Saturday, October 14, 2023

Yom Kippur

 
   Trận đại chiến giữa Do-Thái - Ả-Rập xẩy ra từ ngày 6 tháng mười năm 1973, được gọi là trận chiến  Yom Kippur, ngày lễ quan trọng trong đạo Do-Thái. Lần này Quân Ả-Rập ra tay trước do sự tiên đoán sai lầm của ngành tình báo. Nội các Do-Thái họp khẩn vào lúc sáu giờ sáng để ban hành lệnh tổng động viên và tìm cách ngăn chặn quân thù. Những giờ phút đầu tiên trong ngày lễ Yom Kippur, hệ thống truyền thanh của Do-Thái truyền đi những danh hiệu của các đơn-vị gọi quân trừ bị. Các xe đón quân trừ-bị đợi sẵn nơi trung tâm các thành phố, các phi cơ nhỏ thả những truyền đơn, lệnh gọi tái ngũ xuống khắp nơi. Đàn ông khắp nơi chạy vội về nhà thay bộ quần áo lễ bằng bộ quân phục, lấy khẩu tiểu liên Uzi thay cho quyển kinh thánh, đi đến nơi trình diện. Đến trưa, tất cả các xa lộ đi về phiá bắc hoặc nam đều kẹt cứng xe cộ đang trên đường ra tiền tuyến. Hàu hết các quân nhân trừ bị hoặc đang nghỉ phép được lệnh đến những điạ điểm ‘gom lại’ rồi quá giang xe ra chiến trường. Nhiều quân nhân trừ bị lái xe nhà ra phòng tuyến. Đây là lần đầu tiên, trong ngày Yom Kippur, không lực Do-Thái bận rộn bảo vệ không phận quốc gia (bị tấn công trước).
    Quân Ai-Cập chọc thủng phòng tuyến Bar Lev tại mười sáu vị trí chiến lược và cũng là lần đầu tiên quân Do-Thái bị bắt làm tù binh đông đảo. Sau khi ‘xính vính’ ở hiệp đầu, quân Do-Thái lấy lại được thăng bằng và đánh trở lại. A’Man tìm ra được nhược điểm (gót chân Achilles, nhân vật trong thần thoại Hy-Lạp) của quân Ai-Cập bên kia bờ kênh Suez. Điểm đó nằm giữa quân đoàn 2 và 3 của Ai-Cập. Một đơn vị dù tăng phái cho lực lượng thiết kỵ dưới quyền chỉ huy của danh tướng Sharon đánh xuyên qua đất Ai-Cập. Bị trúng đòn ngay huyệt, quân Ai-Cập ‘xụm’ và Do-Thái vẫn là kẻ chiến thắng cuối cùng.
    Trận Yom Kippur năm 1973 kéo dài mười tám ngày làm rung động Do-Thái. Bị tấn công bất ngờ, thiệt mất 2326 quân, bị thương gần mười ngàn quân và hàng trăm bị bắt làm tù binh. Mặc dù cuối cùng chiến thắng, Do-Thái không còn cảm thấy mình là vô-địch nữa. Nữ thủ-tướng Golda Meir ra lệnh thành lập ủy ban điều tra đặc biệt và ngày 2 tháng tư 1974, ủy ban Agranat trình bầy bản kết quả điều tra sơ-khởi. Bản tường trình đề nghị thay đổi chức giám đốc cơ-quan A’Man Zeira, vị phó giám đốc chuẩn tướng Aryeh Shalev, trung tá David Gedaliah chỉ huy trưởng tình báo thuộc bộ chỉ huy Phương Nam, và trung tá Yona Bendman chỉ huy trưởng ‘phòng Ai-Cập’. Ủy ban cũng đề nghị thay chức tổng tham mưu trưởng Elazar và tư-lệnh bộ chỉ huy Phương Nam thiếu-tướng Shmuel ‘Gorodish’ Gonen.
 
 XII.   HẬU  YOM  KIPPUR  (1973)  ĐOẠN  KẾT.
    Sau lần thất bại trong việc tiên đoán sức mạnh của khối Ả-Rập trong trận chiến năm 1973. Cơ-quan A’Man có vị giám đốc mới, thiếu-tướng Shlomoh Gazit và chuẩn tướng Dov ‘Dubik’ Tamari được bổ nhậm chức vụ trưởng phòng tình báo (Ktzin Mode’In Rashi) mới thành lập, để làm nhẹ gánh nặng cho chức vụ giám đốc cơ-quan A’Man. Mặc dầu đã ngưng bắn, tuy nhiên trận chiến ‘Tiêu-hao’ trên cao nguyên Golan vẫn tiếp diễn và binh sĩ Do-Thái tiếp tục hy sinh ngoài chiến trường trong mùa đông 1973-1974.
    Không phải chỉ những binh sĩ mới  hy sinh. Ngày 11 tháng tư năm 1974, một toán quân khủng bố trong nhóm Ahmed Jibril tấn công chung cư nơi phiá bắc làng Qiryat Shmoneh, mười tám thường dân thiệt mạng trong đó có tám trẻ em và năm phụ nữ. Ngày 15 tháng năm, kỷ niệm hai mươi sáu năm độc lập, một toán khủng bố thuộc Nayif Hawatmeh chiếm một trường học phiá bắc làng Ma’Alot giữ hơn một trăm học sinh làm con tin. Quân đội Do-Thái đánh giải vây thất bại làm cho hai mươi lăm học sinh thiệt mạng, bẩy mươi bị thương. Ngày 5 tháng ba 1975, quân khủng bố thuộc El Fatah xâm nhập từ biển vào chiếm khách sạn nơi biển Savoy, bắt giữ khách làm con tin. Quân khủng bố cho nổ bom làm chết tám người khách khi quân biệt kích Sayeret Ma’Kal đến, ngoài ra chết thêm ba quân nhân trong đó có đại tá Uzi Yairi, cựu chỉ huy trưởng đơn vị Ma’Kal và ngôi sao đang lên trong quân lực Do-Thái.
    Vận may của A’Man đến vào ngày 27 tháng sáu 1976, khi bốn tên khủng bố (hai người Tây Đức  trong đảng Baader Meinhoff và hai Palestine) cướp máy bay của hãng hàng không Pháp (Air France) từ Tel Aviv đi Paris sau khi tạm nghỉ ở Athens. Chuyến bay bị cưỡng bức bay đi Benghazi, Libya và cuối cùng ngừng ở Entebbe, Uganda. A’Man đóng vai trò soạn thảo kế hoạch và hành động trong chuyến giải cứu con tin lừng danh trong cuộc hành quân Hõa-Cầu (Thunderball) ngày 3 và 4 tháng bẩy năm 1976.
    Được cơ-quan Mossad cung cấp tin tình báo về phi trường Entebbe, A’Man thu thập thêm tin tức vè quân đội Uganda, quân khủng bố, khí tượng và phòng không qua lộ trình bay từ Do-Thái đến Uganda. Ngày 4 tháng bẩy 1976, quân biệt kích thuộc Sayeret Ma’Kal, Golani, Tzanhanim đem về Do-Thái 103 con tin trên bốn chiếc vận tải cơ C-130 Hercules. Cuộc hành quân thành công rực rỡ như phép lạ và A’Man lấy lại được uy-tín.
 
Theo tài-liệu:
Samuel M. Katz, ‘Soldier Spies’, Presidio Press, Novato, CA. 1994.                                    
                  VĐH 

No comments:

Post a Comment