Wednesday, October 11, 2023

TÌNH BÁO DO THÁI - TRẬN YOMKIPPUR Doron Geller


        Trận Yom Kippur xẩy ra trong tháng Mười năm 1973 là một cú sóc, sửng sốt cho nền an ninh cũng như sự sống còn của quốc gia Do Thái. Tuy nhiên đến cuối trận chiến, Do Thái đã xoay ngược thế cờ, đe dọa thủ đô Cairo của Ai Cập lẫn Damascus của Syria. Cú sóc này vẫn còn để lại dư âm sau sau trận chiến, gây chấn động trong chính quyền cũng như trong quốc gia Do Thái. Tại sao chuyện này có thể xẩy ra được? Trong vùng Trung Đông, Do Thái được xem như “vô địch - bất khả xâm phạm” trong tiềm thức cũng như trong sự hiểu biết của các nhà quân sử gia, giới lãnh đạo quốc gia Do Thái. Sự tự tin nơi sức mạnh quân sự của Do Thái bị “xì hơi” một cách nhanh chóng sau khi chiến tranh kết thúc. Hầu hết các câu hỏi đưa ra, đều đặt trên đôi vai của ngành Tình Báo Do Thái. Họ bị buộc tội, không nắm vững tin tức về những âm mưu tấn công của Ai Cập và Syria vào ngày 6 tháng Mười năm 1973, lễ Yom Kippur, ngày lễ lớn nhất trong năm của người Do Thái.
        Sau trận chiến thắng thần tốc (Sáu Ngày) năm 1967, Do Thái nới rộng lãnh thổ, bao gồm khu vực West Bank, dải Gaza, cao nguyên Golan (Golan Heights) và bán đảo Sinai. Do Thái đặt máy nghe lén điện tử, các trạm báo động trong thung lũng Jordan, dọc theo biên giới Jordan, trên đồi Mount Hermon và trên cao nguyên Golan, để theo dõi các cuộc chuyển quân, động tịnh từ phiá Syria và bờ phiá đông kênh đào Suez theo dõi Ai Cập.    
        Bắt đầu từ năm 1969, Không Lực Do Thái đã xử dụng máy bay điều khiển từ xa (remote control – drones) thám thính, chụp ảnh hai kẻ thù Ai Cập, Syria và sau này thêm Jordan. Đến tháng Bẩy năm 1969, Không Lực Do Thái được lệnh tấn công sâu trong vùng thung lũng sông Nil trên đất Ai Cập, để trả đũa lời tuyên bố của Ai Cập, phát động trận chiến “Tiêu Hao” (Attrition War).   
        Để đáp lại các trận tấn công của Không Lực Do Thái, Tổng Thống Ai Cập Nasser yêu cầu Nga Sô giúp đỡ để bảo vệ không phận. Người Nga đã trả lời nhanh chóng, đưa sang Ai Cập những dàn hỏa tiễn điạ-không SAM, kể cả loại mới nhất SAM-3 cùng với chuyên viên Nga Sô. Đồng thời cũng gửi sang những phi tuần phản lực cơ MiG-21 cùng với phi công, nhân viên bảo trì tiếp vận người Nga. 
        Người Nga xử dụng các phản lực cơ chiến đấu MiG-21 của họ yểm trợ cho quân đội Ai Cập đóng quân bên kia bờ kênh đào Suez, và đưa các dàn hỏa tiễn SAM lên gần biên giới với Do Thái (kênh đào Suez). Trận thử lửa đầu tiên giữa các phi công Do Thái và Nga Sô xẩy ra trong tháng Bẩy năm 1970, trong trận không chiến trên bầu trời kênh đào Suez, Do Thái xử dụng phi cơ Phantom F-4 của Hoa Kỳ bắn rơi bốn hoặc chiếc MiG của Nga Sô.
        Việc Nga Sô tham dự sâu đậm trong vấn đề phòng thủ, quốc phòng Ai Cập, Hoa Kỳ đưa ra đề nghị “Roger Plan”, yêu cầu cả Do Thái lẫn Ai Cập ngưng lại mọi hoạt động quân sự kể từ ngày 7 tháng Tám. Ngày hôm sau, Ai Cập đơn phương bác bỏ đề nghị, đưa các dàn hỏa tiễn SAM, đại bác phòng không lên sát bờ kênh đào Suez. Ai Cập và Nga Sô đặt giả thuyết, hy vọng Do Thái sẽ không phản ứng, và đúng như thế, ba năm sau đưa đến hậu quả trận Yom Kippur. Trong mấy ngày đầu của trận chiến, Không Lực Do Thái bị tiêu hao rất nhiều nơi bờ kênh Suez. 
