A’MAN CƠ-QUAN TÌNH-BÁO QUÂN-SU DO-THÁI
I. LỜI GIỚI
THIỆU.
Do-Thái là một quốc gia nhỏ vùng trung-đông có hơn
sáu triệu dân, phải đương đầu với hơn một trăm triệu dân Ả-Rập bao quanh. Hai
dân tộc này là kẻ thù không đội trời chung, Khối Ả-Rập liên-kết với nhau, nguyền
tiêu diệt người Do-Thái (Zionists). Để bảo-đảm
cho sự sống-còn của một dân-tộc, Do-Thái lúc nào cũng phải đề-phòng, giữ một đạo
quân hùng mạnh, mà cả thế-giới thán phục. Quân-lực Do-Thái được liệt kê là một
trong những bộ máy chiến tranh hoàn hảo nhất.. Sự thành công của quân-đội
Do-Thái trông cậy rất nhiều trong ngành tình báo, biết trước những mưu-mô, kế-hoạch
chuyển quân của địch để đỡ đòn hoặc ra tay trước.
Do-Thái có ba cơ-quan tình-báo:
Tình-báo Quốc-ngoại MOSSAD, An-ninh Phản-gián nội-bộ SHIN BET và ngành Tình-báo
Quân-sự A’MAN. Nổi tiếng nhất, được nói đến nhiều nhất là cơ-quan Mossad được
thành lập bí mật vào ngày 01 tháng tư năm 1951, thuộc phòng chính trị, bộ ngoại-giao.
Về sau trở nên vững chắc, trong những năm đầu, Mossad đã đem lậu hàng ngàn người
Do-Thái ra khỏi Iraq.
Mossad đã thiết-lập nhiều quan-hệ với cơ-quan Trung-ương Tình-báo Hoa-Kỳ (CIA).
Trong thời gian được lãnh đạo bởi siêu điệp-viên Isser Harel, cơ-quan Mossad được
thế-giới xem như một thứ James Bond trong việc bắt cóc tội-phạm Quốc-Xã (Nazi)
Adolph Eichmann từ thủ-đô Buenos Aires, Á-Căn-Đình và việc ‘chiêu hồi’ một
phi-công Iraq lái chiếc MIG-21 về
Do-Thái. Mossad cũng rất thành công trong cuộc chiến với Tháng Chín Đen
(Black September), một tổ chức khủng-bố người Palestine, ám-sát Ali Hassan
Salameh, tay soạn-thảo ra vụ thảm-sát lực-sĩ Do-Thái trong kỳ thế-vận Olympics
năm 1972 tại Munich. Gần đây, Mossad bắt cóc kẻ phản bội về nguyên-tử
Morderchai Vanunu từ Âu-châu đem về Do-Thái. Ngoài ra theo báo ngoại quốc,
Mossad cũng dự phần trong kế hoạch ám-sát thần-sầu viên phụ tá cho tổ chức Giải-phóng
Palestine (PLO) Abu Jihad. Trùm khủng bố bị giết trong biệt thự riêng ở Tunis vào tháng tư, năm
1988.
Trong ngành tình báo, đâu phải
lúc nào cũng thành công, Mossad đôi khi bị ‘bể mặt’ như vụ xẩy ra tại một làng
nhỏ Lillehammer
bên Na-Uy nơi tổ chức thế vận hội mùa đông trước đây và đài truyền hình CBS có
nhắc lại trong kỳ thế-vận). Toán hành-động (hit team) của Mossad giết một người bồi bàn người Ma-Rốc vì tưởng lầm
là một trong những thủ phạm trong vụ thảm sát các lực-sĩ Do-Thái ở Munich, Tây-Đức năm 1972.
Sau vụ này vài điệp viên của Mossad bị bắt, ra tòa và ngồi tù.
Lực-lượng an-ninh, phản gián
Do-Thái có tên là SHIN BET hay SHA ‘BA’K, không quan trọng và ít nổi tiếng như
Mossad. Shin Bet được biết đến trong vai trò phản-tình-báo và những năm sau này
có thêm nhiệm-vụ chống khủng-bố. Cơ-quan này truy tầm gián-điệp phiá Nga-sô và Ả-Rập
nổi tiếng trong vụ bắt được trung-tá
Israel Be’eri, quân-sử gia cuộc chiến đấu độc-lập 1948 và làm gián-điệp
theo mùa cho cơ-quan tình-báo Nga-sô, bán tài liệu an-ninh quốc-phòng Do-Thái
và Tổ-chức Bắc Đại-Tây-Dương (NATO).
Shin Bet còn bắt giữ giáo-sư Kurt Sita, nhà vật-lý học người Tiệp-Khắc, làm
gián-điệp cho sở tình-báo Tiệp (STB).
Về ngoại vụ, Shin Bet cung cấp
lực lương an-ninh cho hãng hàng không Do-Thái El Al trên các phi trường quốc tế
sau vụ một chiếc máy bay của El Al bị không tặc cưỡng bách bay đi Algeria vào
năm 1968. Trong nhiệm vụ an-ninh, Shin Bet bị tai tiếng đôi khi quá tay, tàn bạo.
Một vụ xẩy ra bắt lầm, buộc tội oan cho một sĩ quan trẻ gốc Circassian Moslem
phục-vụ trong quân đội Do-Thái. Viên sĩ quan này bị tra tấn, đánh đập dã man đến
độ phát điên sau khi sự thật phơi bầy ra. Một vụ khác dưới quyền chỉ huy trực tiếp
của vị chỉ-huy Shin Bet, Avraham Shalom, đánh-đập hai tên khủng bố người Palestine cho đến chết,
sau vụ cướp xe bus vào tháng tư năm 1984. Vụ này bị báo chí phanh-phui làm mất
mặt chính-quyền. Khi Shin Bet tiên đoán sai về vụ khởi-nghiã (Intifadah) của
dân-tộc Palestine
trong năm 1987, Shin Bet bị chỉ trích, kiểm thảo.
Mặc dầu Mossad và Shin Bet là
hai cơ-sở quan trọng trong ngành tình báo Do-Thái. Không có một đơn-vị nào hữu-hiệu
hơn cho vấn-đề sống còn của lực-lượng quốc-phòng, quân đội Do-Thái bằng cơ-quan
A’MAN. Nhiệm-vụ chính-yếu của cơ-quan tình báo này là thâu-thập tin-tức
tình-báo, phân-tích và phổ biến những nguồn tin tình-báo đến các đơn-vị trong
quân-lực Do-Thái. Nhờ những tin tình báo do A’Man cung cấp, quân đội Do-Thái đã
tạo được những chiến-thắng thần-tốc như trong Trận Chiến Sáu Ngày năm 1967 và
nhiều vố khác làm cho kẻ thù Ả-Rập ‘bể mày, bể mặt’. Thất bại trong ngành tình
báo sẽ đưa đến nhiều hậu qủa tai hại như trong Trận Chiến năm 1973 (Yom Kipur).
A’Man trực thuộc bộ Tổng-Tham-Mưu và bộ Quốc Phòng Do-Thái chứ không biệt lập
như Mossad, A’man bị coi như nằm trong bóng tối của Mossad, sự liên hệ giữa
A’Man và Mossad cũng tương-tự như cơ-quan An-ninh Quốc-gia (NSA) của Hoa-Kỳ và
Trung-Ương Tình-Báo CIA.
Là một phần trong Lực-Lương Quốc-Phòng,
A’Man bao gồm luôn hai cơ-quan tình báo của Hải và Không quân. A’Man tuyển-mộ đủ
mọi thành-phần kể cả tội-phạm, trong những điệp-viên nổi tiếng có Eli Cohen được
tôn-vinh là siêu gián-điệp (Sư-phụ - Master Spy) và ‘Champagne Spy’ Wolfgang
Lotz mà về sau chuyển qua Mossad, trở
thành nhân-vật quan trọng cho cơ-quan này. A’Man chia ra làm bốn ban: Sản-xuất
(Production), Tình-báo (Intelligence Corps), Quốc-ngoại (Foreign Relations) và
An-ninh (Field Security/Military Censorship). Nhân viên làm việc cho A’Man vào
khỏang bẩy ngàn người gồm binh-sĩ, sĩ-quan, hạ-sĩ-quan và dân sự. A’Man còn có
nhiệm vụ gửi các tùy-viên quân-sự đi khắp thế giới làm việc trong các tòa đại-sứ
Do-Thái và ngành phản gián tại quê nhà.
Điệp-viên của A’Man có mặt ở khắp
nơi, đằng sau phòng tuyến địch, hay ở văn phòng trong bộ Tổng-Tham-Mưu quân-lực.
Viên chỉ-huy trưởng của ngành Quân-Báo (A’Man) thường là một vị tướng xuất sắc
trong quân đội, đã đảm nhiệm chức vụ chỉ
huy những đơn-vị thiện chiến trong quân-lực Do-Thái. Sau đó thường được đề cử
lên chức vụ tổng-tham-mưu trưởng. Hai vị cựu chỉ huy trưởng của A’Man trước
đây Trung-tướng Ehud Barak và Thiếu-tướng
Amnon Shahak là những quân nhân nhiều chiến công nhất, nổi tiếng trong quân-đội.
Tướng Barak chỉ-huy A’Man từ năm 1983 đến 1985, đã từng chỉ huy lực-lượng
Sayeret Mat’Kal, Đơn-vị tối mật trinh-sát (LLĐB) của bộ tổng-tham-mưu. Ông ta
đã từng chỉ huy nhiều cuộc hành quân đặc biệt và là một quân nhân nhiều huy
chương nhất trong quân-sử Do-Thái (Đó chỉ là một phần thôi, vẫn còn nhiều bí mật
về ông ta không tiện nói ra). Tướng Shahak xuất thân từ binh chủng Nhẩy Dù và
Viễn-thám Biệt-động-quân đã tham dự nhiều cuộc hành quân nổi danh.
II. KHỞI THỦY.
Trong thời
gian Anh quốc còn thống-trị vùng Trung-Đông, người Do-Thái trên mảnh đất
Palestine đã tổ chức một đạo quân bí mật để bảo-vệ xóm làng chống lại sự cướp
bóc của sắc dân Ả-Rập láng giềng.Tổ chức này có tên là HAGANAH, có nghĩa là
‘Phòng-Vệ’ trong tiếng Hebrew, ngôn ngữ cổ xưa của dân Do-Thái. Haganah được
thành lập vào năm 1921 là tiền-thân của quân lực Do-Thái ngày nay. Lúc mới
thành lập, Haganah bị đặt ngoài vòng pháp luật vì người Anh đâu có thể chấp nhận
một lực-lượng võ-trang nào trên phần đất cai-trị của mình.
Trên
phương-diện quân-sự, Haganah gặp rất nhiều khó-khăn, nhân-lực ít ỏi, trang-bị yếu
kém, tất cả mọi hoạt-động đều phải che dấu. Trong giai đoạn tranh đấu cho nền độc
lập của quốc-gia Do-Thái, Haganah cấu tạo
những tổ (cells) bí mật chuyên lấy tin-tức, trong đó có nhóm cực tả IRGUN hoạt
động ngầm dưới quyền chỉ huy của Menachem Begin (sau đã làm thủ-tướng Do-Thái).
Ngoài ra Haganah còn có thêm hai tổ chức bí mật khác, ban Kỹ-Thuật (Technical
Department) và một đơn-vị nhỏ gọi là Dịch-vụ Tin-tức (Information Service) hay
SHA’I. Cơ-quan Sha’I mới đích thực là tiền thân của ngành Tình-báo Quân-sự của
quân-đội Do-Thái ngày nay.
Sha’I giữ
liên hệ mật thiết với các cơ-quan tình-báo Anh quốc và cố gắng sửa đổi theo mẫu
của các cơ-quan này. MI-4 Quân-báo Anh-quốc, MI-5 Phản gián, MI-6 Điệp-vụ Hải
ngoại. Năm 1936, tình báo Anh gửi một đại-úy
trẻ tên là Orde Charles Wingate sang giúp Lực-lượng Quốc-phòng Do-Thái. Wingate
thành lập một đơn-vị phản du-kích hỗn hợp Anh, Do-Thái gọi là Tiểu-đội
Hành-quân Đêm Đặc biệt. Wingate dậy quân Do-Thái khi ra trận phải trên chân đối
phương, Chìến thắng có thể đạt được với nguồn tin tình báo chính-xác và đánh bất
ngờ. Ông ta huấn luyện binh-sĩ đem bãi chiến trường vào trong phần đất địch.
Trong số những người được Wingate huấn
luyện có Moshe Dayan và Yigal Allon, hai vị tổng tham-mưu trưởng tương lai của
quân-lực Do-Thái.
Trong thời gian xẩy ra trận thế-chiến
thứ II, Haganah và đơn-vị Hành-quân Đặc biệt thuộc quân-đội Anh thành lập đoàn
quân PAL’MACH (Các đại-đội xung-kích), mà sau này trở nên rất quan trọng trong
việc xây dựng quân-đội Do-Thái, cũng như xác định vai-trò của các đơn-vị
trinh-sát nhỏ trong nhiệm-vụ cảm-tử và
thâu thập tin-tức tình-báo đằng sau phòng tuyến địch. Chiến-sĩ Pal’Mach phát triển một phương thức
võ-thuật gọi là Krav Maga (cận chiến) và được huấn luyện thêm về cách chế-ngự
khi bị bắt, hỏi cung, tra tấn. Quân-đội Anh còn huấn luyện cho nhiều đơn-vị
khác của Do-Thái, kể cả nhóm cực tả (Right wing Extremist) Irgun dưới sự chỉ
huy của nhân-vật xuất thần Menachem Begin. Nhóm Irgun sau này chống lại quân-đội
Anh và khi nước Do-Thái độc lập, họ được thâu nhận vào trong Lực-lượng Quốc-phòng,
trở thành điệp-viên phục-vụ cho cơ-quan A’Man.
Quân đội Anh còn tuyển mộ thêm
một số quân tình nguyện khác, huấn luyện nhẩy-dù và thả xuống đằng sau phòng
tuyến quân-đội Đức ở Hy-Lạp, Ý-Đại-Lợi, Hungary,
Romania, Bulgaria, Tiệp-Khắc
và Nam-Tư.. Trong số ba mươi tư người Do-thái thả xuống bên Âu châu, mười hai
người bị bắt và bị tử hình bẩy người kể cả nữ quân nhân Hanah Szenesh mà sau
này được coi như biểu tượng cho việc ‘Tử Đạo’ và Enzo Sereni một trong những cấp
chỉ huy và huấn luyện viên nhẩy-dù. Sereni bị bắt bên Ý và chết trong trại tập
trung Dachau.
Chuyện này đã được quay thành phim ‘Hana’s War’ về cuộc đời của Hanah Szedesh.
Riêng ở Nam-Tư, quân nhẩy-dù
Do-Thái đã cứu thoát 124 quân nhân thuộc không lực Hoa-Kỳ và Anh quốc bị bắn
rơi. Sau khi đệ nhị thế-chiến chấm dứt, hầu hết các quân nhân nhẩy-dù đều ở lại
bên Âu châu, tham gia phong trào đưa người Do-Thái trở về Palestine. Nhiều người sau này tiếp tục theo
nghề tình báo, làm việc cho Mossad, Shin Bet và A’Man.
III. GIÃ-TỪ
BÓNG TỐI.
Trong nửa năm đầu 1948, Haganah
có sáu lữ-đoàn bộ-binh: Lữ-đoàn 1 Golani, Lữ-đoàn 2 Carmeli, Lữ-đoàn 3
Alexandroni, Lữ-đoàn 4 Kiryati, Lữ-đoàn 5 Giva’ Ati, Lữ-đoàn 6 Etzioni và Lữ-đoàn
7 Cơ-giới / Thiết giáp, Lữ đoàn 8 Cơ-giới. Ngoài ra còn có ba Lữ-đoàn Pal’
Mach: Lữ-đoàn Negev hoạt động trong vùng sa-mạc phía nam, Lữ-đoàn Harel trong
vùng Jerusalem và Etzion, Lữ-đoàn Yiftach hoạt động trong vùng đồi núi phiá
đông và bắc Galilee. Mỗi lữ-đoàn có thêm sĩ-quan quân-báo, và vào tháng giêng
năm 1948, khóa huấn-luyện về quân-báo được mở cấp tốc do Zerubavel, cựu sĩ-quan
Pal’Mach và là một trong những người soạn thảo kỹ thuật trinh-sát giảng dậy. Những
sĩ quan quân-báo đầu tiên của Haganah được huấn-luyện về điạ-hình, chiến-thuật,
nhận-diện vũ-khí và đơn-vị của địch, nhiệm-vụ người sĩ-quan quân-báo và phối hợp
với các sĩ-quan quân báo thuộc Không, Hải quân, Truyền tin và Lực-lượng Đặc-biệt.
Phần quan trọng nhất trong
khóa tình báo là môn thẩm-vấn tù-binh. Sĩ-quan quân-báo biệt phái cho các tiểu-đoàn,
lữ-đoàn Haganah được lệnh gửi các toán trinh-sát nhỏ ra hoạt-động ban đêm, tìm
cách bắt sống tù-binh. Đó là những nguồn tin tình báo giá trị nhất, vừa chính
xác vừa bảo đảm. Cũng theo lệnh từ bộ chỉ-huy Haganah, chỉ có sĩ-quan quân-báo
và nhân-viên A’Man điạ phương mới được quyền thẩm-vấn tù binh.
Để chống lại những hoạt-động
tình báo của quân đội Ai-Cập, Lực-lượng Quốc-phòng Do-Thái thành lập những
đơn-vị trinh-sát nhỏ lưu-động. Vào tháng tám năm 1951, vị tư-lệnh bộ Chỉ-huy
Phương Nam, Thiếu-tướng Moshe Dayan xây-dựng một đơn-vị gồm các quân nhân
thám-báo, tìm dấu vết và cảm-tử quân gọi là đơn-vị 30 để ngăn ngừa điệp-viên Ai-Cập xâm-nhập vào đất Do-Thái, và
thực hiện những trận đột-kích trả đủa trên phần đất Ai-Cập. Cuối cùng đơn-vị lừng danh 101 dưới quyền chỉ huy của
Thiếu-tá ‘Arik’ Sharon được trao cho nhiệm-vụ này (Đơn-vị 101 sẽ làm thay đổi
quan-niệm về tình báo tác-chiến mãi mãi). Sau này, những đơn-vị đặc biệt được
sáp-nhập lại và trực thuộc bộ chỉ huy Phương-Nam, lấy tên là SAYERET SHAKED.
Ngày 28 tháng mười hai năm
1953, ban tình-báo được giao-phó thêm nhiệm-vụ và lấy tên là A’MAN. Văn thư được
gửi đến có đoạn như sau: ‘Kể từ ngày hôm nay, Ban Tình-Báo sẽ không còn là một
phần của Ngành Hành-Quân, đã trở nên một ngành, lấy tên là A’MAN, trực thuộc Bộ
Tổng-Tham-Mưu. Điều chính-yếu cho sự thay đổi này nhằm tăng thêm phần quan trọng
của ngành tình-báo trong phương-thức chiến-đấu của Lực-lượng Quốc-phòng
Do-Thái.. .’. Trung-tá Yehoshofat ‘Fatti’ Harkabi đương xử-lý chức-vụ chỉ-huy
trưởng ban tình-báo, đọc bản văn-thư rất xúc-động. Bản văn-thư này vẫn còn được
giữ nguyên cho đến ngày nay, nói lên sự quan trọng của ngành tình báo trong
quân-lực Do-Thái.
