Như
một hệ quả của vị trí địa lý gần với cả Liên Xô và Trung Quốc, một đặc
điểm nổi bật của phong trào Cộng sản ở Nam Á trong chiến tranh Lạnh là
sự chia rẽ giữa 2 phái Cộng sản thân Liên Xô và thân Trung Quốc. Những
người thân Liên Xô tự nhận mình là ”Marxists”, còn những người thân
Trung Quốc nhận mình là ”Maoists”
Trong chiến tranh, phái
Marxists có lẽ là duy nhất là Đảng Dân chủ Nhân dân Afghanistan (PDPA).
Còn lại những nhóm Cộng sản khác, hầu như là phe Maoists. 3 nhóm lớn
nhất gồm:
-Tổ chức Giải phóng Afghanistan (ALO) do Faiz Ahmad đứng đầu
-Tổ chức giải phóng của nhân dân Afghanistan (SAMA) do Majid Kalakani đứng đầu
-Mặt trận chiến binh tự do Afghanistan (AMFFF) do Mulavi Dawood đứng đầu
Các
nhóm này nhận được ủng hộ và viện trợ, tất nhiên là từ Trung Quốc. Họ
đều có những hành động chống lại chính quyền thân Liên Xô, ở các mức độ
khác nhau.
-ALO tổ chức một cuộc nổi dậy lớn vào ngày 5/8/1979
tại thủ đô Kabul, gọi là ”nổi dậy Bala Hissar”. Cuộc nổi dậy thất bại,
và phe thân Liên Xô đã xử tử 2 bí thư cấp cao của ALO là Mohammad Mohsin
và Mohammad Dawod. Sau cuộc nổi dậy, ALO lùi về phía đông và tiếp tục
chiến đấu chống lại quân Liên Xô và chính quyền Afghanistan. Đến ngày
12/11/1986, chỉ huy Faiz Ahmad và 6 đồng chí khác bị những kẻ Hồi giáo
cực đoan ám sát, ALO suy tàn dần
-SAMA là nhóm chiến đấu theo
kiểu du kích điển hình và rất hiệu quả, được biết đến với các cuộc tập
kích táo bạo vào các doanh trại và đoàn xe của Liên Xô. Trong một cuộc
tấn công gây tiếng vang lớn, các tay súng SAMA mặc quần áo quân chính
phủ đột kích căn cứ Hussain Kot phía bắc Kabul, cướp đi số lượng lớn vũ
khí và bắt cóc một tướng Liên Xô làm con tin.
Tuy nhiên đến năm
1980 thì Majid Kalakani thiệt mạng. Sau đó SAMA bị quân Hồi giáo cực
đoan đánh bật khỏi 2 căn cứ chính là Kalakan và Koh Daman vào năm 1983.
SAMA phải đầu hàng chính phủ và chấp nhận từ bỏ chủ nghĩa Mao.
-AMFFF
trước khi là một nhóm vũ trang là một đảng phái chính trị tương đối
hoàn chỉnh, có tòa soạn và từng phát hành ấn phẩm: ”Chế độ bù nhìn cũng
không phải Chủ nghĩa cơ bản, Tự do và Dân chủ!” (نه رژیم پوشالی نه
بنیادگرایی، آزادی و دموکراسی!) được in thành sách tại Trung Quốc. Nhóm
này cũng tham gia cuộc nổi dậy tại pháo đài Bala Hissar do ALO tổ chức
thất bại. Nhưng đến năm 1986, chỉ huy Mulavi Dawood cũng bị bắt cóc và
sát hại, phong trào suy yếu.
Hiện nay, cả 2 phái Cộng sản gần như
bị loại trừ khỏi Afghanistan. Tuy nhiên ở các nước Nam Á khác như Ấn
Độ, Nepal, Sri Lanka, Maldives, Bangladesh,…các phái Cộng sản vẫn tồn
tại và gần như toàn bộ là Maoist. Đảng Cộng sản Nepaltheo phái Maoist
tại Nepal thậm chí còn giành chiến thắng trong cuộc nội chiến tại Nepal
và giờ đây là đảng lớn nhất nước này. Thủ tướng hiện tại của Nepal là
ông Khadga Prasad Oli, thành viên Đảng Cộng sản.
2/ Mujahideen khác xa Taliban
Phần
lớn người hiện nay thường sẽ coi Taliban là một nhóm Mujahideen, ngoại
trừ chính Mujahideen và Taliban. Trên thực tế Taliban chưa bao giờ nhận
mình là Mujahideen và các nhóm Mujahideen cũng chưa bao giờ coi Taliban
là đồng minh của mình.
