Sunday, October 15, 2023

JERUSALEM: MÔT THỜI NHẢY MÚA, MÔT THỜI ĐỂ KHÓC.

ÔI JERUSALEM !!!
JERUSALEM: MÔT THỜI NHẢY MÚA, MÔT THỜI ĐỂ KHÓC.

I. LỜI GIỚI THIỆU.
        Một buổi chiều thứ Bẩy ngày 29 tháng Mười Một năm 1947, trong một building mầu xám trong khu vực Flushing Meadow, thành phố New York. Đại diện của 56 trong số 57 quốc gia được mời đến để quyết định tương lai một mảnh đất nằm nơi phiá đông vùng biển Điạ Trung Hải. Vấn đề cần được biểu quyết là việc chia cắt đất đai, một nửa cho dân A-Rập, một nửa cho dân Do Thái. Việc này nhằm chấm dứt sự tranh chấp giữa hai dân tộc đã kéo dài 30 năm.
        Điều quan trọng nhất trong bản dự thảo của Liên Hiệp Quốc là họ không đồng ý trao thành phố cổ Jerusalem cho cả hai bên, đặt dưới quyền quản trị của Liên Hiệp Quốc. Chuyện này làm tiêu tan hy vọng nơi người Do Thái. Đối với dân tộc Do Thái, việc tái lập quốc gia mà thiếu thủ đô Jerusalem, cũng như cấu tạo con người có thân xác nhưng không có phần hồn.
        Hai ngàn năm phân tán khắp nơi trên thế giới có thể tóm tắt bằng câu nói ‘Nếu tôi quên được! Ô Jerusalem’. Trong đám cưới, chú rể Do Thái đạp vở một cái ly như tỏ lòng đau đớn trước sự tàn phá Đền Thờ (Temple) và cầu nguyện rằng đám cưới của đôi uyên ương sẽ đem lại niềm vui, ca hát, nhẩy muá trên đường phố Jerusalem.
        Tổ tiên người Do Thái, những bộ lạc du mục Hebrew rời bình nguyên Mesopotamia, đặt chân lên mảnh đất mà lịch sử đã dành cho họ mười thế kỷ (1000 năm) chiến tranh, và làm nô lệ. Cuối cùng họ được tự do rời Ai Cập dưới sự dẫn dắt của Moses. Người Do Thái làm cuộc hành trình 40 năm trở về những ngọn đồi trong vùng Judean tạo dựng quốc gia đầu tiên.
        Thời kỳ vàng son, cực thịnh của dân Do Thái dưới triều vua David và Solomon kéo dài không quá một thế kỷ. Sau đó họ phải sống tha hương khắp nơi trên các lục điạ Âu, Á, và Phi Châu. Người Hebrew chịu đựng hàng thế kỷ bị tấn công, xâm lăng, hết người này đến người khác: Assyria, Babylon, Ai Cập, Hy Lạp, La Mã. Hai lần, vào năm 586 trước Công Nguyên và năm 70 sau Công Nguyên, những kẻ chiến thắng đã buộc người Do Thái ra khỏi mảnh đất quốc gia của họ (đi đầy), và phá hủy ngôi đền, họ xây trong thành phố Jerusalem, nơi Mount Moriah, Yahweh. Từ chốn lưu đầy, người Do Thái vẫn chất chứa trong lòng tình cố hương.
        Hầu hết, mọi quốc gia đều cấm đoán người Do Thái quyền sở hữu đất đai. Vua Edward I nước Anh, sau đó vua Philip nước Pháp đuổi người Do Thái ra khỏi nước, và chiếm đoạt tài sản của họ. Ngay cả chuyện nạn dịch Black Death, cũng đổ lỗi lên đầu người Do Thái, cho rằng họ đã bỏ thuốc độc xuống những giếng nước của người Christian. Chuyện này làm cho hơn 200 cộng đồng Do Thái bị tàn sát.
        Từ một nơi cách xa bàn hội nghị 6000 dặm, thành phố cổ Jerusalem vẫn chờ đợi định mệnh. Theo truyền thuyết, Jerusalem trong tiếng Hebrew cổ ‘Yerushalayim’ có nghĩa là ‘Thành phố của bình yên’, và những người đến định cư đầu tiên trải dài từ Mount of Olives dưới bóng mát hàng cây Palm. Những nhà Tiên Tri cũng đã phán rằng nơi đây Thượng Đế đã ban cho con người hòa bình. Vua David chọn Jerusalem làm thủ đô và khánh thành với lời nói ‘Cầu nguyện cho hòa bình đến với Jerusalem’.
        Đây là chốn linh thiêng cho ba tôn giáo lớn, Do Thái giáo (Judaism), Tin Lành (Christianity), và Hồi giáo (Islam). Những tảng đá xây thành phố Jerusalem còn mang những vết thương, nhắc nhở tội lỗi gây nên bởi tôn giáo. Vua David và Pharaoh Ai Cập, Sennacherib và Nebuchadnezzar, Ptolemy và Herod, Titus và những người Crusaders. Tất cả đều đánh nhau, bị thiêu và giết ở đây.

II. CUỐI CÙNG CHÚNG TA LA MÔT DÂN TÔC TỰ DO.
        Trong khu vực Do Thái ở Jerusalem, nơi một căn nhà đá nhỏ, một người đàn bà hút thuốc lá liên miên, rót cà phê mời khách. Hai thế hệ Do Thái đang ngồi nghe tin tức từ chiếc radio, bàn luận về tình hình thế giới, tương lai, vận mệnh của dân tộc Do Thái. Bà ta được coi trọng như một bà mẹ vĩnh-cửu của dân Do Thái. Bà đã sống để được tận hưởng niềm vui sướng của một đêm cuối tháng Mười Một năm 1947. Liên Hiệp Quốc quyết định cắt đất Palestine cho dân Do Thái lập quốc. Bà ta là con một bác thợ mộc sống ở Kiev bên Nga và Nga Hoàng cũng cấm đoán dân Do Thái nhiều điều để cho họ chết đói lần hồi. Năm trong số sáu anh chị sanh ra trước bà đều chết sớm năm bà được sinh ra 1898. Cha của bà ta đem bà đến một miền Đất Hứa khác, nơi này năm mười bẩy tuổi, trên một đường phố Hoa Kỳ, bà đứng xin tiền người qua đường để cứu nạn nhận trận Đệ Nhất Thế Chiến. Bà đã tìm được đức tin dân tộc (Zionist). Người ‘Mẹ Do Thái’, vị thủ tướng tương lai của đất nước, đó chính là bà Golda Meir.
        Cách nhà bà Golda Meir không xa, ba mươi người bị truy nã gắt gao trong vùng đất Palestine cũng theo dõi tin tức từ một chiếc radio đặt giữa bàn. Người ngồi ghế chủ tọa là Yitzhak Sadeh, cha tinh thần tổ chức bí mật Haganah, tiền thân của Quân Lực Do Thái, và cũng là người sáng lập đơn vị xung kích Palmach. Đơn vị bí mật này không mang phù hiệu. Một người trong nhóm hỏi ý kiến Sadeh về kết quả cuộc bỏ phiếu của Liên Hiệp Quốc. Ông ta trả lời vắn tắt ‘Tôi không cần biết!’, rồi nói tiếp ‘Nếu phiếu thuận, bọn Ả Rập sẽ tấn công chúng ta. Trận này mình sẽ trả giá năm ngàn mạng.’. Nhìn quanh bàn, Sadeh tiếp tục nói ‘Nếu họ phủ quyết, mình sẽ là kẻ gây chiến với Ả Rập’. 
        Ngồi trong căn nhà đá, trên lòng bà Golda Meir là cuốn vở học trò, ghi chép đầy những chi tiết về các vấn đề cần phải làm. Người đàn bà đã làm việc hết mình chờ đợi cho giây phút quan trọng nhất cho vận mệnh quốc gia Do Thái, được phát ra từ máy radio. Chợt bà không còn đọc được những nét chữ của mình nữa. Mắt bà nhòa đi, hai giòng nước mắt chẩy dài. Mọi người trong phòng đều nghẹn lời, ôm lấy nhau vì sung sướng. Nước Do Thái đã được chấp thuận.
        Khu vực người Do Thái trong thành phố Jerusalem như nổ bùng lên như ngày hội lớn, có lẽ đây là ngày vui mừng lớn nhất trong lịch sử, đánh dấu sự chấm dứt của hai ngàn năm đợi chờ. Trong một quán rượu nhỏ, David Rothschild đang ngồi nghe tin tức cùng với hai cô gái. Khi nghe kết quả Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu thuận, cả ba vụt chạy ra ngoài đường, chạy nhẩy tung tăng, la hét như trẻ con. Ba người chạy xuống đường King George V, đập cửa mọi nhà, nói to như kêu gào ‘Chúng ta có quốc gia, chúng ta có quốc gia’. Hai sĩ quan trẻ Haganah, Mordecai Gazit và Zelman Mart nhẩy lên chiếc xe Chevrolet cũ kỹ, chạy quanh thành phố, vừa lái xe vừa bấm còi inh ỏi.
        Khắp mọi nơi, nhà nào cũng bật đèn lên, mở cửa sổ. Hàng xóm gọi nhau chúc mừng ơi ới, nhiều người không kịp thay quần áo, cứ thế mặc quần áo ngủ, pyjama chạy ra đường nhẩy muá, reo hò. Ngay góc đường Ben Yehuda, Uri Avner nhập vào một nhóm sinh viên, học sinh chạy nhẩy trên đường. Con đường nào họ chạy ngang qua, bà con mở cửa chạy ra nhập vào đám đông. Đến góc đường Jaffa, một xe tuần cảnh Ăng-Lê chận đám người lại. ‘Bà con có biết rằng bây giờ đã quá nửa đêm?’. Một người trẻ dẫn đầu đáp lại ‘Ông có biết rằng chúng tôi đã có quốc gia?’.
        Trên đường Ben Yehuda, viên cảnh sát Do Thái Reuven Tamir, cùng với vài người bạn chạy đến một cửa hàng bán bánh, nước ngọt, cậy cửa khiêng đồ ra phát cho mọi người. Ông chủ tiệm la lối, chạy lại ... Sau khi được cắt nghĩa, ông ta nhập vào đám người trên đường. Mấy quán rượu, tiệm ăn vẫn mở cửa nhưng không có người trông coi. Chủ tiệm cùng với nhân viên đang ca hát nhẩy muá trên một con đường, đâu đó trong khu vực Do Thái ở Jerusalem.
        Thủ tướng đầu tiên của Do Thái Ben-Gurion còn nhiều vấn đề khác phải lo. Ông ta đã biết trước, những lá phiếu của Liên Hiệp Quốc vẫn không bảo đảm sự sống còn của một quốc gia mới lập. Bộ tham mưu của thủ tướng Ben-Gurion phải làm việc ngay tức khắc để chuẩn bị cho trận thư hùng với khối Ả Rập. Một chiếc xe chạy trong bóng đêm ra vùng ngoại ô hướng tây Jerusalem. Xe ngừng lại trước cửa một bệnh xá nhỏ Histadrut, một người đàn ông lớn con bước ra khỏi xe, đi đến trước cửa bệnh xá, gõ nhè nhẹ theo một mật hiệu. Một y tá trong áo blouse trắng ra mở cửa. Giờ này không còn ai trong bệnh xá, hai người đàn ông đi thẳng đến một phòng làm việc ở cuối hành lang. Người đàn ông lớn con đó là Israel Amir, chỉ huy trưởng Haganah trong Jerusalem, và người y tá là thuộc cấp của ông ta. Đã hơn một năm, bệnh xá này đã qua mắt tình báo Ăng Lê, che dấu chỗ làm việc cho trùm Haganah ở Jerusalem.
        Cũng như những bộ chỉ huy bí mật Haganah khắp mọi nơi. Người Do Thái tổ chức hệ thống nằm vùng, đạo quân bí mật rất tinh vi. Chỉ cần ba cú phone, với lời nói nhỏ nhẹ, Amir đã báo động đến tất cả những đơn vị trực thuộc.
        Gần đến trưa hôm sau, dân Do Thái tụ họp thành một đám đông trước văn phòng làm việc của người Do Thái, yêu cầu lãnh tụ của họ ra tuyên ngôn độc lập. Bước ra ngoài cùng 50 viên chức cao cấp, thủ tướng Ben-Gurion nói sự thực cho người dân biết phải chuẩn bị chiến tranh. Cùng lúc, một người ghé tai bà Golda Meir nói nhỏ, ba người Do Thái vừa bị phục kích giết chết nơi ngoại ô Tel Aviv. Khi thủ tướng Ben-Gurion dứt lời, ông ta quay về phiá lá cờ xanh-trắng, vuốt nhẹ theo đường viền rồi nói ‘Cuối cùng, chúng ta là một dân tộc tự do’. 

III. HAI NGỪƠI KHÁCH ĐẾN PRAGUE (Tiệp Khắc).
        Trên chuyến bay 442 của hãng hàng không Thụy Sĩ, đại úy người Syria Abdul-Aziz nhìn qua cửa sổ, ở dưới là Tel Aviv đầy những người Do Thái đang vui mừng nhẩy múa cho sự thành hình quốc gia. Vị sĩ quan Syria châm điếu thuốc lá, bẩy tiếng đồng hồ nữa, ông ta sẽ đến Paris rồi sẽ lên chuyến máy bay khác đi Prague trong một sứ mạng đặc biệt. Syria vừa mới độc lập, do đó họ có thể tự do mua bán vũ khí trên thị trường quốc tế. Đại úy Abdul-Aziz đến Prague để mua hàng (vũ khí) gửi về thủ đô Damascus.
        Ngồi sau lưng viên sĩ quan Syria chừng vài hàng ghế, có một hành khách đặc biệt đang đọc tờ nhật báo Hebrew Davar. Người hành khách này mang trong người giấy thông hành (passport) Palestinian dưới tên George Alexander Uiberall, một thương gia trong công ty Solel Boneh.
        Tên thực của người khách lạ này là Ehud Avriel. Ông ta cũng chẳng có làm ăn, liên hệ gì đến công ty Solel Boneh. Một điều duy nhất đúng về ông ta là cũng đang đi công tác ‘làm ăn’, cũng vì vậy mới ngồi trên chuyến máy bay cùng với viên sĩ quan Syria. ‘Công ty’ gửi Ehud Avriel qua Âu châu chính là Quân Đội Bí Mật Do Thái Haganah. Ông ta tìm cách đem về Do Thái 10 ngàn khẩu súng trường. Vài tiếng đồng hồ trước đây, một chiếc xe Ford cũ kỹ mầu xám đến làng (Kibbut) Nahariya nơi Ehud Avriel đang sống. Người lái xe nói với Avriel ‘Thay đồ! Tói đến đưa ông đi Jerusalem. Ông Trùm muốn gặp ông’.
        Avriel không tỏ vẻ ngạc nhiên. Ông ta là một người Áo trí thức, đã phục vụ chủ nghĩa quốc gia Do Thái (Zionist) mười năm, và đã đem lại nhiều kết qủa tốt đẹp. Từ Vienna, rồi Istanbul, Athens, và cuối cùng Paris, Avriel đã chỉ huy một trong những ‘dịch vụ’ nổi tiếng, đem người Do Thái bên Âu châu về Palestine (nhập cảnh lậu). Ông ta đã thành công gài người vào trong những trại giết người (Death camp) của Hitler. Hàng chục ngàn người Do Thái chịu ơn tổ chức của Avriel đã đem họ về miền Đất Hứa.
        Ba tiếng đồng hồ sau, Avriel đứng trước mặt thủ tướng Ben-Gurion. Vị nguyên thủ quốc gia nói với Avriel, sự sống còn của dân tộc Do Thái dựa vào sự thành công của sứ mạng mà Avriel nhận lãnh. ‘Nghe kỹ đây, ông bạn trẻ của tôi! Chiến tranh sẽ bùng nổ nơi đây, không lâu đâu. Bọn Ả Rập đã chuẩn bị. Họ có 5 quân đội, sẵn sàng để xâm lăng đất nước chúng ta’. Avriel không biết nói gì, vị thủ tướng nói tiếp ‘Anh có một triệu đô-la trong ngân hàng Union de Banques Suisses ở Geneva để chi tiêu’. Ben-Gurion lấy ra một tờ giấy đánh máy sẵn đưa cho Avriel ‘Đây là những món hàng, chúng ta cần để chống lại quân thù. Một thương gia ở Paris tên là Klinger nói rằng có thể kiếm mấy thứ đó cho chúng ta. Qua Paris gặp ông ta ngay hôm nay’. Avriel liếc qua tờ giấy, 10 ngàn khẩu súng trường, 1 triệu viên đạn, 1000 tiểu liên Sten, 1500 súng đại liên. Ông ta gấp tờ giấy bỏ túi, chào vị thủ tướng rồi đi ngay.
        Khi máy bay chở hai người khách đặc biệt sắp đến Paris, hai người đàn ông khác có nhiệm vụ tiêu thụ số súng đạn đó, được lệnh đến một căn nhà sơn mầu đỏ ngay bãi biển Tel Aviv. Căn nhà mang số 44 Hayarkon là nơi bí mật đặt bộ chỉ huy Haganah. Một trong hai người, là một nhà khảo cổ lừng danh, cha ông ta trước đó 48 tiếng đồng hồ đã nhìn thấy trang đầu tiên của Death Sea Scrolls (một tài liệu rất cổ). Mùa hè 1947, David Ben-Gurion đã đề cử Yigal Yadin, đang làm việc trong viện ngiên cứu Cổ Ngữ Ai Cập vào chức vụ sĩ-quan kế-hoạch trong Haganah.
        Người kia là một nhân vật quan trọng trong đạo quân bí mật Hagabah. Mishael Shachman đã cầm súng chiến đấu năm 11 tuổi, canh gác xóm làng nơi ông sanh ra. Schachman là người dựng nên xưởng sản xuất đạn dược bí mật đầu tiên của Do Thái, ông ta cũng là một khoa học gia góp phần chế tạo ra chất nổ, bị thấm nước vẫn phát nổ năm 1938.
        Hai người đến gặp Yaakov Dori, tham mưu trưởng Haganah. Đạo quân bí mật Haganah đã thiết lập hệ thống truyền tin vô tuyến từ bộ chỉ huy (căn nhà đỏ) đến tất cả những làng định cư Do Thái trên phần đất Palestine. Cấp chỉ huy điạ phương báo cáo hàng ngày tình hình trong khu vực trách nhiệm về Tel Aviv, và được ghi vào bản lưu. Yaakov Dori cảm thấy rằng chiến tranh sắp bùng nổ. Một chuyến xe bus Do Thái trên đường từ Natanya đi Jerusalem bị phục kích bởi quân võ trang Ả Rập gần phi trường Lydda. Ba người đàn bà và hai đàn ông bị giết, Dori trao nhiệm vụ giữ an ninh đường xá cho Shachman. ‘Thắng hay bại tuỳ thuộc vào những con đường tiếp vận. Ông phải bảo đảm an ninh cho các con đường’.

IV. HAI CON NGƯỜI, HAI ĐẠO QUÂN.
        Không một người Do Thái nào trong Jerusalem mong chờ số vũ khí, súng đạn mà Ehud Avriel được gửi qua Âu châu mua lậu hơn Israel Amir, trùm đạo quân Haganah Jerusalem. Khắp nơi trong thành phố, vấn đề thiếu vũ khí đạn dược là chuyện quan trọng, làm khả năng chiến đấu của người Do Thái què quặt. Vũ khí của Haganah được dấu ở hai slicks (tiếng lóng, nơi bí mật). Đạn dược phân tán ra những chỗ mà chỉ có ban tham mưu của Amir biết. Tám ngày sau khi Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu thuận cho người Do Thái lập quốc, Haganah trong Jerusalem đã động viên được 500 quân tại ngũ. Những chiến sĩ này được thông báo bằng điện thoại, điện văn mật trên báo chí, và khẩu lệnh rỉ tai trên đường phố.
        Theo lệnh của Amir, họ hăng hái trình diện trong bộ thường phục mặc đi làm hàng ngày, tập họp trong trường trung học Rehavia. Amir giữ lại một ít người gồm già cả, ít kinh nghiệm làm đơn vị trừ bị, còn lại phân phối ra những nơi tình nghi địch sẽ tấn công. Do Thái giờ đây là một quốc gia độc lập, có quyền có quân đội, đạo quân tạp nhạp lần đầu tiên được cấp phát quân phục, quần mầu xanh olive, áo kakhi vàng thợ thuyền.
        Netanel Lorch, người thanh niên nhẩy múa, ca hát trong đêm mừng, được lệnh đến khu vực của những người nặng tín ngưỡng Mea Shearim cùng với hai mươi thanh niên và sáu thiếu nữ. Mấy cô thiếu nữ có nhiệm vụ dấu vũ khí đem đến cho những chàng thanh niên. Họ chiếm một căn apartment trong một chung cư. Lorch thiết lập hai tổ báo động, che dấu trạm cảnh sát Ăng-Lê gần đó và tránh con mắt dòm ngó, khó chịu của mấy ông cố đạo Do Thái (Rabbi).
        Một đàn em (coi như sĩ quan trong đạo quân bí mật Haganah) khác của Amir, Eliyahu Arbel cũng gặp hoàn cảnh tương tự trong một khu vực tôn giáo bảo thủ. Sau một trận cãi vã với ông cố đạo, ông này đồng ý cho họ ‘ở tạm’ với điều kiện phải có một giấy viết tay bảo đảm những chủng sinh (người học đạo) không phải chiến đấu trong ngày lễ Sabbath. Arbel hết ý kiến, đưa hai tay lên trời ‘Thưa ngài, nếu ông muốn điều đó, cứ xin bọn Ả Rập. Đừng nói với tôi’.
        Nhiệm vụ thành lập một tiểu đoàn mới được trao cho Shalom Dror, một người Đức Do Thái ăn nói nhỏ nhẹ. Để trang bị cho tiểu đoàn tân lập, Dror ra lệnh cho nữ binh sĩ gõ cửa từng nhà xin quần áo, chăn màn, cà-mèn. Những tân binh sẽ được phát phiếu ăn trong những quán ăn lân cận. Tiểu đoàn này đóng quân trong viện đại học Hebrew University, tọa lạc bên những rặng thông trên đồi Mount Scopus. Ngọn đồi này chế ngự thành phố về hướng bắc. Viện đại học cũng là nơi lôi cuốn giới trẻ Do Thái từ khắp nơi trên thế giới. Haganah sẽ ghi khắc sự gắn bó, đoàn kết của người Do Thái trong những ngày sắp đến.
        Bobby Reisman đúng ra không nên có mặt trong Hebrew University, chàng ta muốn theo học ở Sorbonne (Viện đại học Paris). Con một thương gia ở Buffalo New York, một người bạn rủ chàng theo học Tâm Lý học ở Hebrew University. Tại đây Reisman gặp Leah và kết hôn vào tháng 12 năm 1947.
        Một buổi tối, có người đút một tờ giấy dưới gầm cửa căn apartment của chàng và Leah. Reisman cầm lên xem, lá thư viết bằng tiếng Hebrew, làm chàng phải nhờ cô vợ dịch ra tiếng Anh. Cô vợ đọc xong lá thư, im lặng một lúc lâu rồi nói ‘Họ mời anh tham gia đạo quân bí mật Haganah’. Reisman nằm dài trên giường không trả lời, chàng đến nơi này không phải để chiến đấu. Với tay kéo hộc tủ bàn ngủ ra, dưới đống giấy tờ lộn xộn là khẩu súng lục và thẻ đảng viên Haganah của cô vợ. Lúc đó người Ăng Lê vẫn còn cai trị vùng đất Palestine, vớ phải cô vợ Haganah chẳng khác chứa bom trong túi quần. Quay lại, chàng bắt gặp ánh mắt của vợ đang nhìn, chờ đợi câu trả lời. Không lẽ lôi cổ cô vợ đến một đồn cảnh sát Ăng Lê, Reisman trả lời ‘Anh gia nhập’.
        Trường hợp Carmi Charny khác hẳn, Carmi muốn gia nhập Haganah nhưng họ không nhận một người gầy gò, ốm yếu, cận thị nặng. Chàng là con một ông cố đạo Do Thái (Rabbi) ở Bronx New York, tướng mạo chàng nên theo nghiệp cha làm rabbi thì đúng hơn. Sau khi trận Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt, Carmi lên tầu Marine Carp, từ bỏ khu apartment chật hẹp Bronx về miền Đất Hứa mà chàng tin rằng nơi đó là định mệnh. Về đến vùng đất ‘Quê cha đất tổ’ Palestine, việc đầu tiên Carmi xin gia nhập đạo quân bí mật Haganah, và bị từ chối. Sau đó nhờ một cô bạn gái đã ‘nằm vùng’ giới thiệu, bảo đảm ‘đây là một tay lý tưởng, được việc’. Carmi được đưa xuống tầng dưới (basement) trường trung học Rehavia. Bên trong tối mờ, Carmi ngồi trước ba người đàn ông mà chàng không rõ mặt. Sau khi trả lời tất cả các câu hỏi của họ, Carmi được đưa vào một buồng nhỏ, bên trong có một cái bàn, trên thắp hai ngọn nến, một quyển kinh thánh, và một khẩu súng lục. Carmi được lệnh để hai tay lên quyển kinh thánh và khẩu súng lục, đọc lời tuyên thệ trung thành với tổ chức Haganah.
        Những người có truyền thống Haganah trong máu huyết như Netanel Lorch lại khác, kinh nghiệm làm việc cho Haganah từ lúc còn bé 11, 12 tuổi. Các chiến sĩ tí hon này, dấu đạn trong ve áo, túi quần học trò đem ra chiến trường tiếp tế đạn cho cha, anh mình trong trận chiến năm 1936, khi quân Ả Rập tổng tấn công.
        Điều căn bản của Haganah là bí mật. Vấn đề chụp ảnh, ghi chép phải được giữ tối thiểu. Họ được huấn luyện võ thuật, căn bản quân sự dưới basement các cơ quan nhà thương, trường học Do Thái. Sau đó là tình báo, đưa công điện, thông tin, theo dõi các đơn vị Ả Rập, Ăng Lê. Cuối cùng là tập trận ngoài sa mạc hai, ba ngày một tháng. Trong mùa hè, từng đơn vị Haganah được gửi đi những làng Do Thái (Kibbut) để huấn luyện bổ túc, du kích chiến, kỹ thuật tác chiến ban đêm. Haganah còn che mắt được người Ăng Lê, tổ chức các khóa huấn luyện sĩ quan kéo dài hai tháng trong thung lũng Valley of Jezreel.
        Trong khi đó, đêm tháng 12, 1947 nào cũng vậy, đám đông Ả-Rập tụ họp trên đường phố chính thủ đô Cairo Ai Cập. Trong bộ Ngoại Giao, có bẩy nhân vật cao cấp đại diện bẩy quốc gia trong khối Ả Rập: Ai Cập, Iraq, Saudi Arabia, Syria, Yemen, Lebanon và Transjordan. Tất cả đều đồng ý ‘Chúng ta sẽ bóp chết Jerusalem’.

