Cuộc Đời Tôi
PHẦN VIII. ĐOẠN CUỐI (1973 – 1975)
29. MA’A LOT
Một trong những ngày khó khăn nhất trong đời tôi xẩy ra trong thời gian bẩy tháng rưỡi sau trận chiến Yom Kippur. Chuyện này không dính dáng gì đến Tiến Sĩ Kissinger và cũng chẳng ăn thua gì đến chiến tranh. Đó là một hình thức tàn bạo khác, quân khủng bố xâm nhập vào đất Do Thái, lần này họ hoạt động trong Lebanon.
Từ lâu, trước vụ Tháng Chín Đen năm 1970 khi Vua Hussein vì chủ quyền quốc gia quét sạch quân khủng bố ra khỏi Jordan, quân khủng bố Palestine đã di chuyển qua Lebanon, biến nơi này làm căn cứ, điều hành các hoạt động của họ. Lúc đó họ có một đạo quân khoảng năm ngàn “chiến sĩ” mà chính quyền Li Băng không đủ khả năng để trấn áp. Quân khủng bố chỉ huy những trận tấn công vào những làng định cư Do Thái, những khu vực đang mở mang, xây cất trong vùng biên giới với Li Băng. Đôi khi pháo kích bằng hỏa tiễn qua đất Do Thái. Thỉnh thoảng bất thần vượt biên vào đất Do Thái phá hoại, cướp của giết thường dân vô tội.
Trong thời gian đang thương thuyết ở Geneva sau trận chiến Yom Kippur, những tổ chức khủng bố tái lập lại các hoạt động, mở đầu cho một chương khủng bố mới, bắt cóc con tin và đe dọa giết họ nếu các đòi hỏi của quân khủng bố không được thỏa mãn: trả tự do cho đồng bọn đang bị giam giữ trong các nhà tù. Hai trong số hoạt động này xẩy ra ở Do Thái trong vòng một tháng. Vụ đầu tiên xẩy ra ở Kiryat Shmonah ngày 11 tháng Tư, vụ thứ hai ở Ma’alot ngày 15 tháng Năm, năm 1974. Cả hai ngôi làng Do Thái đều nằm trong vùng Bắc Galilee, gần đường biên giới phiá bắc.
Tại Kiryat Shmonah, lúc 11 giờ 15 phút sáng, đài phát thanh Damascus đọc bản tin, một đội “quyết tử” thuộc tổ chức Mặt Trận Mở Rộng George Habash Giải Phóng Palestine đã xâm nhập vào trong làng, chiếm giữ trường học Korcak, giữ trẻ em học sinh làm con tin. Bản tin đọc lời đe doạ nếu người Do Thái muốn lấy lại trường học bằng võ lực sẽ nguy hiểm cho sinh mạng các em học sinh.
Khi đài phát thanh Damascus đọc bản tin trên, ba tên khủng bố đã chết. Sự thực, ba tên khủng bố đã xâm nhập vào trong trường học vào lúc bẩy giờ sáng, nhưng các em học sinh đang được đưa đi tham quan, các phòng học đeuà trống vắng. Các tên khủng bố bèn xông vào một chung cư gần đó, đi từng nhà ném lựu đạn, bắn tiểu liên giết hại thường dân. Toán khủng bố lên tầng lầu cao nhất tử thủ. Lực lượng an ninh (có lẽ đơn vị đặc biệt chống khủng bố) Do Thái được điều động tới tấn công giết chết cả ba tên.
Kết qủa 16 thường dân bị giết trong đó có 8 trẻ em, hai binh sĩ bị tử thương. Khi tôi đến làng Kiryat Shmonah, câu chuyện khủng bố đã đi đến phần kết thúc. Quân đội Do Thái đã bao vây chung cư, bắn che cho toán xung kích xông vào bên trong chung cư. Khi vào đến căn phòng, cả ba tên khủng bố đều đã chết. Tôi lên tận nơi quan sát, cả ba đều còn trẻ, trúng đạn đầy người, râu tóc gọn gàng, sạch sẽ làm tôi tự hỏi, tại sao những người trẻ này lại coi chuyện giết thường dân vô tội, đàn bà trẻ con là chuyện thường tình. Thực sự, họ và đồng bọn trong phong trào khủng bố coi chuyện giết người này là một hành động anh hùng đáng được hãnh diện. “Fedayun” trong tiếng Ả Rập có nghĩa là “Đội Quyết Tử - Suicide Squad”
Mấy tên khủng bố này không bắt giữ con tin, không đòi hỏi chính quyền Do Thái trả tự do cho đồng bọn và đều chết. Tuy nhiên họ đạt được một điều, làm cho người dân khiếp sợ, kinh hoàng, bỗng dưng cánh cửa bị đạp tung ra, rồi một tên khủng bố Ả Rập xuất hiện, xả súng bắn vào tất cả mọi người, kể cả trẻ con đang ngủ trên giường.
