Năm 1884, anh em nhà Rabinsky tuổi 14, 16 đã trở nên những kẻ bị truy lùng. Họ trốn trong rừng ban ngày, ban đêm mới tiếp tục cuộc hành trình. Trạm nghỉ đầu tiên trong khu Do Thái ở Lubny, họ cũng được tu sĩ, các bậc đàn anh cho tiền, thực phẩm để đi tiếp, chứ không dám chứa. Đến khu Do Thái ở Kharkov, hai anh em trốn dưới basement ngôi đền (Synagogue). Một hôm tu sĩ Solomon nói với họ.
- Tin tức đã loan truyền đến đây, chỗ này không còn được an toàn. Tôi quen biết mấy gia đình Do Thái có nông trại ở gần đây. Hai anh em nên trốn ở đó, họ sẽ giúp đỡ.
- Cám ơn tu sĩ Solomon đã che chở anh em tôi. Chúng tôi đã có kế hoạch riêng.
- Chương trình như thế nào?
- Chúng tôi sẽ đi Palestine. Yakov trả lời.
- Palestine. Làm sao đi đến đó được? Vị tu sĩ sửng sốt nhìn hai anh em.
- Chúng tôi có lộ trình riêng bằng đường bộ. Thượng Đế sẽ giúp chúng tôi.
- Moses đã đi bộ ròng rã 40 năm.
- Anh em tôi còn trẻ sẽ rút ngắn thời gian lại.
Hai anh em nhà Rabinsky đi về hướng đông, sau đó xuống hướng nam trong suốt mùa đông giá buốt. Họ chịu đựng lớp tuyết dầy, ngập đến lưng, co người lại để tránh những cơn gió lạnh. Họ phải chiụ đựng đói khát thường xuyên, lẻn vào những nông trại trộm thực phẩm, ăn qua đường, rồi lại tiếp tục cuộc hành trình về miền đất hưá Palestine.
Nhiều đêm, Jossi phải cõng người em Yakov vì đôi bàn chân của Yakov bị nứt và chẩy máu. Qua mùa xuân, hai anh em đến được làng Do Thái ở Rostov, kiệt sức. Họ lại được giúp đỡ, thay bộ quần áo tả tơi, nghỉ ngơi vài tuần lễ lấy lại sức để tiếp tục cuộc hành trình. Đến mùa xuân năm sau, hai anh em nhận ra phép lạ lần đầu. Họ là người được tự do, đứng lên, quay lại nhìn đất “Mẹ Nga Sô” lần cuối rồi qua biên giới vào đất Thổ Nhĩ Kỳ.
Đến giữa hè, họ đi qua chân núi Ararat, nơi mà chiếc tầu cuả Noah đã đến. Họ tiếp tục đi về hướng nam. Khi đi ngang qua làng mạc, họ hỏi thăm, tìm người Do Thái. Hôm nào may, gặp người cùng chung giòng máu, họ được chăm sóc tử tế, cho quần áo mới, lương thực để đi đường. Họ băng qua Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria, rồi đến biển Điạ Trung Hải.
Đó là năm 1888, bốn mươi tháng gian nan trôi qua, kể từ đêm hai anh em nhà Rabinsky trốn ra khỏi làng Do Thái ở Zhitomir. Sau bốn năm, Jossi đã được 20 tuổi, trở nên một người đàn ông to lớn, cao hơn sáu bộ (6’), chàng để chòm râu mầu đỏ như mầu tóc. Yakov lên 18, có vóc dáng trung bình, nhưng đã trở nên cứng cõi.
Hai anh em đứng trên một ngọn đồi, nhìn xuống thung lũng Huleh nơi phiá bắc vùng Galilee. Jossi ngồi xuống một tảng đá, ôm mặt khóc. Cuộc hành trình kết thúc, họ đã đến đích. Yakov đặt nhẹ bàn tay lên vai anh, nói thật to vì mừng rỡ “Mình đã đến nhà! Mình đã đến nhà!”.
Từ trên đồi nhìn xuống, bên kia thung lũng ở Lebanon, đỉnh núi Hermon nhô cao lên có tuyết phủ. Dưới chân đồi, nơi hai anh em nhà Rabinsky đang đứng là hồ Huleh với những đám lau sậy. Gần phiá bên phải, xen kẽ giữa những ngọn đồi có một làng Ả Rập. Jossi lần đầu tiên được trông thấy Vùng Đất Hứa. Ôi, đẹp làm sao.
Hai anh em ở trên đồi, ngắm cảnh một ngày, một đêm. Sáng hôm sau bắt đầu đi xuống, hướng về ngôi làng Ả Rập. Những căn nhà xây bằng đất, mầu trắng nhấp nhô trên yên ngựa giữa hai ngọn đồi. Những mảnh vướn, rặng olive chạy dài xuống đám lau sậy bên bờ hồ Huleh. Có những con lừa đang kéo cầy, những con khác chở luá mì đã gặt trên lưng. Trong những vườn nho, phụ nữ Ả rập đang làm việc. Ngôi làng xưa, có đến hàng ngàn năm.
Jossi, Kakov đi thẳng đến chỗ giếng nước, mấy thiếu nữ Ả rập đang giặt quần áo, lấy nước, nói chuyện. Sự xuất hiện của hai người đàn ông lạ, làm tất cả đều im lặng. Jossi lên tiếng hỏi “Chúng tôi xin chút nước uống được không?”. Không một tiếng trả lời. Anh em nhà Rabinsky nhanh chóng lấy gầu múc nước, rửa mặt, đổ đầy bình nước uống, rồi biến mất.