B. PHẦN HAI. JERUSALEM: CĂN NHÀ CỦA HẬN THÙ (12/1947 - 3/1948).
I. CHÚNG TA KHÔNG PHẢI LÀ HÀNG XÓM.
        Trên đường Ben Yehuda, những lá cờ, biểu ngữ xanh-trắng bay phất phơ trong gió. Những tở truyền đơn, lệnh động viên cũng mầu xanh trắng, gọi nhập ngũ tất cả thanh niên Do Thái trong hạn tuổi từ 17 đến 25. Thời gian khoảng giữa tháng Mười Hai, thành phố Jerusalem ban ngày vẫn lặng lẽ trôi qua như thường lệ. Những viên chức chính quyền Do Thái, Ả Rập từng chung nhau làm việc bao nhiêu năm, giờ đây nhìn nhau bằng đôi mắt ngờ vực. Trước đây họ chào hỏi nhau, nói lên những lời cầu chúc tốt đẹp, bây giờ phải qua thủ tục khám xét vũ khí trước khi vào làm việc. Đối với người Do Thái, muốn đi lên tòa án hoặc ra ngân hàng chính của thành phố nằm trong khu dân cư Ả Rập, điều này trở nên rất nguy hiểm cho họ. Đối với sắc dân Ả Rập cũng vậy, qua khu vực người Do Thái cũng là điều không nên. Ngay cả trẻ con, cũng đã bắt đầu lấy đá ném nhau trên đường tới trường học.
        Ngày 15 tháng Mười Hai, người Ả Rập ra tay làm cho dân Do Thái lạnh gáy. Họ sẽ chiếm kinh thành Jerusalem bằng cách cho nổ hệ thống dẫn nước vào thành phố. Trong khi người Ăng Lê lo sửa chữa hệ thống dẫn nước, người Do Thái âm thầm đỡ những đòn kế tiếp. Đám tang Do Thái cũng phải đi vòng lên đỉnh Mount Olives để tránh những tiếng súng bắn tỉa của dân Ả Rập.
        Chưa bao giờ, dân Do Thái trong Jerusalem cảm thấy mạch sống của mình gắn bó vào mỗi buổi chiều tại bến xe bus Egged, nơi ngoại ô thành phố. Tranh giành sự kiểm soát con đường huyết mạch đã được biết trước bởi cả hai ông trùm Haganah Amir và Ả Rập Abdul Khader Husseini. Những trận phục kích của phe Ả Rập vẫn còn ‘rủi may’, vô tổ chức, tuy nhiên họ đã làm người Do Thái, Haganah trông cậy vào đoàn xe tiếp tế trên con đường nối liền thành phố Jerusalem với bờ biển. Những chiếc xe bus trong đoàn convoy đã được che chở bởi những tấm thép nặng gần tám tấn, làm cho di chuyển rất khó khăn, leo lên những ngọn đồi, xe chạy không quá mười dặm một giờ. Xe nào cũng bị bắn khi đến được thành phố.
        Mỗi ngày, trước khi mặt trời lặn, đám đông người Do Thái đã tụ tập, chờ đoàn convoy đem đồ tiếp tế đến. Khi đoàn xe ngừng bánh, đám đông đổ xô đến bao quanh, mọi cặp mắt nhìn vào những cánh cửa xe. Thường thì những người bước ra trước, quần áo dính đầy máu, được xe cứu thương chờ sẵn đưa đi bệnh viện. Những người còn lại thường đã chết, đợi cho thân nhân nhận diện, kèm theo tiếng than khóc.
        Đúng ra, tháng Mười Hai cũng là thời gian người Do Thái mừng lễ Hanukkah. Thành phố lên đèn sáng trưng, nhẩy múa ngoài đường phố. Năm nay, tất cả mọi việc đều phải hủy bỏ, đường phố vắng lặng, không một bóng người.
        Trong Jerusalem cũng như những cộng đồng Do Thái rải rác trên đất Palestine, Haganah đi theo đường lối của thủ tướng Ben-Gurion. Những gì người Do Thái nắm trong tay, phải giữ lấy. Không người nào được bỏ nhà, bỏ làng mà không có giấy cho phép. Mặc dầu xa xôi, nguy hiểm, vẫn phải giữ lấy bằng mọi giá.
        Trùm Haganah, Amir tìm cách đuổi dân Ả Rập ra khỏi những khu vực có người Do Thái bằng cách cho đàn em, đêm đến viết khẩu hiệu đe doạ trên tường những ngôi nhà người Ả Rập. Sau đó tăng áp lực, cắt dây điện, điện thoại, bắn chỉ thiên lên trời. Vài ngày sau, dân Ả Rập lặng lẽ thu dọn nhà cửa, ra đi.
        Cùng lúc, đám du kích Ả Rập dưới quyền Abdul Khader Husseini bắt đầu phối hợp, tổ chức làm cú đe dọa đầu tiên. Mục tiêu là căn nhà trong khu vực Sanhedria, nơi có một nhóm Haganah đến cư ngụ. Khoảng 120 quân Ả Rập từ Hebron, được xe chở vào Jerusalem bằng xe đến cách căn nhà Do Thái chừng 200 thước, xả súng bắn xối xả cho đến khi xe bọc sắt cảnh sát Ăng Lê đến can thiệp, đem lại an ninh trật tự.
        ‘Tụi nó tấn công!’, người tài xế la to lên báo động. Eli Greenberg là người Do Thái Tiệp Khắc sống sót trong tại ‘Tử Thần’ (Extermination camp) Dachau, nhìn qua kẽ hở miếng thép che chở kính xe. Bên ngoài, nơi công trường trước khi đến cổng Jaffa, Eli trông thấy một băng cướp Ả Rập đang la hét, ngăn cản lộ trình xe bus qua cửa Jaffa. Sau đó chàng nghe tài xế nói ‘Tụi ăn cướp đi rồi!’. Một chiếc xe bọc sắt Ăng Lê hộ tống chạy lên trước chắn ngang đường Bethlehem, làm bọn cướp Ả Rập biến mất.
        Greenberg và mấy người bạn Haganah được đưa vào bên trong thành phố cổ (Old City). Chàng được giao cho một vọng gác trên nóc đền thờ Watsaw Synagogue.  Một sĩ quan Haganah đưa cho Eli khẩu súng lục và một băng đạn. Viên sĩ quan nhắc nhở ‘Mật hiệu là Judith!’, rồi chỉ tay xuống một giao thông hào ở dưới chân đền thờ ‘Tụi nó ở dưới đó!’. Greenburg nằm sát vào bao cát để bóng chàng khỏi lộ lên trên bầu trời. Ba mươi tháng sau khi một binh sĩ Hoa Kỳ lôi Greenberg, lúc đó gần chết ra khỏi đống xác chết chồng chất lên nhau. Người thợ kim hoàn sống ở Tiệp Khắc tìm đường trở về cố hương.
        Ngoài Greenburg, trùm Haganah gửi vào bên trong thành phố cổ khoảng 50 chiến sĩ Haganah. Họ xâm nhập bí mật, dùng giấy tờ giả làm học sinh hoặc những học giả. Người vào bằng xe bus như Greenburg, taxi, và ngay cả xe cứu thương. Đến cuối tháng Mười Hai, số chiến sĩ Haganah tăng lên 120 người. Một điều chung nơi các chiến sĩ Haganah, gần hết nằm trong đơn vị xung kích Palmach, đa số là sinh viên viện đại học Hebrew. Trời cuối năm lạnh dữ, các chiến sĩ Haganah, nằm đắp chăn, một tay cầm khẩu súng lục (chưa có súng trường, và dễ dấu), tay kia cầm quyển sách học bài.
        Một đoàn người khác cũng tràn vào thành phố, họ được tuyển mộ từ những làng Ả Rập xung quanh, thêm tình nguyện quân đến từ Iraq, Syria, Transjordan. Tiếng súng trao đổi giữa hai bên hằng đêm, càng ngày càng gia tăng. Người Ăng Lê đưa thêm quân vào giữ an ninh thuộc trung-đoàn Sơn Cước nhẹ (Highland Light Infantry) cũng chẳng ăn thua.
        Uri Cohen, chàng sinh viên sinh-học ca hát nhẩy múa trên đường trong đêm Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu, liếc sơ qua trông thấy hộp xà phòng Lux để đúng chỗ, chàng mở cửa bước vào nhà. Bên trong có bẩy người đàn ông, họ chỉ biết tên giả của chàng là Shamir. Tất cả nằm trong tổ bí mật Irgun Zvai Leumi (Quá kích, đặc công, một trong những lãnh tụ của Irgun sau này lên làm thủ tướng ‘đại diều hâu’, đó là Menahem Begin) mà cảnh sát Ăng Lê truy nã rất gắt, và người Ả Rập rất sợ.
        Trong khi các lãnh tụ Do Thái tìm đường lối ôn hòa, thương thuyết để tìm kiếm hòa bình. Irgun và một nhánh nhỏ Stern Gang đã xử dụng súng đạn thay cho lời nói. Nhóm này đi theo đường lối, khủng bố, ám sát để đạt mục đích tối hậu cho dân tộc Do Thái. Họ đã gây nợ máu nhiều cho cả người Ăng Lê lẫn Ả Rập, đa số là dân lành vô tội. Trước đây ngày 22 tháng Bẩy năm 1946, Irgun làm một vố, cho bom nổ xập một cánh khách sạn King David, làm hơn 90 người Do Thái, Ả Rập, Ăng Lê thương vong. Họ làm cho cả thế giới căm phẫn, kể cả người Do Thái khi treo cổ hai viên trung sĩ Ăng Lê, rồi còn gài thêm lựu đạn vào xác chết, để trả thù người Ăng Lê tử hình một đảng viên của họ.
        Đảng Irgun theo chủ thuyết cực đoan Zionist của Vladimir Jabotinsky, đất nước của người Do Thái trải dài từ Acre tới Amman, từ đỉnh Mount Hermon kéo dài đến kinh Suez. Họ kết tội Liên Hiệp Quốc vấn đề quốc tế hóa kinh thành Jerusalem, kinh đô muôn thuở của Do Thái. Trước khi Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu, trùm Irgun Menahem Begin đã nói với các cộng sự viên cao cấp ‘Vấn đề Jerusalem phải được để ý hàng đầu trong những tháng sắp tới’. Irgun cố gắng hủy diệt hy vọng quốc tế hóa thành phố Jerusalem. Họ đã dùng máu người Ăng Lê để đoạt chủ quyền quốc gia, lần này họ sẽ dùng máu người Ả Rập để đòi lại kinh thành Jerusalem.
        Cú ra tay đầu tiên, Irgun nhắm vào người Ả Rập sống trong khu vực Lifta và Romema nơi phiá tây Jerusalem. Họ bị Irgun khép tội báo tin tức di chuyển của những đoàn convoy Do Thái. Ngày 13 tháng Mười Hai, một cảm tử quân Irgun ném hai quả bom vào nơi đông người Ả Rập mua sắm nơi cổng Damacus Gate, làm chết sáu người và bị thương bốn mươi người.
        Nơi tổ Irgun tám người họp nằm trong xóm nghèo người Yemen để ít bị theo dõi. Một người trong tổ là một ông già bán hoa trên đường Yehuda, nhiệm vụ chính của ông ta là lấy những tin tức cần thiết cho các hoạt động của đảng. Uri Cohen gia nhập Irgun vì chàng thích hành động. Đối với chàng trai trẻ ‘Haganah chẳng được tích sự gì cả!’.
        Mỗi trưa thứ Sáu, một sĩ quan tham mưu đến phòng tuyên úy quân đội Ăng Lê, trao tận tay một trong hai mươi bản công điện tối mật ‘Lệnh Hành Quân’. Lệnh hành quân này cho biết chính xác vùng hành quân, đơn vị tham chiến của tất cả các đơn vị Ăng Lê trong vùng Trung Đông. Sau khi nhận được, vị tuyên úy cẩn thận bỏ vào két sắt khóa lại, trước khi trở về phòng làm việc. Một tiếng đồng hồ sau, trước khi ông ta trở lại, một phó bản ‘Lệnh Hành Quân’ đã trên đường đến tay cơ quan tình báo Haganah.
        Việc này do một người thư ký đảm trách, một thành quả trong ngành điệp báo Do Thái mà sau này đã làm nhiều vụ nổi tiếng trên thế giới. Đã từ lâu, trước khi nhóm Irgun đặt quả bom đầu tiên, Haganah đã làm nhiều chuyện, tận dụng mọi tài nguyên nhân, vật lực để phụng sự đất nước. Haganah đâu đến nỗi ‘tệ’ như Uri Cohen trong nhóm quá khích Irgun đã phê phán.
        Trưởng lưới của Uri là một tiến sĩ vật-lý, sanh quán tại Đức, 26 tuổi Shalhevet Freir. Freir đã học hỏi nơi người Ăng Lê khi là một trung-sĩ phục vụ trong Quân Đoàn 8 trên chiến trường Phi châu. Sau này, chàng đóng vai giả thiếu tá, đại tá trong quân đội Anh để đưa lậu người Do Thái từ Ý Đại Lợi về cố hương. Hiện tại, Freir làm việc trong văn phòng nghiên cứu về Dịch Vụ Xã Hội trên đường Bezalel trong Jerusalem. Trong chức vụ mới (vỏ bọc) này, chàng đã đưa hai mươi điệp viên vào trong mọi cơ quan hành chánh, quân đội Anh, ngay cả đến phủ Cao Ủy.
        Chià khóa đem lại thành công cho Haganah dựa theo khả năng của mỗi cá nhân. Với hàng ria mép rậm, cặp mắt xanh, quần áo thể thao, giọng Ăng Lê Oxbridge (Oxford, Cambridge hai trường đại học danh tiếng của Ăng Lê), Vivian Herzog 29 tuổi, có thể qua tất cả các trạm kiểm soát của người Anh. Sinh quán tại Dublin (Anh quốc), con của cố đạo trưởng (Chief Rabbi) trong vùng Palestine, Herzog là sĩ quan liên lạc giữa người Anh và Haganah. Nhiệm vụ chính của chàng là thiết lập đường dây chiến lược lôi kéo những sĩ quan có cảm tình đối với dân Do Thái trong quân đội Anh.
        Herman Joseph Mayer, sanh đẻ bên Đức, con một chủ tiệm sách lớn. Trong trận Đệ Nhị Thế Chiến, Herman với cặp headphone trên tai, di chuyển từ El Alamein đến Monte Cassino, nghe ngóng những lời đối thoại của các phi công Luftwaffe (Đức) để báo động cho Không Lực Hoàng Gia Anh. Giờ đây chàng ngồi lắng nghe những lời đối thoại trên tần số làm việc cảnh sát Anh.

II. CUÔC HÀNH TRÌNH ĐEN TỐI.
        Người đàn bà bước đến hỏi viên sĩ quan cảnh sát đang khám xét chiếc xe bus.
-           Có chuyện gì vậy?
-           Chúng tôi đang khám vũ khí.  Viên sĩ quan Ăng Lê trả lời.
-           Các ông không có quyền làm chuyện này!
-           Không có quyền? Vị sĩ quan hỏi ngược lại.

        Người đàn bà chưa chịu thua, tiếp tục phản đối đòi coi thẻ hành sự. Như một người lịch sự Ăng Lê, vị sĩ quan móc túi đưa thẻ, rồi tiếp tục ra lệnh cho thuộc cấp khám xe. Sau cùng vị sĩ quan nói ‘OK, chiếc xe có thể đi’. ‘Chờ chút!’, bà Golda Meir hỏi tiếp ‘Thế còn cô gái đi trên xe?’. Cô gái là một chiến sĩ Haganah, có nhiệm vụ đi theo hộ tống chiếc xe bus. Điều này không hợp lệ, cảnh sát Ăng Lê bắt được, tịch thâu luôn khẩu tiểu liên Stern. Vị sĩ quan vẫn lịch sự trả lời, chúng tôi đưa cô ta về đồn cảnh sát cùng với tang vật. Bà Golda Meir trả lời ‘Nếu vậy bắt tôi luôn’, rồi leo lên xe cảnh sát ngồi cạnh cô gái.
        Hai người được đưa đến một trạm cảnh sát trong khu vực Do Thái. Viên trung sĩ làm tờ trình, hỏi tên của bà ta. ‘Golda Meir’. Nghe tên bà, nhân viên đang hỏi cung đưa tay ôm lấy đầu ‘Chúa ơi!’. Vài phút sau, viên sĩ quan trưởng đồn cảnh sát đem lại cho bà và cô gái ly nước, sau đó dùng xe bọc sắt đưa cả hai người về lại Tel Aviv. Vào đến vùng ngoại ô Tel Aviv, Golda Meir nói tài xế dừng lại, xuống xe cám ơn rồi nói ‘Các ông quay về đi, vào trong đó nguy hiểm cho các ông’. Khi chiếc xe bọc sắt bắt đầu quay lại, bà chợt nhớ rằng hôm đó là ngày 31 tháng Mười Hai. Golda Meir lấy hai tay làm loa nói vọng theo ‘Happy New Year’.
        Lần thứ hai trong tháng, Mishael Shacham đứng trước vị tham mưu trưởng Haganah trong bộ chỉ huy bí mật của Haganah. Yaacov Dori quyết định gửi Shacham vào Jerusalem. Tình trạng trong Jerusalem trở nên bết, người Do Thái tiếp tục bỏ đi nơi khác, mặc dầu có lệnh của thủ tướng Ben-Gurion phải bảo vệ từng thước đất. Vị tham mưu trưởng ra lệnh cho chàng phải tìm cách ngăn chặn người Do Thái ‘đào ngũ’, nếu có thể đem họ trở về.
        Hôm thứ Bẩy 3 tháng Giêng, Mishael Shacham đến Jerusalem, các bạn Abou Dayieh, Abdul Khader và Emile Ghory lái xe jeep trên đường phố trong khu vực Katamon. Họ tìm điạ điểm bố trí cho một trăm tay súng mà Dayieh dự trù bí mật đem vào Jerusalem trên chuyến xe bus số 4. Ba người xuống xe nơi khách sạn Semiramis, bên trong có một phòng bí mật để bàn tính kế hoạch, chương trình hành động.
        Lúc 10 giờ sáng hôm sau, trong buổi họp thường nhật, sĩ quan tình báo dưới quyền Israel Amir đã trả lời cho câu hỏi của Shacham. Một mật báo viên Ả Rập cho biết tin tức. Có hai bộ chỉ huy Ả Rập trong Katamon, một trong nhà trọ Claridge, một trong khách sạn Semiramis. Người này cho biết thêm, đã trông thấy xe jeep sơn mầu cát sa mạc của Abdul Khader Husseini đậu trước cửa khách sạn hàng giờ đêm trước. Shacham đánh dấu hai bộ chỉ huy địch trên bản đồ, một cái gần khu vực người Do Thái dễ ‘làm thịt’, Shacham chọn mục tiêu khách sạn Semiramis.
        Sáng Chủ Nhật trời nhiều mây hứa hẹn trận mưa to. Gần như cùng một lúc, sĩ quan tham mưu của Amir bắt đầu buổi họp thường nhật. Trong khi đó, mười tám người trong gia đình Aboussouan gặp nhau trong khách sạn Semiramis để cùng nhau đi dự lễ 10 giờ sáng trong nhà nguyện St. Theresa gần đó. Mẹ của Samy Aboussouan khuyên mọi người xưng tội, để có đức tin bảo vệ. Sau buổi lễ, thêm một người trong gia đình đến khách sạn, đó là Wida Kardous cô con gái tuổi vị thành niên của viên thống đốc Samaria, về Jerusalem nghỉ lễ Noel.
        Khi mặt trời bắt đầu lặn, cơn mưa phủ xuống hòa lẫn với tiếng sấm. Trong một căn nhà cạnh khách sạn, bỗng dưng vào giữa bữa cơm tối, hai người lính Ả Rập đập cửa bước vào nhà, gọi Hubert hai mươi ba tuổi đi gác. Mẹ của Hubert xin xỏ ‘Để hôm khác, hôm nào cũng được trừ đêm nay’. Nóng giận hai người lính Ả Rập bước ra ngoài trời mưa.
        Cách nhà Hubert không đến một ngàn bộ (yards), trên tầng lầu cao nhất trong nhà bác sĩ giải phẫu Do Thái Rehavia, bốn người đàn ông đang nghiên cứu bản đồ đường phố trong Jerusalem. Mishael Shacham chỉ tay trên bản đồ, dò theo lộ trình dẫn họ đến mục tiêu. Toán đặt chất nổ bốn người sẽ được một toán Haganah võ trang đi theo bảo vệ. Chàng dặn dò đồng đội, mình chỉ có mười phút để mở cánh cửa, đem hai vali chứa 175 pounds chất nổ TNT xuống basement, sau đó chạy lên tầng trên châm lửa, rồi chạy ra. Giờ hành động H là 1 giờ sáng. 
        Cơn mưa như giận dữ trút lên thành phố. Trong khách sạn Semiramis, Samy Aboussouan cùng ba người anh em họ ngồi chơi bài Bridge. Nơi một góc phòng, hai bà cô già vẫn ngồi đọc kinh cầu nguyện. Quá mười một giờ đêm, mọi người đều lên giường đi ngủ. Bình thường, có khoảng ba mươi lính Ả Rập canh gác mười trọng điểm trong khu vực Katamon. Trong trận mưa lớn, có lẽ quân Do Thái không làm chuyện tấn công, nên gần hết lính gác về nhà. Đúng nửa đêm, hết giờ canh gác, chàng sinh viên luật hai mươi hai tuổi Peter Saleh trở về nhà đi ngủ, không ai đến thay ca gác cho Saleh.
        Toán đặc công Do Thái đi trên hai chiếc xe hơi đến khách sạn Semiramis. Trên đường đi ngang qua những nút chặn, không một người lính Ả Rập có mặt. Avram Gil gài qủa lựu đạn nổ tung cánh cửa, Gil cùng hai đồng đội xách hai vali TNT chạy xuống dưới basement vẫn còn vương khói.
        Tiếng rơi của mảnh kính vụn đánh thức cô gái vị thành niên Wida Kardous dậy. Trong đêm tối, cô nghe tiếng bà cô Maria gọi tên mình, rồi tiếng người nữa ‘nằm xuống sàn nhà’. Tiếng kính vỡ cũng đánh thức Samy Aboussouan dậy. Thoạt tiên, ông ta nghĩ là sấm chớp làm cúp điện đường, sau đó nghe tiếng chân người chạy trên kính vỡ ngoài sân và tiếng Do Thái ‘od lo, od lo. Chưa vội, chưa vội’. Samy bật ngồi dậy trên giường. Trong bóng tối hành lang, ông ta trông thấy cha mẹ mình, ông chú, bà cô trong quần áo ngủ chạy tới chạy lui, sợ hãi. Samy nói mọi người đi xuống phòng khách ngồi, rồi đi tới chỗ để điện thoại.
        Samy quay số 999 đến trạm cảnh sát cơ động ‘Họ tấn công khách sạn Semiramis bằng lựu đạn’. Dưới basement, hai chiếc vali TNT đã đặt vào hai trụ chống đỡ chính của khách sạn, nhưng Avram Gil không thể châm ngòi, vì bị nước mưa làm ướt. Tái mặt, Gil gọi tổ trưởng lại báo cáo. Xếp xòng vẫn tỉnh bơ ngồi trên một chiếc vali, bắt chéo chân như không có chuyện gì xẩy ra. ‘Gặp trường hợp như thế này, bạn phải làm như vầy!’. Sư phụ đặc công thò tay vào túi, lấy dao cắt đoạn dây bị ướt, rồi làm ngòi nổ khác. Làm xong, xếp xòng bật hộp quẹt châm lửa, rồi thổi cho sợi dây cháy đỏ lên. ‘Dọt!’.
        Cô gái dậy thì Wida không nghe thấy gì hết. Cô chỉ nhớ lại cho suốt cuộc đời là mình nằm trên giường, nhìn lên trần nhà chỉ thấy bầu trời ‘Cái mái đâu rồi?’. Samy Aboussouan bị chóa mắt bởi một luồng ánh sáng mầu xanh, tiếp theo là sức ép dữ dội và những bức tường đổ xuống, đè lên trên thân mình. Mọi người đều biến đâu mất, từ một góc nào đó, Samy nghe tiếng em mình cầu cứu.
        Tiếng nổ long trời đánh thức dậy gần hết dân cư ngụ trong khu vực Katamon. Từ nơi cửa sổ phòng mình, chàng sinh viên luật Peter Saleh (hết phiên gác về nhà ngủ) trông thấy khách sạn tung lên theo tiếng nổ rồi xụm xuống, tiếp theo là cụm khói bốc lên. Tiếng mưa vẫn rơi đều, đập vào cửa sổ.
        Hai mươi sáu người chết trong vụ đánh xụm bộ chỉ huy quân Ả Rập nơi khách sạn Semiramis. Samy Aboussouan, Wida Kardous sống sót, những người khác trong gia đình không được may mắn: cha mẹ ông ta, hai bà cô, hai ông chú đều thiệt mạng. Anh chàng Hubert nhà bên cạnh, được bà mẹ xin cho khỏi gác chết cùng với cha mẹ.
        Vụ đánh bom kể trên do Haganah đảm trách. Ngày 7 tháng Giêng năm 1948 cũng là ngày đặc biệt đối với Uri Cohen. Chàng đòi hỏi hành động và được cấp chỉ huy Irgun giao phó trách nhiệm. Tổ của Uri được cung cấp ba bộ quần áo cảnh sát Ăng Lê (trộm được). Tổ trưởng là một người Do Thái Á Đông, đã từng làm mấy chuyến thành công. Tay trùm dắt bọn chàng ra ngã sau chui qua cửa sau một shop xửa xe hơi, bên trong là ‘đồ nghề’ cho bọn chàng để sẵn, một thùng phi bom biến cải, bên trong chứa sắt vụn, đinh sét, và chất nổ TNT. Chúa trùm thản nhiên trao phó công việc cho các tổ viên. Uri sẽ giữ nhiệm vụ chánh, người đánh bom, châm ngòi nổ rồi đẩy thùng phi lăn vào mục tiêu.
        Đúng bốn giờ chiều Uri trong bộ sắc phục cảnh sát đến trước trường trung học Rehavia. Chiếc xe van cảnh sát chở tổ đặc công Irgun đi ‘hành sự’ đã đậu sẵn. Cũng như mấy bộ đồng phục, chiếc xe van cảnh sát cũng là đồ ‘nghĩa điạ’, phe ta ‘mượn đỡ’ trong một shop xửa xe hơi. Uri leo lên xe, chúa trùm ngồi ghế bên cạnh tài xế, hai bên cửa sổ có hai tay võ trang tiểu liên đi theo bảo vệ.
        Chiếc xe van cảnh sát đi theo lộ trình đã vạch sẵn, ngang qua một trạm kiểm soát do chí-nguyện quân Ả Rập (Arab Legion) canh gác. Uri nhìn ra ngoài, mấy tay Ả Rập thờ ơ khi trông thấy xe cảnh sát Ăng Lê đi qua. Vào trong khu Ả Rập, chiếc xe van chạy trên đường Bethlehem dưới chân đồi Mount Zion về hướng bức tường bao quanh thành phố cổ (Old City). Bên trong xe, Uri trở nên lo lắng, không một ai nói chuyện. Đến một trạm gác khác, một người Ả Rập cầm cờ trắng ra hiệu cho chiếc xe ngừng lại. Chúa trùm tỉnh bơ nói tài xế ‘Chạy qua luôn!’.
        Khi chiếc xe van ngừng lại trước một khu đông đúc người Ả Rập mua xắm, chúa trùm ra lệnh cho Uri ‘Châm lửa qủa bom’. Chàng cho tay vào túi quần, bỗng tái mặt, để quên hộp quẹt vì không phải người hút thuốc lá. Sư phụ đặc công vẫn tỉnh bơ, bước ra đằng sau đưa bật lửa cho Uri. Uri châm lửa đốt ngòi nổ rồi mở cửa sau chiếc van, đẩy qủa bom lăn vào đám đông trước hàng trăm cặp mắt kinh hoàng của người dân Ả Rập.

III. GOLDA MEIR QUYÊN TIỀN.
        Dân Do Thái bên trong Jerusalem bị cô lập. Các lãnh tụ Do Thái tìm đủ mọi cách tìm giải pháp chống trả lại các sắc dân Ả Rập, chỉ muốn tiêu diệt dân Do Thái. Muốn có vũ khí để chống lại quân thù, phải có tiền để mua, không ai cho không mình cả! Joseph Avidar, con một thợ máy Ukranian di cư về Palestine năm chàng mười chin tuổi. Nhờ biệt tài, Avidar trông nom một xưởng làm đạn ngụy trang trong làng Maagan Michael nơi hướng bắc Tel Aviv. Một trong những trở ngại Avidar giải quyết được là tìm vỏ đạn. Chàng đặt mua hàng triệu vỏ thỏi son môi từ một hãng mỹ phẩm bên Anh. Đến tháng Bẩy 1948, cơ xưởng của chàng đã sản xuất 3 triệu viên đạn.
        Một ngày trong tháng Giêng, các lãnh tụ Do Thái họp để nghe Eliezer Kaplan báo cáo về ngân sách, sau chuyến viếng thăm Hoa Kỳ quyên tiền. Kết qủa gần như trống rỗng. Theo lời ông ta, không hy vọng xin được hơn 5 triệu đô la cho những ngày tháng nguy kịch sắp tới. Thủ tướng Ben-Gurion biết rằng cần có tiền để mua vũ khí chống lại kẻ thù. Mặc dầu lòng can đảm có thừa nhưng vẫn phải có vũ khí để chiến đấu. Ông ta nói với bộ tham mưu ‘Kaplan và tôi phải đi Hoa Kỳ ngay tức khắc để cho họ biết tình thế, số mạng của quốc gia Do Thái rất nguy kịch’.
        Tức lời có một giọng đàn bà vang lên. Người mà đã tìm thấy chủ nghĩa Quốc Gia Do Thái (Zionist). Người mà đã đứng quyên tiền trên đường phố Denver, Colorado. ‘Những gì các ông làm được ở đây, tôi không làm được’, Golda Meir nói tiếp ‘Tuy nhiên, những gì các ông định làm ở Hoa Kỳ, tôi có thể làm được. Thôi để tôi đi, các ông ở lại’.
        Hai hôm sau, trên diễn đàn ở Chicago, bà Golda Meir nói chuyện với các nhà đại tư bản, lãnh tụ những cộng đồng Do Thái. Con gái một bác thợ mộc ở Ukraine hơi khớp trước những vị ‘tai to mặt lớn’. Vị sứ giả đến từ Jerusalem bắt đầu nói.
        ‘Qúy vị phải tin tôi. Tôi không đến Hoa Kỳ với một mục đích duy nhất là cứu bẩy trăm ngàn người Do Thái trước nguy cơ bị quét sạch trên quả điạ cầu. Trong những năm trước đây, sáu triệu người Do Thái đã bị tàn sát. Vấn đề là nếu bẩy trăm ngàn người Do Thái được cứu sống, đất nước Do Thái sẽ tồn tại, để bảo đảm tự do, an ninh cho tất cả mọi người Do Thái ở khắp nơi trên thế giới. Một quốc gia Do Thái đang được tái sinh trên mảnh đất Palestine, và chúng tôi sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương, mặc dầu biết trước sẽ phải trả bằng máu. Điều đó là lẽ đương nhiên. Những người tài giỏi nhất trong chúng tôi sẽ gục ngã. Đó là điều chắc chắn. Những kẻ xâm lăng sẽ đến với súng đạn, chiến xa. Lòng can đảm của chúng tôi không có ý nghĩa nào hết đối với súng đạn của quân thù. Nếu không có vũ khí chống lại, đất nước Do Thái sẽ không tồn tại. Chúng tôi cần tiền để mua vũ khí. Ngay bây giờ. Vấn đề này không thể đợi một tuần hay một tháng. Quyết định thắng hay bại nằm trong tay quý vị’.
        Tối hôm đó bà Golda Meir vui sướng gửi bức điện tín cho thủ tướng Ben-Gurion ‘Tôi đã quyên được 25 triệu đô la (gấp 5 lần những người đang mong chờ ở nhà)’. Một huyền thoại nữa về bà ta, trong một bữa tiệc khoản đãi bà ở Palm Beach, Florida. Nhìn những vị khách ăn mặc sang trọng, những chiếc áo lông thú đắt tiền, vòng vàng, nhẫn đeo đầy tay. Bỗng dưng bà nhớ đến những chiến sĩ Haganah nơi quê nhà, lúc này đang lạnh run lập cập trấn giữ ngọn đồi Judean, hai giòng lệ chẩy dài trên gương mặt khắc khổ của bà. Buổi nói chuyện đó bà quyên được 1 triệu rưỡi đô la, đủ để mua tấm áo jacket cho tất cả các chiến sĩ Haganah.
        Người mẹ Do Thái đến Hoa Kỳ vào một đêm mùa đông trong tháng Giêng năm 1948, với 10 đô la trong túi, đã đem về năm mươi triệu đô la để cứu sống một quốc gia vừa mới được tái sinh. Đứng đón bà trong phi trường Lydda, thủ tướng Ben-Gurion nói những lời thân ái ‘Lịch sử sẽ ghi nhớ ngày này, để cám ơn người đàn bà đã cứu sống một nước Do Thái tái sinh’.
        Người bồi phòng thường xuyên đem đến phòng số 121, khách sạn Alcron trong thủ đô Prague, Tiệp Khắc những giấy tờ cho biết ngân khoản từ ngân hàng Chase Manhattan, New York đã được chuyển vào ngân hàng Zivnostanska, qua trung gian một ngân hàng bên Thụy Sĩ. Giòng đô la liên tục chuyển đến cho Ehud Avriel. Đó là do công lao của bà Golda Meir. Trong vòng một tháng rưỡi, Avriel đã mua được 25 ngàn khẩu súng trường, 5 ngàn tiểu liên Bren, 3 trăm đại liên, và 50 triệu viên đạn. Thủ tướng Ben-Gurion đã nói với Avriel ‘Không còn phải lo vấn đề tiền bạc. Cứ cho tôi biết mình có thể làm gì được’.
        ‘Yakum purkan min shemaya - Đấng Cùu Thế đến từ trời cao’. Thủ tướng Ben-Gurion đã sống bên Anh trong thời gian nước này bị không lực Đức oanh tạc, ông hiểu sức mạnh của không quân trong quan niệm mới về chiến tranh. Một câu hỏi lớn trong đầu ông ta: Làm thế nào xây dựng một đơn vị không quân bí mật trong một quốc gia bị chiếm đóng (Anh)?
        May thay, người hàng xóm cạnh nhà ở Tel Aviv đã cung cấp câu trả lời cho vị thủ tướng. Aaron Remez, hai mươi chin tuổi, đã từng phục vụ bốn năm trong Không Lực Hoàng Gia Ăng Lê. Ông ta bay yểm trợ trong trận đổ bộ vào bãi biển Normandy, hộ tống những pháo đài bay trong những trận không tập trên nước Đức, và tấn công những dàn bom bay (hỏa tiễn) V. Chứng kiến cảnh cha mình đứng sau lớp hàng rào kễm gai trại tập trung do binh sĩ Anh trông nom. Cay đắng khi mình đã phục vụ cho nước Anh bốn năm, Aaron Remez quay trở về miền Đất Hứa Palestine, và đã thảo một dự án thành lập một đơn vị không quân bí mật (cũng như Haganah).
        Trước hết, họ thành lập một công ty ‘quốc ngoại’ để mua máy bay, sau đó tuyển mộ ngầm những người Do Thái hoặc ngoại nhân có cảm tình với dân Do Thái để bay. Câu Lạc Bộ Lái Máy Bay Palestine thực sự là bộ chỉ huy đặt tại số 9 đường Montefiore. Câu lạc bộ này có hangar trong phi trường Lydda, ông chủ tịch là vị chỉ huy trưởng đầu tiên và Remez là sĩ quan hành quân. Remez tuyển mộ những bạn bè biết lái máy bay, và phác họa kế hoạch cho (tiền thân) Không Lực Do Thái, khi người Ăng lê đã cuốn cờ.

IV. CHÚNG TA SẼ TRỞ NÊN CỨNG RẮN NHƯ ĐÁ.
        Một buổi sáng đẹp trời trong tháng Hai, một cặp vợ chồng tiễn đưa nhau nơi trạm xe bus trung ương. David Shaltiel quay lại nhìn người vợ lần cuối khi chiếc xe bus bắt đầu lăn bánh. Hai mươi bốn tiếng đồng hồ trước, thủ tướng Ben-Gurion đã quyết định tiến cử Shaltiel vào chức vụ quan trọng nhất ở Palestine, thay thế Israel Amir, trùm Haganah ở Jerusalem. Vị thủ tướng đích thân ra lệnh cho Shaltiel, phải bảo vệ những khu vực Do Thái trong thành phố, từng căn nhà, từng đường phố. Dân chúng không được di cư đi chỗ khác.
        Trên khiá cạnh quân sự, Shaltiel phải cố gắng xây dựng một tuyến phòng thủ nối liền các khu vực có người Do Thái. Nếu có thể tránh đụng chạm đến người Ăng Lê, ông ta sẽ phải chiếm khu Sheikh Jarrah, an ninh con đường nối liền với viện đại học Hebrew, bệnh viện Hadassah trên đồi Mount Scopus. Nhiệm vụ khó khăn nhưng không một ai có khả năng quân sự hơn David Shaltiel. Shaltiel đã được huấn luyện trong Haganah và Lê-Dương của Pháp (Foreign Legion).
        Sinh trưởng trong một gia đình Do Thái định cư ở Hambourg, Đức. Cha của Shaltiel làm chủ một cửa tiệm sản xuất đồ da, rất ngoan đạo, nhưng Shaltiel không tin tưởng mấy nơi tôn giáo. Sau đó ông ta tìm đường trở về Palestine. Khi đảng Quốc Xã (Nazi) lên cầm quyền bên Đức, nhiều người Do Thái đã tìm cách trở về Palestine, Shaltiel xung phong vào việc xây những trại tạm trú cho người cùng chung huyết thống. Shaltiel gia nhập Haganah, được gửi qua Âu châu và bị mật vụ Gestapo bắt. Là người sống sót trong trại Dachau, trở về Do Thái, cấp bậc của ông trong Haganah lên nhanh chóng.
        Chưa đến một tuần khi Shaltiel vào nắm quyền chỉ huy Haganah trong Jerusalem, một biến cố xẩy ra. Một trung sĩ trong đơn vị Sơn Cước Nhẹ (Highland Light Infantry - Ăng Lê) bắt giữ bốn chiến sĩ Haganah tại nơi mà hai phe Do Thái, Ả Rập thường bắn nhau. Một tiếng đồng hồ sau, người Ăng Lê giao họ cho quân Ả Rập. Người may mắn nhất bị bắn một viên vào đầu, ba chiến sĩ Haganah còn lại bị đánh đập tàn nhẫn cho đến chết.
        Nổi điên, Shaltiel ra lệnh cho thuộc cấp ‘Từ giờ phút này trở đi, tất cả các chiến sĩ Haganah phải xử dụng vũ khí trả đủa, không để cho binh sĩ Ăng Lê khám xét, hay bắt giữ’. Hôm sau, ông ta tập họp các sĩ quan lại và nhắc nhở ‘Chúng ta sẽ trở nên cứng rắn như đá’. Phản ứng của Shaltiel đem lại niềm tin cho binh sĩ thuộc cấp. Một sĩ quan trẻ phát biểu ‘Lần đầu tiên, chúng tôi có một cấp chỉ huy mà biết được, chúng ta sẽ đi về đâu’.
        Vẫn còn nhiều khó khăn cho Shaltiel, kế tiếp ông ta yêu cầu Tel Aviv gửi cho ba ngàn cái áo len. Quân trang, quân dụng, vũ khí thiếu thốn, nhiều binh sĩ bị sưng phổi vì phải canh gác trong những đêm giá băng của mùa đông.