        Thực sự, trong mùa Hè năm 1970, Ray Cline, trùm tình báo trong bộ Ngoại Giao báo cáo cho tòa Bạch Ốc “Do Thái than phiền, người Ai Cập phá bỏ hiệp định… tuy nhiên họ không có lý do chính đáng ”. Khi Đại Sứ Do Thái Yitzhak Rabin (sau này lên làm Thủ Tướng rồi bị ám sát chết) hỏi tùy viên quân sự, Tướng Eli Zeira, chuyện gì đã xẩy ra, Zeira lập tức điện về Do Thái, yêu cầu gửi tấm không ảnh chụp Ai Cập đang chuyển quân. Có bức ảnh trong tay, ông ta được đưa vào tòa Bạch Ốc trình bầy trước Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon. 
        Đến giữa năm 1973, ngành tình báo Do Thái gần như biết trước kế hoạch tấn công của khối Ả Rập. Họ biết được hai quân đoàn, 2 và 3 của Ai Cập sẽ tiến quân qua kênh đào Suez, sâu vào bán đảo Sinai chừng 10 cây số. Theo sau đơn vị Bộ Binh, các sư đoàn Thiết Giáp Ai Cập sẽ tấn công đánh chiếm đèo Mitla, và đèo Gidi, trọng điểm cho các đơn vị hành quân trong bán đảo Sinai. Đồng thời Ai Cập sẽ xử dụng Hải Quân, quân Nhẩy Dù đánh chiếm Sharm el Sheik, điểm cuối cùng của bán đảo Sinai. Ngoài ra, cơ quan tình báo quân đội A Man cũng để ý đến các kế hoạch điều quân của Syria.
        Tuy nhiên các phân tích gia Do Thái vẫn chưa tin khối Ả Rập dám mở màn trận tấn công, mặc dầu đã biết họ đang chuẩn bị chiến tranh. Các phân tích gia vẫn cho rằng khối Ả Rập không dám… cho đến lúc bị tấn công. Tại sao chuyện đó xẩy ra?
        Vào cuối thập niên 1960, đầu 1970, một “quan niệm” (người Do Thái cho rằng), người Ả Rập không dám gây chiến tranh chống lại Do Thái. Quan niệm này dựa vào chiến thắng thần tốc năm 1967, làm cho khối Ả Rập không dám gây chiến nữa. Cũng vì thế, khi biết rõ kẻ thù sắp sửa tấn công, các phân tích gia vẫn chưa tin khối Ả Rập… dám làm.
        Một phần khác, trong bóng đêm của chiến tranh, người Ả Rập đã khôn ngoan, tung ra những kế hoạch nghi binh qua đường lối chính trị, quân sự. Tân Tổng Thống Ai Cập Anwar Sadat (lên thay Nasser chết trong năm 1970), thường xuyên, công khai đe dọa sẽ tấn công Do Thái. Ông ta tuyên bố “năm 1971 sẽ là năm quyết định”. Năm 1971 đến rồi đi chẳng có chuyện gì xẩy ra, qua năm 1972, Sadat vẫn tiếp tục “nồ” (đánh võ miệng, đánh gió). Đến năm 1973, tình báo Do Thái cho rằng, Sadat chỉ là một “con chó sói tru”.
        Đến tháng Chín, tháng Mười năm 1973, khi Ai Cập chuẩn bị tấn công, Do Thái chưa tin vì đã từng báo động lầm trong thời gian qua. Các vị Bộ Trưởng Ai Cập thường bầy tỏ sự tin tưởng nơi hòa bình cho chính quyền các nước Tây Phương biết, trong suốt năm 1973. Quân đội Ai Cập áp dụng chiến thuật nghi binh độc đáo hơn, các sinh viên sĩ quan trường Võ Bị được lệnh trở về trường, sĩ quan trong quân đội được nghỉ phép đi hành hương nơi thánh điạ Mecca. Ngày 4 tháng Mười, hệ thống truyền thông Ai Cập loan tin, cho giải ngũ 20 ngàn quân trừ bị. Trước khi trận tấn công bắt đầu, Ai Cập cho vài đơn vị đặc biệt mặc thường phục vào đến bờ kênh Suez, giả câu cá, bơi lội, ăn cam như thường dân đi picnic. Lẽ dĩ nhiên, không qua mắt điệp viên A Man, cơ quan tình báo quân sự Do Thái, nhưng họ cũng không ngờ… coi như chuyện thường tình.