Ngày 15 tháng Năm, một tháng sau vụ Kiryat Shmonah, đến chuyện “Ma’alot”. Ba tên khủng bố khác đã giết người trên đưòng đến “mục tiêu Ma’alot”. Gần nửa đêm hôm trước, họ tấn công một xe vận tải chở phụ nữ Ả Rập trên đường về nhà sau khi tan sở. Những phụ nữ này làm việc trong một xưởng dệt trong hải cảng Haifa. Bọn khủng bố bắn tiểu liên xung kích AK-47 Kalatchnikov vào xe làm chết một phụ nữ và mười người khác bị thương. Khi họ xâm nhập làng Ma’alot, vào một căn nhà và giết cả gia đình Cohen. Sau đó đến trường học, lúc đó đang có 4 giáo viên và 100 học sinh từ một trường ở Safed đến thăm làng Ma’alot ngủ lại đêm. Bọn khủng bố bắt giữ tất cả làm con tin.
Chúng thả một giáo viên và vài trẻ em để đem bức thư đòi hỏi của tổ chức khủng bố. Quân khủng bố cũng xử dụng loa phát thanh nhà trường, đọc đi đọc lại bức thư đòi hỏi chính quyền Do Thái trả tự do cho 20 đồng bọn đang bị giam giữ trong các nhà tù Do Thái và đưa chúng qua Damascus. Khi đài phát thanh Damascus loan tin các tên khủng bố đã được trả tự do đến Damascus, quân khủng bố sẽ thả con tin, nếu không chúng sẽ cho nổ tung trường học cùng với các trẻ em. Thêm một lần nữa, đây là một vụ “khủng bố tự sát”. Khi quân đội Do Thái vào được bên trong, họ tìm thấy 5 bánh chất nổ, 2 đặt ngay cầu thang, 2 trong phòng học nơi trẻ em bị giam giữ và một nơi hành lang.
Chiến thuật mới của quân khủng bố đặt hai câu hỏi cho chính quyền Do Thái. Thứ nhất, chúng ta có nên nhượng bộ những đòi hỏi của bọn khủng bố? Thứ hai về “kỹ thuật”, chúng ta chiến đấu với quân khủng bố như thế nào khi sinh mạng các con tin nằm trong tay bọn chúng?
Do Thái đã gặp phải hai vụ khủng bố trước đây. Lần đầu xẩy ra trong tháng Bẩy năm 1968, một phi cơ hành khách hãng El Al của Do Thái bị không tặc cững bức bay qua Algiers (Lần đầu tiên một máy bay hành khách bị không tặc). Bọn không tặc đòi hỏi chính quyền Do Thái thả một số đồng bọn đang nằm trong các nhà tù ở Do Thái và để họ tự do ra khỏi nước Do Thái. Tôi không chấp nhận những đòi hỏi của quân khủng bố, nhưng Do Thái lúc đó do Thủ Tướng Eshkol lãnh đạo đã nhượng bộ và có chuyện trao đổi con tin với đám không tặc. Chuyện này lại phải đem ra họp trong nội các vào tháng Tám năm 1969, khi hai công dân Do Thái, Muallem và Samuelov bị bắt cóc trên chiếc máy bay TWA của Hoa Kỳ bị không tặc cướp bay qua Damascus và hai công dân Do Thái bị cầm tù ở đó. Chính quyền Do Thái phải trả tự do cho hai phi công Syria đang bị cầm tù để đổi lấy hai thường dân.