V. ĐÒAN XE TIẾP TẾ SẼ KHÔNG ĐẾN.
        Haroun Ben-Jazzi nhìn qua màn đêm về hướng tiếng tiếng động phát ra nơi thung lũng. Tiếng động cơ xe vẫn còn xa ở dưới. Haroun cùng phe ta đã nằm đợi đoàn xe nhiều tiếng đồng trong cái lạnh buốt giá. Một công điện gửi đi từ Hulda, nơi người Do Thái tập trung cho biết một đoàn xe tiếp tế đi Jerusalem sẽ di chuyển trên đường Bab el Wad. Hơn ba trăm quân Ả Rập ẩn nấp trên những sườn đồi, ở dưới họ đã thiết lập chướng ngại vật, gài mìn trên đường. Đoàn xe tiếp tế sẽ là vật tế thần cho những tay súng Ả Rập.
        Thiếu úy Moshe Rashkes ngồi trên xe bọc sắt đi đầu đoàn xe gồm bốn mươi chiếc kéo dài gần một dặm. Những chiếc xe vận tải chứa đầy những bao đựng lúa gạo, bột mì, và hàng ngàn thùng đồ hộp thịt, cá, dầu ăn. Có chiếc chứa đầy cam mà dân Do Thái tử thủ trong Jerusalem không được nhìn thấy trong nhiều tuần lễ. Một trăm ngàn người Do Thái trong Jerusalem sống nhờ những chuyến tiếp tế như đoàn xe do thiếu úy Rashkes dẫn đầu. 
        Ben-Jazzi trông thấy chiếc xe bọc sắt lăn chậm chạp trên đường. Bên trong xe, Rashkes nghe tiếng súng nổ rồi một tiếng nổ lớn, chiếc xe đã cán lên một qủa mìn gài trên đường. Trên máy vô tuyến, chàng thiếu úy nghe tiếng vị chỉ huy đoàn xe báo cáo về Hulda ‘Chúng tôi bị bao vây, nhưng vẫn tiếp tục tiến lên’.
        Mấy chiếc xe vận tải dồn cục lại, Ben-Jazzi trông thấy lửa lóe lên từ những khẩu tiều liên Sten. Ben huýt sáo ra liệu cho các động đội tiến lên ném lựu đạn vào đoàn xe. Bên trong xe bọc sắt trở nên quá nóng, tiếng đạn trúng vào xe nghe rổn rảng đều đặn. Từ lỗ châu mai, Rashkes nhìn ra chỉ thấy một tảng đá lớn và hàng cây thông. Một chiếc xe khác tiến lên, cán lên một qủa mìn khác phát nổ. Chiếc xe lật nghiêng nằm ngang trên đường, cắt đường đi Jerusalem.
        Trời sáng dần, Rashkes được lệnh lên cứu những người trên chiếc xe trúng mìn. Năm quân nhân Do Thái đã chui ra khỏi chiếc xe bị lật, chạy đến chiếc xe thứ hai. Chiếc này cũng đang bốc cháy, ngọn lửa đang cháy dần về phiá thùng xăng ở phiá sau. Rashkes nhìn thấy máu trên xe nhỏ xuống đất, chàng đập cửa kêu tài xế mở cửa, nhưng không có tiếng trả lời. Một người lính nói ‘Chắc họ chết rồi’.
        Chiếc xe bọc sắt từ từ di chuyển ra chỗ khác, chợt Rashkes trông thấy cánh cửa xe vận tải chuyển động. Hai quân nhân trên chiếc xe bọc sắt nhẩy xuống chạy lại cứu bồ. Quân Ả Rập bắn xối xả. ‘Có người đập cửa’, nhưng người bên ngoài không mở cửa được. Rashkes trông thấy máu từ trên xe vẫn tiếp tục chẩy xuống đường, và ngọn lửa cháy đã gần kề. Tức giận, Rashkes đành phải gọi hai người lính chạy trở lại chiếc xe bọc sắt.
        Lúc này, hơn một nửa xe vận tải đã bốc cháy. Chướng ngại vật vẫn còn nằm trên đường, thêm hai chiếc cán mình bị lật chắn ngang. Hy vọng đến Jerusalem tiêu tan. Quân Ả Rập được tăng cường, từ những xóm làng Ả Rập gần đó nghe tiếng súng, dân Ả Rập nhào vào ăn có. (Xe tiếp tế, chứa thực phẩm, những đồ cần thiết).
        Trong xe bọc sắt, lúc đó quá nóng. Người Do Thái chiến đấu thêm sáu tiếng đồng hồ nữa, được lệnh rút lui, những xe còn chạy được từ từ de lui xuống đèo. Rashkes trông thấy bọn thảo khấu Ả Rập từ trên đồi tràn xuống, la hét như lũ điên, cuồng tín, chụp giật chiến lợi phẩm, những bao đựng bột mì, những thùng đồ ăn.
        Dov Joseph trong Jerusalem nhận được công điện cho biết có đoàn xe tiếp tế buổi sáng sớm. Đến tối, cô thư ký đem đến một công điện khác cho biết đoàn xe sẽ không đến nữa.

C. PHẦN BA. JERUSALEM THANH PHỐ BI BAO VÂY (20-3 đến 13-5-1948).

I. CĂN NHÀ GIỮA NGỤC TỐI.
        Cách chin dặm về hướng nam, nhìn từ cửa sổ phòng làm việc của Dov Joseph, người Do Thái định cư dọc theo con đường xa xưa nối liền Jerusalem, thành phố của vua David, đến Hebron thành phố của những người yêu nước. Bốn trăm năm mươi người Do Thái cả đàn ông lẫn đàn bà sống trong làng Kfar Etzion, một tiền đồn xa nhất bảo vệ mặt nam thành phố Jerusalem. Nằm ở một vị trí quá xa, khó khăn trong vấn đề tiếp tế, viện binh, trường hợp bị tấn công, do đó đã có lần Shaltiel yêu cầu thủ đô Tel Aviv cho lệnh rút bỏ tiền đồn này.
        Ngày xưa, Abraham đã chăn cừu trên những ngọn đồi xung quanh Etzion. Vua David cũng đã dđ qua nơi này trên đường chinh phục Jerusalem, thống nhất hai bộ lạc Judah và Israel. Miền đất xa xưa của những bộ lạc Do Thái (Hebrew), đã trải qua biết bao thế kỷ chiến tranh với những sắc dân Ả Rập. Về phiá nam Hebron, sáu mươi sáu người Do Thái mềm yếu, đa số là học giả Yeshiva bị tàn sát trong lần nổi loạn của nhóm Mufti năm 1929. Vài người sống sót, quay trở lại, nhưng đến năm 1936, lại một lần nữa biến cố làm họ phải ra đi, bỏ lại những nấm mồ tổ tiên, nơi được coi như một trung tâm văn hóa của dân Do Thái trong nhiều thế kỷ.    
        Làng định cư Kfar Etzion được xây dựng như một cố gắng để bành trướng sự hiện diện của người Do Thái. Vùng đất này được những nhà truyền giáo Do Thái mua lại từ dân Ả Rập vào năm 1928. Những cố gắng thành lập nơi định cư của họ bị dập tắt với biến cố năm 1929. Người Do Thái cố gắng thêm một lần nữa mua lại vùng đất, nhưng cũng tiêu tan sau biến cố năm 1936.
        Để giữ đất đai không bị rơi vào tay người Ả Rập, Quỹ Quốc Gia mua lại mảnh đất từ tay một trại chủ. Đến năm 1942, một số nhà truyền giáo Do Thái đến định cư, họ dự trù sẽ xây một thiên đàng cho những người Do Thái sống sót trở về sau trận Đệ Nhị Thế Chiến.
        Hai năm sau, sáu mươi người Do Thái đến Kfar Etzion định cư bên cạnh những người đi tiên phong trước đây. Akiva Levi, người Do Thái, Tiệp Khắc mười chin tuổi, không được đến trường ở tuổi mười ba, sau đó sống những năm còn lại trong trại Tử Thần (Death Camp, Đức Quốc Xã). Tóc vàng, rất xinh đẹp là Zipora Rosenfeld là một trong số ít người sống sót từ trại Tử Thần nổi tiếng Auschwitz. Netanel Steinberg vẫn còn chất chứa trong tim, óc những hình ảnh kinh hoàng ở Warsaw. Đối với Yitzhak Ben-Sira, một trong những người đến định cư đầu tiên, Kfar Etzion là điểm cuối cùng của một cuộc hành trình tìm về cố hương. Khi chiến tranh chấm dứt, Ben-Sara qua Âu châu tìm những người sống sót trong gia đình gồm mười hai anh chị em. Ông ta tìm được năm người, bốn người theo về Palestine.
        Những người đến Etzion phát triển làng mạc, và dựng nên ba làng nhỏ xung quanh: Massuot, Tsurim, và Revadim. Sau ngày Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu 29-11-1947, dân làng Etzion cũng vui mừng như tất cả người Do Thái ở khắp nơi, tuy nhiên vùng đất này thuộc về khu vực Ả Rập. Quân Ả Rập đã tấn công tại nhiều nơi. Một đoàn xe bị phục kích nơi ngoại ô Bethlehem, mười người trong số hai mươi sáu người bị giết, xe cộ bị đốt cháy. Nằm quá xa, làng chiến đấu Etzion coi như bị bao vây cô lập. Trong tháng Giêng, các bà mẹ có con nhỏ được binh sĩ Ăng Lê hộ tống đưa về Jerusalem. Sau khi người Anh đi khỏi, quân Ả Rập bắt đầu tấn công Etzion nhưng bị đẩy lui sau một ngày giao tranh. Đêm hôm đó, trong căn nhà Neve Ovadia (Nhà nô bộc của Thượng Đế), được dùng làm đền thờ Do Thái trong làng, một nhật ký ghi lại những lời sau ‘Một chuỗi những phép lạ đã cứu chúng tôi hôm nay, nhưng chúng tôi giữ vững được bao lâu? Chúng tôi là một đảo nhỏ trong vùng biển bão tố Ả Rập’.
        Bốn ngày sau, trên sàn đá căn nhà Neve Ovadia, được dùng làm nơi tẩm liệm ba mươi lăm thi thể chiến sĩ Haganah, đã bị giết và bị quân thù phanh thây. Họ trên đường từ Jerusalem đến tăng cường cho Etzion, và rơi vào ổ phục kích. Đây là một thất bại lớn của Haganah.
        Sắp qua đến mùa Xuân, dân trong Etzion tạm gác công việc đồng áng, lưỡi hái, lưỡi cầy để xây dựng hệ thống phòng thủ quanh làng. Họ xây thêm một phi đạo nhỏ để nhận tiếp tế qua đường hàng không.
        Đoàn xe tiếp tế có viên thiếu úy Moshe Rashkes vẫn còn cháy âm ỉ. Haganah bất ngờ làm tiếp vố nữa, trong lúc quân Ả Rập vẫn còn say men chiến thắng. Lần này họ thành công, tuy nhiên, Jerusalem vẫn chưa thực sự bị bao vây, cô lập. Nhiệm vụ của Haganah là bảo vệ những con đường tiếp tế. Vấn đề này làm điên đầu viên chỉ huy trưởng Haganah trong Jerusalem, David Shaltiel, cùng sĩ quan kế hoạch Eliyahu Arbel. Cả hai đều chống lại việc tiếp tế cho làng chiến đấu Etzion, vì ở quá xa. Muốn tiếp tế cho làng này hai trăm tấn thực phẩm, nhu yếu phẩm để họ có thể sống còn trong vòng ba tháng, sẽ cần sáu mươi lăm xe vận tải và hai mươi lăm xe bọc sắt hộ tống. Mỗi chuyến tiếp tế sẽ phải hy sinh, tổn thất từ 30 đến 50%. Shaltiel đưa ý kiến di tản Etzion, để tập trung nhân lực, vật lực cho Jerusalem.
        Trong thủ đô Tel Aviv, nhà khảo cổ trẻ trong chức vụ sĩ quan hành quân không chấp thuận đề nghị của Shaltiel. Theo lời Yigal Yadin, Etzion sẽ là tiền đồn bảo vệ hướng nam thành phố Jerusalem, và đích thân ra lệnh cho Shaltiel. Gửi đoàn xe tiếp tế lên Etzion, xử dụng tất cả những gì, Jerusalem có thể cung ứng được. Thi hành lệnh này, Shaltiel phải triệu hồi Mishael Shacham, nhân vật đã làm nổ khách sạn Semiramis trước đây.
        Sự thành công đòi hỏi tốc độ nhanh chóng. Shacham xin một giờ để bốc hàng làm viên sĩ quan tình báo Yitzhak ‘Levitza’ Levi nổi nóng ‘Một tiếng đồng hồ đủ để cho bọn Ả Rập huy động cả trăm người, đổ đá xuống đường, thiết lập chướng ngại vật cắt đường’. Cuối cùng hai người đồng ý mười lăm phút. Theo kế hoạch, người Do Thái sẽ đứng từng nhóm năm người dọc theo con đường đến Kfar Etzion, như vậy người trên xe có thể bắt đầu quăng đồ xuống lần hồi, trước khi chiếc xe ngừng lại. Sau khi vào đến trong làng, bốn chiếc xe bọc sắt sẽ bao quanh bên ngoài đề phòng bọn thảo khấu Ả Rập, trong khi họ bốc rỡ hàng.
        Trường học Schneller vừa mới được Nahum Stavy mua mấy đêm trước biến thành điạ điểm tập trung cho đoàn xe tiếp tế. Hàng tấn thực phẩm, thuốc men, đạn dược, xi-măng, dây kẽm gai, thùng nhiên liệu đã được đem đến vội vã trong khuôn viên trường. Hơn một trăm quân nhân thuộc tiểu đoàn Sáu xung kích Palmach được trao nhiệm vụ bảo vệ đoàn xe. Shaltiel cung cấp cho họ hỏa lực mạnh mẽ gồm: mười tám đại liên, hai khẩu cối, bốn mươi bẩy súng trường, bốn mươi lăm tiểu liên. Đoàn xe gồm có một chiếc phá chướng ngại vật, một xe cần câu, bốn xe bus bọc thép, bốn mươi xe vận tải và mười tám xe bọc sắt. Nhiệm vụ tiếp tế dưới quyền Mishael Shacham, sẽ đem vào Etzion hai trăm tấn tiếp liệu và 136 quân nhân tăng cường.
        Giờ khởi hành ấn định vào lúc 6 giờ sáng thứ Bẩy, lễ Phục Sinh, ngày 27 tháng Ba. Cả đêm bận rộn chất hàng lên xe, xắp xếp đoàn xe cũng không phải đơn giản, đến tám giờ đoàn xe mới sẵn sàng lên đường. Đoàn xe lăn bánh qua khỏi tu viện Hy Lạp Mar Elias, ngôi mộ Rachel vào Bethlehem. Một toán Ả Rập gác đường, bỡ ngỡ trông thấy đoàn xe, sợ hãi bỏ chạy. Cuối cùng, đoàn xe qua khúc quanh nguy hiểm nhất nơi hồ Salomon, rồi leo lên đồi Kfar Etzion.
        Dân trong Etzion reo hò vui mừng chào đón đoàn xe, cùng lúc các liên lạc viên Ả Rập chạy đến các làng Ả Rập báo động, kêu gọi võ trang, phục kích đoàn xe trên đường về. Trong Jerusalem, Shaltiel, Arbel và Levitza theo dõi đoàn xe từng phút một. Mười lăm phút để bốc hàng như trong kế hoạch trôi qua, vẫn chưa có dấu hiệu đoàn xe quay trở về. Levitza thúc dục ‘Mishael, Mishael! Chúa ơi! Nhanh lên!’.
        Trong làng Kfar Etzion, mọi chuyển xẩy ra êm xuôi như dự định, trừ hai chuyện. Thứ nhất, Tel Aviv ra lệnh đem xác chiếc máy bị lâm nạn Auster trong phi đạo trở về Jerusalem. Thứ hai đem một con bò giống tên Zimri đi Jerusalem. Hai việc này làm chậm trễ đến hai tiếng đồng hồ, đủ để quân Ả Rập tổ chức phục kích đoàn xe trên đường về.
        Trên chiếc máy bay quan sát Haganah bao vùng, Daniel Beckstein nhìn xuống dưới, trông thấy rõ cả ngàn tên cướp Ả Rập bố trí trên những dẫy đồi dọc theo con đường. Hốt hoảng, chàng ta báo về Jerusalem ra lệnh cho đoàn xe ở lại trong làng Kfar Etzion, nếu không quá muộn. Trong bộ chỉ huy của Shaltiel, mọi chuyện như nổ bùng lên. Sĩ quan tình báo Arbel nổi điên, lập đi lập lại trên máy vô tuyến. ‘Khi nào bạn mới định quay trở về? Tại sao mất quá nhiều thì giờ?’.
        Cuối cùng, Etzion báo cáo đoàn xe sửa xoạn về Jerusalem. Một xe thám thính đi đầu, theo sau là chiếc xe phá chướng ngại vật. Các xe bọc sắt chia đều đi xen lẫn với các xe vận tải chở hàng để bảo vệ. Nhân viên truyền tin báo cáo đoàn xe di chuyển từng phút về bộ chỉ huy Haganah trong Jerusalem. Chiếc xe ủi phá được chướng ngại vật thứ nhất, thứ hai và thứ ba, làm dịu đi sự căng thẳng trên đoàn xe. Thêm ba chướng ngại vật nữa cũng bị ủi qua một bên đường. Chướng ngại vật thứ bẩy lớn nhất, chiếc xe ủi tiến lên để phá trong tiếng súng của quân Ả Rập. Bỗng nhiên, một tảng đá thật to từ trên đồi lăn xuống (quân Ả Rập đã sắp đặt trước, bẩy tảng đá lên cho rơi xuống) trúng vào chiếc xe ủi, làm chiếc xe ngiêng qua một bên, xuống một khoảng đất trũng, nằm luôn. Đoàn xe kẹt lại trên đường, như một con rắn khổng lồ nằm chờ chết.
        Súng đạn bắt đầu nổ vang dội. Rerusalem gọi đoàn xe ‘Bạn đã đi đến đâu?’. Câ trả lời ‘Nebi Daniel!’. Eliyahu Arbel ngồi thẫn thờ, chìm trong ghế. Nebi Daniel là tên một căn nhà cổ Ả Rập, nằm trên đồi ngay bên bờ hồ Salomon. Đúng chỗ Arbel tình nghi quân Ả Rập sẽ phục kích, trong lần họp bàn với chỉ huy trưởng Shaltiel và Shacham, viên sĩ quan chỉ huy đoàn xe tiếp tế.
        Không còn hy vọng nào để phá chướng ngại vật. Quân Ả Rập từ trên đồi tràn xuống chỉ cách đoàn xe chừng ba trăm bộ. Ngồi trong xe, có thể nghe tiếng Ả Rập gọi nhau, hò hét như một lũ cuồng tín. Để cứu vớt, Shacham ra lệnh cho những chiếc còn chạy được lùi trở lại Etzion. Về được chỉ có năm xe bọc sắt, ba mươi lăm người và năm xe vận tải chở hàng.
        Một trăm tám mươi nam nữ quân nhân còn kẹt trong vòng vây, nguồn hy vọng duy nhất là bức tường dầy căn nhà cổ Ả rập đã bỏ hoang, tên của chỗ phục kích. Những chiếc xe còn di chuyển được làm thành một vòng cung phòng thủ gần căn nhà Nebi Daniel. Quân Do Thái phá cổng chạy vào trong nhà, tử thủ nơi các cửa sổ. Họ đem vào được bốn khẩu đại liên, đặt trên nóc nhà. Những chiếc xe bọc sắt, di chuyển lên xuống đón những người trên xe vận tải, che chở cho họ chạy vào nhà.
        Ngoại trừ xe phá chướng ngại vật nằm tuốt phiá trên đầu đoàn xe, không ai lên tiếp cứu họ được. Suốt buổi chiều, nhiều người trên xe đã bị thương, vẫn đẩy lùi các đợt xung phong của quân thù. Lúc mặt trời gần lặn, đạn dược đã cạn, quân Ả Rập lên tới gần, ném chai xăng vào trong xe. Vẫn bình tĩnh, Zerubavel Horowitz ra lệnh cho các bạn tuỳ quyền, tìm mọi cách để sống. Riêng chàng sẽ ở lại với những người bị thương. Từng người một nhẩy ra khỏi chiếc xe. Người cuối cùng nhẩy ra là Yaacov Ai, chàng quay lại lần cuối nhìn Horowitz vẫn đứng hiên ngang cùng với những người bị thương ‘Như vị thuyền trưởng con tầu sắp chìm, không chịu bỏ rơi thương binh’. Vài giây phút sau, chiếc xe nổ tung. 
        Các binh sĩ Do Thái khác vẫn còn tử thủ trong căn nhà cổ Nebi Daniel, càng lúc càng tuyệt vọng vì đạn dược đã gần cạn. Shaltiel yêu cầu Tel Aviv cho ‘Không Lực’ Haganah yểm trợ, thả bom những vị trí quân Ả Rập. Haganah làm với tất cả khả năng, gửi đi hai chiếc Auster và Tigermoth. Hai viên phi công là Uzi Narciss, Amos Chorev thả những ống sắt chứa chất nổ xuống những vị trí Ả Rập (Chưa chế được bom, Không Lực Do Thái vẫn chưa chính thức thành hình, cả Haganah cũng vậy).
        Haganah trong Jerusalem đã xử dụng hết quân tinh nhuệ (Palmach) trong chuyến xe tiếp tế. Hết quân trừ bị, để cứu một trăm tám mươi sinh mạng vẫn còn kẹt trong vòng vây, Haganah không còn cách nào hơn là nhờ người Ăng Lê can thiệp.
        Câu trả lời đầu tiên, họ không muốn nhúng tay vào, Haganah đã không nghe lời khuyến cáo của người Anh di tản Etzion, bí mật tái tiếp tế cho ngôi làng hẻo lánh này. Ông Trùm đạo Isaac Herzog sanh ở Dublin bên Anh phải gọi điện thoại cầu cứu. Cả hai viên tư lệnh và phụ tá đều không có mặt ở Palestine, tham dự hội nghị bên Hy Lạp. Vị sĩ quan cao cấp nhất còn lại là Đại Tá George W. Harper, chỉ huy trung đoàn Sulffolk. Ông này gặp trường hợp khó xử, trường hợp binh sĩ Ăng Lê thiệt mạng bảo vệ đoàn xe tiếp tế bất hợp lệ, ông ta sẽ bị ngồi trên lửa đối với tướng Mac Millan, tư lệnh quân đội Anh trong vùng Palestine. Nếu không làm gì để cho một trăm tám mươi người Do Thái bị thảm sát, cũng không được yên thân.
        Đại tá Harper ra lệnh cho một đơn vị Ăng Lê tiến lên theo đường Hebron cho đến khi cán phải mìn bẫy do quân Ả Rập gài. Lúc đó trời bắt đầu tối, sợ tốn quân, ông ta cho lệnh lui, hy vọng trong bóng đêm, người Do Thái rút ra được.
        Trong khi đó, nơi căn nhà cổ Nebi Daniel, tình trạng trở nên bết, thương binh nằm chật sàn nhà. Đồ y khoa trên xe đã bị đốt cháy, các binh sĩ Do Thái chỉ còn morphine để đỡ đau. Sáng hôm sau, hòa bình vẫn chưa đến với căn nhà cổ. Jerusalem không còn liên lạc được nữa, máy truyền tin hết pin. Những binh sĩ Do Thái còn sống vẫn tiếp tục chống trả, họ chạy qua lại, bắn trả giữa các cửa sổ, đôi khi vấp phải xác chết hoặc đồng đội bị thương, nằm xếp lớp dưới sàn nhà.
        Một đoàn quân Ăng Lê trên đường vào, bỗng dưng ngừng lại. Đại tá Harper đang thương thuyết với phiá Ả Rập để cho người Do Thái đầu hàng. Quân Ả Rập đồng ý với điều kiện phải trao tất quân nhân Do Thái cho họ làm tù binh. Đại tá Harper không đồng ý, ra lệnh tiến quân làm phe Ả Rập phải nhượng bộ. Đoàn xe Ăng Lê tiến vào gồm một xe bọc sắt dẫn đầu, mười bốn xe bán xích sắt, năm xe vận tải, theo sau là một đoàn xe cứu thương.
        Tiếng súng còn nổ xung quanh căn nhà cổ Nebi Daniel, đoàn xe tiếp cứu vào đến nơi. Jacques de Reynier, nhân viên Hồng Thập Tự nhìn thấy căn nhà đứng chơ vơ ‘nhỏ, đơn độc giữa điạ ngục’. Xe cộ bị cháy nằm ngổn ngang, xác chết rải rác khắp nơi, đầu bị chặt, phần còn lại bị phanh thây.
        Trận chiến kết thúc. Quân Ả Rập từ trên đồi tràn xuống đứng quan sát. Đại tá Harper cắt nghĩa điều kiện đầu hàng cho cấp chỉ huy Do Thái. Một quân nhân phá máy truyền tin, vứt bộ phận cơ bẩm súng đại liên vất xuống giếng, rồi từng người một bước ra khỏi cửa bỏ súng cá nhân xuống đất. Sau khi đem ra mười ba xác chết, bốn mươi người bị thương. Vị đại tá Ăng Lê quay sang Irekat, cấp chỉ huy Ả Rập ‘Phần còn lại của bạn’ (số súng ống).
        Chưa đến một tiếng đồng hồ sau, đoàn xe chở quân nhân sống sót về đến Jerusalem. Nhìn những khuôn mặt đồng bào thân yêu ra đón, một người trong đoàn quân chiến bại chợt cất tiếng hát, rồi tất cả mọi người cùng hát theo. Một trong những thất bại lớn của Haganah, tuy nhiên đoàn quân vẫn tiếp tục hát vang trên đường phố. Đó là bản ‘Hatikvah’ có nghĩa là ‘Hy Vọng’.

