ của Bắc Việt. Lực
lượng của chúng ta chỉ giúp bắn đại pháo từ chiến hạm và yểm trợ không
quân”
 (1).
Quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu anh dũng và chiến đấu tới cùng.
Trận Xuân Lộc, Long Khánh, Sư Đoàn 18 do Thiếu Tướng Lê Minh Đảo chỉ
huy đã đánh tan cả sư đoàn quân chính quy miền Bắc trước khi “tổng
thống” Dương Văn Minh ở Sài Gòn tuyên bố đầu hàng và ra lệnh cho quân
đội buông khí giới. Dĩ nhiên nếu chiến đấu tiếp khi không còn được viện
trợ thì cũng sẽ thua, nhưng không thua một cách nhục nhã kiểu này, và
biết đâu còn có thể cứu vãn phần nào khi có thời gian tập trung lực
lượng và xin viện trợ từ các nước khác (kế hoạch vay tiền của Saudi
Arabia còn dang dở).

Một
điều khác cần phải nói một lần cho rõ là các chế độ thua cuộc thường bị
kết án là tham nhũng, chia rẽ và không được nhân dân ủng hộ. Nói riêng
về Việt Nam Cộng Hòa, những tệ nạn này qủa là có. Chúng ta không bênh
vực nạn tham nhũng và tệ nạn chia rẽ, nhưng phải thành thực cứu xét mức
độ và nguyên nhân. Mua quan bán chức, lính ma lính kiểng, đầu cơ tích
trữ, buôn lậu… đều có. Tệ nạn này ở nước nào cũng có, tuy mức độ và cách
thức khác nhau. Mỹ, Pháp, Đức, Nam Hàn…, luôn luôn có những vụ phát
giác và ra tòa vì tham nhũng. Có điều ở những nước này, có tội là phải
xử phạt một cách công bằng, và tham nhũng kiểu này không ảnh hưởng nhiều
tới đời sống dân chúng, không giống như dưới chế độ cộng sản. Miền Nam
Việt Nam trước đây cũng thế, và ở mức độ nhỏ hơn. Tài sản của Tổng Thống
Nguyễn Văn Thiệu ở Việt Nam chỉ có căn nhà khiêm tốn ở Phan Rang, khi
rời Việt Nam ra ngoại quốc, có lẽ ông chỉ có từ 2 tới 3 triệu Mỹ kim,
theo tính toán của một số chuyên gia ngoại quốc, kém xa tài sản của một
trưởng ban cấp tỉnh của chế độ cộng sản hiện hành. Nếu ông “ăn lấn” vào
tiền viện trợ Mỹ, Mỹ đã không cho ông đến định cư tại Mỹ và cử Ban Nghi
Lễ Bộ Ngoại Giao đến lo cho tang lễ của ông theo cung cách của một nhân
vật VIP. Chúng ta không tôn vinh Tổng Thống Thiệu. Nhưng thử hỏi TT
Ferdinand Marcos của Phi Luật Tân và TT Manuel Noriega của Panama có
được đối xử như thế không, hay môt ông bị truy tố, một ông vào tù? Mỹ
biết hết! Chúng ta không biện minh cho tham nhũng, chúng ta chống tham
nhũng, nhưng tham nhũng cò con kiểu Việt Nam Cộng Hòa không phải là
nguyên nhân đủ để mất nước.

Về
nạn chia rẽ, chúng ta phải công nhận ý dân không bao giờ thuần nhất
100%. Khi thắng 51% là có 49% chống lại. Chỉ dưới chế độ cộng sản và độc
tài mới có nhất trí 100%. Trước 1975, miền Nam có nhiều người bất mãn
hay chống chính quyền, nhưng sự chống đối của họ chỉ có tính cách tiêu
cực. Ngược lại, họ chống cộng sản tích cực bằng đôi chân. Cộng sản đến
đâu là họ chạy về phía Quốc Gia kiểm soát đến đó. Phải nhận rằng đa số
dân miền Nam không ưa cộng sản nhưng bất động, khoán trắng việc chống
cộng cho quân đội và chính quyền, khi mất hết mới tiếc, nhưng đã muộn.
Sự chia rẽ công khai thường phát xuất từ các đảng phái, tôn giáo, báo
chí và Quốc Hội. Đó là việc tranh quyền cướp nước mà bất cứ chế độ tương
đối tự do nào đều phải chấp nhận. Trưòng hợp Việt Nam trầm trọng hơn vì
có cộng sản xâm nhập và nằm vùng phá hoại từ dinh Tổng Thống đến Quốc
Hội. Điều đáng nói là chính Mỹ cũng xúi bẩy một số đảng phái và cá nhân
đóng vai trò đối lập với chính quyền để Mỹ xử dụng như một thứ ngáo ộp
nhằm đe dọa và gây áp lực với những lãnh đạo đương quyền. Các đảng phái
(đa số rất nhỏ và không nhiều ảnh hưởng) có truyền thống ganh ghét và
ham được chia quyền. Khi không được thỏa mãn là trở thành đối lập, dù
không theo cộng sản. Một số nghị sĩ, dân biểu có lập trường chống cộng,
không có hậu thuẫn chính trị sau lưng, vẫn suốt ngày đả phá chính quyền
và bác bỏ những dự luật do Hành Pháp chuyển qua. Người ta không thể hiểu
lý do vì sao. Chỉ biết tự an ủi là chúng ta đang tập sự làm dân chủ.
Nhưng với thời gian tìm hiểu, người ta đã biết những chính đảng hay
chính khách này hành động vì lời thổi bong bóng của tình báo và chính
khách Mỹ: 
Các
anh thấy gì đáng chống thì cứ chống đi. Nếu kéo được những người ngồi  ở
Dinh Độc Lập xuống thì những người thay thế sẽ là các anh chứ còn ai
nữa
. Thế là họ ăn bánh vẽ của Mỹ, tưởng Mỹ sắp hành động và sẽ chiếu cố tới họ. Ngoài ra, việc “ma ăn cỗ” thì khó có ai biết.
Nạn
chia rẽ không đâu không có. Nạn này sẽ trầm trọng hơn khi có ngoại bang
chen vào với một tay cầm Đô la và một tay cầm súng đạn. Tình cảnh mỗi
nước mỗi khác, nhưng chiến thuật “chia để trị” thì ở Afghanistan hay
Việt Nam Cộng Hòa đều giống nhau.