        Điều quan trọng nhất trong vấn đề bảo mật, người Syria và Ai Cập rất cẩn thận. Ai là người được quyền biết kế hoạch hành quân trước ngày tấn công 6 tháng Mười? Ở Ai Cập chỉ có Tổng Thống Anwar Sadat và vị Bộ Trưởng Quốc Phòng (Chiến Tranh – War) Ismail Ali biết rõ chi tiết về lệnh hành quân trước ngày 1 tháng Mười. Ở Syria, không đến mười người được biết, trong đó có Tổng Thống Assad, Bộ Trưởng Quốc Phòng, Tổng Tham Mưu Trưởng, giám đốc phòng Hành Quân, giám đốc phòng Quân Báo, tư lệnh Không Quân và Phòng Không. Các vị tướng lãnh Ai Cập, tư lệnh Quân Đoàn, Sư Đoàn, và các vị tướng trong ban tham mưu chỉ được biết hôm 1 tháng Mười, khi được triệu hồi về họp trong bộ Tổng Tham Mưu, Hội Đồng Tối Cao Quân Lực Ai Cập. Phiá Syria cũng có một buổi họp cao cấp tương tự. Cấp chỉ huy Ai Cập, Syria từ lữ đoàn trở xuống chỉ được biết lệnh hành quân trước một ngày, cấp tiểu đoàn sáng sớm ngày tấn công 6 tháng Mười năm 1973. Sĩ quan các cấp còn lại chỉ được biết trước một tiếng đồng hồ.
        Cấp chỉ huy Syria, Ai Cập sợ đơn vị kiểm thính Do Thái nghe được các cuộc đàm thoại nên cấm tuyệt đối không được xử dụng tất cả mọi phương tiện truyền tin như: điện thoại, máy truyền tin hữu tuyến, vô tuyến… Hôm 4 tháng Mười, đài phát thanh quốc gia Syria ở thủ đô Damascus loan tin, Tổng Thống Assad sẽ đi kinh lý các tỉnh miền đông chin ngày, kể từ ngày 10 tháng Mười.
        Ngày tấn công 6 tháng Mười được chọn vào hôm 12 tháng Chín. Giờ khởi sự tấn công lúc 2:00 giờ chiều được chọn hôm 3 tháng Mười. Syria muốn tấn công lúc rạng đông, Ai Cập muốn lúc xế chiều… cuối cùng họ chọn giờ tấn công là 2:00 giờ chiều.
        Từ khoảng tháng Tư, tháng Năm 1973, tình báo Do Thái đã biết trước những dấu hiệu người Ai Cập muốn gây chiến. Họ biết Tổng Thống Sadat của Ai Cập đã bố trí cho các sư đoàn Bộ Binh, Thiết Giáp vượt qua kênh đào Suez, các đơn vị Công Binh chuẩn bị vật liệu làm cầu nổi, phà… Đưa các dàn hỏa tiễn điạ-không SAM, cao xạ phòng không vào vị trí, chống lại phi cơ Do Thái, bảo vệ các đơn vị Bộ Binh, Thiết Giáp vượt qua kênh Suez.
        Vị Tướng, trùm cơ quan Tình Báo Quân Sự A’Man, Eli Zeira rất tự tin, cho rằng cơ hội (xác xuất) xẩy ra chiến tranh rất thấp. Trùm cơ quan Tình Báo Quốc Gia Mossad, Zvi Zamir, Tổng Tham Mưu Trưởng, David Elazas, Bộ Trưởng Quốc Phòng, Moshe Dayan cũng coi thường ý định của người Ai Cập.
        Tháng Tư và Năm trôi qua lặng lẽ, ngoại trừ việc Do Thái gọi tái ngũ một số nhỏ quân trừ bị. Trong tháng Tám năm 1973, Syria đưa vào khu vực ranh giới cao nguyên Golan một đơn vị cấp lớn cùng với đồ trang bị tiếp vận, các dàn hỏa tiễn SAM. Một lần nữa cơ quan A’Man cho rằng, đó là hành động phòng thủ của Syria chống lại Không Lực Do Thái.