II. CHIẾN ĐẤU ĐẾN CÙNG CHO JERUSALEM.
        Dov Joseph, ông luật sư người Do Thái Canada được lệnh soạn thảo kế hoạch bảo vệ Jerusalem trong trường hợp thành phố bị bao vây. Trong nhà kho chứa nhu yếu phẩm có chứa hai mươi mốt món hàng nhu yếu phẩm gồm đủ thứ, từ bột mì, trà, thịt khô, xà phòng v.v... Thứ Hai ngày 29 tháng Ba, thủ tướng Ben-Gurion triệu tập một buổi họp với các cấp chỉ huy Haganah để mở đường đến Jerusalem. Dov Joseph báo cáo, Jerusalem chỉ còn đồ tiếp liệu cho năm ngày dầu ăn, bơ Magazine, bốn ngày mì Macaroni, và mười ngày thịt khô.
        Thịt tươi, rau cỏ không còn bầy bán ngoài chợ nữa. Trứng gà có thể bán tới hai mươi xu một quả. Thành phố Jerusalem đã không còn lương thực dự trữ đồ hộp: cá mòi Sardines, mì Macaroni và đậu. Những chiến sĩ Haganah dưới quyền David Shaltiel sống bằng khẩu phần mỗi ngày gồm bốn miếng bánh mì tẩm nước mứt (syrup), một bát cháo (soup), một hộp cá mòi Sardine, và hai củ khoai tây. Họ là những người được ăn uống đầy đủ nhất trong thành phố.
        Dov Joseph không muốn hạn chế khẩu phần, điều này gây hoang mang trong dân chúng. Ông ta không còn cách nào khác hơn, người lớn được phát 200gr. bột, khoảng bốn lát bánh mì một ngày. Trẻ con được thêm một quả trứng và 50gr. bơ cho một tuần. Thiếu xăng dầu, dân Do Thái bắt buộc phải chế biến, dùng thuốc DDT và Flit thay cho nhiên liệu đốt. Chuyên viên khoa học trong viện đại học Hebrew khuyên mọi người có thể trồng thêm rau cải trong nước.
        Trong một tiệm café trên đường Ben Yehuda, nơi các chiến sĩ Haganah thường tới lui trong giờ nghỉ. Họ được uống một ly champagne pha thêm chanh, soda. Mỗi người được ba điếu thuốc lá cho một ngày, quân nhân thuộc đơn vị xung kích Palmach được năm điếu. Đôi khi họ được hưởng phụ trội ngoại lệ. Một buổi tối, Chaim Haller nghe tiếng huýt sáo từ trong bóng tối bên ngoài hàng rào. Chàng trông thấy Salome, người đàn bà Ả Rập gìa giúp việc cho gia đình chàng nhiều năm qua. Bà ta thò tay qua lớp rào đưa cho chàng mấy quả cà chua ‘Tôi biết ông không có những món này’.
        Julius Lewis, một thợ làm bánh ở Toronto, ngồi đối diện với ba người Hoa Kỳ trong một góc tối khách sạn California ở Paris. Ba người Hoa Kỳ bay chiếc DC-4 cũ kỹ chuyên chở hàng hóa như thuốc lá, đồ mỹ phẩm quanh lục điạ Âu châu. Họ mới khám phá ra Lewis không phải anh chàng làm bánh, mà là người làm việc cho Haganah. Lewis đề nghị trả 10000 đô la cho chuyến bay chở vũ khí mua được từ Tiệp Khắc về Palestine.
        Từng sĩ quan Haganah đến họp trong căn nhà thủ tướng Ben-Gurion, ai đến cũng được bà vợ thủ tướng, Paula rót nước trà mời. Khi mọi người đã đến đông đủ, Ben-Gurion bắt đầu ‘Chúng ta gặp nhau hôm nay để bàn về việc mở đường tiếp tế cho Jerusalem. Mình có ba trung tâm quan trọng Tel Aviv, Haifa, và Jerusalem. Bọn Ả Rập nhất quyết chiếm Jerusalem. Nếu họ lấy được hoặc phá hủy thành phố là một thiệt hại lớn cho tinh thần dân tộc. Chúng ta phải chấp nhận thiệt hại, mở đường tiếp cứu Jerusalem’.
        Ông nói tiếp rằng Haganah sẽ phải ra ngoài bóng tối, chiến đấu trong trận chiến tranh quy ước. Để thực hiện điều này, Ben-Gurion cần 1500 chiến sĩ lấy ra từ các đơn vị Haganah. Khi vị thủ tướng chấm dứt, một bầu không khí nặng nề bao trùm phòng họp. Rõ ràng cần phải cứu Jerusalem, Ben-Gurion đã yêu cầu họ làm một chuyện ghê gớm, cắt bớt quân, vũ khí cho một nhiệm vụ quá khó khăn. Ngồi nghe, Joseph Avidar, người trông coi kho vũ khí của Haganah ước tính nhanh chóng. Haganah trong vùng Palestine chỉ có khoảng 10000 khẩu súng, lữ đoàn Golani án ngữ phiá bắc có 162 súng trường và 188 tiểu liên Sten. Sau vụ thất bại ở Kfar Etzion, Haganah không thể chấp nhận một tổn thất nào khác. Cuộc hành quân giải cứu Jerusalem, có thể là một khúc quanh cho vùng Palestine.
        Đúng nửa đêm, thủ tướng Ben-Gurion cùng các cấp chỉ huy Haganah đi trên hai xe đến căn nhà Đỏ để thành lập đoàn quân, vũ khí cần thiết cho cuộc hành quân. Cả đêm, các thông tín viên xử dụng xe gắn máy, đi lại từ căn nhà Đỏ đến hầm truyền tin ngụy trang trong phòng vệ sinh dưới basement một tiệm chữa radio gần đó. Mỗi công điện đi, đến, Avidar ghi vội vào một quyển số nhỏ số lượng súng, đạn.
        Đến gần sáng, mọi người đều mệt mỏi, tìm một tên cho cuộc hành quân sắp xẩy ra. Tên đặt cho hành quân giải cứu Jerusalem là Nachshon, tên người Do Thái (Hebrew) đầu tiên bước xuống con đường đất trên biển Hồng Hải (Red sea) trong chuyến rời Ai Cập tìm tự do.
        Mục tiêu chính cho hành quân Nachshon là mở đường đến Jerusalem. Nachshon dựa trên một căn bản đơn giản, không thể đưa một đoàn xe tiếp tế trên đường Bab el Wad vào Jerusalem. Hành quân Nachshon sẽ thiết lập một hành lang tạm thời dọc theo con đường, trong vùng đồng bằng, bề rộng là sáu dặm, trong vùng đồi núi hành lang sẽ thâu hẹp khoảng một, hai dặm. Hành lang này sẽ bao gồm luôn một số làng Ả Rập.
        Lãnh tụ Ả Rập Abdul Khader không thể cắt đường nếu không có sự yểm trợ của các làng này. Quân Ả Rập thường ghé làng uống cà phê, nghe ngóng tin tức. Các làng Ả Rập còn là nơi cung cấp lương thực, nguồn nhân lực cho phe Ả Rập. Trong khi Haganah đưa những đoàn xe tiếp tế vào Jerusalem dọc theo hành lang Nachshon, lữ đoàn Palmach Har-el dưới quyền Yitzhak Rabin, người mà sẽ là thủ tướng tương lai của Do Thái, sẽ tảo thanh các làng Ả Rập. Rabin nói rằng, nếu không có những làng Ả Rập yểm trợ, quân Ả Rập sẽ không còn hoạt động hữu hiệu.
        Shimon Avidan, chỉ huy trưởng lữ đoàn Palmach Givati, một trong những người được đại úy Ăng Lê Orde Wingate huấn luyện. Bự con, đã huấn luyện quân biệt kích ở Palestine thả xuống phá hoại hậu phương Đức trong trận Đệ Nhị Thế Chiến. Avidan được trao cho trọng trách chỉ huy hành quân Nachshon. Mặc dầu được các đơn vị Haganah khác gửi quân, súng đạn, vấn đề vũ khí cần thiết cho hành quân Nachshon vẫn là trở ngại lớn. Nhiều quân nhân đến tăng cường chưa có kinh nghiệm chiến trường. Iska Shadmi, một đại đội trưởng cho biết. Nhiều tân binh còn quá trẻ, họ đến trình diện đơn vị với vali, thùng giấy đựng đồ đạc.
        Nhân viên truyền tin bắt đầu gửi đi tín hiệu ‘Hassida’, tiếng Hebrew (Do Thái cổ). Nếu quân Ả Rập ‘chê’ một phi đạo, Haganah ‘xài đỡ’. Aaron Remez, một cựu phi công trong Không Lực Hoàng Gia Ăng Lê đã nhận lời ông hàng xóm, thủ tướng Ben-Gurion ‘Đấng Cứu Thế sẽ đến từ trời cao’. Chiếc DC-4 cũ kỹ vẫn còn ở xa.
        Nhóm phi công nhận công tra bên Paris phải bay qua Prague (Tiệp Khắc) trước. Tại đó Ehud Avriel đã chuẩn bị chất lên con tầu một trăm bốn mươi đại liên M-34 do Tiệp Khắc sản xuất cùng với hàng ngàn viên đạn. Các khẩu súng đã được lấy ra khỏi thùng để nhẹ gánh cho chiếc DC-4 già nua. Sáu tiếng đồng hồ sau, phi hành đoàn bắt đầu tìm kiếm bãi biển Palestine, nghe ngóng những tín hiệu của phe ta ở dưới đất.
        Thêm nửa giờ nữa trôi qua, nhìn qua cửa sổ máy bay, Cooper trông thấy chiến sĩ Haganah đứng dọc theo hai bên phi đạo, nhẩy lên nhẩy xuống reo hò vui mừng. Khi chiếc DC-4 ngừng lại, cả đám đông chạy lại. Họ đón tiếp mấy chàng phi công như những anh hùng.
        ‘Anh phải chiến đấu đến cùng cho Jerusalem’. Thủ tướng Ben-Gurion nói với Dov Joseph, ông ta đã chọn Joseph và ra lệnh cho tổng trưởng Ngân Khố Eliezer Kaplan cung cấp tài chánh đầy đủ cho chàng ta. Dov Joseph tự nhủ ‘Hỡi Thượng Đế! Nếu con không thành công, biết bao chuyện hãi hùng sẽ xẩy ra’. Ben-Gurion hỏi chàng ‘Khi nào anh mới bắt đầu?’. ‘Khi nào ông muốn?’. Vị thủ tướng trả lời ‘Ngay bây giờ!’.
        Dov Joseph được một văn phòng trong một building gần đó. Ngay tức khắc, chàng gọi một số cấp chỉ huy Haganah đến làm việc. Họ làm việc suốt đêm. Anh chàng Do Thái Canada tính toán rằng, nếu đem được ba ngàn tấn thực phẩm vào Jerusalem, mình có thể yên tâm. Joseph đưa cho Haganah một bản danh sách những thứ cần thiết cho Jerusalem.
        Hai sĩ quan Haganah, cựu chiến binh trong quân lực Anh, Harry Jaffe và Bronislav Ber-Shemer nhận trách nhiệm tổ chức đoàn xe tiếp tế, đưa số lượng thực thẩm Joseph yêu cầu vào Jerusalem. Joseph cho biết sẽ cần tối thiểu ba trăm xe vận tải. Sau hai ngày lùng khắp Tel Aviv, họ chỉ gom được sáu mươi xe tải. Không còn cách nào hơn, họ phải trổ tài ‘cướp’ xe, đưa các chiến sĩ Haganah đến những ngã tư đường chận các xe vận tải lại, rồi ép tài xế lái xe đến khu vực trống trải ở Kiryat Meir. Sau đó họ được áp giải đến nơi tập trung cho đoàn xe Nachshon, trong một đồn binh Ăng Lê bỏ trống ở Kfar Bilu.
        Những đạo quân viễn chinh La Mã là người đầu tiên xây dựng thành lũy trên những sườn dốc đứng. Về hướng bắc, bên kia Bab el Wad là đỉnh Nebi Samuel, nơi mà theo truyền thuyết, những nhà Tiên Tri đã ngồi phán quyết sự suy tàn của nước Do Thái, những chiến sĩ tử đạo Do Thái (Maccabees) đã tuyệt thực trước khi tấn công vào thành phố Jerusalem, và Richard Lionhearted đã chẩy nước mắt khi được trông thấy thành phố linh thiêng. Dưới chân đỉnh núi là con đường đến Jerusalem.
        Hành quân Nachshon dự trù chia làm hai phần: đánh nghi binh vào một mục tiêu gần Ramle, để dụ quân Ả Rập lên hướng bắc Jerusalem, phần chính sẽ đánh chiếm làng Kastel. Uzi Narciss, một trong hai phi công đánh bom giải tỏa Kfar Etzion, đặt hai tổ đại liên nơi hai đầu làng, trước khi tấn công. Năm mươi quân Ả Rập không phải đối thủ của lực lượng dưới quyền Narciss, bỏ chạy lấy thân. Làng Ả Rập Kastel nằm trong tay Do Thái.     
        Vào trưa hôm sau thứ Bẩy 3 tháng Tư, bẩy mươi chiến sĩ Haganah Jerusalem đến thay lực lượng Palmach của Narciss. Cấp chỉ huy đơn vị Haganah là Mordechai Gazit, tương lai sẽ là một trong những tay ngoại giao đầu tiên của Do Thái. Narciss ra lệnh cho Gazit lập tuyến phòng thủ xung quanh khu vực, rồi đốt phá làng để quân Ả Rập không còn bén mảng lại phá đường.
        Khi tin Kastel mất đến Damacus, Abdul Khader Husseini ra lệnh phải lấy lại bằng mọi giá. Một lần nữa những thông tín viên của Kamal Ireka cưỡi ngựa chạy từ làng này qua làng khác kêu gọi viện binh đi giải phóng Kastel.
        Khi mặt trời bắt đầu lặn, Ireka đã sẵn sàng tấn công. Ông ta hô to ‘Nashamdi!’ rồi chạy lên tấn công vị trí đầu tiên của Do Thái, trong dẫy đá sỏi Tzuba trước làng Kastel. Bốn trăm tay súng Ả Rập theo sau hò hét ‘Allah akhbar! Thượng đế tối cao!’. Nhiều chiến sĩ Ả Rập không chiụ bỏ khăn trắng che đầu (Kaffiyehs), mặc dầu dễ bị nhận ra trong bóng tối. Đó là truyền thống của dân Ả Rập Bedouin, cởi khăn ra là điều xấu hổ. Với chiến thuật biển người, Haganah phải lui về tuyến phòng thủ chính. Quân Ả Rập tấn công suốt đêm vẫn không vào được.
        Rạng động ngày hôm sau, quân Ả Rập được tăng cường do Ibrahim Abou Dayieh chỉ huy tiếp tục tấn công. Đợt tấn công mới làm Haganah phải lui ra phiá bià làng. Quân Ả Rập lúc đó cũng đã kiệt sức. Irekat lại gửi thông tín viên đến những làng Ả Rập lân cận yêu cầu tăng viện. Quân Do Thái chưa kịp đốt phá làng, phải xử dụng những căn nhà Ả Rập làm bàn đạp chống trả. Quân Ả Rập được tiếp tế thêm đạn dược tiếp tục những đợt tấn công, trong khi bẩy mươi chiến sĩ Haganah chiến đấu trong tuyệt vọng, không được thêm viện binh, tiếp tế.
        Khi vòng vây Ả Rập từ từ siết chặt lại, viên chỉ huy Ả Rập Ireka bị thương phải đưa đi bệnh viện. Thấy cấp chỉ huy bị thương, lính Ả Rập cũng biến theo. Haganah chuẩn bị chờ đánh trận cuối cùng bỗng thấy quân thù rời chiến trường trở về làng. Kastel vẫn nằm trong tay Do Thái.
        Ba người đàn ông bàn chuyện trên đại lộ King George V trong Jerusalem. Họ đại diện cho ba nhóm Stern Gang, Irgun và Haganah. Trời vẫn còn tối, họ an tâm nói chuyện. Yeshurun Schiff đại diện cho trùm Haganah trong Jerusalem, David Shaltiel yêu cầu hai nhóm ‘Đặc công Do Thái’ tiếp tay. Haganah trong Jerusalem đã trải mỏng, không còn đơn vị trừ bị để thay thế đơn vị dưói quyền Gazit trong làng Kastel. Thêm một làng nữa Motza cũng đang trong tình trạng cần viện binh, Schiff yêu cầu Stern Gang và Irgun tấn công thành lũy ở Tzuba để làm giảm áp lực của địch nơi hai làng Kastel và Motza.
        Hai nhóm quá kích này coi tất cả là kẻ thù (sau này có chiến tranh xẩy ra giữa Irgun và Haganah, khi chính quyền Do Thái đòi tịch thu súng đạn của Irgun), họ cho biết sẽ trả lời vào hôm sau. Trường hợp họ nhận lời, Haganah phải trả cho hai nhóm này một ít súng ống, lựu đạn.
        Những khẩu súng vẫn còn dầu mỡ được chất lên xe chở đi cho đơn vị tham dự hành quân Nachshon. Iska Shadmi nhận được lệnh vào lúc mười giờ đêm, đại đội chàng phải vào vùng hành quân lúc rạng động. Cũng như những thanh niên khác cùng thế hệ theo đuổi lý tưởng Palmachniks, Shadmi bị lôi cuốn theo quyển sách ‘The Men of Pompillo’ (Những người đàn ông ở Pompillo) về sự chinh phục của Kazakhstan.
        Để lau chùi lớp dầu mỡ, Shadmi tập họp đại đội lại, chàng ra lệnh cho đám thanh niên lấy quần lót chùi khẩu súng cho hết lớp dầu mỡ, còn các cô nữ binh ngồi cắt dây điện làm đồ thông nòng. Lần đầu tiên kể từ khi gia nhập đoàn xung kích Palmach, Shadmi nhận được đầy đủ đạn dược nhưng không có gì để mang. Shadmi lại ra lệnh lấy bí-tất làm bao chứa đạn, rồi cột vào  thắt lưng quần.
        Haim Laskov, một cựu chiến binh trong quân đội Anh, chỉ huy một đại đội khác được lãnh khẩu đại liên MG-34 Tiệp Khắc. Trong đại đội không ai biết bắn khẩu súng này, may thay Laskov tìm được một cựu chiến binh Ăng Lê chỉ cho cách xử dụng khẩu đại liên. Kinh hoàng hơn nữa khi Laskov được biết, cây kim hỏa bị hư. Trong khi đơn vị đợi lệnh hành quân, chàng phải chạy lên Tel Aviv tìm bộ phận thay thế cho khẩu súng.
        Lực lượng Do Thái tham dự hành quân Nachshon gồm năm tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn có năm trăm quân. Quân Do Thái mở màn trận tấn công vào lúc chin giờ tối ngày 5 tháng Tư. Những đại đội đi đầu tiến chiếm một trại lính Anh bỏ trống và hai làng Ả Rập nằm kế cận nơi phát xuất của đoàn xe tiếp tế. Các đại đội khác theo sau lên chiếm những cao điểm trấn ngự con đường huyết mạch Bab el Wad. Họ chạm phải sức kháng cự mãnh liệt từ phiá Ả Rập. Hai làng Saris và Beit Mahsir đẩy lui quân những đợt tấn công, nhưng quân Do Thái vẫn kiểm soát phần đất giữa hai ngôi làng và con đường.
        Về phiá đông, ngôi làng Kastel vẫn nằm trong tay Haganah, nhưng xa hơn nữa, quân Ả Rập tấn công nơi định cư Motza để cắt đường. Mặc dầu có tổn thất, cuộc hành quân coi như thành công. Đến nửa đêm, quân Do Thái làm chủ con đường Bab el Wad và phần đất dọc theo. Lệnh cho đoàn xe tiếp tế di chuyển được ban ra.
        Trong trại lính Ăng Lê cũ ở Kfar Bilu, đầy những tài xế xe vận tải bị đơn vị dưới quyền Bronislav Bar-Shemer bắt cóc. Binh sĩ Haganah chất đầy những hàng hóa lên xe một cách nhanh chóng. Đứng trong bóng tối trên đường, Bar-Shemer lặng lẽ nhìn đoàn xe di chuyển. Không thể tưởng tượng nổi, một đoàn xe đủ loại được xử dụng thay cho quân xa. Không chiếc nào bật đèn trước, binh sĩ của Bar-Shemer đã ‘nhẹ tay’ gỡ bóng đèn, đề phòng có bác tài nào hốt hoảng quên lời dặn dò. Khi đoàn xe đi ngang qua làng chiến đấu (kibbutz) Hulda, các chiến sĩ Haganah đi theo hộ tống leo lên xe. Iska Shadmi nhẩy lên một xe chứa toàn khoai tây, chàng bới khoai ra làm thành một hố cá nhân rồi ngồi vào giữa.
        Ngồi trên chiếc xe đi đầu, viên sĩ quan chỉ huy Harry Jaffe nghe mấy tiếng đạn trúng vào xe, chàng cầu mong đó là tiếng súng của vài tên du kích bắn khuấy phá. Chiếc Ford 47 (mới) cũng như những chiếc xe dân sự ‘mượn đỡ’ không có bọc thép đỡ đạn, có thể gây thương vong cho người ngồi trong xe. Trong hố cá nhân ‘khoai tây’, Shadmi nhìn qua màn đêm chỉ thấy một ông già Ả Rập với chòm râu bạc.
        Đúng như Jaffe nghĩ, chỉ có du kích, không một lực lượng Ả Rập nào trên những ngọn đồi. Đoàn xe vào tới Jerusalem được mọi người Do Thái chạy ra đường chào đón. Mọi người ca hát, đem hoa ra tặng cho các chiến sĩ Haganah và những bác tài ‘bất đắc dĩ’. Họ đã bị đói, hơn hai tuần, không một chiếc xe Do Thái nào đến được Jerusalem. Trên chiếc xe đi đầu, viên sĩ quan chỉ huy đoàn xe đã sơn lên hàng chữ ‘Nếu tôi quên được, Ô Jerusalem’.

III. MÔT TRONG NHỮNG TÊN Ả RẬP BỌN TÔI GIẾT ĐÊM QUA.
        Cách nơi đoàn xe tiếp tế đến Jerusalem, mọi người Do Thái chào đón đoàn quân trong hành quân Nachshon chừng hơn một dặm. Trong phòng ngủ một căn nhà Ả Rập trên đường Bab el Zahiri gần cổng Herod, một người đàn ông Ả Rập căm hờn viết thư cho vợ ở Cairo. Abdul Khader Husseini vừa về đến Jerusalem để nghe tin kẻ thù (Do Thái) đã phá vỡ vòng vây mà ông ta đã bỏ rất nhiều nỗ lực cô lập thành phố với bên ngoài.
        Khi viết xong lá thư, Abdul Khader gọi một sĩ quan đến để ra lệnh. Bajhat Abou Gharbieh là một thầy giáo, chưa từng thấy xếp mình nổi giận như lúc này. ‘Chúng ta bị phản bội’. Sau chuyến đi cầu viện Syria không thành công, Khader nói ‘Họ cho chúng ta ba chọn lựa. Mình có thể qua Iraq sống đời tỵ nạn nhục nhã, hoặc tự vẫn, hoặc chiến đấu đến chết ở đây’.
        Khader ra lệnh cho Gharbieh đem đến hai xe bọc sắt tịch thu của Haganah trong trận phục kích tại Nebi Daniel. Ra lệnh cho Ibrahim Abou Dayieh đem một trăm quân đến gặp ông ta trên những ngọn đồi đá nơi Tzuba. Khader đã có ý định chiếm lại Kastel, ngay cả đến việc sẽ phải đích thân chỉ huy trận tấn công.
        Trong khi đó tại làng Kastel, Mordechai Gazit cùng với bẩy mươi chiến sĩ Haganah đã kiệt lực sau bốn ngày chiến đấu liên tục. Khader tấn công trở lại vào lúc mười giờ đêm 7 tháng Tư. Trùm Ả Rập có dưới tay gần ba trăm tay súng. Ông ta bố trí phần lớn lực lượng dưới quyền Abou Dayieh trước làng, phần còn lại tấn công hai bên sườn. Khader còn bốn khẩu súng cối do lính Ăng Lê đào ngũ bắn yểm trợ.
        Gazit cùng với binh sĩ giật mình bởi đợt pháo kích bằng súng cối của địch. Abou Dayieh cùng với quân Ả Rập bắt đầu tấn công. Sau một tiếng đồng hồ chống trả, quân Do Thái phải bỏ những căn nhà nơi bià làng, lui sâu vào bên trong. Quân Ả Rập chỉ còn cách căn nhà lớn Mukhtar (đình làng) chừng một trăm thước. Thấy địch đã yếu đi, Dayieh cho một thông tín viên chạy đi báo cáo cho Khader, đồng thời ra lệnh cho một toán đem mìn vào cho nổ căn nhà lớn Mukhtar.
        Vài phút sau, Gazit nghe tiếng binh sĩ dưới quyền từ một căn nhà cầu cứu. Lấy thêm mấy người, Gazit chạy lên, vào trong căn nhà lớn Mukhtar không thấy ai. Chợt Gazit đụng phải một thùng dầu lớn, người Ả Rập thường dùng để chứa dầu Olive. Thùng chứa đầy chất nổ, bên cạnh có ngòi nổ. Điều này chứng tỏ binh sĩ của chàng đã đuổi bọn phá hoại chạy, Gazit an tâm trở về chỗ cũ.
        Khi vào bên trong căn nhà đặt bộ chỉ huy, Gazit nghe tiếng trung sĩ Meyer Karmiol hỏi bằng tiếng Anh ‘Ai đó?’. Câu trả lời đáp lại bằng tiếng Ả Rập ‘Phe ta!’. Gazit trông thấy Karmiol nổ một tràng tiểu liên Sten trên một sườn dốc trước nhà. Cách khoảng hai mươi lăm thước, Gazit trông thấy một bóng đen ngã xuống.
        Mặc dầu toán phá hoại thất bại, quân Ả Rập vẫn tấn công suốt đêm. Khi trời gần sáng, Abou Dayieh được một thông tín viên nơi sườn hướng đông báo cáo, quân Haganah tiếp viện đang leo lên Kastel. Người thông tín viên đi tìm Khader từ đêm qua vẫn chưa thấy trở lại. Không còn liên lạc được với cấp chỉ huy, Dayieh đành ra lệnh rút lui.
        Trong khi đó, mười hai quân Palmach dưới quyền Uzi Narciss, người chiếm làng Kastel đã vào đến làng, đem theo ‘quà’ năm mươi ngàn viên đạn. Hai cấp chỉ huy bàn chuyện, Narciss hứa rằng Palmach sẽ lên thay cho đơn vị của Gazit, lúc đó đã quá kiệt quệ vào buổi trưa. Rồi Narciss như chợt nhận ra có một người nằm chết gần đó, ‘Ai vậy?’. Gazit trả lời ‘Một trong những tên Ả Rập, bọn tôi giết đêm qua’.
        Sau khi rút lui, Ibrahim Abou Dayied ra lệnh đi tìm lãnh tụ Khader. Không thấy đâu, nghĩ rằng Khader đã vào Jerusalem để yêu cầu thêm quân. Dayieh cho người vào Jerusalem đi tìm cũng không thấy. Tin đồn Khader bị mất tích ở Kastel loan truyền từ làng Ả Rập này qua làng khác. Dân Ả Rập tự động võ trang, kéo nhau đi Kastel. Xe bus Ả Rập cũng tình nguyện chở đoàn quân Ả Rập đi ra chiến trường.
        Vào giữa buổi sáng, Mordechai Gazit và những binh sĩ kiệt sức lại bị tấn công từ bốn phiá. Lần này đến gần hai ngàn quân Ả Rập. Gazit phải đá những binh sĩ của mình để họ thức dậy chống trả với địch quân. Quân Ả Rập vào đến căn nhà lớn Mukhtar. Một quân nhân hỏi Gazit ‘Mình phải làm gì bây giờ?’, ‘Chạy ra khỏi đây!’.
        Quân Ả Rập tràn vào trong làng như một lũ điên, bắn súng chỉ thiên loạn xạ. Bỗng một người tìm được xác lãnh tụ Khader, đám Ả Rập kéo lại. Chiến thắng biến thành đám ma, họ bao quanh xác chết Khader, vừa hôn, vừa than khóc như cha mẹ mất.

IV. SÚNG ĐẠN CỦA ĐẠI ÚY ABDUL AZIZ KERINE.
        Mỗi chiếc valise đựng hai xác chết chắc cũng không nặng dữ vậy! Đổ mồ hôi, Freddy Fredkens kéo lê lết hai chiếc valise. Anh chàng phi công cựu chiến binh trong Không Lực Hoàng Gia Anh, người cải trang làm đầu bếp, đã tuyển mộ phi công ở Paris chở súng đạn cho Haganah. Lần này Fredkens trở về quê hương tham chiến, chàng mua được bốn chiếc máy bay thả bom cũ Anson, loại này Fredkens đã từng bay nhiều phi vụ oanh tạc nước Đức trong trận Đệ Nhị Thế Chiến.
        Fredkens đẩy hai chiếc valise nặng nề lên máy bay rồi trèo vào buồng lái. Trạm ngừng đầu tiên là La Mã (Rome), nơi đây chàng sẽ nhận chỉ thị cuối. Fredkens sẽ có nhiệm vụ ném bom trên vùng biển Adriatic. Trong hai valise là hai quả bom nặng một trăm cân Anh để đánh chìm con tầu S.S. Lino, đang trên đường từ Fiume đi Beirut. Chiếc Lino chở theo sáu ngàn súng trường Tiệp Khắc và tám triệu viên đạn mà viên đại úy Syria Abdul Aziz Kerine trong chuyến qua Prague mua được (trong chương dầu tiên).
        Fredkens cố gắng tìm kiếm con tầu Lino trên vùng biển Adriatic, chàng đã được cho biết đầy đủ chi tiết về con tầu: giờ giấc, hành trình, tốc độ, do điệp viên của Ehud Avriel nằm vùng trong Fiume cung cấp. Ba ngày tìm kiếm vẫn không thấy bóng dáng chiếc Lino, đến ngày thứ tư, chiếc Anson cũ kỹ của chàng phải nằm trong hangar để tránh bão.
        Sáng hôm sau, Fredkens cũng như nhiều người khác đều biết tin về chiếc Lino trên báo chí. Ngay trên trang nhất tờ báo Italian Press, cơn bão đã thổi chiếc Lino dạt vào cảng Malfetta, phiá bắc Bari. Nhân viên quan thuế Ý Đại Lợi khám phá ra những món hàng ‘nguy hiểm’ và loan tin chiếc tầu bí mật chở đầy vũ khí nằm trong hải cảng nước Ý. Nước này lúc đó đang trong thời gian tranh cử, Ada Sereina bạn của Avriel ‘rỉ tai’ cho một ông nạn khác trong đảng Dân Chủ Tin Lành (Christian Democratic Party) rằng chiếc Lino chở vũ khí cho đảng Cộng Sản Ý để trợ giúp nhóm chống chính quyền nổi loạn. Chính quyền Ý phản ứng bằng cách, đem nhốt thủy thủ đoàn, và kéo chiếc Lino đến Bari ‘nhốt luôn’.
        Sau cú ‘tiêu lòn’ độc điạ, Haganah lợi dụng cơ hội ‘chơi đẹp’ của chính phủ Ý Đại Lợi, thảo kế hoạch ‘mần’ chiếc Lino (thủy táng). Nhiệm vụ này được giao cho Munya Mardor, một trong những tay ‘cứng cựa’ Do Thái. Nhóm hành động gồm một chuyên viên chất nổ, hai người nhái, một nhân viên truyền tin và một tài xế. Phe ta chạy lên Bari bằng xe G.M.C. ngụy trang của quân đội Hoa Kỳ, chất nổ cho vào thùng xăng sơ-cua bên ngoài sơn chữ ‘DDT’.
        Đến Bari, nhóm Mardor thám sát mục tiêu và nhận định rằng con tầu bị canh gác rất nghiêm ngặt, phải xâm nhập từ biển. Chuyến đầu tiên đụng tầu tuần duyên Ý phải quay về. Chuyến thứ hai dự trù vào đêm ngày 9 tháng Tư.
        Đúng mười một giờ đêm, chiếc G.M.C âm thầm chạy đến một góc riêng biệt trong hải cảng. Hai người nhái cùng chuyên viên chất nổ bơm chiếc xuồng cao su, rồi đem ‘đồ nghề’ lên, sau đó chèo ra biển. Biển đêm rất yên lặng, chiếc xuồng cao su bơi vào trong quân cảng, chiếc Lino nổi rõ trên nền bầu trời đen. Đám người nhái cùng chuyên viên chất nổ xuống nước, bơi lại chiếc tầu, gắn thùng chất nổ vào, rồi bơi trở lại xuồng cao su. Sau đó họ im lặng chèo xuồng đến một làng đánh cá nhỏ gần đó, chiếc G.M.C. cùng Mardor đang đợi.
        Gần bốn giờ sáng, một tiếng nổ long trời chấn động quân cảng Bari. Chiếc Lino bị thủng một lỗ lớn dưới lườn tầu. Sáu ngàn khẩu súng cùng tám triệu viên đạn, công lao chuyến đi của đại úy Syria Abdul Aziz Kerine từ từ chìm xuống lớp bùn đen trong quân cảng Bari.
           
V. GIẢ TỪ EM YÊU.
        Hai người đàn ông trung niên ngã lên ngã xuống cố gắng chạy đuổi theo đoàn xe rời Jerusalem. Đã quá muộn, một người bỏ cuộc đứng lại lấy hơi thở, hy vọng sẽ đón đoàn xe khác vào tuần tới. Ông bạn kia vẫn tiếp tục chạy theo vừa la ‘Chờ tôi với!’. Tiến sĩ Moshe Ben David đã giữ một vai trò quan trọng trong việc phát triển hai viện đại học trên đồi Mount Scopus mà hai ông làm viện trưởng. Bệnh viện Hadassah và đại học Hebrew. Ông ta không chịu để cho đoàn xe ra đi mà không có ông ta.  
     Như một phép nhiệm mầu, một chiếc xe taxi chạy ngang và ông ta leo lên. Vài phút sau ông ta leo lên một chiếc xe bus trong đoàn xe. Từ sau ngày Liên Hiệp Quốc chia phần đất cho Do Thái, vấn đề tiếp tế cho bệnh viện và trường đại học trở thành vấn đề khó khăn. Con đường tiếp tế duy nhất lên đồi Mount Scopus phải đi ngang qua khu Ả Rập Sheikh Jarrah.
        Nơi trạm kiểm soát xa nhất của Haganah cuối đường Nhà Tiên Tri Samuel, sĩ quan Do Thái Moshe Hillman làm nhiệm vụ thường xuyên với viên sĩ quan kiểm soát Ăng Lê tên Webb. Ông ta nói với Moshe ‘Cho đoàn xe đi lên. Con đường trống vắng, chúng tôi vừa mới đi tuần’.
        Moshe vẫy tay ra hiệu cho đoàn xe, một chiếc xe bọc sắt lên dẫn đường, tiếp theo là một xe Hồng Thập Tự Do Thái, rồi hai chiếc bus, một xe cứu thương khác, bốn xe vận tải, và một xe bọc sắt đi bọc hậu. Một trong những tài xế xe vận tải là Benjamin Adin, vừa mới mua xe để chuyên chở làm nghề sinh sống. Hôm nay, lần đầu tiên Haganah bắt buộc anh ta phải đi theo chuyến tiếp tế. Ngồi bên cạnh Adin là một người đàn ông xin quá giang vì vợ vừa mới sinh nở trong nhà thương Hadassah.
        Trong những chiếc xe bus và xe cứu thương đằng trước xe của Adin, chở toàn những ‘sư phụ’, giáo sư, bác sĩ, những nhà nghiên cứu, học giả. Đó là món hàng qúy giá nhất mà đoàn xe Haganah định đưa đi qua khúc quanh nguy hiểm Sheikh Jarrah lên đồi Mount Scopus. Họ là những sản phẩm ngoại hạng, những vị giáo sư nổi tiếng nhất Âu châu. Họ bỏ tất cả trở về miền Đất Hứa, dựng nên những bệnh viện, phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu danh tiếng. Từ Bá Linh (Berlin), Vienna, và Krakow, họ đem theo khối óc thông minh phi thường về xây dựng một quốc gia đang trên đường tái sinh. Hiện nay họ trong ban giảng huấn về Y Khoa trong đại học Hebrew hoặc bệnh viện Hadassah.
        Trong đoàn xe, người quan trọng nhất là vị giáo sư giám đốc bệnh viện Hadassah, nổi tiếng khắp thế giới Chaim Yassky. Ông ta lại ngồi vào chỗ dễ trông thấy nhất, bên cạnh bác tài xế trên chiếc xe cứu thướng đi trước. Ngồi đằng sau ông ta là vợ ông, sáu vị bác sĩ khác, một y tá và một người đàn ông bị thương nằm trên cáng.
        Giáo sư Yassky rất quen thuộc với con đường. Ông đã sống ở Jerusalem hai mươi năm. Nhìn qua khe hở (xe nào cũng phải bọc thép chắn đạn), ông nhận ra tòa biệt thự có tường bao quanh của Nashasshibis, một gia đình Ả Rập quyền thế mà ông đã có lần được mời dùng cơm. Cả hai ông bà đều nóng lòng về nhà, họ thích ngọn đồi Scopus nhìn xuống thành phố cổ (Old City) ở dưới.
        Esther Passman, một goá phụ Hoa Kỳ ngồi trên chiếc xe cứu thương thứ hai tâm sự khác hẳn. Bà muốn ở lại Jerusalem nhưng công việc xã hội buộc bà phải trở lại phòng dịch vụ xã hội viện ung thư của bệnh viện.
        Khi người tài xế xe cứu thương thông báo, đoàn xe sắp qua khỏi khu vực Sheikh Jarrah, bà Passman cùng những hành khách khác thở ra nhẹ nhõm, vui mừng, kể cả hai tay khủng bố Irgun bị thương trong trận tấn công tàn sát làng Ả Rập Deir Yassin. Cô y tá cũng vui vẻ rót trà ra mời các hành khách trên xe.
        Mọi người vui mừng hơi sớm. Nằm ẩn dưới một hào sâu dọc trên đường, ngón tay để lên bộ phận kích hỏa của một quả mìn, Mohammed Neggar chờ đoàn xe Do Thái chạy trên đường.  Bốn mươi tám tiếng đồng hồ trước đây, trong một bar uống rượu, Neggar được một sĩ quan Ăng Lê cho biết giờ giấc, lộ trình của đoàn xe. Viên sĩ quan còn nói thêm, người Anh sẽ làm ngơ nếu họ (Ả Rập) đừng nổ súng vào binh sĩ Anh.
        Đoàn xe từ từ qua một khúc quanh, Neggar trông thấy chiếc xe bọc sắt xuất hiện. Thần kinh căng thẳng, chiếc xe bọc sắt trông như một con bọ hung khổng lồ đang bò về phiá chàng ta. Bàn tay Neggar nắm lại, rồi nghe một tiếng ‘click’, tiếp theo là tiếng nổ lớn làm chấn động chỗ anh ta đang nằm. Khói bụi bốc lên cao, Neggar nhận thức rằng mình đã bấm ngòi nổ quá sớm, đoàn xe Do Thái vẫn còn lù lù trên đướng, quả mìn làm một ‘ổ gà’ lớn. Neggar phất tay ra hiệu cho đồng bọn, lập tức các tay súng Ả Rập nhả đạn vào đoàn xe Do Thái.
        Tiếng nổ, tiếng súng làm hàng trăm người Ả Rập ở những làng gần đó tràn về chỗ đoàn xe bị phục kích. Cách đó không đầy một dặm, trong sân St. Paul German Hospice, ba đại đội thuộc trung đoàn Sơn Cước đang trong hàng ngũ chỉnh tề để thanh tra. Trong khi các sĩ quan đang đi xuống hàng quân, một binh sĩ truyền tin chạy đến trao cho vị đại tá chỉ huy đơn vị một công điện. Nơi phục kích nằm trong vùng trách nhiệm của ông ta, viên đại tá nhẩy lên một chiếc xe bọc sắt chạy ra.
        Khi đại tá Churchill đến nơi, chiếc xe bọc sắt đi đầu, xe cứu thương chở giáo sư Yassky, và hai xe bus kẹt trong vùng phục kích. Quân võ trang Ả Rập kéo đến từ khắp nơi. Quân Do Thái trong xe bọc sắt vẫn chống trả kịch liệt. Vị đại tá nhận rõ tình hình nghiêm trọng, quân Ả Rập đã nằm sẵn trong những căn nhà dọc theo hai bên đường, và vẫn tiếp tục đổ thêm quân, không bao lâu nữa người Do Thái sẽ tiêu tan hy vọng.
        Đại tá Churchill đem đến một G.M.C. cùng một chiếc bán xích sắt. Ông được biết thêm, trong những người bị kẹt có vợ chồng giáo sư Yassky. Mới tuần trước, ông dùng cơm với vợ chồng vị giáo sư trong căn nhà trồng đầy hoa trên đồi Mount Scopus. Chiếc xe bọc sắt của ông dẫn đầu tiến lên những chiếc xe bị lọt ổ phục kích. Dùng cây gậy chỉ huy, vị đại tá gõ cửa chiếc xe bus, rồi nói mọi người chạy về phiá chiếc xe bán xích sắt. Những người Do Thái không tin tưởng ông cho lắm, làm vị đại tá nổi giận ra lệnh cho đơn vị quay về.
        Đúng ba giờ mười lăm, giáo sư Yassky nhìn qua khe hở, quân Ả Rập đã xông tới đốt chiếc xe bus chở những vị giáo sư, bác sĩ đồng nghiệp của ông ta. Vị giáo sư lừng danh quay lại nhắn những lời cuối với vợ ‘Giã từ em yêu! Hết cả rồi!’. Chợt ông ta chồm tới rồi ngã xuống sàn chiếc xe cứu thương. Bà vợ ông ta chạy lên, nhưng vị giáo sư giám đốc bệnh viện Hadassah đã chết, một viên đạn đi xuyên qua cổ.
        