IV. CHIẾN-DICH
SUSANNAH.
Sau cuộc chiến đấu cho độc lập
năm 1948, đơn-vị 131 được sát-nhập vào ban tình-báo. Hoạt-động của đơn-vị này
là những gián-điệp ‘ngủ yên’. Theo một định-nghiã cổ: Họ làm việc như một căn-cứ,
một điạ điểm của phe bạn nằm trong lãnh thổ địch, giúp đõ những điệp viên khác
làm việc nơi quốc gia địch. Những tin tình báo họ lấy được không quan trọng bằng
sự hiện diện của họ trong quốc gia địch. Điều quan trọng nhất là họ không làm
những chuyện tàn-bạo.
Năm 1951, Avraham Dar điệp-viên
thuộc đơn-vị 131 được gửi sang Ai-Cập để tổ chức một đường giây tình báo gồm những
điệp viên ‘ngủ yên’. Dar là một thủy-thủ, cựu sĩ-quan Pal’Mach đã từng lãnh huy
chương ngoại hạng khi phục vụ trong đơn-vị Biệt-Hải (Pal’Yam) năm 1948. Trong
chiến-dịch Susannah, Dar dùng ‘vỏ-bọc’ John Darling, sinh quán tại Gibraltar đại-diện thương-mại cho một công-ty điện-tử
Anh-quốc.
Với sự hiểu biết rất rộng về
Ai-Cập, Dar bắt đầu tiến-hành việc tuyển-mộ hai người gốc Do-Thái có tinh thần
quốc-gia Zionist để lãnh-đạo đường dây giáp-điệp. Người đầu tiên là Bác-sĩ
Moshe Marzouk, y-sĩ làm việc trong bệnh-viện Cairo,
ông ta được giao cho nhiệm vụ ‘Trùm’ nhóm Cairo.
Một giáo-viên trẻ hai mươi bốn tuổi tại thành-phố Alexandria, rất giỏi về toán-học, Shmuel
‘Jacques’ Azar điều khiển đường dây trong thành phố. Hai nhân-vật có tinh thần
dân-tộc Zionist này được những người yêu nước cộng tác. Khi được giao phó trách
nhiệm đối với tổ quốc, những người Ai-Cập gốc Do-Thái trẻ tuổi sẵn sàng thi
hành nhiệm-vụ quên cả sự nguy-hiểm cho bản thân, gia-đình. Họ coi đó là danh-dự.
Trước khi rời Ai-Cập tháng tám
năm 1951, Darling đã lập xong nền tảng cho hai ổ gián-điệp ‘ngủ-yên’ riêng biệt.
Ông ta đặt rất nhiều hy-vọng vào hai tổ chức ,khi hoàn thành nhiệm-vụ trở về
Do-thái mặc dầu vẫn chưa thấy dấu hiệu nào về việc xử-dụng hai ổ gián-điệp kể
trên. Vỏ bọc văn-phòng du-lịch được tạo nên để che chở hai tổ gián-điệp . Vỏ bọc
này lúc nào cũng bận rộn với nhiều khách lạ đến và đi ngoài ra còn lấy vé, giấy
tờ du-lịch dễ dàng không bị dòm ngó.
Người đầu tiên được bác-sĩ
Marzouk tuyển-mộ là Marcelle Ninio, nhiệm-vụ trông coi văn-phòng du-lịch ở Cairo tên là Grunberg
Reisboro. Văn phòng này chiếm một tầng trong building nổi tiếng Immobilia và có
một chi nhánh ở Alexandria.
Ninio giữ một nhiệm-vụ quan trọng trong đường dây liên lạc giữa Alexandria và Cairo.
Cô nàng xất xinh-đẹp, nổi tiếng duyên-dáng, sống động và thể thao. Một nhân vật
khác trong tổ Cairo là Robert Dassa, người mà ai
cũng cho là có nhiều nét Ai-Cập hơn gốc-rễ, vì anh ta say-mê lịch-sử và văn-hóa
Ai-Cập. Lãnh-đạo tổ Alexandria là Victor Levy (Tay cứng cựa - Tough Guy), ăn-nói nhỏ nhẹ là Philip
Nathanson, Meir Zafran và Eli Na’im. Họ không nghĩ mình là điệp-viên mà là
quân-nhân.
Đầu năm 1952, các tổ Ai-Cập được
đem sang Do-Thái qua ngã Pháp, để huấn-luyện
về quân-sự và tình báo. Người đầu tiên đến là Victor Levi, ai cũng cho là tay cứng
nhất (durable) cả về thể xác lẫn tinh thần. Anh chàng được ở trong một căn
phòng trong thủ đô Tel Aviv hai tháng chơi, sau đó đưa đi huấn luyện trong căn
cứ bí mật gần Ramle. Là học viên duy nhất, Levi được giảng dậy bằng Anh ngữ,
thành-thạo về môn phá-hoại, chất nổ, đặt mìn, trinh-sát, xác-định mục tiêu, mật
mã và tình báo. Anh ta cũng được huấn luyện thêm về chống theo dõi (cắt đuôi),
thủ tục an-ninh, và quan trọng hơn hết là cách chịu đựng sự tra-tấn dã-man. Vài
tuần sau đến lượt bác-sĩ Moshe Marzouk và các người khác.
Đến cuối năm 1952, các điệp-viên
trở lại Ai-cập từng người một qua ngả Ý-Đại-Lợi và Pháp. Bắt đầu giai đoạn khó
khăn trong nhiệm-vụ ‘chờ-đợi’. Họ đã được chỉ thị nằm yên trong vòng một năm,
nhưng mới sau hai tháng các điệp-viên ‘ngủ yên’ nhận được lệnh ‘báo thức’. Những
biến cố xẩy ra ở Do-thái và Ai-Cập làm cho lệnh ‘báo thức’ đến sớm hơn dự trù.
Người Ai-Cập chống lại chế-độ
thuộc điạ. Họ nổi giận đối với người Anh và Pháp làm chủ nhân ông kênh đào Suez, bất động sản giá trị nhất trên
toàn cõi Ai-Cập hoặc cả Phi-châu. Nhân cơ hội có sự xáo trộn trong nước, một
nhóm sĩ-quan cướp chính-quyền vào ngày 23 tháng bẩy năm 1952, ép Vua Farouk nhường
ngôi cho con là Ahmed Fuad II. Nhân vật lãnh đạo cuộc đảo chánh là một sĩ quan
danh tiếng, Trung-tá Gamal Abdel Nasser, người hùng của trận chiến năm 1948, vị
phụ-tá của ông ta là Trung-tá Anwar as-Sadat. Đến năm 1953, Nasser đã nắm chắc
quyền hành trong tay và loại trừ Tướng Mohammed Naguib, một trong những người tổ
chức vụ đảo-chánh.
Ngày 7 tháng mười hai 1953, nhà
ái-quốc, Thủ-tướng kiêm Tổng-trưởng Quốc-phòng Ben Gurion từ chức về hưu sống trong làng chiến-đấu (Kibbutz)
Sde Boker nơi sa-mạc Negev. Tân thủ-tướng
Do-Thái là Moshe Sharett, tổng tham mưu trưởng mới là tướng Moshe Dayan ‘Con
cưng của Ben Gurion - Bố Gìa’, tân tổng trưởng quốc-phòng là Pinhas Lavon, một
nhân vật trẻ, đảng viên nồng cốt của đảng Lao-động là Shimon Peres nắm chức vụ
giám đốc tổng quát bộ quốc phòng. Peres rất thông minh, có khả năng và nhiều
tham vọng.
Một chuyện khác ảnh hưởng đến
các ‘căn-cứ bên Ai-Cập’ (Theo danh từ của A’Man). Người thay thế Avraham
Dar/Darling là Avraham Seidenberg, người Áo gốc Do-Thái, khi trở về Do-Thái đổi
tên theo tiếng Hebrew là Avri El-Ad. Một quân nhân nhẩy-dù trong quân đội Anh
trong trận đệ nhị thế chiến, El-Ad gia nhập Haganah và Pal’Mach, xuất-sắc khi
phục vụ trong lữ-đoàn Harel, lên thiếu-tá khi mới hai mươi hai tuổi. Tương lai
sẽ là một cấp chỉ huy giỏi trong quân đội Do-Thái, bỗng dưng ông ta phạm kỷ luật
và bị cho giải ngũ và sau đó gia nhập đơn-vị 131.
Tháng mười hai 1953, El-Ad xử dụng
vỏ bọc tên là Paul Frank, một thương gia Tây Đức đến Ai-Cập bằng tầu thủy qua
ngả Hamburg.
Đẹp trai, ăn nói khôn khéo, Frank qua mặt màng lưới phản tình báo Ai-Cập dễ
dàng với đầy đủ giấy tờ chứng minh, kể cả giấy chứng nhận là cựu sĩ quan SS.
Tuy nhiên, sự che dấu bí mật không được lâu, Frank hơi ỷ-y không chú-trọng về vấn
đề an-ninh của tổ chức.
Một điệp-viên A’Man khác là
Meir Bennett lúc đó cũng đang hoạt động bên Ai-Cập mặc dầu không dính-dáng đến
đường dây Sussanah, sinh quán tại Hungary, người Đức gốc Do-Thái, ba
mươi bẩy tuổi. Ông ta nổi tiếng là điệp-viên xuất sắc của Do-Thái, trở nên huyền
thoại qua nhiều điệp-vụ bên Âu-châu và Iraq. Bennett bị thương trong trận
chiến năm 1948, sau đó trở thành sĩ quan trong quân-đội Do-Thái, được tuyển chọn
phục vụ ngành tình-báo và thăng cấp thiếu-tá rất nhanh.
Năm 1951, Meir Bennett được gửI
sang Ai-Cập hoạt động với vỏ bọc là Max, thương gia Tây Đức, đại diện cho một
công-ty chuyên làm chân tay giả. Nhờ vỏ bọc này, Max quen biết rất nhiều với giới
quân nhân Ai-Cập và trở thành bạn thân với tướng Mohammed Naguib, tổng-thống
Ai-Cập. Một thời gian sau, Max trở nên một kỹ-sư trưởng cho hãng xe Ford ở Ai-Cập,
lúc đó là một trong những hãng thầu lớn cung cấp vật liệu cho quân-đội Ai-Cập.
Nhờ quen biết nhiều với giới quân nhân Ai-Cập, những tin tình báo Max gửi về rất
quý giá cho vấn đề quốc phòng Do-Thái. Lý do tại sao bị lộ hành tung và sự liên
hệ với đường dây yểu mệnh Sussanah cho đến bây giờ vẫn không ai biết, chỉ biết
sơ là chuyện xui-xẻo.
Sự liên lạc, trao đổi tin-tức,
chỉ thị giữa đơn-vị 131 và các tổ bên Ai-Cập thường được thực hiện nơí các quán
cà-phê vỉa hè trong thành-phố Paris. Người chỉ huy cơ
quan Mossad ở Paris
lúc đó là Yitzhak Shamir, cựu chỉ huy trưởng lực lượng Lehi (Stern Gang), sau
này trở thành thủ-tướng Do-Thái. Shamir hoạt động mạnh trên đất Pháp, và
cơ-quan An-Ninh (Shin Bet) cũng thường lấy Paris làm đất dụng võ cho các nhiệm-vụ
thanh toán, bắt cóc kẻ phản bội đem về Do-Thái, như chuyện xẩy ra năm 1954, cựu
sĩ-quan SS Ulrich Schneft, nhân vật này giả làm người sống sót của trại thảm
sát (Holocaust), di cư về Palestine, gia nhập quân đội Do-Thái, xin qua phục vụ
ngành tình báo lấy tin của quân đội Ai-Cập, cuối cùng bị điệp-viên Shin Bet bắt
tại Paris và dẫn độ về Do-Thái, cầm tù và sau đó trục xuất ra khỏi nước.
Chỉ huy đơn-vị 131 là Ben Tsur
thường gặp các điệp viên của mình ở Paris,
để ra lệnh và cung cấp vật dụng, tiền bạc. Ben Tsur thường gặp Avraham
Dar/Darling cũng như Paul Frank và Max Bennett. Vào tháng sáu năm 1954, Ben
Tsur gặp Paul Frank trên đại-lộ St. Germain ở Paris cho chỉ-thị cuối cùng về chiến-dịch
Sussanah. Ngày 29 tháng sáu, Frank trở lại Alexandria chính thức hoạt động đường dây của
mình. Năm 1954, dường như thủ-tướng Anh Winston Churchill sắp sửa ký giấy tờ
hoàn trả lại kênh đào Suez cho Ai-Cập. Để ngăn ngừa chuyện này, chỉ còn cách
làm cho mất mặt dân Ai-Cập và người tây phương sẽ không có thiện cảm đối với
dân Ai-Cập. Đường dây Sussanah được giao cho trọng trách này.
Ngày 2 tháng bẩy 1954, các điệp-viên
đã sẵn sàng nhận lệnh từ Tel Aviv. Mục tiêu đầu tiên là một loạt hộp thư trong
bưu-điện chính ở Alexandria
trong khu El Ramel, sự phá hoại sẽ đổ thừa cho phe Moslem. Victor Levy và
Philip Nathanson bước vào và bỏ hộp đựng chất nổ trong thùng đựng thư dễ dàng.
Sau đó tỉnh bơ bước ra, tuy nhiên chỉ gây hư-hại nhẹ. Vụ này bị chính quyền
Ai-Cập nhận chìm để bảo vệ uy-tín của Nasser đối với các quốc gia tây-phương.
Nhóm Sussanah nhận được thêm chỉ
thị vào ngày 10 tháng bẩy qua hệ thống mật trên đài phát thanh Kol Yisrael, làm
thịt những cơ-sở của người Anh và Hoa-Kỳ. Ngày 14 tháng bẩy, bom được đặt trong
thư-viện Hoa-Kỳ tại hai thành phố Cairo và Alexandria. Robert Dassa
và Schmuel Azar làm cú ở thủ-đô còn Victor Levy, Philip Nathanson làm cú ở Alexandria. Lần này phòng
thông-tin Trung-Đông tường thuật dầy đủ chi tiết về đợt khủng bố mới này làm
cho Ai-cập rúng động. Phiá bên Do-Thái, vụ trên chứng tỏ nhóm của Paul Frank có
khả năng ra tay cùng lúc ở hai nơi Cairo và Alexandria. Nhóm Sussanah
được lệnh ‘làm tiếp’.
Ngày định mệnh là ngày 23 tháng
bẩy, ngày Cách-Mạng. Đường dây Cairo,
Dassa và Azar đặt bom trong rạp chiếu bóng Rivoli và trạm xe-lửa trung-ương. Cả
hai quả bom đều không nổ, tức tối trở về nhà đợi tin từ Alexandria.
Toán Levy, Nathanson đặt bom
trong rạp ciné Rio ở Alexandria
cũng gặp ngày xui. Trong khi xếp hàng mua vé vào cửa, bỗng dưng bộ phận kích hỏa
dấu trong túi Nathanson phát nổ, bốc cháy. Nathanson ráng nhịn đau để khỏi bị
chú ý, nhưng không may trong đám người xếp hàng có nhiều người trông thấy và đại-úy
cảnh-sát đặc biệt Hassan el Mandani bắt giữ. Levy chạy thoát ra biển ném qủa
bom xuống biển Điạ-Trung-Hải. Bấy giờ chỉ còn là vấn đề thời gian khi nào tất cả
bị bắt.
Lúc đầu, Nathanson là một thanh
niên thầm lặng mười chín tuổi vẫn chối cãi không khai đồng bọn. Có lúc đến ba
mươi nhân viên cảnh-sát, an-ninh, tình báo Muchabara hỏi cung, nắm tóc, tra tấn
đánh đập Nathanson tàn nhẫn. Nathanson vẫn tỉnh-táo ráng ‘gồng’ thêm chút nữa để
đồng bọn có đủ thì giờ tẩu thoát, nhưng thêm phần bị phỏng do chất nổ, chàng
đành phải buông xuôi. Bảy tiếng đồng hồ sau, Levy bị bắt và cũng bị tra khảo dã
man. Bốn mươi tám giờ trôi qua dưới sự tra khảo của những tay ‘ghê-gớm’ trong
ngành tình báo Ai-Cập Levy vẫn chưa khai, sau đó mới chịu thua.
Những ngày sau, an-ninh Ai-Cập
bắt giữ gần hết nhóm điệp-viên tài-tử (Amateur): bác sĩ Marzouk, Schmuel Azar,
Robert Dassar, Meir Zaphran, Meir Meyuchas, Eli Ya’akov và Caesar Cohen.
Marcelle Ninio bị bắt tại nơi nghỉ mát nổi tiếng Ras el Bar đưa vào điạ ngục
trong nhà tù Am Hasa. Trùm nhóm Sussanah Paul Frank trốn thoát qua Âu châu. Có
giả thuyết cho rằng Frank là gián điệp đôi, điều này Levy nói lên trong buổi phỏng
vấn trên đài truyền hình Do-Thái nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày nhóm Sussanah bị
đưa ra tòa bên Ai-Cập.
Ngày 21 tháng mười hai 1954, mười
ngày trước khi bị đem ra tòa, Max Bennett dùng dao cạo râu cắt mạch máy cổ tay
và chết một giờ đồng hồ sau. Thi hài Bennett được đưa sang Rome trao trả cho Do-Thái qua sự thương thuyết
của A’Man. Trong một buổi lễ âm thầm trong văn phòng bộ trưởng quốc phòng, người
chiến sĩ tình báo được tuyên dương và trao tặng cấp bậc trung-tá trong quân lực
Do-Thái. Các điệp viên khác trong nhóm, sau này khi trở về được tiếp đón nồng hậu,
công khai và phong cấp bậc ngang với Bennett.
Ngày 27 tháng giêng 1955, tòa
án quân sự ở Cairo
công bố bản án: hai tổ trưởng bác sĩ Marzouk và hai mươi sáu tuổi Schmuel Azar
bị treo cổ và ngày hành quyết là ngày 31
tháng giêng. Victor Levy, Philip Nathanson, Robert Dassa bị án chung thân.
Marcelle Ninio, sau khi tự-tử không thành bị xử mười lăm năm tù (như đã giới
thiệu trong phần trên, Ninio rất xinh đẹp và hoạt bát linh động, trong tay quân
thù nàng phải chịu những khổ đau riêng.. .thương cho một kiếp hoa). Meir
Meyuchas và Meir Zafran mỗi ngườI lãnh án bẩy năm. Đường dây yểu mệnh Sussanah
chấm dứt.
Trở lại phần đất Do-Thái, vụ
Sussanah làm chấn động quốc gia, chính quyền, quân đội. Tổng trưởng quốc phòng
bị thay thế bởi cựu thủ tướng David Ben Gurion, giám đốc cơ quan A’Man Binyamin
Gibli bị ép buộc từ chức, ông ta trở về
phục vụ trong quân đội, sau trở thành chỉ huy trưởng lữ đoàn Golani. Chỉ huy
đơn-vị 131 Ben Tsur bị cho giải ngũ thay thế bởi trung tá Yosef Harel.