Mujahideen là từ số nhiều của ”mujahid”,
chỉ những người tham gia vào cuộc thánh chiến, lần đầu tiên được sử dụng
trong cuộc chiến Afghanistan để chỉ các nhóm du kích chống Liên Xô. Từ
này sau đó đã được dùng để chỉ các nhóm thánh chiến trong các cuộc chiến
ở khắp nơi như Iran, Bosnia, Chesnia, Châu Phi, Myanmar,…Vì từ này được
chỉ chung cho các nhóm kháng chiến Afghanistan, nhiều người lầm tưởng
Taliban cũng là một nhóm Mujahideen.
Còn Taliban ở đâu ra? Đây là
một phong trào cực đoan do Mullah Mohammed Omar lập ra từ những học
sinh trong các trường Hồi giáo. Dù hiện nay người ta cho Taliban đã
chiến đấu với quân đội Liên Xô trong chiến tranh, tuy nhiên thực tế nhóm
này chỉ tuyên bố thành lập vào ngày 10 tháng 10, 1994, rất lâu sau khi
Liên Xô tấn công.
Đó chỉ là điểm khác nhau đầu tiên giữa Taliban và Mujahideen. Còn rất nhiều khác biệt nữa:
-Taliban
gần như tuyệt đối là người sắc tộc Pashtun, chiếm 50% dân số
Afghanistan. Trong khi đó, mujahideen chỉ số ít là Pashtun, còn lại phần
lớn là sắc tộc Tajik, Uzbek, Turk, Hazara,…
-Taliban theo dòng Hồi giáo Sunni, trong khi Mujahideen một nửa theo dòng Shia
-Taliban
chỉ có 2 đồng minh duy nhất: Pakistan và Arab Saudi, còn Mujahideen có
rất nhiều nước ủng hộ: Nga, Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kì, Ấn Độ, các
nước Trung Á,…và không thể thiếu nước Mỹ. Quan trọng nhất, mujahideen
được Liên Hợp Quốc công nhận, ít nhất là tại Afghanistan.
-Taliban áp đặt luật Sharia ở bất kì đâu, ngược lại, các nhóm Mujahideen chủ trương xóa bỏ luật Sharia.
-Taliban cát cứ ở miền Nam, mujahideen kiểm soát miền Bắc, khu vực trung tâm đất nước do chính quyền cộng sản kiểm soát.
-Taliban chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện, còn mujahideen lại khuyến khích trồng cây này (điểm tốt hiếm hoi của Taliban)
-Một
điều tưởng như khó tin nhưng là thực tế: có thể phân biệt Taliban và
Mujahideen qua vũ khí. Mujahideen ”tôn thờ” tên lửa ”Stinger” chuyên
diệt trực thăng của Mỹ.
Taliban chưa bao giờ được Mỹ cấp cho vũ khí này, họ chủ yếu sử dụng RPG-7 của Nga, thứ mà Mujahideen ít khi dùng.
3/ Liên minh phương Bắc – anh hùng bị lãng quên
Có
thể nhiều người (Việt Nam) hoàn toàn lạ lẫm cái tên này. Trước nay trên
sách báo mọi người chỉ nghĩ cuộc chiến tại Afghanistan hiện nay chỉ là
giữa Mỹ, chính quyền Afghanistan và Taliban. Hoàn toàn sai lầm!
Trên
thực tế một lực lượng không nhỏ đã chiến đấu với Taliban ngay từ những
ngày đầu, thậm chí có thể nói là đối đầu đầu tiên và tiếp tục đến tận
hôm này, chính là ”Liên minh phương Bắc” (Northern Alliance).
Trên
thực tế, Liên minh phương Bắc thành lập năm 1996, mục đích chính là để
đương đầu với Taliban. Nhóm này ban đầu gồm các thành viên người Tajik,
sau đó có thêm người Pashtun, Uzbek, Turk,…Thủ lĩnh nổi tiếng nhất của
Liên minh là Ahmad Shah Massoud người Tajik, và Abdul Rashid Dostum
người Uzbek.
Dù chiến đấu khá nỗ lực nhưng việc phải chiến đấu
đơn độc với Taliban có nước láng giềng Pakistan chống lưng, Liên minh
phương Bắc có lúc bị thất thế chỉ kiểm soát còn 10% lãnh thổ đất nước.
Tuy nhiên lo ngại sự bành trước của Taliban, Nga, Ấn Độ, Iran, Thổ Nhĩ
Kì,…đã giúp sức cho Liên minh giành lại 40-50% lãnh thổ ở miền Bắc.