        Vào ngày 7 tháng Tư năm 1967, hai tháng trước khi xẩy ra trận chiến “Sáu Ngày”, các phi công tài ba của Do Thái đã bắn rơi 6 phi cơ Syria trong các trận không chiến trên bầu trời cao nguyên Golan. Ngày 13 tháng Chín năm 1973, phi cơ Do Thái bắn rơi 12 phản lực cơ của Syria đổi lấy 1 chiếc của Do Thái, sau vụ phi cơ thám thính Do Thái xâm nhập không phận Syria dò thám. Chuyện “trên chân” này làm cho phiá Do Thái thêm tự tin vào sức mạnh của mình, không nghĩ rằng khối Ả Rập dám tấn công, vả lại các phi công Do Thái lúc đó vẫn chưa “nếm mùi” hỏa tiễn SAM của Syria, Ai Cập.
        Do Thái không lo chuyện quân đội Ai Cập đưa thêm quân vào khu vực kênh đào Suez, cho rằng họ chỉ… phòng thủ. Nhưng phiá Syria đáng lo ngại hơn, sau trận không chiến hôm 13 tháng Chín, Syria không cho quân nhân nghỉ phép, báo động toàn quốc và gọi tái ngũ quân trừ bị. Các hành động của Syria làm cho Bộ Chỉ Huy Phương Bắc (Northern Command) của Do Thái lo ngại, tuy nhiên họ vẫn tin rằng, Syria không dám tấn công nếu không có sự tham chiến của Ai Cập, và Ai Cập không dám tấn công… Quan niện sai lầm này đã được tình báo Hoa Kỳ báo động vào cuối tháng Chín, Ai Cập và Syria có thể tấn công, và Do Thái trả lời “Điều đó không phải lo”.
        Tuy vậy, trước sự hung hãn của Syria, Do Thái vẫn phải tăng cường lên cao nguyên Golan đơn vị chiến xa, bộ binh vào cuối tháng Chín. Đơn vị nhỏ này, tuy vậy đã cầm chân đơn vị Thiết Giáp Syria được một ngày, đủ để cho Do Thái đưa quân trừ bị ra chiến trường “quật” ngược trở lại trên vùng cao nguyên Golan. Đến ngày 3 tháng Mười, ông Trùm cơ quan Tình Báo Quốc Gia Mossad, Zamir bầy tỏ lo lắng về sự hung hãn, chuyển quân của Syria, không lặng thinh như Trùm cơ quan Tình Báo Quân Sự A’Man, Eli Zeira. Zamir thông báo sự lo lắng này cho nữ Thủ Tướng Golda Meir, và bà ta khuyên nên nói với vị Bộ Trưởng Quốc Phòng Moshe Dayan. Vị Tướng “Độc Nhãn” cũng rất chủ quan, từ từ mới ra lệnh động viên.
        Trong những tài liệu nghiên cứu sau trận chiến Yom Kippur (để học hỏi, lấy kinh nghiệm), trong cơ quan A’Man chỉ có một người tin rằng Ai Cập sẽ tấn công. Đó là Trung Úy Binyamin Siman-Tov, anh ta suy luận rằng, việc một đại đơn vị Ai Cập dàn quân, tập trận bên kia bờ kênh Suez để che dấu kế hoạch vượt qua kênh (tấn công). Tuy nhiên, cấp bậc nhỏ, tiếng nói của viên sĩ quan trẻ không đến tai cấp chỉ huy ở trên cao. Siman-Tov gửi hai bản báo cáo lên cấp chỉ huy hôm 1 và 3 tháng Mười năm 1973…
        Đến ngày 4 tháng Mười, ông Trùm Mossad, Zvi Zamir trở nên lo lắng hơn. Ngày hôm đó, các cố vấn Nga Sô cùng với gia đình ở Syria và Ai Cập lên máy bay trở về nước (di tản). Trong thời gian đó, ngày 5 tháng Mười, các phi cơ vận tải Nga Sô đáp xuống phi trường Damascus liên tục , đem theo vũ khí, đồ tiếp vận cho Syria. Đêm hôm đó (5 tháng Mười), không ảnh cho thấy Ai Cập đã tập trung quân, chiến xa, bộ binh cùng các dàn hỏa tiễn SAM.