Trường hợp của Avri El Ad (Paul
Frank) vẫn còn bí mật, nhiều người vẫn tin là El Ad phản bội. Thiếu tướng
Harkabi vẫn tin ông ta, những sĩ quan khác trong ngành tình báo Mossad và Shin
Bet đòi lột trần sự thật (Break him) về El Ad, đặc biệt điệp viên Shin Bet luôn
theo dõi ông ta. Năm 1959, El Ad bị đi tù trong khám đường nổi tiếng Ramle, sau
này nhốt Adolph Eichmann vì vi-phạm luật an-ninh tình báo. Năm 1967, được thả
ra và đến định cư tại California,
ông ta có viết quyển ‘Mất Danh-Dự’ (Decline of Honor), trong đó nói rằng Trùm
A’Man đã gài bẫy ông ta.
Một điệp-viên A’Man vẫn không chịu quên chuyện
Sussanah và các điệp-viên xấu số, đó là Avraham Dar. Người thành lập hai tổ điệp-viên
‘ngủ yên’ bên Ai-Cập. Rất can-đảm, ông ta quay trở lại Ai-Cập tìm cách liên-lạc
với đường dây yểu mệnh nhưng tất cả đều biến mất. Dar bay sang Âu châu, mướn luật
sư Pháp, Anh cho các điệp viên bị bắt và nhờ lấy tin tức từ các điệp viên đang
bị bắt. Trong khi các cấp chỉ huy Do-Thái mong chuyện Sussanah chìm vào lãng
quên như một tai nạn, Dar vẫn giữ vững niềm tin và phác họa một kế hoạch quân sự
giải cứu các đồng chí thuộc cấp của mình. Khi trình bầy kế hoạch với các cấp chỉ
huy, hầu như mọi người đều bị điếc.
Năm 1956, Anh, Pháp và Do-Thái
chuẩn bị xâm chiếm Ai-Cập. Thời cơ đã đến, Dar liên lạc với quân-đội Pháp, trao
đổi những tin tình báo của A’Man về Ai-cập, đổi lại người Pháp sẽ cho một đơn vị
bảo vệ Dar cùng hai đồng chí tấn công nhà tù nơi giam giữ các điệp viên
Sussanah. Kế hoạch không thành công, toán của Dar tiến dược đến bờ kênh đào
Suez, đem về miền đất ‘Hùa’ một số người Do-Thái. Trong khi đó các điệp viên
Sussanah vẫn nuôi nguồn hy vọng bằng cách chơi thể thao, họ đoạt được nhiều giải
bóng chuyền. Meir Zafran ghi khắc trên tường những hình ảnh lúc mình bị tra tấn.
Dassa, Levy, Nathanson và Ninio
được tự do vào tháng hai năm 1968, sau Trận Chiến Sáu Ngày. Quân-đội Do-Thái bắt
được hơn năm ngàn quân Ai-Cập trong đó có nhiều sĩ-quan cao cấp kể cả tướng
lãnh, nhiều người là bạn thân của Nasser.
Không như năm 1956, thiếu tướng Meir Amit, trùm cơ quan Mossad, từ chối tất cả
mọi sự đổi chác với Ai-Cập nếu không có nhóm Sussanah trong số tù binh Do-Thái
trao trả. Bốn điệp viên Sussanah được chuyến bay của Hồng-Thập-Tự đưa qua
Zurich, và được một máy bay của quân-lực Do-Thái đợi sẵn đưa về phi trường Lod
(Do-Thái). Trong số những người đón tiếp có Meir Meyuchas và Meir Zafran, rất
là cảm động khi các điệp viên gặp lại nhau. Meyuchas và Zafran được trả tự do
sau khi mãn hạn (bẩy năm), họ quay trở về miền đất hứa (Aliyah). Trong một buổi
lễ, tất cả các điệp viên Sussanah được ân thưởng vòng hoa chiến thắng của hai
trận chiến 1956 và 1967 và được trao tặng quân phục, phù hiệu của ngành tình
báo với cấp bậc thiếu-tá, Tất cả được mời lên xe đưa đi Jerusalem xem diễn binh
mừng chiến thắng. Ngày nay họ đã phân tán đi khắp nơi, sống cuộc đời dân-sự lặng
lẽ. Họ gặp nhau mỗi năm một lần cùng với các biệt kích quân khác được trao trả
cùng ngày với họ.
V. TÔI CHƯA HỀ PHẢN-BÔI QUÊ-HƯƠNG. 1954.
Vụ Sussanah là một bi-kịch
trong ngành tình báo, kết qủa do vấn đề chính-trị và lãnh đạo bết. A’Man vẫn phải
tiếp tục nhiệm vụ. Đạo quân Do-Thái vẫn cần biết trước sức mạnh, vị trí đóng
quân và ý-đồ của kẻ thù. Một trong những công cụ để lấy tin tức tình báo của
A’Man là xử-dụng những đơn-vị cảm-tử quân tinh-nhuệ, thả sâu vào đất địch với
nhiệm vụ trinh-sát. Nhiệm-vụ quân-sự này khác với sứ mạng gián-điệp nhưng cả
hai đều nguy hiểm ngang nhau.
Trước đây, Do-Thái có đoàn quân
Pal’Mach là một điển hình cho tất cả các đơn-vị Lực-lượng Đặc-biệt sau này. Một
trong những đơn-vị cảm tử là đơn-vị 101, dưới quyền chỉ huy của thiếu-tá Ariel
Sharon, huyền thoại của quân-đội Do-Thái, sau này lên chức bộ-trưởng bộ quốc-phòng
dưới thời thủ-tướng ‘Đại Diều-Hâu’ Menachem Begin. Hai nhân vật quá khích này
đưa quân-đội Do-Thái sang xâm chiếm Lebanon năm 1981. Sharon là một quân nhân nổi tiếng là chẳng
nghe ai, luôn luôn làm theo ý ông ta và lúc nào cũng thành công, bất chấp mọi
khó khăn, trở ngại. Người không hề biết sợ và lừng danh trên vấn đề lãnh-đạo chỉ-huy,
các thuộc cấp của ông ta rất kính phục và trung thành với ông ta.
Trong cuộc hành quân đầu tiên của
đơn-vị 101 do Sharon chỉ huy, phục kích giết chết Mustapha Samueli, một sĩ quan
cao cấp Ai-Cập. Thủ tướng Ben Gurion rất ngưỡng mộ khả năng của thiếu tá
Sharon, ra lệnh cho vị tổng-tham-mưu trưởng thành lập một đơn-vị ‘Trả-đủa’ cho
những nhiệm vụ tối mật đặt dưới quyền chỉ huy của bộ tổng tham mưu. Khi lệnh được
ban ra, bộ chỉ huy cuả Sharon đầy những quân nhân tình nguyện. Người đầu tiên
được tuyển chọn là huyền thoại Meir Har Zion, trong vòng một tuần năm mươi quân
nhân thuộc đơn vị 101 được tuyển qua phục vụ đơn vị mới mà sau này đã chứng
minh cho quân Ả-Rập biết là khả năng của họ hơn cả một lữ-đoàn. Quân Ả-Rập và
nhóm khủng-bố Fedayeen sợ quân sĩ của Sharon
như những Supermen.
Binh-sĩ của Sharon đôi khi đi quá trớn như trong cuộc hành quân
Shoshana, tấn công trả đủa làng Kibya bên kia bờ sông Jordan, Do-Thái trả đủa về vụ quân
khủng bố phát xuất từ làng này giết chết ba thường dân Do-Thái. Đêm 14 tháng mười
1953, đơn-vị 101 Biệt-Động phối hợp với một đơn vị thuộc tiểu đoàn 890 Nhẩy Dù
tấn công làng Kibya. Quân khủng bố được Jordan yểm trợ giao tranh ác liệt,
một lúc sau quân Do-Thái mới làm chủ tình hình. Trong lúc giao tranh một số dân
chạy lánh nạn trên những ngọn đồi xung quanh, vị chỉ huy đơn-vị 101 nghĩ rằng
dân đã bỏ chạy hết, ra lệnh đốt phá tất cả nhà cửa trong làng. Ông ta đã lầm,
tin tức được phổ biến ngày hôm sau, sáu mươi chín thường dân bị giết làm sững-sờ
Do-Thái. Dân chúng và thủ tướng Ben Gurion nổi giận ra lệnh giải tán đơn-vị 101,
sát nhập vào tiểu đoàn 890 nhẩy dù (Tzanhanim).
Khi có chuyện tối mật, bộ tổng
tham mưu và A’Man xủ dụng đơn vị Trinh-sát Dù (Seyeret Tzanhanim) hậu thân của
đơn-vị 101, dưới quyền chỉ huy của trung-úy Meir Har Zion, họ là những quân
nhân ngoại hạng trong những đơn vị xuất sắc. Họ coi thường vùng đất Trung đông,
coi như mảnh vườn sau nhà, thường mở những buổi thực tập, huấn luyện trong đất
địch. Sau một buổi họp mật trong cơ quan A’Man, được thủ tướng Lavon chấp thuận
cho đặt máy nghe lén dường dây điện thoại. Đơn vị Trinh-sát Dù được lệnh thi
hành.
Năm quân nhân Dù thuộc đơn vị
trinh sát dưới quyền chỉ huy của trung sĩ Meir Ya’akobi tình nguyện cho sứ mạng,
được gửi đi Tel Aviv huấn luyện do phòng
nhì đảm trách. Những quân nhân này rất tự tin, sau bữa cơm tối trong làng chiến
đấu Kibbutz Dan, mỗi binh sĩ mang ba lô chứa hơn ba mươi kilo dụng cụ, đạn dược
âm thầm lên đường. Họ di chuyển bí mật xuyên qua hệ thống đồn bót, doanh trại của
quân đội Syria, đến nơi đã định, Meir Ya’akobi leo lên trụ điện đặt máy nghe
lén rồi thử liên lạc với phòng nhì tại thủ đô Tel Aviv để bảo đảm là máy nghe tốt.
Sĩ quan phòng nhì nhẩy nhổm lên khi nhận được tin tốt về kết qủa của toán
Ya’akobi. Sau khi tuyên thệ giữ bí mật, toán quân Dù trở về phục vụ đơn vị gốc Trinh-sát Dù.
Máy nghe lén chứng tỏ rất công
dụng, Trong Kibbutz Dan, sĩ-quan biết nói tiếng Ả-Rập thuộc phòng nhì ngồi xung
quanh một máy thâu băng và máy truyền tin dò những mệnh lệnh gửi đi đến các
đơn-vị của Syria và thông báo về thủ đô Tel Aviv. Một vấn đề trở ngại là lúc đó
máy móc vẫn còn thô-sơ cần bảo trì, sủa chữa, thay pin, toán của Meir Ya’akobi
lại phải thi hành nhiệm vụ. Cấp chỉ huy của Ya’akobi, Arien Sharon nói
‘Ya’akobi là một quân nhân hoàn hảo nhất!’.
Suốt mùa thu năm 1954, toán năm
quân nhân của Ya’akobi, sau này có hai
quân nhân thuộc lữ-đoàn Golani đi theo thiếu-úy Meir Moses và Eilan băng qua
phòng tuyến Syria nhiều lần để bảo trì máy nghe lén. Công việc trở thành thường
xuyên và đây cũng là lỗi lầm lớn trong ngành tình báo.. . và ngày định mệnh đã
đến.
Đêm 8 tháng mười hai 1954, toán
hỗn hợp trinh-sát dù và Golani, dưới quyền chỉ huy của thiếu-úy Moses, vượt
biên qua phần đất Syria, lần này có Ya’akobi làm hướng đạo, Gad Kastelanitz,
Jackie Lind và Uri Eilan làm nhân viên hỏa lực. Đêm đó trời sáng trăng, toán phạm
phải một lỗi lầm nữa là đi theo đường cũ và đêm nay sẽ không như mọi đêm.
Mùa đông năm đó lạnh hơn những
năm trước, lần này toán trinh sát di chuyển chậm hơn những lần trước, vừa phải
mang trong ba-lô mỗi người hơn ba mươi kilô thêm gío lạnh của mùa đông, bộ quân phục chống lạnh
càng làm thêm vướng víu. Cả toán rơi vào giữa ổ phục kích và trong giây lát bị
bắt sống đem vào trại quân của Syria
ở Quneitra, sau đó đưa đi nhà tù Al Mazeh giam giữ, tra khảo.
Mỗi quân nhân Do-Thái bị biệt
giam trong ‘hộp’ mỗi bề 3 thước, bị điều tra liên tục, không cho ngủ về sứ-mạng
của toán. Tất cả đều không chịu khai, Uri Eilan sợ rằng mình sẽ không chịu nổi
sự tra tấn, tàn bạo của kẻ thù nên treo cổ tự tử chết vào ngày 13 tháng giêng năm 1955. Sợ quân Do-Thái trả
đủa, Syria đem trả thi hài của
Eilan về Do-Thái ngày hôm sau. Eilan được chôn cất nơi làng của chàng Kibbutz
Gan Shmuel. Nhiệm mầu thay, khi vị tuyên-úy và các chiến-hữu cùng đơn vị sửa soạn
lại thi hài trước khi làm lễ an-táng. Họ khám phá ra một mảnh giấy nhỏ mà Eilan
đã giấu trong ve áo. Mảnh giấy chỉ có vài chữ, đúng tuồng chữ của Eilan.. . ‘LO
BAGAD’TI’ ‘TÔI CHƯA HỀ PHẢN BÔI’ (I HAVE NOT BETRAYED!).
Để chấm dứt những buổi điều tra
cho cả toán, Ya’akobi nhận hướng dẫn một toán quân Syria đến chỗ đặt máy. Chàng
dự-định sẽ làm nổ chiếc mày tự-tử và kéo theo vài quân nhân Syria xuống địa
ngục nhưng thất bại, thời tiết quá lạnh, bị mưa làm cho bộ phận hủy máy không
kích hỏa. Ya’akobi lại bị dẫn độ về lại nhà tù.
Vụ năm quân nhân biệt-kích và
cái chết của Eilan như quả bom nổ trong chính quyền, quân đội Do-Thái. Trong quốc-hội
(Knesset), những chính trị gia đòi phải thực hiện một cuộc hành quân giải cứu
tù binh. Cấp chỉ huy của A’Man cũng yêu cầu bộ tổng tham mưu hành động vì những
nhân viên của họ đang bị giam cầm trong thủ đô Damascus của Syria. Lữ-đoàn
Dù của Sharon được lệnh thi hành chỉ thị, các quân nhân Dù nhộn nhịp sửa soạn,
họ đâu chịu bỏ quên đồng đội.
Đêm 11 tháng mười hai 1955,
quân Do-Thái tấn công cao-nguyên Golan. Mới đầu để trả đủa cho vụ pháo binh Syria bắn tầu cảnh-sát tuần tiễu trên vùng biển Galilee. Cuộc hành quân lấy tên là Alei Za’it (cành
Olive) để ép Syria trao trả
tù binh hiện đang bị giam giữ ở Damascus.
Nhiệm vụ của đơn-vị trinh-sát Har Zion Sayeret là phải bắt sống nhiều tù binh.
Trong bốn tiếng đồng hồ giao-tranh, Syria mất năm mươi quân và bị thương hơn một
trăm, Do Thái chỉ mất sáu quân nhân, bắt sống hai mươi chín sĩ-quan, hạ sĩ quan
Syria đem về Do-Thái làm con tin cho những cuộc thương thuyết sắp tới.
Ngày 29 tháng ba 1956, cuộc
trao trả tù binh được thực hiện nơi cầu B’not Ya’akov, phân chia Do-Thái và
Syria bởi giòng sông Yarmuk. Bốn quân nhân biệt-kích được trao trả, vui mừng gặp
lại chiến hữu, gia đình nhưng câu chuyện về họ vẫn chưa chấm dứt. Vài hôm sau,
thiếu-úy Meir Moses lữ đoàn Golani và Trinh-sát Dù trung-sĩ nhất Ya’akobi bị
đưa ra tòa án quân-sự. Tướng Dayan, tổng tham mưu trưởng xem chừng muốn phạt
làm gương cho quân-đội. .. Thà chết chứ không để địch bắt làm tù binh. Điều này
hơi quá, vị chỉ-huy trưởng đơn-vị Dù, Sharon
nổi điên bênh vực thuộc cấp.. . Họ đã chứng minh là những quân nhân can đảm
trong lúc thi hành nhiệm vụ, ngoài khả năng.. . Vụ phản đối này có thể làm hại
nặng đến cuộc đời binh nghiệp lừng danh
của ông ta. (Sharon
không được cấp trên ưa tuy nhiên thuộc cấp rất kính phục, sẵn sàng sống chết với
ông ta. Vụ này làm tướng Dayan để ý, khi tướng Dayan lên chức tổng trưởng quốc
phòng đã ‘quên’ không mời Sharon
làm tổng tham mưu trưởng quân đội Do-Thái). Một loạt quân nhân thuộc đơn vị 101
và trinh sát dù ra trước tòa khai rằng Ya’akobi
là người hùng thực sự.
Thiếu-úy Moses bị phạt giam cấp
bậc mười hai năm, cho đến năm 1968, tài
liệu tịch thâu được của Syria
có nói rằng thiếu-úy Moses thực tâm muốn phá hủy máy nghe lén. Ya’akobi bị
giáng cấp xuống hạ-sĩ, mặc dầu đã bị bắt làm tù binh, có thể trở lại đời sống
dân sự, chàng xin ở lại với các chiến hữu và định mệnh chết trong trận đánh đèo
Mitla, khi cùng với đơn vị trinh sát dù nhẩy xuống trận điạ ngày 1 tháng mười một
năm 1956, kết thúc một huyền thoại nổi
trôi.
Câu chuyện về năm biệt kích làm
việc cho cơ-quan A’Man đã được kể trong nhiều tài liệu và quay phim. Chuyện Eilan và Ya’akobi đã làm hai chiến sĩ
yểu mệnh được coi như thánh tử đạo.
VI. ĐOẠN ĐƯỜNG MÁU DẪN ĐẾN
CHIẾN TRANH (1955-1956).
Nasser
lên nắm quyền trong cuộc cách mạng 1952, báo động một cuộc chiến tranh giữa
Do-Thái và Ai-Cập có thể xẩy ra. Nasser khởi động một cuộc chiến để trả thù cho
người Palestine,
kẻ thực sự thua cuộc năm 1948. Bị lãng quên, phản bội, tuyệt vọng, với sự giúp
đỡ của Ai-Cập và Jordan, Palestine có thể làm người
Do-Thái mất ăn mất ngủ. Cuộc chiến giữa
Do-Thái và Fedayeen (Những người hy-sinh) bắt đầu và kéo dài tới ngày nay,
không biết đến bao giờ mới thực sự chấm dứt.
Trong những căn-cứ quân sự
trong vùng sa-mạc Sinai và giải đất Gaza, tình báo Ai-Cập huấn luyện những người
nghèo khó, ít học Palestin và Ai-Cập (hầu hết thuộc sắc dân du-mục Bedouin).
Đàn ông được tuyển mộ, đem ra khỏi trại tỵ-nạn và huấn luyện về phá hoại, giết
người. Bộ chỉ huy Phương Nam, quân đội Do-Thái có nhiệm vụ bảo vệ phần đất
trên, xử dụng đơn-vị 101 của Arik Sharon và sau này lữ đoàn 202 nhẩy dù trả đủa
cho những vụ khủng bố của Fedayeen. Mục tiêu chính là thanh toán trung tá
Mustafa Hafaz.