Trong thời gian chiến tranh giữa Liên minh phương Bắc và Taliban, người
dân luôn tìm cách chạy về phía Bắc, nơi Liên minh kiểm soát.
Tuy
vậy, một sự kiện chấn động xảy ra ngày 9/9/2001, hai kẻ khủng bố đóng
giả phóng viên đã nổ bom ám sát Ahmad Shah Massoud, lãnh tụ tối cao của
Liên minh phương Bắc. Chỉ 2 ngày sau, 11/9/2001, vụ khủng bố chấn động
địa cầu xảy ra tại Mỹ khiến 3000 người chết. Sự kiện khiến Mỹ phải tuyên
bố can thiệp vào Afghanistan để lật đổ Taliban. Trong sự kiện lần này,
Mỹ tuyên bố Liên Minh phương Bắc là Đồng Minh.
Quân đội Mỹ tiến
hành chiến dịch ”Enduring Freedom”, ném bom hỗ trợ cho Liên minh tấn
công Taliban. Sau khi Mỹ bắt đầu ném bom ngày 7 tháng 10 năm 2001, đến
ngày 13/11/2011, Liên minh phương Bắc đánh bật quân Taliban khỏi thủ đô
Kabul, được coi như ngày giải phóng thành phố. Tuy vậy, họ thất bại
trong việc chiếm thành phố Kunduz, được coi là nơi ẩn náu của Osama Bin
Laden.
Tuy có công lớn trong việc đánh đuổi Taliban, nhưng trong
cuộc bầu cử tổng thống năm 2002, liên minh phương Bắc nhận ra sau cái
chết của Ahmad Shah Massoud không ai đủ sức lãnh đạo nên đã không tranh
cử. Tổng thống đắc cử năm đó là Hamid Karzai, một người Pastun, đã tôn
vinh Ahmad Shah Massoud là anh hùng dân tộc. Ngày mất của ông 9/9 được
coi là ngày lễ quốc gia tôn vinh đoàn kết dân tộc ở Afghanistan.
4/ Chỉ 2% quân số Liên Xô tham chiến là từ Trung Á
Dù
là khu vực giáp với Afghanistan, các nước Trung Á cả Liên Xô chỉ có
chưa tới 2% quân số tham chiến. 70% binh sĩ là người Nga, số còn lại đến
từ Đông Âu, Kavkaz, Baltic,…
Nguyên nhân của việc này là do sự
tương đồng sắc tộc giữa các nhóm kháng chiến ở Afghanistan với các nước
Trung Á của Liên Xô. Lo ngại các binh sĩ người Tajik, Kyrgyz, Uzbek,
Turk,…có thể làm gián điệp hoặc từ chối chiến đấu chống lại dân tộc mình
nên các binh sĩ thuộc các nước Uzbekistan, Kyrgyzstan, Tajikistan và
Turkmenistan bị hạn chế gọi nhập ngũ.
5/ Chiến tranh Afghanistan là nguyên nhân trực tiếp gây ra nội chiến Tajikistan
Sau
khi cuộc chiến tại Afghanistan kết thúc, nhiều nhóm vũ trang người
Tajik và Hồi giáo quay trở về Tajikistan, láng giềng phía Bắc của
Afghanistan. Họ muốn thực hiện một cuộc đấu tranh nhằm biến Tajikistan
thành một nhà nước thuần túy của người Tajik và Hồi Giáo
Chính
phủ Tajikistan khá bất lực trong việc chống lại các nhóm Hồi giáo cực
đoan. Dòng người tị nạn từ Afghanistan đổ vào quốc gia đang nghèo đói
sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết khiến tình hình thêm tồi tệ. Trong
khi đó, người Nga và người không Hồi giáo phải bỏ chạy khỏi đất nước.
Quân
đội Nga và Uzbekistan sau đó phải can thiệp để đánh bại các nhóm cực
đoan và đã giữ được nhà nước Tajikistan đa sắc tộc và tôn giáo như hiện
tại
6/ Cuộc chiến vẫn tiếp diễn sau khi Liên Xô rút quân kéo dài đến tận ngày nay
Liên
Xô rút quân khỏi Afghanistan năm 1989, tuy nhiên chính quyền Cộng sản
Afghanistan do Mohammad Najibullah lãnh đạo vẫn đứng vững đến 7 năm. Sau
sự rút quân của Liên Xô, chính quyền Najibullah phải đối đầu với các
nhóm Mujahideen ở phía Bắc và Taliban ở phía Nam. Họ phải kí hòa ước với
quân Mujahideen. Trên thực tế chính quyền cộng sản đã mất quyền lực vào
năm 1992 vào tay Mujahideen nhưng Najibullah vẫn ở lại Kabul. Tuy nhiên
đến năm 1996, thủ đô Kabul không thể chống lại Taliban và mất vào tay
nhóm khủng bố. Najibullah bị hành quyết dã man, bị thiến, kéo lê bằng xe
tải rồi treo cổ. Giai đoạn 1989-1992 được coi là giai đoạn lật đổ chính
quyền Cộng sản
Giai đoạn tiếp theo từ năm 1992-1996, là giai
đoạn đánh nhau ác liệt giữa các nhóm Mujahideen với Taliban, kết quả là
Taliban chiếm được Kabul và phần lớn đất nước.