VI. TẤN CÔNG, TẤN CÔNG VÀ TẤN CÔNG.
        Nhân cái chết của Khader, quân Ả Rập vẫn còn hoang mang, Haganah đưa vào Jerusalem ba chuyến tiếp tế lớn sau ngày 5 tháng Tư. Trong khi Haganah đang sắp xếp chuyến thứ tư, sĩ quan tình báo của Shaltiel báo cáo cho biết, quân đội Anh sắp bỏ một ít đồn bót trước khi chấm dứt chế đô thuộc điạ. Tel Aviv quyết định thay đổi chiến thuật, Yitzhak Rabin (Thủ tướng tương lai của Do Thái) được lệnh cho quân đi theo đoàn xe trong chuyến tiếp tế tới, bỏ trống những dẫy đồi hành lang bảo vệ trục lộ.
        Chuyến tiếp tế cuối cùng gồm gần ba trăm xe đủ loại rời Kfar Bilu trước rạng đông ngày 20 tháng Tư. Ngồi trên xe đi đầu, dễ làm mục tiêu cho các mũi súng quân thù là người đàn ông quan trọng nhất Do Thái, thủ tướng Ben Gurion với dáng dấp bệ vệ, tóc bạc trắng. Đoàn xe trải dài mười sáu dặm đường. Những chiếc đi đầu vào đến Jerusalem bình an vô sự, nhưng phần còn lại bị quân Ả Rập dưới quyền lãnh tụ mới Emile Ghory tấn công, sau đó đổ đá xây chướng ngại vật cắt con đường huyết mạch Bab el Wad. Jerusalem lại bị cô lập.
        ‘Ông ta không bước vào trong phòng, mà xông vào’. Chaim Haller nghĩ vậy. Cặp lông mày nhíu lại vì cơn giận, Ben Gurion ngồi vào ghế chủ tọa trước mặt những cấp chỉ huy trong Jerusalem. Vị thủ tướng bừng bừng nổi giận. Trước hết ông chiả mũi dùi vào lời khuyến cáo của  David Shaltiel (chỉ huy trưởng Haganah trong Jerusalem) phải di tản ra khỏi Kfar Etzion và khu vực Do Thái trong thành phố cổ (Old City). Sĩ quan kế hoạch của Shaltiel nhận thấy rằng vị thủ tướng giận run lên, đập tay xuống bàn, quạt Shaltiel ‘Không một nơi định cư Do Thái nào được quyền di tản’.
        Vị chỉ huy trưởng Haganah trong Jerusalem vẫn cố gắng trình bầy lý lẽ của mình. Ben Gurion cắt ngang, gằn giọng ‘Không được lùi!’. Để củng cố sức mạnh, vị thủ tướng quyết định đặt lữ đoàn Haganah Jerusalem (Shaltiel) và lữ đoàn Palmach Har-el (Rabin) dưới quyền chỉ huy của Yitzhak Sadeh.
        Sadeh bắt tay vào việc ngay, soạn thảo kế hoạch tấn công trong thành phố Jerusalem. Thay vì đợi người Ăng Lê rút quân, ông ta ra lệnh cho vị chỉ huy trưởng lữ đoàn Palmach Har-el, Rabin ‘Chiếm những vị trí quan trọng của phe Ả Rập trong Jerusalem, để đến ngày 14 tháng Năm, Jerusalem sẽ thuộc về tay ta.’.
        Kế hoạch của Sadeh chia làm ba đợt. Đợt một, đánh chiếm đỉnh Nebi Samuel nơi quân Ả Rập dưới quyền Kaukji đặt súng cối pháo kích vào thành phố. Đợt hai, về hướng bắc chế ngự làng Sheikh Jarrah, kiểm soát đường lên đỉnh Mount Scopus. Làm chóng, tiến chiếm luôn đỉnh Mount Olives, cắt đường không cho quân Lê Dương Ả Rập vào thành phố Jerusalem. Cùng lúc (đợt ba) lực lượng của Rabin sẽ tấn công những khu vực Ả Rập ở Katamon, khu vực Đức (German Colony), Talpiot và Silwan. Hành quân này được đặt tên Jebussi. Gần hai mươi năm sau (1967), thế hệ Do Thái tiếp nối làm lại bản cũ.
        Trong đợt đầu, ba mươi lăm chiến sĩ xung kích Palmach tử trận đêm 26 tháng Tư nơi đỉnh Nebi Samuels. Đợt thứ hai, đụng phải quân đội Anh, quân Do Thái phải lui về đỉnh Scopus. Hành quân Jebussi coi như thất bại, Sadeh phải sửa lại mục tiêu cho đợt ba. Quân Do Thái sẽ giới hạn cuộc tấn công nhằm vào khu vực Ả Rập sang trọng. Mục tiêu đầu tiên là hai dinh thự cao nhất trong khu vực Katamon. Khu này có hàng thông cao, tu viện Bảo Thủ Hy Lạp Thánh Simeon nhìn xuống trung tâm Jerusalem.
        Quân của Sadeh xâm nhập vào dưới chân tu viện, rồi tấn công lên. Quân du kích Abou Dayieh cùng với đồng minh Iraq chống cự mãnh liệt, tuy nhiên các chiến sĩ xung kích Palmach đánh cận chiến bằng lưỡi lê, lựu đạn chiếm từng phòng, buộc quân Ả Rập phải rút ra khỏi tu viện, chạy qua một biệt thự ba tầng cách khoảng một trăm thước.
        Tại đó Abou Dayieh ra lệnh cho đàn em phải lấy lại tu viện. Quân Ả Rập đem tới bốn khẩu súng cối ba inches cùng với hai trăm quân tăng viện. Tình thế trong tu viện trở nên tuyệt vọng, mấy tay thiện xạ Ả Rập từ trên các dinh thự cao xung quanh bắn tiả làm chết sáu binh sĩ Do Thái trên sân thượng tu viện, nơi họ bố trí khẩu đại liên. Một người duy nhất còn lại bị thương vẫn phải cố gắng xử dụng khẩu súng.
        David Elazar, một sĩ quan đại đội trưởng trẻ cõng người bạn thân của mình từ trên sân thượng xuống. Chân của anh ta bị mảnh súng cối chặt gần đứt, yêu cầu ông bạn Elazar cho mình phát súng ân huệ. Elazar trấn an, chích cho bạn mình mũi thuốc morphine rồi tiếp tục làm nhiệm vụ chiến đấu. Ít phút sau chàng quay trở lại, ông bạn đã chết, dùng mảnh kính vỡ cắt mạch máu.
        Quân Do Thái, Ả Rập chết bị thương nằm rải rác trong tu viện, máu loang khắp nơi, mùi thuốc súng khét lẹt. Tất cả sĩ quan đều bị thương, máy truyền tin không liên lạc được, thuốc men cũng đã gần cạn. Cuối cùng, Eliyahu Sela ‘Ramana’, viên sĩ quan chỉ huy Palmach nhận định rằng không còn giữ tu viện được nữa. Đầu hàng không thể chấp nhận được, quân thù sẽ phanh thây bọn chàng. Sela quyết định chia đại đội của chàng làm hai nhóm. Những ai bị thương vẫn còn đi được cùng với toán bảo vệ sẽ mở đường thoát ra ngã sau tu viện. Những người còn lại, khoè mạnh cõng người bị thương theo sau. Đích thân Sela cùng với năm sĩ quan sẽ nằm lại chống cự để địch không ngờ phe ta rút đi.
        Nhóm thứ nhất chỉ còn một người sống sót trong số ba mươi người. Trong khi nhóm thứ hai chuẩn bị ra đi, Abou Dayied gọi điện thoại đi Cairo báo cáo thượng cấp Haj Amin Husseini rằng địch vẫn còn kháng cự, quân ta đã kiệt lực, đạn súng cối không còn. Trùm Ả Rập xin xếp cho lệnh ngưng cuộc tấn công.
        Nơi bộ chỉ huy Haganah trong Jerusalem, tình báo Do Thái nghe lén cú điện thoại của Abou Dayied. Một đơn vị khác được gửi lên tiếp viện cho Sela. Tu viện nằm trong tay Do Thái. Phần còn lại của đợt tấn công thứ ba, chiếm trọn khu vực Katamon được trao cho Yosef Nevo, sĩ quan chỉ huy đơn vị đến tăng viện cho Palmach. Nevo được cha mẹ sống ở Chattanooga, tiểu bang Tennessee đem về Palestine lúc còn nhỏ. Chàng giỏi về hoá học, sáng lập viên một làng chiến đấu (kibbutz), đậu hạng danh dự khóa sĩ quan đầu tiên của Haganah.
        Nevo cho đơn vị tiến quân làm hai cánh song song trên hai con đường dẫn vào trung tâm Katamon. Quân Ả Rập đã dồn mọi nỗ lực nơi tu viện nên không còn đủ quân phòng thủ Katamon. Nevo vào thành phố không gặp trở ngại nào.
        Bộ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ George C. Marshall dẫn vị khách tới trước tấm bản đồ vùng Palestine trong phòng làm việc của ông ta. ‘Nhìn đây, các ông bị người Ả Rập bao quanh’. Chỉ tay vào vùng sa mạc Negev, ‘Tại đây cũng có có thêm một sắc dân Ả Rập’. Vị Ngoại Trưởng Hoa Kỳ tiếp tục chỉ tay vào vùng biển Galilee ‘Xung quanh các ông đều có các nước Ả Rập, và đằng sau lưng là biển. Làm sao các ông chiụ đựng nổi sức tấn công của họ?’.
        ‘Hãy tin tôi’, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ, một vị tướng nổi danh tiếp tục khuyến cáo bộ trưởng Ngoại Giao Do Thái Moshe Sharett ‘Tôi nói những điều tôi biết. Các ông nằm trong vùng duyên hải Palestine, trong khi người Ả Rập chiếm những ngọn đồi bao quanh. Tôi biết quý vị có ít súng đạn và Haganah, nhưng người Ả Rập có quân đội chính quy. Họ được huấn luyện, trang bị tối tân. Làm sao các ông hy vọng chống lại họ?’.

VII. NÉM NHỮNG VIÊN ĐÁ RỒI CHẾT.
        Đông đảo cảnh sát bao quanh toà nhà Quốc Hội Ai Cập, mặc dầu buổi hội nghị phải giữ bí mật. Bên trong, bộ trưởng Quốc Phòng Mahmoud Nokrashy Pasha đứng lên nhìn những khuôn mặt ngồi xung quanh bàn tròn. Lúc đó là sáu giờ chiều ngày thứ Ba 11 tháng Năm, 1948, ông ta yêu cầu những vị lãnh đạo trong chính quyền đồng ý tuyên chiến với kẻ thù không đội trời chung Do Thái. Một người lên tiếng hỏi ‘Quân đội đã sẵn sàng chưa?’. Pasha chậm rãi trả lời ‘Tôi đứng ra nhận lãnh trách nhiệm, quân đội đã sẵn sàng’.
        Trong vòng hai tiếng đồng hồ, phiên họp bí mật kết thúc, đồng ý cho Pasha phát động chiến tranh và thêm sáu triệu đô la cho quân đội Ai Cập.
        Mười lăm ngàn trong số bốn mươi ngàn quân đội Ai Cập đã nằm trong đoàn quân xâm lăng, tập trung nơi vùng biển El Arish trong bán đảo Sinai. Thực ra chỉ có bốn tiểu đoàn thuộc hai lữ đoàn mới sẵn sàng tác chiến. Vị tư lệnh phó lực lượng viễn chinh, đại tá Mohammed Naguib đã khuyến cáo cấp chỉ huy ‘Coi chừng sa lầy!’. Thiếu tướng Ahmed Ali el Muawi tin rằng, chỉ cần đánh sơ sơ, địch đã buông súng đầu hàng.
        Tại đầu bên kia vùng biển Palestine, một đơn vị tám trăm quân Ả Rập khác tập trung trong hải cảng Sidon thuộc Li Băng (Libanese). Những quân nhân Ma Rốc (Moroccan) biểu tượng sự đóng góp của khối Ả Rập Bắc Phi.
        Đơn vị tinh nhuệ, trang bị đầy đủ nhất của khối Ả Rập là đơn vị Lê Dương (Arab Legionaire). Họ được người Ăng Lê ngấm ngầm yểm trợ súng đạn, ngoài cấp số đạn đầy đủ để tấn công trong một tháng, đạo quân Lê Dương còn được bí mật tiếp tế thêm số đạn dược thặng dư, thay vì người Anh đem đổ xuống biển Chết (Dead sea). Quân Lê Dương cũng tăng từ 4500 tới 7000 người. Đơn vị này chia ra làm bốn trung đoàn cơ giới, là đơn vị Ả Rập duy nhất mà Haganah kiêng nể.
        Tại hội nghị Amman, các nhà lãnh đạo trong khối Ả Rập đã đồng ý phân chia trách nhiệm như sau. Đạo quân Lê Dương sẽ là mũi dùi chính từ Jerusalem đến Nablus. Quân Ai Cập sẽ tấn công từ hướng nam lên Bethlehem. Quân Syria và Iraq sẽ tấn công vùng Galilee. Theo những nhà quân sự trên thế giới, đối đầu với quân đội chính quy các nước trong khối Ả Rập, được huấn luyện, trang bị đầy đủ, chiến sĩ Haganah của Do Thái ‘ném những viên đá rồi chết!’.

VIII. ĐỊNH MỆNH ĐẾN VỚI KFAR ETZION.
        Một điệu nhạc buồn trổi lên từ chiếc Accordion trong màn đêm nơi làng chiến đấu Kfar Etzion. Zvi Ben Joseph, một thi sĩ ở Vienna chơi một trong những bản nhạc do chàng soạn ra trước một đám đông những bạn trẻ bao quanh ‘Nếu tôi gục ngã! Bạn ơi! Hãy cầm lấy khẩu súng trả thù cho tôi’. Lời nhạc gói ghém đầy ý nghĩa cho 545 người dân định cư, chờ đợi đêm định mệnh 11 tháng Năm, trên ngọn đồi xấu số.
        Chuyện đã xẩy ra trước đó sáu tuần, sau khi đoàn xe tiếp tế cho Etzion bị phục kích tại Nebi Daniel. Ngày 12 tháng Tư, làng chiến đấu được trao cho nhiệm vụ quân sự, quấy phá xe cộ Ả Rập trên lộ trình Jerusalem và Hebron. Rồi ngày 30 tháng Tư, họ được trao cho nhiệm vụ mới mà sẽ khép kín định mệnh dành cho họ. Họ phải cắt đường, ngăn ngừa quân Ả Rập từ Hebron kéo lên, khi Palmach tấn công khu vực Katamon.
        Người chỉ huy Kfar Etzion đã có nhiều kinh nghiệm ‘sống còn’ qua các trại ‘tử thần’ của Đức Quốc Xã, Moshe Silberschmidt đã khuyến cáo phe ta những nguy hiểm đang chờ đợi. Rạng đông hôm 4 tháng Năm chuyện phải đến đã xẩy ra. Lần đầu tiên ở Palestine, quân dân Do Thái theo đầu mủi súng đã nhìn thấy những gì thủ tướng Ben-Gurion tiên đoán trước đây. Quân Ả Rập với quân phục đầy đủ, theo sau lớp bụi chiến xa đang tiến về phiá họ. Quân thù nhất quyết nhổ cái gai nhọn Kfar Etzion trước ngày 14 tháng Năm, và đơn vị tấn công là Ả Rập Lê Dương.
        Hai chi đội xe bọc sắt bắt đầu bắn xối xả vào những tiền đồn Do Thái trong tu viện Bảo Thủ Nga Xô, dọc theo trục lộ Jerusalem, Hebron. Tiếp theo quân Lê Dương được hàng trăm dân Ả Rập yểm trợ tấn công. Quân Do Thái phải lui trở về làng. Tuy nhiên, quân Lê Dương tập trung nỗ lực khai thông trục lộ Jerusalem, Hebron nên không tiếp tục tấn công. Thiếu tá Abdullah Tell, chỉ huy đơn vị Lê Dương thề với dân làng Kfar Etzion rằng ‘Chúng tôi sẽ trở lại’.
        Sáng hôm sau, bên cạnh giao thông hào, dưới những hàng cây ăn trái, Moshe Silberschmidt làm bổn phận buồn bã, chôn cất mười hai người dân tử trận hôm qua. Viên sĩ quan trẻ hỏi những binh sĩ đang ngậm ngùi ‘Mạng sống của chúng ta có giá trị nào?’. ‘Không có gì so sánh được với nhiệm vụ của chúng ta. Nên nhớ rằng, chúng ta bảo vệ kinh thành Jerusalem’.
        Những người đến định cư tại Kfar Etzion năm xưa đã thề rằng, sẽ không ngừng tay khi những sườn đồi chưa nở hoa. Bây giờ họ phải trực diện với một thử thách khó khăn, nguy hiểm đến ngay cả sinh mạng của họ. Theo lời cấp chỉ huy của họ ‘Một vụ Masada khác’ (Người Do Thái ngày xưa đã chống lại quân La mã trên đỉnh Masada hơn hai năm. Khi quân La Mã vào được thành, tất cả mọi người Do Thái đều tự vẫn). Một người viết lá thư trăn trối trong đêm cuối cùng ‘Tối thiểu, chúng ta cũng nên mừng vì đã làm được một điều mà những người trong các trại tập trung bên Âu châu không làm được. Chống lại quân thù bằng đôi tay, vũ khí của chúng ta’.
        Một thanh niên trẻ đưa cô bạn gái y tá trở lại bệnh viện. Yaacov Edelstein đã cùng với chiến hữu chống lại quân xâm lăng Đức Quốc Xã ở Ba Lan, chàng có giác quan thứ sáu về định mệnh của làng Kfar Etzion. ‘Em ơi! Anh chắc rằng, quân thù sẽ đến tìm chúng ta. Anh sợ rằng, mình sẽ không còn dịp gặp nhau nữa’.
        Edelstein đã đoán đúng. Quân Lê Dương quay trở lại. Từ Hebron và những làng Ả Rập xung quanh, ngoài quân chính quy Lê Dương, dân làng Ả Rập cũng lên xe, theo sau xe bọc sắt và bán xích sắt tiến về ngôi làng yểu mệnh Kfar Etzion.
        Quân Ả Rập bắt đầu tấn công vào lúc bốn giờ sáng hôm thứ Tư, 12 tháng Năm. Những quả đạn pháo kích đầu tiên làm chấn động căn nhà của Edelstein, chàng vội chạy ra nơi phòng tuyến trong bộ quần áo ngủ pajamas. Trận đánh cuối cùng cho dân làng Kfar Etzion bắt đầu. Thiếu tá Tell đã giữ đúng lời thề, trở lại thanh toán làng chiến đấu Do Thái bằng mọi giá.
        Thiếu tá Tell ra lệnh cho Đại úy Hikmet Muhair mở đầu đợt tấn công bằng một đại đội bộ binh, một chi đội xe bọc sắt và hàng trăm quân tự vệ Ả Rập. Một trung đội được lệnh chiếm một phần cao điểm Yên Ngựa (Saddle), sau đó tiến dọc theo hàng cây đánh xuống phiá nam những căn nhà chính (lớn) trong làng.
        Dân làng Kfar Etzion chỉ được trang bị đơn sơ, bị hỏa lực trên những xe bọc sắt đàn áp mãnh liệt. Những chiếc bao cát bị đạn xé nát, hầm hố trúng đạn cối xụp đổ, người Do Thái phải rút về tử thủ bên trong làng Etzion (Etzion có ba làng nhỏ bao quanh: Massuot, Ravadim, và Ein Tsurim). Zvi Ben Joseph, chàng thi sĩ hát những bản nhạc buồn đêm trước bị trúng đạn trọng thương trên đường rút. Một người bạn, lấy khẩu Sten trong tay người đang chết, tiếp tục vừa bắn vừa lui về Kfar Etzion. Vài phút sau, một viên đạn khác kết thúc cuộc đời Moshe Silberschmidt, không cho chàng làm sống lại sự tích Masada. Kẻ sống sót bốn năm qua các trại tử thần Đức Quốc Xã gục ngã cách người bạn thi sĩ chừng vài thước.
        Trên đường tiến quân, quân Lê Dương phải càn quét một cứ điểm do mười tám người dân làng phòng vệ. Trong vòng một tiếng đồng hồ tấn công, người chỉ huy cứ điểm tử trận, cứ điểm này cũng phải rút về Kfar Etzion. Đại úy Muhair đã hoàn tất đợt một của trận tấn công, chia cắt, cô lập Kfar Etzion thành bốn khu vực. Bây giờ chỉ còn việc thanh toán từng ổ kháng cự một.
        ‘Địch quân đang tràn vào. Khẩn! Yêu cầu cho máy bay lên yểm trợ cho chúng tôi’. Trong hầm chỉ huy làng Kfar Etzion, Eliza Feuchtwanger cô gái Do Thái sinh quán ở Ba Lan tiếp tục gửi đi những công điện cầu cứu ở mức độ khẩn. ‘Tình hình nguy ngập về quân số, vũ khí, đạn dược. Làm với tất cả khả năng của bạn trong đêm nay. Chúng tôi không còn người để lo cho thương binh, tử sĩ’. Hỏa lực trên các xe bọc sắt tàn phá làng Kfar Etzion, nhà nào cũng xụp đổ, căn nhà Neve Ovadia (nhà lớn chung để hội họp, v.v...) đã bay mất nóc. Nhà ăn tập thể, bếp, bệnh viện, thư viện đều bị phá hủy.
        Chỉ còn lại căn nhà đặt bộ chỉ huy vẫn còn đứng vững vì xây bằng đá núi. Bên trong đầy thương binh, những người còn chiến đấu thay phiên nhau nằm nghĩ lấy lại sức. Kfar Etzion có vị chỉ huy mới Abbras Tamir, ông ta đã bị thương hôm 4 tháng Năm, được cáng đem vào đây. Vị chỉ huy trưởng đã chết, nằm trên cáng Tamir vẫn đốc thúc dân làng chống cự, đẩy lui các đợt tấn công của quân Lê Dương và Ả Rập.
        Bên ngoài, đại úy Lê Dương Hikmet Muhair tạm ngưng tấn công, báo cáo tình hình, yêu cầu cấp chỉ huy cho thêm quân tăng viện. Dân làng Kfar Etzion được sống qua một đêm nữa.
        Im lặng bao trùm màn đêm nơi làng Etzion, những cặp mắt mệt mỏi chờ đợi cứu tinh, nhìn lên bầu trời đầy sao. Họ vẫn nuôi nguồn hy vọng Haganah đem đến vũ khí đạn dược, đồ tiếp liệu cho họ. Vài chiếc máy bay Haganah cố gắng thả dù tiếp tế xuống nhưng đều rơi ra ngoài phòng tuyến của làng, lọt vào tay địch quân.
        Lợi dụng bóng tối, một toán tình nguyện được lệnh lên gài mìn nơi con đường chính vào làng. Abbras Tamir quyết định di tản ba mươi lăm người bị thướng qua một trong những làng phụ cận. Ông ta mất thêm một số quân, tình nguyện cõng những người đi không được. Đoàn thương binh di tản dưới quyền chỉ huy bác sĩ Aaron Windsberg, một y sĩ giải phẫu trong Hồng Quân Nga. Họ đi trên sườn núi, ngã lên ngã xuống vẫn phải cố gắng không gây tiếng động để giữ bí mật. Đích thân bác sĩ Windsberg cõng theo một người khác bị thương. Tamir được nằm trên cáng khiêng đi qua làng Massuot. Ông ta hy vọng đến sáng, gom quân đánh trở lại.
        Một đêm bình an, thỉnh thoảng có tiếng súng nổ, đạn lửa bay xẹt ngang bầu trời. Yaacov Edelstein thầm nghĩ ‘Một đêm xuân thật đẹp’. Vài người dân làng kiệt sức, thiếp đi trong giấc ngủ. Họ cầu nguyện cho đêm dài vô tận.
       
IX. BỬA CƠM CUỐI CÙNG.
        Trên nóc căn Nhà Đỏ, bộ chỉ huy Haganah, hai người đàn ông lo lắng nhìn qua ống nhòm ra ngoài khơi. Một chiếc tầu cũ kỹ, chậm chạp bò vào hải cảng Tel Aviv. Đó là chiếc Bora mà David Ben-Gurion đã hứa với với các nhân vật quan trọng, sẽ đem đến năm khẩu đại bác cùng 48000 viên đạn để bảo vệ nền độc lập của Do Thái. Vì nhu cầu gấp rút, cấp chỉ huy Haganah đã quyết định đưa con tầu vào sớm bốn mươi tám tiếng đồng hồ, trước khi người Anh cuốn cờ.
        Chợt một người la lên. Joseph Avidar vừa phát hiện một chiếc tuần dương hạm Hải Quân Anh đang đuổi theo chiếc Bora. Avidar tiếp tục theo dõi, các sĩ quan hải quân, nhân viên quan thuế Ăng Lê lên chiếc Bora khám xét. Trên tầu, họ thấy toàn là đồ ăn, khoai tây, hành tỏi. Vẫn còn nghi ngờ, người Anh ra lệnh cho chiếc Bora chạy đến hải cảng Haifa để khám xét.
        Avidar liên lạc với thuyền trưởng, xúi cho người phá một bộ phận quan trọng trong máy tầu để chiếc Bora không còn chạy được. Người Anh gọi thêm một chiếc tuần dương hạm khác đến kéo chiếc Bora. Họ vẫn cho rằng mình là ông chủ vùng đất Palestine, và cấm người Do Thái không được trở về. Những chiếc tầu chở lậu người Do Thái về Palestine, bị bắt đều đem đến trại tập trung trên đảo Cyprus (Về miền Đất Hứa - Exodus). Các cấp chỉ huy Haganah đau lòng nhìn con tầu Bora cùng năm khẩu đại bác từ từ ra khuất vùng biển Tel Aviv.
        Trong làng Kfar Etzion, mắt người nào cũng đỏ vì thiếu ngủ, thần kinh căng thẳng. Trên những đôi chân mệt mỏi, những chiến sĩ Haganah nhìn quân thù đang tiến về phiá họ. Đối với một trăm năm mươi chiến sĩ Haganah, dân làng vẫn còn chiến đấu, đoàn xe bọc sắt của địch đã đánh tan nguồn hy vọng, phép lạ sẽ cứu làng của họ.
        Thiếu tá Tell chỉ huy đơn vị Lê Dương Ả Rập đến chiến trường để trực tiếp chỉ huy trận đánh. Tại làng Kfar Etzion, ông ta rất bực mình, đại úy Muhair đã phân tán những chiếc xe bọc sắt rải rác khắp nơi. Lính Lê Dương của ông ta trộn lẫn với dân tự vệ Ả Rập, tiêm nhiễm thói cướp bóc. Lập tức, thiếu tá Tell ra lệnh tập họp đơn vị lại, tách rời khỏi đám dân hỗn tạp, và tập trung các xe bọc sắt lại.
        Đúng 11:30 sáng, thiếu tá Tell ra lệnh tấn công. Sau này ông ta công nhận, người Do Thái trong làng đã chiến đấu ‘hết sức can đảm, không thể tưởng được’. Trong làng họ chỉ có mỗi khẩu đại liên, phải di chuyển đầu này đầu kia để yểm trợ. Các chiến sĩ Haganah nơi tiền đồn Rock Hill cửa ngõ chính vào làng, chiến đấu đến hết đạn, họ phá súng rồi bỏ chạy.
        Tại cổng làng, Nahum Ben-Sira trông thấy chiếc xe bọc sắt dẫn đầu đoàn xe tiến vào làng. Trên tay người chiến sĩ trẻ, đến Etzion sau khi sống sót qua trại tử thần Mauthausen là khẩu Bazooka nội hóa. Cả hai Ben-Sira lẫn anh bạn Abraham Gessner chưa từng xử dụng khẩu súng này. Tim đập loạn xạ, ngón tay trên cò súng, Ben-Sira hướng nòng súng theo sự di chuyển của chiếc xe bọc sắt dẫn đầu. Khi còn cách năm mươi thước, Ben-Sira siết cò. Viên đạn bazooka không nổ, cả hai nằm xuống tránh đạn rồi bấm nút mìn. Quả mìn cũng không nổ (họ xài đồ phế thải). Chiếc xe bọc sắt cán qua những tảng đá cản đường rồi vào bên trong làng. Hai quả bom biến chế Molotov cocktails ném vào xe, làm chiếc xe ngừng lại bốc cháy. Chiến thắng của hai chiến sĩ trẻ chỉ thoáng trong giấy lát. Ngay sau đó, đằng sau lớp bụi mờ, một chiếc khác xông vào, theo sau là tiếng la hét của đám dân Ả Rập cuồng tín tràn qua cổng.
        Trong hầm chỉ huy làng Kfar Etzion, Eliza Feuchtwanger báo cáo cho Jerusalem ‘Quân Ả Rập đã vào làng! Vĩnh biệt!’. Cầm bức công điện trong bộ chỉ huy Haganah Jerusalem, David Shaltiel người đã yêu cầu di tản Kfar Etzion cắn môi, chẩy nước mắt. Người con gái đến từ Ba Lan gửi thêm bức công điện ‘Quân Ả Rập có mặt ở khắp nơi. Hàng ngàn tên, mầu quần áo đen của chúng phủ lên các ngọn đồi’.
        Vài phút sau, Eliza cài chiếc khăn trắng dính đầy máu trên cần antenna. Đầu hàng! Nhiều chiến sĩ Haganah, dân làng vẫn còn chiến đấu dưới giao thông hào làm thông tín viên phải chạy tới thông báo. Tiếng súng từ từ chấm dứt, những người sống sót kiệt sức lê bước về bộ chỉ huy. Nhiều người vẫn chưa chịu đầu hàng, như Yaacov Edelstein tức tối phá khẩu súng. Cô nàng tóc vàng xinh đẹp Zipora Rosenfeld, sống sót qua trại tử thần nổi tiếng Auschwitz ngồi khóc.
        Năm mươi người sống sót ngồi tập trung trên khoảnh đất nhỏ trước bộ chỉ huy. Trong đó có Eliza Feuchtwanger mà những công điện gửi về Jerusalem trở thành huyền thoại trên khắp vùng đất Palestine. Yaacov Edelstein nhìn quanh tìm cô bạn gái y tá mà chàng đã đưa trở lại bệnh viện cách đó hai hôm. Nàng đã chết! Yitzhak Ben-Sira tìm năm anh chị em mà ông ta đã đem về từ các trại tử thần bên Âu châu. Chỉ còn một mình Nahum sống sót. Zipora Rosenfeld dựa vào người chồng ngồi bên cạnh mà nàng không chịu lià bỏ. Cả hai đang nghĩ về đứa con trai Yosi, mới sinh được vài tuần trên quê hương mới, miền Đất Hứa.
        Edelstein trông thấy một tên Ả Rập bước lại chỗ bọn chàng (tù binh), nhanh tay chàng bấm chiếc máy ảnh, ghi lại hình ảnh đau thương nhất trong lịch sử làng Kfar Etzion, từ khi những người Do Thái đầu tiên đến định cư.
        Bỗng dưng tiếng súng bắt đầu nổ vang dội, Edelstein trông thấy thây người gục ngã xung quanh chàng. ‘Thế là hết!’, chàng nghĩ vậy, rồi trông thấy tận mắt một tên Ả Rập đâm ngập ngọn lưỡi lê vào ngực người bạn trước mắt. Như một phản ứng tự nhiên, Edelstein đứng bật dậy chạy thục mạng trước những cặp mắt ngạc nhiên của quân thù.
        Nahum Ben-Sira chạy bán sống bán chết đến dàn nho nơi bìa làng. Quân Ả Rập chạy tới chạy lui, lục xoát trong làng để tìm của, không biết có người sống sót đang lẩn trốn. Chàng chui vào một bụi nằm nghỉ đợi đêm xuống sẽ tìm đường sống.
        Edelstein cùng ba đồng đội chạy thoát ra khỏi Kfar Etzion. Bọn chàng leo vào một căn nhà xây bằng đá. Bên trong là một ông già Ả Rập, đã rụng hết răng, khuôn mặt khắc khổ, nhăn nheo. Cả bốn người định chạy nữa nhưng ông lão đã trấn an bọn chàng ‘Đừng sợ’. Rồi một đám Ả Rập chạy đến túm cổ Edelstein và Yitzhak Ben-Sira đẩy vào vách tường. Ông lão đứng che cho mấy người Do Thái ‘Đủ rồi. Các người đã giết quá nhiều!’. Một tên Ả Rập nói ‘Câm mồm! Chúng nó sẽ giết luôn ông!’. Ông lão dang hai tay ra, điềm tĩnh trả lời ‘Không! Họ được sự bảo lãnh của tôi’. May mắn thay, lúc đó có hai người lính Lê Dương đến dẫn mấy người Do Thái đi.
        Eliza Feuchtwanger cùng với mấy người nữa nhẩy xuống một hào sâu, quân Ả Rập chạy đến xả súng bắn vào những thây người như trút cơn giận. Eliza may mắn được mấy thân người nằm trên che đi, bọn Ả Rập lôi nàng lên, dẫn vào bụi định hãm hiếp. Bỗng một tràng tiểu lên vang lên, Eliza mở mắt ra. Hai tên Ả Rập ngã xuống, rồi một viên thiếu úy Lê Dương bước lại đỡ nàng dậy, dẫn ra chỗ xe bán xích sắt. (Lính Lê Dương bảo vệ tù binh khỏi bàn tay tàn sát của dân tự vệ Ả Rập).
        Trong làng Kfar Etzion chỉ còn lại tiếng la hét man rợ của bọn cướp bóc Ả Rập. Eliza là người sống sót duy nhất trong đám xung kích Palmach, được đưa lên tăng cường cho Kfar Etzion. Trong số tám mươi tám người còn sống trong làng trước khi thiếu tá Lê Dương Tell chỉ huy trận tấn công, chỉ có ba người còn sống: Yaacov Edelstein, Nahum và Yitzhak Ben-Sira.
        Lời tiên đoán của Moshe Silberschmidt thành sự thật. Máu của một trăm bốn mươi tám người dân Do Thái đã nhuộm đỏ làng Kfar Etzion mà họ đã thề không lià bỏ mảnh đất Thượng Đế đã ban cho họ. Một huyền thoại ‘Masada’ đã xẩy ra nơi làng Kfar Etzion.
        Sau bức công điện của Eliza, Haganah yêu cầu Hồng Thập Tự Quốc Tế can thiệp để ba làng phụ cận đầu hàng, để tránh bị thảm sát như Kfar Etzion. Trên nóc căn nhà lớn nhất trong làng Massuot, Uriel Ofek chàng thi sĩ tình nguyện vào Palmach nhìn thấy quân Ả Rập tràn vào làng Etzion như mầy kiến đen.
        Hồng Thập Tự Quốc tế dàn xếp để ba làng nhỏ đầu hàng quân Lê Dương (tránh dân Ả Rập) vào lúc bốn giờ sáng. Tại các làng, sĩ quan Haganah chỉ đồng ý buông súng khi đàn bà trẻ con và thương binh của họ đã được lính Lê Dương di tản. Nơi làng Ein Tsurim, một người dân chạy vào căn nhà ăn lớn lấy cuộn kinh Torah đem theo. Tại Massuot, một giáo sĩ lẩm rẩm đọc kinh Sabbath. Những chiếc xe Lê Dương chở tù binh Do Thái từ từ lăn bánh ra khỏi những căn làng nhỏ, mọi người chẩy nước mắt nhìn ngôi làng lần chót, mà họ đã bỏ biết bao mồ hôi xây dựng.
       