Họ đến một căn chòi được dùng làm nơi uống cà phê. Mấy người đàn ông ngồi tán dóc bên trong, có người đánh cờ, trong khi các bà vợ làm việc vất vả ngoài đồng. Mùi cà phê, thuốc lá nghẹt trong căn chòi. Jossi lên tiếng hỏi “Chúng tôi nhờ chỉ đường”. Sau vài giây, một người đàn ông Ả Rập đứng dậy, ra dấu cho hai anh em đi theo. Ông ta dẫn Jossi, Yakov đến giòng suối, bên kia là một ngôi đền Ả Rập (Mosque). Bên cạnh ngôi đền có căn nhà lớn, có phòng rộng làm nơi tiếp khách chung cho cả làng.
Một người đàn ông tuổi khoảng 25, ăn mặc đầy đủ, sang trọng, với khăn trên đầu xuất hiện, chào đón hai người khách phương xa.
- Tôi là Kammal, trưởng làng (Muktar) Abu Yesha. Sau đó ra lệnh cho người em đem trái cây, cà phê ra mời khách.
Hai anh em nhà Rabinsky ngạc nhiên, ông ta còn nói được chút đỉnh tiếng Hebrew.
- Khu vực làng này là nơi được coi như nơi chôn cất Joshua (Thánh Do Duệ). Các anh cũng biết Joshua là đấng Tiên Tri Hồi giáo và cũng là một chiến sĩ Hebrew.
Vị trưởng làng Kammal theo phong tục người Ả Rập, không đặt câu hỏi thẳng. Ông ta nghĩ rằng, có lẽ hai anh em Jossi, Yakov bị lạc đường vì chưa từng có người Do Thái nào đặt chân đến Abu Yesha. Jossi cắt nghĩa rằng anh em chàng đi từ phương bắc xuống, định tìm đến một làng Do Thái lập nghiệp.
Được Jossi cắt nghĩa, Kammal thấy thoải mái thêm đôi chút. Ông ta là người trưởng làng duy nhất, người lãnh đạo tinh thần và cũng là người duy nhất biết chữ trong làng Abu Yesha. Jossi tự dưng cảm thấy thích ông trùm Kammal. Sau khi ăn hết đĩa trái cây, hai anh em xin phép kiếu từ. Kammal dặn dò “Các anh sẽ tìm lấy làng Do Thái cách đây khỏang 30 cây số về hướng nam, nằm giữa hồ Huleh và biển Galilee. Trên đường đi, các anh sẽ băng qua một đồi nhân tạo (Tel), dưới chân đồi có thành phố cổ Hazor… Mong Thượng Đế che chở cho các anh trên đường đi…”.
Đến xế chiều, họ đến Rosh Pinna, làng định cư xa nhất của dân Do Thái. Anh em nhà Rabinsky nghỉ qua đêm rồi lại ra đi vào sáng sớm hôm sau. Jossi và Yakov dự định băng qua mấy ngọn đồi đến Safed, một trong bốn thành phố quan trọng trong, tín ngưỡng của dân tộc Do Thái. Thành phố cổ này nằm trên một ngọn đồi xinh đẹp, cửa ngõ vào khu vực hồ Huleh trong vùng Galilee. Thêm một lần nữa, hai anh em thất vọng. Họ gặp thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư Do Thái sống dựa trên sự nghiên cứu bộ sách Cabala, sách về những điều bí mật. Họ không màng tới sự hồi sinh của căn nhà Jacob (quốc gia Do Thái), chỉ muốn sống lặng lẽ, nghèo hèn. Hai anh em nghỉ đêm và tiếp tục cuộc hành trình đi Jerusalem.
Khi Jossi, Yakov leo lên những ngọn đồi Judea. Tinh thần lên cao, những còn đường mòn người Do Thái xử dụng từ ngàn xưa vẫn còn đó. Những ngọn đồi đã bị soi mòn đi theo năm tháng, nhưng anh em Jossi, Yakov vẫn hăng hái sắp được nhìn thấy lịch sử của dân tộc. Lên đến đỉnh họ trông thấy Thành Phố của David.
Jerusalem! Họ đi qua bức tường bao quanh thành phố cổ qua cổng Damascus, lối đi quanh co đầy những cửa tiệm dẫn đến ngôi đền (Synagogue) Hurva uy nghi. Jossi lẩm bẩm nói với chính mình.
- Ước gì cha có mặt ở đây với chúng ta. Yakov cầu nguyện.
- Nếu tôi quên được người, Ồ Jerusalem…
Từ ngôi đền, Jossi, Yakov đi đến bức tường duy nhất còn lại của ngôi đền xưa vĩ đại. Bức tường vẫn đứng vững bên cạnh ngôi đền Hồi giáo Mosque of Omar, hoặc Dome of the Rock. Bức tường này là chốn linh thiêng nhất đối với tất cả người Do Thái. Hai anh em nhà Rabinsky đi đến hải cảng Jaffa và dừng chân nơi đó.
Một năm sau, Jossi, Yakov nhận được tin nhà từ tu sĩ Lipzin. Mẹ của hai chàng đã mất vì những đau buồn xẩy đến cho gia đình. Jossi, Yakov làm việc nơi bến tầu hay làm thuê trên những cánh đồng của người Do Thái.
Khi nguồn tư tưởng Quốc Gia Cực Đoan Ziomist lan truyền đến Palestine, anh em nhà Rabinsky đã là “ma cũ” ở Palestine. Hai anh em đã không còn ảo vọng về miền đất của mật và sữa nữa, đã làm tất cả mọi nghề, biết tất cả mọi nơi, mọi ngã ngách trong vùng. Yakov cảm thấy cay đắng thêm cho cuộc đời. Jossi cảm nhận sự tự do tương đối được có, chàng vẫn mơ về phần đất đã đi qua, nơi thung lũng hồ Huleh phiá trên Safed.
Yakov coi người Ả Rập cũng như người Thổ (Nhĩ Kỳ) là kẻ thù, không khác bọn Cosacks, bọn sinh viên ở Nga Sô. Mặc dầu người Thổ không giết người, nhưng tất cả những hành động khác chông lại người Do Thái, họ đều công nhận. Nhiều đêm hai anh em nhà Rabinsky cãi nhau.