Trung tá tình báo Mustafa
Hafaz của Ai-cập là một cấp chỉ huy giỏi,
không như những sĩ-quan Ai-Cập khác. Trong một văn phòng làm việc được bảo vệ
chắc chắn, Hafaz chỉ huy các hoạt động của Fedayeen. Ông ta hiểu biết rất nhiều
về người Palestine và Do-Thái, rất khâm phục quân đội Do-Thái chứ không nghe những
lời tuyên truyền của chính quyền Ai-Cập. Hafaz lợi dụng những bộ lạc du mục
Bedouin, dò thám lấy tin tức những mục
tiêu cho Fedayeen đột kích phá hoại, giết người.
Do- Thái muốn thanh toán trung
tá Mustafa Hafaz từ lâu nhưng không thành công. Trong năm 1953, một toán đặc
công thuộc đơn vị 101 vượt biên qua Gaza đặt bom phá xập nhà của Hafaz nhưng
lúc đó đương sự không có nhà, đang ở trong vùng sa mạc (hành quân). Sau vụ giết
người của Fedayeen tại làng Rechovot, quân đội Do Thái trả đủa trong cuộc hành
quân Mủi-tên Đen. Băng qua những mục tiêu thường, như nhà của những tên tình
nghi, quân Do-Thái tấn công bộ chỉ huy quân-đội Ai-Cập, nhà ga, bồn nước nơi có
quân đông đảo phòng vệ. Do Thái giết chết ba mươi sáu quân Ai-Cập đổi lại tám
chiến sĩ của mình trong đó có một đại đội trưởng. Quân đội Do-Thái cố tình cảnh
cáo Ai-Cập, vài ngày sau vụ treo cổ Shmuel và Moshe Marzouk tại thủ đô Cairo
(Hai nhân vật thủ lãnh hai tổ trong đường dây Sussanah trong chương IV).
Người được trao cho nhiệm vụ
thanh toán trung tá Hafaz là đại tá R., một trong những người xuất sắc của
A’Man. Tên thật vẫn còn được dấu kín cho đến ngày nay, chỉ biết ông đã từng phục
vụ trong đơn vị nổi tiếng Pal’Mach trước đây. Phụ tá của ông ta là thiếu tá S.
cũng bí mật, tốt nghiệp đại học Scottish ở Jerusalem, chịu trách nhiệm trong vụ Sussanah
trước đây, do đó rất có thể thiếu tá S. là nhân vật Avraham Dar.
Chỉ huy A’Man trong thời
Fedayeen là thiếu tướng Yehoshofat ‘Fatti’ Harkabi, ông ta làm sống lại vai trò
của A’Man trong quân lực Do Thái. Karkabi thường thuyết trình về vấn đề tình
báo trong các buổi họp của bộ tổng tham mưu. Tổng trưởng quốc phòng thường mời
ông ta đến văn phòng nói chuyện nhiều tiếng đồng hồ, ngày cũng như đêm về ngành
tình báo.
Để đối phó với trung tá Hafaz.
A’Man xử dụng hệ thống phản gián chống gián điệp đôi. Khi các điệp viên gài bên
trong Ai-Cập phát giác một gián điệp đôi, A’Man cung cấp tin giả làm bối rối
ngành tình báo Ai-Cập. Trường hợp một gián điệp đôi của Hafaz là Sheikh
Mohammed bị A’Man phát giác, vị chỉ huy A’Man Phương Nam, thiếu tá Ya’akov tạo
nên một điệp viên tưởng tượng rồi tìm cách trao cho Mohammed là cho các gián điệp
Ai Cập điên dầu truy lùng một nhân vật không bao giờ hiện hữu trong quốc gia.
Sau khi lấy đầy đủ tất cả những
dữ kiện về trung tá Hafaz, A’Man kết luận không thể loại trừ nhân vật này bằng
cảm tử quân mà đã thất bại trước đó ba năm. Hafaz được bảo vệ rất chắc chắn và
rất cẩn thận. Phải ‘chơi’ cách khác, đặt bom trong bưu kiện gửi đi từ Gaza cũng không được vì
ông ta sẽ nghi ngờ. Bỏ thuốc độc vào trái cây lỡ biết đâu người khác ăn trước.
Khi nguồn tin về một gián điệp đôi tới tai đại tá R. mọi bài toán khó khăn về
trung tá Hafaz được giải bầy. Trung tá Hafaz phải đích thân lo việc quan trọng.
Tên người gián điệp đôi là
Suleiman Et Tlalka, hai mươi lăm tuổi người Bedouin ở Rafah, làm việc cho tình báo Do-Thái, trước
đây đả được trung tá Hafaz tuyển mộ. Để kiểm chứng, tình báo Do-Thái đặt câu hỏi
cho Et Tlalka về các căn cứ quân sự của Ai-Cập trong giải đất Gaza, hôm sau phi
cơ thám thính Do-Thái báo cho biết là tất cả đều sai bét. Sự thực về Et Tlalka
phơi bầy ra và đaị tá R. biết cách xử dụng anh ta để loại trừ trung tá Hafaz,
nhân vật làm nhức đầu giới tình báo Do-Thái. Trước hết đại tá R. yêu cầu gặp mật
Et Tlalka và đưa cho anh ta một bản mật mả phải trao tận tay cho trùm tình báo
của Do-Thái ở Gaza (chuyện dựng nên), tên là Lutfi El Achawi, hiện đang làm cảnh
sát trưởng. Đại tá R. tin rằng Et Tlalka sẽ đem thẳng tới trao cho Hafaz.
Sau khi nhận được tài liệu giả, bên trong chứa chất nổ do ban Nghiên-cứu,
Phát-triển của ngành tình báo chế tạo, Đại tá R. ra đệnh cấp tốc đem ‘gói quà’
đến bộ chỉ huy Phương Nam, cố tình chạy ẩu để có thêm giấy phạt của cảnh sát
trên xa-lộ nối liền Aviv-Beersheba. Bên trong một căn nhà bí mật gần biên giới
Ai-Cập, đại-tá R. cùng bộ tham mưu theo dõi cử chỉ của tên gián điệp đôi Et
Tlalka từng chút, làm như thật, họ trao cho Et Tlalka một bản mật mã viết bằng
Anh ngữ. Khi mặt trời bắt đầu lặn trên biển Điạ-Trung Hải ngày 11 tháng bẩy
1956, đại tá R. cùng hai nhân viên hộ tống Et Tlalka ra đến trạm kiểm soát biên
giới trên một xe không mang bảng số. Sau khi bắt tay, chúc lành bằng tiếng Ả-Rập
‘Allah’, người gián điệp đôi đi vào bên kia đất Ai-Cập. Đại tá R. theo dõi bằng
kính viễn vọng để biết chắc Et Tlalka rẽ về hướng Gaza chứ không về hướng như lời dặn dò đương
sự.
Suleiman Et Tlalka đến bộ chỉ
huy của trung tá Hafaz trước nửa đêm, lúc đó viên sĩ quan tình báo Ai-Cập đang
nói chuyện vui với các đàn em. Đảm nhận chức vụ đã hơn sáu năm, ông ta vừa mới
trở về sau chuyến đi Cairo và được cấp chỉ huy ban khen. Thoạt tiên, lính gác của
Hafaz không cho Et Tlalka vào nhưng sau khi được cho biết là sứ giả có đem theo
một món quà vô-giá, Hafaz ra lệnh đưa người gián điệp đôi vào trình diện ngay tức
khắc.
Mới đầu, Hafaz không tin trưởng
ban điều tra El Achawi là điệp-viên Do-Thái. El Achawi vẫn làm việc gắn bó với
Fedayeen và quân báo, như vậy khó có thể nghi ngờ được. Chợt Hafaz nhớ ra một
chuyện, biết đâu El Achawi làm việc cho Do-Thái để đem hàng lậu vào xứ?. Trung
tá Hafaz bước lại chỗ bàn nơi đặt ‘gói quà’, mở ra với bộ điệu thích thú. Một
tiếng nổ long trời, giết chết vị trung tá ba mươi tư tuổi Hafaz, Et Tlalka, thiếu
tá Sha’aban Haridi phụ tá và nhiều sĩ quan khác trong bộ tham mưu.
Ngày 13 tháng bẩy, báo El Ahram
ở thủ đô Cairo đăng một tin nhỏ rằng trung tá Hafaz tử nạn khi xe Jeep chở ông
ta cán phải mìn do khủng bố Zionist đặt. Ông ta được an táng theo nghi lễ quân
đội nơi sinh quán ở Alexandria.
Báo Do-Thái, tờ Davar loan tin rằng trung tá Hafaz chỉ huy nhóm khủng bố Palestine do Ai-Cập yểm trợ bị giết chết bởi người tỵ nạn Palestine vì ông ta đã xúi dục, đưa hàng ngàng người Palestine vào cuộc chiến tranh du-kích đẫm
máu.
Cùng ngày hôm đó, một ‘gói quà’
tương-tự được gửi đến văn phòng lên lạc của Ai-Cập ở Amman
thủ đô của Jordan nổ
trên tay đại tá Saleh ed Din Mustafa,
hai cánh tay của ông ta bị đứt lià ra khỏi thân hình và chết một tuần sau đó
trong bệnh viện ở Amman.
Trong vòng một ngày Ai-Cập mất đi hai sĩ quan xuất sắc ngành tình báo quân sự,
trong cuộc chiến tranh lạnh với Do-Thái.
VII. ĐƠN-VI
ĐẶC-BIỆT CỦA A’MAN.
Trong Do-Thái, vấn đề được nêu
lên, theo dõi kẻ thù nơi biên giới và soạn thảo những kế hoạch ‘hành quân đặc
biệt’. Như trong trường hợp rủi-ro, máy nghe lén đặt trong cao nguyên Golan do
năm biệt kích thuộc đơn vị phối hợp giữa Dù và Trinh-sát Golani năm 1954 và cuộc
hành quân Yarkon năm 1955 là thí dụ điển hình về cách lấy tin tình báo đằng sau
phòng tuyến địch. Để hoàn thành sứ mạng, nhu cầu đòi hỏi người chiến-sĩ phải được
huấn-luyện kỹ càng cho những cuộc hành quân đặc biệt này.
Hải quân Do-Thái đào tạo một
đơn-vị tinh nhuệ gọi là Đặc-công Thủy (Ha’Kommando Ha’Yami - Naval Commando),
chuyên mở những cuộc hành quân xâm nhập từ biển vào và phá hoại dưới nước. Trước
trận chiến 1956, Tổng Tham-mưu trưởng Dayan cho phép vị chỉ huy lữ đoàn Dù
Sharon và trùm trinh-sát nổi danh Meir
Har Zion thành lập một đơn vị ưu-tú, lấy từ tiểu đoàn hạng nhất cho những nhiệm
vụ đặc biệt bên kia phần đất địch. Chương trình tạm hoãn lại năm 1956, khi Meir
Har Zion bị thương nặng trong lúc chỉ huy cuộc hành quân Jonathan tấn công trại
quân Jordan
tại A Rahawa. Trong trận đó Do-Thái giết hai mươi chín địch quân, đổi lại chỉ
có một mình Har Zion bị thương đạn xuyên
qua cổ, được cứu sống tuy nhiên sự nghiệp quân sự sáng chói của ông ta lịm tắt.
Danh tướng Do Thái Moshe Dayan ca tụng Har Zion như sau ‘Chiến sĩ Do-Thái dũng
mãnh nhất kể từ khi Bar Kochba chiến đấu với La-Mã’.
Nhân vật thực sự là cha đẻ ra
đơn vị tối mật, theo báo chí quốc tế gọi là Sayeret Mat’Kal (Trinh sát của bộ Tổng
Tham-mưu). Đó là thiếu tá Avraham (Harling) Arnan, chết năm 1980 sau những ngày
dài đau-yếu, ông ta được coi là ‘lực lượng mạnh mẽ đằng sau sự an-ninh và sống
còn của quốc gia Do-Thái’. Sinh năm 1931 tại Jerusalem,
Arnan tình nguyện vào đoàn quân Pal’Mach năm mười bẩy tuổi, chiến đấu trong lữ
đoàn Harel bảo vệ thành phố cổ Jerusalem
trong trận chiến độc lập 1948. Bản tính thầm lặng, Arnan được tuyển mộ vào
A’Man, chỉ huy đám Shtinkerim (Báo cáo ngầm). Làm việc với đám người này (bẩn
thỉu, mất danh-dự) làm Arnan nghĩ đến một
cách khác để lấy tin tức tình báo. Không thể ngồi chờ những người mất danh dự
này đem tin đến mà chọn những chiến-sĩ giỏi nhất, thả xuống đằng sau phòng tuyến
địch lấy tin đem về.. Quan niệm của ông ta cuối cùng đẻ ra đơn vị đặc biệt dựa
vào hành động chớp nhoáng, hỏa lực và can đảm.
Được yêu cầu từ ở bệnh viện, mặc
dầu bị tê-liệt (bị đạn nơi cổ, đứt giây thần kinh) Meir Har Zion bắt tay với
Arnan và giúp ông ta thành lập một trong những đơn vị quan trọng nhất, ưu-tú nhất
chưa từng có, chiến-đấu cho quốc gia Do-Thái. Một chương trình cực kỳ gian nan
cho các quân nhân tình nguyện, ngoài sức chiụ đựng của con người, đi bộ năm
mươi cây số với ba lô trong sa mạc không có nước uống. Các quân nhân trong đơn
vị bí mật này phải hoạt động trong tầm một trăm cây số trong lòng địch là chuyện
thường.
Để chứng minh sự can-đảm có thừa
của binh sĩ thuộc cấp, Arnan cho một binh sĩ tên là Eli Gil (Da’ud - David
trong tiếng Ả-Rập), giả ăn mặc quần áo Ả-Rập đeo theo túi đựng những tài liệu
giả có hàng chữ ‘Tối Mật' đi lang thang dọc theo biên giới. Gil lội trong sa-mạc
ba ngày thì bị lực lượng an-ninh Do-Thái bắt giữ, tra khảo, đánh đập tàn nhẫn
trong hai tuần lễ, cuối cùng phải thả đương sự ra. Arnan hãnh diện, nói với các
cấp chỉ huy trong bộ tổng tham mưu ‘Tôi đã thưa với quý vị về lính của tôi là..
.như vậy’.
Trước khi đơn-vị của Arnan bắt
đầu hoạt động, A’Man đã học hỏi được giá trị của các đơn-vị đặc biệt trong việc
lấy tin tức tình báo. Ngày 09 tháng bẩy năm 1958, đơn-vị đặc-công-thủy thực hiện
một cuộc dò thám bí mật lấy tin tức trong hải cảng Beirut mà từ lâu không thực
hiện được vì thiếu ngân khoản. Đơn vị đặc-công thủy có nhiệm vụ dó thám những
căn-cứ quân-sự, kho hàng trong vùng biển của địch. Việc bắt giữ tầu chở vũ khí
Ibrahim El Awal ngoài hải phận Haifa trong trận chiến 1956 là một chứng minh
cho hiệu-quả của các hoạt động biệt hải do Hải-quân đảm trách.
Với sự tuyển chọn, huấn luyện
trong đơn-vị bí mật của thiếu-tá Arnan, đơn-vị này trở nên một lực lượng bí mật
trong ngành tình báo ‘Ngành Hoạt-động Chuyên-môn’. Thiếu tá Arnan trở nên ‘Bố
già’ trong ngành tình báo, người mà có thể ‘lo’ được những trường hợp gay-go.
Đơn-vị bí-mật của A’Man này được trang bị những gì mới nhất, tối tân nhất như
tiểu lên Uzi báng xếp, lớp nylon mỏng chống phản chiếu ánh sáng rất công dụng
trong lúc hành quân đêm. Đơn vị còn được Uri Yaron, vị chỉ huy trưởng đầu tiên
của phi đoàn trực thăng Do-Thái ưu-tiên yểm trợ cho những hành quân xâm-nhập
vào đất địch lấy tin-tức hay những trận đột kích chớp nhoáng. Trực thăng làm
tăng thêm tiềm năng của những toán viễn thám, các biệt kích quân khi xuống tới
đất làm nhiệm vụ giao phó, sau đó được trực thăng đón đưa về căn-cứ. Các cuộc
hành quân viễn thám này do cơ quan A’Man chỉ định mục tiêu. Nhiệm vụ chính của
A’Man là ngăn ngừa địch quân tấn công bất ngờ, bằng những tin tình báo lấy được
, A’Man báo động cho lực lượng quốc phòng Do-Thái biết trước về những cuộc chuyển
quân của địch để ra tay trước hoặc để đỡ đòn.
VIII. NHỮNG
SIÊU ĐIỆP-VIÊN.
Ngày 11 tháng năm 1960, một điệp-vụ
nổi tiếng phối hợp giữa Mossad và Shin Bet bắt cóc ‘Ricardo Klement’ lúc đang
trên đường trở về nhà ở ngoại-ô thủ đô Buenos Aires, Á-Căn-Đình. Ricardo
Klement đích thực là đại-tá Adolph Eichmann, một trong những sĩ quan cao cấp Quốc-xã
(Nazi) trốn thoát khỏi tay quân-đội Đồng-minh trong phiên tòa quốc-tế tại
Nuremburg, xử các tội phạm chiến tranh. Là người soạn thảo chương trình giết
dân Do-Thái (Holocaust), Eichmann là một trong những phạm nhân bị truy lùng nhiều
nhất. Nước Do-Thái cảm thấy bị ràng buộc tinh thần trong việc truy lùng những kẻ
phạm tội và đem ra trước công-lý.
Các điệp viên Do-Thái, sau khi
tìm ra Eichmann, lại còn phải bí-mật đem đương sự ra khỏi nước về lại Do-Thái,
qua mắt hệ thống cảnh-sát, an-ninh của Á-Căn-Đình. Adolph Eichmann bị đưa ra
tòa, trên hệ thống thông tin quốc tế, bị kết án tử hình treo cổ và tro tàn của
thân xác ông ta đem rải xuống biển Điạ-Trung-Hải.
Trong những năm đầu thập niên
1960, A’Man huấn luyện hai điệp viên trẻ dự định ‘gài’ sâu trong thủ đô các nước
Ả-Rập. Hai nhân vật này sẽ nổi tiếng trong ngành tình báo và cả nước Do-Thái
cũng như trên thế giới. Họ đã cống hiến cho nền an-ninh đất nước, mà Do-Thái vẫn
tự hào cho đến ngày nay. Eli Cohen và Wolfgang Lotz được tôn vinh là những Siêu
Điệp-Viên hay Sư-phụ Gián-điệp (Master Spies).
Eli Cohen sinh quán tại Alexandria bên Ai-Cập,
ngày 26 tháng mười hai 1928. Từ thuở nhỏ Cohen đã được cha mẹ người Syria gốc
Do-Thái dậy dỗ theo truyền thống của dân Do-Thái và tinh thần Zionist. Năm
1949, ba anh em của Cohen cùng với cha mẹ trở về Do-Thái, riêng ông ta ở lại để
phối-hợp các hoạt động trong cộng-đồng người Do-Thái. Cohen cũng là một trong
những người trẻ được ‘Marzouk-Azar’ tuyển
mộ trong đường dây Sussanah và may mắn thay, ông ta thoát nạn mặc dầu bị
cơ-quan tình báo Ai-Cập Muchabara hỏi cung một cách ‘nặng tay’. Sĩ quan tình
báo Do-Thái đơn-vị 131 có lẽ thấy được vài điểm đặc biệt đầy hứa hẹn nơi chàng
thanh niên trẻ tuổi Eli Cohen nên đã âm thầm để ý.