Biến cố gần vụ Ma’alot nhất là chuyến phi cơ Sabena bị không tặc cưỡng bức đáp xuống phi trường Lod của Do Thái. Quân khủng bố chỉ trả tự do cho các con tin khi chính quyền Do Thái trả tự do cho 300 đồng bọn đang bị cầm tù. Lần này chính quyền Do Thái không nhượng bộ, dùng biện pháp quân sự tấn công ngày hôm sau, giết chết hai tên, bắt giữ hai nữ không tặc đưa ra tòa và bỏ tù. Trong lúc giao tranh bên trong phi cơ, chỉ có một nữ hành khách bị trúng đạn thiệt mạng.
Vụ Ma’alot khó khăn hơn, tôi bay lên đó cùng với tổng tham mưu trưởng quân lực. Bọn khủng bố đã vào bên trong trường học cùng với trẻ em bị giữ làm con tin. Tôi gọi điện thoại báo cáo tình hình cho nữ thủ tướng Golda Meir, bà ta đang triệu tập một phiên họp nội các để tìm giải pháp cho Ma’alot.
Binh sĩ Nhẩy Dù đã vây quanh ngôi trường học. Tôi đi vòng quanh quan sát, cố gắng đến gần, chợt có một giọng nói quen thuộc vang lên “Nếu ông muốn đến gần hơn, ông sẽ phải chạy. Nếu ông có bò vào bọn chúng cũng nhìn thây ông”. Đó là giọng nói của Muki, chồng cô cháu gái Nurit, một trong những quân nhân can đảm nhất mà tôi được biết, lúc đó là một sĩ quan trong đơn vị Dù trừ bị. Khi nghe tin tức trên đài phát thanh về vụ Ma’alot, Muki gọi điện thoại đến đơn vị, rồi lái xe đi. Muki đang chỉ huy motä tiểu đội Dù tại Ma’alot.
Nội các Do Thái quyết định đồng ý trao đổi đám tù khủng bố lấy trẻ em nhưng không theo yêu sách của bọn khủng bố. Cả tù lẫn trẻ em cùng được thả một lúc chứ không tin lời chúng sẽ thả trẻ em khi đám tù đã qua Madascus.
Giữa trưa tôi phải bay về Jerusalem họp với thủ tướng. Khi trở ra trực thăng bay lên Ma’alot, tôi gặp người cháu Uzi con của ông em Zorik (tử trận trong trận chiến Độc Lập 1948). Uzi cũng như Muki thuộc đơn vị Nhẩy Dù trừ bị, đang theo học môn Toán và Vật Lý trong viện đại học Hebrew. Khi Uzi nghe tiếng trực thăng đang đáp nơi văn phòng thủ tướng, chàng hy vọng có người từ Ma’alot về báo cáo rồi sẽ bay trở lại, nên chạy lại xin quá giang ra đơn vị đang bao vây quân khủng bố, ai dè may mắn được gặp ông bác. Uzi cũng đem theo vũ khí, thay bộ quân phục trên đường bay lên Ma’alot. Uzi còn rất trẻ nhưng đã đeo lon Thiếu Tá trong đơn vị Nhẩy Dù trừ bị tại gia. Tôi nói cho ông cháu Uzi biết chuyện xẩy ra nơi làng Ma’alot. Tôi biết nhiều sĩ quan trong đơn vị Dù nhưng lẽ dĩ nhiên thường gặp Uzi và Muki trong những bữa cơm gia đình.
Trong khi đó, vấn đề thương thuyết để trả tự do cho trẻ em trở nên phức tạp qua sự trung gian của hai đại sứ Pháp và Rumany. Thời gian trôi không thấy có gì tiến triển, thời hạn 6 giờ chiều đã đến, chính quyền Do Thái cho lệnh xông vào bên trong trường học.
Sau khi quân Dù đã thanh toán hết bọn khủng bố, tôi đi theo vào trong phòng giam giữ trẻ em quan sát. Khung cảnh đổ vỡ, máu chẩy tràn lan trên sàn lớp học, hàng chục trẻ em bị thương được các binh sĩ Dù bế đặt nằm dựa vào tường. Cả ba tên khủng bố đều bị thanh toán nhưng chúng đã giết chết 16 em học sinh và 68 em khác bị thương bằng tiểu liên AK-47.