- Đồng ý mình có thể làm chủ đất qua sự mua bán hợp pháp, nhưng mình kiếm đâu ra người làm thuê. Vả lại bọn Bedouins, bọn Thổ chắc gì đã để mình yên ổn.
- Mình sẽ kiếm được người làm. Bọn Thổ có thể mua chuộc. Còn bọn Ả Rập mình phải học cách sống hòa hợp bên cạnh họ. Điều này có thể làm được nếu mình hiểu được họ.
- Điều duy nhất bọn Ả Rập hiểu là quả đấm. Jossi lắc đầu trả lời.
- Sẽ có ngày tụi nó treo cổ chú (Yakov).
Hai anh em, càng ngày càng cách biệt về tư tưởng và hành động. Jossi vẫn mơ điều ước nguyện hòa bình và sự thông cảm. Yakov vẫn theo đuổi đường lối hành động trực tiếp “Ăn miếng trả miếng”, những kẻ làm điều tổn hại đến người Do Thái.
Qua đầu thế kỷ mới (1900), Yakov gia nhập vào một nhóm mười lăm người, làm chuyện phiêu du. Họ mua một miếng đất nằm sâu trong thung lũng Jezreel, nơi mà chưa một người Do Thái nào dám đến từ nhiều thế kỷ trước. Mười lăm người đi tiên phong lập nông trại, trung tâm huấn luyện nông nghiệp, và đặt tên là Sde Tov, Cánh Đồng của Nữ Thần. Vị trí của họ đáng sống và làm việc rất nguy hiểm, tứ bề đều có những bộ lạc Ả Rập Bedouins, sẵn sàng giết người để lấy của.
Năm 1900 có khoảng 50 ngàn người Do Thái sinh sống ở Palestine. Jossi cảm thấy thoải mái, có thêm bạn. Họ thường buôn bán nơi hải cảng Jaffa, một số ít đến làm ăn nơi hải cảng nhỏ Haifa. Để bành trướng, tổ chức Zionists tìm cách mua đất từ tay người Ả Rập, lúc đó đương nhiên làm chủ đất vùng Palestine.
Khoảng giữa năm 1902, tổ chức De Schumann (Zionists) liên lạc với Jossi Rabinsky và phong cho Jossi làm trùm trong việc mua bán đất đai. Họ chọn Jossi vì chàng đã biết quá nhiều vùng đất Palestine, và không ngại đi vào vùng đất của người Ả Rập. Tổ chức Zionists xây một khách sạn ở Jaffa, cũng làm nơi đặt bộ chỉ huy. Họ tung ra chiến dịch mua đất để xây dựng những làng Do Thái mới, sẵn sàng cho người Do Thái mới trở về cố hương cư ngụ.
Jossi rất hứng khởi trong công việc, ngoài ra chàng có thêm dịp để gặp người em Yakov. Cuối cùng Jossi đã có dịp đi trở lại ngôi làng Rosh Pinna, nơi định cư xa nhất của người Do Thái, và vùng đất xung quanh hồ Huleh gần làng Ả Rập Abu Yesha. Jossi quả là một hình ảnh đẹp của người đàn ông, trên yên con ngựa trắng. Chàng đã trở nên một người đàn ông ba mươi tuổi, cao lớn, vạm vỡ. Jossi trông oai vệ với hàm râu rậm rạp, đội khăn quàng kiểu Ả Rập, ngang vai đeo dây đạn, rong ruổi trên những Cánh Đồng của Sharon, những ngọn đồi Samaria trong vùng Galilee tìm đất để mua.
Jossi gặp lại ân nhân, Kammal vị tù trưởng làng Abu Yesha. Kammal lớn hơn Jossi vài tuổi, ông chủ đất Kammal có ba bà vợ, vẫn thường vắng mặt trong làng đi du hí ở những chốn phồn hoa đô thị như Beirut và Cairo. Hai người trở nên bạn, Kammal qúy trọng Jossi ở tính cương trực, ôn hòa, hiểu biết rộng rãi. Jossi thích Kammal ở chỗ, ông ta là ân nhân và cũng là một người Ả Rập có kiến thức. Qua Kammal, Jossi biết thêm nhiều điều về tập quán, tín ngưỡng, cũng như lịch sử vĩ đại, uẩn khúc của sắc dân Ả Rập.
Vào thế kỷ thứ Bẩy, đạo Hồi (Islam) lan truyền đến những bộ lạc bán khai Bedouin trong sa mạc. Lời giảng dậy của Mohamed (nhà Tiên Tri, sứ giả của Thượng Đế) qua đến biên giới Trung Hoa, và qua Âu châu. Sau hàng trăm năm cấm đoán sự bành trướng của đạo Hồi. Trọng tâm của đạo Hồi là sắc dân Ả Rập, họ kết hợp vào một khối vì cùng chung ngôn ngữ, chung đức tin nơi Thượng Đế. Tuy nhiên, trước sự bành trướng của đạo Hồi, người Do Thái vẫn giữ những điạ vị cao trong thế giới người Ả Rập.
Nền văn minh của nhân loại phát triển mạnh mẽ ở Trung Đông, trong khi Âu châu đang trải qua giai đoạn Đen Tối (Dark Age), và các lãnh chúa cai trị. Các thành phố Bagdad, Damascus được coi như Athen ở Hy Lạp. Nền văn hoá Hồi giáo thật kỳ diệu, trong vòng năm trăm năm, những triết lý cao siêu, những công trình khoa học, những nghệ thuật siêu đẳng đều tập trung trong thế giới nói tiếng Ả Rập.