Mùa hè 1955, Cohen được bí-mật
đưa sang Do-Thái để huấn luyện về tình báo. Chàng về đến quê-hương bằng cửa hậu
qua ngả Hy-Lạp và cũng được dấu bí mật tuyệt đối, sau đó đưa đến căn cứ bí mật
của đơn-vị 131 nơi đã huấn luyện cho nhóm Sussanah năm 1953. Không như nhóm
Sussanah, Cohen không làm việc cho lực lượng quốc phòng Do-Thái mà cũng không
phải làm nhiệm vụ phá hoại. Ông ta được huấn luyện đặc biệt và giao phó trách
nhiệm tình báo trưởng hoạt động bên Ai-Cập.
Không may cho những tay soạn thảo
kế-hoạch của A’Man. Vụ Cohen bị ‘nổ’ ngay từ lúc nhập cuộc. Sau khi trở lại
Ai-Cập năm 1956, Cohen bị tình báo Ai-Cập Muchabarat theo dõi và trong những giờ
phút đầu tiên của hành quân Kadesh, Eli Cohen bị giới thẩm quyền Ai-Cập tạm giữ.
Sau khi cuộc hành quân chấm dứt, Cohen bị trục xuất khỏi Ai-Cập cùng những người
Do-Thái khác ở Alexandria,
ông ta về đến Do-Thái ngày 8 tháng hai năm 1957, xin trở lại ngành tình báo hai
lần đều bị khước từ.
Ngày 31 tháng tám 1959, Cohen lập
gia đình với Nadia Majald và làm kế toán viên cho một công ty trong thủ đô Tel
Aviv. Năm 1960, một người đàn ông mà Nadia gọi là Thiên-thần (Angel) vì có mã bề
ngoài rất đẹp trai, lịch thiệp đến gõ cửa nhà vợ chồng Cohen và sẽ làm thay đổi
cuộc đời hai người mãi mãi và vận-mệnh nước Do-Thái.
Vị thiên-thần đó là người tuyển
mộ của A’Man, muốn mời Cohen trở lại với đơn vị cũ 131, họ cần một người
thanh-lịch, thông thạo ngoại ngữ Ả-Rập, Anh và Pháp ngữ. Lúc đó có nhiều biến động
trong những quốc gia Ả-Rập. Syria
đang tìm cách đè nén nước láng giềng Jordan
và ngày 29 tháng tám 1960, thủ tướng Jordan bị ám sát chết. Tình báo
Syria đã thành công trong việc đặt bom trong văn phòng của ông ta ở thủ đô
Amman.
Syria
trở nên một nước Ai-Cập quá khích, xách động chống Do-Thái bằng bạo lực. Nhiều
loại vũ-khí tối tân của Nga-sô được đem sang Syria, kể cả Mig-21 ‘Fishbeds’, chiến-xa
T54, T-55 và những trọng pháo cỡ lớn đe doạ nền an-ninh của Do-Thái. Với những
hành động gây hấn, Syria
trở nên cái gai cho tình báo Do-Thái.
Eli Cohen lúc đó đã ba mươi tư
tuổi, từ chối ngay tức khắc lý do mới lập
gia-đình và đã quen nếp sống dân-sự. Thiên thần tiếp tục thuyết phục, nào là
du-lịch vòng quanh thế-giới, hoặc muốn phục vụ bên trong quốc gia cũng được.
Cohen nói dứt khoát là không muốn dính líu tới A’Man nữa. Ngài phù-thủy tuyển mộ
không buồn, không giận, bắt tay từ giã ra về và quả nhiên.. . vài hôm sau bỗng
dưng Cohen bị mất việc, lý do không được rõ cho đến ngày nay. Vừa cưới vợ lại bị
mất việc.. . Cohen được niềm nở đón tiếp khi trở lại với A’Man và được trả
lương rất hậu.
Biết rằng cơ-quan tình báo Ai-Cập
đã có hồ sơ của Eli Cohen, A’Man trao cho Cohen một nhiệm vụ khác ở Syria. Lần này
liên quan đến quân-đội Syria,
Cohen được huấn luyện về vũ-khí (đặc biệt về súng nhỏ), bản đồ, địa hình, phá hoại,
quan trọng nhất là mật mã truyền-tin, ngoài ra còn được dậy lái xe với vận tốc
cao để tẩu thoát (ngắt đuôi). Được vỏ bọc ngoài là Kamal Amin Ta’abet, một
thương gia Syria
sống ở Á-Căn-Đình trở về quê hương mở công-ty buôn bán. Để cho vỏ bọc thêm cứng,
Cohen phải học thêm cách phát âm cho đúng giọng nói của người Syria. Sau khi
học xong, chuyên viên về ngôn ngữ Ả-Rập và phong tục người theo đạo Moslem của
đơn-vị 131 phê vào hồ sơ huấn luyện của Cohen là ‘y như thật’.
Sau khi bàn luận kỹ càng trong bộ
chỉ huy A’Man, quyết định gửi Eli Cohen sang Syria trong cuộc chiến tranh lạnh
được chấp thuận. Giấy tờ được ký bởi giám đốc cơ quan A’Man, thiếu tướng
Herzog. Ngày 3 tháng hai năm 1961, Cohen bay từ phi trường Lod gần thủ đô Tel
Aviv trên hãng hàng không Do-Thái El Al đi Zurich rồi từ đó thay đổi giấy tờ trở
thành Kamal Amin Ta’abet. Nadia được xe đặc biệt của bộ quốc phòng đưa ra phi
trường tiễn chân chồng, bà ta được cho biết là, Cohen có một nhiệm vụ tối mật
trong việc mua vũ khí cho Do-Thái. Nadia chỉ biết vậy cho đến ngày Cohen bị bắt
ở Damascus.
Từ Zurich, Cohen mua vé máy bay đi Santiago,
Chí-Lợi. Trên đường đi có ghé Á-Căn-Đình, đây cũng là mệnh lệnh dặn dò trước nhằm
che dấu hành tung, vì là khách chuyển tiếp nên Cohen không bị cảnh sát đóng mộc
vào giấy thông hành (passport). Mãy ngày sau, Cohen gặp người liên lạc tên là
‘Avraham’, hai người thường nói chuyện trong một quán cà-phê đông đảo ngay giữa
thủ đô Buenos Aires. Dần dần Ta’abet (Cohen) trở thành một thương gia, tiền bạc
rộng rãi, lịch thiệp và rất am-tường về kịch-nghệ. Tóm lại Kamal Amin Ta’abet
là một thương gia Ả-Rập rất được kính trọng trong thủ đô của Á-Căn-Đình. Ông ta
thường dự những sinh hoạt trong cộng đồng người Ả-Rập, đi chơi trong những hộp
đêm Ả-Rập và nổi tiếng là cho tiền ‘típ’ rất hậu. Một điều nữa là ông ta không
bỏ lỡ dịp để bọc lộ lòng yêu thương quê-hương Syria, Ta’abet sẵn sàng ủng hộ tờ
báo Ả-rập điạ phương và quen thân với chủ bút Al Latif El H’ashan của tờ La
Bandera Arabe (Cờ Ả-Rập).
Sự quen biết với H’ashan đem đến
nhiều lợi ích, Cohen quen biết thêm trong giới ngoại giao, tùy viên quân-sự làm
việc trong tòa đại sứ, sau đó được giới thiệu với vị tùy viên quân sự mới của
Syria đại tá Amin El Harfaz. Một sĩ quan xuất sắc đã từng làm trưởng phòng huấn
luyện trong bộ tổng tham-mưu quân lực Syria, El Harfaz bị ‘đá’ ra khỏi Damascus
vì ông ta có cảm tình với đảng đối lập Ba’athis làm cho nhiều nhân vật chính trị
cũng như trong quân đội lo âu. Sự quen biết của Cohen được nuôi dưỡng trong những
bữa tiệc trong tòa đại sứ toạ lạc nơi khu vực sang trọng phiá dưới thủ đô
Buenos Aires. Lòng yêu nước của Ta’abet đã được nhiều người biết đến, đã có lúc
ông ta ao-ước được về thăm quê hương, đem một ngân khoản lớn về để làm ăn gia
tăng nền kinh tế quốc gia. Đến khi ông ta tuyên bố trở về Syria, các bạn
bè quen biết viết cho một chồng giấy giới thiệu.hứa hẹn sẽ giúp đõ hết mình.
‘Avraham’ người làm việc trực
tiếp với Cohen ở Buenos Aires,
rất phấn khởi về khả năng tài tình của người điệp viên. Mọi hoạt động của Kamal
Amin Ta’abet (Cohen) đều được báo cáo về Tel Aviv và xắp đặt công việc cho
Ta’abet vào Syria
sớm hơn dự trù. Sự thành công của Cohen ngoài sự mong muốn của A’Man, trùm đơn
vị 131 công nhận rằng ‘đâu phải điệp viên nào cũng sẵn sàng nhận nhiệm vụ đi
Damascus’.
Chín tháng sau khi bí mật vào
Á-Căn-Đình, Cohen quay trở về Do-Thái, được cho phép sống bên vợ Nadia một thời
gian, thời giờ còn lại học hỏi để làm cho vỏ bọc ‘dầy’ thêm và được A’Man cho
biết đầy đủ chi tiết về nhiệm vụ cũng như những tin tình báo mới nhất, cần thiết
cho nhiệm-vụ của chàng.Đó mới đích thực là Tachlis (‘Chuyện thật’) của sứ mạng.
Sự nguy-hiểm bây giờ mới thực sự bắt đầu. Cuối năm 1961, Cohen rời Do-Thái đi
Ý-Đại-Lợi, điểm xuất phát cho chuyến xâm nhập vào Syria. Lúc chia tay Nadia, Cohen biết
rằng có thể sẽ không bao giờ quay trở lại.
Ngày 1 tháng giêng 1962, Cohen
đáp chuyến tầu thủy Astoria từ Genoa
ghé Beirut rồi
đi Damascus. Là một thương gia Ả-Rập lịch thiệp Ta’abet (Cohen) làm quen với một
người Syria ‘có thớ’ ở Damascus và được ông ta mời đi chung xe đến Damascus, nhờ
vậy Cohen vào đến thủ đô Damascus của Syria không một
chút khó khăn. Vài hôm sau, Ta’abet mướn được một căn apartment trong khu
sang-trọng Abu Ramana, nhìn qua bộ tổng tham-mưu Syria và gần tạm trú cho những vị
khách quan trọng của quân đội Syria.
Vào buổi sáng ngày 25 tháng hai
1962, nhân viên trực của đơn vị 131 trong bộ chỉ huy cơ quan A’Man tại Tel Aviv
nhận được bản tin đầu tiên do Cohen gửi về. Mọi người đều mừng rỡ, khui một
chai Champaign uống mừng cho sự thành công của
Cohen. Trong điện văn báo cáo, Cohen đã gài antena trong một ống bên ngoài cửa
sổ nơi phòng đọc sách, điện văn gửi đi sẽ cò thêm đoạn mật mã thay cho chữ ký,
nếu khác thường có nghiã là chàng đang gặp nguy, ngoài ra Cohen cũng cho biết
giờ-giấc thuận lợi cho việc truyền tin và A’Man chỉ thị cho Cohen không nên gửi
những công điện dài dòng, tình báo Syria có thể dò ra được.
Cũng như James Bond, Ta’abet rất
hào hoa, giao thiệp rộng rãi, sẵn sàng giúp đõ, cho mượn tiền những viên chức
trong chính quyền quân, dân sự Syria.
Kamal Amin Ta’abet là người được mời nhiều nhất trong các bữa tiệc sang trọng, không phải chỉ có những
chính trị gia, sĩ quan cao cấp mới biết đến ông ta, đối với các bà, Ta’abet trở
thành người trong mộng (Ladies’man). Cohen cũng cần những phái yếu này, tin rằng
những người đẹp này sẽ giúp đỡ chàng đào
tẩu trong lúc nguy hiểm.
Bạn bè quen biết trong Không-lực
Syria
thường mời Ta’abet (Cohen) đến chơi trong phi trường. Thực vậy, Cohen có nhiều
dịp nói chuyện với các sĩ-quan lái phản lực Mig về khả năng chìén đấu và kỹ thuật
của loại phi cơ này, các phi công Syria còn chỉ dẫn thêm cho Cohen về
xảo thuật do các cố vấn Nga sô truyền lại cho họ. Tất cả những tin tức trên, lẽ
dĩ nhiên đều đến Tel Aviv, Cohen còn có trí nhớ rất tốt, gửi về một danh sách
có tên của tất cả các sĩ quan pilot trong không lực Syria. Trong tháng sáu năm 1967, những
tin tình báo do Cohen gửi về chứng minh là rất có giá trị, bảng danh sách trở
nên bảng phong thần cho các pilot Do-Thái.
Những người bạn khác trong quân
đội đưa Cohen đi thăm nhiều căn cứ quan trọng, xưởng vũ khí, trung tâm huấn luyện
v.v.. . Mỗi chuyến như vậy, Cohen thường đặt nhẹ vào bàn tay viên sĩ quan, giới
chức tham nhũng một món ‘quà nhỏ’ và tỏ ra rất lo lắng cho đất nước Syria, chàng
còn mong sẽ có dịp được yến kiến vị nguyên thủ quốc gia. Một trong những nơi
quan trọng nhất mà Cohen được mời đi thăm là cao nguyên Golan, nằm trên vị trí
chiến lược phiá tây bắc Do-Thái, chàng được đưa đi thăm phòng tuyến, vị trí đặt
súng pháo binh, hệ thống đồn bót, phòng thủ, nơi đặt đại-bác 130 ly và súng cối
chuyên bắn những viên đạn chết người vào những làng (Kibbut)bên kia biên giới.
Cohen còn được phép chụp ảnh ‘kỷ niệm’, được một sĩ quan cao cấp thuyết trình về
hệ thống phòng thủ, phương thức phối hợp hỏa lực của quân đội Syria trên cao
nguyên Golan.
Tất cả đều được Cohen ghi nhớ
trong đầu và trong một chuyến đi thăm công-ty ‘giả tạo’, chàng bay vội về
Do-Thái đích thân báo cáo lên thượng cấp và ghé thăm người vợ Nadia. Tất cả những
tin tức Cohen mang về, được làm mô-hình các vị trí phòng thủ chiến lược của
quân Syria.
Ngày 9 tháng sáu năm 1967, quân Do-Thái chiếm được cao nguyên Golan trong một
trận đánh chớp nhoáng.
Ngoài những tin tình báo quân sự,
Cohen còn gửi về những bản phân tích về tình hình chính trị đang phát triển bên
Syria,
sự phân hoá giữ hai nhóm Nasserites, Ba’athists. Điều này đúng ra là trách nhiệm
của cơ quan Mossad, những tin tức chính trị Cohen gửi về rất hữu dụng. Ngày 8
tháng ba năm 1963, các sĩ quan trong nhóm Ba’athist đảo chánh, dọn đường cho tướng
Amin El Hafaz lên nắm quyền, người bạn cũ của Ta’abet (Cohen) trong những ngày ở
Á-Căn-Đình. Nhiều tờ báo ở Li-Băng (Lebanese News) nói là Kamal Amin Ta’abet đã
từng được dành cho ghế Tổng-trưởng Quốc-phòng Syria.
Sự thay đổi trong guồng máy
lãnh đạo Syria
rất ảnh hưởng đến Eli Cohen. Chàng kinh hoàng khi chứng kiến nhóm Ba’athist
thanh toán người Nasserites trong chính quyền cũng như trong quân đội một cách
tàn bạo. Thẳng tay đàn áp, giết chóc làm lung lay trật tự xã-hội. Dãu hiệu cho
thấy sự nguy hiểm sẽ đến với Cohen trong tình trạng hỗn loạn của một quốc gia,
chàng nhờ liên lạc viên nhắn vợ là sẽ về trong một ngày rất gần. Cohen cảm thấy
lo lắng, nhất là ‘băng’ của đại tá Ahmed Su’edeni, chỉ huy trưởng ngành quân
báo Syria.
Ông ta nổi tiếng là chẳng tin ai và thường dùng những cực hình dã-man tra tấn kẻ
tình nghi để lấy lời khai và không thích thương-gia Ta’abet (Cohen).
Không may cho Cohen, lúc đó
Do-Thái phải đương đầu với Tổ-chức Giải-phóng Palestine (PLO) và lực lượng này
được Syria
yểm trợ. Đồng thời đơn-vị 131 được chuyển qua, đặt dưới quyền chỉ huy của
cơ-quan tình báo hải-ngoại Mossad. Trên chuyến về thăm Do-Thái trong tháng mười
một năm 1964, Eli Cohen có bầy tỏ nỗi lo lắng của mình với người có trách nhiệm
trực tiếp mới trong Mossad, nhưng cơ-quan này muốn chàng trở lại cho một sứ-mạng
cuối. Lúc này Mossad cần có người ở Damascus
như chưa bao giờ.
Coi thường vấn đề an-ninh cũng
như sinh-mạng của mình, Eli Cohen quay trở về Damascus tiếp tục nhiệm vụ. Bắt đầu từ lúc đó
trở đi, Cohen gửi đi công điện quá thường xuyên và quá dài làm các tòa đại sứ ở
gần bên than phiền làn sóng truyền tin của họ bị xen vào. Cơ quan Mossad nên
triệu hồi ông ta nhưng những tin tình báo do Cohen gửi về rất quan trọng.. Trong khi đó đại tá Su’edeni được sự giúp đỡ
của cơ-quan GRU quân-báo Nga-sô dùng máy dò làn sóng truyền tin, tìm ra nơi
phát xuất các làn sóng bí mật. Vào một tối mùa đông trong tháng giêng 1965, đại
tá Su’edeni dẫn theo một toán tùy tùng, đặc công đén tìm người đàn ông mà ông
ta đã nghi ngờ từ lâu. Khi toán tình báo Syria xông vào nhà Kamal Amin
Ta’abet, họ bắt qủa tang Cohen đang chuyển những công điện đi Tel Aviv.
Trong những ngày kế tiếp, đại
tá Su’edemi ép buộc Cohen phải chuyển đi những công điện giả đánh lừa Do-Thái
nhưng người điệp-viên từ chối mặc dầu bị đánh đập tàn nhẫn. Cuối cùng ngày 24
tháng giêng, viên sĩ quan tình báo Syria bắt Cohen gửi đi Tel Aviv một
công điện như sau:
‘Gửi Thủ-Tướng Levi Eshkol và
Trùm Điệp-Báo ở Tel Aviv do Cơ-Quan Phản-Gián Syria. Kamal Amin Ta’abet và những
người bạn của ông ta là khách quen của chúng tôi tại Damascus. Mong rằng quý vị sẽ gửi thêm những
đồng nghiệp của ông ta. Sẽ thông báo cho quý vị biết về số-phận của ông ta
trong thời gian gần đây. Cơ-Quan Điệp-Báo Syrian’.