        Khoảng 2:30 phút chiều ngày 5 tháng Mười năm 1973, Trùm Mossad, Zvi Zamir nhận được một điện văn từ một nguồn tin rất đáng tin cậy rằng “Chiến tranh chắc chắn sẽ xẩy ra”. Người điệp viên này được cấp chỉ huy ca tụng “Người điệp viên tài ba nhất, chưa quốc gia nào có trong thời chiến”. Bức công điện không cho biết chính xác ngày giờ, nhưng chắc chắn. Zamir lại không thông báo điều này cho các nhân vật tối quan trọng, nắm vận mệnh quốc gia: nữ Thủ Tướng Golda Meir, Bộ Trưởng Quốc Phòng Moshe Dayan, Tổng Tham Mưu Trưởng David Elazar. Ông ta chỉ nói với ông Trùm cơ quan A’Man Eli Zeira, rồi quyết định, đích thân bay qua Âu Châu gặp “nguồn tin” (người điệp viên) lúc nửa đêm ngày 5 tháng Mười, trong khi đó ông Trùm A’Man ngồi ở nhà đợi kết qủa.
        Lúc 3:45 phút sáng ngày 6 tháng Mười, Zamir (Mossad) gọi điện thoại khẩn cấp cho Zeira (A’Man), báo tin chiến tranh sẽ bắt đầu vào lúc mặt trời lặn. Những tài liệu nghiên cứu khác, cho thấy từ cuộc điện đàm báo lên các lãnh tụ, cấp chỉ huy tối cao, giờ tấn công bị sai lạc, “mặt rời lặn” thay vì “2:00 giờ chiều”. Phiá Do Thái chỉ biết chắc chắn, cả hai nước Syria, Ai Cập sẽ tấn công đồng thời, ra tay cùng lúc.
        Trận tấn công đến sớm hơn, lúc 1:55 phút, và Do Thái chưa… chuẩn bị gì hết. Trên cao nguyên Golan, 1400 chiến xa Syria, 1000 khẩu đại bác “đương đầu” với 177 chiến xa, 50 khẩu đại bác của Do Thái. Nơi phiá nam, quân đội Ai Cập đè bẹp tuyến phòng thủ của Do Thái dễ dàng, băng qua kênh đào Suez, tràn vào bán đảo Sinai, sâu khoảng 10 cây số.
        Phòng tuyến Do Thái trên cao nguyên Golan chiến đấu rất dũng cảm, bị mất gần hết đất đai trong ngày đầu tiên, đến tối ngày hôm sau 7 tháng Mười, họ đã lấy lại được tất cả. Tại mặt trận Sinai, quân đội Ai Cập gần chiếm được hai ngọn đèo chiến lược Mitla và Gidi, phiá Do Thái đưa thêm quân lên tăng cường, quyết giữ hai “cửa khẩu” quan trọng này. Chuyên viên tình báo quân sự Do Thái đã đánh giá thấp, sức công phá của loại hỏa tiễn chống chiến xa Sagger, do Nga Sô chế tạo được lính bộ binh Ai Cập xử dụng rất hiệu quả chống chiến xa Do Thái. Họ cũng đánh giá sai lầm về hỏa tiễn điạ-không SAM đã làm kinh hoàng các phi công Do Thái trong trận chiến Yom Kippur.
        Trong suốt trận chiến, các cơ quan tình báo Do Thái giải đoán được phần nào tin tức, nhưng đó là phần đóng góp rất nhỏ. Lòng can đảm, sự hy sinh của các cấp chỉ huy, binh sĩ trong quân đội Do Thái ngoài chiến trường đã lật ngược ván cờ, đem lại chiến thắng cuối cùng cho quốc gia. Trận chiến Yom Kippur kết thúc khi sư đoàn dưới quyền chỉ huy của danh tướng Ariel Sharon (sau này lên làm Tổng Trưởng Quốc Phòng, Thủ Tướng) đánh qua bên kia bờ kênh đào Suez. Đến cuối tháng Mười, cả hai thủ đô Cairo (Ai Cập) lẫn Damascus (Syria) bị Do Thái đe dọa, và các siêu cường như Nga Sô, Hoa Kỳ phải nhẩy vào.
Theo tài liệu: http://www.jewishvirtuallibrary.org/jsource/History/intel73.html
Sungkyunkwan University
Dept. of Computer Education
vđh 

No comments:

Post a Comment