Tiếp theo là những trận Thánh Chiến của người Cứu Thế (Crusaders). Những người cướp bóc, hãm hiếp, giết người dưới danh nghĩa của cùng Thượng Đế, chung cho cả hai tôn giáo, đạo Hồi và đạo Tin Lành (Christian).
Sau đó là một trăm năm lầm than dưới ách người Mông Cổ. Kẻ xâm lăng đến từ Á châu, người Mông Cổ lúc đó nổi tiếng là tàn bạo giết người không gớm tay. Kim Tự Tháp xây bằng sọ người Ả Rập được dựng nên để nhắc nhở đến sự bạo tàn của người Mông Cổ.
Người Ả Rập đã kiệt quệ qua những thế kỷ chiến tranh. Nhiều thành phố bị tàn phá, sau đó bị hạn hán làm khô cằn những ốc đảo đầy hoa, và dần dần bị biển cát vùi sâu. Người Ả Rập trở nên thù hận đánh lẫn nhau, làm mất đi đất đai, và nền văn hóa cũng tàn lụi. Bị phân hóa, người Ả Rập không chuẩn bị cho một đại họa cuối cùng.
Đến phiên người Ottomans xâm lăng. Thêm năm thế kỷ lũng đoạn, các lãnh chúa đánh lẫn nhau. Một giọt nước qúy hơn vàng hay gia vị trong vùng đất thiếu mầu mỡ. Thiếu nước, thế giới Ả Rập bị phân hóa, bẩn thỉu, bệnh tật, nghèo đói và mù chữ.
Jossi Rabinsky, im lặng học hòi, quan sát người Ả Rập buôn bán trong hải cảng Jaffa. Chàng được Kammal giới thiệu bộ kinh Koran của Hồi giáo. Jossi khám phá ra rằng đấng Abraham vừa là tổ phụ của người Do Thái lẫn người Ả Rập. Từ đấng Ishmael, con của Hagar nẩy sinh ra mầm mống Ả Rập.
Jossi cũng học hỏi thêm được, thánh Mô Sen (Moses) người ban hành luật (10 điều răn) cho người Do Thái cũng là nhà Tiên Tri chính yếu của dân Ả Rập. Những lời tiên tri trong kinh thánh cũng là những lời tiên tri trong kinh Koran. Ngay cả đến những tu sĩ (rabbis) nổi tiếng cũng là những bậc thánh trong đạo Hồi.
Trong khi đó, ông em Yakov đã rời bỏ Sde Tov. Vùng đất vẫn cằn cỗi không thể canh tác được. Yakov lang thang khắp nơi trong vùng Palestine tìm chỗ “đứng” cho chàng.
Sự thất bại cách mạng năm 1905, đưa một số người Do Thái bên Nga về Palestine. Thế hệ này trẻ trung hơn và được thấm nhuần chủ nghĩa Zionism Năm 1905 được đánh dấu trong lịch sử Do Thái là lần thứ hai Aliyah (lên thiên đàng) trong cuộc di cư vĩ đại Exodus..
Những người trẻ mới đến Palestine trong đợt Aliyah thứ hai, với tinh thần Zionism, họ không thích nghề buôn bán như trong hải cảng Jaffa. Họ không đồng ý nếp sống hòa đồng tôn giáo, chỉ muốn làm chủ đất đai. Yakov làm chuyến phiêu lưu lần nữa, lần này cùng với thế hệ thứ hai, chàng mua một miếng đất trong vùng Galilee tên là Sejera. Trong một chuyến đi về Jaffa, Yakov ghé thăm ông anh Jossi, báo tin vui về chuyện làm ăn mới.
- Anh cũng biết các bộ lạc Bedouins tống tiền các làng định cư… phải mướn tụi nó bảo vệ… Bọn chúng đến Sejera đe dọa… phải mướn chúng nó… Nhưng bọn tôi không chịu. Mình phòng thủ rất kỹ, phục kích giết được tên trùm, làm chúng không dám bén mảng đến nữa. Yakov nói tiếp. Chúng tôi nghĩ rằng, mình bảo vệ được một làng, sẽ bảo vệ được những làng khác, nên lập những toán tuần tiểu lưu động, muốn mời anh chỉ huy một toán.
Jossi cũng hứng thú nhưng vẫn cân nhắc.
- Để tôi nghĩ lại đã.
- Có chuyện gì nữa để phải suy nghĩ.
- Nên nhớ bọn Bedouins không dễ dàng bỏ nguồn lợi tức mà không có đánh nhau. Còn bọn Thổ nữa, đâu để mình được võ trang dễ dàng.
- Không lo, mình sẽ thanh toán bọn nó. Anh nghĩ sao, bọn tôi cần anh?
- Để tôi nghĩ lại đã.
Yakov vẫn nóng nẩy như xưa, đưa hai tay lên trời.
- Thời buổi này mà anh làm như vẫn còn sống trong khu tập trung ghetto. Đơn vị bọn tôi muốn anh chỉ huy sẽ đi căn cứ tuần tới trên đỉnh Canaan.
Nghe nói tới đỉnh Canaan, như giấc mơ. Jossi nghĩ lại và nhận lời. Chàng từ chức công việc mua bán đất đai, đi lên Mount Canaan. Họ tự xưng là nhóm Hashomer: những người bảo vệ. Nhóm Jossi có nhiệm vụ trong vòng đai từ đỉnh Canaan, qua Rosh Pinna nơi hướng bắc, vòng xuống phiá nam qua thung lũng Genossar dọc theo biển Galilee, và phiá bắc đến Safed, Meron.
Jossi biết rằng, trước sau chuyện chẳng lành sẽ đến. Sau khi mất nguồn lợi tức, bọn Bedouins sẽ gây hấn. Đáng nghi ngờ nhất là bộ lạc Bedouins trong khu vực dưới sự lãnh đạo của tên trộm cắp, dấu diếm già tên Suleiman. Bọn này hạ trại trên dẫy đồi gần Abu Yesha. Suleiman tống tiền, đòi một phần tư số lượng gặt hái của làng Rosh Pinna để “được bảo vệ”. Trước khi bọn Ả Rập được biết có nhóm bảo vệ hoạt động trong khu vực, Jossi một mình cưỡi ngựa đi tìm trại đóng quân của Suleiman.