D. PHẦN BỐN. JERUSALEM, THÀNH PHỐ NGĂN CÁCH (15/5/1948 - 17/7/1948).

I. CHÚNG TA SẼ ĐỨNG VŨNG.
        Đứng tựa trên cửa sổ xe lửa, các quân nhân Ai Cập thuộc tiểu đoàn Sáu Bộ Binh tưởi cười vẫy tay chào thân nhân, bạn bè tiễn đưa. Đơn vị này trên đường ra chiến trường sa mạc Sinai. Thiếu úy Mohammed Rafat, sĩ quan quân báo tiểu đoàn quả quyết ‘Họ sẽ trở về vinh quang’.
        Khắp nơi trong thủ đô Cairo, Ai Cập, mọi người bàn chuyện chiến tranh. Đúng nửa đêm, sau khi trổi khúc quân hành trong bài quốc ca Aida, đài phát thanh Cairo thông báo lệnh ‘Thiết quân luật’, và vị tù trưởng làng Al Azhar tuyên bố ‘Giờ khởi đầu cho trận Thánh Chiến đã đến’. Thủ tướng Nokrashy Pasha tuyên bố rằng đang đem quân qua Palestine để bảo vệ phần đất khỏi bàn tay Zionists. Vài phút sau, tổng trưởng Ngoại Giao Ai Cập chính thức thông báo cho người Hoa Kỳ biết rằng, sau khi người Anh chấm dứt chế độ bảo hộ, Ai cập đã bắt đầu đưa quân vào Palestine. Trong phi trường Almaza, binh sĩ đang chất bom lên máy bay để oanh tạc.
        Một nhóm sĩ quan cao cấp ngồi xung quanh bàn họp, Vua Farouk trong bộ quân phục ngồi chủ tọa. Họ bàn kế hoạch hành quân trước một tấm bản đồ lớn, tiến quân như thế nào để vào Tel Aviv ca khúc khải hoàn.
        Bên kia những rặng núi phân chia ranh giới, ở Damacus, chính quyền Syria cũng ra lệnh đóng cửa biên giới, ban hành ‘Thiết quân luật’ và ra lệnh đài phát thanh, phát đi phát lại những bản nhạc quân hành. Trong Baghdad, Nuri as-Said được các tướng lãnh dưới quyền thề sẽ lấy hải cảng Haifa trong vòng hai tuần lễ. Iraq ăn to nói lớn nhưng chỉ đưa hai ngàn quân qua Palestine. Ngài Sir Alec Kirkbride (viên chức Ăng Lê) phán rằng ‘cấp chỉ huy quân Iraq là một thằng ngốc, không đủ khả năng chỉ huy một tiểu đội’.
        Đúng năm phút sau nửa đêm, đơn vị tiền phương Lê Dương Ả Rập di chuyển ra khỏi nơi tập trung. Ngồi trên chiếc xe Jeep dẫn đầu đoàn quân là đại úy Mahmoud Roussan. Bầu trời đen, không trăng, đoàn xe đi không để đèn, đại úy Roussan chỉ nghe tiếng động cơ của xe.
        Thủ tướng đầu tiên của Do Thái Ben-Gurion đi ngủ sớm đêm 14 tháng Năm để giữ sinh lực cho những thử thách sắp đến. Một lần nữa, ông bị đánh thức dậy để được thông báo rằng người Hoa Kỳ đã chính thức công nhận quốc gia Do Thái.
        Trong khi những đạo quân trong khối Ả Rập đổ vào Palestine, một đơn vị đi ngược trở ra Fawzi el Kaukji nhận lệnh từ Damacus rút quân trở lại Jordan. Trước khi trời sáng, đoàn quân triệt thoái đi ngang qua đoàn quân Lê Dương Ả Rập trên đường phố vắng vẻ Ramallah. Kaukji tin rằng đơn vị Lê Dương này sẽ trám vào chỗ bỏ trống của ông ta. Thực sự không xẩy ra như vậy! Ngay sau khi đơn vị dưới quyền Kaukji rút đi, quân Do Thái không bỏ lỡ cơ hội tiến lên chiếm cao điểm cửa ngõ vào Jerusalem.
        Vấn đề then chốt bộ chỉ huy Haganah trong Jerusalem lo nhất là quân Ả Rập dưới quyền Bajhat Abou Gharbieh trong khu Musara bên ngoài bức tường hướng tây bao quanh thành phố cổ (Old City) vẫn còn kháng cự. Đến trưa, Haganah được tin quân Ai Cập đang trên đường đến Tel Aviv từ hướng nam. Mặc dầu Yitzhak Rabin yêu cầu tăng cường thêm một tiểu đoàn thuộc lữ đoàn Palmach Givati để giữ Latrun, ải điạ đầu vào Jerusalem từ hướng bắc. Bộ chỉ huy quân lực Do Thái ra lệnh cho lữ đoàn Givati di chuyển về hướng nam chặn quân của vua Farouk 
       
II. THÁNG ĐẸP NHẤT TRONG NĂM.
        Trong phòng ngủ nhìn qua bệnh viện Autrian Hospice, từ ngày 14 tháng Năm, Aladin Namari tự phong chức tổng trưởng Thông Tin. Ông ta mở các đài phát thanh của khối Ả Rập để nghe tin tức chiến sự. Ngày Chủ Nhật 16 tháng Năm, đài phát thanh Palestine ở Ramallah loan tin ‘Quân Ả Rập tiến nhanh trên mọi chiến trường, chiến thắng liên tục’.
        Đài phát thanh ở Baghdad cho biết ‘Quân Iraq đã chiếm nhà máy phát điện Ruttenberg mà cung cấp điện lực cho gần hết lãnh thổ Palestine’. Thủ đô Cairo thông báo ‘Quân Ai Cập đã đến Gaza qua ngã Khan Yunis và tiến nhanh như vũ bão’. Beirut hãnh diện phát thanh ‘Quân Li Băng vẫn tiếp tục tiến công, tiêu diệt những thành trì Do Thái’.
        Theo Namari, chỉ có bệnh viện Austrian Hospice nói đúng sự thực, cần tiếp tế thuốc men. Nhà máy điện Ruttenberg ‘bị quân Iraq chiếm’ nằm trong khu vực Transjordan (Ả Rập), Khan Yunis, và giải Gaza cũng là vùng đất của dân Ả Rập. Những bản tin chiến thắng kế tiếp của quân đội Ai Cập nơi Beersheba, Hebron và Bethlehem làm George Deeb nổi nóng nói với một người bạn ‘Chẳng biết họ biết coi bản đồ không? Những vùng chiếm được toàn là khu vực Ả Rập’.
        Narami báo cáo cho thủ tướng Ben-Gurion. Nơi hướng bắc, phe ta tổn thất một trăm năm mươi trong một tiểu đoàn năm trăm quân. Trong vùng bắc Galilee, tình thế khó khăn, tinh thần binh sĩ trong nhiều đơn vị xuống. Quân Ai Cập tấn công được báo cáo ở Nir Am, Nirin, Kfar Darim, và những làng định cư khác. Chắc chắn họ không thể nào chống lại chiến xa, đại bác, vũ khí tối tân của địch. Báo cáo khác cho biết có trục tiến quân của Ai Cập dọc theo bờ biển.
        Một trong những quân nhân Ai Cập đi đầu có thiếu úy Mohammed Rafat, sĩ quan quân báo tiểu đoàn Sáu, người mà rất hăng say, tươi cười từ giã gia đình nơi trạm xe lửa Cairo. Rafat bị hoang mang, được lệnh tấn công một làng Do Thái mà chàng ta không tìm thấy trên bản đồ.
        Không có đơn vị trinh sát, một vị đại tá đích thân dẫn một toán quân trong đó có Rafat đi tìm ngôi làng ‘mất tích’ Do Thái. Vị đại tá này chưa từng chỉ huy một đơn vị tác chiến, dẫn toán quân đi bộ chin cây số trong sa mạc. Đến sáng hôm sau, họ đến gần mục tiêu. Hõa lực trong làng bắn ra trúng vài quân nhân Ai Cập, số còn lại nằm chịu trận giữa cái nóng thiêu đốt của sa mạc. Quân Ai Cập vẫn phải ráng gồng đợi đêm xuống mới rút trở về tuyến xuất phát. Chưa hết, trong căn cứ không có nước uống. Giấc mơ ca khúc khải hoàn ở Tel Aviv của Rafat tan biến mất.
        Sự thiếu vắng của đoàn quân Lê Dương Ả Rập hôm Chủ Nhật làm một cấp chỉ huy Do Thái mừng thầm trong bụng. Cữ mỗi giờ trôi qua, không thấy mầu ngụy trang sa mạc của xe bọc sắt Lê Dương xuất hiện trên những sườn đồi phiá trên Sheikh Jarrah, làm cho quân của David Shaltiel tiến thêm một bước chinh phục thành phố Jerusalem. Hành quân Pitchfork, do ba mũi dùi tiến chiếm những căn cứ quân sự người Ăng Lê rút đi gần như hoàn tất. David Shaltiel đã sẵn sàng đưa quân vào thành phố cổ (Old City). Mục tiêu được chọn là cổng Jaffa, chế ngự ba ngọn tháp canh thành Suleiman. Shaltiel có cách bí mật tấn công thành Suleiman, do một nữ khảo cổ học, vợ của một sĩ quan thuộc cấp cung cấp tin tức. Bà ta biết rằng, dưới chân thành, bên ngoài bức tường bao quanh thành phố cổ, có một đường hầm bí mật cao sáu bộ, rộng ba bộ (feet) dẫn vào sân trong thành. Bên ngoài đường hầm là cánh cổng sắt, cũng không ai biết.
        Shaltiel phác họa một kế hoạch tấn công đơn giản. Yosef Nevo sẽ chỉ huy hai xe bọc sắt, một xe thám thính đến bắn phá cổng Jaffa, thu hút quân phòng thủ trong thành. Một toán xung kích sẽ dùng chất nổ phá cánh cổng sắt che đường hầm, sau đó bộ binh sẽ tràn vào tấn công bên trong thành Suleiman.
        Bắt buộc quân Do Thái phải vào bên trong thành phố cổ (Old City), nhiều công điện khẩn từ khu vực Do Thái bên trong báo cáo bị tấn công, sẽ giữ không được lâu nếu không có tiếp tế, viện binh. Shaltiel dự trù, sau khi đã chiếm thành Suleiman, quân của ông ta sẽ băng qua khu Armenian, tiến về phiá khu vực Do Thái đánh giải tỏa khu vực này. Để giữ quân Ả Rập tập trung nơi cổng Jaffa, Shaltiel cho đặc công Irgun và Stern Gang tấn công nơi cổng New Gate. Đơn vị xung kích Palmach tấn công đỉnh Mount Zion.
        Viên chỉ huy trưởng Haganah trong Jerusalem David Shaltiel gặp trở ngại, cấp chỉ huy các đơn vị tăng phái Irgun, Stern Gang và Palmach nghi ngờ Shaltiel dành phần chiến thắng vào thành phố cổ cho đơn vị Haganah của ông ta. Cấp chỉ huy Palmach Yitzhak Rabin, Yosef Tabenkin không tin là kế hoạch sẽ thành công ‘Đánh vào cổng Jaffa cũng như đập đầu vào đá’. Họ đề nghị tập trung lực lượng đánh qua cổng Mandelbaum nơi đông bắc thành phố cổ. Chiếm giữ nơi này sẽ kiểm soát cửa ngõ vào Jerusalem. Shaltiel trả lời ‘Tôi không cần các ông cố vấn. Tôi chỉ hỏi các ông có nhận lời, đánh nghi binh hay không?’.
        Ngay cả vài sĩ quan dưới quyền cũng không đồng ý với Shaltiel. Yitzhak Levi khuyến cáo rằng súng đại liên đặt trên tháp canh David sẽ chận đứng mọi cuộc tấn công của phe ta. Viên sĩ quan đầu tiên Shaltiel yêu cầu chỉ huy trận tấn công, từ chối viện lẽ kế hoạch sẽ không thành công.

III. GIẢI VÂY JERUSALEM.
        Netanel Lorch, viên sĩ quan trẻ nhẩy múa trên đường phố đêm phân chia đất cho Do Thái được gọi lên họp trong căn cứ Schneller để nhận nhiệm vụ trong kế hoạch tấn công cổng Jaffa của David Shaltiel. Lorch nhớ lại ‘Buổi họp rất lặng lẽ’. Trong bộ quân phục giặt ủi gọn gàng, David Shaltiel đứng nhìn Ephraim Levi, viên sĩ quan trẻ mà ông ta chọn chỉ huy trận tấn công thuyết trình kế hoạch hành quân trên tấm bản đồ thành phố cổ (Old City).
        Ephraim Levi nói rõ nhiệm vụ. Đặc công Irgun và Stern Gang sẽ tấn công cổng New Gate, xung kích Palmach tấn công đỉnh Mount Zion, trong khi quân chủ lực Haganah đợi trong building Tannous đối diện cổng Jaffa. Khi toán xung kích (Haganah) dùng chất nổ phá cổng sắt che đường hầm, Haganah sẽ chạy vào đường hầm dưới sự yểm trợ hỏa lực của xe bọc sắt của Nevo. Đơn vị đầu tiên vào trong thành Suleiman sẽ tiến chiếm tháp canh tây bắc, đơn vị theo sau sẽ đánh chiếm tháp canh đông nam, rồi bộ chỉ huy cảnh sát kế bên.
        Khi Levi chấm dứt, David Amiran, người có bà vợ khảo cổ cho tin tức về thành Suleiman thuyết trình về kiến trúc của thành. Khi các sĩ quan chấm dứt phần thuyết trình, Shaltiel cho họ một lá cờ của quốc gia Do Thái mới ‘Sáng ngày mai, lá cờ này sẽ tung bay trên tháp cổ David’.
        Netanel Lorch rất hăng say. Những bà mẹ Do Thái trong Jerusalem, mặc dầu không đủ ăn đã bớt khẩu phần chuẩn bị hàng trăm ổ bánh mì để cho những người con (chiến sĩ Haganah) đem vào tiếp tế cho đồng bào trong thành phố cổ. Ngoài đồ trang bị, nước uống, đạn dược, trung đội của Lorch được lệnh mang theo mỗi người một túi đựng bánh mì.
        Trên đường di chuyển đến vị trí tấn công, trung đội của Lorch tiến dưới hỏa lực đại liên của quân Ả Rập. Cả trung đội nhẩy ra khỏi xe bus, chui vào building đang cháy Commercial Center rồi tiến lên qua từng căn phố đến điểm tập trung trong building Tannous.
        Trên sườn đồi Nebi Samuel nhìn xuống thành phố Jerusalem trải rộng ở dưới, Mohammed May’tah xúc động. Viên sĩ quan pháo binh Lê Dương nhớ lại lần duy nhất trông thấy Jerusalem trước đây khi ông ta cưỡi con ngựa trắng Sabha trong buổi diễn hành mừng quân đội Anh chiến thắng trận El Alamein. Lần này May’tah được lệnh mở màn trận tấn công của quân Lê Dương Ả Rập bằng đại bác 25 cân anh.
        Trong khi pháo binh Lê Dương gầm thét vào Jerusalem, một sĩ quan Lê Dương khác đến đài phát thanh Ramallah đưa cho nhân viên một công điện phát đi ‘Pháo binh Lê Dương Ả Rập đã bắt đầu pháo kích vào khu vực người Do Thái trong Jerusalem. Pháo binh sẽ không ngừng pháo kích cho đến khi lá quốc kỳ bốn mầu Palestine tung bay khắp thành phố’.
        Haganah trong Jerusalem có vấn đề khác cần phải lo hơn. Sáng sớm hôm đó, ông cố đạo (Rabbi) Weingarten thông báo cho nhân viên Hồng Thập Tự Quốc Tế rằng họ chỉ đầu hàng quân Lê Dương mà thôi. Quân cướp Ả Rập đã mở đợt tấn công mới mãnh liệt hơn. Qua tòa lãnh sự Bỉ (Belgium), Shaltiel được cho biết khu vực Do Thái mà Haganah định giải vây đã thương thuyết chuyện đầu hàng.
        Bên trong khu Do Thái, họ chiến đấu trong tuyệt vọng, đạn dược đã gần cạn. Người Do Thái bảo vệ từng căn nhà, từng phòng một. Đêm qua, David Shaltiel hứa gửi quân tăng viện nhưng vẫn chẳng thấy đâu. Đến trưa những quân nhân kiệt sức nổi nóng ‘Tiếp viện đã quá trễ, vô dụng! Một tiếng rưỡi đồng hồ đã kéo dài thành ba mươi sáu tiếng! Không biết họ theo giờ giấc nào?’.
        Bobby Reisman, cựu quân nhân nhẩy dù Hoa Kỳ từ Buffalo đến Palestine, im lặng đứng chờ bên chiếc xe bus cùng với người bạn Moshe Salamon. Vài phút nữa, bọn chàng sẽ lên chiếc xe bus đến phá cổng sắt bí mật dưới chân thành Suleiman.
        Trong đền thờ (Synagogue) Yemin Moshe, bốn trung đội Palmach lãnh nhiệm vụ đánh nghi binh lên đỉnh Mount Zion tập trung. Uzi Narciss, người đã chỉ huy đơn vị xung kích Palmach chiếm làng Ả Rập Kastel trước đây, bốn trung đội ‘què quặt’ còn lại của tiểu đoàn Bốn, lữ đoàn Palmach Har-el, sau sáu tuần lễ chiến đấu liên tục. Trước khi xuất quân, Narciss nhận cú điện thoại từ Shaltiel. Viên chỉ huy trưởng Haganah trong Jerusalem hỏi ông ta có đem theo lá quốc kỳ không? ‘Không! Để làm gì mới được?’. ‘Để cắm lên đỉnh Mount Zion’.
        Ephraim Levi buộc lá cờ ngang bụng, chàng dự trù sẽ cắm lá cờ trước rạng đông trên ngọn tháp cổ. Với hai xe bọc sắt dưới quyền Yosef Nevo yểm trợ, đơn vị chàng sẽ là đơn vị Do Thái đầu tiên tấn công sau gần hai ngàn năm. Toán đặc công có lẽ đã chờ nơi cánh cổng sắt bí mật. Gần đến nửa đêm, Levi vỗ vai người bạn, Nevo ra khỏi building Tannous đến xe bọc sắt.
        Một tiếng la lớn như thời xa xưa trong Jerusalem ‘Chạy ra bờ thành’. Nghe tiếng báo động, cấp chỉ huy Ả Rập Kamal Irekat vẫn còn cởi trần cùng với hai cận vệ chạy chân không theo sau. Khi ông ta đến cổng Jaffa, có người la to ‘Bọn Do Thái đến! Cổng mở!’. Trên bờ thành, quân Ả Rập đổ xô ra từ khắp nơi, vào những vị trí đặt súng.
        Từ cửa sổ trên lầu building Tannous, Ephraim nhìn mấy chiếc xe bọc sắt di chuyển đến trước cổng Jaffa. Quân Ả Rập bắn xuống xối xả làm mấy chiếc xe của Nevo phải lui ra khỏi tầm ném lựu đạn. Trên bờ thành, Peter Saleh trông thấy mấy chiếc xe bọc sắt Do Thái di chuyển, phe ta rối loạn trong tiếng súng, tiếng la hét gọi nhau, tiếng kêu than của người bị thương. Trên những tảng đá xây thành, máu me be bét.
        Haganah cũng gặp trở ngại, Yosef Nevo di chuyển chiếc xe chỉ huy lên ngang chiếc xe bọc sắt dẫn đầu. Chiếc xe nằm yên chỗ, ngưng tác xạ. Nevo mở cửa xe, bên trong không một ai còn sống. Trong khi đó, Salamon gọi máy báo cho Levi biết rằng chiếc xe bus bị tổn thất nặng. Đạn từ trên cao bắn xuống đi xuyên qua lớp sắt mui xe, rồi Salamon báo cáo mình bị trúng đạn. Quân Do Thái bỏ xe chạy trở lại building Tannous. Trận tấn công cổng Jaffa coi như thất bại.
        Chỉ có bốn trung đội Palmach tiến quân đúng theo kế hoạch. Họ chiếm ngọn đồi có tên của hai mươi thế hệ Do Thái mất quê hương. Trên đỉnh Mount Zion, sau những nấm mộ người Armenian là ngôi mộ của người xây dựng thành phố Jerusalem, vua David.
        Trong khi đó, quân Do Thái bên ngoài cổng Jaffa báo cáo đợi lệnh bộ chỉ huy Haganah trong Jerusalem, có nên tiếp tục tấn công nữa không? Shaltiel cho lệnh bỏ kế hoạch tấn công. Phải đợi đến hai mươi năm sau, người Do Thái mới cắm cờ trên tháp David.
        Khoảng 3:40 phút sáng thứ Ba, 18 tháng Năm, một công điện chỉ có bốn chữ đến bộ chỉ huy Haganah của Shaltiel ‘Mình chiếm đỉnh Zion’. Quân Palmach dưới quyền Narciss chỉ còn cách bức tường bao quanh thành phố cổ khoảng mười lăm thước. Narciss nóng lòng muốn phá vòng vây vào cứu dân Do Thái, ông ta tin rằng lợi dụng đêm tối, quân xung kích Palmach có thể vào được. Narciss bảo đảm với Shaltiel rằng, Palmach có thể đánh qua cổng Zion, thiết lập một hành lang từ khu vực người Armenian tới con đường của người Do Thái (Street of the Jews). Khi Palmach đã làm xong nhiệm vụ, Haganah phải cho quân đến giữ cổng Zion và bảo vệ hành lang.
        Yosef Atiyeh, một thầy giáo sắp sửa về nhà ăn cơm thì Shaltiel ra lệnh lên trình diện trong sân trường học Schneller. Gần một năm sau chàng mới được về nhà ăn cơm cùng gia đình. Một toán quân tập họp gấp dưới quyền Mordechai Gazit, được lệnh lên thay quân của Narciss. Mỗi người được lãnh khẩu súng trường Tiệp Khắc cùng tám mươi viên đạn.
        Như họ vẫn thường làm hằng đêm, chuông nhà thờ Trappist Monastery of the Seven Agonies ở Latrun vẫn vang lên và bốn mươi nhà tu hành dọc kinh cầu nguyện bằng tiếng La Tinh. Những nhà tu hành này và những bậc đi trước, bằng chính đôi tay đã xây những dẫy nhà nhìn xuống con đường Bab el Wad dẫn đến Jerusalem. Từ 31 tháng Mười năm 1890, mười bẩy nhà tu Pháp lên đến đỉnh đồi nhìn xuống thung lũng Valley of the Ayalon xây một tu viện cho họ trên sườn đồi lịch sử.
        Lưng còng xuống vì phải mang súng đạn và bốn mươi cân anh đồ tiếp liệu, Yosef Atiyeh dò dẫm trong bóng đêm leo lên đỉnh Mount Zion. Đoàn quân tám mươi người mới thành lập để lên thay quân Palmach gồm toàn đàn ông tuổi trung niên không có kinh nghiệm chiến trường. Khi họ lên tới nơi, Narciss nổi nóng hỏi cấp chỉ huy Gazit ‘Đây là đơn vị Shaltiel hứa gửi lên thay cho bọn tôi? Tiếp theo Narciss gọi Shaltiel, vị chỉ huy trưởng Haganah trả lời rằng đã hết người. Narciss nói ‘Đừng gửi thêm gì nữa! Tôi đã có vấn đề của tôi. Ông lo chuyện của ông!’.
        Narciss ra lệnh cho Gazit rải quân ra giữ đỉnh Mount Zion, để ông ta gom quân Palmach tấn công vào bên trong thành phố cổ (Old City). Bốn trung đội Palmach bấy giờ còn lại bốn mươi người của tiểu đoàn bốn trăm người khi bắt đầu cuộc hành quân Nachshon từ sáu tuần trước. David ‘Dado’ Elazar, viên sĩ quan trẻ chỉ huy trận đánh chiếm tu viện ở Katamon, cần những người tình nguyện, anh ta chọn hai mươi thanh niên và hai cô gái. Quân Palmach dùng thuốc tăng cường sức khoẻ để chiến đấu, thời gian quá lâu, những viên thuốc đã hết hiệu lực.
        Đúng hai giờ hai mươi phút, quân Palmach pháo kích vào cổng Zion bằng súng cối, một viên nổ gần làm thiệt mạng hai quân nhân Do Thái. Khi đợt pháo kích chấm dứt, hai đặc công chạy lên đặt 165 cân chất nổ dưới chân cổng Zion rồi cho nổ tung cánh cổng xưa. Dado la to ‘Theo tôi’ cho các binh sĩ đang ẩn nấp sau các ngôi mộ của người Armenian biết rồi chạy lên trước. Chạy trước, chợt Dado có linh cảm khác thường, chàng nhìn quanh không thấy ai chạy theo. Dado chạy trở lại, khám phá ra các binh sĩ Palmach đã kiệt sức đều ngủ say, chàng phải đá đít từng người một đánh thức họ dậy rồi dẫn đầu đoàn quân chạy lên cổng Zion lần nữa.
        Từ một cửa sổ trong tu viện Armenian, thiếu úy Ả Rập Nawaf Jaber el Hamoud trông thấy lính của mình từ tháp canh nơi cổng Zion chạy về phiá anh ta, Hamoud la lên ‘Cái tháp, cái tháp! Đừng bỏ cái tháp’. Quá trễ, quân của Dado Elazar đã chiếm đượctháp canh. Hai mươi quân nhân nam nữ Palmach đã làm được một chuyện mà người Do Thái không làm được từ thời Judas Maccabaeus. Họ đã vào được bên trong bức tường bao quanh thành phố cổ, cổng Zion đã nằm trong tay người Do Thái. Sau đó từng toán nhỏ Palmach tiến qua khu Armenian đến con đường của người Do Thái (Street of the Jews). Quá ba giờ sáng họ báo cáo cho Narciss ‘Chúng tôi đã vào được bên trong’.
        Nơi khu người Do Thái bên trong thành phố cổ, mọi người đổ xô ra chào đón các chiến sĩ Palmach. Hàng trăm người vào đền thờ của ông cố đạo Rabbi Jochanan ben Zakai sung sướng, khóc lóc, cầu nguyện. Viên sĩ quan chính trị đại đội Benny Marshak chưa từng được nhiều nụ hôn như hôm đó.
        Bên ngoài cổng Zion, Gazit được lệnh gom quân lại và di chuyển nhanh vào khu Do Thái bên trong. Shmuel Bazak được Esther Cailingold đón tiếp, đưa cho chàng một ly sữa nóng. Yosef Atiyeh được lệnh đến thay phiên gác tại đền Porat Yosef, nơi mà cha của chàng giảng dậy, các đệ tử của cha chàng say mê thán phục ông thầy giáo trẻ Atiyeh.
        Mordechai Gazit trở nên sĩ quan có trách nhiệm chỉ huy khi vào đến bên trong. Khi Gazit đến bộ chỉ huy Haganah, Moshe Russnak nói ‘Thôi, bây giờ tôi được ngủ yên’. Gazit không thể đánh thức viên sĩ quan dậy để hỏi thăm tình hình, mọi người đã quá mệt mỏi. Thêm một điều lo lắng nữa, quân Palmach được lệnh rút. Narciss muốn bảo toàn những đưá con cưng của mình, họ đã làm tận lực. Haganah cũng không còn thêm quân, khu Do Thái lại bị bao vây.

IV. JOSEF ĐÃ CỨU JERUSALEM.
        Tiếng đại bác của quân Lê Dương Ả Rập xé tan bầu không khí yên lặng trên những ngọn đồi Judean. Một hàng xe bọc sắt, bán xích sắt, xe chở đầy lính Lê Dương đậu trong màn đêm đợi cho đợt pháo kích chấm dứt sẽ tiến vào chinh phục Jerusalem. Dân Do Thái đang ngủ ngon, giật mình vì tiếng đạn pháo kích, chạy ra đường bàn tán, sợ sệt lo lắng tình hình ‘Quân Lê Dương sắp vào’. Vài đảng viên Irgun đang đóng quân trong trường huấn luyện Cảnh Sát, cửa ngõ vào khu vực sang trọng Ả Rập Sheikh Jarrah đã bắt đầu bỏ hàng ngũ biến mất. Irgun chỉ chuyên về khủng bố chứ không phải quân đội được huấn luyện tác chiến.
        Bốn giờ ba mươi phút sáng, đợt pháo kích chấm dứt, thiếu tá Bob Slade ra lệnh cho đạo quân Lê Dương tiến lên (quân Lê Dương Ả Rập do người Anh huấn luyện vẫn còn nhiều sĩ quan Ăng Lê). Khi đó, người quân nhân Palmach cuối cùng đã ra khỏi cổng Zion. Trên nóc building dùng làm đài phát thanh Palestine, bên cạnh khẩu đại liên Beza bắn yểm trợ Palmach suốt đêm, Carmi Charny trông thấy đoàn xe Lê Dương trên đường tiến vào thành phố.
        Trên một nóc cao ốc khác, nơi Yitzhak Levi đặt ban chỉ huy tiền phương, chàng cũng trông thấy đoàn xe của địch. Levi gọi máy yêu cầu Shaltiel cho tăng viện mấy xe bọc sắt dưới quyền Yosef Nevo. Còn mất tinh thần trong đêm tấn công cổng Jaffa, mấy chiếc xe bọc sắt của Nevo tiến lên qua khu Mea Shearim. Đến vị trí chiến đấu, Nevo lên nóc building Tipat Chalav để nhìn thấy đoàn xe. Nevo ớn lạnh xương sống ‘Nếu đoàn xe của địch tiếp tục di chuyển, họ sẽ vào đến khu trung tâm Zion trong vòng một tiếng đồng hồ’.
        Tiếp tục quan sát, chàng tìm thấy khuyết điểm của địch, thiếu nguyên tắc Ăng Lê. Xe chở bộ binh bị các xe bọc sắt bỏ xa phiá sau. Có lẽ quân Lê Dương nghĩ rằng, người Do Thái không có vũ khí chống chiến xa hữu hiệu, nên không cần đến bộ binh hỗ trợ. Nevo báo cáo nhận xét của mình cho cấp chỉ huy Shaltiel và được cử chỉ huy tổng quát khu vực.
        Trên ngọn đồi nhìn xuống Sheikh Jarrah, thiếu úy Lê Dương Abdulla Salam nhìn rõ thành phố Jerusalem. Đoàn xe Lê Dương bắt đầu tiến vào thành phố. Quân dưới quyền thiếu tá Slade không gặp phải sức kháng cự nào khi băng qua trường huấn luyện Cảnh Sát. Khi rẽ vào khu vực Sheikh Jarrah, đoàn xe gặp chướng ngại vật nằm cản đường. Đang trong khí thế hăng say, Slade nhẩy xuống xe giúp binh sĩ mình dọn dẹp những tảng đá, khúc gỗ nằm trên đường. Trong khi đang dọn dẹp, một quả đạn súng cối của phe ta nổ gần đó làm nhiều binh sĩ Lê Dương trúng miểng, trong đó có viên sĩ quan chỉ huy, thiếu tá Slade nằm gục trên đường. Một sĩ quan khác nằm chết bên cạnh, thiếu úy Salam sẽ không bao giờ đến được Jerusalem.
        Trên nóc building ở Mea Shearim, Yosef Nevo vẫn theo dõi đoàn xe của địch qua ống nhòm. Bỗng dưng họ khựng lại rồi rút về Sheikh Jarrah. Chàng vẫn chưa hiểu tại sao, tuy nhiên quân Lê Dương đã cho chàng món quà quý giá ‘Thời gian’.
        Bắn khẩu đại liên cả đêm, Carmi Charny tháo các bộ phận khẩu súng ra lau chùi, bỗng Charny nhận được lệnh, đem khẩu súng ra Sheikh Jarrah, quân Lê Dương đang tấn công.
        Nevo quyết định chia đôi lực lượng bảo vệ Sanhedria và Mandelbaum. Tại Mandelbaum, chàng có Jacob Ben-Ur và một số chiến sĩ vị thành niên từ làng Gadna. Nevo ra lệnh đục những lỗ thủng trên lầu hai để ném những chai Molotov cocktails (bom xăng) xuống đoàn xe của địch. Trong bóng đêm, Nevo dấu ‘lực lượng chiến xa’ gồm hai xe bọc sắt, hai khẩu bazooka và một khẩu Davidka (có lẽ dùng để chống xe tăng) ngay một ngã tư đường. Chàng cũng ra lệnh cho đám thiếu niên Gadna gài mìn bẫy trong mấy căn nhà trên đường St. George. Nevo hy vọng quả mìn sẽ cắt đoàn xe ra làm đôi, ngăn cách mấy chiếc xe chỉ huy với đám quân còn lại. Trong khu Sanhedria, Nevo bố trí hai khẩu đại liên. Khẩu đại liên Beza của Charny được giữ làm trừ bị.
        Đến nửa đêm, Nevo đã bố trí xong lực lượng, chàng tập họp các cấp chỉ huy lại dưới ánh đèn cầy, thuyết trình về kế hoạch phòng thủ. Charny phải phục cấp chỉ huy của mình ‘rất bình tĩnh’ trong khi mọi người đều lo ngại hỏa lực, sức chiến đấu của quân Lê Dương Ả Rập.
        Trước rạng đông, pháo binh Lê Dương bắt đầu pháo kích vào khu vực Mea Shearim. Trên những ngọn đồi xung quanh Mea Shearim, thiếu tá John Buchanan (thay thế thiếu tá Slade) gom quân lại cho đợt tấn công mới. Ngồi trên xe bọc sắt dẫn đầu có thiếu úy Mohammed Negib lo lắng. Là sĩ quan tiền sát viên pháo binh, Negib cần phải vào trong Jerusalem để điều chỉnh pháo binh. Theo lộ trình, đoàn xe Lê Dương sẽ qua Sheikh Jarrah, rẽ vào đường Nablus đến thẳng cổng Damacus. 
        Nevo nhìn đoàn xe địch di chuyển chậm chạp qua Sheikh Jarrah, coi bộ họ có đủ thì giớ để thanh toán chiến trường, chàng nghĩ thầm ‘Chắc tụi Lê Dương Ả Rập tưởng mình là vô địch’. Nevo chỉ có trong tay khoảng ba mươi chiến sĩ Haganah làm quân trừ bị, chàng tập họp họ lại hát bài Hatikvah để lên tinh thần trên đường ra phòng tuyến. Xong việc, Nevo dẫn tổ đại liên của chàng thi sĩ Charny đến bố trí nơi một góc khu Mea Shearim. Nevo dặn thêm ‘Khi khai hỏa, nhớ bắn một tràng dài cho tụi nó sợ, tưởng mình nhiều đạn’.
        Hai chiếc xe bọc sắt Lê Dương tách ra khỏi đoàn xe, rẽ vào con đường đất cách ổ súng của Charny chừng năm mươi thước. Nhớ lời Nevo, Charny siết cò khẩu đại liên, khoái trá trông thấy đạn trúng vào xe, vào bánh xe bọc sắt. Cách đó không xa, đám thiếu niên Gadna cũng báo động ‘Tụi nó tới!’, rồi đứng nép mình cạnh những cửa sổ trong building Mandelbaum, tay cầm sẵn những quả Molotov cocktails. Jacob Ben-Ur bình tĩnh đứng đếm từng chiếc xe của địch chạy trên đường Nablus. Chàng đếm to, rồi tất cả lập lại để mọi người cùng biết. Khi quá số mười, một người lên tiếng hỏi ‘Khẩu bazooka của mình ở tầng dưới có bao nhiêu viên đạn?’, ‘Ba!’, người khác trả lời ‘Bẩy!’. Jacob tiếp tục đếm, tất cả mười bẩy xe Lê Dương. 
        Mishka Rabinovitch, hai mươi tám tuổi, một cựu quân nhân trong quân đội Anh, thủ khẩu bazooka nhìn xuống đường St. George. Rabinovitch có bẩy viên đạn, Haganah đã lấy lại một viên cho xạ thủ khác. Bàn tay phải của chàng bị thương từ mấy hôm trước. Đang nằm bệnh viện, nghe tiếng gọi của Nevo, chàng bỏ bệnh viện đi trình diện.
        Nằm trên nóc bộ chỉ huy, Nevo nhìn đoàn xe ‘quá tự tin’, chầm chậm tiến đến nơi ngã tư đường Nablus và St. George. Chiếc đi đầu chần chừ một chút rồi rẽ vào St. George đúng vào bẫy của chàng.  
        Eliyahu, người chiến sĩ trẻ đến từ Ba Lan, bên cạnh Rabinovitch theo dõi chiếc xe dẫn đầu đi vào đúng họng súng Bazooka. Rabinovitch nín thở trong khi Eliyahu siết cò súng, chiếc xe trúng đạn nổ tung, lật qua một bên. Các xe bọc sắt khác chạy lên bắn xối xả tiếp cứu chiếc bị lật. Bên trong, viên sĩ quan tiền sát pháo binh, thiếu úy Negib đã chết.
        Bên trong xe bọc sắt Daimler của quân đội Anh bị Haganah đánh cắp từ mấy tuần trước, Reuven Tamir nhìn những chiếc xe Lê Dương khác đi vòng qua chiếc đang cháy. Chàng nhắm mắt, nín thở, siết cò khẩu súng đại bác. Đến khi mở mắt ra, Tamir như nhẩy lên mừng rỡ, chiếc thứ hai đang bốc cháy. Lửa bốc ra từ pháo tháp chiếc xe bọc sắt thứ hai.
        Trận chiến lan qua khu phố Mandelbaum. Tức tối, bộ binh Lê Dương chạy lên tiếp cứu. Khi những chiếc khăn trùm đầu (kaffiyeh) trắng đỏ của lính Lê Dương vào đúng tầm, các thiếu niên Gadna ném xuống những chai Molotov cocktails. Từ một cửa sổ khác, Jacob Ben-Ur khai hỏa khẩu đại liên. Nơi cửa sổ khác, hôn thê của chàng Sarah Milstein, sinh trưởng trong một gia đình nặng tôn giáo nhắm bắn một người lính Lê Dương. Viên đạn không trúng, đủ làm tên Lê Dương xanh mặt bỏ chạy.
        Ngạc nhiên vì sức kháng cự của người Do Thái, quân Lê Dương rút lui, củng cố lại lực lượng. Tiếng hò hét chiến thắng của đoàn thiếu niên Gadna vang dôi khu Mandelbaum. Nevo hài lòng về kết quả sơ khởi, hai chiếc xe bọc sắt bị cháy, một chiếc khác bị đại liên của Charny làm tê liệt, nằm một đống bên đường.