Giai đoạn sau đó
là 1996-2001, giai đoạn mà Liên minh phương Bắc phản công chiếm lại lãnh
thổ và giành được Kabul nhờ sự hỗ trợ của Mỹ. Chính quyền Taliban sụp
đổ.
Giai đoạn còn lại, như đã biết, là sự can thiệp và sa lầy của
quân đội Mỹ kéo dài đến ngày này. Như vậy, từ cuộc chiến của Liên Xô
đến của Mỹ là một chuỗi liền mạch chiến tranh, không có quãng nghỉ hòa
bình nào. Có thể coi đây là một cuộc chiến kéo dài từ thời Liên Xô đến
ngày nay.
7/ Nga ”bóp chết” đồng minh cũ
Thực tế Liên Xô
rút quân vẫn duy trì viện trợ lương thực, tài chính và ít nhiều vũ khí
cho chính quyền Cộng sản ở Afghanistan, và chính quyền duy trì nó khá ổn
và không có dấu hiệu của sự suy yếu. Tuy nhiên, biến cố ập đến năm
1992. Liên Bang Xô Viết sụp đổ và Nga cắt nguồn cung khí đốt cho
Afghanistan. Một phần do chính phủ mới của Nga không muốn ủng hộ những
người cộng sản cũ, nhưng phần lớn là do các nước Trung Á nối Nga với
Afghanistan gặp bất ổn, như Tajikistan có nội chiến.
Việc tưởng
như nhỏ lại có hậu quả khủng khiếp. Nền kinh tế Afghanistan lâm vào
khủng hoảng nghiêm trọng. Nạn đói xảy ra, thậm chí máy bay không thể cất
cánh do thiếu dầu. Tình trạng đào ngũ tăng đột biến khiến quân đội gần
như tan rã. Cuối cùng, Najibullah phải từ chức, nhường cho Abdul Rashid
Dostum, một cựu cộng sản nay lãnh đạo nhóm Mujahideen người Uzbek.
Có thể nói, quyết định cắt dầu của Nga đã ”bóp chết” chính quyền Cộng sản Afghanistan
8/ Đến nay cuộc chiến Xô Viết tại Afghanistan vẫn là cuộc chiến khiến nhiều người phải tị nạn ra nước ngoài nhất
Đến năm 1990, chỉ riêng Iran và Pakistan đã tiếp nhận 6,3 triệu người Afghanistan tị nạn.
Dù
hiện nay đã trở về bớt, Pakistan vẫn là ngôi nhà của 1,5 triệu người
Afghanistan, chủ yếu là sắc tộc Pashtun. Từng có thời điểm bùng phát
xung đột giữa người Pakistan với dân tị nạn Afghanistan khiến quốc tế
phải can thiệp.
1 triệu người Afghanistan được coi là đã ở Iran
trong hơn 3 thập kỉ. Với chính sách tị nạn thoáng bậc nhất thế giới,
Iran vẫn là nơi đi qua của hàng triệu lượt người tị nạn trong những năm
qua. Phần lớn số đó là từ Afghanistan.
Ngoài ra 5% người Afghanistan tị nạn tại Ấn Độ là người theo đạo Hindu, Sikh và Phật.
Afghanistan là cộng đồng tị nạn đông nhất thế giới trong 32 năm liền cho đến khi bị Syria vượt qua năm 2013.
9/ Lính Liên Xô kẹt lại Afghanistan
Ai
đã từng xem phim Đại đội 9 của Nga, bộ phim cảm động dựa trên câu
chuyện có thật về Trận điểm cao 3234, khi 1 đại đội quân Liên Xô cầm cự
và đánh bại lực lượng Mujahideen đông gấp nhiều lần. Nhưng trong phim nó
kể về những người lính làm nhiệm vụ bảo vệ cuộc rút quân nhưng sau đó
đã bị ”bỏ quên”.