Chàng tìm được họ vào chập tối, bộ lạc Bedouins hạ trại nơi xa hơn làng Ả rập Abu Yasha, gần Tel Hai trên phần đất Lebanon. Những chiếc lều da dê mọc lên xung quanh đồi. Bộ lạc du mục này tự nhận họ thuộc sắc dân Ả Rập thuần túy nhất. Cuộc sống du mục rất khó khăn, nhưng mối liên hệ chặt chẽ của bộ lạc đã trói buộc họ lại. Họ cũng là những chiến sĩ can đảm và ranh mãnh trong vấn đề đổi chác.
Sự xuất hiện của một người đàn ông lạ mặt, lớn con (Jossi cao hơn 6 bộ. 6’3), râu đỏ làm bộ lạc Bedouins báo động. Những người đàn bà Bedouins mặc váy đen, với xâu chuỗi làm bằng đồng xu che mặt vội tìm chỗ trú ẩn. Khi Jossi vào đến bên trong trại, một người Ả Rập đen, hiển nhiên từ Sudan, ra chào đón và cho biết mình là nô lệ của Suleiman. Người nô lệ da đen đưa Jossi đến căn lều lớn nhất bên cạnh chỗ nhốt bầy dê.
Tên tướng cướp già trong bộ quần áo đen, khăn che đầu cũng mầu đen, từ trong lều bước ra. Hai bên người là hai con dao bằng bạc, rất đẹp. Suleiman bị mất một mắt, khuôn mặt đầy vết sẹo, chiến tích của những trận đánh nhau hoặc hãm hiếp đàn bà có móng vuốt. Hai “sư phụ” nhận diện nhau xong, Suleiman mời Jossi vào trong lều nói chuyện. Suleiman ra lệnh cho nô lệ mang trái cây, cà phê ra mời khách. Cả hai ngồi hút thuốc lá qua ống hút dài, chỉ nói chuyện bâng quơ nửa tiếng đồng hồ. Linh tính cho Suleiman biết Jossi không phải là một tên Do Thái tầm thường, cũng không đến vì chuyện thường tình.
Cuối cùng Suleiman hỏi Jossi đếân với mục đích gì? Jossi điềm tĩnh trả lời rằng nhóm Hashomer có nhiệm vụ bảo vệ và cám sơn sự bảo vệ của Suleiman từ bao lâu nay. Tướng cướp Ả Rập nghe tin không chớp con mắt còn lại. Jossi yêu cầu cái bắt tay “bằng hữu”, Suleiman mỉm cười, đưa tay ra.
Tối hôm đó, Jossi cưỡi ngựa thăm làng Do Thái Rosh Pinna. Chàng triệu tập một phiên họp với dân làng. Mọi người sợ xanh mặt, tin chắc rằng Suleiman sẽ cắt cổ họ. Jossi Rabinsky phải hứa ở lại làng để bảo vệ họ, dân làng mới thở ra nhẹ nhõm. Nơi cuối phòng họp có cô gái trẻ hai mươi tuổi, tên là Sarah, vừa mới đến từ Silesia Ba Lan. Sarah nhỏ người tóc đen, trong khi Jossi lớn con, tóc đỏ. Chàng lên tiếng chào hỏi.
- Cô là người mới đến đây?
- Vâng.
- Tên tôi là Jossi Rabinsky.
- Ở đây, ai cũng biết ông.
Jossi ở lại Rosh Pinna một tuần, chàng bận bịu với Sarah. Đến ngày thứ chín, hơn một chục tên Ả Rập vào làng lấy trộm vài trăm cân lúa. Jossi đang canh gác, chỉ quan sát bọn trộm, tìm biện pháp khác.
Sáng sớm hôm sau, Jossi lại một mình một ngựa đi tìm trại Suleiman, lần này chàng võ trang cẩn thận. Cầm trên tay sợi roi da dài mười bộ, Jossi phóng ngựa đến thẳng lều Suleiman, rồi xuống ngựa. Chàng lên tiếng quát thật to “Suleiman, bước ra khỏi lều”. Hơn chục tên khác xuất hiện, cầm súng, khuôn mặt ngạc nhiên “Tay nào to gan” vậy. Jossi vẫn quát tháo “Bước ra”. Tên tướng cướp già từ từ bước ra, đứng chống nạnh.
- Tên nào vậy. Tên nào gào như con dê bị bệnh vậy?
Những tên cướp khác cười rộ lên khoái chí. Cặp mắt Jossi vẫn không rời Suleiman.
- Ta là Jossi Rabinski, người mà gào như con dê bị bệnh. Suleiman là tên trộm cắp gian dối.
Nụ cười trên môi Suleiman biến mất. Đám cướp Bedouins đứng xung quanh, căng thẳng chờ lệnh của chủ tướng, “làm thịt” tên Do Thái. Jossi nói tiếp.
- Ra tay đi. Ra lệnh cho đám con cháu. Danh dự của Suleiman không hơn con heo. Nhà ngươi hèn hơn đàn bà.
- Mẹ mày là con đĩ vang danh trên thế giới.
- Cứ nói đi, con đàn bà hèn hạ.
Suleiman điên tiết, rút dao ra xông tới. Jossi vung sợi roi da lên quất vào chân Suleiman, hất tung Suleiman xuống đất. Tiếp theo là những lằn roi quất lên lưng tên cướp già. Hắn ta van xin Jossi “Mình là anh em. Mình là anh em”. Jossi chỉ mặt “Suleiman, ông đã cho tôi cánh tay bạn hữu. Nếu ông và đám đàn em còn đặt chân lên trên cánh đồng của chúng tôi. Tôi sẽ dùng sợi roi này cắt ra từng mảnh cho cáo ăn”.