Mỹ
can thiệp vào đâu cũng nhân danh bảo vệ độc lập, tự do, dân chủ, nhân
quyền. Đó là lý tưởng của một thế giới tự do, không độc tài, không cộng
sản. Nhưng khi yểm trợ đồng minh, Mỹ đã phạm những sai lầm về chiến
lược, chiến thuật, nhất là sai lầm về cách đối xử với đồng minh nhận
viện trợ như một ông chủ đối với người làm công. Tệ hại nhất là thói
quen dụ dỗ lúc đầu bằng chiêu bài đẹp đẽ, bằng thề non hẹn biển, rồi khi
chán hay có mối khác thì rũ áo ra đi, mặc kệ “bạn tình” lãnh đủ mọi hậu
qủa oan trái. Bằng cớ là các ông Nixon và Kissinger đã bỏ Việt Nam cho
cộng sản sau khi làm hòa với Trung Cộng năm 1972, dồn sức lực để chống
Liên Xô. Nếu không thể đi với nhau hết con đường, tại sao không chia tay
sớm và giúp nhau cách khác? Dứt tình giữa lúc gian nguy là giết nhau.
Tham vọng biến nước mình đến giúp thành một “tiểu Hoa Kỳ” cũng cầm chân
Mỹ lâu dài và dẫn đến thất bại. Cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Donald
Rumsfeld khuyên TT Bush (con) nên giới hạn nhiệm vụ của Mỹ trong việc
bắt giữ khủng bố, không nên tốn công vào việc biến đổi Afghanistan. Cựu
Bô Trưởng Quốc Phòng Robert Gates nói rõ hơn: 
“Lẽ
ra tốt hơn nếu quân đội của chúng ta rút đi vào năm 2002 và sau đó thì
dựa vào các công cụ quyền lực phi quân sự, và dựa vào kiên nhẫn”
 (Trả
lời phỏng vấn 12-8-21). Nạn nhân cũng có lỗi, đó là ỷ lại và tin tưởng
vào Hoa Kỳ quá nhiều, không lo tự lực cánh sinh. Cái khó là muốn lo cũng
chẳng được vì Mỹ đã nắm hết từ đầu tới chân, tự quyết định mọi chuyện.
Vận mệnh của nạn nhân nằm trong tay Mỹ. Đúng là “cái khó bó cái khôn”.

Về việc nhân ra những lỗi lầm, chính cựu Tổng Thống Richard Nixon đã viết trong cuốn IN THE ARENA.
“Chúng
ta phải đủ trưởng thành như một cường quốc thế giới để chấp nhận sự
thật là không ai có thể luôn luôn thắng. Việc rút lui của chúng ta ở
Việt Nam đã làm tê liệt ý chí chính trị của chúng ta, và hậu quả là
chúng ta phải chịu mất mát tại Angola, Mỏm Sừng
 châu
Phi và Nicaragua. Với tư cách một quốc gia, chúng ta phải học cho biết
rằng trong địa lý chính trị, ván bài không bao giờ kết thúc” (2)
Ông
Nixon tin rằng Mỹ đã biết rút kinh nghiệm, nên 10 năm sau khi mất Sài
Gòn, ông đã cho xuất bản cuốn NO MORE VIETNAMS (Không còn những vụ như
Việt Nam nữa). Ông đã tiên tri sai. Năm 2021 có vụ Afghanistan. Và sẽ
còn nhiều vụ Việt Nam và Afghanistan khác trong tương lai nếu Hoa Kỳ vẫn
tiếp tục đường lối dùng chiêu bài và hứa hẹn để dụ dỗ, rồi bỏ rơi vì
quyền lợi của Hoa Kỳ.
Mặc Giao

**** 
(1)  Richard Nixon, IN THE ARENA, tr 403, Simon & Schuster, New York 1990.
“Our
Vietnamization program had made the South Vietnamese armed forces an
effective fighting force. They had proven themselves in 1972, when their
ground forces stopped a massive North Vietnamese invasion. Our forces
provided only naval artillery and air support”.
(2)  Sđd, tr 380
“We
must also be mature enough as a world power to accept the fact that no
one wins all the time. Our setback in Vietnam paralyzed our political
will, and we consequently suffered losses in Angola, the Horn of Africa,
and Nicaragua. As a nation, we must learn that in geopolitics the game
never ends”.

No comments:

Post a Comment