30. GIÃ TỪ CHÍNH TRƯỜNG
Bầu cử quốc hội được định vào ngày 31 tháng Mười Hai năm 1973. Cuộc bầu cử quốc hội lần thứ bẩy này sẽ nói lên ý kiến quần chúng Do Thái về biến cố quan trọng vừa xẩy ra – trận chiến Yom Kippur. Quốc hội mới sẽ vạch đường đi cho Do Thái trong tương lai. Trong khi đó dân chúng biểu tình, chỉ trích chính phủ và nữ thủ tướng Do Thái đề cử một ủy ban gọi là Ủy Ban Agranat để đánh giá về trận chiến Yom Kippur, ai là kẻ có công, ai là kẻ có tôi. Những viên chức cao cấp trong chính quyền cũng cảm thấy việc điều tra là cần thiết, vấn đề là trao trách nhiệm này cho ai? Ai là người đủ khả năng, uy tín để điều tra chuyện này?
Ngày 8 tháng Mười Một nữ thủ tướng Golda Meir tiếp chuyện với mấy vị bộ trưởng cùng tổng tham mưu trưởng quân lực về đề tài đau thương này (trận chiến Yom Kippur), một trong những kinh nghiệm đau thương của Do Thái. Tôi viết vài điều ý kiến cá nhân trên tờ giấy đưa cho nữ thủ tướng “Golda, Tôi đồng ý (1) lập một ủy ban điều tra, (2) gồm tòa án, viên chức công cộng, phòng điều tra nội vụ của quân đội do vị Thẩm Phán Quốc Gia chỉ định”
Mười ngày sau, vấn đề này được đem ra bàn luận trong nội các để thành lập một ủy ban điều tra dưới quyền của vị Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện, gồm có năm hội viên. Ủy ban này sẽ điều tra về những chuyện sau đây:
1. Tin tức tình báo thâu thập được trong những ngày trước khi xẩy ra trận chiến Yom Kippur. Tin tình báo về những cuộc chuyển quân và ý định tấn công của địch. Khả năng giải đoán tin tức tình báo và những quyết định của các viên chức lãnh đạo trong quân đội cũng như trong chính quyền để chống lại địch quân.
2. Vấn đề điều quân của Lực Lượng Quốc Phòng Do Thái (IDF) trong trường hợp xẩy ra chiến tranh, tình trạng chuẩn bị cho chiến tranh trước khi trận Yom Kippur xẩy ra.
Theo quyết định kể trên của nội các Do Thái, ngày 21 tháng Mười Một năm 1973, chủ tịch Tối Cao Pháp Viện, Tiến Sĩ Shimon Agranat được mời làm chủ tịch ủy ban điều tra (Ủy Ban Agranat), gồm có: Moshe Landau luật sư tòa án Tối Cao Pháp Viện, Tiến Sĩ Yitzhak Nebenzahl tổng thanh tra ngân khố, Trung Tướng (về hưu) Yigael Yadin, giáo sư khảo cổ viện đại học Hebrew và cũng là cựu tổng tham mưu trưởng quân lực, Trung Tướng (về hưu) Chaim Laskov cựu tổng tham mưu trưởng.
Mặc dầu vẫn là kẻ chiến thắng cuối cùng, nhưng hậu quả trận chiến Yom Kippur vẫn còn kéo dài. Quần chúng Do Thái không chấp chấp nhận con số thiệt hại lớn lao về nhân mạng, họ gọi cấp lãnh đạo trong chính quyền là những kẻ “sát nhân – murderers”. Một trong những người đeo bảng chống đối chính quyền, xuống đường là một sĩ quan trẻ, Đại Úy Mottie Ashkenazi. Anh ta là cấp chỉ huy nơi tiền đồn Budapest, tiền đồn duy nhất không bị rơi vào tay quân đội Ai Cập. Sau trận chiến Mottie theo học tại viện đại học Hebrew, thầy dậy môn triết lý cho chàng ta là Giáo Sư Natan Rotenstreich đề nghị tôi (Tướng Dayan) gặp anh ta để nói chuyện và chúng tôi gặp nhau tại nhà vị giáo sư.
Mottie nói, vẫn kính trọng cá nhân tôi nhưng nhất định tôi phải từ chức, bởi vì tôi chiụ trách nhiệm cho lỗi lầm của chính quyền. Theo anh ta, quân đội, chiến tranh, và chính sách tất cả đều sai lầm. Phải thay đổi giới lãnh đạo, toàn thể nội các chính phủ phải từ chức và tôi là người đầu tiên.