Nói xong, Jossi nhình quanh những khuôn mặt sững sờ của đám cướp Bedouins. Có lẽ cả bọn chưa từng trông thấy người nào to lớn dữ tợn như vậy. Từ đó Suleiman biến mất không còn quấy phá người Do Thái nữa.
Jossi vẫn thường ghé Rosh Pinna hàng tháng. Khoảng một năm sau, một hôm Jossi mời Sarah đi chơi với chàng lên vùng phiá bắc trong thung lũng Huleh. Họ dừng ngựa trên đỉnh đồi. Jossi chỉ xuống thung lũng, khẽ nói “Tôi về cố hương Palestine qua ngã này”. Hai người vẫn im lặng nhìn ngắm cảnh xung quanh. Sarah biết Jossi rất yêu quê hương.
- Jossi Rabinsky. Anh có muốn cưới em không? Quá sung sướng đến nghẹn lời.
- Anh… cũng muốn hỏi em câu đó…
Năm 1909, Jossi trở thành người Do Thái được biết đến nhiều nhất ở Palestine. Cộng đồng người Do Thái trong hải cảng Jaffa lớn mạnh, họ cần nhiều nhu cầu về nhà cửa, vệ sinh v.v… Jossi được Zionists ủy nhiệm mua một giải đất phiá bắc Jaffa, chỉ có những cồn cát. Trên mảnh đất này, một cộng đồng hoàn toàn người Do Thái đầu tiên được xây dựng. Họ đặt tên là Đồi Xuân (Hill of Spring – Tel Aviv).
Ông em Yakov gặp đối thủ. Tên người đẹp là Ruth, một phụ nữ hấp dẫn, nàng cũng là thủ lãnh đám đàn bà “nổi loạn” đòi quyền bình đẳng. Ruth cũng là người duy nhất thắng được Yakov trong vấn đề tranh luận. Hai người sống rất hạnh phúc.
Jossi trở về nhà sau một buổi họp mặt với nhóm Vaad Halashon. Chàng lên tiếng gọi vợ.
- Sarah. Sau buổi họp ở Vaad Halashon, họ yêu cầu anh lấy một tên Hebrew, và hoàn toàn nói tiếng Hebrew. Ben Yehuda đã làm được chuyện hiện đại hoá tiếng Hebrew.
- Chuyện chẳng đâu vào đâu. Anh muốn bắt chước chú Yakov Rabinsky phải không?
- Ừ! Yakov lấy tên Akiva. Thần tượng của Yakov, vị tu sĩ bị người La Mã lột da.
- Mình có ngôn ngữ Yiddish của mình.
- Yiddish là ngôn ngữ của những người bị đi đầy, của trại tập trung ghetto. Kể từ hôm nay, tên của anh sẽ là Barak Ben Canaan.
Trận Đệ Nhất Thế Chiến (1914-1918) xẩy ra, quân Thổ Nhĩ Kỳ chiếm vùng Palestine. Tên anh em nhà Rabinsky (đã đổi tên là Akiva, và Barak Ben Canaan) đứng đầu danh sách bị cảnh sát Thổ chiếu cố. Họ cho họ sáu tiếng đồng hồ để rời khỏi Palestine.
- Chừng nào mình phải đi hả anh?
- Mình phải đi trước khi trời sáng. Chỉ đem theo được một túi nhỏ, bỏ lại tất cả.
Sarah dựa vào tường, hai tay ôm bụng. Lần mang thai này đã được sáu tháng, nàng không muốn bị xẩy thai như năm lần trước.
- Em không muốn đi đâu hết.
- Mình phải đi. Không còn thì giờ nữa. Barak Ben Canaan ôm vợ.
- Em sợ sẽ bị xẩy thai lần nữa…
Barak lặng lẽ xách giỏ đưa vợ đi.
- Em đi Shoshana sống với Ruth (vợ người em Akiva). Ráng giữ gìn sức khoẻ. Ruth sẽ chăm sóc cho em.
Anh em Ben Canaan chạy qua Cairo, sau đó gia nhập quân đội Hoàng Gia Anh và qua Anh quốc. Họ có mặt trong trận đổ bộ ở Gallipoli. Trận này là một thảm họa, Akiva bị thương nơi ngực. Sau đó đơn vị Do Thái bị giải tán, Barak được đưa qua Anh, cùng với một Zionist khác Zev Jabotinsky thành lập các tiểu đoàn 38, 39, và 40 thuộc lữ đoàn mệnh danh Judeans (Do Thái). Akiva không hoàn toàn bình phục vết thương, được tổ chức người Do Thái Zionist ở Hoa Kỳ bảo lãnh qua Mỹ để đi thuyết trình về cố hương Palestine.
Trong khi anh em Ben Canaan, chạy qua Âu châu, cảnh sát Thổ Jemal Pasha tìm đến làng chiến đấu (Kibbutz) Shoshanna bắt Sarah. Nàng bị hỏi cung ba ngày sau đó bọn Thổ phải trả tự do cho nàng. Ruth van xin cảnh sát Thổ ngoài cổng đón Sarah, đưa nàng về bằng xe do lừa kéo.
Khoảng một tuần sau, trong lúc sức khỏe còn yếu kém, Sarah hạ sinh được một bé trai. Tiếng kêu la của Sarah yếu dần đi, ai cũng tưởng nàng sẽ không qua khỏi. Thượng Đế đã che chở cho Sarah, tuy nhiên một năm sau nàng mới bình phục. Đứa bé mau lớn và khỏe mạnh, giống như người cha Barak Ben Canaan. Hai chị em dâu Sarah, Ruth lặng lẽ nuôi con chờ chồng trở lại.