Sau khi quân đội Liên Xô rút đi, báo cáo có 417
trường hợp binh sĩ Liên Xô kẹt lại. May mắn thay, phần lớn họ bị kẹt ở
khu vực phía Bắc, nơi quân kháng chiến ôn hòa và gần sắc tộc với quân
Liên Xô. Nhiều người trong số họ đã chọn cách ở lại Afghanistan mà không
trở về tổ quốc Xô Viết.
10/ Mỹ đã được cảnh báo về vụ 11/9?
Nhiều
người theo thuyết âm mưu rằng Mỹ dàn dựng vụ 11/9 có 1 luận cứ rằng Mỹ
đã phớt lờ cảnh báo của lãnh đạo Mujahideen Ahmed Shah Masoud.
Thật
vậy, vài tháng trước khi bị ám sát. Ahmed Shah Masoud đã có một bài
phát biểu quan trọng trước Nghị viện Châu Âu tại Bruxelles, Bỉ. Các đoạn
phim ghi lại cho thấy rõ Masoud đề cập đến 2 vấn đề quan trọng: Thứ
nhất là tố cáo Pakistan đang tiếp tay cho Taliban và thứ hai là cảnh báo
Tổng thống Bush của Mỹ về một vụ khủng bố có thể diễn ra.
Những
gì sau đó, như đã biết, Ahmad Shah Massoud bị ám sát ngày 9/9/2001. Chỉ 2
ngày sau, vụ khủng bố 11/9 diễn ra giết chét 3000 người.
11/ Biệt danh ”Sư tử Panjshir” của Ahmad Shah Massoud ở đâu ra?
Đó
chính là do Đại tá quân đội Liên Xô, Leonid Khabarov đặt cho Ahmad Shah
Massoud khi họ đối đầu nhau trong chiến dịch 5 năm ở Thung lũng
Panjshir.
Khi đó, nhiệm vụ của quân Liên Xô là bắt Ahmad Shah
Massoud, Khabarov đã nói với binh lính rằng ”Chúng ta đang bắt một con
sư tử”. Kết thúc chiến dịch dài 5 năm, quân đội Liên Xô bị đánh bật khỏi
thung lũng Panjshir. Từ đó, ”sư tử Panjshir” được dùng để gọi Ahmad
Shah Massoud .
Vào tháng 2 năm 2009, bất chấp tình hình an ninh
bất ổn, Đại tá Leonid Khabarov cùng hai cựu binh Nga Victor Babenko và
Evgeny Teterin đã quay lại Afghanistan, đến thăm làng Bazarak ở Thung
lũng Panjshir, nơi chôn cất của Ahmad Shah Massoud và đặt hoa lên mộ
”con sư tử” đã đánh bại họ.
Chuyến đi được truyền thông Nga chú ý
vì được coi là thông điệp cho sự hòa giải. Tính ra, đại tá Khabarov là
nhân vật cao cấp nhất của Nga đến thăm Afghanistan từ năm 1989
Nhưng
cũng có một số giải thích rằng, tên Panjshir là cách chơi chữ trong
tiếng Ba Tư nghĩa là “năm con sư tử”, mặc dù Panjshir là nơi có đông
người Tajik sinh sống hơn
Ảnh: Bức ảnh được coi là biểu tượng của
sự thất bại của quân đội Xô Viết ở Afghanistan: Đoàn xe thiết giáp của
Liên Xô đang băng qua cầu Termez, nay thuộc biên giới Afghanistan và
Uzbekistan để rút về nước năm 1989.
Long Vũ
Tài liệu tham khảo:
-Ideology without leadership: The Rise and Decline of Maoism in Afghanistan (Niamatullah Ibahimi)
-Taliban and Anti-Taliban (Bởi Farhat Taj)
-Từ Mujahideen đến Taliban (NLĐ số ra tháng 8/2003)
-The 1980s mujahideen, the Taliban and the shifting idea of jihad (Nushin Arbabzadah)
-Refugees and the Law (bởi Jayshree Satpute, Md. Saood Tahir)
-Ahmad Shah Massoud: the man who saw tomorrow (KAMAL ALAM)
-“Massoud? I would treat him like my best friend” (1 chương trong Hồi kí Leonid Khabarov)
-Afghan sources of the Tajikistan civil war (Scott W. Tousley)
-Lời nguyện cầu từ Chernobyl (Tác giả Svetlana Alexievich – chương nói về những người từ Tajikistan trở về bị đày đến Chernobyl)
-Quan tài thép -Zinky Boys (Tác giả Svetlana Alexievich)
-War stories: the strange lives of Soviet fighters who stayed in Afghanistan (ANTHONY LOYD/ The Times)
-Afghanistan As It Once Was (Hồi ký của William Podlich và con gái Peg Podlich)
No comments:
Post a Comment