Trong trận chiến Yom Kippur, tất cả đều sai lầm. Phi công chiến đấu bị trao cho những phi vụ “tự sát” không rõ mục tiêu và không cần thiết. Mottie trên cương vị cấp chỉ huy tiền đồn Budapest đã chứng kiến họ bị bắn rơi và đã yêu cầu bộ tư lệnh Phương Nam ngừng đưa các phi công đi tấn công kênh đào Suez và hải cảng Said nhưng không ai nghe lời một sĩ quan cấp bậc đại úy. Kỹ nghệ chiến tranh Do Thái không chuẩn bị cho một trận chiến với quân thù, họ nên làm việc ngày đêm chế tạo loại súng trường mới “Galil” cho lục quân.
Ủy ban Agranat đưa ra bản điều trần đầu tiên, gọi là “Bản Báo Cáo Phần Một” về hai điều: thứ nhất, tin tức tình báo về các cuộc chuyển quân, mưu đồ của địch và khả năng đánh giá trị tin tức tình báo của ta (Do Thái). Thứ hai, sự chuẩn bị đối phó của lực lượng quốc phòng Do Thái. Phần kết luận và đề nghị của bản báo cáo rất rõ ràng và rất nặng nề. Lơiø đề nghị dựa vào những nguyên tắc căn bản, cho từng lãnh vực chuyên môn.
Phần xét xử từng cá nhân như nấm mồ lớn cho tất cả. Trong ngành Tình Báo Quân Đội, bốn sĩ quan cao cấp bị đình chỉ nhiệm vụ. Ủy ban Agranat phê bình Thiếu Tướng Eliyahu Zeira “Qua những lỗi lầm to lớn… không thể tiếp tục gánh trọng trách chức vụ Chỉ Huy Trưởng ngành Tình Báo Quân Sự”. Chỉ huy phó của ông ta, Chuẩn Tướng Aryeh Shalev “Không thể tiếp tục phục vụ trong ngành tình báo”. Trung Tá Yona Bendman, trưởng ban Ai Cập trong phòng Nghiên Cứu Tình Báo “Không được giao trách nhiệm làm việc liên quan tới vấn đề giải đoán tin tức tình báo”. Trung Tá David gedalia, trưởng phòng tình báo bộ tư lệnh Phương Nam “Không được phục vụ trong ngành tình báo”
Đối với các cấp chỉ huy binh đoàn, ủy ban Agranat “làm việc” với hai tướng lãnh “cỡ bự”. Thiếu Tướng Shmuel Gonen (Gorodish) tư lệnh Phương Nam bị tạm ngưng chức vụ cho đến khi ủy ban kết thúc cuộc điều tra. Lời phê bình nặng nề nhất dành cho Trung Tướng David Elazar tổng tham mưu trưởng “Chúng tôi có thể kết luận rằng, vị tổng tham mưu trưởng hoàn toàn chiụ trách nhiệm chuyện xẩy ra trong đêm bắt đầu trận chiến Yom Kippur, trên cả hai phương diện uớc tính tình hình và chuẩn bị cho quân đội… Chúng tôi đề nghị, thời gian trong chức vụ tổng tham mưu trưởng của Trung Tướng David Elazar chấm dứt”
Ngày 3 tháng Sáu năm 1974, chính quyền mới của Do Thái làm lễ tuyên thệ với tân Thủ Tướng Yitzhak Rabin, tổng trưởng Quốc Phòng Shimon Peres. Trung Tướng Mordechai (Motta) Gur lên thay Tướng Elazar làm tổng tham mưu trưởng và Thiếu Tướng Shlomo Gazit là chỉ huy trưởng mới trong ngành tình báo. Trung Tướng Mordechai Gur thăng tiến rất nhanh trên đường binh nghiệp. Ông ta rất can đảm, đã từng bị thương tại mặt trận và rất khôn ngoan trong vấn đề ngoại giao. Năm 1967, ông mang cấp bậc Đại Tá chỉ huy lữ đoàn quân trừ bị Nhẩy Dù và là người đầu tiên, đi đầu dẫn các sĩ quan tham mưu xung phong vào chiếm Ngôi Đền Vàng (Golden Temple) của Jordan trong khu phố Cổ Jerusalem.
RMIT-VN
vđh
No comments:
Post a Comment