Đầu năm 1917, quân đội Anh đã chiếm xong Ai Cập, đuổi quân Thổ trở lại vùng bán đảo Sinai. Đến cuối năm, người Ăng Lê tiến vào Palestine, lấy được thành phố Beersheba, giải Gaza và hải cảng Jaffa. Thưà thắng, quân đội Anh tràn qua Damascus, đánh dấu ngày tàn của vương quốc Ottoman.
Anh em Akiva, Barak Ben Canaan trở về nhà sau trận thế chiến. Những đoá hoa hồng đang nở, mảnh đất như bừng sống lại, mầu xanh tươi mát trổ lên khắp nơi. Nước từ giòng sông Jordan chẩy qua cổng làng Shoshanna trước khi đổ ra biển Galilee.
Chùm râu đỏ của Barak, mái tóc đen của Akiva đã có những sợi trắng chen vào khi cả hai đứng trước cửa nhà. Ruth ôm lấy chồng, Sarah nắm tay Barak lôi vào bên trong, đi ra vườn sau. Một đứa bé lên ba tuổi khoẻ mạnh, cặp mắt sáng đang nhìn chàng. Không đợi câu trả lời, Barak quỳ xuống ôm lấy đứa bé, bế trên đôi tay chắc chắn của chàng.
- Con trai tôi… Con trai tôi.
- Con anh đó… Em đặt tên cho nó là Ari.
Lần Aliyah (Lên thiên đường- Về miền đất hứa) thứ ba, bành trướng trong những vùng đất mới mua Jezreel, thung lũng Sharon, Samaria, lên tới những ngọn đồi Judea, vùng Galilee và về vùng sa mạc nơi hướng nam. Người di dân Do Thái đem về cố hương máy móc, phát triển hệ thống dẫn nước cho nông nghiệp. Họ trồng nho, chanh, olive, ngoài ra trồng thêm lúa mì, rau cỏ, chăn nuôi gia súc.
Người Do Thái lan tràn đến vùng Biển Chết (Dead Sea, Hắc Hải), nơi mà nồng độ muối không làm vạn vật cây cỏ sống được hơn 40 ngàn năm. Họ đào hồ nuôi cá, tăng gia sản xuất. Họ trồng hàng triệu cây cối, biến sa mạc thành những cánh rừng xanh, những nơi nào họ đặt chân tới. Người Do Thái xây dựng những làng chiến đấu kibbutz, đặt tên dựa trong kinh thánh như: Ben Shemen - Con của Dầu Hỏa, Dagania – Hoa Bắp, Ein Ganim – Fountain of Garden, Kfar Yehezkiel – Ngôi làng của tiên tri Ezekiel, Tel Yosef – Đồi của Joseph.
Barak Ben Canaan trở nên một người được kính phục trong cộng đồng Do Thái. Năm 1924, ông trở lại Tel Aviv. Lần này Barak ngạc nhiên, vui mừng gặp lại cố tri, Kammal vị tù trưởng làng Ả Rập Abu Yesha. Kammal than thở “Bao nhiêu năm, tôi cầu nguyện, tìm cách giúp dân tộc tôi, nhưng chẳng đi tới đâu. Họ không muốn tiến… còn muốn đập phá những gì mình đang có. Tôi được chứng kiến người Do Thái trở về và làm phép lạ trên mảnh đất của họ… Người Do Thái đã cứu dân Ả Rập… Qua nhiều ngàn năm, người Do Thái là dân tộc duy nhất đã đem ánh sánh đến vùng đất này”. Barak chăm chú nghe.
- Tôi hiểu, nhiều điều khó nói ra.
- Làm ơn để tôi nói tiếp. Nếu chúng ta có thể chung sống, cả hai đều trở nên thịnh vượng. Tôi muốn bán cho anh phần đất bên hồ Huleh. Phần đất mà anh thích.
Gia đình Barak Ben Canaan bán căn apartment ở Tel Aviv, lãnh đạo hai mươi lăm gia đình khác lên hồ Huleh khai khẩn, lập nghiệp. Họ đặt tên vùng đất của họ là Yad El trong cổ ngữ Hebrew có nghĩa là Bàn Tay Thượng Đế.
Barak cùng con trai Ari cưỡi ngựa đi lên Tel Hai, nơi mà ông ta cùng người em Akiva (Yakov) đã băng qua trên đường tìm về cố hương, bốn mươi năm trước. Tel Hai cũng là nơi chôn cất Joseph Trumpledor, một thánh nhân Yishuv. Từ trên đỉnh đồi nhìn xuống Yad El, Barak nói với con.
- Bố đưa mẹ con đến đây trước khi cưới mẹ con. Không bao lâu nữa, những làng Kibbutz se mọc lên, và cả khu vực đều trở nên mầu xanh, quanh năm.
- Từ trên này nhìn xuống Yad El rất đẹp, thưa Bố.
Như Kammal đã hy vọng, làng Yad El gây ảnh hưởng đến làng Abu Yesha. Barak giữ lời hứa, ông ta lập trường học đặc biệt cho người Ả Rập, dậy cho họ vấn đề vệ sinh, xử dụng máy móc và phương pháp canh nông mới. Các trẻ em trong làng Abu Yesha đều được vào học. Các bác sĩ, y tá trong Yad El cũng chăm sóc cho người Ả Rập.
Người con cưng của Kammal là Taha, nhỏ hơn Ari vài tuổi. Tương lai sẽ thay cha lên ngôi tù trưởng, nên được gửi vào học trong Yad El. Taha sống vơí gia đình Ben Canaan nhiều hơn trong làng Abu Yesha, và trở thành bạn thân của Ari.
Sau những năm tháng sống chung hòa bình bên cạnh nhau. Những lãnh tụ quá khích Ả Rập, trong đó có Haj el Husseini sợ dân Do Thái sẽ lần hồi chiếm đất, họ tìm cách chia rẽ, gây oán thù. Năm đó là năm 1929.