Không một ai trong cả A’Man lẫn
Mossad tin là Cohen sẽ chịu nổi sự tra tấn tàn bạo của kẻ thù. Tuy nhiên, Cohen
đã chứng minh rằng họ đã lầm, người được nuôi dưỡng theo truyền thống Zionist
không dễ phản bội quê-hương, mặc dầu chàng chỉ sống ở Do-Thái chỉ bốn năm.
Cohen vẫn ngoan cố không chịu nhận, khai ra những chuyện quan trọng.
Ngày bị đem ra tòa, tòa ‘đóng kịch’,
Cohen biết trước định mệnh của mình từ lâu và thực vậy bản án đã có sẵn từ trước.
Ông quan-tòa, đại tá Dili tấn công thể xác, dùng lời nói nhục-mạ phạm nhân. Eli
Cohen từ chối luật sư biện hộ, một luật sư người Pháp xin được biện hộ cho Cohen nhưng chính quyền Syria không cấp
chiếu khán cho vị luật sư đó. Phiên tòa kết thúc ngày 19 tháng ba 1965, bản án tử
hình được công bố ngày 1 tháng năm. người ký thuận cho án tử hình là tổng thống
El Hafaz, bạn năm xưa ở Á-Căn-Đình.
Thiếu-tướng Meir Amit, trùm
cơ-quan A’Man trước đây đã bị khiển trách về vụ Sussanah, tìm đủ mọi cách để cứu
người điệp-viên số một (his man) của Do-Thái. Amit vận động với các lãnh tụ lớn
trên thế giới như Tổng-thống De Gaulle, Thủ-tướng Anh Wilson, Tổng-thống Hoa-Kỳ
Johnson và ngay cả đến Đức Giáo Hoàng. Do-Thái sẵn sàng trao đổi tất cả những
tin tình báo tối mật, mới nhất kể cả âm-mưu đảo chánh tổng thống Hafaz, nhưng
người Syria
quá căm phẫn vì sự thành công của người điệp-viên Do-Thái nên nhất quyết thi
hành bản án để làm gương.
Vào lúc 3 giờ 30 chiều ngày 18
tháng năm 1965 bị treo cổ nơi công trường ‘Các Thánh Tử Đạo’ trước hơn hai ngàn
sĩ quan trong quân đội Syria, và dân chúng. Hệ thống truyền hình Syria quay trực
tiếp buổi hành quyết cho dân chúng cả nước xem. Sau đó thi hài Cohen bị treo
thêm nhiều giờ để dân chúng Syria
nguyền rủa và hô khẩu hiệu chống Do-Thái.
Bên Do-Thái, dân chúng để tâm
theo dõi lời tường thuật từng đoạn về vụ Eli Cohen, một ngày tang thương cho quốc
gia. Cohen được vinh thăng trung tá, mặc dầu chàng không hề được biết phần thưởng
dành cho sự hy sinh của mình, theo lời thiếu tướng Meir Amit ‘sự thành công của
Cohen bỏ xa hầu hết các người khác’.
Một điệp viên ngoại hạng khác của
A’Man là Wolfgang Lotz, sinh quán tại Đức, mẹ là người Do-Thái, cha là người
theo đạo Christian. Khi cha mẹ Wolfgang ly-dị, đảng Quốc-Xã lên nắm quyền, hai
mẹ con quay trở về Do-Thái và Wolfgang đổi tên là Ze’ev Gur Aryeh. Năm mười sáu
tuổi, Ze’ev gia nhập Haganah, sau đó gia nhập quân đội Anh chiến đấu trong trận
đệ nhị thế chiến. Cuối cùng được A’Man tuyển mộ, huấn luyện trong đơn vị 131 và
lấy lại tên cũ là Wolfgang Lotz để thi hành công tác ngành điệp báo.
Nhờ có cha là người Đức theo đạo
Christian, Lotz xin được giấy thông hành của Tây Đức dễ dàng, sau đó vào Ai-Cập.
Là người sành điệu, Lotz uống rượu rất cừ và thường xuất hiện nơi những buổi tiệc
sang trọng, kết bạn với nhều sĩ quan cao cấp Ai-Cập gồm cả sĩ quan tình báo, phản
gián. Cũng như Cohen, những tin tình báo Lotz gửi về rất quan trọng, giá trị với
đầy đủ chi tiết. Cách điều quân, chuyển quân của Hải, Lục, Không quân Ai-Cập đều
bị theo dõi, thâu băng và chuyển về Do-Thái.
Lotz nổi tiếng là dân chơi
(Playboy), tiêu-pha, mua sắm không tiếc tiền nên có biệt danh là ‘Chàng gián điệp
Champagne’. Gần
5 năm, Lotz chuyển cho người liên lạc nhiều tin tức tình báo nóng hổi. Chàng ta
thành công dễ dàng và cũng bất cẩn nhiều. Ngày 22 tháng hai năm 1965, khi
Wolfgang và Waltraud Lotz trên đường trở về nhà trong thành phố Cairo, Ai-Cập, họ bị bắt
bởi sáu nhân viên cảnh sát chìm. Chưa đầy một tháng sau vụ Eli Cohen bị bắt bên
Syria, cũng tương tự như vậy, tình báo Ai-Cập dò ra làn sóng truyền tin, truyền
đi từ nhà Lotz. Mặc dầu bị đánh đập dã man, hỏi cung, bỏ đói, Lotz vẫn chối
không chịu lột ‘vỏ bọc’, chàng chỉ khai là người Đức bị gài phải làm việc cho
tình báo Do-Thái. Hàng trăm người quen biết với Lotz cũng bị tình báo Ai-Cập
chiếu cố, hỏi thăm nhưng họ cũng chẳng biết gì hơn. Trong phiên ‘tòa đóng kịch’
kéo dài từ 21 tháng bẩy cho đến 21 tháng tám 1965, tòa án tối-cao Ai-Cập khép
Lotz vào mười tội đáng tử hình nhưng được
giảm xuống án tù chung thân.
Ngày 3 tháng hai năm 1968, Lotz
được trao trả cùng với các điệp viên trong vụ Sussanah và tù binh Do-Thái để đổi
lấy năm trăm tù binh Ai-Cập. Điều rõ ràng là những thành qủa của Cohen và Lotz
đã đem lại chiến thắng chớp nhoáng cho Do-Thái trong trận chiến sáu ngày năm
1967. Hai điệp viên trên đã cung cấp tin tức để quân đội Do-Thái soạn-thảo kế
hoạch tấn công, ước lượng sức mạnh của địch, chấm toạ độ và phân loại mục tiêu
và quan trọng nhất là chính quyền Do-Thái có thể tiên đoán trước phản ứng của địch.
IX. TRẬN CHIẾN
SÁU NGÀY 1967.
Sự căng thảng giữa vua Hussein
của Jordan và Do-Thái càng
tăng lên bắt đầu từ năm 1964, khi Tổ-chức Giải-phóng Palestine ra đời và đe dọa dùng võ-lực quân-sự
tấn công vào đất Do-Thái. Khỏang thời gian từ năm 1965 đến cuối năm 1966, sự
xâm-nhập của quân khủng-bố vào gia tăng và quân-đội Do-Thái mở nhiều cuộc hành
quân trả đủa, tiêu diệt các căn cứ điạ Palestine và quân đội Jordan bảo vệ các
căn cứ. Tháng mười một 1966, một xe jeep Do-Thái cán mìn trong sa mạc Arava gần
biên giới Jordan
chết ba quân nhân nhẩy-dù. Do-Thái trả đủa nhanh chóng, dũ dội trong cuộc hành
quân Step với sự tham-dự của các đơn-vị Dù, Biệt kích, Thiết giáp và xe bán
xích sắt vượt biên, tấn công làng Es Samua. Quân Do-Thái giết hàng tá quân khủng
bố và lính Jordan.
Vua Hussein không phản ứng mặc dầu chuyện xẩy ra trên đất Jordan và một chiến-đấu
cơ Hunter bị không-lực Do-Thái bắn hạ.
Vào ngày 7 tháng tư 1967, pháo
binh Syria pháo kích vào làng Tel Katzir trên đất Do-Thái dữ dội. Thiếu tướng
Mordechai ‘Motti’ Hod ra lệnh cho một phi tuần Super Mysteres thanh toán các ổ
súng đại bác đó. Trận không chiến xẩy ra trên bầu trời cao nguyên Golan giữa
các phản lực cơ Mig-21 và Mirage IIIC. Kết quả sáu chiếc Mig-21 bị bắn rơi,
không-lực Do-Thái không bị thiệt hại. Tổng thống Ai-Cập Nasser, lãnh tụ khối Ả-Rập
ra lệnh cho quân-đội Ai-Cập sẵn sàng ngày 15 tháng năm 1967. Trận chiến năm
1967 giữa Do-Thái và khối Ả-Rập sắp sửa mở màn.
Trong năm 1967, giám đốc
cơ-quan A’Man là Aharon Yariv, vị lãnh đạo giỏi nhất của A’Man và của quân đội
Do-Thái. Ông ta đã làm trưởng phòng hành-quân trong bộ tổng tham-mưu năm 1951,
sĩ quan Do-Thái đầu tiên tốt nghiệp trường
Cao-đẳng Quân-sự của Pháp. Năm 1957, đại tá Yariv được cử làm tùy viên quân sự ở
Washington D.C.. Sau một thời gian ngắn chỉ huy lữ đoàn
Golani, Yariv gia nhập A’Man năm 1961, khi tướng Meir Amit qua nắm cơ-quan
Mossad, Yariv lên chỉ huy cơ-quan A’Man cho một kỷ lục chín năm.
Mờ sáng ngày 15 tháng năm 1967,
quân đội Ai-Cập băng qua kênh đào Suez, bộ-binh và thiết giáp tràn vào sa-mạc
Sinai ồ-ạt. Coi bộ ăn-chắc, họ đem theo phim-ảnh, báo chí, cùng những khẩu hiệu
đảy người Do-Thái xuống biển. Tướng Rabin mời giám-đốc A’Man đến văn phòng
trong bộ tổng tham-mưu và sau khi được cho biết là không thể tránh được, Rabin
gọi điện thoại cho thiếu-tuớng Yisrael ‘Talik’ Tal, tư-lệnh sư-đoàn 84 Kỵ-binh.
Lời đối thoại của hai vị tướng lãnh sau này nổi tiếng.
Rabin: Anh còn nhớ Rotem không? (Hành quân Rotem 1960).
Tal :
Tôi nhớ.
Rabin: Mình bị một vụ Rotem nữa. Talik, di-chuyển lập
tức!.
Sau cuộc nói chuyện nửa phút đồng
hồ, vài giờ sau hàng đoàn chiến xa Do-Thái Centurion, Patton phát xuất từ những
căn cứ trong sa mạc Negev tiến về biên giới Ai-Cập. Tin tình báo gửi về bộ chỉ
huy A’Man tới tấp, sư-đoàn 2 bộ-binh Ai-Cập đóng quân dọc theo ranh giới Arish-
Kusseima. Những ngày sau, A’Man biết thêm sáu sư-đoàn đầy đủ quân Ai-cập đóng rải
rác nơi những đụn cát trong sa mạc Sinai. Ngày 20 tháng năm, một đơn-vị Ai-Cập
chiếm vị trí đặt súng nơi cửa khẩu Tiran (Straits of Tiran) tại Sharm Es
Sheikh, ngăn cản tầu bè Do-Thái thông thương từ Phi sang Á-châu. Trùm A’Man,
Yarif cố-vấn cho các nhân vật cao-cấp trong guồng máy quân sự, chính trị
Do-Thái là phải có biện pháp quân sự tức thời, nếu không Ai-Cập cho là hèn-nhát
và sẽ làm tới.. Ngày 24, thêm sư-đoàn 4 Ai-Cập vào Sinai.
Gần 100 ngàn quân Ai-Cập với đầy
đủ trang bị tối tân do Nga sô chế tạo chỉ cách thủ đô Tel Aviv không đầy hai tiếng
đồ hồ lái xe. Pháo binh Jordan
155 ly có thể bắn tới những vùng xung quanh Tel Aviv. Các đơn vị đặc công Syria
đã di chuyển đến tuyến xuất phát đe dọa Galilee
và bắc Do-Thái.
Trong phiên họp lịch sử ngày 2
tháng sáu 1967 của hội đồng nội các, quân sự, Yariv thuyết trình về tình hình
và cách phối trí quân Ai-Cập trong bán đảo Sinai. Ông ta cho biết thêm là Ai-Cập
đã đổ quân vội vã vào vùng sa-mạc, nhiều đơn-vị Ai-Cập thiếu nước uống và quân
phục. Yarif còn trình bầy thêm nhiều chi tiết nữa, đến bây giờ vẫn còn là tài
liệu mật không biết được. Mọi chuyện đều rõ ràng, và quân đội Do-Thái đã chán cảnh
ngồi chờ đường lối giải quyết chính trị.. Nội các Do-Thái bỏ phiếu thuận cho giải
pháp quân sự ngày 4 tháng sáu. Vùng Trung Đông sẽ thay đổi, không như trước
đây.
Do Thái ra tay tấn công trước,
một cách thần tốc sáng sớm ngày 5 tháng sáu 1967, mục tiêu là tất cả các phi
trường quân sự của Ai-Cập và các đơn vị trong bán đảo Sinai. Trận chiến này trở
thành huyền thoại, không-lực Do-Thái làm một cú chớp nhoáng, tiêu hủy loại khỏi
vòng chiến một không lực mạnh mẽ trên thế giới và hoàn thành nhiệm vụ một cách
xuất sắc. Kế tiếp trên bảng phong thần là không lực của các nước Syria, Jordan
và Iraq không đầy mười hai tiếng đồng hồ. Khi đã làm chủ không gian, các đơn-vị
Bộ Do-Thái tiến quân nhanh chóng nhờ không yểm, Trong vòng ba ngày, quân sĩ
Do-Thái được tắm nơi kênh đào Suez, thành phố Jerusalem hoàn toàn lọt vào tay
Do-Thái. Đến ngày thứ sáu, quân Syria
không còn kiểm soát sông Jordan,
cao nguyên chiến lược Golan nơi đặt súng đại bác khuấy phá Do-Thái bị biến mất.
Chiến thắng nơi dãi đất Gaza,
trong sa-mạc Sinai, bờ phía tây sông Jordan(West Bank), thành phố lịch sử
Jerusalem, cao nguyên Golan là kết qủa của tin tức tình báo chính xác. A’Man
theo dõi tất cả mọi hoạt động của quân đội Ả-Rập trước giờ hành động. Cả hai
cơ-quan Mossad, A’Man đều có công trong việc ‘gài’ người vào trong hàng ngũ
quân thù. Một điệp viên nổi tiếng là Ali al Atfi, trở thành người đấm bóp cho tổng
thống Ai-Cập Nasser và cả Anwar as Sadat. Ngành an-ninh tình báo Ai-Cập tin rằng
Atfi gửi về Do-Thái những tin tức liên quan đến quân sự, chính trị của chính
quyền Ai-cập. Atfi còn bị khép tội đầu độc từ-từ lãnh tụ Nasser
và đưa đến cái chết của ông ta vào tháng chín năm 1970 vì đau tim. Theo báo chí
ngoại quốc, Atfi được A’Man tuyển mộ trong một chuyến di nghỉ mát ở Hòa Lan. Chết
trong nhà tù trung ương ở Cairo
năm 1990, sau khi đã bị giam mười một năm của bản án mười lăm năm.
Hai điệp viên khác của A’Man hoạt
động sâu bên trong Ai-Cập, trở nên những nhân-vật ‘có thớ’. Anwar Ephraim và
Baruch Na’ul. Có nguồn tin là Ephraim đã tổ-chức một bữa tiệc linh-đình, ăn-uống
thả dàn cho các phi-công và sĩ quan Ai-Cập trong căn cứ không quân chiến lược
Inchas ngoài thành phố Alexandria.
Bưổi tiệc vào đêm 4 tháng sáu, chưa đầy
mười hai tiếng đồng hồ trước khi không lực Do-Thái tấn công. Baruch Na’ul báo
cáo về những hoạt động của hải-quân Ai-cập ở Alexandria, do đó biệt-kích
Do-Thái dám mở cuộc đột kích vào căn cứ hải quân này vào đêm đầu của trận chiến
sáu ngày.
Người có công nhất là một nhân
vật bí mật gọi là ‘Suleiman’ hay ‘Đại-úy X.’, một sĩ quan truyền-tin trong quân
đội Ai-cập. Suleiman đã làm việc cho A’Man vài năm trước khi trận chiến xẩy ra.
Suleiman được huấn luyện bí mật về mật-mã trong một ‘căn nhà’ của A’Man nằm
trong thủ đô Cairo
và được lệnh ‘ngủ yên’ cho đến khi Ai-cập đổ quân vào Sinai. Suleiman truyền đi
công điện đầu tiên ngày 17 tháng năm 1967, khi quân Ai-Cập vượt khu vực phi
quân-sự trong vùng Sinai. Trong những ngày kế tiếp, Suleiman trở nên tai và mắt
của Do-Thái đằng sau phòng tuyến Ai-Cập. Trong khi làm nhiệm vụ sĩ quan truyền
tin trong quân đội Ai-Cập, Suleiman tiếp tục gửi về Tel Aviv những bản báo cáo
về sự chuyển quân, sức mạnh, kế-hoạch hành quân và tinh thần binh sĩ của quân đội
Ai-Cập.
Trong ba ngày đầu hỗn loạn của
chiến trận, Suleiman báo cáo về tổn thất của Ai-Cập và buồn thay, Suleiman cũng
là nạn nhân của sức tiến quân vũ-bảo của quân đội Do-Thái. Vì bí mật, A’Man
không thể yêu cầu, bộ tổng tham mưu ra lệnh ‘bỏ qua’ một đơn vị nào của Ai-Cập,
chỉ âm thầm cầu nguyện cho Suleiman. Cuối cùng đơn-vị có Suleiman bị kẹt nơi
đèo Mitla, giữa đám xe cộ, thiết giáp Ai-Cập bị bắn cháy, trước khi A’Man yêu cầu
các đơn-vị Do-Thái ‘nới tay’, đơn-vị truyền tin trong đó có Suleiman lãnh những
quả hỏa tiễn chống chiến-xa của quân Do-Thái. vài giờ sau khi quân Do-Thái đã
làm chủ chiến trường, giám đốc A’Man ra lệnh cho một đơn vị biệt kích (của
A’Man) Sayeret Mat’Kal đi tìm Suleiman trong đám tàn quân Ai-Cập. Họ tìm ra thi
hài của Suleiman, chàng được an-táng theo lễ-nghi quân cách có sự tham-dự của
nhiều sĩ quan cao cấp trong quân đội và cơ-quan A’Man.
Sau trận chiến Sáu Ngày 1967,
quân Do-Thái chỉ bị thiệt hại nhẹ, 777 tử trận, 2841 bị thương đổi lấy hơn
15000 quân Ai-Cập chết, 50000 bị thương, 5380 tù binh. Syria và Jordan có 1000
quân chết, 3000 bị thương và 1500 bị bắt làm tù binh. A’Man và những chiến sĩ
trong bóng tối đóng góp công rất lớn cho chiến thắng.
X. NHỮNG HÀNH-QUÂN ĐẶC-BIỆT (TRẬN CHIẾN TIÊU-HAO).
Trong trận chiến Sáu Ngày, khi
quân Dù và Thiết-kỵ tiến vào giải đất Gaza trong ngày đầu của cuộc chiến,
sĩ-quan tình báo của A’Man và Shin Bet đi theo để thâu lượm những tin tình báo.