V. ĐÁNH CHIẾM LATRUN.
        Mặc dầu pháo binh Lê Dương vẫn tiếp tục pháo kích vào Jerusalem, Dov Joseph vẫn làm việc như thường lệ. Là một luật sư ở Canada, Dov Joseph trở về cố hương, được thủ tướng Ben-Gurion trao cho trách nhiệm ‘Dân Sự Vụ’ trong Jerusalem. Thành phố bị bao vây, lương thực, nhu yếu phẩm trở nên khan hiếm, nhiệm vụ của ông ta làm làm sao cho dân Do Thái trong Jerusalem ‘sống’ và vẫn tiếp tục chiến đấu.
        Không ai qua mặt được Dov Joseph. Nếu một tài xế xe vận tải đòi hỏi cần phải có năm gallons xăng, Dov muốn biết lý do. Trường hợp thợ làm bánh mì không sản xuất đủ số lượng nhu cầu hàng ngày, ông ta muốn được giải thích rõ ràng. Thường nhật, Dov Joseph bắt đầu làm việc vào lúc bốn giờ sáng bằng cú điện thoại với Avraham Picker, chuyên viên về thực phẩm. Đúng bẩy giờ sáng, ông có mặt ở văn phòng. Ban tham mưu của ông ta gồm một phụ tá và hai bà thư ký. Tất cả đều bận rộn như ông ta, một bà than ‘Làm việc đến chết!’ nhưng Dov Joseph vẫn cứng rắn, không bao giờ lộ vẻ mệt mỏi, thất vọng. Có lần, một bà thư ký thưa với ông ta ‘Ông Joseph! Nếu ông không cho tôi nghỉ một chút, chắc tôi ngủ gục’. ‘Nếu bà ngủ gục, tôi sẽ tạt nước và mình vẫn tiếp tục làm việc’.
        Cũng như nhân viên của ông ta và mọi người dân trong thành phố bị bao vây, Dov Joseph lãnh khẩu phần hàng ngày gồm miếng bánh mì sandwich, và một ly nước trà pha loãng. Khẩu phần dân Do Thái trong Jerusalem trong ngày 20 tháng Năm được 900 calories, chỉ hơn một nửa khẩu phần dân Nhật Bản trong năm cuối trận Đệ Nhị Thế Chiến.
        Carmi Charny cùng khẩu đội đại liên sau khi thanh toán hai xe bọc sắt Lê Dương. Nằm duỗi hai tay, hai chân bọn chàng nhắm mắt để lấy lại sức sau bốn mươi tám tiếng đồng hồ chiến đấu liên tục. Cách đó vài trăm thước, ba chiến sĩ Haganah bò trong bóng đêm ‘đi kiếm chác’. Yosef Nevo, Jacob Ben-Ur, và Mishka Rabinovitch. Ba xe bọc sắt Lê Dương vẫn còn nằm ụ, pháo tháp, súng đại liên, đại bác vẫn còn xử dụng được. Nếu ‘chôm’ được, lực lượng ‘Thiết Giáp’ của Yosef Nevo sẽ tăng gấp đôi, do đó chàng quyết định đem mấy ‘món quà’ về phiá phòng tuyến phe ta.
        Cách Jerusalem hai ngàn dậm, mấy người đàn ông khác cũng lo lắng về vấn đề vũ khí. Ngày thứ Năm 20 tháng Năm, chiến dịch bắt đầu trong một phi trường không lực Đức Quốc Xã bỏ hoang bên Zatec, Tiệp Khắc. Ba ngày liên tục, thủ tướng Ben-Gurion thúc đẩy Avriel gửi mấy chiếc chiến đấu cơ Messerschmitt về Do Thái. Bầu trời quốc gia bẫn bị không lực Ai Cập chế ngự, kẻ thù thả bom thủ đô Tel Aviv hằng đêm. Trong vòng bốn mươi tám giờ qua, bốn mươi mốt thường dân chết vì bom.
        Toán chuyên viên tháo rời máy móc chiếc Messerschmitt rồi tìm mọi cách ‘nhét’ vào bụng chiếc vận tải cơ DC-4. Để chiếc chiến đấu cơ có khả năng tác chiến ngay khi về đến Do Thái, họ bỏ thêm bom, đạn đại liên. Hai phi công đầu tiên của Do Thái Mordechai Hod và Ezer Weizman leo lên chiếc máy bay. Cả hai vị, sau này lên làm tư lệnh không lực Do Thái, tướng Hod là người chỉ huy trận không tập quyết định năm 1967, đã đem lại chiến thắng thần tốc trong quân sử.
        Trong hải cảng Haifa, Haganah bốc hàng từ chiếc S.S. Isgo. Món hàng quý giá do Xiel Federmann đem về cho quân lực Do Thái gồm có hai mươi bốn chiếc bán xích sắt. Trước sức tấn công của khối liên minh Ả Rập, nhu cầu vũ khí càng ngày càng gia tăng. Thủ tướng Ben-Gurion hỏi viên sĩ quan hành quân còn trẻ Yigal Yadin, liệu nước Do Thái có thể cầm cự được khoàng hai tuần không, nếu chưa có đủ vũ khí? ‘Có lẽ không!’.
        Tình thế nguy ngập nhất là ở phiá nam, quân Ai Cập vẫn tiến quân trên hại trục. Địch có hơn mười ngàn quân, mười lăm máy bay, một trung đoàn chiến xa gồm Sherman và Matilda, và pháo binh với đại bác 25 cân. Trong vùng hành quân của địch Do Thái chỉ có năm làng trong số hai mươi bẩy làng chiến đấu có hơn ba mươi quân nhân. Haganah có hai lữ đoàn, lữ đoàn Negev có tám trăm quân, hai trọng pháo 20 ly, và hai khẩu Davidkas với mười viên đạn. Lữ đoàn thứ hai có 2700 quân đóng dọc theo bờ biển, nhưng không được trang bị vũ khí chông chiến xa, ngoại trừ Molotov cocktails và mìn bẫy.
        Sau khi gặp phải sức kháng cự dữ dội của dân làng, cấp chỉ huy Ai Cập quyết định không tấn công, đi băng qua, hướng về Tel Aviv. Trên trục tiến quân này, quân Ai Cập bắt buộc phải ‘nhổ’ làng Yad Mordechai (Tên của một lãnh tụ Do Thái, xách động dân Do Thái nổi dậy ở Warsaw năm 1943), một trong những làng xưa nhất trong sa mạc Negev. Khi quân Ai Cập ‘qua’ được làng này, họ sẽ tiến tới Ashkelon, cách Tel Aviv ba mươi dặm.
        Trục tiến quân thứ hai gồm đa số quân tình nguyện Hồi Giáo dưới quyền chỉ huy của đại tá Amed Abdul-Aziz. Trục này băng qua những xóm làng Ả Rập, họ không biết mình đi theo lộ trình, con cháu Do Thái đã đi qua trước đây trong chuyến di cư ra khỏi vòng nô lệ dưới triều các bạo chúa Pharaoh Ai Cập, về miền Đất Hứa. Không gặp kháng cự, đại tá Abdul-Aziz vẫn ‘có quyền’ báo cáo chiến thắng mỗi khi đi ngang qua một làng Ả Rập.
        Mủi tấn công của quân Lê Dương vào Sheikh Jarrah hôm 19 tháng Năm mới thực sự có đổ máu. Quân Iraq cũng chẳng đi tới đâu, chỉ đánh võ miệng. Tuy nhiên, nơi hướng bắc, quân Syria với ba mươi xe bọc sắt, chiến xa Renault của Pháp đã đánh chiếm ba làng Do Thái, và đang tấn công hai làng Degania A và B. Trận tấn công này là một trong những cay đắng trong đời thủ tướng Ben-Gurion. Ông trùm làng Degania B là một trong người bạn xưa của vị thủ tướng, ông ta đến xin Ben-Gurion một khẩu trọng pháo để đẩy lùi những đợt tấn công thiết giáp của Syria. ‘Chúng ta chưa có trọng pháo, nếu có tôi sẽ cho ông. Hy vọng ngày mai, chứ hôm nay không có. Ông về nói với dân làng chiến đấu bằng tất cả những gì mình có được’.
        Biết rằng câu trả lời của mình sẽ làm những người dân làng chết, chiến đấu trong tuyệt vọng. Nhìn bóng dáng người bạn thân thiết khuất dần nơi đầu ngõ, lần đầu tiên trong đời kể từ khi lớn khôn, vị thủ tướng Do Thái chẩy nước mắt. Gần hai thập niên nữa, ông ta mới chẩy nước mắt khi tuyên bố cùng con dân Do Thái ‘về hưu’.
        Yosef Nevo cùng đoàn thiếu niên Gadna đã đẩy lùi đợt tấn công đầu của quân Lê Dương, tuy nhiên những báo cáo khác gửi về làm điên đầu David Shaltiel. Khẩn trương nhất là hướng nam, chiến xa Ai Cập dưới quyền Abdul-Aziz đã tới Bethlehem. Pháo binh Ai Cập bắt đầu pháo kích làng Ramat Rachel trưa thứ Sáu, 21 tháng Năm.
        Vấn đề nghiêm trọng thứ hai, khu Do Thái bên trong thành phố cổ (Old City). Một tiểu đoàn Lê Dương của thiếu tá Tell cùng với năm mươi quân du kích do lính đánh thuê Nam Tư (Yugo), Ăng Lê và Đức chỉ huy. Chỉ huy đám này là một cựu sĩ quan SS Robert Brandenburg. Ngoài ra thiếu tá Tell có thể yêu cầu thêm quân, đám cướp Ả Rập dưới quyền Haj Amin.
        Moshe Russnak biết chiến thuật của địch, chàng thấy rằng mình càng ngày càng bị đẩy lui sâu vào bên trong. Từ khi Palmach rút quân đi, David Shaltiel bổ xung toàn những người lớn tuổi, kinh nghiệm chiến đấu không có. Haganah chiếm lại tòa nhà cho thiếu niên Hospice of Notre Dame hôm 19 tháng Năm, sau đó giao cho đoàn thiếu niên Gadna phòng thủ, tăng cường thêm một số ‘lính già’ gồm bác sĩ, luật sư, thương gia trong Jerusalem.
        Thủ tướng Ben-Gurion cũng điên đầu ‘cái giá phải trả để có một quốc gia’. Ít khi ông ta xen vào kế hoạch hành quân của Haganah. Đêm nay ông thấy có việc cần phải làm mặc dầu đã khuya, vị thủ tướng ra lệnh cho Yigal Yadin cùng với các sĩ quan cao cấp đến họp trong văn phòng của ông ta. Ben-Gurion ra lệnh cho Yadin sĩ quan hành quân ‘Tôi muốn ông đánh chiếm Latrun và mở đường tới Jerusalem’.
        Yadin cứng người. Nhà khảo cổ học trẻ tuổi có trọng trách điều động tất cả các vấn đề hành quân của Haganah, chưa biết trả lời vị thủ tướng ra sao. Các chiến trường khác cần giải quyết ưu tiên hơn Jerusalem. Quân Ai Cập sẽ tới thủ đô Tel Aviv nếu làng chiến đấu Yad Mordechai buông súng. Khắp vùng Galilee sẽ lọt vào tay quân Syria. Yadin trả lời ‘Mình không thể chiếm Latrun bằng con đường ‘chính diện’, phải cần thời gian tấn công vào hai bên sườn’.
        Ben-Gurion nhất quyết ‘Phải cứu Jerusalem ngay tức khắc. Tấn công Latrun theo kế hoạch của ông, mình mất Jerusalem’. Yadin nổi giận đến xanh mặt, chàng đập mạnh tay xuống bàn vỡ cái ly. ‘Thủ tướng nghe đây! Tôi được sinh ra trong Jerusalem, vợ tôi ở trong Jerusalem, cha mẹ tôi cũng ở trong Jerusalem. Tất cả những người thân thương của tôi đều trong Jerusalem. Đúng ra tôi nên đồng ý với thủ tướng, nhưng cần giữ quân cho những mặt trận khác’.
        Nhìn khuôn mặt tái xanh của người sĩ quan trẻ, đang chùi máu trên bàn tay. Thủ tướng Ben-Gurion có cử chỉ rất tình cảm, thân thương, gục đầu vào vai Yadin, hiểu cơn giận của người sĩ quan thuộc cấp, tuy nhiên ông ta vẫn cương quyết, nói nhỏ ‘Đánh chiếm Latrun’.

VI. GIÁ CHUYẾN ĐI VỀ MIỀN ĐẤT HỨA.
        Thi hành nhiệm vụ thủ tướng Ben-Gurion được trao cho một sĩ quan thâm niên Haganah, Shlomo Shamir người Nga Do Thái ba mươi ba tuổi, họa sĩ trước khi gia nhập Haganah. Thũ tướng Ben-Gurion chọn Shamir chỉ huy lữ đoàn Bẩy vì chàng đã từng phục vụ trong quân đội Anh. Trước khi tấn công quân Lê Dương Ả Rập, vị tân chỉ huy trưởng lữ đoàn phải tập họp đơn vị lại. Một nửa lấy ra từ các đơn vị có sẵn, phần còn lại từ các nguồn nhân lực khác: trạm tuyển mộ, quân trừ bị, hoặc trên đường phố Tel Aviv.
        Được Haganah chi cho vài trăm bảng Anh, Shamir thuê ba phòng trong khách sạn Bristol trong trung tâm Tel Aviv làm bộ chỉ huy. Gửi người khắp nơi tuyển mộ, ông ta kiếm được vài sĩ quan cho đơn vị, những người giỏi đã có đơn vị. Shamir phải móc nối thêm những người bạn mà chàng quen biết trong trận Đệ Nhị Thế Chiến. Người đầu tiên là Vivian Herzog, đã từng làm sĩ quan quân báo cho Haganah, liên lạc viên với quân đội Anh trong Jerusalem. Được đưa đến Tel Aviv gấp rút, Herzog được trao cho trách nhiệm sĩ quan hành quân lữ đoàn.
        Để chỉ huy hai tiểu đoàn tác chiến, Shamir tìm hai người bạn Nga Sô. Haim Laskov, hai mươi chin tuổi, cựu đại úy trong lữ đoàn Jewish. Laskov được giao cho là một tiểu đoàn thoát thân từ đơn vị Palmach. Tiểu đoàn có hai mươi xe ‘bọc sắt’ do xưởng của Joseph Avidar biến chế và một tá xe bán xích sắt, mới nhận được do Xiel Federmann gửi về. Tiểu đoàn được đặt tên là 79 Cơ Động, tuy nhiên những xe bọc sắt biến cải thiếu súng đại liên, đạn dược, máy truyền tin và dụng cụ xửa xe.
        Tiểu đoàn thứ hai còn gặp nhiều khó khăn hơn, được giao cho Zvi Hurewitz, hai mươi chin tuổi, cựu Palmach từ thời Orde Wingate, đơn vị hành quân đêm. Đặt tên là tiểu đoàn 72 Bộ Binh, chỉ có trên giấy tờ. Đơn vị này sẽ được bổ xung tân binh từ các nơi huấn luyện. Hurewitz đến bệnh viện Tal Hashomer nơi ngoại ô Tel Aviv, được dùng làm trung tâm huấn luyện. Chàng nhận được một trăm tân binh. ‘Còn những quân nhân khác đâu?’. Vị lữ đoàn trưởng Shamir đưa hai tay lên trời, ‘Ai mà biết được! Hy vọng ngày mai mình sẽ có câu trả lời’.
        Trong Jerusalem, quân Lê Dương vẫn tiếp tục pháo kích vào khu Do Thái bên trong thành phố cổ (Old City). Vị trí đầu tiên bị mất là đền thờ Nissan Bek Synagogue, có mái vòm do hoàng đế Franz Josef cúng dường. Nơi này là cứ điểm chính yếu trong kế hoạch phòng thủ của Russnak, và người Do Thái đã chiến đấu tận lực để giữ ngôi đền. Quân trừ bị từ khắp nơi trong khu Do Thái kéo đến tham chiến. Các cô gái, thiếu nữ cũng can đảm, chạy tới chạy lui đem đạn tiếp tế cho đám đàn ông con trai, và làm nhiệm vụ cứu thương. Judith Jaharan, mười sáu tuổi được huấn luyện nghề y tá, cứu thương. Hết người, cô ta cũng cầm súng chiến đấu bảo vệ đường phố nơi cô được sinh ra.
        Fawzi el Kutub ra lệnh cho một toán quyết tử tám người chạy băng qua đường đặt chất nổ dưới chân ngôi đền. Cả tám tên đều bị giết hoặc bị thương. Không còn ai dám xung phong nhận trách nhiệm, Kutub nổi điên làm một mình, phá được một lỗ nhỏ đủ cho một đám quân Lê Dương chui vào, dân tự vệ hỗn tạp Ả Rập theo sau, chui vào cướp bóc. Sợ người Do Thái phản công, Kutub ra lệnh dùng 220 cân anh chất nổ phá hủy ngôi đền.
        Một tiếng nổ kinh hoàng, tiếp theo là tiếng hô xung phong của quân Do Thái do thiếu nữ Judith Jarahan dẫn đầu, phản công lấy lại ngôi đền đã xụp đổ. Nhiều tên cướp Ả Rập bị bắn chết trong người vẫn còn giấu những đồ cướp được trong ngôi đền.
        Đó là những cố gắng của dân Do Thái bên trong thành phố cổ. Tối hôm đó, ngôi đền vẫn bị quân Lê Dương đánh chiếm. Hai giáo sĩ cao cấp gửi bức công điện ra ngoài ‘Cộng đồng đã đến ngày tàn. Thay mặt cho mọi người dân, chúng tôi yêu cầu quý vị gửi viện binh ngay lập tức’.
        Tình hình nơi làng Beth Hakerem cũng chẳng sáng sủa hơn, thông tín viên chạy khắp làng, đập cửa từng nhà báo tin làng bên cạnh Ramat Rachel đã rơi vào tay quân thù, quân Ai Cập đã đến trước cửa. Sau một chuỗi chinh phục những làng ‘phe ta’ Ả Rập, cuối cùng đại tá Abdul-Aziz cũng có một làng Do Thái vào trong bảng phong thần. Sau đó đoàn chiến xa của ông ta di chuyển đến Beth Hakerem.
        Những thiếu niên trong làng Hakerem chạy đến từng nhà, kêu gọi những ai còn đủ hai tay, hai chân ra xây chướng ngại vật, ngăn chặn đoàn chiến xa Ai Cập. Đàn bà, đàn ông vẫn còn trong bộ quần áo ngủ kéo nhau ra đắp mô. Đến gần sáng, cả làng đều có mặt, các em nhỏ mặc quần sort, ông bà cụ trên sáu mươi, bẩy mươi cũng ra tiếp tay đổ đá trên đường chồng chất lên nhau làm chướng ngại vật. Làng này sẽ làm gương cho dân Do Thái trong Jerusalem, quân Ai Cập dưới quyền Abdul-Aziz sẽ phải trả giá cho từng căn nhà chiếm được.
        Giống như ông già hết hơi, chiếc tầu S.S. Kalani cũ kỹ được đóng từ lâu để chở tám trăm hành khách, bây giờ chở hai ngàn người Do Thái di cư, từ từ tiến vào vào hải cảng Haifa. Họ là những người sống sót bên Âu châu sau trận Thế Chiến. Nhìn thấy miền Đất Hứa họ khóc vì sung sướng, mảnh đất này đây đã mở rộng đôi tay chào đón họ, không còn phải lẩn tránh nữa.
        Từ trên tầu nhìn xuống, một đoàn xe bus đã đợi sẵn những người di dân Do Thái. Matti Megid, một sĩ quan Haganah trẻ đi theo đoàn người từ Tây Đức và Rumani về, để ý một chiếc Olsmobile mầu đen chạy đến và có tiếng người gọi chàng. Hai tiếng đồng hồ sau, Megid được đưa vào một building, bên trong đầy những người. Trước mặt chàng là một ông già tóc bạc phơ, đang đọc danh sách những người ‘hành khách’ trên con tầu Kalani. Ben-Gurion muốn biết tất cả chi tiết về những người di cư. Bao nhiêu người? Từ đâu đến? Tuổi tác? Kinh nghiệm chiến đấu?
        Như Shamir đã tiên đoán, ngày hôm sau đã đem đến câu trả lời về vấn đề nhân lực cho Zvi Hurewitz. Bốn trăm năm mươi người di dân được đưa thẳng đến Tel Hashomer để thành lập tiểu đoàn 72 Bộ Binh. Vị tiểu đoàn trưởng trẻ tuổi nhìn những mới bước xuống xe bus, nhiều người bị nhốt trong trại tạm giam của người Ăng Lê trên đảo Cyprus. Người nào trông cũng gầy gò, ốm yếu, xách trên tay tất cả của cải hành trang, kể cả vũ khí tùy thân. Họ là đồng bào ruột thịt, trở về  từ Ba Lan, Hungary, Rumani, Tiệp Khắc, Bulgary, và Nga Sô. Khuôn mặt họ vẫn còn những vết thương đọa đầy, phản bội, tước đoạt quyền làm người.
        Hurewitz nhờ một hạ sĩ quan thông dịch ra tiếng Ba Lan và Yiddish, ‘Quân Đội Do Thái chào mừng các bạn đã về đến quê hương ... Chúng tôi chờ đợi các người con yêu Do Thái đã lâu. Thời gian rất là cấp bách, kinh thành Jerusalem bị nguy khốn ... Chúng ta phải đi cứu họ’. Những khuôn mặt xanh xao chợt sống động lên, mọi người đều vỗ tay.  Sau đó, họ được chia ra làm bốn đại đội và nhận lãnh quân trang, vũ khí. Gần như trong thánh kinh, đây là tiểu đoàn ‘Tháp Babel’ (Những người không nói cùng ngôn ngữ, cùng nhau xây ngọn tháp), ban tham mưu tiểu đoàn phải làm việc gấp, dậy cho binh sĩ một số danh từ Hebrew để làm việc dễ dàng.
        Mặc dầu dưới hỏa lực mạnh mẽ của quân Lê Dương, một nhóm dưới quyền Harbi vẫn bám sát tầng dưới. Theo dõi từ trên bờ tường thành phố cổ, ký giả United Press Samir Souki chứng kiến quân Do Thái lấn chiếm từng phòng một. Trận đánh tàn bạo bằng lưỡi lê, lựu đạn, những chiến sĩ Gadna, nhiều thiếu niên mới mười sáu tuổi giữ vững phòng tuyến không cho quân Lê Dương tiến lên.
        Bên trong tòa nhà cho trẻ vị thành niên Notre Dame, Mishka Rabinovitch đứng bên một cửa sổ cùng với một anh Tây con mười bẩy tuổi tên Jacques. Chàng tây con phủ đầy bụi đỏ trông giống như một anh hề. Cả hai nhìn thấy một xe bọc sắt đang di chuyển ngang qua cửa sổ bên dưới. Im lặng, Rabinovitch chỉ chai Molotov cocktail, ra dấu cho Jaques.
        Chiếc xe bọc sắt bốc cháy, bên trong chứa đầy đạn, nổ bùng lên. Trên cửa sổ, hàng ria mép rậm, đen nhánh của Rabinovitch , cùng với anh hề sơn mầu đỏ trông như một bức tranh Picasso. Cả hai cười khoái trá, Rabinovitch ‘quá chịu’ anh hề Tây con.
        Nơi phiá nam, quân trừ bị của Shaltiel đã lấy lại Ramat Rachel. Họ vào đến nơi trong khi quân Ai Cập chỉ lo cướp bóc trong làng, không phòng bị. Sau khi giao lại cho dân tự vệ, quân Ai Cập quay trở lại tấn công, chiếm được Ramat Rachel. Một lần nữa chủ lực quân Haganah quay trở lại, vẫn bắt gặp quân cướp chỉ lo cướp bóc chứ không đề phòng. Gần sáng, quân Do Thái làm chủ tình hình trong căn nhà ăn chung đổ nát.