Ngôi đền Hồi giáo “Dome of the Rock” còn có tên nữa là “Mosque of Omar” trong Jerusalem là chốn linh thiêng của đạo Hồi. Nơi đó, đấng Tiên Tri (Sứ giả của Thượng Đế) Mohammed lên thiên đàng. Cũng nơi đây, có phần còn lại của ngôi đền Do Thái sau khi bị người La Mã đốt phá vào năm 76 trước Công Nguyên. Bức tường linh thiêng của dân Do Thái, họ thường đến chân bức tường, cầu nguyện, than khóc, tiếc cho những hào quang đã qua của Do Thái, do đó bức tường còn được gọi là “Wailing Wall hoặc Western Wall”.
Mấy tay “đầu sỏ” Ả Rập tung ra những hình ảnh giả, người Do Thái cầu nguyện nơi “Bức Tường Than Khóc” để hủy diệt ngôi đền linh thiêng Hồi Giáo “Dome of the Rock”. Sau đó họ xách động những người Ả Rập quá khích trả thù người Do Thái. Hiện tượng tấn công, đập phá cửa tiệm, người Do Thái xẩy ra trong khu phố cổ Jerusalem, sau đó lan tràn đến những làng kibbutz yếu phòng thủ làm hàng ngàn người chết cho cả hai bên. Người Anh lúc đó đang kiểm soát vùng Palestine phải ra tay can thiệp.
Cũng năm 1929 đó, nông gia trong làng Yad El ký hợp đồng với nhà máy xay lúa trong làng Ả Rập Aata, cách đó khoảng 10 cây số. Barak giao công việc đem lúa đi Aata cho Ari. Bà mẹ Sarah chống đối không đồng ý để cho đứa con trai mới 14 tuổi đi làm công việc đó giữa lúc mối giao hảo giữa hai sắc dân đang căng thẳng. Barak vẫn cương quyết “Con trai tôi cũng như Jordana (con gái, em Ari) không phải sống trong nỗi lo sợ của những khu tập trung (ghetto) người Do Thái.
Ari được Bố tin tưởng, hãnh diện leo lên xe chở lúa do lừa kéo, hướng về làng Ả Rập Aata. Chàng bị đám thanh niên Ả Rập ngồi trong tiệm cà phê nhận diện ngay từ lúc vào đến làng. Bọn thanh niện đi theo đến nhà máy xay. Ari rất rành tiếng Ả Rập do học hỏi với Taha, người con trai tù trưởng Kammal. Xong việc Ari đánh xe lừa về Yad El.
Bọn thanh niên Ả Rập nằm phục kích sẵn trên đường, ném đá trúng vào đầu Ari. Chàng ra roi định chạy nhanh nhưng bọn Ả Rập đã lấy đá đắp mô chăn đường. Tiếp theo là những cú đấm cú đá túi bụi cho đến khi Ari ngất đi.
Cậu bé Do Thái về đến nhà khuya đêm đó. Sarah vẫn nôn nóng ở nhà đợi tin con, ra mở cửa, nhìn thấy khuôn mặt Ari sưng húp, vương đầy máu, quần áo tả tơi, bà ta thét lên. Ari chẳng nói một lời, nghiến răng, đi ngang qua bà mẹ, vào phòng khóa cửa lại.
Mặc cho bà mẹ van nài, chàng vẫn không mở cửa, cho đến khi ông Bố Barak trờ về sau một phiên họp trong làng. Ari đứng trước mặt cha.
- Con xin lỗi đã làm mất số lúa mì.
- Không, Bố là người có lỗi… Con trai của Bố.
Sarah chạy lại ôm con “Ông không được sai con tôi đi như vậy nữa!”, rồi lôi Ari đi lau mặt, rửa vết thương. Barak vẫn lặng thinh.
Sáng hôm sau, ăn uống xong, Barak dắt con ra sau nhà kho, dậy cho Ari cách xử dụng roi như vũ khí. Bà mẹ Sarah lại ra ngăn cản. Barak trả lời “Con trai của Barak Ben Canaan là người đàn ông tự do. Nó không phải là một người Do Thái sống trong ghetto. Bà tránh ra, để cha con tôi làm việc”.
Hai tuần sau, Barak chất lên xe lừa một tá bao lúa, ôm vai Ari.
- Con đem lúa đi Aata xay.
- Thưa vâng.
- Nhớ kỹ, con cầm trên tay công lý. Không nên trả thù, chỉ dùng để tự vệ.
Sau khi Ari ra đi, Barak ngồi làm một chuyện mà ông ta đã quên bao năm nay, đọc kinh cầu nguyện.
Bọn Ả Rập ăn quen làm nữa, phục kích Ari trên đường về. Lần này Ari đã đề phòng, nhớ lời cha căn dặn, chàng vẫn thản nhiên đánh xe đi tới. Khi một viên đá bay tới, Ari phóng ngay xuống xe, nhắm tên đầu sỏ, vung roi. Ngọn roi quấn vào cổ tên trùm, quật xuống đất, tiếp theo là một ngọn roi nữa vút trên lưng, rách áo, chẩy máu. Trận chiến kết thúc nhanh chóng, bọn cướp cạn sợ xanh mặt, bỏ chạy.
Khi mặt trời bắt đầu lặn, thấy con trai chưa về, Barak bắt đầu lo, ra trước cổng làng Yad El đứng đón con. Rồi chiếc xe lừa xuất hiện, lúc đó mới nở nụ cười. Ari ngừng lại chỗ cha đang đứng.
- Chuyến đi thế nào con.
- Mọi chuyện tốt, Bố ạ!
- Để Bố xếp bột vào kho, con vào nhà ngay cho mẹ mừng, bà ta lo lắng cả buổi.
Click for Section 5
Click for Section 5
No comments:
Post a Comment