Nhiệm vụ của những viên sĩ quan này lấy tin và phân-tích tin tình báo lấy được
trong trạm cảnh sát, cơ-quan tình báo Ai-Cập. Tất cả mọi hồ-sơ, giấy tờ liên
quan đến tội phạm, khủng bố, gián điệp, trong đó có hồ-sơ liên quan tới nhóm
Palestine trung thành với Yasir Arafat.
Cũng như khi quân Do-Thái tiến qua bờ phiá tây sông Jordan,
Những hồ sơ mật của tình báo Jordan
lọt vào tay Do-Thái.
Nhóm võ trang El Fatah của
Arafat còn có tên là Al Asifa (Bão-tố) được huấn luyện về du-kích chiến bởi những
chuyên viên Nga sô, Trung-cộng, Bắc-Hàn và Bắc Việt-Nam. Họ được dậy là phải lấy
vùng đông dân cư làm lá chắn, kẻ thù trên đất lạ sẽ là những mục tiêu dễ dàng
cho những cú ‘đánh và chạy’. Arafat hy vọng vùng đất phiá tây (West bank) sông Jordan sẽ giống
như đồng bằng Cửu-Long ở miền nam Việt-Nam. Phụ tá của ông ta về quân sự là
Khalil al Wazir (Tên thường dùng là Abu Jihad - Cha của Thánh chiến) tự xưng là
đệ tử của những sư-phụ dùng du-kich chiến đấu cho tự do, Mao và Giáp.
Tuy nhiên cả Arafat, Abu Jihad
và trùm an-ninh Abu Iyad của nhóm El Fatah đều không theo đúng luật căn bản của
những tay cách mạng người Á-đông, Kiên-nhẫn!. Các cấp chỉ huy dưới của Palestine quá vội. gửi
người đi khắp nơi trong Gaza, West Bank tuyển mộ quân để sửa soạn cho một cuộc
chiến chống Do-Thái. Hiển nhiên, điều này sơ-sót trong vấn đề an-ninh, phải biết
chắc chắn người được tuyển không có gốc Do-Thái hoặc ngay cả Jordan mới có
thể bảo mật cho tổ chức. Việc huấn luyện cũng vội vã, chỉ hơn một tháng, mệnh lệnh
liên lạc thường được thực hiện trong các tiệm ăn đông đảo. Tuy nhiên quân-đội
Do-Thái và A’Man không khó tìm ra những tên chỉ huy, đầu sỏ Palestine vì họ có nhiều người gốc Ả-Rập.
Tháng tám 1967, Arafat dám vào
vùng Do-Thái chiếm đóng bên bờ West bank, lập bộ chỉ huy tại Nablus,
thành phố lớn nhất trong vùng West Bank, cổ động phong trào quốc gia Palestine. Trong vòng mấy
tuần lễ, cả hai cơ-quan, Shin Bet theo sau và A’Man theo đuổi ông trùm của nhóm
khủng bố El Fatah, thường được gọi là Abu Ammar. Trong nhiều trường hợp, quân đội
Do-Thái và Shin Bet chỉ chậm vài phút, vồ hụt Arafar. Theo nhiều bản báo cáo,
Arafat cải trang thành bà già Ả-Rập để tẩu thoát. Trong trường hợp khác, một
toán biệt kích dù Sayeret Haruv đột nhập vào một căn nhà bí mật của El Fatah,
nhưng Arafat vừa mới đi khỏi.
Những ngày sau chiến thắng
1967, màng lưới tình báo Do-Thái cố gắng tìm cách chống lại một cuộc chiến
tranh du-kích mới. A’Man đã tiên đoán trước phong trào võ trang kháng chiến của
người Palestine từ năm 1965 khi El Fatah
tấn công vào đất Do-Thái lần đầu tiên. Bộ chỉ huy A’Man thành lập một phòng mới
lấy tên là Mador Faha (Phòng Chống Khủng-bố) chuyên theo dõi và gài người vào
trong các nhóm khủng bố. Phòng này do đại tá Shlomoh Gazit dựng nên, ông ta là
trưởng phòng Nghiên-Cứu của A’Man (Machleket Mechkar), sau này lên làm ‘trùm’
ngành Quân-Báo.
Trong những tháng mùa hè sau trận
chiến 1967, những điệp-viên A’Man rành tiếng Ả-Rập được đưa vào vùng West Bank và Gaza để len-lỏi vào những tổ khủng-bố đang
thành lập. Những điệp-viên này còn thêm nhiệm-vụ nữa là theo dõi sự tu-bổ của
quân đội khối Ả-Rập. Lực lượng chính cho trách nhiệm chống khủng-bố được giao
cho cơ-quan Shin Bet (An-ninh), cơ-quan này là cơ-quan phản-gián tối mật của
Do-Thái từ bao năm qua. Khi được giao cho sứ-mạng chống khủng bố, các nhân viên
Shin Bet rành tiếng Ả-Rập, lục kho hồ-sơ tịch thâu được của Jordan và Ai-Cập,
tìm kiếm những nhân vật đầu não Palestine và những tên tuổi cần được lưu-ý. Những
điệp viên nằm vùng của A’Man bên bờ tây sông Jordan và Gaza được lệnh làm việc với
cơ-quan Shin Bet. Shin Bet còn tuyển mộ thêm đủ mọi thành phần để làm báo cáo
ngầm, dó-la tin tức. Cũng vì vậy, Shin Bet có đủ tin tức để thỉnh thoảng làm một
vố ‘bố ráp’ những kẻ tình nghi trong những thành phố lớn ở West Bank cũng như
trong các trại tỵ-nạn ở Gaza.
Những tin tình báo do Shin Bet
thâu được, trao cho A’Man phân tích sau đó gửi đến các đơn-vị trong quân lực
Do-Thái. Trong vùng thung-lũng Jordan, West Bank có nhiều hang, động lý tưởng
cho việc chôn dấu vũ khí, nhân lực cho một cuộc chiến tranh du-kích, khủng bố,
phá hoại. Các đơn-vị trinh-sát của lực lượng quốc-phòng Do-Thái không thê lục
soát một vùng qúa rộng lớn. Sự phối hợp giữa A’Man, Shin Bet và quân-đội đem lại
một kết quả cụ thể.
Vào ngày 21 tháng mười 1967,
chiến-hạm Eilat của hải-quân Do-Thái đang tuần tiễu trên vùng biển Điạ-trung-hải,
ngoài khơi bán đảo Sinai. Lúc 5 giờ 32 chiều, hệ thống radar trên chiến hạm vẫn
chưa thấy dấu hiệu nào của địch, tuy nhiên có một vật phản chiếu ánh sáng đang
bay về hướng chiếc Eilat. Vị thuyền trưởng đại tá Yitzhak Shoshan ra lệnh tránh
nhưng đã trễ. Một hỏa tiễn Styx ss-n-1 do Nga
sô chế tạo đâm xuyên qua lớp thép, vào hầm máy nổ tung và bốc cháy. Hai phút
sau, Eilat trúng quả Styx thứ hai. Hai giờ sau
một quả thứ ba trúng và chiếc chiến hạm đang chìm. Trong khi Do-Thái đang nỗ lực
cứu vớt các thủy thủ trên chiến hạm Eilat, chiến hạm này lãnh thêm một hoả tiễn
thứ tư và chìm xuống đáy biển. Kết quả trong số 199 nhân viên thủy thủ, 47 người
chết hoặc mất tích, 90 người bị thương. Trận chiến Do-Thái, Ả-Rập lại mở màn.
Bốn ngày sau, 25 tháng mười, trọng
pháo Do-Thái tập trung bắn phá các nhà máy lọc dầu Ai-Cập trong vùng Suez gây
ra nhiều đám cháy kéo dài hàng tuần lễ làm thiệt hại nền kinh tế Ai-Cập. Pháo
binh Ai-Cập bắn trả đủa những vị trí Do-Thái bên kia bờ kênh đào Suez. Trận chiến
này được gọi là ‘Trận chiến 1000 ngày’. trận chiến tranh ‘tiêu-hao’ chính thức
bắt đầu.
Một đặc điểm của trận chiến
tiêu-hao trong vấn đề lấy tin tức tình báo là xử dụng biệt-kích quân, đặc công,
và các đơn-vị đặc biệt. Ai-cập có đơn-vị biệt-hải, biệt-động-quân và As Saiqa
(Sấm chớp) biệt kích, thường tấn công những nơi kém phòng thủ bên bờ kênh Suez. Trong hầu hết các
cuộc hành quân đặc biệt của Ai-Cập là thâu thập tin tình báo cho pháo binh bắn
phá. Sau trận chiến Sáu Ngày, không lực Ai-Cập bị tiêu diệt, đang trong thời kỳ
hồi-sinh, không dám bay do-thám không phận Do-Thái do đó lực lượng đặc biệt phải
đảm nhận vai trò lấy tin tức tình báo về quân-đội Do-Thái trong vùng Sinai. Biệt
kích quân Syria
cũng đóng vai trò tương tự trong cao nguyên Golan.
Những cuộc hành quân đặc biệt của
Do-Thái được tổ-chức quy-mô hơn, bao gồm việc tấn công vượt biên để lấy tin tức
tình báo và để trả đủa. Các đơn-vị hành quân đặc biệt này thường đột kích vào
lãnh thổ Ai-Cập, Jordan, Syria và Lebanon trả đủa mỗi khi có binh sĩ
Do-Thái bị giết hoặc cho mỗi vụ khủng bố. Những cuộc hành quân đánh sâu vào
lãnh thổ cuả địch biểu dương sức mạnh của quân-đội Do-Thái và cũng để cảnh cáo
cho các nước Ả-Rập, nếu còn hành động khủng bố sẽ bị biệt kích Do-Thái trả đủa.
Họ là những quân nhân hạng nhất
của quân đội Do-Thái. Quân biệt-kích Sayeret sẽ bị tiêu diệt nếu không được
cung cấp tình báo đầy đủ, chính xác. Các sĩ quan quân-báo Ka’Man đi theo các
đơn vị trinh-sát dù, biệt kích, biệt hải để cung cấp tin tình báo chi tiết cho
sĩ quan hành-quân của đơn-vị trong việc soạn thảo kế hoạch tấn công để bảo đảm
sự thành công và an-toàn sinh mạng cho các quân nhân biệt kích. Trong cuộc hành
quân Shock (Sửng-sốt) ngày 1 tháng mười một 1968 tấn công nhà máy diện Ai-Cập
trong vùng bình nguyên sông Nile tại Naji
Hamadi và phá hủy vài cầu gần thành phố Qina. Lực lượng tấn công gồm mười bốn
quân biệt-kích thuộc đơn-vị Sayeret Tzanhanim, dựa vào không-ảnh, bản phân tích
của A’Man và bản đồ, phóng ảnh mục tiêu do sĩ quan tình báo cung cấp. Trận đột
kích 350 km trong đất Ai-Cập là trận
đánh đầu tiên sâu vào đất địch bàng trực thăng vận gây sự kinh hoàng trong quần
chúng Ai-Cập. Sau vố đó, Nasser phải đem bớt quân từ ngoài tiền tuyến về phòng
thủ bên trong nội điạ.
Hành quân Gift (Món quà) ngày
27 tháng mười hai 1968, tấn công trả đủa trong phi trường Quốc-tế Beirut do sự phối hợp giữa
hai đơn vị biệt-kích Sayeret Mat’Kal và Sayeret Tzanhanim. A’Man cung cấp cho
đơn-vị hành quân cuốn băng tài liệu về các hoạt động phi cơ dân, quân sự trong
thủ đô của Lebanon.
Mục đích của trận tấn công là trừng phạt chính quyền Lebanon đã giúp đỡ, yểm trợ
cho Mặt-trận Giải-phóng Palestine cướp, tấn công máy bay của hãng Hàng-không Do-Thái El Al. Mọi
mục tiêu trong phi trường Beirut đều được đánh dấu cẩn thận để tránh thiệt hại
cho thường dân Libanon và đạt hiệu quả trong một thời gian ngắn.
Tuy nhiên không phải cuộc hành
quân nào cũng thành công. Trong cuộc hành quân Mania 6, ngày 1 tháng bẩy 1969,
một lực lượng hỗn hợp Sayeret Mat’Kal và biệt-hải đột kích trên một hòn đảo của
Ai-Cập, Green Island,
một thành trì kiên-cố trên biển Hồng-hải án-ngữ thủy lộ vào kênh Suez. A’Man và sĩ quan
quân báo của hai đơn-vị cung cấp cho các biệt kích đầy đủ tin tình báo về mục
tiêu kể cả vị trí đặt súng của địch và bảng liệt kê những đơn-vị Ai-Cập đóng
quân trên đảo. Theo một số phân tích gia quân-sự Do-Thái cho biết A’Man đã thiếu-sót
không cho hai đơn vị biệt-kích phải bí mật xâm nhập đẻ đạt yếu tố bất ngờ.
Đơn-vị biệt-hải bơi vào bờ trước, dọn bãi cho đơn-vị Sayeret Mat’kal dưới quyền chỉ huy của trung tá
Menachem Digli xâm nhập vào sau trên những xuồng cao-su.
A’Man cũng không cho biết thêm
về tin tức thời tiết, tốc-độ của giòng nước. Các chiến-sĩ biệt-hải phải bơi ngược
giòng nước thủy triều, họ kiệt sức khi vào đến bờ làm trì hoãn kế hoạch gần một
tiếng đồng hồ. Mục tiêu chính là tiêu hủy những khẩu đại bác phòng không 37, 85
ly nhưng đã được quân Ai-Cập đem đi nơi khác mà A’Man chưa biết. Sáu cảm tử
quân Do-Thái chết trong lúc chiến đấu, trận này quân đội Do-Thái che dấu không
phổ biến.
Một cuộc hành quân khác gỡ gạc
cho tiếng tăm của A’Man. Ngày 14 tháng mười hai 1969, biệt hải Ai-Cập vượt kênh
Suez bắt cóc một
sĩ quan Do-Thái. Nguyền sẽ trả thù, bộ tổng tham-mưu quân-lực Do-Thái ra lệnh
cho phòng hành quân và tình báo tìm một mục tiêu xứng đáng để trả đủa. A’Man dò
tìm được đài radar P-12 do Nga sô xây cất gần Ras A’rab trong bờ biển Hồng-Hải
và một trung-sĩ trong bộ tham-mưu đưa ra ý-kiến về việc trả đủa ‘Tại sao không
‘chôm’ đài radar đem về làm của’. Ý kiến hay được truyền đi đến các đơn vị Dù
và cuộc hành quân ‘Gà chết 53’ (Chicken 53) tiến hành.
Sau khi huấn luyện bí mật bốn
ngày, ngày 27 tháng mười hai một lực lượng đặc nhiệm gồm Na’Ha’l và biệt-cách-dù
được chuyên chở trên ba trực thăng CH-53 đến mục tiêu ở Ras A’rab. Không ảnh thực
chính xác, sau ra khỏi trực thăng, các chiến sĩ biệt-cách-dù thanh toán chớp
nhoáng lực lượng phòng thủ, nhiều quân Ai-Cập quá sợ-hãi tẩu thoát vào bóng
đêm. Chỉ cần hai mươi phút quân Do-Thái tháo gỡ dàn radar, câu vào trực thăng
CH-53 đem ra khỏi Ai-Cập cùng tất cả tài liệu hướng dẫn, xử dụng.
Trận chiến ‘Tiêu hao’ đi đến
chương cuối, quân Do-Thái lập phòng tuyến bên này bờ kênh Suez gọi là phòng tuyến Bar Lev, tên vị tướng
tư-lệnh mặt trận phương nam. Hai bên dùng trọng pháo bắn lên phòng tuyến của
nhau hàng ngày. Theo dõi mọi cuộc chuyển quân của Ai-Cập là nhiệm vụ của sĩ-quan quân báo (Ka’Manim),
ngồi trong pháo đài, dùng ống nhòm quan sát bên kia bờ kênh Suez.
XI. TRẬN CHIẾN Ả-RẬP -
DO-THÁI 1973.
Vào tháng mười 1972, trong một
nghi-lễ đơn-giản trong văn-phòng tổng tham-mưu trưởng quân-lực Do-Thái trung tướng
David ‘Dado’ Elazar. Thiếu tướng Eliyahu ‘Eli’ Zeira được bổ nhiệm chức vụ
giám-đốc ngành quân báo, trong lúc quốc gia đang trong giai-đoạn tàn bạo đặc biệt
chống khủng-bố. Thủ tướng đương nhiệm lúc đó là bà Golda Meir tuyên bố ‘Chúng
ta sẽ chặt tay những kẻ giết hại con cháu của chúng ta’.
Mùa thu và đông năm 1972, quốc-gia
Do-Thái nằm trên ‘lửa’ trước mũi súng của quân khủng-bố. Đất nước chưa bao giờ
cảm thấy nền an-ninh bị đe-dọa như trong khỏang thời gian trên. Cuộc tấn công của
Tháng Chín Đen (Black September) giết lực-sĩ Do-Thái trong kỳ Thế-vận hội ở Munich làm cho quốc gia
căm-phẫn và đoàn kết. Loại trừ quân khủng bố Tháng Chín đen trở nên vấn đề quan
trọng nhất, hàng đầu của quốc gia. Do thái tuyên bố sẽ tận lực đối phó với
Tháng Chín Đen. Vụ thảm sát ở Munich,
rất đau lòng cho nữ thủ-tướng Golda Meir, bà là một nhà ái-quốc, một bà nội
Do-Thái mà lúc nào cũng nghĩ rằng có thể che chở cho con cháu mình. Bà thường họp
với các giới lãnh đạo quân-sự, chính trị trong bếp, nơi bà cư ngụ trong Jerusalem. Cái chết của
mười một lực sĩ Do-Thái làm bà tức giận, đổ lỗi cho các cơ-quan an-ninh, tình
báo Mossad, Shin Bet và A’Man đã không gài được người vào trong Tháng Chín Đen
để báo trước những vụ tấn công. Vào ngày 16 tháng mười 1972, một ủy ban điều
tra đặc biệt ra lệnh ‘cùm’ ba viên chức của Mossad và Shin Bet, kết tội sai lầm
trong việc lấy tin tức tình báo. Bà Golad Meir lần này nhất định thẳng tay trừng
trị.
Trận chiến tranh với quân khủng
bố, không phải là chuyện dễ. Một đạo quân cực kỳ bí mật, như nhóm El Fatah của
Yasir Arafat, lãnh tụ Tổ-chức Giải-phóng Palestine.
Tháng Chín Đen gồm những cảm-tử quân nồng cốt trung thành với Arafat, sống sót
sau trận chiến năm 1967 và chiến tranh du-kích dọc theo biên giới Jordan và Lebanon. Tháng Chín Đen rất nguy hiểm
vì được tuyển mộ từ những người căm-hờn, sẵn sàng chết cho việc trả thù Do-Thái
và Jordan.
Ngày 28 tháng mười một 1971, thủ tướng Jordan Wasfi a Tal bị ám sát chết trong
lúc rời phòng khách của một khách sạn trong thủ đô Cairo. Những tay súng của
Tháng Chín Đen đã để lại dấu vết đẫm máu. Những vố khác, đại-sứ Jordan tại Anh
quốc bị bắn tại London ngày 15 tháng mười hai, toà đại-sứ Jordan ở Thụy-sĩ bị đặt
bom ngày 16 tháng mười hai và ngày 6 tháng hai năm 1972, năm người quốc tịch
Jordan bị giết ở Cologne, Tây Đức vì bị nghi làm gián điệp cho Do-Thái.