VII. BĂNG MỌI GIÁ
        Trung tá Habes Majali, chỉ huy trưởng trung đoàn Bốn Lê Dương Ả Rập quan sát vùng trách nhiệm, nhiều danh tướng trước đây đã đến những cao điểm ở Latrun. Ibn-Jebel, một tướng dưới quyền Caliph Omar đã xây ngôi mộ cho chính mình trong bãi đất trống đầy hoa dại xung quanh Majali. Vị trung tá trẻ tuổi leo lên những tảng đá chồng chất lên nhau, những gì còn xót lại của một cổ thành xây từ thời Richard ‘Tâm Sư’ (Richard the Lionhearted), nhìn về hướng làng Saladin, cố tìm hiểu mưu tính của địch (Do Thái).
        Vị chỉ huy trưởng trung đoàn Bốn quả quyết, muốn cứu 100000 người Do Thái bị vây trong Jerusalem, Haganah phải đánh qua vị trí chiến lược của ông ta, mở hành lang vào thành phố. Đến trưa hôm 24 tháng Năm, ông ta biết chắc chắn, trận tấn công của Do Thái sẽ xẩy ra.
        Lính trung đoàn Bốn đã chuẩn bị bãi chiến trường từ nhiều ngày qua. Hầm hố, giao thông hào, người Thổ Nhĩ Kỳ đào từ nhiều thế kỷ trước ngăn quân thù Allenby được dọn dẹp, đào sâu hơn và làm thêm những ụ súng đại liên. Quân Lê Dương thiết lập thêm bãi mìn chống chiến xa và hàng rào phòng thủ. Trong ngôi làng Yalu, Ayalon như trong thánh kinh, trung tá Majali cho đặt những ổ súng cối.
        Trong Jerusalem, Dov Joseph bình tĩnh nhìn những ông cố đạo họp lại trong nhà ông trưởng Rabbi Isaac Herzog, chờ một người trong đám lên tiếng phá bầu kông khí yên lặng. Cuối cùng ông đạo trưởng nói ‘Các ông muốn nói chuyện với Tiến Sĩ Joseph, ông ta đây!’
        Một ông cố đạo trọng tuổi bắt đầu ‘lên lớp’ với ông tiến sĩ về truyền thống đạo lý của dân tộc Do Thái, tín ngưỡng quý trọng sinh mạng con người. Mea Shearim bị pháo binh Lê Dương Ả Rập tàn phá. Ông tiếp tục nói, nhiều đàn bà trẻ con bị chết oan. Chúng ta cần phải thương thuyết  ngưng bắn với người Ả Rập. Joseph biết ngay, họ muốn đầu hàng. Ít ra cũng cứu được nhiều linh hồn đàn bà trẻ con. Ông luật sư Canada, tiến sĩ Dov Joseph bình tĩnh trả lời ‘Các ông cứ làm những điều mình nghĩ là đúng. Tôi làm những gì mà tôi tin rằng phải làm’. Không một ai nói thêm, chàng nói tiếp ‘Tôi nghĩ rằng, nếu có ai trương lá cờ trắng, người đó sẽ bị bắn’.      
        Quân Do Thái tập trung lực lượng đánh Latrun trong làng Hulda. Giờ zero đã được ấn định là đúng nửa đêm, ngày thứ Hai 24 tháng Năm. Như người Do Thái vẫn thường làm, các sĩ quan mở quyển thánh kinh ra tìm một cái tên cho cuộc hành quân. ‘Bin Nun’, cho Joshua, người con của Nun đã đứng vững trong thung lũng Ayalon để đem chiến thắng về cho người Do Thái. Đúng ra giờ zero là nửa đêm 23 tháng Năm, phải dời lại hai mươi bốn tiếng đồng hồ vì lữ đoàn Bẩy vẫn chưa tập trung đủ quân và đồ trang bị. Tiểu đoàn tăng phái thuộc lữ đoàn Palmach Alexandroni vẫn chưa đến Hulda. Những nông gia trong cánh đồng Sharon là những quân nhân có kinh nghiệm chiến đấu, được Shamir trao cho nhiệm vụ tấn công đồn cảnh sát, phiá tây tu viện Latrun.
        Những xe bọc sắt biến cải ‘homemade’ và xe bán xích sắt cho tiểu đoàn của Haim Laskov cũng không thể tham dự trận đánh được vì thiếu trang bị súng đại liên, đạn được và máy truyền tin. Những người di dân thuộc tiểu đoàn 72 Bộ Binh được đưa đến Hulda bằng xe bus vẫn chưa có ba lô, nón sắt, bi đông nước. Nhiều binh sĩ vẫn chưa quen tiếng Hebrew. Trước những sự kiện khó khăn, vị lữ đoàn trưởng Shamir gọi máy cho Yadin báo đình hoãn trận tấn công lại thêm hai muơi bốn giờ.
        Không ai lo lắng cho lữ đoàn Bẩy hơn Yigal Yadin, chàng đã cố gắng thuyết phục thủ tướng Ben-Gurion bỏ qua ý định đánh chiếm Latrun. Bay lên Hulda thanh tra lữ đoàn Bẩy, chàng nhận thấy các tiểu đoàn, đại đội què quặt, thiếu tiếp vận, trang bị, truyền tin. Pháo binh của lữ đoàn chỉ có hai khẩu sơn pháo cũ của quân đội Pháp. Yadin càng lo lắng thêm, lữ đoàn không đủ ban quân y, không có y sĩ, xe cứu thương, và cáng.
        Linh cảm có chuyện thảm hại sắp xẩy ra, Yadin gọi máy về cho vị thủ tướng xin hủy bỏ lệnh tấn công. Câu trả lời là ‘Không!’. Lúc hai giờ chiều, chiếc máy bay Auster rời Hulda đưa chàng cùng Shamir về lại Tel Aviv trình diện Ben-Gurion. Trên đường đi, vị sĩ quan hành quân Haganah (Yadin) nhắc nhở chỉ huy trưởng lữ đoàn Bẩy Shamir ‘Ông vào nói thẳng cho thủ tướng biết tình trạng của lữ đoàn. Ông ta không còn tin tôi nữa, mà tôi cũng chẳng muốn cãi thêm với ông ta’. Shamir không dám cãi lời Ben-Gurion ‘Tôi sẽ làm theo lệnh thủ tướng’.
        Trên đường bay lên Hulda, Yadin nổi nóng ‘Ai bắt buộc ông phải thi hành! Ông phải nói lên sự thật, những điều ông biết’. Lên đến nơi, các xe bán xích sắt của Laskov đã nhận được đại liên, đang được gắn vào xe. Còn mất nhiều thì giờ nữa mọi việc mới tạm xong. Lo lắng cho số phận lữ đoàn Bẩy, Yadin nán lại Hulda cả buổi chiều, quan sát các sĩ quan trong lữ đoàn làm việc. Biết rằng định mệnh đen tối đang chờ đợi họ mà không ngăn được, đau lòng Yadin bay về Tel Aviv. (Yadin là con một nhà khảo cổ nổi tiếng Do Thái, còn rất trẻ. Chức vụ lúc đó có thể coi như Tham Mưu Trưởng Hành Quân trong quân lực Do Thái).
        Đúng bẩy giờ tối, Shamir tập họp các sĩ quan lại trong căn nhà lớn nhất làng Hulda, được dùng làm trung tâm hành quân. Cùng với ban tham mưu, vị chỉ huy trưởng lữ đoàn thuyết trình kế hoạch hành quân trên tấm bản đồ 1:200000. Tình hình bạn và địch, nhiệm vụ của lữ đoàn.
        Nhiệm vụ đã rõ ràng, lữ đoàn phải chiếm Latrun, đoạn đường dài ba dặm từ Latrun đến Bab el Wad, an ninh cho đoàn xe tiếp tế Jerusalem khổng lồ đang đợi sẵn trên xa lộ khoảng giữa làng Kfar Bilu và Rehovot. Tiếp theo, trong khi Shamir đang phân tích kế hoạch tấn công, một công điện đánh đi từ Tel Aviv đến lữ đoàn Bẩy. Đó là công điện khẩn, Yadin gửi đi lúc 7:30 tối ‘Đoàn quân xa địch 120 chiếc, trong đó có xe bọc sắt, xe kéo súng đại bác đã rời Ramallah đi Latrun. Họ đang ở tại tọa độ 154-141’. Haganah đã khám phá viện binh cho đại tá Majali.
        Trong lúc các nhà tu hành trong tu viện Trappist ở Latrun đọc kinh nửa đêm, lữ đoàn Bẩy bắt đầu xuất quân. Trước đó hai tiếng đồng hồ, viên sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn Palmach tăng phái bỗng dưng kiệt sức, Shamir phải đặt tiểu đoàn dưới quyền Haim Laskov.
        Dưới ánh sáng trăng tròn, Laskov cùng với ba đại đội băng qua cánh đồng đến các mục tiêu quan trọng nhất của cuộc hành quân, cao điểm Latrun, thành trì kiên cố cũ của quân đội Anh và rặng đồi phiá trên tu viện Trappist. Những di dân trong tiểu đoàn 72 của Zvi Hurewitz di chuyển về phiá đông, từ thung lũng lên con đường hẹp chạy ngoằn nghèo dưới chân đồi Judean từ Artouf đến Bab el Wad.
        Đúng bốn giờ sáng thứ Ba 25 tháng Năm, trận Latrun bắt đầu. Từ vị trí quan sát trên đồi, thiếu úy Lê Dương Mahmoud May’tah trông thấy địch quân đang băng qua cánh đồng trồng lúa mì, ngay trước họng súng trọng pháo. Đủ các loại súng phủ xuống đầu đám lính Do Thái, súng đại bác, súng cối, đại liên từ trên đồi cao. Chưa có cánh quân Haganah nào tiến được gần mục tiêu. Đại đội đi tiên phong của Laskov vẫn chưa đến được khoảng giữa Latrun và con đường huyết mạch Bal el Wad. Họ phải nằm ẩn dưới hàng cây cà chua, đậu đũa trong vườn rau tu viện Trappist, gọi pháo binh yểm trợ.
        Trong bộ chỉ huy ở Hulda, Shamir nghe tiếng binh sĩ cầu cứu pháo binh phản pháo để làm im tiếng súng địch. Vài phút sau, trong lớp học tu viện Latrun, Cha Martin Godart đang giảng bài bị cắt ngang bởi tiếng nổ đạn pháo binh, súng cối Do Thái. Đợt phản pháo của Haganah chấm dứt nhanh chóng vì thiếu đạn, các binh sĩ Do Thái đành nằm chịu trận trước hỏa lực pháo binh của quân Lê Dương Ả Rập.
        Điều nghiên bãi chiến trường, Shamir nhận định rằng, mình đã mất một tiểu đoàn trước khi trận đánh thực sự bắt đầu. Đơn vị của ông  ta giờ đã quá yếu không thể đánh chiếm Latrun ban ngày. Bây giờ làm thế nào rút quân ra thật nhanh để tránh tổn thất. Trong khi đó, đại đội đi đầu, tiểu đoàn Cơ Giới của Laskov đi vòng qua Latrun đến con đường nối Latrun và Ramallah, đại dội này cũng đụng phải hỏa lực dữ dội của quân Lê Dương nơi đồn cảnh sát Ăng Lê. Không chờ lệnh của Laskov, đại đội trưởng ra lệnh cho quân lui.
        Để bảo vệ đoàn quân triệt thoái, Laskov ra lệnh cho đại đội nằm kẹt trong vườn rau tu viện Trappist di chuyển đến đồi 314, đối diện với đỉnh Latrun. Đơn vị này vừa bò vừa lết, kéo theo thương binh. Các binh sĩ sống sót trong đại đội đi đầu của Laskov và phần còn lại của tiểu đoàn Hurewitz đào hố phùng thủ trên sườn đồi bằng đôi tay vì họ không có cuốc xẻng. Tất cả đều khát nước vì không có bi đông đựng nước. Đến mười một giờ, đạn dược gần cạn, họ được lệnh rút về hướng nam qua làng Ả Rập về Hulda.

VIII. NHỚ ĐẾN CON TRONG NHỮNG NGÀY HẠNH PHÚC.
        Làng Yad Mordechai sau năm ngày chiến đấu anh dũng đã mất vào tay quân Ai Cập. Nơi hướng bắc, quân Do Thái đẩy lui quân đội Syria. Cuối cùng ngày 22 tháng Năm, Hoa Kỳ và Nga Sô buộc hai bên ngưng tiếng súng.
        Khu Do Thái bên trong thành phố cổ đã tuyệt vọng, một ông cố đạo buồn bã nói với cấp chỉ huy Haganah Moshe Russnak rằng Thượng Đế muốn chúng đầu hàng. Russnak cũng đã nhìn thấy tình thế hết thuốc chữa. Quân Lê Dương đã chiếm được một nửa. Lương thực, nước uống đã gần cạn. Điện đã bị cắt, hệ thống cống rãnh đã hỏng. Trong cái nóng tháng Năm, mùi tử khí từ những xác chết đã rữa bốc lên nồng nặc khắp nơi. Không còn khả năng chôn cất nữa, các bác sĩ bệnh viện ra lệnh lấy vải trải giường bọc xác chết lại rồi chất đống trong sân đằng sau bệnh viện. Trong những người chết có vợ chồng ông cố đạo Rabbi Yitzhak Orenstein. Người con trai và cô con gái mười lăm tuổi Sarah vẫn còn chiến đấu trên đường phố.
        Vài phút sau chin giờ sáng ngày thứ Sáu, 28 tháng Năm. Trong bộ chỉ huy Lê Dương, thiếu tá Tell được báo cáo có hai ông cố đạo cầm cờ trắng đi ra khỏi khu vực Do Thái. Tell đến bộ chỉ huy tiền phương của đại úy Moussa gặp hai người Do Thái. Một người là Rabbi Reuven Hazan bẩy mươi tuổi, người kia là Rabbi Zeev Mintzberg tám mươi ba tuổi.
        Hai ông cố đạo đến để đầu hàng, sau hai tiếng đồng hồ tranh luận sôi nổi giữa những người Do Thái. Các chiến sĩ Haganah đe dọa sẽ bắn nếu hai ông bước ra khỏi khu vực họ vẫn còn chiến đấu. Các người trẻ chỉ dọa thôi, họ bắn trước mặt cản đường, một viên trúng ông cố đạo Hazan làm cho ông ta bị thương. Thiếu tá Lê Dương Tell đối xử rất quân tử đối với kẻ bại trận.
        Ngồi buồn bã hút xong điếu thuốc lá cuối cùng, Russnak tập họp các sĩ quan lại ra lệnh đầu hàng. Theo lệnh thiếu tá Tell, ba mươi chiến sĩ Haganah còn sống sót xếp hàng trong một khu vườn, phiá bên kia, đàn bà gom trẻ con lại, ráng xách theo những đồ kỷ niệm quê hương. Khuôn mặt người nào cũng đầy vẻ sợ hãi.
        Duyệt qua hàng tù binh, thiếu tá Tell ngạc nhiên ‘Họ chỉ có ba mươi người!’. Đến trước mặt Russnak, ông ta nói ‘Nếu tôi biết các bạn chỉ có bấy nhiêu người, tôi cho lính cầm gậy tấn công’. Cuộc lưu đầy ngắn nhất, buồn nhất trong lịch sử mới Do Thái bắt đầu ngay chiều hôm đó. Từng hai người một, trong số một ngàn ba trăm thường dân Do Thái bước qua cổng Zion ra khỏi thành phố cổ mà họ đã trải qua biết bao nhiêu đời cha ông. Quân Lê Dương bảo vệ họ khỏi bàn tay cướp bóc của sắc dân Ả Rập.
        Màn đêm xuống, một trăm năm mươi ba chiến sĩ Hagnah nam, nữ được lính Lê Dương đem cáng khiêng đi bệnh viện để một nhóm bác sĩ định bệnh. Người nào bị nặng, họ giao cho phiá Do Thái, người khác sẽ bị bắt làm tù binh. Một trong những người bị thương nặng có cô gái Esther Cailingold. Nằm chờ chết trong một đêm lễ Sabbath, không còn thuốc morphine để đỡ đau, Esther bị coma. Một bạn đồng ngũ nằm bên cạnh đưa cho nàng một điếu thuốc lá, Esther đưa tay ra đón lấy chợt khựng lại rớt xuống. Người bạn gượng ngồi dậy ‘Đừng!’, ‘Shabbat’, đó là lời trăn trối cuối cùng của Esther Cailingold. Dưới gối có tờ giấy nhỏ...
        ‘Bố mẹ kính yêu!
     Con viết những lời này để thưa rằng, bất cứ chuyện gì xẩy ra cho con, mong bố mẹ can đảm nhận lấy, đó là ước nguyện của con. Con và các bạn chiến đấu trong hoàn cảnh, điều kiện khó khăn. Con đã biết, đã nhận thức thế nào là điạ ngục, nhưng cuộc chiến đấu có giá trị, bởi vì con tin rằng, mình sẽ trông thấy một quốc gia Do Thái tự do, độc lập mà chúng ta đã mơ ước từ lâu. Con đã sống tất cả cho cuộc đời con, và tươi đẹp thay, được sống nơi quê hương ... Con mong rằng, một ngày nào đó, bố mẹ sẽ đến đây để thưởng thức vẻ đẹp quê hương mà con đã chiến đấu.
     Cầu mong bố mẹ luôn được vui và nhớ đến con, những ngày gia đình ta hạnh phúc.
        Kính
       Esther’.

IX. CHÚNG TA SẼ MỞ CON ĐỪƠNG MỚI.
        Một người đàn ông hói đầu, trán nhăn nheo bước vào bộ chỉ huy lữ đoàn Bẩy của Shlomo Shamir. Ông ta là đại tá Davis Marcus, tốt nghiệp trường võ bị West Point, theo đoàn quân đổ bộ Normandy, nhận được nhiều huy chương của chính phủ Anh, Hoa Kỳ. Sự hiện diện của Marcus trong làng Hulda là một điều tối mật trong vấn đề tìm kiếm vũ khí của Ben_Gurion. Biết trước, trong một trận chiến tranh quy ước cần phải có vũ khí và cấp chỉ huy kinh nghiệm, vị thủ tướng Do Thái đã bí mật ra lệnh cho đàn em trong phòng liên lạc sứ quán tại Hoa Kỳ ‘chiêu mộ’ một số sĩ quan cao cấp người Hoa Kỳ để làm nồng cốt cho Haganah, quân lực tương lai của Do Thái.
        Trước tình thế nguy ngập của Jerusalem, Ben-Gurion phong cho Marcus làm tư lệnh mặt trận Jerusalem, chỉ huy tất cả mọi đơn vị từ Jerusalem đến Latrun. Marcus trở nên vị tướng đầu tiên trong quân lực Do Thái, từ thời Maccabean nổi loạn, cấp bực ‘aluf’. Cùng với Shamir, hai người bàn kế hoạch tấn công Latrun.
        Việc đầu tiên, đánh chiếm hai làng Ả Rập Beit Jiz và Beit Susin, mở các cuộc tuần tiễu lấy thêm tin tức của địch. Để tăng thêm sức mạnh, một tiểu đoàn Palmach thuộc lữ đoàn Givati đến thay tiểu đoàn thuộc lữ đoàn Alexandroni. Tiểu đoàn xung kích Palmach mới này sẽ làm mũi dùi chính trong trận tấn công, đánh chiếm cao điểm trên đường Bab el Wad, các làng Ả Rập Deir Ayub, Yalu và Beit Nuba, sau đó đi vòng phiá sau phòng tuyến Lê Dương cắt đường Latrun đi Ramallah. Tiểu đoàn này được tăng cường thêm những di dân sống sót trong tiểu đoàn Hurewitz.
        Latrun sẽ bị đơn vị thiết giáp đầu tiên của Do Thái tấn công. Đơn vị này gồm mười ba xe bán xích sắt do Xiel Federmann gửi về. Quân Do Thái trang bị thêm súng phun lửa nội hóa, chế tạo ở Tel Aviv. Khẩu súng này đều có cả lợi lẫn nhược điểm mà sau này sẽ đem thảm họa đến cho đoàn xe cơ giới dười quyền chỉ huy của Laskov.
        Hành quân Bin Nun II khai diễn theo chương trình đã hoạch ra. Đúng mười một giờ đêm Chủ Nhật, 30 tháng Năm, súng cối cùng sơn pháo ‘Napoleonchiks’ bắt đầu bắn vào phòng tuyến quân Lê Dương. Đợt pháo kích dọn đường chấm dứt, Haim Laskov điều động các xe bán xích sắt tiến trong màn đêm đến Latrun, chàng nhìn đồng hồ, đúng nửa đêm.
        Trong chiếc bán xích sắt thứ ba, người hiệu thính viên là cô gái Ba Lan mười chin tuổi Hadassah Limpel. Cô đã đi bộ nửa vòng trái đất về miền Đất Hứa để đêm nay ngồi trên chiếc xe định mệnh tiến lên ngọn đồi chế ngự con đường đi Jerusalem. Chín năm trước đây, xe thiết giáp Đức Quốc Xã kết thúc tuổi thơ của Hadassah, đưa cô bé gốc Do Thái mười tuổi vào cuộc hành trình Ba Lan, Nga Sô. Từ miền băng giá Tây Bá Lợi Á (Siberia), cùng với một đàn 1500 đứa trẻ con Ba Lan, không ai dám nhận nuôi, Hadassah được Haganah (lúc đó hoạt động bí mật đưa người Do Thái thoát khỏi Âu châu) lùa đi như đàn vịt băng qua nước Nga, đến Iran, rồi Karachi, Bombay. Cuối cùng cô được lên một chiếc tầu cũ kỹ chạy bằng hơi nước về quê hương.
        Được gửi đến một làng chiến đấu, Hadassah tình nguyện vào đoàn thiếu niên Palmach. Trong mùa xuân khó khăn 1948, nàng đã cầm tiểu liên Sten với hai qủa lựu đạn trong đoàn Furmanim hộ tống đoàn xe tiếp tế Jerusalem. Sau đó cô được đưa về Tel Aviv học truyền tin với máy móc Xiel Federmann mua được. Hadassah Limpel trở nên một chiến sĩ xung kích Palmach nơi quê hương mới của cô.
        Đoàn xe bọc sắt tiến lên mục tiêu dưới bầu trời không trăng sao. Trong xe chỉ huy danh hiệu ‘Yona’, Haim Laskov nơi bộ chỉ huy tiền phương nghe tiếng Hadassah Limpel báo cáo ‘Chúng ta đã vào trong lớp hàng rào phòng thủ của địch’. Đúng lúc đó, về phiá bên phải đoàn quân, một hỏa châu mầu xanh bắn lên trên bầu trời, báo cho Laskov biết quân Palmach dưới quyền Prulov đã chiếm xong làng Deir Ayub. Vài phút sau, nhiều tiếng nổ dữ dội phát ra nơi hướng tiểu đoàn Palmach, chứng tỏ quân Prulov gặp sức chống trả quyết liệt của địch. Hadassah tiếp tục báo cáo ‘Xe bán xích sắt đi đầu chỉ còn cách cổng năm mươi thước’.
        Trên xe chỉ huy, lệnh từ Laskov được hiệu thính viên truyền đi ‘Súng phun lửa sẵn sàng’. Một tia lửa bắn vào bên trong phòng tuyến quân Lê Dương, đốt sáng rực cánh cổng chính. Tiếp theo là một tiếng nổ lớn, rồi quân Do Thái trên chiếc bán xích sắt thứ hai nhẩy xuống, chạy băng qua cổng vào bên trong đánh cận chiến.
        Trận đánh xáp lá cà kinh hoàng bằng lưỡi lê, lựu đạn xẩy ra. Chỉ ít phút sau, trên mặt đất đầy xác người, máu chẩy nhầy nhụa khắp nơi. Trong khi đó bên ngoài, Laskov không ngờ phe ta gặp phải một khuyết điểm lớn. Cánh cổng bị súng phun lửa đốt cháy, thành một ngọn đuốc lớn soi sáng bãi chiến trường. Đại úy Lê Dương Hassan nhìn thấy rõ năm xe bán xích sắt Do Thái nằm phơi ra như những mục tiêu ngon lành.
        Trong xe chỉ huy, Hadassah tiếp tục báo cáo về bộ chỉ huy tiền phương. Viên sĩ quan chỉ huy nhẩy xuống xe định đi vào cổng quan sát tình hình, một loạt đại liên từ trên nóc building bắn xuống giết chết ông ta. Tiếp theo súng chống chiến xa Lê Dương tiêu diệt từng chiếc xe Do Thái.
        Từng chiếc một, các xe bán xích sắt biến thành ngọn lửa. ‘Yona, Yona!’. Không một ai trên chiếc xe chỉ huy trả lời. Cuộc hành trình dài nửa vòng trái đất của chiến sĩ Hadassah Limpel chấm dứt trước đồn cảnh sát tại Latrun.
        Nơi một hào sâu làm bộ chỉ huy hành quân, Laskov nhận được tin xấu, quân Bộ Binh của chàng được xe bus chở đến mục tiêu cán phải mìn làm chết hai mươi quân nhân. Tiểu đoàn Palmach tăng phái dưới quyền Prulov phải lui, chịu không nổi hỏa lực của địch. Trước những báo cáo gửi về bộ chỉ huy lữ đoàn Bẩy trong làng Hulda, Marcus và Shamir quyết định cho lệnh triệt thoái. Lại một lần nữa, quân Do Thái thất bại trong việc đánh chiếm Latrun.
        Chiếc xe Jeep do một sĩ quan Palmach Amos Chorev lái trên con đường dốc đầy những viên đá lớn. Trên xe có Marcus và Vivian Herzog. Còn vài thước nữa lên tới đỉnh ngọn đồi, cả ba người phải xuống đẩy xe. Đứng trên đồi, họ nhìn thấy tu viện Latrun ở dưới, con đường từ tu viện đến Bab el Wad. Lộ trình khó khăn họ vừa đẩy xe lên, chạy song song với con đường đó sau khi băng qua làng Ả Rập bỏ trống Beit Susin. Con đường này phải băng qua những ngọn đồi dẫn lên đỉnh Judean, hành lang của những người chăn cừu trong thánh kinh. Chorev nhìn ngọn núi trước mặt băn khoăn ‘Nếu mình tìm được một con đường qua ngọn núi, mình đến được Jerusalem’. Herzog hỏi lại ‘Anh nghĩ là mình đi được không?’. Marcus trả lời thay cho Chorev ‘Tại sao không? Mình đã băng qua biển Hồng Hải từ ngàn xưa. Có đúng thế không?’.
        Vài tiếng đồng hồ sau có tiếng động cơ xe đánh thức cả ba người dậy. Họ đang ngủ vài tiếng đồng hồ để tiếp tục cuộc thám hiểm tìm con đướng mới đến Jerusalem. Chụp vội khẩu Sten, cả ba bò xuống nơi có tiếng động cơ xe. Núp sau hàng cây Olives, họ nghe tiếng người huýt sáo ra dấu cho chiếc xe leo lên. Chorev bò xuống gần quan sát, bỗng dưng chàng reo lên mừng rỡ, chạy xuống sườn đồi. Chàng nhận ra người tài xế và một chiến hữu Palmach. Những quân nhân này thuộc lữ đoàn Har-el Palmach và họ khởi hành từ trong Jerusalem.
        Như vậy là đủ, quân Do Thái đã tìm ra con đường tiếp tế cho Jerusalem. Trong khi Haganah bảo vệ xe ủi đất, dân công làm đường rộng ra cho xe vận tải di chuyển dễ dàng, việc tiếp tế cho Jerusalem được Tel Aviv thực hiện như sau. Tổng động viên nhân lực, kể cả luật sư, giáo sư, chuyên viên, nhân viên hành chánh, kế toán. Khoảng bốn trăm người, mỗi người tải trên lưng bốn mươi lăm cân Anh thực phẩm, nhu yếu phẩm đem vào tiếp tế cho thường dân Do Thái trong Jerusalem. Trong bóng đêm, họ được dặn dò, không được nói chuyện để giữ bí mật, người nọ nắm đuôi áo người đi trước, leo đồi vượt thung lũng đến Jerusalem.
        Đoàn ‘vận tải’ gồm toàn những người chưa hề phải gánh vác công việc nặng nhọc bao giờ, tuy nhiên vì vận mệnh đất nước, tương lai dân tộc họ vẫn thi hành lệnh. Nhiều người kiệt sức, nằm lại bên đường, những người khác tiếp tục tiến lên. Lên đến đỉnh đồi, đặt gánh nặng xuống, họ quay trở lại dìu những người bạn yếu sức đi lên.
        Rạng đông, Arieh Belkind người trông nom kho thực phẩm cho Dov Joseph đến nhà kho như thường lệ. Hôm đó là thứ Ba ngày 8 tháng Sáu, nhà kho trống rỗng, không còn thực phẩm, trẻ con Do Thái sắp chết đói. Mở cửa vào, chợt Belkind trông thấy trên sàn nhà đầy những túi trông như túi quân trang. Ngạc nhiên, chàng mở ra, bên trong là lúa mì ... Thượng Đế đã cứu sống dân Do Thái, Belkind ngồi bệt xuống sàn, ôm mặt khóc.

X. UỐNG MỪNG CHO NHỮNG AI CÒN SỐNG.
        Do áp lực của hai ‘Ông Trùm’ Hoa Kỳ, Nga Sô, khoảng sau tám giờ sáng, thiếu tá Lê Dương Ả Rập Tell nhận được cú điện thoại của vua Abdullah ‘Ông là quân nhân, tôi ra lệnh ngưng bắn’. Chiến thắng đã trong tầm tay, thiếu tá Tell kéo khăn bịt đầu ‘Kaffiyeh’ lau khóe mắt, làm theo lệnh của vì vua.
        Lệnh ngưng bắn của Liên Hiệp Quốc không ảnh hưởng nhiều đến sự chiến đấu của người Do Thái trong Jerusalem. Con đường tiếp tế cho Jerusalem đã làm xong, đặt tên là đường Burma. Rất tiếc Đại tá David Marcus không sống được lâu để nhìn thành quả của mình do một viên đạn bắn lầm.
        Trong Jerusalem, Dov Joseph yêu cầu cho đoàn xe tiếp tế hoạt động ngay. Gần đó, nơi bộ chỉ huy Haganah, David Sheltiel tập họp sĩ quan lại. Từ ngăn dưới bàn làm việc, ông ta lôi ra chai Champagne rót cho mỗi người một ly. 
        Trong thủ đô Tel Aviv, lệnh ngưng bắn ba mươi ngày là ‘Giấc mơ vàng son’ dành cho thủ tướng Ben-Gurion. Trước mặt ông là công điện do Ehud Avriel gửi về cho biết, chiếc tầu chở đầy vũ khí sắp rời Nam Tư (Yugo). Họ đã mua được súng cối 100 ly của Pháp, Tiệp Khắc đã nhận lời huấn luyện phi công, lính nhẩy dù và thiết giáp cho Do Thái. Quốc gia mới tái lập của ông ta đã sống sót qua bao phong ba, bão táp. Cục diện chiến tranh đã đổi chiều về phiá Do Thái.
        Dov Joseph không còn than phiền về vấn đề tiếp tế nữa. Bắt đầu từ ngày 12 tháng Năm, từng đoàn xe tiếp tế trên đường Burma đem thực phẩm, nhu yếu phẩm, súng đạn vào Jerusalem. Ngày 15 tháng Sáu, một trong những chiếc tầu của Yehuda Arazi đem về mười đại bác 75 ly, mười chiến xa Hotchkiss cho Haganah, mười tám đại bác 65 ly, bốn đại bác phòng không cùng 45000 viên đạn. Chiếc S.S. Kefalos từ Mexico đem về ba mươi sáu đại bác 75 ly, năm trăm đại liên. Yehuda Arazi còn mua thêm chiến xa Sherman từ Ý Đại Lợi.
        Từ Prague, Ehud Avriel vẫn tiếp tục tìm kiếm vũ khí ‘on sale’. Trong tháng Sáu, chàng mua được tám triệu viên đạn, hai mươi hai chiến xa hạng nhẹ và bốn trăm đại liên. Không lực Do Thái được gửi về mười lăm chiếc C-46, ba pháo đài bay B-17, ba chiếc Constellation, năm chiếc P-51 Mustang, bốn chiếc thả bom Boston A-20, hai chiếc DC-4, mười DC-3, hai mươi Messerschmitt, bẩy Anson và bốn Beaufighter. Họ cũng tuyển mộ phi công tình nguyện để lái máy bay trong những ngày sơ khai của không lực Do Thái.
        Khối Ả Rập cũng cố gắng tìm kiếm mua vũ khí. Với kiên nhẫn, đại tá Fouad Mardam ra lệnh vớt số súng chìm dưới bùn khi con tầu S.S. Lino bị đánh bom. Sau đó, ông ta bước vào văn phòng công ty vận chuyển Menara ở Rome. Giá một triệu Lire, ông thuê chiếc S.S. Argiro để chở súng. Mừng rỡ, đại tá Mardam gọi điện thoại về Damacus báo tin.
        Chiếc S.S. Argiro thay vì đi Syria, hướng vào hải cảng Haifa. Nhân viên trong công ty vận tải ‘quên’ cho vị đại tá Syria biết rằng chủ nhân ông của công ty chính là Hải Quân Do Thái. Vố này đau hơn hoạn, tiền mất tật mang, nuôi ong tay áo, vừa mất công, vừa mất tiền, vừa tiếp tế súng đạn cho kẻ thù không đợi trời chung.

XI. CA KHÚC KHẢI HOÀN.
        Đúng như những gì thiếu tá Tell lo sợ. Hy vọng chiếm Jerusalem tan thành mấy khói. Chưa đầy một giờ sau khi thời gian ngưng bắn chấm dứt, tiếng đạn pháo binh, súng cối 6 inches của Do Thái thi nhau bay vào phòng tuyến tất cả các đơn vị trong khối Ả Rập, kể cả phòng tuyến Lê Dương trong Jerusalem. Điều này cho biết những điều viên thiếu tá Lê Dương tiên đoán đã thành sự thực.
        Trên khắp các mặt trận, quân đội Do Thái phát động chiến dịch tổng phản công. Nơi phiá nam, quân Do Thái chiếm lại một số làng trước sự kinh hoàng, hỗn loạn của quân Ai Cập. Về hướng bắc, bốn mũi dùi tấn công, dồn quân Syria vào khu vực Mishmar Hayarden bên hồ Huleh, trong khi đó một cánh quân Do Thái khác đuổi quân Ả Rập vừa mới tái trang bị dưới quyền Fawzi el Kaukji chiếm thành phố cổ Nazareth.
        Quân Do Thái thừa thắng chiếm luôn khu vực phiá bắc Latrun, khu vực làng Ả Rập Lydda và Ramle. Quân đội mới thành lập của Do Thái chiến thắng chớp nhoáng nhờ chiến thuật đặc biệt của đơn vị Cảm Tử Commando dưới quyền vị sĩ quan có một mắt Moshe Dayan. Hình ảnh vị sĩ quan này trở thành huyền thoại, biểu tượng cho sức mạnh của Quân Lực Do Thái. Trận đánh Jerusalem hay Trận Chiến Độc Lập 1948 trong lịch sử Do Thái coi như kết thúc.

XII. THẦY ĐOÀN KẾT.
        Allon, Yigal. Chỉ huy trưởng đơn vị Palmach năm 1948, trở nên chính trị gia, phó thủ tướng. Cùng với Moshe Dayan, ông ta hy vọng sẽ là người kế vị nữ thủ tướng Golda Meir.
        Avidar, Joseph. Người chịu trách nhiệm tiếp tế trong Haganah năm 1948, trở nên giám đốc cơ quan xuất nhập cảng.
        Avriel, Ehud. Làm đại sứ tại La Mã nhiều năm. Năm 1948 đã mua vũ khí cho Haganah.
        Charny, Carmi. Chống quân Lê Dương nơi Sheikh Jarrah. Vẫn sống ở Jerusalem, trở nên một thi sĩ nổi tiếng.
        Chorev, Amos. Người khám phá ra con đường Burma. Trở nên tướng lãnh trong quân đội.
        Elazar, David ‘Dado’. Sĩ quan Palmach phải đá những người lính ngủ gục trong trận tấn công vào cổng Zion. Trở thành Tổng Tham Mưu Trưởng quân lực Do Thái. Trong trận chiến Sáu Ngày, ông ta chỉ huy mặt trận nơi hướng bắc (Syria).
        Federmann, Xiel. Người mua vũ khí cho Haganah. Thành giám đốc những khách sạn lớn ở Do Thái.
        Gazit, Mordechai. Bị thương, trở về đời sống dân sự. Sau này trông nom vấn đề di dân về Do Thái.
        Hod, Mordechai. Một trong hai phi công đầu tiên của Do Thái. Năm 1967, làm tư lệnh Không Quân đã đánh tan tành không lực các quốc gia Ả Rập.
        Joseph, Dov. Trở về nghề luật sư, sống trong Jerusalem.
        Laskov, Haim. Chỉ huy đơn vị thiết giáp đầu tiên của Do Thái. Giải ngũ làm thương gia.
        Levi, Yitzhak. Sĩ quan quân báo của Shaltiel. Sau này làm chủ một cơ xưởng ấn loát.
        Lorch, Netanel. Chàng tuổi trẻ ca hát trong đêm phân chia đất Do Thái. Làm quân sử gia trong quân lực.
        Narciss, Uzi. Lên tướng trong trận chiến Sáu Ngày, tư lệnh mặt trận trung ương bao gồm thành phố Jerusalem. Giải ngủ sau đó ít lâu.
        Nevo, Yosef. Ở lại với quân đội cho đến sau trận chiến Sáu Ngày. Hiện làm thị trưởng thành phố Herzlia.
        Rabin, Yitzhak. Chỉ huy trưởng lữ đoàn Har-el. Lãnh đạo quân lực Do Thái trong trận chiến Sáu Ngày. Đại sứ Do Thái tại Hoa Kỳ.
        Russnak, Moshe. Chỉ huy Haganah trong thành phố cổ. Sống bình an trong Jerusalem.
        Shaltiel, David. Chỉ huy trưởng Haganah trong Jerusalem. Chết năm 1969 sau một thời gian phục vụ trong ngành ngoại giao bên Âu châu và Nam Mỹ.
        Shamir, Shlomo. Chỉ huy trưởng lữ đoàn Bẩy. Vừa về hưu sau một đời binh nghiệp sáng chói.
        Weizman, Ezer. Một trong hai phi công đầu tiên của Do Thái. Trở thành tổng trưởng giao thông. Ngày nay là một nghị sĩ trong quốc hội.
        Yadin, Yigal. Tham mưu trưởng hành quân năm 1948. Giải ngũ theo nghiệp cha, trở nên một nhà khảo cổ lừng danh trên thế giới.

Theo tài liệu ‘O Jerusalem’, Larry Collins, Dominique Lapierre, 1973.

University of Wisconsin, Whitewater
                  Vũ-Đình-Hiếu



No comments:

Post a Comment