Phiá
Do-Thái, ngày 8 tháng năm 1972, một toán khủng bố Tháng Chín Đen cướp một phi cơ
Boeing 707của hãng hàng không Bỉ Sabena, trong chuyến bay thường xuyên từ
Brussels ngừng tạm ở Vienna trước khi đi Tel Aviv. Vụ cướp một máy bay ngoại quốc
đi Do-Thái là một hành động cứng rắn chống Do-Thái của quân khủng bố. Nhóm
không tặc đòi trả tự do cho 317 quân khủng bố Palestine đang bị giam ở Do-Thái
nhưng thất bại. Biệt kích Do-Thái thuộc đơn-vị Sayeret Mat’Kal giả làm chuyên
viên cơ-khí trong bộ quần áo trắng, tràn vào bên trong máy bay, giết hai tên khủng
bố giải thoát con tin. Cú đẹp mắt này do đích thân trung tá Ehud Barak, chỉ huy
trưởng đơn vị biệt-kích chỉ huy, giám đốc tương lai của A’Man và là tổng tham
mưu trưởng trong thời gian phát hành quyển sách này.
Munich một
lần nữa vào 10 tháng chín 1972, khủng bố Tháng Chín Đen làm một vố hụt, ám-sát
Tzadok Ophir một viên chức cấp nhỏ trong tòa đại sứ Do-Thái ở Bỉ, thực ra đương
sự là điệp viên Mossad có nhiệm vụ len lỏi vào trong hàng ngũ Tháng Chín Đen.
Về mặt
quân sự, Do-Thái trả đủa cho vụ thảm sát ở thế-vận-hội Munich
bằng cuộc hành quân Turmoil 4, xâm lăng Lebanon ngày 16 tháng chín 1972. Mục
đích chính của cuộc hành quân này nhằm phá hủy cơ-cấu tổ chức khủng bố
Palestine đang bành trướng, mục đích thứ hai là thâu lượm tin tình báo qua tài
liệu tịch thu được và thẩm vấn tù binh. Trước khi các nhân viên an ninh được gửi
ra chiến trường để thẩm vấn tù binh, quân Tháng Chín Đen ‘làm’ tiếp. Đó là chiến
dịch mùa thu. Trước đó, trong cuộc hành quân Basket ngày 21 tháng sáu 1972, biệt
kích quân Sayeret Mat’Kal bắt cóc năm sĩ quan tình báo Syria. Những sĩ quan này
giúp đỡ các hoạt động của quân khủng bố Palestine
dọc theo biên giới phiá bắc Do-Thái. Vụ bắt cóc sĩ quan Syria nhằm trao đổi ba tù binh phi-công Do-Thái
bị giam ở Damascus, kết qủa A’Man lấy được nhiều
tin tình báo vô-giá về sự liên quan của Syria
trong phong trào khủng bố của Palestine.
Những toán
đặc công Do-Thái được lệnh thanh-toán những tay ‘trùm’ của Tháng Chín Đen (Chặt
đầu, con vật sẽ chết) đã trở thành chuyện tiểu thuyết trong quần chúng. Những
toán đặc công này được báo chí ngoại quốc say-mê và đặt cho nhiều tên như
‘Tháng Sáu Đen’, ‘Cơn thịnh-nộ của Thượng-Đế’ (WOG), ‘Những kẻ rửa hận’ và
‘Toán 101’. Do-Thái phủ nhận tất cả, kể cả việc loại trừ những tay trùm của
Tháng Chín Đen để trả thù cho vụ thảm sát ở Munich. Được biết đơn vị lừng danh này kết hợp
bởi những ‘tay súng’ của Mossad, Shin Bet, A’Man và nhiều quân nhân thuộc các
đơn vị biệt-kích của Do-Thái. Ngày 16 tháng mười 1972 Wael Zwaiter, một thông dịch
viên trong tòa đại-sứ Liby ở La-Mã (Rome), ‘trùm’ nhóm hành-động Tháng Chín Đen
ở Ý bị giết bởi hai người bí-mật. Ngày 9 tháng chín 1973, Bác-sĩ Mahmud Hamsari
nhân-vật thứ hai trong hàng ngũ Tháng Chín Đen ở Paris bị thương nặng do bom đặt trong ông
nghe điện thoại của ông ta. Ngày 24 tháng giêng 1973 Abd El Hir ‘trùm’ Tháng
Chín Đen ở Nicosia, Cyprus bị thiệt mạng do bom bặt trong phòng ngủ ở khách-sạn.
Ngày 6 tháng tư 1973, giáo-sư Basil Al Kubaissi, sanh quán tại Iraq, một trong những kế hoạch gia của Tháng
Chín Đen bị bắn chết tại Paris.
Ngày 12 tháng tư, Moussa Abu Zaiad nhân vật cao cấp trong nhóm hành động của
Tháng Chín Đen tại Cyprus chết do bom đặt trong khách sạn và ngày 28 tháng sáu
Mohammed Boudia, sanh quán tại Algeria, liên lạc viên của Tháng Chín Đen với
PLO và KGB bị giết do bom đặt trong xe nơi khu phố Latin ở Paris.
Những chiến
sĩ trong bóng tối của Do-Thái cũng bị thiệt hại như kẻ thù. Ngày 26 tháng giêng
1973, Baruch Cohen ‘trùm’ Mossad ở Madrid, Tây-Ban-Nha bị ám-sát chết trong khi
chờ đợi một gián điệp đôi trong một quán café đầy sinh-viên đại học. Ngày 12
tháng ba, Simia Glazer một viên chức cao cấp của Mossad ở Cyprus và một cựu chiến
sĩ trong nhóm quá khích Irgun của Menachem Begin bị một người Ả-Rập bắn trong thủ đô Cypriot.
Cũng theo
báo chí ngoại quốc, trong khi Mossad và các chiến sĩ bí mật đang dự một cuộc
chiến tàn khốc bên Âu châu, cơ-quan A’Man dồn nỗ lực thanh toán quân khủng bố Palestine gần đất
Do-Thái. A’Man cung cấp tin tình báo cho các đơn-vị biệt-kích tiêu diệt Tháng
Chín Đen cũng như Tổ-chức Giải-phóng Palestine (PLO). Vào tháng hai 1973, A’Man
xác định (chỉ điểm) hai trại tỵ-nạn gần cửa khẩu phiá bắc thành phố Tripoli,
Lebanon, Nahar Al Bard và Al Badawi là nơi làm căn cứ cho bẩy căn cứ hoạt động
của quân khủng bố.. Hai trại này là nơi phát xuất các hoạt động khủng bố và huấn
luyện. Ngoài ra trại Nahar Al Bard còn là căn cứ cho lực lượng biển của nhóm El
Fatah do Ibrahim El Muja chỉ huy. Vào tháng mười 1972, mười một tên khủng bố thuộc đơn vị tinh-nhuệ này qua
Âu châu gây làn sóng kinh hoàng cho các tòa đại-sứ của Do-Thái, văn phòng cơ-sở
và nhân viên ngoại giao.
Tripoli cách biên giới
Do-Thái hơn 180 cây-số, cuộc hành quân đột kích cần tin tức tình báo chính xác
do A’Man cung cấp. Đơn vị hành quân gồm biệt-cách-dù, biệt-hải và quân nhẩy dù
được tầu chiến, phi cơ yểm trợ, ngoài ra còn được A’Man cung cấp tin tức chi tiết
về bẩy mục tiêu, cách bố trí quân, nơi đặt súng phòng không của địch và mìn bẫy.
Cuộc hành quân lấy tên là Hood 54-55, là một trận đánh tuyệt-diệu chứng tỏ khả
năng hữu-hiệu của lực-lương đặc biệt Do-Thái. Trước khi quân Do-Thái được trực
thăng bốc đem về, họ đã phá hủy những cơ-sở của quân khủng bố, giết chết 37
tên, làm bị thương 65 tên. Do Thái chỉ bị thương 8 binh sĩ.
Ngày 9 và
10 tháng tư 1973, quân Do-Thái đánh vào hệ thần-kinh, giang sơn của quân khủng
bố Palestine ở Lebanon. Cuộc hành quân mang tên Spring of Youth với hàng trăm
quân thiện chiến vào Beirut để ám-sát ba nhân vật lãnh đạo của Tháng Chín Đen
cũng như phá hủy các căn cứ của nhiều nhóm khủng bố Palestine. Mục tiêu chính gọi là Avivah,
ám-sát Abu Yusef (trưởng ban hoạt động của El Fatah, nhân vật chính trong việc
soạn thảo vụ thảm-sat ở thế-vận hội Munich), Kamal A’Dwal cấp chỉ huy trong ban
hành động, chỉ huy các tổ khủng bố trong vùng West Bank sông Jordan và giải đất
Gaza), và Kamal Nasser phát ngôn viên chính thức của PLO và là nhân vật then chốt
trong bộ tham mưu của Tháng Chín Đen). Nhiệm vụ này do một toán biệt kích Sayeret Mat’Kal dưới quyền chỉ huy
của trung tá Ehud Barak đảm trách. Cả ba ‘xếp bự’ Palestine đều cư-ngụ trong
khu sang trọng đường Verdun, phiá tây thành phố Beirut.
Mục tiêu thứ hai tên là Gilah,
phá hủy chung cư trên đường Khartoum ở hướng tây
Beirut, nơi đây đặt văn phòng Mặt-trận Dân-chủ
cho Giải-phóng Palestine
(Democratic Front for the Liberation of Palestine ‘DFLP’). Nhiệm vụ này do đơn
vị trinh-sát dù dưới quyền trung tá Amnon Shahak đảm trách cả hai cấp chỉ huy của
những đơn-vị ‘hạng nhất’ Barak và Shahak, sau này đều trở thành trùm A’Man và tổng
tham-mưu trưởng trong quân lực Do-Thái). Những mục tiêu phụ trong đó có Vardah,
tiêu hủy bộ chỉ huy của El Fatah nằm trong khu vực phiá nam Beirut sẽ do đơn vị biệt-hải đảm trách.
Tzilah, phá hủy kho đạn trong khu vực phiá bắc Beirut cũng do biệt-hải chịu trách nhiệm. Và
cuối cùng là Yehudit, đánh nghi binh kho đạn ở phiá bắc Sidon do đơn-vị trinh-sát dù thực hiện.
Kế hoạch hành quân được trình bầy
chi tiết cho tướng Elazar tổng tham-mưu trưởng chấp thuận trước khi ra tay.
Cơ-quan Mossad cũng nhúng tay vào vụ này, gửi điệp viên vào Beirut vài ngày trước, mướn một số xe du-lịch
để chở quân đến mục tiêu, dò thám và hoạch định lộ trình rút quân. Theo kế hoạch,
Do-Thái sẽ đổ quân từ biển vào, do đó A’Man phải làm việc sát với tình báo hải
quân, theo dõi những hoạt động của hải quân Lebanon cùng những đài radar, căn cứ
phòng thủ trên bờ.
Đêm 9 tháng tư, quân đội
Do-Thái mở cuộc đột kích vào thủ đô của Lebanon, mọi diễn tiến đều đúng
theo tiên liệu chỉ sai biệt vài giây. Cả ba trùm Tháng Chín Đen đều bị giết, do
biệt kích của trung tá Barak giả dạng thường dân. Quân trinh sát dù của Shahak
bị thiệt hại mấy người, vẫn hoàn thành sứ mạng. Tất cả quân biệt kích cùng một
số Mossad gặp nhau tại điểm hẹn, rút ra biển được tầu của hải quân đón về
Do-Thái. Những quân nhân bị thương được trực thăng cấp tốc đưa đi quân-y-viện.
Cuộc hành quân Spring of Youth là cuộc hành quân thành công, quan trọng nhất
trong các cuộc hành quân đặc biệt của quân-lực Do-Thái, chỉ kéo dài hơn một tiếng
đồng hồ.
Trận đại chiến giữa Do-Thái - Ả-Rập
xẩy ra từ ngày 6 tháng mười năm 1973, được gọi là trận chiến Yom Kippur, ngày lễ quan trọng trong đạo
Do-Thái. Lần này Quân Ả-Rập ra tay trước do sự tiên đoán sai lầm của ngành tình
báo. Nội các Do-Thái họp khẩn vào lúc sáu giờ sáng để ban hành lệnh tổng động
viên và tìm cách ngăn chặn quân thù. Những giờ phút đầu tiên trong ngày lễ Yom
Kippur, hệ thống truyền thanh của Do-Thái truyền đi những danh hiệu của các
đơn-vị gọi quân trừ bị. Các xe đón quân trừ-bị đợi sẵn nơi trung tâm các thành
phố, các phi cơ nhỏ thả những truyền đơn, lệnh gọi tái ngũ xuống khắp nơi. Đàn
ông khắp nơi chạy vội về nhà thay bộ quần áo lễ bằng bộ quân phục, lấy khẩu tiểu
liên Uzi thay cho quyển kinh thánh, đi đến nơi trình diện. Đến trưa, tất cả các
xa lộ đi về phiá bắc hoặc nam đều kẹt cứng xe cộ đang trên đường ra tiền tuyến.
Hàu hết các quân nhân trừ bị hoặc đang nghỉ phép được lệnh đến những điạ điểm
‘gom lại’ rồi quá giang xe ra chiến trường. Nhiều quân nhân trừ bị lái xe nhà
ra phòng tuyến. Đây là lần đầu tiên, trong ngày Yom Kippur, không lực Do-Thái bận
rộn bảo vệ không phận quốc gia (bị tấn công trước).
Quân Ai-Cập chọc thủng phòng
tuyến Bar Lev tại mười sáu vị trí chiến lược và cũng là lần đầu tiên quân
Do-Thái bị bắt làm tù binh đông đảo. Sau khi ‘xính vính’ ở hiệp đầu, quân
Do-Thái lấy lại được thăng bằng và đánh trở lại. A’Man tìm ra được nhược điểm
(gót chân Achilles, nhân vật trong thần thoại Hy-Lạp) của quân Ai-Cập bên kia bờ
kênh Suez. Điểm
đó nằm giữa quân đoàn 2 và 3 của Ai-Cập. Một đơn vị dù tăng phái cho lực lượng
thiết kỵ dưới quyền chỉ huy của danh tướng Sharon đánh xuyên qua đất Ai-Cập. Bị
trúng đòn ngay huyệt, quân Ai-Cập ‘xụm’ và Do-Thái vẫn là kẻ chiến thắng cuối
cùng.
Trận Yom Kippur năm 1973 kéo
dài mười tám ngày làm rung động Do-Thái. Bị tấn công bất ngờ, thiệt mất 2326
quân, bị thương gần mười ngàn quân và hàng trăm bị bắt làm tù binh. Mặc dù cuối
cùng chiến thắng, Do-Thái không còn cảm thấy mình là vô-địch nữa. Nữ thủ-tướng
Golda Meir ra lệnh thành lập ủy ban điều tra đặc biệt và ngày 2 tháng tư 1974, ủy
ban Agranat trình bầy bản kết quả điều tra sơ-khởi. Bản tường trình đề nghị
thay đổi chức giám đốc cơ-quan A’Man Zeira, vị phó giám đốc chuẩn tướng Aryeh
Shalev, trung tá David Gedaliah chỉ huy trưởng tình báo thuộc bộ chỉ huy Phương
Nam, và trung tá Yona Bendman chỉ huy trưởng ‘phòng Ai-Cập’. Ủy ban cũng đề nghị
thay chức tổng tham mưu trưởng Elazar và tư-lệnh bộ chỉ huy Phương Nam thiếu-tướng
Shmuel ‘Gorodish’ Gonen.
XII. HẬU
YOM KIPPUR (1973)
ĐOẠN KẾT.
Sau lần thất bại trong việc
tiên đoán sức mạnh của khối Ả-Rập trong trận chiến năm 1973. Cơ-quan A’Man có vị
giám đốc mới, thiếu-tướng Shlomoh Gazit và chuẩn tướng Dov ‘Dubik’ Tamari được
bổ nhậm chức vụ trưởng phòng tình báo (Ktzin Mode’In Rashi) mới thành lập, để
làm nhẹ gánh nặng cho chức vụ giám đốc cơ-quan A’Man. Mặc dầu đã ngưng bắn, tuy
nhiên trận chiến ‘Tiêu-hao’ trên cao nguyên Golan vẫn tiếp diễn và binh sĩ
Do-Thái tiếp tục hy sinh ngoài chiến trường trong mùa đông 1973-1974.
Không phải chỉ những binh sĩ mới hy sinh. Ngày 11 tháng tư năm 1974, một toán
quân khủng bố trong nhóm Ahmed Jibril tấn công chung cư nơi phiá bắc làng
Qiryat Shmoneh, mười tám thường dân thiệt mạng trong đó có tám trẻ em và năm phụ
nữ. Ngày 15 tháng năm, kỷ niệm hai mươi sáu năm độc lập, một toán khủng bố thuộc
Nayif Hawatmeh chiếm một trường học phiá bắc làng Ma’Alot giữ hơn một trăm học
sinh làm con tin. Quân đội Do-Thái đánh giải vây thất bại làm cho hai mươi lăm
học sinh thiệt mạng, bẩy mươi bị thương. Ngày 5 tháng ba 1975, quân khủng bố
thuộc El Fatah xâm nhập từ biển vào chiếm khách sạn nơi biển Savoy, bắt giữ khách làm con tin. Quân khủng
bố cho nổ bom làm chết tám người khách khi quân biệt kích Sayeret Ma’Kal đến,
ngoài ra chết thêm ba quân nhân trong đó có đại tá Uzi Yairi, cựu chỉ huy trưởng
đơn vị Ma’Kal và ngôi sao đang lên trong quân lực Do-Thái.
Vận may của A’Man đến vào ngày
27 tháng sáu 1976, khi bốn tên khủng bố (hai người Tây Đức trong đảng Baader Meinhoff và hai Palestine) cướp máy bay của hãng hàng không Pháp (Air
France) từ Tel Aviv đi Paris sau khi tạm nghỉ ở Athens. Chuyến bay bị cưỡng bức bay đi
Benghazi, Libya và cuối cùng
ngừng ở Entebbe, Uganda. A’Man đóng vai trò soạn thảo
kế hoạch và hành động trong chuyến giải cứu con tin lừng danh trong cuộc hành
quân Hõa-Cầu (Thunderball) ngày 3 và 4 tháng bẩy năm 1976.
Được cơ-quan Mossad cung cấp
tin tình báo về phi trường Entebbe,
A’Man thu thập thêm tin tức vè quân đội Uganda, quân khủng bố, khí tượng và
phòng không qua lộ trình bay từ Do-Thái đến Uganda. Ngày 4 tháng bẩy 1976, quân
biệt kích thuộc Sayeret Ma’Kal, Golani, Tzanhanim đem về Do-Thái 103 con tin
trên bốn chiếc vận tải cơ C-130 Hercules. Cuộc hành quân thành công rực rỡ như
phép lạ và A’Man lấy lại được uy-tín.
Theo tài-liệu:
Samuel M. Katz, ‘Soldier Spies’, Presidio Press, Novato, CA. 1994.
VĐH
No comments:
Post a Comment